Nghiên cứu khoa học

ĐỔI MỚI DẠY HỌC NGỮ VĂN - NHÌN TỪ PHÂN PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NGỮ VĂN TRUNG HỌC CƠ SỞ


19-10-2020
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Bích Hợp - ThS. Phạm Thị Thu Huyền - Đại học Tân Trào

1. Mở đầu

Từ Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, giáo dục Việt Nam đã trải qua ba cuộc cải cách lớn vào các năm 1950, 1956, 1979 và nhiều lần đổi mới từ năm 1986. Trong tất cả các giai đoạn đó, môn Ngữ văn – có thể được gọi tên theo nhiều cách khác nhau, vẫn luôn luôn được khẳng định là môn học quan trọng hàng đầu trong chương trình giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay dường như không đúng với mục tiêu, kì vọng mà những người làm giáo dục dành cho môn học này. Về thái độ, học sinh càng ngày càng ít mặn mà với môn Ngữ văn (thường gọi là môn Văn); một vài tính từ đã dần trở nên quen thuộc trong nhận xét như: nặng nề, khuôn mẫu, sáo mòn, nhàm chán,... Từ phương diện sản phẩm, những kết quả mà môn Ngữ văn đem lại cũng bị sụt giảm về chất lượng. Xét về kĩ năng, hiện tượng học sinh viết sai, diễn đạt kém, hời hợt trong tiếp nhận, lúng túng trong trình bày ngày càng phổ biến. Về kiến thức, dù đây là mục tiêu đầu tiên, được chú trọng nhất hiện nay, nhưng hiểu biết về tác phẩm văn chương, về tiếng Việt đều có hạn chế. Tình trạng đó, cùng với bức tranh chung của toàn bộ nền giáo dục, đã đặt ra nhu cầu bức thiết về một cuộc cải cách thứ tư – cuộc cải cách mà chúng ta đang đối diện và tìm đường đi thích hợp.

Đã có nhiều bàn bạc về vấn đề này, và theo đó nhiều nguyên nhân được nhận diện, từ các góc độ chủ quan / khách quan, người dạy / người học, chương trình / phương pháp / kiểm tra, đánh giá,... Trong bài viết này, chúng tôi chọn điểm nhìn là phân phối chương trình Ngữ văn, với một trường hợp cụ thể là bậc học Trung học cơ sở (THCS). Tài liệu hướng dẫn phân phối chương trình được khảo sát do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Tuyên Quang xây dựng trên cơ sở Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT ngày 05/5/2006 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn kiến thức, kĩ năng trong chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, được áp dụng từ năm học 2011 - 2012.  Phân phối chương trình được coi là văn bản “chính tắc”, nếu có điểm không thống nhất giữa hai tài liệu thì thực hiện theo phân phối chương trình. Thông qua phân phối chương trình, có thể thấy được một cách cơ bản, khái quát cấu trúc, quá trình dạy học môn Ngữ văn trong nhà trường, từ đó cụ thể hóa một số hạn chế của chương trình Ngữ văn phổ thông hiện nay.

            2. Một số đặc điểm của chương trình Ngữ văn THCS hiện nay thể hiện qua phân phối chương trình

            2.1. Các vấn đề chung

            Chương trình Ngữ văn bậc THCS là một bộ phận trong chương trình Ngữ văn phổ thông, không chiếm thời lượng lớn nhất nhưng cung cấp nhiều nội dung cơ bản nhất so với bậc Tiểu học và bậc Trung học phổ thông.

Theo tài liệu phân phối chương trình, trong phần hướng dẫn chung, bên cạnh các lưu ý cho tất cả các môn học, môn Ngữ văn cùng với một số môn khoa học xã hội và nhân văn khác được nhấn mạnh: “cần coi trọng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo hướng hạn chế chỉ ghi nhớ máy móc, không nắm vững kiến thức, kĩ năng môn học. Trong quá trình dạy học, cần đổi mới kiểm tra đánh giá bằng cách nêu vấn đề mở, đòi hỏi học sinh phải vận dụng tổng hợp kiến thức, kĩ năng và biểu đạt chính kiến của bản thân.”[2; tr.3].

