Kiểm tra - đánh giá năng lực tổng hợp trong đào tạo GV Ngữ văn là quá trình thu thập và xử lý thông tin nhằm hoàn thiện trình độ, năng lực thực hiện các kỹ năng cần thiết của người GV Ngữ văn tại trường PT.
Tóm tắt: Kiểm tra - đánh giá năng lực tổng hợp trong đào tạo GV Ngữ văn là quá trình thu thập và xử lý thông tin nhằm hoàn thiện trình độ, năng lực thực hiện các kỹ năng cần thiết của người GV Ngữ văn tại trường PT. Để đạt được hiệu quả đó, chúng ta cần đổi mới nội dung, hình thức và những tiêu chí cơ bản trong kiểm tra, đánh giá. Bài viết tập trung làm rõ khái niệm, hệ năng lực nghề và các hình thức trong kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên môn ( ngữ văn), năng lực tư duy, năng lực sư phạm của SV Ngữ văn. Trong đó, chú ý các hình thức đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá; Đánh giá phản hồi; Đánh giá xác thực. Hệ năng lực tổng hợp của GV Ngữ văn sẽ là cơ sở để xác định các mức độ năng lực đã đạt nhằm đo được khả năng và sự tiến bộ của người học; cung cấp thông tin phản hồi cho SV và GV về những gì họ đã làm được và những gì cần phải làm để hoàn thiện hệ năng lực cơ bản của người GV Ngữ văn nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.
Sử dụng phương pháp đánh giá đa dạng, khoa học và hiện đại đang trở thành đối tượng nghiên cứu, thực hiện tại các trường sư phạm nhằm đáp ứng mục tiêu đổi mới giáo dục từ cung cấp kiến thức sang hình thành năng lực cho người học.
1. TIẾP CẬN NĂNG LỰC TRONG KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ GIÁO DỤC
1.1. Quan niệm về năng lực
* Theo quan điểm của những nhà tâm lý học, " năng lực là tổng hợp các đặc điểm, thuộc tính của cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định nhằm đảm bảo cho hoạt động đó đạt hiệu quả cao. Năng lực của con người không hoàn toàn do tự nhiên mà có, phần lớn là do quá trình học tập, tập luyện mà nên. Năng lực có nhiều dạng khác nhau, đó là năng lực chung và năng lực chuyên môn. Năng lực chung cần thiết cho nhiều hoạt động khác nhau như năng lực tư duy, khái quát hóa, logic…; năng lực chuyên môn là năng lực đặc trưng, năng lực chuyên biệt của một ngành nghề. Năng lực chung và năng lực chuyên môn có mối quan hệ qua lại hữu cơ với nhau" [1]. Trong đó, năng lực chung là cơ sở của năng lực chuyên môn. Ngược lại sự phát triển của năng lực chuyên môn trong những điều kiện nhất định lại có ảnh hưởng đối với sự phát triển năng lực chung. Trong thực tế để hoạt động chuyên môn đạt kết quả cao thì mỗi người đều phải có năng lực chung phát triển ở mức độ cần thiết và có năng lực chuyên môn tương ứng.
* Theo GS.TS Đinh Quang Báo: " năng lực là khả năng vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng , thái độ và hứng thú để hành động một cách phù hợp và hiệu quả trong những tình huống đa dạng của cuộc sống" [2].
Như vậy, bản chất của năng lực chính là khả năng chủ động ứng phó linh hoạt, sáng tạo của mỗi cá nhân trong những tình huống cụ thể không báo trước; là khả năng làm chủ những hệ thống kiến thức, kỹ năng, thái độ và vận hành (kết nối) chúng một cách hợp lý để thực hiện thành công nhiệm vụ hoặc giải quyết hiệu quả vấn đề đặt ra của cuộc sống. Năng lực là một cấu trúc động, có tính mở, đa thành tố, đa tầng bậc, hàm chứa trong nó không chỉ là kiến thức, kỹ năng, thái độ... mà cả niềm tin, giá trị, trách nhiệm xã hội... thể hiện ở tính sẵn sàng hành động để đáp ứng yêu cầu khi những điều kiện thực tế, hoàn cảnh thay đổi.
