Nghiên cứu khoa học

MỐI QUAN HỆ LOGIC – NGÔN NGỮ VÀ VÀI NÉT VỀ VAI TRÒ CỦA CÁC LOẠI LOGIC HIỆN ĐẠI ĐỐI VỚI VIỆC TÌM HIỂU TIẾNG VIỆT


19-10-2020
Tác giả: ThS. Trần Hoài Phương

Logic không chỉ là công cụ góp phần hữu ích vào sự hình thành, phát triển của nhiều ngành khoa học mà nó cũng là một công cụ tư duy hiệu quả của con người. Logic vì thế có quan hệ mật thiết với ngôn ngữ học. Nghiên cứu bản chất của các loại logic hiện đại cho phép chúng ta tìm hiểu sâu hơn về Tiếng Việt.

1. Đặt vấn đề

Có thể nói, văn chương và tiếng Việt không đơn thuần chỉ là nghệ thuật, là lĩnh vực để con người hóa thân và thăng hoa trong xúc cảm mà đồng thời, văn chương cũng là khoa học. Việc dung hợp trong mình hai khía cạnh như thế khiến văn chương cũng như tiếng Việt trở thành một đối tượng nghiên cứu vừa phức tạp vừa tinh vi, vừa cần cái cảm vừa cần cái nghĩ, vừa cần sự bay bổng trong tâm hồn lại vừa cần cái logic mạnh mẽ của tư duy. Vì thế, đặt ra vấn đề là có hay không sự cần thiết phải nghiên cứu mối tương quan giữa logic – văn học, tiếng Việt và nếu có, sẽ là tương quan như thế nào? Tìm hiểu bản chất của các loại logic, đặc biệt là logic hiện đại cho phép người nghiên cứu đề xuất ra các hướng khác nhau khi tìm hiểu Tiếng Việt. 

2. Nội dung nghiên cứu

2.1. Mối quan hệ giữa logic và ngôn ngữ

Logic học nghiên cứu về tư duy, có nghĩa là nghiên cứu về quá trình suy nghĩ của con người; nghiên cứu các bộ phận tham gia và hợp thành quá trình ấy; các mối liên hệ ổn định, tất yếu giữa các bộ phận… sao cho suy nghĩ của chúng ta đạt được hiệu quả chân thực và đúng đắn.

Tuy nhiên, tư duy không phải chỉ là đối tượng nghiên cứu riêng của Logic học mà còn là đối tượng của nhiều ngành khoa học khác. Nó được hình thành trong quá trình con người tri nhận, phản ánh hiện thực và ở đó, nó có liên quan tới nhiều yếu tố khác nhau. Có thể kể ra năm yếu tố cơ bản như sau theo đánh giá của các chuyên gia:

- Hiện thực khách quan – đối tượng nhận thức của con người

- Hoạt động thực tiễn, sự tác động qua lại giữa khách thể nhận thức và chủ thể nhận thức. Thực tiễn đóng vai trò là phương thức hình thành tư duy.

- Chủ thể nhận thức – cơ sở vật chất cho sự hình thành và tồn tại của tư duy.

- Hệ thống tín hiệu – ngôn ngữ, hiện thực trực tiếp của tư duy.

- Hệ thống phản ánh lí tính – tư duy.

Như vậy, bằng cách này hay cách khác, giữa logic – tư duy – ngôn ngữ cũng tồn tại mối quan hệ với nhau.

Nghiên cứu logic với việc dạy học tiếng Việt thực sự đã mang lại những khám phá mới mẻ, thú vị cho nhiều nhà khoa học. Trong đó, điểm giao thoa, gặp gỡ đầu tiên giữa hai yếu tố này thể hiện ở bản chất tín hiệu của chúng. Thật vậy, cả logic và ngôn ngữ đều là những hệ thống tín hiệu đặc biệt do con người xây dựng nên. Mỗi đơn vị trong nó đều bao gồm hai mặt biểu hiện và được biểu hiện, giữa chúng có mối liên hệ rất đặc trưng. Đặc trưng này được thể hiện ở chỗ: mỗi một cái biểu hiện luôn chỉ có một cái được biểu hiện tương ứng. Khi mối liên hệ 1–1 này bị cắt đứt thì các quá trình giao tiếp hoặc định hình tư duy sẽ bị ảnh hưởng hoặc không thể thực hiện được. Do tính chất và số lượng của các hiện tượng ngôn ngữ và logic là vô cùng lớn nên các nhà nghiên cứu cho rằng mối liên hệ 1–1 này phải được coi là võ đoán và có quy ước nhất định.

Mặc dù vậy, hai đơn vị tín hiệu này vẫn tồn tại trong nó những khác biệt nhất định. Nếu như tín hiệu logic là đơn trị và bất biến, nằm trong trạng thái tĩnh tại thì tín hiệu ngôn ngữ lại có đặc trưng không thuần nhất, luôn vận động và không ngừng phủ định cái bất biến, đơn trị, tĩnh tại. Ngôn ngữ chịu sự tác động và áp lực liên tục của không gian, thời gian, văn hóa, xã hội, lịch sử, chính trị, đời sống, nghề nghiệp,... để từ đó, có những cải biến thích hợp với sự thay đổi thường xuyên ấy. Nghiên cứu chuyên sâu về từ vựng tiếng Việt cho thấy theo dòng chảy của lịch sử và biến động của môi trường văn hóa, xã hội, nhiều từ ngữ hiện nay đã bị hạn chế sử dụng trong khi nhiều từ ngữ khác lại được gán thêm cho các nội dung ý nghĩa. Chẳng hạn: “đạn” – vũ khí sát thương được sử dụng trong chiến tranh – do áp lực của đời sống mới nên đã “gánh” thêm nét nghĩa khác là “tiền”. So với thời gian trước, hiện nay, câu nói “cuối tháng, bố tiếp thêm đạn cho con nhé” lại cần được hiểu theo nhiều nghĩa, căn cứ vào hoàn cảnh thực tế của nó. Tương tự như vậy đối với các trường hợp của “củ” (triệu đồng – “mất 2 củ” = “mất 2 triệu đồng”), “cành”/ “lít” (trăm nghìn đồng – “mất 2 cành/ lít” = “mất 2 trăm nghìn đồng”)...

Thứ hai, mối quan hệ gắn bó giữa logic và ngôn ngữ còn được thể hiện ở chỗ chúng đều có những dạng thức đơn vị tương đương. Ví dụ, để miêu tả khái niệm “chấm dứt sự sống”, ngôn ngữ có nhiều từ/ cụm từ: chết, từ trần, tạ thế, mất, toi, ngoẻo, hi sinh, khuất núi, ra đi, ngỏm củ tỏi, đi đời nhà ma, ăn giun đất, ngồi nóc tủ… Xét trên cấp độ đơn vị lớn hơn, trong logic có các phán đoán, được thể hiện dưới hình thức câu của ngôn ngữ… Có thể hình dung điểm này qua mô phỏng sơ lược dưới đây:

Ngôn ngữ: khái niệm  từ

Logic: phán đoán câu trong ngôn ngữ

Tất nhiên trong thực tế, một  phán đoán có thể được trình bày dưới hình thức nhiều câu khác nhau, tạo thành các “mệnh đề” trong logic. Mệnh đề có thể là một câu nhưng không phải mọi câu đều là mệnh đề. Nhìn chung, có thể chia các câu thành hai loại: 

(1) Câu phản ánh tính đúng/sai một thực tế khách quan  mệnh đề.

(2) Câu không phản ánh tính đúng hoặc sai một thực tế khách quan nào  không phải mệnh đề. Trong ngôn ngữ, các loại câu nghi vấn, cảm thán và cầu khiến thường không có tính mệnh đề.

Chẳng hạn xét bảng ví dụ dưới đây để thấy rõ câu có tính chất mệnh đề hay không có tính chất mệnh đề trong logic:

STT

Câu = Mệnh đề

Chỉ là câu, không phải mệnh đề

 1

            Hà Nội là thủ đô của Việt Nam.

            (mệnh đề đúng)

       Anh đến Hà Nội bao giờ chưa?

 2

            Hà Nội nằm ở miền Nam Việt Nam.

            (mệnh đề sai)

       Vé máy bay Sài Gòn – Hà Nội là bao nhiêu?

