Nghiên cứu khoa học

XUÂN DIỆU TRONG TRƯỜNG NHÌN “PHÊ PHÁN TÍNH HIỆN ĐẠI”


19-10-2020
Tác giả: Nguyễn Ái Học - Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội

Xuân Diệu xuất hiện trong phong trào Thơ Mới Việt Nam đồng nghĩa với sự khẳng định con người cá nhân, cái tôi cá nhân ở cả hai phương diện: ý thức hệ và tư duy nghệ thuật, góp phần tạo nên cuộc cách mạng thi ca chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam. Điều này đã được Hoài Thanh nhận xét trong “Thi nhân Việt Nam”, sau đó được nhiều người tiếp tục nghiên cứu. Gần đây, có bài viết rất đáng quan tâm của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: “ Mấy vấn đề thi pháp Thơ Mới như là cuộc cách mạng trong thơ Việt Nam”

 

 

                              “Chúng ta cần đến một khoa hóa học về những cảm xúc”                                                                                                                                                                                                                (Nietzsche)

          1. Xuân Diệu xuất hiện trong phong trào Thơ Mới Việt Nam đồng nghĩa với sự khẳng định con người cá nhân, cái tôi cá nhân ở cả hai phương diện: ý thức hệ và tư duy nghệ thuật, góp phần tạo nên cuộc cách mạng thi ca chưa từng có trong lịch sử văn học Việt Nam. Điều này đã được Hoài Thanh nhận xét trong “Thi nhân Việt Nam”, sau đó được nhiều người tiếp tục nghiên cứu. Gần đây, có bài viết rất đáng quan tâm của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử: “ Mấy vấn đề thi pháp Thơ Mới như là cuộc cách mạng trong thơ Việt Nam” (1)

          2. Nhìn từ Mỹ học triết học, đặt trong bối cảnh “Phê phán tính hiện đại” hôm nay chúng ta có điều kiện thấy đầy đủ hơn tầm vóc và đóng góp lớn lao của tư tưởng và nghệ thuật Xuân Diệu.

           Hơn ba thế kỉ qua, “tính hiện đại” đã lên ngôi bằng sức mạnh chiến thắng của lý trí, của khoa học công nghệ, của nguyên tắc “hợp lý hóa”. Sự chiến thắng của” tính hiện đại” đã tạo nên sự chuyển động, thay đổi toàn diện đời sống nhân loại

          Tuy nhiên, lịch sử những tiến bộ của lý trí, của sự “thế tục hóa”, “hợp lý hóa”, “uy quyền hợp pháp của lý trí” cũng đồng thời là lịch sử của sự hủy diệt nhiều giá trị nhân văn, đặc biệt là xu hướng “xóa bỏ chủ thể”. Người ta đã nói đến tính “phản nhân văn” của chủ nghĩa hiện đại. “Việc xóa bỏ mọi thần khải và mọi nguyên lý tinh thần tạo ra một sự trống không chỉ được chứa bằng ý tưởng xã hội, con người chỉ là một công dân”. “Tính hiện đại” đã bước sang thời kì khủng hoảng. “Sự cạn kiệt của tính hiện đại nhanh chóng trở thành một cảm giác lo sợ về tính vô nghĩa của một hành động không chấp nhận những tiêu chuẩn nào khác ngoài tính hợp lý công cụ cả”

          Trước sự khủng hoảng của “ tính hiện đại” con người phải quay về với chủ thể. Hơn bao giờ hết tính hiện đại phải được quan niệm như là một sự đối thoại giữa lý trí và chủ thể. Bởi vì, nói một cách khái quát, cô đúc như nhà xã hội học tên tuổi người Pháp Alain Touraine: “Không có lý trí chủ thể tự trói mình vào sự ám ảnh về căn tính của nó; không có chủ thể lý trí lại trở thành công cụ cho sức mạnh”(2).