            Đối với riêng môn Ngữ văn, ngoài các hướng dẫn mang tính quy định chuyên môn, tài liệu phân phối chương trình thể hiện rõ yêu cầu đổi mới (ý c điểm 2, mục I. NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG; điểm 8,9,10 mục II. NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ CỦA MÔN  NGỮ VĂN), có dành một số nội dung cho giáo viên chủ động tự soạn và chú trọng việc giảm tải chương trình cho học sinh.

            Về cấu trúc, môn Ngữ văn ở THCS gồm ba phân môn Văn học (Văn), Tiếng Việt, Làm văn. Phân phối chương trình phân chia cụ thể thời lượng cho từng bài, từng tuần, mỗi tuần có thể có 3 phân môn: Văn, Tiếng Việt, Làm văn hoặc chỉ có 2 trong 3 phân môn. Phân phối chương trình cũng thể hiện cụ thể tiến trình dạy học trong năm học. Do đó, việc xem xét cụ thể phân phối chương trình có thể thấy rõ đặc điểm của chương trình Ngữ văn THCS.

            2.2. Cấu trúc chương trình

            2.2.1. Ba phân môn

Căn cứ tài liệu hướng dẫn phân phối chương trình, có thể thống kê chi tiết bài học, số tiết toàn bộ chương trình Ngữ văn THCS nói chung và từng phân môn nói riêng. Số liệu tổng hợp được thể hiện trong bảng 2.2. sau đây.

STT

Lớp

Số bài

Số tiết

Số tiết / Phân môn

Văn học

Tiếng Việt

Làm văn

1

6

110

140

48.5

34.64%

34.5

24.64%

44

31.43%

2

7

122

140

43.5

31.07%

33.5

23.93%

52

37.14%

3

8

119

140

49.5

35.36%

31

22.14%

50.5

36.07%

4

9

130

175

84

48.00%

28

16.00%

59

33.71%

Tổng

 481

595

225.5

37.90%

127

21.34%

205.5

34.54%

Bảng 2.2.1. Cấu trúc chương trình Ngữ văn THCS

            Tương quan tỉ lệ giữa ba phân môn Văn học, Tiếng Việt, Làm văn được biểu thị trong biểu đồ sau đây.

            Trong thống kê trên đây, các tiết học chung như Hướng dẫn sử dụng SGK, tài liệu và phương pháp học bộ mônKiểm tra tổng hợp, Hoạt động Ngữ văn không chia thành phân môn cụ thể. Các tiết học gộp hai nội dung thuộc hai phân môn được chia đều cho hai phân môn đó.

            Có thể thấy rõ Văn học chiếm thời lượng áp đảo trong cấu trúc môn Ngữ văn trong từng năm học và tăng dần theo thời gian, đến lớp 9 thì tăng vọt về số lượng với 84 tiết (điều này phần nào lí giải vì sao tên gọi tắt của môn học là Văn). Đặc điểm của phân môn Văn học cũng vì thế ảnh hưởng mạnh đến toàn bộ môn Ngữ văn ở THCS. Trước hết, đây là phân môn chủ yếu trang bị kiến thức văn học, thông qua đó giáo dục nhân cách, thái độ, tình cảm cho học sinh – theo mục tiêu đề ra của môn học. Trong khi đó, phân môn Tiếng Việt có tư cách cung cấp bộ công cụ ngôn ngữ để tiếp nhận văn bản (năng lực đọc văn) và tạo lập văn bản (năng lực làm văn), luôn chiếm tỉ lệ thấp nhất.

Riêng phân môn Làm văn, phân môn chủ yếu rèn kĩ năng tạo lập văn bản đã dành riêng cho kiểm tra viết chiếm 46/205.5 tiết của bốn năm học, thời lượng còn lại chia cho nội dung trang bị kiến thức và luyện tập / thực hành. Như vậy, để phù hợp với mục tiêu hàng đầu là trang bị kiến thức (sau đó mới là kĩ năng và thái độ), chương trình hiện nay được xây dựng với đa số thời lượng cho nội dung bài học mà chưa chú trọng rèn năng lực cho học sinh. Bởi vậy, cho dù hiện nay đổi mới giáo dục mong muốn bồi dưỡng năng lực, giảm thiểu kiểm tra thuộc lòng nhưng với đặc thù chương trình như vậy, việc hướng đến một mục tiêu mới, khác với mục tiêu đặt ra khi xây dựng chương trình thực sự là nhiệm vụ bất khả đối với người dạy.

            2.2.2. Bài đọc thêm/ tự học

Phân phối chương trình Ngữ văn THCS cũng xác định rõ bài học dạng hướng dẫn đọc thêm (Văn) hoặc tự học (Tiếng Việt, Làm văn). Tuy nhiên số lượng này không nhiều, trong đó có những tiết học “kiêm nhiệm” cả dạy chính khóa và hướng dẫn đọc thêm, ví dụ: Lớp 7/ Tuần 5/ Tiết 18: Sông núi nước Nam; Hướng dẫn đọc thêm: Phò giá về kinh. Dưới đây là thống kê số tiết hướng dẫn đọc thêm/ tự học môn Ngữ văn ở THCS.

STT

Lớp

Số bài

Số tiết

Đọc thêm / Tự học

1

6

110

140

11.5

8.21%

2

7

122

140

12.5

8.93%

3

8

119

140

4.5

3.21%

4

9

130

175

4

2.29%

Tổng

481

595

32.5

5.46%

Bảng 2.2.2. Số tiết đọc thêm / tự học trong chương trình Ngữ văn THCS

            Tuy mục tiêu đặt ra với các tiết học này là hướng dẫn học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức, kĩ năng – một mục tiêu gần với việc đổi mới dạy học theo hướng tích cực, nhưng bộ phận này lâu nay vẫn không có được vị trí xứng đáng. Trước hết, việc hướng dẫn đọc thêm / tự học bản chất không khác với dạy chính khóa cả về thời lượng, cách thức tiến hành, khác biệt lớn nhất chính là ở khâu kiểm tra, đánh giá các nội dung này sẽ không xuất hiện trong đề thi (chưa kể với hướng đánh giá mới, đã xuất hiện đề thi đòi hỏi kiến thức trong nhóm bài học này). Điều này được thể hiện rõ trong hướng dẫn tại điểm 2, mục II. NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ CỦA MÔN  NGỮ VĂN:

2. Đối với những tiết có ghi Hướng dẫn đọc thêm và Tự học có hướng dẫn, giáo viên thực hiện như sau:

a) Đối với những tiết có ghi Hướng dẫn đọc thêm

- Nếu trong PPCT chỉ có nội dung Hướng dẫn đọc thêm, giáo viên soạn và lên lớp như các bài khác;

- Nếu trong PPCT có nhiều nội dung, trong đó có nội dung dạy chủ yếu và nội dung Hướng dẫn đọc thêm, giáo viên dành thời lượng nhất định để hướng dẫn rất ngắn gọn nội dung Hướng dẫn đọc thêm nhằm giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản (thể hiện rõ trong bài soạn)

b) Đối với những tiết có ghi Tự học có hướng dẫn

- Nếu trong PPCT chỉ có một nội dung, giáo viên soạn và lên lớp như các bài khác;

- Nếu trong PPCT có nhiều nội dung, trong đó có nội dung Tự học có hướng dẫn, giáo viên dành thời lượng nhất định để hướng dẫn học sinh tự học, tự thu hoạch để nắm được nội dung cơ bản (thể hiện rõ trong bài soạn).

            Rõ ràng, với hướng dẫn trên đây, việc phân biệt đọc thêm / tự học gần như không tác động nhiều đến quá trình dạy học môn Ngữ văn, thậm chí có bài đọc thêm cũng được phân phối thời lượng tới 2 tiết (Lớp 6/ Tuần 8/ Tiết 30, 31: Hướng dẫn đọc thêm: Cây bút thần).

