Nghiên cứu khoa học

ĐỀ XUẤT MỘT SỐ BIỆN PHÁP DẠY TÍCH HỢP LIÊN MÔN TRONG MÔN NGỮ VĂN


19-10-2020
Tác giả: TS. Đào Thị Thu Thủy Đại học Hải Phòng

Văn học là nhân học. Do đó, dạy Ngữ văn là dạy làm người thông qua một bộ môn nghệ thuật, với mục tiêu của môn Ngữ văn trong trường phổ thông là: góp phần hình thành những con người có trình độ học vấn phổ thông, chuẩn bị cho họ tiếp tục học lên bậc học cao hơn. Đó là những con người có ý thức tự tu dưỡng, biết thương yêu quý trọng gia đình, bè bạn, có lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, biết hướng tới những tư tưởng, tình cảm cao đẹp như lòng nhân ái, tinh thần tôn trọng lẽ phải sự công bằng, lòng căm ghét cái xấu, cái ác. Đó là những con người biết rèn luyện để có tính tự lập, có tư duy sáng tạo, bước đầu có năng lực cảm thụ các giá trị chân, thiện, mĩ, cho nghệ thuật, trước hết là trong văn học, có năng lực thực hành và năng lực sử dụng tiếng Việt như một công cụ để tư duy và giao tiếp. Đó cũng là những người có ham muốm đem tài trí của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.

1. Đặt vấn đề

 Văn học là nhân học. Do đó, dạy Ngữ văn là dạy làm người thông qua một bộ môn nghệ thuật, với mục tiêu của môn Ngữ văn trong trường phổ thông là: góp phần hình thành những con người có trình độ học vấn phổ thông, chuẩn bị cho họ tiếp tục học lên bậc học cao hơn. Đó là những con người có ý thức tự tu dưỡng, biết thương yêu quý trọng gia đình, bè bạn, có lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, biết hướng tới những tư tưởng, tình cảm cao đẹp như lòng nhân ái, tinh thần tôn trọng lẽ phải sự công bằng, lòng căm ghét cái xấu, cái ác. Đó là những con người biết rèn luyện để có tính tự lập, có tư duy sáng tạo, bước đầu có năng lực cảm thụ các giá trị chân, thiện, mĩ, cho nghệ thuật, trước hết là trong văn học, có năng lực thực hành và năng lực sử dụng tiếng Việt như một công cụ để tư duy và giao tiếp. Đó cũng là những người có ham muốm đem tài trí của mình cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tương lai.

Dạy Ngữ văn có tầm quan trọng như vậy nhưng dạy Ngữ văn thế nào cho hấp dẫn là một câu hỏi đã đặt ra từ rất lâu. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi kinh tế thị trường phát triển mạnh, các môn học xã hội trong đó có Ngữ văn bị coi nhẹ, việc dạy văn thu hút học sinh chịu khó học văn lại càng khó hơn.

Hiện nay, các nhà giáo dục đang hướng đến việc dạy học phát triển năng lực cốt lõi của thế kỉ XXI. Điều đó có nghĩa, bên cạnh việc phát triển các chương trình giáo dục phù hợp cần áp dụng các chiến lược dạy học phù hợp để nuôi dưỡng, hình thành các năng lực này. Trong thực tế đời sống, để giải quyết một vấn đề, chúng ta cần tới kiến thức tổng hợp, kiến thức của nhiều môn, nhiều ngành, hay nói khác đi là kiến thức liên ngành. Vì vậy, để trang bị kiến thức cho các em theo hướng liên ngành, rèn cho các em kĩ năng giải quyết vấn đề bằng kiến thức tổng hợp, đồng thời cũng tạo hứng thú học tập cho học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi mới phương pháp dạy học theo hướng dạy học tích cực, dạy học tích hợp liên môn. Nằm trong xu hướng đổi mới đó, các nhà sư phạm dạy Ngữ văn đã trăn trở tìm hướng đi thích hợp cho bộ môn mình đảm nhiệm. Trong bài viết này, chúng tôi mạnh dạn đề xuất một số biện pháp nên thực hiện trong quá trình dạy tích hợp liên môn. Đó là sự phối hợp giữa các khâu trong quá trình dạy - học. Không kể giờ dạy chính trên lớp, giáo viên cần đặc biệt chú ý đến khâu giao bài cho học sinh trước và sau giờ lên lớp giúp học sinh chủ động tiếp nhận bài học đồng thời góp phần tạo hứng thú cho học sinh.