          2.1 Ngay từ khi ra đời, thơ Xuân Diệu đã mang trong mình một sứ mệnh lớn lao. Đó là sứ mệnh “giải thoát” cho chủ thể, đề cao sức mạnh của chủ thể, sự chiến thắng của chủ thể. Thơ Xuân Diệu đã đưa chủ thể thoát khỏi “quyền uy” cả những quy luật hợp lý của lý trí để cho chủ thể như “ cây đời mãi mãi xanh tươi”! Thơ Xuân Diệu mang trong mình ngọn gió của tinh thần “khai sáng” Phương tây thổi vào “chốn nước non lặng lẽ” này! Thơ Xuân Diệu là cả “ một nguồn sống rạt rào” cho thấy một chủ thể tự do nhận thức, tự do khám phá, tự do biểu hiện, tự do sáng tạo!

          Ai đó đã gọi giọng thơ Xuân Diệu là “giọng quyền uy”  thì quả thật rất đúng! Theo chúng tôi và chúng tôi muốn nhấn mạnh: “quyền uy” ở đây phải được hiểu là “ quyền uy” của một chủ thể đầy ý thức! Xuân Diệu khẳng định quyền uy của một chủ thể cá nhân chiếm lĩnh thế giới.

          Ý thức chủ thể trong thơ Xuân Diệu thật “quyết liệt”: “Ta là một, là riêng, là thứ nhất/  Không có chi bè bạn nổi cùng ta” (Hi Mã Lạp Sơn).

          Chủ thể tự do, với ý chí “siêu phàm”, kiêu hãnh đứng trên đỉnh “Hi Mã lạp Sơn” để “ Tắt và nhen, và phân phát cho đời/Những thời tiết tái tê, hay ấm áp” (Hi Mã Lạp Sơn). Ý thức chủ thể “quyết liệt” đã giúp Xuân Diệu hoàn toàn và luôn luôn chủ động trong hành động. Chỉ cần đọc vang lên nhan đề của loạt bài thơ Xuân Diệu đặt cạnh nhau, đủ cho ta thấy ý thức của cả một chủ thể hành động tình cảm. Đó là “Dâng”; “Vội vàng”; “ Tương tư chiếu”; “Giới thiệu”; “Thở than”; “Gửi trời”; “Ca tụng”; “Mời yêu”; “Phơi trải”; “Im lặng”; “Tặng thơ”; “Yêu mến”; “Sầu”; “Yêu”; “Phải nói”; “Gửi hương cho gió”; “ Chỉ ở lòng ta”,..

          “Chỉ ở lòng ta” là sự khẳng định mạnh mẽ “ nguyên tắc tinh thần”, “lý lẽ” của trái tim nghệ sĩ, sự quy định của chủ thể về đối tượng thẩm mỹ. Thế giới khách quan được “chủ thể hóa”, được “truyền sống”, được “truyền lửa”. Những hình tượng khách quan lạnh lùng được “biến hóa” và “đồng hóa” bởi chủ thể thẩm mỹ, khiến cho nó trở nên lung linh, ánh lên vẻ đẹp đa chiều, sinh động và đầy truyền cảm, hấp dẫn… Đó là sự sống mới, thế giới mới được sáng tạo bởi bàn tay của chủ thể với tư duy và tưởng tượng độc đáo. Chủ thể lên ngôi trong thơ Xuân Diệu đã đặt cho cái tôi nghệ sĩ sứ mệnh thiêng liêng là “truyền lửa” lên men rượu cho đời: “Tôi vốn biết cuộc đời thường đạm bạc/ Nên mang theo từng suối rượu, nguồn tình/ Đem mến yêu làm cho cảnh thêm xinh/ Cứ phong nhã để cho người bớt tục/ Để lây lửa chuyển những lòng giá đúc/ Phải ấm lên vì bắt chước tôi nồng/ Để bừng tia trong những mắt tê đông/ Và gợi nhịp khiến hồn lười phải thức” Chỉ ở lòng ta)

          Hình ảnh “mặt trời giữa ngực” đặt cuối bài thơ “Chỉ ở lòng ta” là hình tượng của nguồn sống, nguồn nóng, nguồn sáng mà chủ thể truyền cho đất trời, tạo vật để thế giới lạnh lùng bỗng trở thành “thiên đường” tràn ngập ánh sáng, niềm vui, chim ca, hoa nở... Người đọc cứ thế, biến “kinh nghiệm” thành “cảm nghiệm” về hạnh phúc trên cõi trần gian.

