Nghiên cứu khoa học

ĐỔI MỚI GIẢNG DẠY, NGHIÊN CỨU NGỮ VĂN ĐẠI HỌC SƯ PHẠM


19-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Đoàn Trọng Huy - ĐHSPHN

Công cuộc Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo đã được triển khai với những chuyển động của toàn bộ hệ thống. Các trường Đại học Sư phạm đã đi trước một bước trong sự nghiệp đào tạo là một động thái tích cực rất đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, mọi sự cần phải được tiến hành đồng bộ, trong đó có những hoạt động như điều kiện tiên quyết: đổi mới chương trình đào tạo sư phạm, và kèm theo là viết lại các bộ giáo trình. Trước hết là phải đổi mới tư duy – sự khởi đầu cho mọi đổi mới. Phải xây dựng một quan niệm chính thống, và vận dụng triết lý giáo dục, trong đó có triết lý dạy – học ngữ văn. Đó là những chuyên đề lớn và quan trọng của những hội nghị khoa học khác. Những điều trên coi như là mặc định. Xin đứng ở vị trí một giảng viên để tham luận tập trung về một nhiệm vụ trọng tâm quan trọng bậc nhất: giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

 

I/ ĐỔI MỚI GIẢNG DẠY NGỮ VĂN

Triết lý dạy học ngữ văn có ý nghĩa như kim chỉ nam định hướng cho mọi hoạt động giáo dục đào tạo trong các khoa ngôn ngữ văn học. Tiếp đó, tinh thần của mục tiêu đào tạo thông qua chương trình, giáo trình phải được hiện thực hóa ở tất cả các khâu nghiên cứu, giảng dạy.

Sau đây, xin phép nêu ra hai kiến giải quan trọng.

I.1/ Đa dạng hóa các phương pháp và loại hình giảng dạy

I.1.1/ Thống nhất về quan niệm nội hàm phương pháp và loại hình dạy học

Phương pháp dạy học có thể xác định ngắn gọn là cách thức và hình thức hoạt động dạy học trong các môi trường dạy học. Phương pháp nhằm đạt mục đích dạy học theo mục tiêu đào tạo với hiệu quả cao nhất, chính là phát triển các năng lực cá nhân sinh viên. Cần hiểu, có sự bao gồm hai biểu hiện – bên ngoài (các loại hình dạy học) và bên trong (phương pháp khoa học chung như phân tích, tổng hợp, so sánh).

Loại hình dạy học thông thường được hiểu có ba dạng, ba kiểu thức chính.

Đó là dạy học cá thể hoá (nhóm nhỏ hoặc cá nhân); dạy học hợp tác (hội thảo, đối thoại, giải đáp) và dạy học theo trình độ (chung hoặc chuyên).

Mỗi chiến lược dạy học lại có các cách tiếp cận phân biệt tương đương: gián tiếp, trực tiếp hoặc độc lập.

I.1.2/ Vận dụng và phát huy những nguyên lý và phương châm của phương pháp dạy học

Các phương pháp giảng dạy nói chung và phương pháp bộ môn cụ thể cần tiếp thu và vận dụng hiệu quả tích cực của khoa học giáo dục hiện đại.

Trên cơ sở các nguyên lý, phương châm hiệu lực của các “nguyên lý tự do” của Lev Tolstoi, “nguyên lý dân chủ” của John Dewey có thể bổ sung “nguyên lý đồng đẳng” như gợi ý của UNESCO về tình hình “xã hội học tập – nhà trường tư duy” hiện nay.

I.1.3/ Tổng hợp, lựa chọn và vận dụng phương pháp thích hợp, hiệu quả nhất

Hiện đang được thực hiện một số phương pháp tiến bộ đã có những hiệu quả nhất định.

Phương pháp dạy học tích cực bao gồm nhiều biện pháp nhằm phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo của người học. Đó là thực hiện quy trình học hỏi – học hiểu – học tập – học hành. Học phải động não, phải thấu hiểu và thực hành, ứng dụng. Điều này rất có ý nghĩa ở các trường học nghề như sư phạm. Tất cả tri thức phải được biến hóa thành khả năng nghiệp vụ trong tương lai.

Phương pháp dạy học dựa trên vấn đề khá phổ biến ở phương Tây – dựa trên quá trình nêu vấn đề, nhận biết vấn đề và giải quyết vấn đề.

Thông thường, bài giảng giáo trình nằm trong vấn đề bao trùm, là một vấn đề cụ thể. Một vấn đề cụ thể lại bao gồm những vấn đề lớn, nhỏ khác nhau.

Chẳng hạn, theo kết cấu của giáo trình lịch sử văn học về một tác gia thường có mấy vấn đề chính: quá trình sáng tác; thành tựu sáng tác; đặc điểm phương pháp và phong cách nghệ thuật. Cách đặt vấn đề và nêu vấn đề thâu tóm trong mỗi mục thường là: Cái gì? (tức nội dung), thế nào? (tức cách thức) và tại sao? (tức nguyên do).

Lan truyền trong dạy học là các câu hỏi mở đầu bằng Wh trong tiếng Anh. Hỏi và phải biết suy nghĩ qua vấn đề. Do cách tiếp cận khác nhau, ở những hoàn cảnh và thời điểm khác nhau, lại có những cách xem xét và đánh giá mới, thường là vấn đề, chủ đề có tính thời sự - Đọc lại Nhật ký trong tù, Nguyên Hồng từ cái nhìn thế kỷ, Tiếp nhận Nguyễn Du ngày hôm nay,…

Các vấn đề này được đưa vào trong quá trình giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu, học tập, hội thảo,…

Xin đề xuất phương pháp dạy học tương tác.