Hơn nữa, các bài học này dường như có tác dụng giảm tải chương trình nhiều hơn thay đổi phương pháp, do đó cách bố trí các bài đọc thêm/ tự học không theo quy luật, không tạo thành một hệ thống khoa học trong chương trình Ngữ văn THCS nói chung. Chẳng hạn, chương trình lớp 7 có 12,5 tiết tự học/ đọc thêm (cao nhất trong 4 năm học), bao gồm 01 bài Làm văn và 10 bài Văn học, các bài học này bố trí rải rác ở các tuần khác nhau, và hầu như không có điểm chung giữa tất cả 11 bài học. Cụ thể:

STT

Tuần

Bài đọc thêm / tự học

Số tiết

1

5

Phò giá về kinh

0,5

2

6

Bài ca Côn Sơn

1

3

7

Sau phút chia li; Buổi chiều đứng ở phủ Thiên Trường trông ra

1

4

9

Xa ngắm thác núi Lư, Phong Kiều dạ bạc

1

5

10

Bài ca nhà tranh bị gió thu phá

0,5

6

12

Rằm tháng giêng

0,5

7

16

Sài Gòn tôi yêu

1

8

21

Bố cục và phương pháp lập luận trong bài văn nghị luận

1

9

22

Sự giàu đẹp của Tiếng Việt

2

10

28

Những trò lố hay là Va-ren và Phan Bội Châu

2

11

30

Quan Âm Thị Kính

2

Bảng 2.2.3. Thống kê bài đọc thêm/ tự học trong chương trình Ngữ văn 7

Nhưng ngược lại, với các bài đọc dài, phân phối chương trình chỉ rõ phần nội dung không dạy, trong khi hoàn toàn có thể hướng dẫn học sinh tự học các phần đó, ví dụ: Lớp7/ Tuần 4/ Tiết 14: Những câu hát than thân (Chỉ dạy bài ca dao 2 và 3); hoặc Lớp 9/ Tuần 16/ Tiết 76, 77, 78: Cố hương (Không dạy: phần viết chữ nhỏ).

2.2.3. Kiểm tra, đánh giá

            Thời lượng dành cho kiểm tra, đánh giá cũng có một số điểm đáng lưu ý. Trong khi phân môn Văn học áp đảo hoàn toàn về thời gian cũng như kiến thức thì mỗi kì học chỉ dành 1 tiết để kiểm tra và mỗi năm có 1 tiết ôn tập kiến thức, trường hợp tương tự cũng diễn ra ở phân môn Tiếng Việt. Riêng phân môn Làm văn, thời lượng không nhiều nhưng thời gian chủ yếu là để kiểm tra viết, thường là 2 tiết / bài, sau đó là 1 tiết trả bài. Với tâm lí “học để thi”, “thi gì học nấy” của giáo dục, có thể dễ dàng nhận thấy phân phối này cùng với việc ba phân môn gần như độc lập, nội dung tích hợp ít, bệnh “thành tích”... thì tình trạng lãng phí thời gian dạy học chắc chắn khó tránh, khi cả giáo viên và học sinh đều xem nhẹ các bài không “trọng tâm”, không “hạn chế thi”.

2.3. Nội dung chương trình

2.3.1. Kiến thức là trọng tâm

            Thống kê trong chương trình Ngữ văn 8, ngoài các tiết kiểm tra chỉ có 10/119 bài học (10/140 tiết) mà tên bài thể hiện tính thực hành kĩ năng, như: Xây dựng đoạn văn trong văn bản, Luyện nói: Kể chuyện theo ngôi kể kết hợp với miêu tả và biểu cảm; Viết đoạn văn trong văn bản thuyết minh; Luyện tập đưa yếu tố biểu cảm vào bài văn nghị luận,... Hiện tượng này xảy ra ở tất cả các lớp khác chứ không chỉ riêng lớp 8.

            Nhìn một cách tổng thể, toàn bộ chương trình Ngữ văn là hai mảng kiến thức khoa học mang tính “hàn lâm”: Văn tức là văn học gắn với tiến trình văn học, phong cách tác giả, các khuynh hướng sáng tác,... Ngữ tức ngôn ngữ học bao gồm nhiều hệ thuật ngữ thuộc nhiều phân ngành: từ vựng, ngữ pháp, ngữ dụng,...

