Nghiên cứu khoa học

Tính hệ thống của ẩn dụ


19-10-2020
Tác giả: TS. Phan Thị Hồng Xuân

Một nhà nghiên cứu đã từng nói: “Chúng ta sống bằng các ẩn dụ” (We live by metaphor). Khó có thể tưởng tượng được một giao tiếp bằng ngôn từ nào mà lại không sử dụng các ẩn dụ. Vì thế, việc nghiên cứu ẩn dụ luôn luôn là cần thiết. Lúc đầu, ẩn dụ được nghiên cứu lẻ tẻ từng trường hợp một. Sau đó trong quá trình nghiên cứu, người ta dần dần ý thức được về tính hệ thống của ẩn dụ và khẳng định nó. Bài viết này đề cập tới ý kiến của hai nhà nghiên cứu tiêu biểu trên thế giới và ở Việt Nam, G.Lakoff và Đỗ Hữu Châu.

Tính hệ thống của ẩn dụ mà G. Lakoff nêu ra thể hiện ở hai vấn đề. Thứ nhất là lĩnh vực tại đó diễn ra hiện tượng ẩn dụ mà vấn đề này được đặc trưng bởi tên gọi các sự vật, hiện tượng. Ví dụ tình yêu, tranh luận, thời gian… Nói như tác giả Đỗ Hữu Châu thì có nghĩa là các từ trong cùng một trường thường phục vụ cho một lