Nghiên cứu khoa học

DẠY ĐỌC HIỂU VĂN BẢN THÔNG TIN TRONG MÔN NGỮ VĂN Ở TRƯỜNG TRUNG HỌC CƠ SỞ CHO HỌC SINH DÂN TỘC MÔNG


19-10-2020
Tác giả: ThS. Lã Thị Thanh Huyền - GV Ngữ văn, huyện Kì Sơn, Nghệ An

Giáo dục thế kỉ XXI là “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng đình mình”, chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại học chúng, từ chỉ cung cấp tri thức lí thuyết sang chú trọng rèn luyện kĩ năng, hình thành phẩm chất, phát triển năng lực của người học. Dạy học theo tiếp cận trang bị kiến thức đã chuyển hướng sang dạy học theo tiếp cận phát triển năng lực.

1. Mở đầu

Giáo dục thế kỉ XXI là “học để biết, học để làm, học để chung sống, học để khẳng đình mình”, chuyển từ giáo dục tinh hoa sang giáo dục đại học chúng, từ chỉ cung cấp tri thức lí thuyết sang chú trọng rèn luyện kĩ năng, hình thành phẩm chất, phát triển năng lực của người học. Dạy học theo tiếp cận trang bị kiến thức đã chuyển hướng sang dạy học theo tiếp cận phát triển năng lực. Sự khác nhau giữa dạy học tiếp cận trang bị kiến thức và dạy học tiếp cận năng lực được thể hiện trên nhiều phương diện, từ đầu vào, chương trình dạy học, các hoạt động giáo dục, kiểm định và đánh giá, các điều kiện đảm bảo,... Dạy học tiếp cận trang bị kiến thức chủ yếu làm cho người học nắm được nhiều và nhớ được nhiều kiến thức; giáo viên là chủ thể duy nhất cung cấp kiến thức và có quyền đánh giá người học; dạy học tiếp cận năng lực yêu cầu người học không chỉ biết cái gì mà quan trọng hơn, làm được cái gì; người học có năng lực gì trong việc tự học, tự tìm hiểu, khám phá, làm chủ bản thân và làm chủ cuộc sống; giáo viên không phải là chủ thể duy nhất cung cấp kiến thức và đánh giá người học.

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể  đã xác định mục tiêu phát triển phẩm chất và năng lực người học. Chương trình giáo dục phổ thông thể hiện mục tiêu giáo dục phổ thông; quy định yêu cầu cần đạt đối với học sinh; phạm vi và cấu trúc nội dung giáo dục phổ thông; phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động giáo dục; cách thức đánh giá kết quả giáo dục đối với các môn học, chuyên đề học tập và hoạt động trải nghiệm sáng tạo ở mỗi lớp và mỗi cấp học. Hình thành, phát triển cho học sinh những phẩm chất (sống yêu thương, sống tự chủ, sống trách nhiệm) và những năng lực (tự học và giải quyết vấn đề, sáng tạo; thẩm mĩ; thể chất; giao tiếp và hợp tác; tính toán; công nghệ thông tin và truyền thông). Năng lực toàn diện của học sinh là khả năng làm chủ các tri thức, kĩ năng, thái độ được thực hiện trong hoạt động dạy học và giáo dục, phù hợp với lứa tuổi, môi trường để các em thực hiện được các nhiệm vụ đặt ra trong học tập, cuộc sống. Phát triển năng lực toàn diện chính là quá trình hình thành, củng cố và hoàn thiện những phẩm chất tâm lí ấy trong toàn bộ hoạt động dạy học và giáo dục ở nhà trường.

Trong chương trình môn Ngữ văn ở trường phổ thông hiện nay, khái niệm “thông tin” và “văn bản thông tin” được đề cập nhiều với tư cách là một phương tiện, hình thức để học sinh tiếp cận với những tri thức của xã hội luôn phát triển.