1.2. Kiểm tra, đánh giá năng lực
Năng lực chính là một thể thống nhất bao gồm kiến thức, kĩ năng và thái độ không tách biệt nhau. Do đó, đánh giá theo năng lực là đánh giá dựa trên khả năng thực hiện nhiệm vụ cụ thể ở một mức độ phức tạp hơn và cũng đòi hỏi người thực hiện phải chủ động, linh hoạt trong mọi tình huống của thực tiễn đời sống.
- Theo tác giả Nguyễn Thành Ngọc Bảo: đánh giá theo năng lực người học là đánh giá khả năng vận dụng, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, thực tế…và phát triển tư duy bậc cao của người học chứ không dung lại ở mức độ đánh giá phân hóa riêng rẽ các phương diện kiến thức, kĩ năng và thái độ
- Theo tác giả Nguyễn Công Khanh: đánh giá người học theo cách tiếp cận năng lực là đánh giá theo chuẩn về sản phẩm đầu ra….sản phẩm đó không chỉ là kiến thức, kĩ năng mà chủ yếu là khả năng vận dụng kiến thức, kĩ năng và thái độ cần có để thực hiện nhiệm vụ học tập đạt tới một chuẩn nào đó.
- Tác giả Nguyễn Văn Tuấn đã xác định các thành phần cấu trúc năng lực bao gồm: năng lực cá thể, năng lực chuyên môn, năng lực phương pháp và năng lực xã hội.
Từ những khái niệm trên, chúng ta hiểu rằng đánh giá theo năng lực không chỉ đánh giá việc thực hiện một nhiệm vụ học tập cụ thể trong trường học mà hướng tới đánh giá năng lực giải quyết một vấn đề chuyên môn cụ thể trong thực tiễn nghề nghiệp. Vận dụng đánh năng lực, ta còn có thể dựa vào sản phẩm người học đã tạo ra, giảng viên và sinh viên đều có thể đánh giá được năng lực và sự tiến bộ của người học trong từng giai đoạn của quá trình đạo tạo.
2. XÁC ĐỊNH HỆ NĂNG LỰC CỐT LÕI SV SƯ PHẠM NGỮ VĂN
Những năng lực cần thiết để người giáo viên Ngữ văn có thể thực hiện tốt nhiệm vụ được xác định là năng lực chuyên ngành Ngữ văn, năng lực tư duy, năng lực nghề.
2.1. Năng lực chuyên ngành Ngữ văn
Năng lực chuyên môn của SV SP Ngữ văn được hiểu là năng lực sử dụng tiếng Việt để tiếp nhận văn bản và tạo lập văn bản; năng lực tự học, nghiên cứu các vấn đề thuộc lĩnh vực chuyên ngành Ngữ văn ở trường phổ thông ( các cấp học).
Trong đó, năng lực tiếp nhận văn bản tiếng Việt tức là có kỹ năng đọc hiểu văn bản và cảm thụ văn bản văn học, phát hiện giải quyết vấn đề thuộc phạm vi Ngữ văn để vận dụng vào thực tiễn nghề nghiệp - giảng dạy môn Ngữ văn ở trường THPT,THCS; nắm bắt thông tin, phân tích, đánh giá được khả năng sử dụng ngôn từ của tác giả, tạo được mối giao cảm đặc biệt giữa tác giả và bạn đọc và truyền thụ cách hiểu đó cho người học. Năng lực cảm thụ văn học giúp người đọc nắm bắt được ý nghĩa của văn bản, làm cơ sở cho việc tìm hiểu nhiều loại văn bản khác và khả năng kết nối liên hệ văn học với thực tiễn đời sống. Năng lực tạo lập văn bản tiếng Việt là kỹ năng vận dụng kiến thức về từ vựng, cú pháp, đoạn văn để tạo lập các loại văn bản phù phợp với hoàn cảnh giao tiếp trong thực tiễn nghề nghiệp và đời sống. Năng lực tự học, tự nghiên cứu yêu cầu SV phải tự mình đặt ra vấn đề, tự mình xem xét, tìm hiểu để nắm vững vấn đề, giải quyết vấn đề và có khi tự rút ra được những hiểu biết và tri thức mới. Tự học, tự nghiên cứu ngày nay không chỉ dựa vào nỗ lực cá nhân, mà cần có sự hợp tác của một nhóm người. Để giáo dục ở trường học đạt được chất lượng và hiệu quả cao cần tạo ra sự cộng hưởng giữa ngoại lực – dạy của thầy và nội lực – tự học của trò
2.2. Năng lực tư duy
Năng lực tư duy : Năng lực tư duy logic là yêu cầu người học có khả năng suy luận vấn đề theo một chuỗi tuần tự và có hệ thống nhằm phản ánh đúng đắn hiện thực khách quan. Trong đó, logic còn được hiểu là hợp lý. Tức là ý tưởng rành mạch, chặt chẽ không mâu thuẫn. Tư duy logic dạy ta những quy tắc suy luận hợp lý. Tư duy logic là nền tảng của mọi tri thức có vai trò quan trọng trong hoạt động khoa học, rất cần được rèn luyện cho SV từ những năm đầu tiên trong bậc học CĐ, ĐH; Tư duy phê phán là năng nhận biết, phát hiện những mặt mạnh và mặt yếu của một đối tượng, tổ chức lại tư duy trong hình thức đã được cải thiện. Suy luận một cách có hệ thống và đặt các câu hỏi, xác định một vấn đề, khảo sát chứng cứ, phân tích các giả định và các định kiến, tránh lập luận cảm tính; Tư duy sáng tạo: có khả năng suy luận các vấn đề một cách mở rộng, ngoài các khuôn khổ định sẵn và tạo ra cái mới.
2.3. Năng lực sư phạm
Đánh giá năng lực nghề của SV sư phạm Ngữ văn dựa trên chuẩn đầu ra của chuyên ngành đào tạo. Có nghĩa là phải xác định cụ thể hệ năng lực mà SV cần đạt được sau khi kết thúc khóa học bao gồm:
- Năng lực vận dụng các kiến thức đã học vào việc soạn giảng, tổ chức hoạt động nhận thức cho HS ở môn Ngữ văn ở THCS; tổ chức hoạt động kiểm tra đánh giá các kĩ năng nghe, nói đọc , viết bằng tiếng Việt cho HS THCS.
- Năng lực chuyên biệt: sử dụng ngôn ngữ của giáo viên có ý nghĩa quan trọng. Khi đánh giá một giáo viên có năng lực giảng dạy tốt, chắc chắn người ta phải xem xét chủ yếu đến năng lực diễn đạt, trình bầy của giảng viên. Khả năng diễn đạt trong sáng, khúc triết, lời nói hấp dẫn, truyền cảm và giàu hình ảnh…của giáo viên sẽ là yếu tố quan trọng đảm bảo cho giờ dạy thành công
- Năng lực sử dụng đồ dùng dạy học, các phương tiện dạy học hiện đại. ( Sử dụng thành thạo các phần mềm Tin học, khai thác mạng Internet trong dạy học).
- Năng lực kiểm tra, đánh giá thể hiện ở việc ra đề, xây dựng tiêu chí đánh giá, nhận xét bài làm, việc học tập của HS.
3. KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC CỐT LÕI SV SƯ PHẠM NGỮ VĂN
Sau khi nghiên cứu các tham chiếu đánh giá năng lực theo chuẩn đầu ra của ngành Sư phạm Ngữ văn, mục tiêu cần đạt của phân môn, chúng tôi đã lựa chọn phương pháp Đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá ; Đánh giá phản hồi; Đánh giá xác thực để đánh giá năng lực cốt lõi đối với SV sư phạm Ngữ văn.
3.1. Đánh giá năng lực chuyên ng ành Ngữ văn
* Đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá: đánh giá đồng đẳng là quá trình đánh giá giữa những người học với nhau nhằm cung cấp các thông tin phản hồi để cùng học hỏi và hỗ trợ lẫn nhau. Nó tạo cơ hội để người học thảo luận, giải thích và thách thức lẫn nhau. Quá trình đánh giá đồng đẳng và tự đánh giá gồm 2 giai đoạn: GV làm mẫu hoặc xây dựng tiêu chí đánh giá để các cá nhân tự đánh giá thành quả của mình; Sau đó, vận dụng các tiêu chí đã có để nhận xét bài của bạn. Từ đây, họ có thể trao đổi, tiếp nhận những nhận xét, đánh giá từ bạn học để cải thiện năng lực của bản thân. Phương pháp đánh giá này được vận dụng để đo mức độ năng lực chuyên môn của SV Ngữ văn.
* Tiêu chí đánh giá ( 4 mức độ của năng lực chính )
Các cấp độ
Năng lực
|
4 ( cao nhất)
|
3
|
2
|
1( thấp nhất)
|
1. LN tiếp nhận các loại văn bản tiếng Việt.
|
- Khái quát được nội dung, mục đích của văn bản;
-Phát hiện, thẩm bình chi tiết hình ảnh nghệ thuật đặc sắc; hiểu, làm rõ bức thông điệp hàm ẩn trong văn bản văn học để liên hệ với thực tiễn.
|
- Đánh giá nội dung, mục đích của văn bản;
-Phát hiện, thẩm bình được những chi tiết hình ảnh nghệ thuật đặc sắc; bức thông điệp hàm ẩn trong văn bản văn học
|
- Phân tích nội dung, mục đích của văn bản
- Phát hiện, thẩm bình được những chi tiết hình ảnh nghệ thuật đặc sắc.
|
- Nhận biết nội dung, nhưng chưa đánh giá chính xác mục đích của văn bản.
- Không phát hiện, thẩm bình được những chi tiết hình ảnh nghệ thuật đặc sắc; không tiếp nhận được bức thông điệp hàm ẩn trong văn bản văn học
|
2. Năng lực tạo lập văn bản tiếng Việt
|
-Tạo lập thành thạo các loại văn bản theo chức năng phù hợp với hoàn cảnh và mục đích giao tiếp.
- Phối hợp sử dụng các phương thức biểu đạt đạt hiệu quả thẩm mỹ cao trong một VB lớn.
|
-Tạo lập được các loại văn bản theo chức năng phù hợp với hoàn cảnh và mục đích giao tiếp.
- Phối hợp sử dụng các phương thức biểu đạt trong một VB lớn.
|
-Tạo lập được các loại văn bản theo chức năng phù hợp mục đích giao tiếp.
- Bước đầu biết phối hợp sử dụng 2 phương thức biểu đạt trong một VB lớn.
|
-Tạo lập chưa thành thạo các loại văn bản theo chức năng phù hợp mục đích giao tiếp.
- Phối hợp sử dụng các phương thức biểu đạt chưa hiệu qủa trong VB lớn.
|
3. Năng lực tự học, tự nghiên cứu
|
- Chiếm lĩnh tài liệu ngoài giáo trình theo hướng dẫn của GV; sưu tầm tài liệu mới mở rộng vấn đề nghiên cứu đã xác định.
- Lựa chọn đối tượng nghiên cứu mới; sưu tầm tài liệu và đề xuất hướng nghiên cứu.
- Phân tích tính thực tiễn của vấn đề, từ đó xây dựng phương án vận dụng vào thực tiễn.
|
- Chiếm lĩnh tài liệu ngoài giáo trình theo hướng dẫn của GV;
- Phát hiện đối tượng nghiên cứu mới nhưng chưa đề xuất được hướng nghiên cứu.
- Phân tích chưa thuyết phục tính thực tiễn của vấn đề nghiên cứu
|
- Chiếm lĩnh một phần tài liệu ngoài giáo trình theo hướng dẫn của GV;
- Phát hiện đối tượng nghiên cứu mới nhưng chưa đề xuất được hướng nghiên cứu
- Không phân tích được tính thực tiễn và vấn đề nghiên cứu.
|
- Chưa hiếm lĩnh tài liệu ngoài giáo trình theo hướng dẫn của GV;
- Không phát hiện được đối tượng nghiên cứu mới nhưng chưa đề xuất được hướng nghiên cứu
|
* Tổ chức thực hiện
+ GV thiết kế bài tập hướng tới mục tiêu, năng lực cần hình thành.