Các kiến thức ngôn ngữ có thể coi là chìa khóa để lĩnh hội và tạo lập văn bản, tuy nhiên, như trên đã phân tích, thời lượng dành cho Tiếng Việt luôn ít ỏi; hơn thế, các kiến thức được trình bày theo mạch riêng của phân môn, nếu xét độc lập thì có thể thấy được một logic riêng (chưa bàn đến tính khoa học của phân môn) nhưng đặt trong tổng thể chương trình thì còn rời rạc, khó vận dụng để chuyển hóa thành năng lực sử dụng ngôn ngữ của người học.

Phân môn Văn học bên cạnh các tác phẩm hay, có giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật vẫn còn một số bài đọc dài, khó, không thật hay; hoặc mang tính “bày biện” cho đủ phong cách, đủ giai đoạn; hoặc nhằm “chuyên chở” những bài học triết lí một cách “đại ngôn”. Bởi vậy, nhận xét chương trình Ngữ văn còn nặng nề, khuôn sáo hẳn là có lí do, và vì thế khó trách học sinh chưa thực sự yêu thích học Ngữ văn.

2.3.2. Ba phân môn độc lập

Mặc dù hướng đổi mới gần đây là tích hợp nhưng chương trình Ngữ văn hiện tại vẫn là ba phân môn độc lập, được trình bày theo hệ thống khoa học riêng. Xem xét trường hợp Ngữ văn 9 với 20 bài học mở đầu được bố trí theo tiến trình như sau:

STT

Bài

1

Hướng dẫn sử dụng SGK, tài liệu và phương pháp học bộ môn

2

Phong cách Hồ Chí Minh

3

Các phương châm hội thoại

4

Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh

5

Luyện tập sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh

6

Đấu tranh cho một thế giới hoà bình

7

Các phương châm hội thoại (tiếp)

8

Sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

9

Luyện tập sử dụng yếu tố miêu tả trong văn bản thuyết minh

10

Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em

11

Viết bài Tập làm văn số 1

12

Chuyện người con gái Nam Xương

13

Các phương châm hội thoại (tiếp)

14

Xưng hô trong hội thoại

15

Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp

16

Luyện tập tóm tắt văn bản tự sự

17

Sự phát triển của từ vựng;

18

Chuyện cũ trong phủ chúa Trịnh

19

Hoàng Lê nhất thống chí (hồi 14)

20

Sự phát triển của từ vựng (tiếp)

Như vậy, đặt trong tương quan môn học, các bài học nối tiếp nhau vẫn không hề liên quan tới nhau (Phong cách Hồ Chí Minh → Các phương châm hội thoại → Sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh), và các nội dung cùng hệ thống vẫn bị chia nhỏ thành nhiều đơn vị (Các phương châm hội thoại – 3 tiết chia 3 tuần); các kiến thức Văn học, Tiếng Việt, Làm văn không bổ trợ được cho nhau trong việc trang bị kiến thức, vận dụng kiến thức, hình thành kĩ năng, phát triển năng lực. Bài học Các phương châm hội thoại không thể sử dụng làm chìa khóa lĩnh hội văn bản Phong cách Hồ Chí Minh, Đấu tranh cho một thế giới hoà bình cũng như tạo lập văn bản thuyết minh. Ở đây, chương trình có lẽ đã chú trọng hơn đến tính đồng đều giữa các phân môn mà bỏ qua sự thống nhất về kiến thức, kĩ năng. Do đó, việc đòi hỏi giáo viên giảng dạy theo hướng tích hợp là thực sự khó khăn, nếu ép buộc sẽ trở thành khiên cưỡng - bởi chương trình thiết kế như mảnh đất ngay ngắn, mà yêu cầu đổi mới lại buộc phải trình diễn kĩ thuật bơi hỗn hợp.

            2.3. Nhận xét

Từ góc độ xem xét cụ thể phân phối chương trình Ngữ văn THCS, có thể thấy được một hạn chế của chương trình hiện nay là:

- Cấu trúc chương trình thiên về Văn học, chú trọng trang bị kiến thức, không có nhiều không gian để phát huy tính tự chủ của giáo viên và học sinh, chưa tận dụng triệt để quỹ thời gian dạy học.

