Nghiên cứu khoa học

HƯỚNG DẪN HỌC SINH SỬ DỤNG KIẾN THỨC VỀ ĐẶC TRƯNG THỂ LOẠI, ĐẶC TRƯNG NGÔN NGỮ VÀO VIỆC CẢM NHẬN CÁI ĐẸP TRONG THƠ TRỮ TÌNH Ở TRUNG HỌC PHỔ THÔNG


19-10-2020
Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Thu Hằng - Cao đẳng Sư phạm Vĩnh Phúc

1. Mở đầu  

Nói đến thơ trữ tình là nói đến một thế giới cảm xúc mãnh liệt  nhất của nhà thơ đối với thế giới hiện thực khách quan, là “Sự bộc lộ trực tiếp tư tưởng, cảm xúc, nhiệt tình, tâm sự, những trạng thái mạnh mẽ xao động, phong phú của tâm hồn và trí tuệ con người. Tất cả những trạng thái muôn hình muôn vẻ mà tác phẩm trữ tình diễn tả cũng đều bắt nguồn từ hiện thực, do cuộc sống kích thích, thúc đẩy, khêu gợi,… đều bộc lộ qua cảm quan và ngôn ngữ cá nhân của tác giả hoặc của nhân vật trữ tình mà tác giả nhân danh để phát biểu” [1]. Hướng dẫn học sinh sử dụng kiến thức về đặc trưng thể loại, đặc trưng ngôn ngữ thơ, chính là giúp học sinh cảm nhận cái hay cái đẹp trong thơ trữ tình.

2. Nội dung nghiên cứu  

2.1. Tính chất trữ tình là đặc trưng của thơ trữ tình

Nói đến thơ trữ tình là nói đến sự bộc lộ tình cảm mãnh liệt của nhà thơ đã được ý thức. Giáo sư Trần Đình Sử khẳng định: “Nhiệm vụ chính của thơ là gợi lên cho ý thức  nhận thấy sức mạnh của cuộc sống tinh thần và những gì lay động ta làm ta xúc cảm trong các dục vọng và tình cảm nhân tính” [5]. Tình cảm trong thơ không bộc lộ một cách bản năng, vô thức mà được “lắng lọc qua cảm xúc, gắn liền với khoái cảm của sự tự ý thức về tình đời” [5]. Thơ trữ tình chính là những rung động cảm xúc của con người trước cuộc sống được bộc lộ chân thành tự nhiên “Thơ là tiếng nói hồn nhiên nhất của con người” (Tố Hữu). Thơ trước hết phải mang tính chất tình cảm. Tình cảm trong thơ gắn trực tiếp với chủ thể sáng tạo nhưng không phải là yếu tố đơn độc tự nó nảy sinh và phát triển. Thơ bao giờ cũng lấy điểm tựa là cuộc sống hay nói một cách cụ thể là hiện thực khách quan để thể hiện tình cảm. Hiện thực cuộc sống chính là mảnh đất màu mỡ để làm nảy sinh tình cảm. Theo Giáo sư Nguyễn Thanh Hùng: “Toàn bộ thế giới âm thanh và những ấn tượng có thể cảm nhận bằng tai, bằng mắt, đều được phản ánh trong nghệ thuật và tạo thành ngôn ngữ đặc trưng riêng biệt của nó. Vì vậy năng lực cảm thụ nhạy bén cái đẹp của cuộc đời đang vận động sẽ tham gia hình thành nên thái độ trân trọng, say mê và kĩ năng chiếm lĩnh thế giới văn học nghệ thuật, đáp ứng sự thâm nhập vào phong cách tư duy, vào tài năng sáng tạo trong những bức tranh hiện thực giàu sức sống của nghệ sĩ ”[4]. “Nhà thơ chính là những con ong hút nhụy từ những bông hoa của đời sống” [2]. Cho nên bất kì hiện thực nào đi vào trong thơ cũng nhằm biểu hiện  tình cảm, gây xúc động với “niềm vui, nỗi buồn, thú say mê, sự đau khổ nỗi lo lắng, niềm an ủi. Tóm lại tất cả những gì tạo nên cuộc sống tinh thần của chủ thể hòa nhập và nảy sinh trong tác giả” [2] và điều này ngay từ xưa, Lê Quý Đôn đã khẳng định: “Mây gió cỏ hoa xinh tươi kì diệu đến đâu hết thảy cũng từ trong lòng người mà ra... hãy xúc động cho ngọn bút có thần ”[2]. Cho nên bất kì hiện thực khách quan nào từ một cành củi, một cánh bèo, một đám mây, một cánh chim, một âm thanh, một con sóng, dòng sông,... đằng sau những cảnh vật, những con người được miêu tả là cả một thế giới tâm hồn cảm nghĩ của nhà thơ đối với cuộc đời, là cách cảm, cách nghĩ lời nhắn nhủ thầm kín, thái độ đối với con người xã hội, khát vọng của nhà thơ đối với cuộc sống.

Ví dụ hình ảnh chiếc bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, chiếc gậy trong Nhật kí trong tù của Hồ Chí Minh hoặc Cảnh ngày hè của thơ Nguyễn Trãi đâu chỉ là cảnh vật mà chính là tâm trạng, tâm hồn của con người ẩn trong những cảnh đó. Do vậy dạy học thơ trữ tình phải nắm được đặc điểm này. Trong thực tế giảng dạy thơ trữ tình, một số giáo viên không nắm được đặc điểm này nên dạy thơ trữ tình cũng như dạy truyện, dạy kịch như chia đoạn, phân tích cảnh, con người, đành rằng một số bài thơ mang yếu tố tự sự, yếu tố tự sự trong bài thơ chỉ là cái vỏ để chở nội dung cảm xúc, tình cảm của nhà thơ đối với cuộc sống. Hình tượng thơ trữ tình vẫn được xem là hình tượng cảm xúc, do đó chất liệu để xây dựng bài thơ là chất liệu của tâm hồn. Việc giảng dạy thơ trữ tình đòi hỏi giáo viên phải thật nhạy cảm, phải thấy được khuynh hướng chủ đạo của bài thơ.  Đó là những cảm xúc của chủ thể trữ tình của người phát ngôn ra văn bản thơ như: nhớ nhung, lưu luyến, buồn vui, ân tình thủy chung, phẫn nộ hiện lên trong dạng cảm tính riêng biệt chứ không phải là tình cảm của khách thể của đối tượng phản ánh trong thơ. 

Ví dụ giảng bài thơ Thương vợ của Tú Xương, giáo viên phải nhắc cho học sinh thấy được cái tình của ông Tú đối với vợ . Thực tế còn một số giáo viên chỉ chú ý làm nổi bật hình ảnh bà Tú, đành rằng làm rõ hình ảnh bà Tú là cần thiết, không thể bỏ qua. Điều cơ bản là từ hình ảnh bà Tú để thấy được tấm lòng cảm thương, trân trọng biết ơn của ông đối với bà. Không  yêu thương người vợ của mình, làm sao ông Tú lại thấy được nỗi vất vả cực nhọc của bà Tú. Không trân trọng và biết ơn vợ làm sao ông Tú lại thấy được bà Tú chịu thương, chịu khó, đảm đang hi sinh hết mình cho chồng con đến vậy. Cho nên đằng sau hình ảnh bà Tú là cả một tấm chân tình ông Tú dành cho bà Tú. Đây là tình cảm rất đáng quý, đáng trân trọng của những nhà nho xưa kia. 

Dạy bài thơ Thu điếu của Nguyễn Khuyến cũng như vậy, một số giáo viên chỉ xoáy vào bức tranh cảnh đẹp của mùa thu, điều đó không sai nhưng chưa đủ. Trong bức tranh thu đẹp ấy chính là tấm lòng yêu thiên nhiên mà Nguyễn Khuyến vẫn được mệnh danh là “nhà thơ của làng cảnh Việt Nam”, và sâu kín hơn vẫn là nỗi lòng u hoài, tâm sự đau đớn khắc khoải của nhà thơ về vận nước, về sứ mạng của kẻ sĩ trong cảnh nước mất nhà tan, là tiếng khóc về sự bất lực, là  nỗi lòng canh cánh khôn nguôi của tác giả” [3].