+ Bước 1: GV xác định nội dung chính cần đánh giá, xây dựng tiêu chí đánh giá
+ Bước 2 : SV dựa vào nội dung tiêu chí đã xây dựng để nhận xét bài của bạn
+ Bước 3 : Từng cặp SV trao đổi trực tiếp để thống nhất ý kiến đánh giá
+ Bước 4 : GV đánh giá sau cùng trên nội dung bài làm của SV và nhận xét của mỗi SV về bài của bạn với thang điểm nội dung bài soạn 8 điểm + 2 điểm nhận xét.
+ Bước 5 : Yêu cầu SV chỉnh sửa bài làm từ nhận xét, đánh giá của bạn và của GV (có thể yêu cầu SV đạt điểm cao cùng chỉnh sửa bài với những SV kém).
3. 2. Đánh giá Năng lực tư duy
* Đánh giá phản hồi: Là việc người học tự cung cấp thông tin về những gì mình đã thực hiện tốt, những gì cần cải thiện. Cách đánh giá này đã cung cấp cho người học cơ hội để phản ánh lại với GV, cho người học đề xuất phương án thực hiện tốt hơn. Thực hiện đánh giá phản hồi bằng văn bản và qua 4 bước để hoàn tất quá trình đánh giá. Đánh giá phản hồi được thực hiện ở các học phần khi chương trình đã thực hiện được 1/4 chặng đường.
* Tiêu chí đánh giá ( 4 mức độ của năng lực chính )
Các cấp độ
Năng lực
|
4 ( cao nhất)
|
3
|
2
|
1( thấp nhất)
|
1. Năng lực tư duy logic
|
- Phát hiện vấn đề và đề xuất cách giải quyết vấn đề trọn vẹn.
- Triển khai vấn đề có hệ thống, với sự phân tầng khoa học
|
- Phát hiện vấn đề và đề xuất hướng giải quyết
- Triển khai vấn đề có hệ thống, với sự phân tầng chưa khoa học
|
- Phát hiện vấn đề nhưng chưa có hướng triển khai.
- Triển khai vấn đề chưa hợp lí.
|
- Chưa biết phát hiện vấn đề
- Không có khả năng triển khai
|
2. Năng lực tư duy phê phán
|
- Phát hiện, phân tích ( thuyết phục) những mặt mạnh và mặt yếu của một đối tượng.
- Dùng lí lẽ, dẫn chứng để bảo vệ chính kiến.
|
- Phát hiện, phân tích chưa thuyết phục những mặt mạnh, mặt yếu của đối tượng.
- Dùng lí lẽ, dẫn chứng để thể hiện chính kiến.
|
- Phát hiện mặt mạnh và mặt yếu của một đối tượng, vấn đề.
- Dùng lí lẽ, dẫn chứng để thể hiện chính kiến.
|
- Chưa phát hiện mặt mạnh và mặt yếu của một đối tượng, vấn đề.
- Chưa biết dùng lí lẽ, dẫn chứngthể hiện chính kiến.
|
3.Năng lực tư duy sáng tạo
|
- Kết nối, suy luận mở rộng các vấn đề ngoài khuôn khổ định sẵn hợp lí, thuyết phục.
- Sáng tạo ra cái mới và đánh giá đa chiều về giá trị của chúng.
|
- Kết nối, suy luận mở rộng vấn đề ngoài khuôn khổ định sẵn
- Sáng tạo ra cái mới nhưng chưa có những đánh cụ thể về giá trị của chúng.
|
- Kết nối, suy luận mở rộng vấn đề chưa hợp lý
- Sáng tạo ra cái mới nhưng chưa đủ sức thuyết phục.
|
- Không có khả năng kết nối, suy luận mở rộng vấn đề.
- Không có khả năng sáng tạo ra cái mới.
|
* Tổ chức thực hiện
+ GV thiết kế bài tập nhiệm vụ học tập hướng tới mục tiêu, năng lực cần hình thành.
+ Bước 1: Yêu cầu người học thực hiện bài tập; dựa vào tiêu chí đã xây dựng để tự đánh giá làm rõ nội dung đã đạt được và lĩnh vực cần cải thiện.
+ Bước 2: GV thu thập, phân loại thông tin, tìm hiểu nguyên nhân của những yếu kém ở người học để xây dựng kế hoạch khắc phục.