Văn bản thông tin được viết để truyền đạt thông tin hoặc kiến thức. Đối với văn bản thông tin, sự chú ý của người đọc sẽ tập trung chủ yếu vào những điều họ sẽ thu được từ những thông tin chứa đựng trong văn bản. Văn bản thông tin rất phổ biến trong sách giáo khoa các môn học, các phương tiện thông tin đa phương tiện. Mỗi bài học trong chương trình môn Ngữ văn chính là một văn bản thông tin được viết theo các phong cách ngôn ngữ  khác nhau (nghệ thuật, báo chí, chính luận, khoa học, hành chính,…). Với sự phát triển của kinh tế - xã hội, sự phát triển của khoa học – kĩ thuật cũng như nhu cầu của cá nhân con người, việc tiếp nhận văn bản thông tin trở thành yêu cầu cấp thiết, quan trọng trong một xã hội văn minh, phát triển. Vì vậy, việc đổi mới dạy đọc hiểu văn bản thông tin ở trường THCS miền núi dân tộc càng trở nên cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết như là giải pháp hiệu quả nhất đối với mục tiêu phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho học sinh, đặc biệt là học sinh vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc thiểu số.

2. Dạy đọc hiểu văn bản thông tin trong môn Ngữ văn ở trường phổ thông

2.1. Văn bản thông tin

Văn bản thông tin và văn bản nhật dụng là những khái niệm xuất hiện trong chương trình Ngữ văn ở nước ta trong thời gian gần đây, nhằm cập nhật những kiến thức của học sinh trong trường học với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của các em. Vì vậy, dạy đọc hiểu văn bản thông tin trong chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông cũng phù hợp với định hướng phát triển năng lực người học, làm cho học sinh không chỉ “biết cái gì” mà còn vận dụng cái đã biết để “làm được những việc gì”.

Những văn bản thông tin được dạy học trong chương trình Ngữ văn ở trường phổ thông thường theo các phong cách ngôn ngữ sau đây: phong cách ngôn ngữ sinh hoạt, phong cách ngôn ngữ báo chí, phong cách ngôn ngữ chính luận, phong cách ngôn ngữ khoa học, phong cách ngôn ngữ hành chính,...

Văn bản thông tin có những đặc trưng riêng về mục tiêu, cấu trúc, nội dung, phương thức thể hiện,... theo những quy ước, thể thức nhất định. Vì vậy, để hiểu được văn bản bản thông tin, nắm được những tri thức – kĩ năng – thái độ mà văn bản thông tin truyền tải, cần phải có phương pháp nhận thức, tiếp cận nhất định. Mục đích dạy đọc hiểu văn bản thông tin trong môn Ngữ văn ở trường phổ thông là nhằm hướng dẫn học sinh tiếp cận những giá trị truyền tải đó của văn bản thông tin.

2.2. Văn bản thông tin và vai trò của văn bản thông tin đối với việc phát triển năng lực cho học sinh trung học cơ sở miền núi, dân tộc

Đối với học sinh THCS, văn bản thông tin trong môn Ngữ văn là một trong những tài liệu, nội dung có tác dụng cao trong việc hình thành và bồi dưỡng kĩ năng sống, phát triển năng lực toàn diện. Khi dạy học văn bản thông tin, yêu cầu hoạt động dạy học phải ”chiết xuất” được thông tin từ văn bản có ý nghĩa như thế nào đối với với giáo dục kĩ năng sống cho học sinh trong một hoàn cảnh cụ thể; hình thành và khái quát sự hiểu biết chung chung về văn bản; giải thích cho học sinh hiểu được nội dung và hình thức văn bản. Từ đó, khắc sâu những thông tin và kiến thức mà văn bản chứa đựng có tác dụng phát triển năng lực của người học. 

Có thể nói, trong điều kiện tri thức và thông tin phát triển một cách mạnh mẽ như hiện nay nhưng trình độ hiểu biết của học sinh dân tộc miền núi chưa theo kịp, việc sử dụng văn bản thông tin trong môn Ngữ văn có tác dụng rất lớn trong việc khẳng định tác dụng thiết thực, cụ thể của môn Ngữ văn. Đối với việc dạy đọc văn bản thông tin trong môn Ngữ văn trung học cơ sở cho học sinh dân tộc miền núi có hai ý nghĩa: thứ nhất, thực hiện được mục tiêu dạy học của môn Ngữ văn ở THCS nói chung; thứ hai, nâng cao hiểu biết những vấn đề cuộc sống, xã hội cho học sinh dân tộc miền núi vốn bị hạn chế bởi các điều kiện kinh tế - xã hội, văn hóa, phong tục.