- Nội dung chương trình còn hàn lâm, một số chưa thực sự phù hợp, các phân môn thiếu đồng bộ trong kiến thức cũng như tiến trình dạy học gây khó khăn cho nhiệm vụ đổi mới phương pháp và mục tiêu giáo dục.

3. Một số đề xuất

Từ những vấn đề đã phân tích trên đây, có thể xác định những nhiệm vụ trước mắt và lâu dài như sau:

- Trước mắt, khi chưa thể cải cách đồng bộ toàn bộ nền giáo dục nói chung, chương trình dạy học Ngữ văn nói riêng, giáo viên cần giữ cho mình và truyền cho học sinh niềm say mê với văn học, tiếng Việt để tạo hứng thú học tập, đọc hiểu, cảm nhận. Phát hiện, nhấn mạnh tính liên hệ giữa các bài học và giữa bài học với thực tiễn, giảm tính kinh viện của chương trình, nâng cao giá trị ứng dụng của môn học. Tận dụng quỹ thời gian để tăng cường việc thực hành, rèn luyện năng lực ngôn ngữ cho học sinh.

Trong các trường Sư phạm, sinh viên Ngữ văn cần được xây dựng thái độ học tập, tinh thần nhân văn và trách nhiệm nghề nghiệp thực sự. Trong chuyên môn phải hướng tới mục tiêu nghề nghiệp gắn với cuộc sống, rèn kĩ năng nghe, nói, đọc, viết trên cơ sở nắm vững chìa khóa ngôn ngữ học, tránh hiện tượng bay bổng sáo mòn, tán tụng vô căn cứ.

- Về lâu dài, cần có sự thay đổi toàn diện, mạnh mẽ về triết lí giáo dục, mục tiêu đào tạo, chương trình, phương pháp dạy học, cách thức kiểm tra / đánh giá. Riêng về chương trình Ngữ văn, cần cấu trúc lại theo hướng lấy ngôn ngữ là xuất phát điểm để hình thành hai nhóm năng lực tiếp nhận (nghe, đọc) và tạo lập (nói, viết); giảm trang bị kiến thức, không lấy kiến thức làm mục tiêu chính mà là công cụ phát triển năng lực. Các mục tiêu giáo dục nhân cách, tư tưởng thông qua văn học cũng cần bồi đắp thông qua cảm xúc thẩm mĩ chứ không thể gượng ép. Xây dựng chương trình thống nhất, linh hoạt, tạo điều kiện cho tích hợp và phát huy tính chủ động của người dạy người học, từ đó khơi dậy hứng thú với văn chương nói chung, môn học nói riêng.

Với nhà trường Sư phạm, cần được phép và được tạo điều kiện tham gia vào quá trình định hướng, hình thành cải cách, đổi mới với tư cách những chủ thể đích thực của quá trình dạy học Ngữ văn, vừa tận dụng kinh nghiệm, vừa có khả năng thấy trước phương hướng để cập nhật kịp thời công tác đào tạo, thực hành nghề nghiệp cho giáo sinh. Điều này sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho cả nhà trường, giáo sinh và công tác đổi mới giáo dục nói chung, trong một mong muốn chung về chương trình giáo dục ưu việt, nhân văn và bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.   Bộ Giáo dục và Đào tạo (2013), Đề án “Đổi mới Chương trình và sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015” (dự thảo), Hà Nội.

2.   Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang (2011), Tài liệu “Hướng dẫn thực hiện Phân phối chương trình môn Ngữ văn – cấp Trung học cơ sở”.

3.   Đỗ Ngọc Thống (2011). Chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam. NXB Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

4.   Đỗ Ngọc Thống (2012), Chương trình Ngữ văn trong nhà trường phổ thông Việt Nam và hướng phát triển sau 2015. Nguồn: http://nico-paris.com/tin-tuc-304/chuong-trinh-ngu-van-trong-nha-truong--pho-thong-viet-nam-va-huong-phat-trien-sau-2015.vhtm.

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020