          Đặt trong bối cảnh “Thế kỉ bạo tàn”, bối cảnh của sự ''khủng hoảng tính hiện đại'' ta mới thấy hết giá trị của mỹ học Xuân Diệu. Mỹ học Xuân Diệu là mỹ học giải phóng cho trái tim. Thời trung đại, “trái tim” con người bị giam hãm trong tù ngục của biết bao quy phạm tư tưởng, thời hiện đại, trái tim con người bị “công cụ hóa’ bởi những quy tắc phi cá nhân, những quy tắc của lý trí phổ biến. Mỹ học Xuân Diệu là mỹ học nhằm vươn tới điều mà trước đây Diderot đã từng nhận thấy: “Để làm tràn đầy niềm hạnh phúc của con người, một sự tán thưởng, nịnh bợ của tinh thần thường quy tụ vào những chuyển động tuyệt vời và gần như mang tính thần thánh của trái tim”(3). Trái tim Xuân Diệu trong thơ ông đúng là “những chuyển động tuyệt vời”, “thần thánh”!

          Bằng sáng tác của mình, các nhà Thơ Mới Việt Nam đều bộc lộ vai trò của cái tôi cá nhân, vai trò chủ thể. Nhưng chỉ ở Xuân Diệu, tiếng nói của chủ thể mới gần như được tuyên ngôn trực tiếp thường trực. Chỉ ở Xuân Diệu, người ta mới thấy chủ thể lên ngôi ngạo nghễ hơn, quyết liệt hơn, dữ dội hơn, "rất phương Tây" và "rất hiện đại"… Có phải thế chăng, mà Hoài Thanh đã không ngần ngại đưa ra một nhận xét chắc nịch: “ Xuân Diệu mới nhất trong các nhà thơ mới”!

          Cội rễ “cái mới” của Xuân diệu trong thơ là một tinh thần “giải phóng cho chủ thể cá nhân” tự do vô cùng mạnh mẽ. Thơ Xuân Diệu là bằng chứng hùng hồn cho sự tồn tại của “chân lý thẩm mỹ” gắn với  “quy luật nhận thức cảm tính”! Đó chính là sự đề cao hoạt động của “kinh nghiệm thẩm mỹ”. Hoạt động của kinh nghiệm thẩm mỹ mang đến hạnh phúc tối cao cho con người. Như J.J. Rousseau từng hân hoan, ca ngợi: “kinh nghiệm thẩm mĩ là sự hiện hữu tròn đầy trong phút giây như là trạng thái hạnh phúc tối cao, trong đó con người không thưởng thức điều gì khác hơn là chính bản thân mình và sự hiện hữu của riêng mình và bao lâu trạng thái ấy kéo dài, con người tự tin, tự mãn chẳng kém gì thượng đế”(4). Điều này khẳng định giá trị nhân văn lớn của thơ Xuân Diệu và nó thật sự có ý nghĩa trong cuộc “phê phán tính hiện đại" của chúng ta!

          Thơ Xuân Diệu là tiếng nói bảo vệ cảm xúc, tình cảm, cái đẹp với sự phong phú đa dạng, cái “bất đồng nhất” (nói theo mỹ học triết học) của sự sống tồn tại giữa cuộc đời này nhằm chống lại nguy cơ “công cụ hóa”  của lý trí, của tính hợp lý, của “đời sống chính trị trần trụi” trong lịch sử “tính hiện đại”!