Vì vậy, văn bản thông tin sẽ giúp học sinh học được phương pháp học, học để làm việc, học để sống trong cuộc sống với những mối quan hệ với con người và thiên nhiên, học để khẳng định những giá trị của bản thân mình trong cuộc sống. Đó là những điều cần thiết đối với học sinh dân tộc miền núi khi học văn bản thông tin, ngoài những yêu cầu chung của môn Ngữ văn với tính chất là một môn nghệ thuật (bồi dưỡng thị hiếu thẩm mĩ, cảm xúc cái đẹp, am hiểu thi pháp, cấu tứ, có khả năng sáng tạo nghệ thuật,...).

Quá trình đọc hiểu văn bản bao gồm: lấy thông tin từ văn bản, tạo nên sự hiểu biết chung về văn bản; giải thích về văn bản; phản ánh và đánh giá về nội dung, hình thức của văn bản. Như vậy, dạy học đọc hiểu văn bản thông tin trong chương trình Ngữ văn cho học sinh THCS dân tộc miền núi phải được tiếp cận từ hai phương diện chủ yếu: thứ nhất, từ đặc trưng văn học và ngôn ngữ học của môn Ngữ văn, dạy đọc hiểu văn bản thông tin với tư cách là dạy một môn công cụ, phương tiện để học sinh tiếp nhận được cách thực hiện quy trình tiếp nhận và sản sinh văn bản thông tin trong hoạt động học tập và giao tiếp; thứ hai, từ góc độ giáo dục học, dạy đọc hiểu văn bản thông tin với tư cách là chuyển tải, cung cấp, rèn luyện những tri thức, kĩ năng được thể hiện trong văn bản, để học sinh có điều kiện phát triển năng lực toàn diện, trở thành người lao động, người công dân trong xã hội phát triển.

3. Nội dung, phương pháp dạy đọc hiểu văn bản thông tin nhằm phát triển năng lực cho học sinh dân tộc miền núi

Từ thực tiễn nhiều năm dạy học môn Ngữ văn ở huyện Kì Sơn (Nghệ An), chúng tôi xin có một số ý kiến về nội dung, phương pháp dạy đọc hiểu văn bản thông tin nhằm góp phần cung cấp tri thức, rèn luyện kĩ năng, bồi dưỡng nhân cách, phát triển năng lực toàn diện cho học sinh dân tộc miền núi.

3.1.Khai thác những nội dung của văn bản thông tin liên quan đến phát triển năng lực học sinh

Lựa chọn nội dung dạy học cho học sinh phổ thông thông qua dạy đọc hiểu văn bản thông tin thực chất vẫn phải có dạy học năng lực ngôn ngữ, đó là những hiểu biết về hệ thống kĩ năng ngôn ngữ tiếng Việt. Đồng thời vẫn phải cung cấp cho học sinh những khái niệm, kĩ năng hoạt động giao tiếp. Nghĩa là khi dạy đọc hiểu văn bản thông tin là nhấn mạnh nội dung thông tin trong thể, loại khác nhau như nội dung về khoa học thường thức, công nghệ thông tin, đời sống xã hội, hành chính công vụ,… nhưng vẫn phải chú ý đến chức năng nghệ thuật của văn bản đó là lồng các yếu tố con người, văn hóa xã hội là những giá trị trường cửu, là tinh thần nhân bản của nhân học,….  tính thực tế có trong các văn bản thông tin cần được giáo viên khai thác hợp lí phù hợp với năng lực tiếp nhận của HS. Dạy tiếng Việt, làm văn thông qua các văn bản thông tin cũng nhằm mục đích dạy học sinh tiếp nhận và tạo lập lời nói cũng như tạo lập các văn bản liên quan.