+ Bước 3: GV hướng dẫn người học cải thiện các lĩnh vực yếu kém, tạo cơ hội để người học tiếp thu và cải thiện thực trạng.
+ Bước 4: Kiểm tra, đánh giá lần cuối mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người học.
3.3. Đánh giá Năng lực nghề của SV sư phạm
Đánh giá xác thực: là đánh giá trực tiếp khả năng thực hiện các nhiệm vụ thực tiễn. Trong đó không chỉ quan tâm đến sản phẩm học tập mà cần quan tâm đến quá trình tạo ra sản phẩm đó. Bởi sản phẩm mà người học tạo ra là bằng chứng của sự vận dụng các kiến thức đã học. Sản phẩm mà SV phải tạo ra ở năng lực nghề là Giáo án lên lớp cho từng giờ học cụ thể thuộc môn Ngữ văn; Phương pháp dạy học Ngữ văn. Đối tượng của đánh giá xác thực có thể là cách thức tổ chức, điều khiển các hoạt động nhận thức trong giờ học Ngữ văn trên lớp của HS THCS; là kịch bản cho một giờ ngoại khóa văn học tại trường THCS; là việc tổ chức kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn ở THCS. Vì nội dung đánh giá xác thực khá phong phú nên có thể thực hiện ở ......học phần ( Kết hợp đánh giá đồng đẳng với đánh giá của GV).
* Tiêu chí đánh giá ( 4 mức độ của năng lực chính )
Các cấp độ
Năng lực
|
4 ( cao nhất)
|
3
|
2
|
1(thấp nhất)
|
1.Soạn giảng, tổ chức HĐ nhận thức cho HS ở môn Ngữ văn
|
- XĐ được mục tiêu chính về kiến thức, kỹ năng vào thái độ theo các cấp độ.
- Cấu trúc ND bài giảng mạch lạc chặt chẽ, kiến thức chính xác
- Phương pháp: sử dụng câu hỏi ở các mức độ nhận thức; HĐ nhận thức đa dạng, linh hoạt, sáng tạo.
|
- XĐ được mục tiêu chính về kiến thức, kỹ năng vào thái độ theo các cấp độ.
- Cấu trúc ND bài giảng hợp lý
- Phương pháp: sử dụng câu hỏi phù hợp các mức độ nhận thức; HĐ nhận thức đa dạng.
|
- XĐ mục tiêu chính về kiến thức, kỹ năng vào thái độ theo các cấp độ nhưng chưa phù hợp hoàn toàn.
- Cấu trúc ND bài giảng hợp lý, chưa hướng tới mục tiêu
- Phương pháp: sử dụng câu hỏi phù hợp các mức độ nhận thức; HĐ nhận thức không đơn điệu.
|
- XĐ mục tiêu chính về kiến thức, kỹ năng, thái độ, kiến thức chưa đúng trong tâm, các kỹ năng chưa chưa phù hợp.
- Cấu trúc ND bài giảng chưa hợp lý
- Phương pháp: câu hỏi đơn điệu, không có tính gợi mở; HĐ nhận thức chưa đa dạng
|
2.Năng lực sử dụng ngôn ngữ (diễn giảng);
|
- Diễn giảng trôi chảy, linh hoạt; Ngôn ngữ phong phú
- Thể hiện ngữ điệu điêu luyện
|
- Diễn giảng trôi chảy nhưng chưa cuốn hút; Ngôn ngữ chưa phong phú.
- Có ngữ điệu
|
- Diễn giảng đôi chỗ vấp, lặp; ngôn ngữ chưa linh hoạt.
- Ngữ điệu chưa điêu luyện
|
- Diễn giảng không trôi chảy, linh hoạt; Ngôn ngữ đơn điệu.