 3

            Hà Nội được Unessco công nhận là “Thành phố vì hòa bình”.

            (mệnh đề đúng)

        Hà Nội đẹp và thanh bình quá!

Thứ ba, cả logic và ngôn ngữ đều dung chứa trong mình những hình thức tổ chức cú pháp tương đối giống nhau. Xét ví dụ sau:

                                      Trời mưa         nên           đường trơn.

+ Cú pháp logic:               MĐ1        tác tử logic           MĐ2

+ Cú pháp ngôn ngữ:       C1-V1         liên từ               C2-V2

Theo đó, trong hình thức tổ chức của logic, có thể đề cập đến vấn đề logic cú pháp. Mỗi logic có thể gồm tối thiểu một mệnh đề và nếu có từ hai mệnh đề trở lên thì kết nối chúng chính là các tác tử logic. Với ngôn ngữ, việc xuất hiện của hai cụm chủ - vị trở lên trong một câu cũng dẫn tới hệ quả là giữa chúng hoặc phải có dấu phẩy ngăn cách (ẩn liên từ), hoặc phải có liên từ hiện diện.

Tuy thế, do tính chất đơn trị và bất biến của tín hiệu mà cú pháp logic cũng là cú pháp đơn trị. Cú pháp ngôn ngữ ngược lại, vẫn tiềm ẩn trong mình khả năng biến đổi, vận động. Xem xét bảng ví dụ minh họa dưới đây để thấy tính đa dạng của cú pháp ngôn ngữ:

Mệnh đề khẳng định

Phủ định trong logic

Phủ định trong ngôn ngữ

Hôm nay, tôi đi học.

     Hôm nay, tôi không đi học.

      - Hôm nay tôi không đi học.

      - Hôm nay, tôi có đi học đâu.

      - Hôm nay, tôi đâu có đi học.

      - Hôm nay, tôi chẳng đi học đâu.

      - Hôm nay, tôi làm gì có đi học?

 

Như vậy, một vài điểm minh chứng ở trên cho thấy, giữa logic và ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng có mối quan hệ với nhau. Giữa chúng có nhiều đặc điểm giống về bản chất nhưng khác về tính chất. Nói cách khác, chúng là yếu tố thống nhất chứ không đồng nhất với nhau, đều hướng tới việc giải quyết các vấn đề trong tư duy và nhận thức của con người. Bàn về mối quan hệ giữa logic – ngôn ngữ, cũng cần nhấn mạnh thêm rằng: trong khi logic tư duy luôn luôn đòi hỏi tính chân lí, tính đúng sai, chỉ chấp nhận một đáp án duy nhất cho một câu hỏi thì ngôn ngữ lại hoạt động theo quy luật riêng của nó, tùy thuộc vào từng dân tộc, từng nền văn hóa. Điều này đặt ra vấn đề là luôn luôn cần đặt ngôn ngữ vào ngữ cảnh nhất định để hiểu đâu mới là phương án tối ưu và hiểu giá trị, hiệu quả biểu đạt của yếu tố ngôn ngữ ấy.

2.2. Vài nét về vai trò của các loại logic hiện đại đối với việc tìm hiểu Tiếng Việt

Nghiên cứu mối quan hệ giữa logic và ngôn ngữ một mặt cho thấy sự tương thông của chúng, mặt khác lại chỉ ra vai trò của các loại logic hiện đại đối với việc tìm hiểu ngôn ngữ nói chung, tiếng Việt nói riêng. Hiện nay, các nhà nghiên cứu xem xét khá nhiều loại logic khác nhau như: logic mệnh đề, logic vị từ, logic tình thái, logic thời gian, logic đa trị, logic xác suất,... Trong khuôn khổ bài báo này, chúng tôi chỉ khai thác một số khía cạnh quan trọng của logic mệnh đề, logic vị từ, logic tình thái và logic đa trị.

a. Logic mệnh đề

Trong các nhánh khác nhau của logic, logic mệnh đề được xem là một nhánh quan trọng bởi nó giúp chúng ta nhận ra các giá trị đúng hoặc sai của các mệnh đề. Nó nghiên cứu quy luật hình thành các khái niệm, phán đoán hay phương pháp suy lí để tiến hành lập luận trên bản thân các phán đoán đó. Giá trị khoa học của logic mệnh đề là đảm bảo cho quá trình lập luận được chính xác, mạch lạc, chặt chẽ và tiết kiệm thời gian.

