Nghiên cứu khoa học

ĐẶC TÍNH ỔN ĐỊNH, KẾ THỪA VÀ LINH HOẠT, HIỆN ĐẠI TRONG PHÁT TRIỂN CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN NGỮ VĂN PHỤC VỤ ĐỔI MỚI GIÁO DỤC PHỔ THÔNG


19-10-2020
Tác giả: ThS. Nguyễn Hồng Linh Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Thái Nguyên

Đổi mới giáo dục đào tạo thực sự là tiêu chí cốt yếu trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước hiện đại, theo kịp nền văn minh nhân loại. Vấn đề đang được các cấp chính quyền và các cơ sở giáo dục đào tạo từ Trung ương đến địa phương quan tâm hàng đầu là việc thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Đổi mới giáo dục đào tạo thực sự là tiêu chí cốt yếu trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước hiện đại, theo kịp nền văn minh nhân loại. Vấn đề đang được các cấp chính quyền và các cơ sở giáo dục đào tạo từ Trung ương đến địa phương quan tâm hàng đầu là việc thực hiện đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới. Trước thực tế của nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2018-2019 thì chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn ở các trường Sư phạm đòi hỏi phải có sự bắt nhịp, thay đổi kịp thời nhằm đào tạo ra đội ngũ giáo viên tương lai có đủ năng lực tổ chức, thực hiện hiệu quả chương trình, sách giáo khoa phổ thông giai đoạn mới. Phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn là một quá trình vừa có tính kế thừa, ổn định lại vừa có tính linh hoạt, hiện đại, tiệm cận với xu thế phát triển của nền giáo dục thế giới. Tham luận của chúng tôi sẽ chỉ ra thực trạng đào tạo giáo viên Ngữ văn của các trường Đại học Sư phạm trong thời gian qua. Tính tất yếu của đổi mới, phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn. Mối quan hệ biện chứng giữa đặc tính ổn định, kế thừa và linh hoạt, hiện đại trong phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn nhằm đáp ứng yêu cầu của đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015.

I.                    Thực trạng của chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn ở các trường Sư phạm trong thời gian qua

Theo GS.TSKH. Lâm Quang Thiệp và TS. Lê Viết Khuyến thì phát triển chương trình được xem như là một quá trình hòa quyện vào trong quá trình đào tạo. Gồm có các bước cơ bản sau: Phân tích tình hình, xác định mục đích chung và mục tiêu, thiết kế, thực thi và đánh giá. Chương trình đào tạo như vậy bao gồm đầy đủ các yếu tố từ xây dựng nội dung đào tạo, phương pháp đào tạo và cách thức kiểm tra, đánh giá kết quả đào tạo. Trong quá trình phân tích tình hình, người làm chương trình nên chỉ ra ưu, nhược điểm của chương trình đào tạo giáo viên ở các trường Sư phạm đã thực hiện để có những định hướng trong xây dựng, đổi mới, phát triển chương trình cho phù hợp với đề án đổi mới giáo dục phổ thông.

1.1.       Về ưu điểm

Chương trình đạo tào giáo viên Ngữ văn ở các trường Sư phạm đã đảm bảo tính Pháp lý của Luật giáo dục, đảm bảo các tiêu chí của chuẩn đầu ra, đa phần các trường có công khai khung chương trình đào tạo trên website của Khoa và Nhà trường. Chương trình đã hướng vào mục tiêu phát triển năng lực của người học, bắt đầu có sự phân hoá và tích hợp trong dạy học Ngữ văn, hướng đến các yêu cầu, mục đích về kiến thức, kĩ năng và thái độ rõ ràng. Về phía cơ sở vật chất kĩ thuật, các nhà trường đã chú trọng đầu tư hệ thống máy chiếu, internet, ti vi, projecto phục vụ tối đa cho các phương pháp dạy học hiện đại. Đội ngũ giảng viên không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tiếng Anh và tin học phục vụ cho sự nghiệp đổi mới giáo dục và trọng điểm là chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn mới.

1.2.       Về hạn chế

Chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn của các trường Sư phạm ít có sự thay đổi, tinh giản, linh hoạt để có sự bắt nhịp kịp thời với xu thế phát triển của thế giới. Đào tạo đội ngũ lao động chưa xuất phát từ nhu cầu thực tế địa phương. Thêm vào đó, nhiều nguyên nhân cho rằng vì đặc thù của ngành Ngữ văn, nên sự phân bổ hay tỉ lệ khối lượng lí thuyết và thực hành còn chênh lệch nhau khá nhiều. Mục tiêu dạy học chưa được cụ thể hoá, chưa gọi tên được một cách rõ ràng, minh bạch và đánh giá được chính xác các định hướng năng lực mà sinh viên cần phải đạt được khi học ngành Sư phạm Ngữ văn. Phương pháp dạy học theo hướng hiện đại chưa thực sự được đổi mới một cách đồng bộ, còn hạn chế trong sử dụng lối dạy học truyền thống, truyền thụ kiến thức thụ động, một chiều.