- Phát triển năng lực học sinh trong dạy học đọc hiểu văn bản thông tin. Dạy đọc về văn bản thông tin hiện nay cần phải xác định lại mục đích dạy cho học sinh đó là dạy cho HS có năng lực đọc, năng lực giải mã thông tin, nắm được thông tin, vận dụng thông tin để giải mã những hiện tượng diễn ra, xảy ra trong đời sống xã hội hay cả những vấn đề liên quan đến chính bản thân HS khi tham gia các hoạt động đời sống từ gia đình đến xã hội,…..Trong chương trình Ngữ văn THCS hiện hành thì thời lượng của những tiết học văn bản thông tin còn rất ít, rải rác cả 2 học kì nhưng mục tiêu mới chỉ dừng lại ở việc nhận biết một số vấn đề bức thiết liên quan đến đời sống xã hội hiện nay như vấn đề văn hóa, giáo dục, quyền trẻ em, gia đình và xã hội… Dạy đọc hiểu bài Thông tin về ngày trái đất năm 2000 (SGK Ngữ văn 8, tập một) cần giải thích từ ngữ, phân tích hình ảnh, nhân vật,... có trong văn bản (và tài liệu liên quan) để thông tin cho HS về  sự nguy hiểm của rác thải, nhất là rác thải công nghiệp, rác thải sinh hoạt đối với môi trường sinh thái. Những thông tin đó cần được khai thác từ văn bản đọc hiểu và trên thực tế cuộc sống tại địa phương miền núi của HS. Đối với HS dân tộc Mông, khi GV tổ chức hoạt động dạy văn bản này việc liên hệ thực tế, so sánh đối chiếu những nội dung văn bản thông tin thể hiện với những hiểu biết, cách sử dụng túi bóng, túi ni lông, khai thác tài nguyên trái phép, chặt phá rừng, đốt rẫy,… trong sinh hoạt cuộc sống của HS, dân bản nơi HS sinh sống, từ đó nhận biết việc sử dụng túi ni lông không đúng cách có tác hại tới môi trường và sức khỏe con người thông qua những thông tin mà văn bản thực học, văn bản minh họa cung cấp, hiểu biết từ thực tế cuộc sống. Giáo viên phải nhận thức rằng, việc sử dụng túi ni lông ở miền núi chưa phải là vấn đề nguy hiểm (có khi được xem là văn minh) mà chính là vấn đề phá rừng làm rẫy, săn bắn động vật hoang dã, khai thác khoáng sản trái phép, thói quen canh tác lạc hậu có tính chất hủy diệt đất đai,… ảnh hưởng tới môi trường nhiều hơn. Dạy học  đọc hiểu văn bản thông tin sẽ phát triển vốn sống, năng lực cá nhân cho HS trong việc hòa nhập với cuộc sống hiện đại từ việc phát triển, cải tạo cuộc sống của bản thân, gia đình ở làng, bản. 

- Phát triển năng lực học sinh trong dạy học văn bản thông tin ở phần Tiếng Việt, Tập làm văn. Tiếng Việt và Tập làm văn ở chương trình Ngữ văn THCS hiện nay có thể khai thác, sử dụng, cung cấp nhiều thông tin để phát triển năng lực giao tiếp cho học sinh dân tộc Mông. Các loại văn bản nhật dụng, các hình thức so sánh, đối chiếu với tiếng dân tộc khi dạy học tiếng Việt,... có thể làm cho học sinh tiếp nhận nhiều tri thức, rèn luyện được nhiều kĩ năng liên quan đến hoạt động giao tiếp ngôn ngữ. Bài Hoạt động nói (SGK Ngữ văn 8, tập hai) là một bài học được được vào chương trình Ngữ văn với khái niệm “hành động nói”. Tuy nhiên, hoạt động nói  được đưa ra xem xét như là đối tượng học tập thì lại vốn rất quen thuộc trong giao tiếp hằng ngày. Đối với HS dân tộc Mông, khi dạy bài học này, GV biết vận dụng sự so sánh đối chiếu các hoạt động giao tiếp trong sinh hoạt hằng ngày của HS với các ngữ liệu SGK trình bày. Từ những tình huống giao tiếp của người dân tộc Mông với người Kinh được chuẩn bị trong quá trình dạy học sẽ giúp HS nhanh chóng rút ra nói cũng nhằm thực hiện một hoạt động trao đổi thông tin, nắm được thông tin trong mỗi một hoạt động nói, tạo thành kĩ năng cần để nói có hiệu quả. Vì vậy, so sánh, đối chiếu với cách nói năng của tiếng Mông để làm cho HS hiểu thêm những yêu cầu cơ bản của một hoạt động giao tiếp tiếng Việt là nhiệm vụ quan trọng trong dạy học phân môn Tiếng Việt.