Khi nghiên cứu về logic mệnh đề, các nhà khoa học đã chỉ ra hệ thống những kiến thức có liên quan đến quá trình suy lí của con người như sự nhận thức, phán đoán, kết luận, suy luận… cũng như hệ thống các thao tác của tư duy tham gia vào các quá trình ấy như so sánh, phân tích, chứng minh, bác bỏ, tổng hợp, khái quát hóa,… Những thành tố này giúp cho con người có khả năng đánh giá được hiện tượng theo một chuẩn nhất định có tính chặt chẽ và cơ sở. Ví dụ cho các phán đoán dưới đây:

  1. (1) Mọi loài động vật đều phải chết.
  2. (2) Con người là một loài động vật.
  3. (3) Con người phải chết.

Ở ví dụ này, phán đoán số (3) được xem là kết luận trực tiếp được suy ra hai mệnh đề (1) và (2) ở trên. Trong đó, nó xác định mối tương quan giữa chủ thể “con người” – một loài động vật trong “mọi loài động vật” – với “cái chết”. Những cấu trúc được xây dựng theo hình thức suy luận như vậy được gọi là “tam đoạn luận” trong logic học. Đây cũng là kiểu kết cấu hạt nhân của logic mệnh đề.

Logic mệnh đề thể hiện rõ vai trò của nó trong việc giúp tìm hiểu, phân tích các đơn vị ngôn ngữ tiếng Việt. Trong logic, các nhà khoa học xây dựng mối quan hệ giữa các yếu tố thông qua việc xác lập công thức “S là P”; với S cho biết chủ thể của hoạt động, trạng thái; P là đặc tính thể hiện hoạt động, đặc điểm, trạng thái của chủ thể. Tương đương với công thức này là cấu trúc cú pháp của câu tiếng Việt: C - V. Mỗi cấu trúc C - V được xem là một mệnh đề và nó cũng có khả năng cho ra những giá trị đúng hoặc sai.

Ví dụ: 

               Anh ấy đi công tác Sài Gòn từ thứ hai tuần trước.

Logic:          S                                      P

Câu:            C                                      V

Những khái niệm “mệnh đề tương đương” và “biểu thức mệnh đề” trong logic học cũng đưa đến những chỉ dẫn quan trọng cho các nhà ngôn ngữ học khi tìm hiểu về tính liên kết trong câu ghép, hiện tượng đồng nghĩa hay quan hệ giữa hai mệnh đề trong câu điều kiện tiếng Việt, … Chẳng hạn xem xét ba câu ví dụ dưới đây:

(4) Tôi có nói dối anh đâu?

(5) Tôi nào có nói dối anh.

(6) Tôi không nói dối anh.

Xét về mặt ngữ nghĩa, ba câu này cùng phản ánh về một hiện tượng, định hình ý nghĩa “không nói dối”. Xét về bản chất logic, chúng là các mệnh đề có giá trị tương đương. Trong đó, nếu một mệnh đề đúng thì hai mệnh đề còn lại đúng và ngược lại, nếu một mệnh đề sai thì hai mệnh đề còn lại cũng sai. Hiểu được bản chất của công thức “S là P” trong logic học tạo điều kiện để chúng ta nắm được nhiều hơn những biểu hiện đa dạng, sinh động của mệnh đề tương đương trong ngôn ngữ.

b. Logic vị từ

Nghiên cứu về logic vị từ chỉ ra rằng những thành tựu của nó cho phép các mệnh đề có thể được phân tích thành chủ đề và các luận cứ theo nhiều cách khác nhau. Nhờ đó, giải quyết được vấn đề tổng quát hóa nhiều lần, tạo ra khả năng đánh giá hiện tượng theo nhiều phương diện. Người ta sử dụng thuật ngữ “hàm mệnh đề” (một số tài liệu gọi đó là “vị từ”, “mệnh đề chứa biến”, “hàm phán đoán”…) để gọi những câu có chứa các biến mà bản thân nó chưa phải là mệnh đề nhưng lại giúp biểu đạt các các giá trị (đúng hoặc sai) khi thay biến bằng các phần tử. Nhờ đó, kết quả có được là công thức chung, có thể khái quát hóa cho quá trình tạo lập câu trong tiếng Việt.