II.               Tính tất yếu của phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn trong giai đoạn mới

Dựa trên tinh thần của đề án đổi mới chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông chỉ rõ[1]:“Hoàn thành việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn sau năm 2015”. Điều đó đặt ra yêu cầu bức bách đối với giáo dục đại học, đặc biệt là Ngành Sư phạm Ngữ văn. Bởi ở các trường phổ thông môn Ngữ văn luôn được coi là môn học quan trọng, giúp phát triển các năng lực toàn diện về cả trí, đức, thể, mĩ cho người học. Nên việc đào tạo giáo viên Ngữ văn là vấn đề nòng cốt và đổi mới, phát triển chương trình vì vậy mang tính tất yếu.

Các cách tiếp cận trong việc xây dựng chương trình giáo dục đào tạo bao gồm cách tiếp cận nội dung hướng tới việc truyền thụ kiến thức cho người học, cách tiếp cận mục tiêu chú trọng vào sản phẩm được đào tạo ra theo các chuẩn mực định sẵn và cách tiếp cận phát triển năng lực nhằm phát huy tối đa tiềm lực của người học. Chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn đã, đang và sẽ còn được đẩy mạnh theo hướng tiếp cận năng lực. Giảng viên là người tổ chức, hướng dẫn cách học, giúp người học trở thành trung tâm của hoạt động dạy học, để người học được chủ động, tích cực trong việc tự tìm hiểu, sàng lọc và lĩnh hội kiến thức dưới sự giám sát của giảng viên. Chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn mới bên cạnh việc trang bị cho sinh viên những năng lực chung như năng lực tự học, hợp tác, thể chất, năng lực sử dụng công nghệ thông tin, giải quyết vấn đề sáng tạo, năng lực ngoại ngữ còn nên chú trọng tới việc hình thành các năng lực nghề nghiệp, năng lực phát triển nghề nghiệp, năng lực giáo dục, năng lực đánh giá giáo dục, năng lực đánh giá, xây dựng và phát triển chương trình đào tạo. Vậy quy trình phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn trong giai đoạn mới nên được thực hiện như thế nào? Theo chúng tôi cần đảm bảo được mối quan hệ biện chứng giữa các đặc tính sau.

2.1.       Đặc tính ổn định, kế thừa trong phát triển chương trình

Việc xây dựng chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn ở các trường Sư phạm trong thời gian qua không phải là kế hoạch được thực hiện một sớm, một chiều. Chương trình khung và các chương trình chi tiết được kiểm duyệt và ban hành đều là công sức, sự làm việc say mê, tận tuỵ, khoa học của các chuyên gia, các nhà khoa học, giảng viên và toàn thể lãnh đạo Khoa và Nhà trường. Các khối lượng kiến thức được lựa chọn đưa vào giảng dạy đều đảm bảo tính khoa học, minh xác phù hợp với chương trình Ngữ văn phổ thông hiện hành. Do đó, chúng ta nên có cách nhìn nhận khách quan. Đổi mới không phải là phủ nhận hoàn toàn những gì chúng ta đã làm. Mà nên có sự nhìn lại quá khứ, chỉ ra được mặt ưu điểm của chương trình cũ. Trên cơ sở đó khẳng định được khối kiến thức cơ hữu, quan trọng, cần thiết là cơ sở lí luận, nền tàng cho người học để chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện. Thí dụ các kiến thức về lí luận dạy học Ngữ văn, lí luận văn học, ngôn ngữ… là cần thiết - khối kiến thức cơ sở giúp sinh viên Ngữ văn có sự định hướng và phát triển năng lực phù hợp.

Phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn trước hết phải đảm bảo được tính ổn định, có sự kế thừa những thành tựu, ưu điểm nổi trội của chương trình đã xây dựng. Về phương pháp, cách thức kiểm tra, đánh giá cũng nên có sự rà soát lại kĩ lưỡng. Những yếu tố của giảng văn truyền thống, sự thuyết trình của người giảng viên sẽ giảm thiểu trong quá trình dạy học hiện đại. Không phải vì thế mà có sự hiểu sai lệch, giảng viên chỉ tổ chức hoạt động, cho người học tự làm việc, tự chiếm lĩnh kiến thức mà không cần sự quan sát, theo dõi của người dạy. Sự thuyết giảng, khắc sâu tri thức của người dạy là ở những bài giảng mang tính chất cung cấp kiến thức nền tảng, tiền đề, hay ở phần nhận xét khắc phục những yếu kém, khuyết điểm trong tổ chức các hoạt động lĩnh hội tri thức của sinh viên. Như vậy, nền tàng tri thức sâu rộng, uyên bác, khả năng truyền thụ thuyết phục, nghiệp vụ sư phạm vững vàng vẫn luôn là các điều kiện cần thiết đối với người giảng viên Ngữ văn để giúp họ có thể tổ chức, kiểm soát và sử lí hiệu quả hoạt động học của sinh viên.

2.2.       Đặc tính linh hoạt, hiện đại trong phát triển chương trình.

Câu hỏi đặt ra đối với chúng ta là vì sao phải linh hoạt, hiện đại trong phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn?

Thứ nhất vì thực tế linh động trong việc ban hành chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới, đòi hỏi chương trình Đại học ngành Sư phạm Ngữ văn phải có sự chuyển mình, mềm dẻo, hiện đại để đào tạo ra nguồn nhân lực thích nghi kịp thời và tổ chức thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đổi mới giáo dục phổ thông. Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông chỉ rõ, chương trình sách giáo khoa mới không phải chỉ là một khung cứng nhắc mà có thể bao gồm nhiều bộ sách giáo khoa phù hợp với từng địa phương, vùng miền. Như vậy là có sự đa dạng trong việc ban hành sách giáo khoa và tài liệu dạy học do đó cần có sự linh hoạt, hiện đại trong xây dựng chương trình giáo dục đại học.

Thứ hai vì thực tế nhu cầu thị trường lao động đòi hỏi đào tạo đội ngũ giáo viên phổ thông tương lai sao cho phù hợp, đáp ứng được yêu cầu của địa phương, tránh tình trạng cung vượt quá cầu. Do đó, chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn ở các nhà trường phải linh hoạt, hiện đại, tinh giản trong nội dung, sàng lọc trong tuyển chọn đầu vào để cung ứng kịp thời cho thị trường lao động. Khoa Ngữ văn nên tìm về các địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông để hiểu, nắm được nhu cầu và nguyện vọng về nguồn nhân lực trong tương lai. Từ đó, hoạch địch việc xây dựng chương trình, bồi dưỡng, đào tạo và đào tạo lại theo các mục tiêu rõ ràng đồng thời có chiến lược xây dựng học phần văn học địa phương bài bàn và hiện đại. Thí dụ các tác phẩm hậu hiện đại của nhà văn Isara, hay các tác phẩm văn học miền núi của Vi Hồng, Cao Duy Sơn, Triều Ân nên đưa vào chương trình giảng dạy trong mảng văn học địa phương. Biết bám sát thị trường lao động, thực tế phổ thông cần đội ngũ giáo viên Ngữ văn như thế nào, học sinh phổ thông cần chương trình học ra sao để chương trình đại học xây dựng, phát triển phù hợp, đào tạo đội ngũ giáo viên tương lai có khả năng xử lí kịp thời và hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thứ ba phát triển chương trình linh hoạt, hiện đại để phù hợp với xu thế phát triển thế giới. Các chương trình đào tạo của thế giới luôn có sự vận động, thay đổi không ngừng, tuổi thọ của các chương trình đang được rút ngắn lại. Các nhà khoa học đã gia công, nỗ lực nghiên cứu để có thể biên soạn được những chương trình giúp người dạy tổ chức được hoạt động dạy học tích cực mà người học đạt hiệu quả tối ưu. Các chương trình liên tục được thực hiện thí điểm, có sự nhận xét, đánh giá và kịp thời điều chỉnh. Vì vậy, nền giáo dục Việt Nam nên có sự học hỏi kinh nghiệm của nền giáo dục thế giới, có cách ứng dụng một cách phù hợp và hiệu quả. Sự vận động, phát triển không ngừng của nền văn minh nhân loại đòi hỏi chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn có sự bắt nhịp kịp thời, đồng bộ và toàn diện. Yêu cầu trên đặt ra một trở ngại cần phải được thực hiện ở đội ngũ giảng viên: họ phải là người giỏi về ngoại ngữ và tin học, để có thể đọc, thông dịch, truyền tải kiến thức nhân loại trong các giờ dạy học tích cực, hiện đại và hiệu quả.