                 2. Nội dung

Dạy học tích hợp có nghĩa là đưa những nội dung giáo dục có liên quan vào quá trình dạy học các môn học. Còn dạy học liên môn là phải xác định các nội dung kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học để dạy học, tránh việc học sinh phải học lại nhiều lần cùng một nội dung kiến thức ở các môn học khác nhau (đối với những kiến thức liên môn nhưng có một môn học chiếm ưu thế thì có thể bố trí dạy trong chương trình của môn đó và không dạy lại ở các môn khác).

Với mục tiêu bài học là định hướng vào việc mô tả kết quả học tập mong đợi, tức các khả năng, năng lực học sinh phải đạt được chứ không chỉ là nội dung kiến thức được giáo viên truyền thụ, vì vậy, khi soạn bài, việc giáo viên cần làm, sau khi xác định mục tiêu của bài dạy, là lựa chọn môn tích hợp và chọn lĩnh vực liên môn cho bài đó. Với môn Ngữ văn thông thường chỉ tích hợp với các môn Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lí, ...  Nhưng có những bài cũng cần tích hợp với kiến thức về môi trường, pháp luật, ... nữa. Tùy nội dung bài, giáo viên chọn môn tích hợp cho phù hợp. Sau khi chọn những kiến thức tích hợp, người giáo viên lựa chọn kiến thức liên môn. Từ sự xác định các kiến thức tích hợp, liên môn, giáo viên định hướng phương pháp giảng dạy nhằm dẫn dắt học sinh, giúp học sinh làm chủ trong quá trình tìm hiểu, phát hiện và nắm bắt kiến thức cũng như hình thành năng lực giải quyết vấn đề. Chính điều này chi phối quá trình soạn bài của người giáo viên, quá trình thực hiện các thao tác lên lớp và giao bài tập cho học sinh trước và sau giờ lên lớp. Điều quan trọng mà người giáo viên cần thực hiện là dẫn dắt học sinh không chỉ chủ động tiếp nhận được nội dung chính của bài mà còn chủ động nắm được phương pháp tìm hiểu bài, hình thành kĩ năng giải quyết độc lập hoặc theo nhóm một vấn đề nào đó tương tự trong cuộc sống.

Quá trình thực hiện các bước lên lớp gồm ba khâu cơ bản: Giao bài cho học sinh chuẩn bị bài trước khi đến lớp, học trên lớp, giao bài về nhà cho người học sau giờ học. Ở đây, chúng tôi nhấn mạnh khâu đầu tiên và khâu cuối cùng, những khâu tưởng như vụn vặt không cần lưu tâm nhiều.

            Trước hết là việc giao bài cho học sinh trước giờ lên lớp. Đây là khâu giao câu hỏi cho học sinh ở nhà tiếp cận văn bản: khâu này cần được giáo viên đặc biệt chú ý. Vì dạy học tích hợp là hướng đến hình thành năng lực cho người học, giúp người học có khả năng giải quyết được một vấn đề trọn vẹn và phức tạp, sát thực tiễn hơn nên việc giao bài cho học sinh nhằm định hướng tìm hiểu bài trước giờ giảng là vô cùng quan trọng. Việc làm này không chỉ giúp học sinh chủ động kiếm tìm câu trả lời mà nó còn là cách góp phần giúp học sinh chủ động giải quyết vấn đề, nắm kiến thức đồng thời tạo hứng thú cho người học. Do đó, câu hỏi cho học sinh tìm hiểu bài phải là câu hỏi nêu vấn đề, buộc người học phải tìm tòi, suy nghĩ, vận dụng kiến thức tổng hợp để tìm ra câu trả lời. Câu hỏi đặt ra không chỉ đơn thuần gợi ý tìm hiểu về nội dung, nghệ thuật trong tác phẩm, mà câu hỏi đặt ra yêu cầu học sinh cần vận dụng kiến thức của môn khác để trả lời. Hoặc giáo viên có thể đưa ra những câu hỏi nhỏ thuộc lĩnh vực khác nhưng nó là tiền đề giúp học sinh hiểu sâu hơn nội dung bài học. Các câu hỏi cũng cần được nâng cao từ dễ đến khó để phù hợp với năng lực học sinh. Đồng thời, giáo viên cần yêu cầu học sinh tìm hiểu tài liệu, các hình ảnh, tư liệu có liên quan đến nội dung bài dạy,... nhằm minh họa cho việc tìm hiểu kiến thức sâu sắc hơn. Công việc này không chỉ giúp các em có hiểu biết rộng hơn, mà quan trọng hơn là góp phần hình thành cho học sinh năng lực vận dụng kiến thức liên ngành vào việc giải quyết vấn đề. Các câu hỏi đòi hỏi nội dung tích hợp sẽ giúp học sinh hứng thú và say sưa hơn với môn học, đặc biệt với môn Ngữ văn – một môn vốn được coi là khó để dạy cho hay, hấp dẫn đối với học sinh. Ở môn Ngữ văn, còn nên đặt các câu hỏi mở liên quan đến các giá trị chân, thiện, mĩ,… nhằm góp phần nâng cao năng lực cảm thụ cái đẹp, hình thành nhân cách cho học sinh. 