          Tiếng thơ yêu đời “nồng nà tha thiết” của Xuân diệu mãi mãi là minh chứng cho sự sống bất diệt của trái tim. Nó là tiếng nói không thể thiếu của chủ thể trong quan hệ với lý trí để làm nên sự toàn vẹn của “tính hiện đại”. “Tính hiện đại là sự đối thoại giữa lý trí và chủ thể, mà chủ thể thì không tự phá bỏ nó, cũng không thể kết thúc, nó làm cho con đường của tự do luôn luôn mở ra(5). Trên ý nghĩa đó, thơ Xuân diệu cũng như thơ của các nhà thơ trong “phong trào thơ mới” là tiếng nói của tự do, nó đã “luôn mở ra” con đường tự do vô tận cho Thơ Việt về sau. Nói cách khác, Thơ Việt về sau dù có phát triển theo xu hướng nào, dù có đa tạp đến đâu cũng không thể nằm ngoài đường biên của sự “ khai mở chủ thể” đã có từ Xuân Diệu cũng như phong trào Thơ Mới nói chung - như cách nói của Trần Đình Sử: “Tự do đã nằm trong nguyên tắc Thơ mới, nó cho phép thơ phát triển, đổi thay đến vô hạn”(6). Đóng góp của Xuân Diệu cũng như của “Thơ mới” nói chung về phương diện vừa nêu, rõ ràng, không thể xem là nhỏ!

          2.2. “Khai mở chủ thể”, giải phóng tột cùng “cảm xúc cá nhân”, thơ Xuân Diệu đã mở ra một chân trời mới rạng ngời. Thơ Xuân Diệu mở toang cánh cửa của một cõi miền lồng lộng của thế giới cảm giác, cảm xúc, tình cảm…trong đời sống tinh thần của con người bấy lâu bị phong tỏa, chốt chặn bởi một dằng dặc thời kỳ trung đại. Thơ Xuân Diệu là tiếng nói phát ngôn cho một thời đại cảm xúc, tình cảm mới.

          Giải phóng giác quan, cảm giác, cảm xúc, tình cảm,… Xuân Diệu đã đi trên con đường con người “hồi phản mỹ cảm” trước cái đẹp của thế giới - một phát hiện mà Immanuel Kant đã dày công tìm kiếm để làm nên bước ngoặt Copernic trong triết học, mỹ học nhân loại. Xuân Diệu đã chứng minh rằng hạnh phúc có thật của sự sống là với “Hoa hồng này đẹp” chứ không phải với “Hoa hồng là đẹp” như cách diễn đạt thật tài tình, đích xác của Kant.

          Vẻ đẹp thơ Xuân Diệu là vẻ đẹp trái tim, là “những chuyển động tuyệt vời và gần như thần thánh của trái tim” (như cách nói của Diderot-đã dẫn ở phần trên) để chiếm lĩnh những khoảnh khắc tuyệt vời nhất của trần gian.

          Có ai đó đã “thống kê”, cho thấy những “ mẫu câu” thơ Xuân Diệu giống với nhiều “mẫu câu” trong thơ Pháp. Điều đó may lắm cũng chỉ nói lên được quy luật “liên văn bản” trong tác phẩm văn học mà thôi! Mỗi bài thơ của Xuân Diệu là một dòng chảy cảm xúc mãnh liệt, một “khối vàng ròng” xúc cảm không lẫn vào đâu được!  Mỗi bài thơ Xuân Diệu là một khối “tình thứ nhất” và “tình cho đi không lấy lại bao giờ”. Đó là khối tình “trinh bạch” của hồn ông, trái tim ông, ngân lên tha thiết. Đó là thứ “hoa thứ nhất”: “Hoa thứ nhất có một mùi trinh bạch/ Xuân đầu mùa trong sạch vẻ ban sơ/Hương mới thấm bền ghi như thiết thạch/ Sương nguyên tiêu, trời đất cũng chung mờ”(Tình thứ nhất). Chúng ta dù có muốn làm một con “mọt chữ” để ngồi “đục” thơ Xuân Diệu cũng không thể nào được! Bởi thơ Xuân Diệu đã cuốn ta đi vào trời đất của nhạc, của hương, của cuộc giao thoa ngây ngất giữa thiên nhiên, vũ trụ, tình yêu: “Người lặng im và tôi nói bâng quơ/ Chúng ôi ngồi ở giữa một bài thơ/ Một bài thơ mênh mông như vũ trụ/ Đầy khói hương xưa, tràn ân ái cũ/ Chúng tôi ngồi vây phủ bởi trăng sao”(Biệt ly êm ái).

          Nhiều người đã nói đến Xuân Diệu là nhà thơ của mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu, nhà thơ của "Niềm khát khao giao cảm với đời", nhà thơ của "Nỗi ám ảnh thời gian"… Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến năng lực khám phá thế giới bên trong của chủ thể ở thơ Xuân Diệu.