- Phát triển năng lực học sinh trong dạy học văn bản thông tin ở phần dạy học tự chọn và hoạt động ngoài giờ chính khóa. Đây là hoạt động quan trọng đối với việc phát triển năng lực học sinh trong dạy học điểu văn bản thông tin cho học sinh dân tộc Mông. Các văn bản thông tin được tích hợp, lồng ghép trong hoạt động vui chơi, câu lạc bộ, tìm hiểu văn hóa dân tộc, trong việc đọc sách, xem phim,... sẽ củng cố thêm những tri thức các em được học ở chính khóa và củng cố vững chắc những kĩ năng, thái độ tích cực của các em học sinh.

- Phát triển năng lực học sinh trong tích hợp dạy học văn bản thông tin ở các môn học khác (Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lí,...). Các môn học trong chương trình giáo dục THCS đều là những hình thức khác nhau của các văn bản thông tin nhằm cung cấp những tri thức, kĩ năng, tình cảm liên quan đến đặc trưng, nhiệm vụ của môn học. Vì vậy, việc tích hợp, lồng ghép thực hiện các mục tiêu của việc dạy học văn bản thông tin các môn học tự nhiên và xã hội trong chương trình sẽ tạo nên một sức mạnh tổng hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học môn Ngữ văn nói riêng và chất lượng giáo dục toàn diện nói chung.

3.2. Phương pháp phát triển năng lực học sinh dân tộc miền núi qua việc dạy học văn bản thông tin

Có nhiều phương pháp giáo dục và dạy học nói chung, nhưng đối với học sinh dân tộc miền núi, cần chú trọng những phương pháp có tính hiệu quả cụ thể và khả thi.

- Phương pháp so sánh, đối chiếu và vận dụng thực tiễn. So sánh, đối chiếu là một phương pháp hữu hiệu để phát triển những kĩ năng chuẩn mực cho học sinh dân tộc. Đặc điểm tư duy cụ thể, trực tiếp làm cho học sinh sẽ có những tri thức, tình cảm, thói quen mới trong sự đối sánh với những tri thức, kĩ năng đã có của các em. Một cách phát âm, cách sử dụng từ, sử dụng cấu trúc ngữ pháp của tiếng Việt được so sánh với các phương diện ấy trong tiếng Mông sẽ làm cho các em khi giao tiếp, nói năng tiếng Việt sẽ không diễn đạt, dùng từ, phát âm theo “người dân tộc nói” như chúng ta thường nghe trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Phương pháp làm việc theo nhóm và hoạt động tập thể (trò chơi, đóng vai,...). Trong dạy học môn Ngữ văn cho học sinh THCS dân tộc miền núi, trò chơi đóng vai, diễn kịch, hoạt động tập thể không những đa dạng hóa hình thức dạy học để tăng sự hứng thú tiếp nhận của học sinh mà còn có tác dụng rèn luyện kĩ năng hoạt động tập thể cho các em. Vốn bản tính nhút nhát, rụt rè, e ngại, việc tạo nên những sinh hoạt tập thể, hoạt động theo nhóm sẽ tăng cường, phát triển kĩ năng nói, kĩ năng giao tiếp, kĩ năng hoạt động, kĩ năng hợp tác cho học sinh.