- Không có ngữ điệu
|
3.Sử dụng đồ dùng dạy học, các phương tiện dạy học hiện đại
|
Sử dụng thành thạo, đạt hiệu quả cao các phương tiện dạy học hiện đại.
|
Sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại
|
Sử dụng chưa thành thạo, chưa hiệu quả các phương tiện dạy học hiện đại
|
Sử dụng các phương tiện dạy học hiện đại không phù hợp với môn học.
|
4. Kiểm tra, đánh giá.
|
- Nội dung đề thể hiện rõ nội dung kiến thức, thao tác mà HS cần thực hiện
- Xây dựng tiêu chí đánh giá khoa học, phù hợp với mục tiêu dạy học.
|
- Nội dung đề thể hiện rõ nội dung kiến thức, thao tác mà HS cần thực hiện
- Xây dựng được tiêu chí đánh giá
|
- Nội dung đề thể hiện rõ nội dung kiến thức, chưa rõ kỹ năng mà HS cần thực hiện
- Xây dựng được tiêu chí đánh giá
|
- Nội dung đề thể hiện không rõ nội dung kiến thức, kỹ năng mà HS cần thực hiện
- Xây dựng tiêu chí đánh giá chưa khoa học.
|
* Tổ chức thực hiện
- Bước 1: SV thực hành giảng dạy trên lớp 1 tiết học ( hoặc 1 phần của tiết học tùy thuộc vào thời gian thực tế ); ra 1 đề kiểm tra ( 1 tiết, học kì) Ngữ văn lớp 7,8.
- Bước 2: GV và SV theo dõi, tiến hành đánh giá
- Bước 3: GV xác định khâu yếu nhất để hướng dẫn SV cải thiện thực trạng.
- Bước 4: Kiểm tra, đánh giá khả năng cải thiện năng lực nghề của SV yếu kém.
KẾT LUẬN
Hiện nay có rất nhiều phương pháp kiểm tra, đánh giá theo năng lực có khả năng kiểm chứng, đo được mức độ thực hiện các kĩ năng, năng lực nghề của người học. Để đạt được mục đích đó, GV phải thiết kế các nhiệm vụ mà trong đó, các kĩ năng cần được tổ hợp lại trong mối quan hệ nhất quán để SV thể hiện được năng lực của họ. Trong đó, chú ý sự khác biệt tương đối về thứ hạng theo các mức: dưới chuẩn, đạt chuẩn và trên chuẩn để phân hóa, nhằm đo được khả năng và sự tiến bộ của tất các đối tượng người học. Từ đó, cung cấp thông tin phản hồi cho SV về những gì họ đã làm được và những gì cần phải làm để cải thiện nhằm phát triển năng lực của họ.
Kết quả thu được từ khâu kiểm tra đánh giá luôn là những căn cứ, cơ sở thực tế để người trực tiếp giảng dạy điều chỉnh, bổ sung nội dung dạy học, yêu cầu về kĩ năng đối với người học khi kết thúc môn học. Cao hơn nữa, kết quả kiểm tra đánh giá ấy còn là cơ sở để các nhà quản lí giáo dục hoạch định chiến lược hoạt động cho cơ sở đào tạo trong việc xác lập các mục tiêu đào tạo, các kĩ năng nghề nghiệp cho phù hợp với thực tế sử dụng nguồn nhân lực của xã hội
--------------------------------
[1].Nguyễn Thành Ngọc Bảo - Bước đầu tìm hiểu về khái niệm Đánh giá theo năng lực và đề xuất hình thức đánh giá năng lực Ngũ văn của học sinh. Tạp Chí Khoa học ĐHSP tp HCM, số 56/2014.
[2]. Hội thảo " Đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông - kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam" do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 10-12/12/2012.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Nguyễn Thành Ngọc Bảo - Bước đầu tìm hiểu về khái niệm Đánh giá theo năng lực và đề xuất hình thức đánh giá năng lực Ngũ văn của học sinh. Tạp Chí Khoa học ĐHSP tp HCM, số 56/2014.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo - Các loại hình đánh giá năng lực. Tài liệu hội thảo 12/2014.
3. http://www.vvob.be/vietnam/files/s11_mr_khanh.pdf
4. Bùi Mạnh Hùng 2012. Một cách tiếp cận mới trong việc dạy học ngữ pháp tiếng Việt ở trường phổ thông. Tạp chí Ngôn ngữ và đời sống, số 7 & 8/2012.
5. Hội thảo " Đổi mới chương trình và SGK giáo dục phổ thông - kinh nghiệm quốc tế và vận dụng vào Việt Nam" do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 10-12/12/2012.