      Môn Ngữ văn, với đặc thù riêng, có nhiều chức năng, trong đó có hai chức năng quan trọng là nhận thức và giáo dục, do đó, có liên quan mật thiết đến môn giáo dục công dân và một số môn khác như Lịch sử, Địa lí,... Do đó, có thể xác định môn liên môn cố định là môn Giáo dục công dân, còn tùy nội dung từng bài mà có thể lựa chọn (hoặc không lựa chọn) môn dạy liên môn cho phù hợp. Ví dụ, dạy bài Khái quát văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX [1], giáo viên có thể liên môn với môn giáo dục công dân và môn Lịch sử thông qua các chủ đề chung. Những kiến thức về lịch sử thế kỉ X – XIX, giáo dục công dân có thể dạy lồng ghép trong bài, qua đó giáo dục cho học sinh lòng yêu, tự hào về truyền thống tốt đẹp của cha ông trong lịch sử, từ đó, thấy được trách nhiệm  của mỗi công dân là noi gương, phát huy và tô đẹp thêm truyền thống ấy.

Khi soạn bài, giáo viên cũng cần tìm các tranh ảnh và tìm hiểu các kiến thức liên quan đến bài dạy nhưng thuộc lĩnh vực chuyên môn khác, cách thức vận dụng khéo léo các kiến thức ấy trong bài dạy giúp học sinh hình thành tư duy tổng hợp trong quá trình tiếp nhận kiến thức.

Khâu thứ hai là giảng bài trên lớp. Giáo viên cần kiểm tra việc chuẩn bị bài của học sinh, làm cơ sở cho việc dạy bài mới. Người giáo viên khi giảng bài trên lớp, khéo léo, linh hoạt tổ chức dẫn dắt học sinh chủ động tiếp cận và giải quyết bài học một cách thấu đáo thông qua hệ thống câu hỏi hướng vào kiến thức môn học và những kiến thức có liên quan thuộc bộ môn khác. Chẳng hạn, khi giảng bài Lặng lẽ Sa Pa[2]giáo viên có thể đưa câu hỏi: Nghề vật lí địa cầu làm công việc gì? Em hiểu gì về nghề này? Nghề này yêu cầu người làm việc phải có phẩm chất gì?... Những câu hỏi này vừa giúp người học hiểu sâu sắc hơn về phẩm chất tốt đẹp của anh thanh niên làm nghề vật lí địa cầu trong truyện vừa góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Từ hiểu biết về ngành nghề thông qua bài học, người học có thể định hướng nghề nghiệp cho bản thân sau này. Đồng thời, học sinh có thể liên hệ với bản thân, thấy trách nhiệm công dân của mình với Tổ quốc thân yêu!

Các câu hỏi hướng dẫn học sinh tìm hiểu bài cần phong phú, ở nhiều mức độ phù hợp với trình độ người học. Cần thiết có các câu hỏi nâng cao, câu hỏi nêu vấn đề buộc học sinh phải tư duy để giải quyết. Mỗi nội dung kiến thức có thể liên hệ đến nội dung môn học khác, giáo viên cần tích hợp với bộ môn đó để hướng học sinh giải quyết vấn đề theo hướng vận dụng kiến thức tổng hợp. Trong quá trình giảng dạy, giáo viên có thể kết hợp nhiều mô hình dạy học khác nhau, kết hợp với các hình thức thảo luận, thảo luận nhóm,... Giáo viên hỗ trợ học sinh đi sâu vào bài và hiểu bài bằng hệ thống hình ảnh, tư liệu có liên quan.