 Cho nên dạy thơ trữ tình chưa đi vào cảm xúc tâm trạng của chủ thể trữ tình là chưa đi vào bản chất của thơ trữ tình. Trong thực tế còn một số giáo viên dạy thơ trữ tình còn nhầm lẫn sang dạy thơ tự sự, thậm chí sang cả văn xuôi ở chỗ chia đoạn, xoáy vào yếu tố khách quan miêu tả trong thơ mà chưa đi vào chủ thể cảm nhận. Đành rằng cảm xúc trong thơ trữ tình không phải lúc nào cũng bộc lộ trực tiếp mà có khi hóa thân vào khách thể hoặc ẩn trong khách thể. Ví dụ như bài thơ Sông lấp của Tú xương là như vậy. Một điều nên chú ý là ở dạng nào thì người giáo viên phải có cách dẫn dắt khéo léo để học sinh thâm nhập được vào thế giới cảm xúc của nhà thơ. 

 2.  Đặc trưng ngôn ngữ thơ trữ tình

Ngôn ngữ thơ trữ tình mang những nét chung của ngôn ngữ thơ ca song lại có những nét riêng biệt. Giáo sư Hà Minh Đức viết: “Ngôn ngữ thơ trữ tình là tiếng nói chân thực giàu có của đời sống hiện thực, vừa là tiếng nói bay bổng của trí tưởng tượng kì diệu lại vừa là tiếng nói tình cảm của con tim đang xúc động. Chiều sâu của sự suy nghĩ, tính chất mẫn cảm và tinh tế của sức sáng tạo, những trạng thái rung động của tâm hồn... tất cả chỉ có thể đến được với những người đọc thông qua vai trò của ngôn ngữ” [2].

Ngôn ngữ thơ ca không bao giờ là ngôn ngữ khách quan của tác phẩm tự sự, lời thơ là lời đánh giá, lời của hành động, của ý trí, của khát vọng của niềm tin. Ví dụ đoạn thơ của Tố Hữu :“ Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi / Rừng cọ đồi chè đồng xanh ngào ngạt./ Nắng chói sông Lô hò ô tiếng hát”. Chính việc đánh giá trực tiếp làm cho lời thơ trữ tình căn bản khác lời tự sự là lời miêu tả, trần thuật theo lối kể, phân tích chỉ ra các thuộc tính khách quan. Ngôn ngữ thơ trữ tình biểu hiện tập trung nhất tính hàm súc, tính mĩ lệ, tính giàu hình ảnh, tính giàu nhạc điệu và tính biểu cảm. Sự giàu có, đẹp đẽ của ngôn ngữ thơ trữ tình xuất phát từ đặc điểm ngôn ngữ dân tộc, nhà thơ phải biết lựa chọn những từ ngữ nào có giá trị nhất, tinh túy nhất, có sắc thái gợi hình tượng, gợi cảm xúc nhất để đưa vào thơ của mình, Maiacốpxki nói: “Quá trình sáng tạo ngôn ngữ  thơ ca cũng như người lọc quặng, lọc lấy tinh chất, tìm ra cái bề bộn của tấm quặng những từ đẹp, ánh sắc kim” [2]. Để làm được điều đó “ Nhà thơ phải là người giàu tình cảm, giàu suy nghĩ đồng thời cũng là người giàu nhịp điệu âm thanh. Lúc sáng tác những bài thơ hay là lúc tâm hồn nhà thơ đang dào dạt cảm hứng xúc động trước cuộc sống và con người đồng thời cũng là lúc nhà thơ tìm ra được những lời, những tiếng, những vần những điệu có thể diễn tả được những cảm hứng, xúc động ấy và truyền đạt đến người đọc” [1]. Cho nên những nhà thơ lớn khác người ở chỗ tầm hiểu biết rộng lớn và sâu sắc về cuộc sống, con người chuyển hóa thành những hình tượng nghệ thuật ngôn ngữ.

 Như vậy thơ không phải là hình thức, thơ là nghệ thuật của “ý” lớn, “tình sâu” trong “lời hay ý đẹp”... thơ tượng trưng cho những gì “đẹp đẽ”, tinh túy, lí tưởng trong cuộc sống và những gì cao quý, đằm thắn thiết tha nhất trong lòng người” [1]

Thơ là nghệ thuật ngôn từ, là tính hình tượng hình thành trong ngôn ngữ. Hình tượng thơ cũng sinh ra  từ chất liệu của cuộc sống, tâm tư của nhà thơ do ngôn ngữ dệt thành. Cho nên ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ tạo hình giàu chất gợi tả, gợi cảm. Ngôn ngữ thơ không chỉ làm chức năng thông báo mà còn thực hiện chức năng truyền cảm của nghệ thuật trực tiếp cao độ. Do đó không chỉ ý của câu thơ đến với người đọc mà từng tiếng, từng lời đến cả hệ thống âm thanh, vần luật, nhịp điệu đều tham gia vào việc diễn tả nội dung, tác động đến thị giác, thính giác, lí trí và tình cảm của người đọc.

Ta hãy đọc đoạn thơ trong bài Việt Bắc của Tố Hữu: “Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi / Đèo  cao nắng ánh dao gài thắt lưng / Ngày xuân mơ nở trắng rừng / Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang / Ve kêu rừng phách đổ vàng / Nhớ cô em gái hái măng một mình / Rừng thu trăng rọi hòa bình / Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung”. Chỉ tám câu thơ với những từ gợi màu sắc, âm thanh, gợi hình gợi tả của sự vật và con người, Tố Hữu đã vẽ lên được một bức tranh đầy vẻ đẹp, đầy niềm vui, làm cho người đọc thấy yêu thương, tự hào gắn bó với Việt Bắc quê hương cách mạng. Hoặc đọc bài thơ Cảnh rừng Việt Bắc của  Bác Hồ: “Cảnh rừng Việt Bắc thật là hay / Vượn hót ,chim kêu suốt cả ngày / Khách đến thì mời ngô nếp nướng / Săn về thường chén thịt rừng quay”.

 Có ai lại không yêu Việt Bắc nên thơ và trữ tình đến vậy. Bằng ngôn ngữ giàu hình ảnh, gợi tả, gợi cảm, tác giả đã đem đến cho người đọc những bức tranh sinh động về thiên nhiên về cuộc sống, con người, khiến cho người đọc nhìn thấy được nghe thấy được, cảm nhận được cảnh vật Việt Bắc càng làm ta thêm yêu thương gắn bó tự hào về Việt Bắc. 

Cho nên dạy thơ trữ tình, giáo viên phải chỉ cho học sinh thấy khả năng cảm nhận, quan sát, miêu tả  sự vật tinh tế của nhà thơ về màu sắc, đường nét, ánh sáng, âm thanh, những biểu hiện trực tiếp của thị giác thẩm mĩ, có khả năng tác động trực tiếp đến thị giác thẩm mĩ, có khả năng tác động trực tiếp đến cảm xúc thị hiếu thẩm mĩ ở người đọc, người nghe. Nói như nhà thơ Lưu Trọng Lư: “Thơ là sự sống tập trung cao độ, là cái lõi của cuộc sống phải đào, phải xới, phải chắt phải lọc mới ra thơ được... sự sống là phải ủ thành men và bốc lên trong tâm hồn thi sĩ” [1].

Vì vậy trong một bài thơ, một câu thơ chỉ cần dùng một chữ tùy tiện không sát không đúng hoặc thêm  vào một từ, bớt đi một từ, đổi đi một từ thì lập tức sẽ làm giảm đi nhiều cảm xúc thẩm mĩ. Ví dụ câu thơ trong Truyện Kiều tả về mùa xuân: “Cỏ non xanh rợn chân trời” có bản chép “Cỏ non xanh tận chân trời”, thay chữ “rợn ” bằng chữ “tận” quả là màu xanh đến đó là hết. Còn chữ “rợn”mở ra cả giới hạn vô cùng của màu xanh, sức sống và vẻ đẹp của cảnh vật. Trong bài thơ Thu vịnh của Nguyễn Khuyến có bản chép “Nước biếc trông như tầng khói phủ / Song thưa để mặc (lọt) bóng trăng vào”, rõ ràng từ “mặc” ở đây hay hơn rất nhiều. Từ “lọt”chỉ biểu hiện được một trạng thái của một sự vật xuyên qua được kẽ hở, hay lỗ thủng của một sự vật khác, cùng lắm nó chỉ có thể tả được trạng thái yên tĩnh của các sự vật được đan xen với nhau. Nhưng với từ “mặc” lại là từ diễn tả được trạng thái tâm lí, một cách rất tự nhiên không có sự ngăn cản nào. Với từ “ mặc” câu thơ và bức tranh mùa thu  có hồn và tràn đầy cảm xúc hơn. Đó chính là sự hòa quyện có tâm hồn, có cảm xúc. Cho nên ngôn ngữ là phương tiện biểu hiện di chuyển từ những suy nghĩ, cảm xúc, tình cảm của người nghệ sĩ đến người nghe.

Nói đến ngôn ngữ thơ không chỉ thể hiện trong tính tạo hình, gợi tả  mà còn được thể hiện trong tính nhạc. Hình ảnh của thơ do ý nghĩa  ngôn ngữ dựng lên, nhạc của thơ sinh ra từ âm thanh. Hình của thơ “lắng đọng”, nhạc của thơ “ngân vang”. Hai yếu tố này hòa quyện vào nhau cùng một lúc sinh ra trong tâm hồn nhà thơ khi sáng tác và cùng một lúc tác động đến tâm hồn người đọc. Hãy đọc câu thơ của Tố Hữu trong bài thơ Mẹ TơmTôi lại về quê mẹ nuôi xưa /  Một buổi trưa nắng dài bãi cát / Gió lộng xôn xao sóng biển đung đưa / Mát rượi lòng ta ngân nga tiếng hát”.  Đọc đoạn thơ ta không chỉ thấy vẻ đẹp của cảnh vật, ta còn thấy vẻ đẹp của tâm hồn Tố Hữu, không chỉ thấy được âm vang, nhịp điệu của sóng của gió mà còn là âm vang của tấm lòng. Đó là niềm vui sướng tự hào về miền quê biển đã được đổi mới của tác giả.

Cho nên đọc đoạn thơ này, ta không thể đọc nhanh, đọc mạnh mà phải đọc bằng chất giọng nhẹ nhàng, khoan thai. Đọc đoạn thơ chúng ta vừa thấy hình vừa lắm nhạc, cả hình lẫn nhạc giúp ta cảm và hiểu tình ý của thơ. Đọc đoạn thơ trên của Tố Hữu niềm khoái cảm của nghệ thuật và thẩm mĩ trong chúng ta được gợi lên qua mỗi từ mỗi chữ, mỗi nhịp điệu, âm điệu thanh thoát du dương của từng vần, từng nhịp. Cho nên hình tượng thơ chính là hình tượng ngôn ngữ tổng hợp nhất, tập trung nhất, toàn diện nhất. Nhà thơ Bungari viết: “Trong thơ ca, nhạc tính xuyên thấm hình thức không chỉ âm thanh và cả tư tưởng chủ đạo và không một ai có thể bằng các khái niệm logic trình bày cho hết ấn tượng của mình trước một tự thuật trữ tình, ý nghĩa, hình ảnh, tâm trạng... đối với thơ ca khi chúng có màu sắc nhạc tính” [3]. Hình tượng ngôn ngữ thơ vừa có tác động đến thị giác, thính giác, đặc biệt tác động đến trí tưởng tượng. Cùng một lúc nó lay động đến nhiều năng lực văn học của người sáng tạo cũng như người tiếp nhận. Vì vậy, ngôn ngữ trong thơ trữ tình có khả năng vô cùng vô tận, diễn tả lòng người .

Một trong những biện pháp giảng dạy thơ trữ tình, là phải hướng dẫn học sinh biết đọc thơ trữ tình, đọc cho “rõ hình vang nhạc”. Thơ khêu gợi tâm hồn bằng hình và nhạc. Nếu như không khêu gợi được cho tâm hồn, trí tuệ hình tượng và âm điệu thì các em không thể nào cảm và hiểu rồi yêu và nhớ được bài thơ. Cho nên việc dạy thơ đọc diễn cảm và học thuộc lòng là vô cùng quan trọng không thể xem nhẹ. “Bởi thơ truyền cảm không những toàn bài hay ở mỗi câu mà truyền cảm trong từng âm, từng thanh, từng nhịp, từng vần. Khi đọc thơ phải làm cho mỗi tiếng trong thơ sáng hết hình và ngân hết nhạc” [1].

Giáo viên cần hướng dẫn cho các em đọc phù hợp với cảm xúc của tác phẩm. Giọng đọc cần tự nhiên, bình tĩnh có sức rung động từ bên trong. Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ cách điệu, nên khi đọc thơ giáo viên phải làm rõ tính cách điệu của lời thơ vừa giữ được tính tự nhiên của giọng đọc. Các yếu tố âm, thanh, vần của thơ trong giọng đọc phải gắn liền với nội dung tình cảm, tư tưởng của bài. Khi đọc thơ còn cần làm cho nhịp thơ, câu thơ được rõ, hơi thơ vẫn liền mạch.