- Phương pháp cá thể hóa (am hiểu cuộc sống gia đình, tìm hiểu ưu điểm và nhược điểm riêng, giúp đỡ riêng, động viên tinh thần,...). Với học sinh dân tộc miền núi, tính cá biệt hóa rất rõ. Vì vậy, để giáo dục kĩ năng sống trong dạy học môn Ngữ văn, phải tìm hiểu, điều tra thật kĩ từng nhóm học sinh, từng học sinh để biết được những ưu điểm, nhược điểm cũng như môi trường sống của các em. Một học sinh sống trong gia đình mà việc sử dụng tiếng Việt hạn chế sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của các em. Điều kiện kinh tế của học sinh không đồng đều như nhau. Tình trạng ngồi nhầm lớp, học xong tiểu học mà chưa biết chữ Việt (hoặc tái mù chữ) là một hiện tượng không phải cá biệt trong học sinh dân tộc nội trú. “Cầm tay chỉ việc” là một phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học để rèn luyện kĩ năng sống cho học sinh dân tộc miền núi.

Thông qua hoạt động phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Tính chất sâu bền trong những phong tục, tập quán của các dân tộc miền núi đã khẳng định vai trò của gia đình, làng bản đối với những kĩ năng của học sinh dân tộc miền núi. Vì vậy, để hình thành, bồi dưỡng, phát triển những kĩ năng cuộc sống hiện nay, cần phải có sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội để những kĩ năng được bền vững. Trong dạy học Ngữ văn, những tri thức và kĩ năng sử dụng tiếng Việt được giáo dục trong nhà trường sẽ bị mai một nếu về nhà hoặc sinh hoạt trong làng bản, học sinh chỉ giao tiếp tiếng dân tộc.

4. Một số đề nghị về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả việc dạy học văn bản thông tin nhằm góp phần phát triển năng lực toàn diện cho học sinh dân tộc, miền núi

4.1. Thứ nhất, về chương trình, nội dung và phương pháp dạy học văn bản thông tin, cần phải được cập nhật, bổ sung, điều chỉnh để đảm bảo yêu cầu chung của giáo dục THCS, nhưng phải phù hợp với đối tượng học sinh dân tộc Mông cũng như điều kiện dạy và học. Chương trình văn học địa phương, các chủ đề tự chọn,… phải giao quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm cho các trường học, thậm chí cho từng giáo viên. Tăng cường công tác quản lí, kiểm tra, giám sát để hoạt động dạy học văn bản thông tin trong chương trình Ngữ văn cũng như trong các môn học khác được thực hiện một cách nghiêm túc, không đối phó, hình thức, chiếu lệ.

4.2. Thứ hai, về tài liệu, cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục cho dạy học văn bản thông tin, cần phải được ưu tiên cho học sinh dân tộc, miền núi. Tuy nhiên, cơ sở vật chất, phương tiện dạy học phải phù hợp, tránh tình trạng cấp tivi cho những nơi không có điện hoặc đưa sách ngoại ngữ về quá nhiều khi bản thân các em học sinh dân tộc Mông cần có nhiều đầu sách tiếng Việt hơn.

4.3. Thứ ba, về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên Ngữ văn và cập nhật những tri thức, kĩ năng liên quan đến việc dạy học văn bản thông tin. Hiện nay, việc đào tạo giáo viên dạy học miền núi, vùng dân tộc chưa có nhiều những  giải pháp liên quan đến trình độ chuyên môn, kĩ năng sư phạm. Nếu giáo viên là người dân tộc thiểu só, người địa phương sẽ có lợi thế hơn trong việc nâng cao hiệu quả dạy học văn bản thông tin. Vì vậy, theo từng chu kì, các cơ quan quản lí giáo dục, các cơ sở đào tạo cần phát hành các tài liệu, tổ chức tập huấn, trao đổi kinh nghiệm cho các giáo viên đang và sẽ dạy học ở các vùng dân tộc thiểu số.