Học sinh cần được dẫn dắt và làm việc nhiều hơn trong giờ học, chỉ những khi cần kết luận hoặc ở những ý hay, giáo viên mới dừng lại để phân tích, phẩm bình một cách ngắn gọn, tránh được hiện tượng thày đọc, trò chép, giúp giờ học linh hoạt, sôi nổi, hấp dẫn hơn do học sinh được tham gia tích cực vào giờ học.

Với môn văn, bài học được rút ra qua tác phẩm văn học vô cùng sâu sắc nhưng đi vào lòng người một cách tự nhiên, nhuần nhị, không khô khan như những bài học đạo đức. Đặc biệt, trong hoàn cảnh thực tế đất nước hiện nay, thói vô cảm đang xuất hiện và có xu hướng tăng lên, việc giáo dục đạo đức, giáo dục trách nhiệm công dân với mỗi học sinh đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Những tấm gương sáng và bài học rút ra một cách chủ động, tích cực sẽ góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho học sinh.

Ví dụ, học sinh sau khi học xong bài Lặng lẽ Sa Pa, học sinh tự rút ra trách nhiệm công dân của mình với Tổ quốc; noi theo tấm gương sáng là anh thanh niên làm nghề vật lí địa cầu, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng tư để góp phần cống hiến cho đất nước,…

Khâu cuối cùng trong qua trình dạy học là giao bài tập sau giờ học cho học sinh. Số bài tập không cần nhiều nhưng cần đảm bảo các yếu tố: có bài kiểm tra nội dung tái hiện kiến thức, bài tập nâng cao đòi hỏi học sinh phải có tư duy tổng hợp để giải quyết vấn đề, bài tập mở, đồng thời bài tập nên yêu cầu học sinh có liên hệ thực tế giúp các em củng cố được kiến thức, gắn học tập với thực tế, góp phần rèn luyện cho học sinh cách vận dụng kiến thức tổng hợp vào việc giải quyết vấn đề. Đồng thời, môn Ngữ văn, ở khâu này, việc liên hệ bản thân còn giúp học sinh nhìn lại mình, để tự sửa sai, học các gương sáng mà tự trau dồi đạo đức của bản thân.

Như vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy cần đồng bộ từ khâu chuẩn bị bài dạy đến quá trình dạy trên lớp, giao bài tập sau giờ học cho học sinh. Việc chuẩn bị kĩ hệ thống câu hỏi giúp học sinh chuẩn bị bài trước giờ lên lớp sẽ có vai trò quan trọng trong việc tạo hứng thú và sự chủ động tiếp nhận kiến thức cũng như góp phần hình thành năng lực giải quyết vấn đề cho các em, làm nên thành công cho giờ học.

3. Kết luận

Dạy tích hợp liên môn là một vấn đề khó, đang là vấn đề được tiếp cận theo nhiều chiều. Song cần thống nhất, dạy học “tích hợp”, “liên môn” là dạy học những kiến thức liên quan đến hai hay nhiều môn học. Trong đó, tích hợp là đề cập đến phương pháp và mục tiêu của hoạt động học còn liên môn là đề cập tới nội dung dạy học. Với môn Ngữ văn, theo thiển ý của người viết, dạy tích hợp có thể với nhiều môn, song liên môn nên có với Giáo dục công dân, và tùy theo từng bài có thể dạy liên môn với các môn khác. Trong quá trình dạy tích hợp liên môn môn Ngữ văn, giáo viên cần đảm bảo đổi mới đồng bộ các khâu, từ giao bài cho học sinh chuẩn bị bài đến giờ dạy trên lớp và giao bài sau giờ học, trong đó đặc biệt đến chú ý đến khâu thứ nhất – khâu có thể coi là tạo hứng thú cho học sinh và chuẩn bị tâm thế cho học sinh trước giờ học. Khâu thứ ba, giao bài tập cho học sinh sau giờ học có vai trò củng cố kiến thức, nâng cao tư duy của học sinh cũng không nên coi nhẹ. Thực hiện tốt được ba khâu này, giờ dạy tích hợp liên môn sẽ khơi gợi được hứng thú của học sinh, giúp học sinh tích cực, chủ động nắm kiến thức và phương pháp giải quyết vấn đề. Đồng thời, việc liên hệ thực tế giúp sinh viên có kĩ năng giải quyết vấn đề phức tạp trong cuộc sống, và góp phần hình thành nhân cách cho học sinh, hướng họ đến với cái chân, thiện, mĩ.

 


[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn, lớp 10, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, tr.104.

[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ngữ văn, lớp 9, tập hai, NXB Giáo dục Việt Nam.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020