Cho học sinh tiếp nhận thơ trữ tình, ngoài đọc diễn cảm, giáo viên có thể dùng hình thức ngâm thơ là cách đọc thơ có yếu tố âm nhạc. Ngâm thơ là dùng giọng nói ấm áp, sinh động của con người làm nổi rõ hình tượng, nhạc điệu của lời thơ làm cho mỗi tiếng, mỗi câu phát huy hết tính truyền cảm của nó. “Ngâm thơ sẽ như làn gió nâng đôi cánh thơ bay cao, bay xa  vào trong đời sống” [1] Tất nhiên ngâm thơ vào thời điểm nào. Khi kiểm tra bài cũ hay bắt đầu giảng, hoặc kết thúc bài giảng hoặc ở chương trình ngoại khóa tùy theo giờ dạy thơ trữ tình, mục đích duy nhất là làm cho các em hiểu thơ, yêu thơ, yêu tiếng nói của tâm hồn Việt Nam

Đi đôi với việc đọc thơ, ngâm thơ, giáo viên cần khuyến khích các em thuộc thơ. Thuộc thơ là dấu hiệu yêu thơ, hiểu thơ và người thầy trước tiên cũng phải thuộc nhiều thơ để có thể hướng dẫn các em học thuộc thơ trong chương trình cũng như các bài thơ ngoài chương trình. “Thơ là viên ngọc kim cương long lanh dưới ánh sáng mặt trời” [1]. Có thể nói thuộc nhiều thơ sẽ giúp cho các em nhiều vốn liếng về ngôn ngữ, về cách cảm cách nghĩ. Dạy thơ trữ tình không chỉ bó hẹp trong việc đọc thơ, ngâm thơ, học thuộc lòng thơ mà giáo viên còn phải hướng dẫn học sinh đi vào thế giới cảm xúc của nhà thơ qua hình tượng ngôn ngữ lắng đọng và ngân vang để học sinh thấy được sự giàu có, đẹp đẽ, tinh tế của ngôn ngữ trong việc hiểu lòng người.

 Ví dụ bài thơ Tràng giang của Huy Cận

        Giáo viên hướng dẫn các em cách đọc và giọng đọc  

        Hướng dẫn các em tìm hiểu những từ ngữ, hình ảnh gợi tả, gợi cảm; những từ ngữ, hình ảnh nào của bài thơ gợi lên nỗi buồn của tác giả.             

        Hãy viết một đoạn văn thể hiện cảm nghĩ của em về bài thơ.

        Học thuộc lòng bài thơ.

3. Kết luận

 Dạy thơ trữ tình, trước hết giáo viên phải nắm chắc được nét đặc trưng của thơ trữ tình về nội dung cũng như hình thức biểu hiện, đặc biệt người thầy phải hiểu ngôn ngữ thơ; thầy có hiểu và yêu thơ thì mới có thể giúp cho trò hiểu và yêu thơ. Để có được điều đó người giáo viên dạy Ngữ văn với tư cách là nhà giáo dục vừa có tâm hồn nghệ sĩ, vừa phải có tri thức khoa học. Có tình yêu, có hiểu biết nhưng còn phải có một hệ thống phương pháp, biện pháp hướng dẫn học sinh cảm thụ cái hay, cái đẹp của tác phẩm trữ tình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 1. Trần Thanh Đạm (1971), Vấn đề giảng dạy tác phẩm theo loại thể, NXB Giáo dục HN.
  2. 2. Hà Minh Đức (Chủ biên) (1997), Lí luận văn học, NXB Giáo dục.
  3. 3. Nguyễn Thị Khánh Dư (2009), Thi pháp học và vấn đề giảng dạy văn học trong nhà trường, NXB Giáo dục.
  4. 4. Nguyễn Thanh Hùng (2002), Đọc và tiếp nhận văn chương, NXB Giáo dục
  5. 5. Trần Đình Sử - Phương Lựu – Nguyễn Xuân Nam (1987), Lí luận văn học tập 2, NXB Giáo dục HN.

(Bài đăng trong Kỉ yếu Hội thảo Quốc gia Đổi mới nghiên cứu và giảng dạy Ngữ văn ở trường phổ thông, ĐHSP Hà Nội, 2016)

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020