Chẳng hạn, có hàm mệnh đề “X là các tác giả thuộc trường phái lãng mạn trong nền văn học 1930 – 1945”. Để hiện thực hóa hàm mệnh đề này, chúng ta có thể thay X bằng tên các tác giả cụ thể căn cứ vào phần vị từ đằng sau. Nếu thay X bằng “Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Thạch Lam, Khái Hưng” thì hàm mệnh đề trên chuyển hóa thành một mệnh đề đúng. Nếu thay X bằng “Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Công Hoan” thì lại có một mệnh đề sai.

c. Logic tình thái 

Những thành tựu của ngôn ngữ học chỉ ra rằng bất kì diễn ngôn nào, ngoài thành phần nghĩa miêu tả còn có thành phần nghĩa tình thái. Thông qua các tiểu từ tình thái hoặc cách xác lập mối quan hệ của các yếu tố trong diễn ngôn, có thể nhận ra sự thay đổi về ngữ nghĩa, thái độ của người nói với người nghe hoặc với hiện tượng được nói đến. Chẳng hạn so sánh hai câu sau:

  1. (7) Tôi yêu cô ấy.
  2. (8) Có lẽ tôi yêu cô ấy.

Hai phát ngôn này tuy có cùng nội dung nghĩa miêu tả, thông báo về trạng thái tình cảm của người nói với “cô ấy” song do có sự xuất hiện của “có lẽ” mà câu số (8) mang màu sắc khác câu số (7). Nó thể hiện sự mơ hồ, không chắc chắn của bản thân người nói với hiện thực này. 

Như thế, nghiên cứu các diễn ngôn dựa vào ý nghĩa thành phần từ ngữ và logic quan hệ giữa chúng là gợi ý quan trọng để xác lập vai trò của logic tình thái. Nó trở thành điểm tựa cho việc tiếp cận ngữ nghĩa và dụng ý của người nói khi cần sử dụng ngôn ngữ trong lập luận. Nói cách khác, bản thân các logic tình thái đã mang trong nó tính đa trị điển hình chứ không nhất thành bất biến.

Khi đặt vấn đề về tính tương đối của sự phân loại tình thái nói chung và tình thái trong ngôn ngữ nói riêng, tác giả Nguyễn Văn Hiệp đã đề cập đến ba phạm trù: tình thái khách quan logic (alethic), tình thái nhận thức (epistemic) và tình thái đạo nghĩa (deontic). Việt ngữ học xác định mỗi phát ngôn không chỉ có thành phần nghĩa miêu tả, phản ánh một hiện tượng nào đó trong thực tế khách quan mà đồng thời, nó cũng xác định nội dung nghĩa tình thái. Trong đó, nghĩa tình thái của một phát ngôn được biểu đạt trên nhiều cấp độ khác nhau như thông tin có tính tiền giả định, thái độ của người nói với người nghe, thái độ của người nói đối với nội dung nói,…. Khi đó, vận dụng đặc tính đa trị trong logic tình thái cho phép người học ngôn ngữ phân tích, nhìn nhận một phát ngôn theo những cách khác nhau. Ví dụ: “Anh ta có thể hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn”. Câu này có thể được hiểu theo nhiều kiểu phán đoán khác nhau như (a) “Anh ta hoàn toàn có khả năng/ có nhiều khả năng/ có khả năng lớn hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn”; (b) “Anh ta được dự đoán nhưng không biết mức độ đến đâu là hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn”; (c) “Anh ta được dự đoán với xác suất cao là sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian ngắn”… Như vậy, với phát ngôn kể trên, tùy vào tình hình cụ thể mới biết được niềm tin của người nói với sự việc được nói đến đạt mức cao/ thấp, chắc chắn/ không chắc chắn. Logic tình thái với những tác tử của mình cung cấp cho người nghiên cứu những cách nhìn nhận khá “cởi mở” về quá trình tạo sinh câu trong tiếng Việt và những vấn đề có liên quan. 

d. Logic đa trị

Cùng với logic tình thái, logic đa trị cũng được xem là khuynh hướng nền tảng của lôgic phi cổ điển, xuất phát từ chỗ vạch ra tính hạn chế về nguyên tắc của nguyên lí lưỡng trị chân lí trong lôgic cổ điển. 