2.3.       Thêm một số yêu cầu trong xây dựng, phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn giai đoạn mới.

Một trong những yêu cầu quan trọng trong phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn còn là việc xây dựng chương trình có tính phân hóa và tích hợp cao. Chương trình giáo dục phổ thông chỉ rõ tính tích hợp và phân hoá. Do vậy, chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn cũng phải chỉ rõ sự phân hoá và tích hợp, có sự tinh giản hợp lí trong phát triển chương trình. Thí dụ dạy học Hán Nôm có thể tích hợp với kiến thức của học phần Văn học Trung đại, cơ sở văn hóa Việt Nam, tích hợp được đồng thời với lịch sử, triết học... Chính vì sự tích hợp này đòi hỏi sự cấu trúc lại khoa và bộ môn là nhiệm vụ cấp thiết, đảm bảo sự nghiên cứu liên ngành để có định hướng đúng đắn trong phát triển chương trình.

Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa chỉ rõ: ở các trường phổ thông chưa khắc phục được lối dạy học “truyền thụ một chiều”, chưa coi trọng hoạt động tự học, chưa vận dụng có hiệu quả các phương pháp dạy học phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh; phương thức kiểm tra, thi, đánh giá chất lượng giáo dục còn lạc hậu. Vì vậy chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn ở các trường Sư phạm nên chú trọng đến phương pháp giảng dạy để có thể đào tạo ra đội ngũ giáo viên phổ thông thực hiện linh hoạt các phương pháp dạy học tích cực mang lại kết quả dạy học cao. Nên vận dụng có hiệu quả lí luận và phương pháp dạy học hiện đại; Tăng cường phương pháp phát huy sự sáng tạo của người học. Thí dụ đối với ngành Sư phạm Ngữ văn, việc cho học sinh chuyển thể kịch bản, đóng vai để hiểu được thế giới nội tâm của nhân vật, hay trong quá trình giảng dạy đưa vào các đoạn phim tư liệu kích thích trực quan sinh động cũng là một hình thức đổi mới hữu ích. Đặc biệt, là trong các giờ học nên tăng cường hoạt động thảo luận, tương tác giữa sinh viên với sinh viên và sinh viên với giảng viên. Việc tổ chức hoạt động dạy học phải đảm bảo tính chuyên sâu, giảng viên có thể xây dựng hoạt động, xây dựng vấn đề để sinh viên thảo luận, phản biện lẫn nhau. Phương pháp dạy học hiện đại, không có nghĩa là giảng viên đứng ngoài cuộc mà trong quá trình cho các em thảo luận (dưới các hình thức khăn phủ bàn, sơ đồ tư duy...) giảng viên đều phải quan sát để kịp thời nhắc nhở, điều chỉnh giúp các em hoạt động đúng hướng, tránh lạc đề, hoạt động sai, không hiệu quả.

III.            Kết luận.

Trong không khí khẩn trương của sự nghiệp đổi mới giáo dục đang diễn ra toàn diện và đồng bộ trong cả nước và trọng tâm hướng đến việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo tinh thần của Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội và Quyết định số 404/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, chúng tôi mạnh dạn tham luận một số vấn đề trong xây dựng, phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn ở các trường Sư phạm. Chương trình đào tạo mới cần được xây dựng trên cơ sở rà soát lại kĩ lưỡng chương trình đã thực hiện, đảm bảo ổn định, kế thừa khối kiến thức quan trọng, cần thiết và mềm dẻo, linh hoạt, tinh giản và hiện đại trong xây dựng chương trình mới. Đó là mối quan hệ biện chứng của hai đặc tính cơ bản nêu trên trong công cuộc xây dựng, phát triển chương trình đào tạo nói chung và đào tạo giáo viên Ngữ văn nói riêng. Tính tích hợp và phân hóa cũng phải được thể hiện rõ ràng trong chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn giai đoạn mới. Đổi mới, phát triển chương trình đào tạo giáo viên Ngữ văn là nhiệm vụ cấp thiết, nòng cốt của sự nghiệp đổi mới giáo dục, đòi hỏi sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền và sự hợp tác tối ưu về mặt chuyên môn của các nhà khoa học trong cả nước để thực hiện được chương trình đào tạo bài bản, khoa học, hiện đại, đồng bộ và phục vụ thành công sự nghiệp đổi mới giáo dục phổ thông.

 


[1] Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020