          Giải phóng giác quan, cảm giác, cảm xúc, tình cảm,..  Xuân Diệu đã đi sâu vào cuộc “phân tích kinh nghiệm nội tâm” để chưng cất nên  lâu đài của tâm hồn, của ý chí…như con đường Nietzsche đã đi qua.  Chống lại thế giới cằn khô, duy lý, Nietzsche từng tuyên bố: “Chúng ta cần một khoa hóa học về những cảm xúc”… và rồi nhà triết học của “siêu nhân” “giết chết thượng đế” ấy đã trở thành một nhà tâm lý học, “phân tích với sự tàn bạo của một nhà giải phẫu, những cảm xúc dịu dàng nhất và những niềm tin được ấp ủ nhiều nhất” (7)

          Sinh thời, Xuân Diệu muốn làm một cuốn “Từ điển tình yêu”. Chúng ta chưa có trong tay cuốn sách “Từ điển tình yêu”  của Xuân Diệu, nhưng chúng ta đã có được nhiều “mục từ” tâm lý tình yêu đảm bảo tính “khoa học", "chuẩn xác” trong thơ Xuân Diệu!

          Sức mạnh của thơ Xuân Diệu là sức mạnh mở rộng các giác quan để cho sự sống tràn vào nội giới, nội giới ấy thăng hoa kết tinh thành cái đẹp. Sự hoạt động của tất cả các giác quan với những “rung động tinh vi”(chữ của Hoài Thanh), tương giao chuyển đổi nhiều chiều,…đã tạo nên thế giới thơ độc đáo của  Xuân Diệu. Đó là một thế giới hoạt động đầy sức sống, đầy sống động của tình yêu. Từ phương diện mỹ học triết học, đóng góp này của Xuân Diệu chưa bao giờ cũ! Đây đó, trong giới nghiên cứu, phê bình đã đề cập đến sức mạnh nói trên đây của thơ Xuân Diệu. Nhưng theo chúng tôi, chưa đủ. Rất cần phải tiếp tục có những công trình nghiên cứu bài bản, công phu hơn về sức mạnh của phát động giác quan trong thơ Xuân Diệu.

          Kỉ niệm 100 năm ngày sinh Xuân Diệu, đặt thơ ông trong "trường nhìn phê phán tính hiện đại” hôm nay, chúng ta càng thấy được giá trị nhân văn vô cùng to lớn của thơ Xuân Diệu.

          Cuộc sống có thể đổi thay, thi pháp thơ có thể đổi mới. Nhưng giá trị sống thì không bao giờ thay đổi. Thơ Xuân Diệu là một giá trị sống. Bài ca sự sống - bài ca tình yêu trong thơ Xuân Diệu mãi mãi là sức mạnh của chủ thể chiến đấu với đời sống lí trí và đời sống chính trị trần trụi, đặc biệt là chủ nghĩa công cụ, chủ nghĩa hợp lý hóa của lý tính trong  thời đại ngày nay.

          Thơ Xuân Diệu mãi mãi là một "không tưởng hữu lý"- nói theo cách của nhà triết học Marcuse để giúp cho chúng ta không chỉ sống như một công dân mà còn sống như một con người!

                                Hà Nội xuân Bính Thân, 29/ 01/ 2016

                             N.A.H

(1)   Trần Đình Sử -Trên đường biên của lý luận văn học-NXB văn học 2014,Tr.421-447

(2)   Alain Touraine- Phê phán tính hiện đại,NXB Thế giới 2003;Tr.18

(3)   Dẫn theo Alaine Touraine-s.d.d;Tr.29

(4)   Dẫn theo Bùi Nam Sơn- Immanuel Kant-Phê phán năng lực phán đoán, NXB Tri thức 2007; Tr.LXIX)

(5)   Dẫn theo Alaine Touraine-s.d.d;Tr.604

(6)  Trần Đinh Sử, sdd; Tr.444

(7)  Dẫn theo Will Durant-Câu chuyện triết học,NXB Hồng Đức 2014;Tr.375

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020