Nghiên cứu logic đa trị đòi hỏi nghiên cứu các vấn đề, hiện tượng theo hướng xem xét chúng trong nhiều phương diện khác nhau, với những giá trị khác nhau. Nó không thể áp dụng được cho những trường hợp giá trị chân lí bất định, nhất thành bất biến. Nhờ đó, chúng ta có cơ hội hiểu đúng và sâu sắc ý nghĩa của vấn đề, hiện tượng. Đi sâu vào khoa học ngôn ngữ, logic đa trị tạo điều kiện cho các nhà khoa học nghiên cứu các bình diện đa dạng của ngôn ngữ để nắm được chính xác ngữ nghĩa của các đơn vị ngôn ngữ ấy. Đặc biệt, tính đa trị gắn chặt với đơn vị cơ bản của hệ thống ngôn ngữ là “từ”. 

Với bản chất võ đoán của tín hiệu, từ gồm hai mặt biểu đạt và được biểu đạt; giữa chúng có khuynh hướng “đa trị”, nghĩa là một cái biểu đạt có thể phản ánh nhiều cái được biểu đạt và ngược lại, cái được biểu đạt có thể được hiện thực hóa trên nhiều cái biểu đạt. Ví dụ, từ “mẹ” (cái biểu đạt trên hình thức chữ viết) có thể sử dụng cho nội dung “người phụ nữ có chồng, trong quan hệ với con, sinh ra con”. Cái được biểu đạt “trạng thái ngừng sống, ngừng thở và trao đổi của con người” có thể được hiện thực hóa qua nhiều hình thức biểu đạt là các từ: chết, hi sinh, từ trần, tạ thế, ngỏm, ngỏm của tỏi, ngồi nóc tủ, ăn nhang, về đất, ăn giun đất,… Muốn hiểu đúng giá trị của các từ này đòi hỏi người tiếp cận phải căn cứ vào ý nghĩa của từ đó trong câu, xem xét và đánh giá từ trong từng ngữ cảnh cụ thể.

3. Kết luận

Logic học phát triển qua nhiều thời kì khác nhau đã tự xác lập cho mình hai hệ chính gồm logic cổ điển và logic phi cổ điển. Trong đó, nếu như logic cổ điển xác lập nền móng cho sự phát triển của khoa học thì chính các hệ thống logic phi cổ điển (logic tình thái, logic đa trị) với tính chất mềm dẻo, linh hoạt hơn của mình đã bổ sung thêm tính biện chứng khách quan cho nhận thức. Từ đó, logic được xem là thứ công cụ chính xác giúp khoa học kĩ thuật và nghệ thuật ngôn từ ngày càng phát triển hơn. 

Logic học và ngôn ngữ học nói chung, tiếng Việt nói riêng có mối quan hệ biện chứng với nhau. Trong đó, logic học cung cấp cho ngôn ngữ học những vấn đề cơ bản có tính chất lí luận, giúp soi sáng hơn nữa khả năng hiện thực hóa của ngôn ngữ trong sử dụng. Nắm vững được những nội dung cơ bản này sẽ giúp người nghiên cứu có được tiền cơ sở quan trọng, từ đó hiểu sâu sắc hơn những biểu hiện đa dạng của hệ thống ngôn ngữ.

---------------------------------------------------

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đức Dân (1996), Logic và Tiếng Việt, Nxb Giáo dục, Hà Nội

2. Nguyễn Đức Dân (1987), Logic – ngữ nghĩa – cú pháp – Nxb ĐH&THCN, Hà Nội

3. Nguyễn Hoàng Đức, Ngôn ngữ và tư tưởng, songviet.com

4. Vương Tất Đạt (2001), Logic học, Nxb Giáo dục, Hà Nội

5. Nguyễn Văn Hiệp (2008), Cơ sở ngữ nghĩa phân tích cú pháp, Nxb Giáo dục, Hà Nộ

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020