Phương pháp này tổng hợp, tích hợp được tất cả những tiến bộ của các phương pháp đổi mới lâu nay. Tinh thần cơ bản là phát huy vai trò chủ đạo của thầy và vai trò chủ động tiếp nhận của người học. Có sự tương tác của hai đối tượng, sự hợp đồng thích hợp cung và cầu trong truyền thụ và tiếp thu. Dạy học chỉ đạt hiệu quả cao nếu xác lập được mối quan hệ hợp lý và sự tác động hiệu quả từ hai phía.

Có thể đây là lối tư duy hiện đại theo đà xuất hiện của “bốn trụ móng” UNESCO, trong đó có phong cách “học để biết cách học” (learning to learn), “học để sáng tạo” (learning to create). Cách dạy học này cũng phù hợp với tinh thần của triết lý bộ môn là phát huy nội lực của các chủ thể để sáng tạo và phát triển.

I.2/ Kết hợp giảng dạy và nghiên cứu ở các khâu trong quá trình dạy học

I.2.1/ Nội dung giảng dạy phải thể hiện thành tựu nghiên cứu khoa học cập nhật

Một bộ giáo trình thường được soạn thảo có giá trị tương đối cố định trong vòng mươi năm hoặc hơn tùy theo các lần sửa đổi, điều chỉnh của chương trình đào tạo. Chính vì vậy, việc thiết kế bài giảng ngoài phần diễn giải giáo trình thường phải bổ sung những tri thức cập nhật từ việc nghiên cứu khoa học của bộ môn, hoặc của khoa học ngữ văn nói chung.

Nhiều giảng viên là chuyên gia trong các lĩnh vực cụ thể trong phần giảng dạy, nên ngoài việc thu nhận và thể hiện thành tựu chung của giới nghiên cứu thì có thể trình bày trực tiếp những kết quả nghiên cứu khoa học của bản thân, Điều đó không chỉ nâng cao uy tín cá nhân của nhà khoa học, mà chính là góp phần gia tăng chất lượng của bộ giáo trình như phần cương lĩnh tri thức cơ bản của việc đào tạo.

Đó là chưa kể việc thiết kế một giáo án giảng dạy bậc Đại học đã phải tham khảo các bộ giáo trình liên quan của các trường Đại học, hoặc cơ quan nghiên cứu như các Viện Văn học, Ngôn ngữ, Viện Khoa học Giáo dục, Viện Triết học,… hoặc các sách chuyên đề, chuyên khảo. Các Kỷ yếu Hội thảo khoa học thường là tài liệu tham khảo giàu tính thời sự cho những người đứng lớp trên bục giảng Đại học.

I.2.2/ Tăng cường đầu tư cho hướng dẫn học tập sinh viên

Phần hướng dẫn học tập, thảo luận nghiên cứu ở mỗi chương, mục giáo trình thực chất mang tính mở. Do vậy, phần này phải được đưa vào trong thiết kế bài giảng như bộ phận thiết yếu có tính chất cơ động, linh hoạt trong thực hiện.

Ngoài những câu hỏi hướng dẫn nhằm hiểu sâu và nắm chắc giáo trình, còn cần những gợi ý mở rộng để thảo luận, nghiên cứu nâng cao. Đây cũng là một biện pháp để phát huy tính sáng tạo của sinh viên ngữ văn. Họ là những bạn đọc có tri thức, hứng thú cảm nhận và có thể đóng vai trò đồng sáng tạo trong quá trình tiếp nhận. Hơn thế, sinh viên chính là đối tượng có điều kiện tốt nhất để gắn bó, hợp tác với giảng viên để thực hiện những đề tài nghiên cứu lớn, nhỏ do người thầy chỉ đạo, hướng dẫn và nghiệm thu.

Những hướng dẫn, thảo luận nghiên cứu khoa học có thể được tăng cường qua khâu tự học, hoặc học tập thể - nhóm, tổ, lớp như công việc tiếp nối của diễn giảng trên lớp, nằm trong thời lượng hoạt động chuyên môn của giảng viên.

II/ ĐỔI MỚI NGHIÊN CỨU VÀ HƯỚNG DẪN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

 II.1/ Tăng cường hoạt động nghiên cứu khoa học theo chức năng, nhiệm vụ

Có một thực trạng đáng buồn và gây bức xúc trong dư luận xã hội là trình độ và khả năng nghiên cứu của giới khoa học còn nhiều bất cập.

Theo những thông tin đáng tin cậy đã  được công khai, thì số công trình (sách, báo, bài viết) được công bố của một giảng viên có trình độ chỉ đạt khoảng 1/10 hàng năm. Cũng theo một số liệu cụ thể, trong vòng 15 năm qua, 1 Giáo sư công bố trung bình khoảng 0.5 bài viết trên báo quốc tế - tức bằng khoảng 1/5 so với Thái Lan, 1/so với Malaysia và khoảng 1/10 so với Singapore. Tất nhiên, một phần cũng do thiếu điều kiện đăng tải ở báo chí, hoặc tham dự các diễn đàn quốc tế. Nếu tính cả  các tham luận Hội nghị khoa học quốc tế ở Việt Nam, chắc con số công trình của các nhà khoa học có học hàm, học vị có thể tăng hơn, nhưng không đáng kể so với khu vực – do ta có số lượng vào loại cao nhất: hơn 100000 thạc sĩ, trên 24000 tiến sĩ, trên 11000 Giáo sư, Phó Giáo sư.

(còn nữa)

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020