4.4. Thứ tư, về vấn đề tích hợp và phân hóa, về liên kết và hệ thống trong dạy học đọc hiểu văn bản thông tin nhằm phát triển năng lực toàn diện cho học sinh dân tộc miền núi. Đây là những yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, cũng là điều kiện để khẳng định năng lực giáo dục và kĩ năng dạy học của người giáo viên. Bài học kinh nghiệm của nhiều trường THCS nội trú ở Nghệ An là, mỗi giáo viên cần hiểu biết nhiều lĩnh vực chuyên môn để có thể dạy học cho học sinh dân tộc Mông theo nhóm nhỏ. Mỗi giáo viên đồng thời thực hiện chức năng người thầy, người truyền bá nếp sống văn hóa, một cộng tác viên của kế hoạch hóa gia đình, vệ sinh phòng dịch, bảo vệ tài nguyên nguyên rừng,…

4.5. Thứ năm, về các điều kiện đảm bảo cho việc dạy đọc hiểu văn bản thông tin theo hướng phát triển năng lực cho học sinh dân tộc miền núi. Ban Giám hiệu, giáo viên, nhân viên phải quán triệt mục tiêu phát triển năng lực toàn diện học sinh trong chủ trương quản lí nhà trường và hoạt động dạy học của giáo viên ; có phương pháp, thái độ đúng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh trong giáo dục, đánh giá, phát triển năng lực của học sinh dân tộc miền nú ; đảm bảo các điều kiện của nhà trường, của giáo viên để thực hiện tốt mục tiêu phát triển năng lực học sinh thông qua dạy học nói chung và dạy đọc hiểu văn bản thông tin nói riêng ; xây dựng môi trường cuộc sống thân thiện, tích cực đối với học sinh trong và ngoài nhà trường.

5. Kết luận

Dạy học văn bản thông tin ở trường THCS ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc cần thực hiện nhiều mục tiêu về cung cấp tri thức, rèn luyện kĩ năng, bồi dưỡng nhân cách, phát triển năng lực toàn diện cho học sinh. Tuy nhiên, cần bám sát đặc trưng của môn Ngữ văn; tách rời việc phát triển năng lực trong dạy học môn Ngữ văn là không phát huy được ưu thế của bộ môn, cũng không nắm được quan điểm, mục tiêu giáo dục trong nhà trường hiện nay. Việc phát triển năng lực học sinh trong dạy học đọc hiểu văn bản thông tin phải được thực hiện một cách nhuần nhuyễn, sáng tạo, phù hợp để phát huy hiệu quả, không “chính trị hóa, thời sự hóa” môn Ngữ văn, cũng không gượng ép trong việc nhồi nhét những bài học đơn thuần, khô khan, không tác động được nhận thức, tình cảm, thói quen của học sinh. Điều đó không chỉ phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, kĩ năng sư phạm, trách nhiệm nghề nghiệp của giáo viên Ngữ văn ở vùng núi, vùng dân tộc thiểu số mà còn phụ thuộc vào  việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa, tài liệu tham khảo của bộ môn cũng như các điều kiện đảm bảo của hoạt động giáo dục và dạy học. Vì vậy, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, các cơ quản quản lí và nghiên cứu về giáo dục cần có những giải pháp về việc đổi mới nội dung, chương trình đào tạo và bồi dưỡng giáo viên; tổng kết, phổ biến kinh nghiệm phát triển năng lực học sinh trong hoạt động giáo dục và dạy học, đặc biệt đối với giáo dục vùng sâu, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; thiết kế, biên soạn, đa dạng hóa tài liệu tham khảo cho giáo dục vùng sâu, vùng dân tộc thiểu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo cũng như thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ quản lí, giáo viên và học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.     Bộ Giáo dục và Đào tạo (2015), Quyết định 3976/QĐ-BGDĐT-BPTr ngày 05/8/2015 về việc xin ý kiến của các tổ chức, cá nhân về dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể.

2.     Phạm Thị Thu Hiền (2014), Một số đề xuất để đổi mới dạy học đọc hiểu văn bản trong nhà trường phổ thông, Tạp chí Khoa học Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, số 56/2014

3.     Lã Thị Thanh Huyền (2015), Tích hợp giáo dục kĩ năng sống cho học sinh dân tộc miền núi tỉnh Nghệ An trong dạy học môn Ngữ văn trung học cơ sở, Tạp chí Giáo dục, số 364 (kì 2, tháng 8-2015).

4.     Trịnh Thị Lan (2007), Một số nguyên tắc tiếp nhận văn bản dưới góc độ ngôn ngữ học văn bản, Tạp chí Giáo dục, số 168.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020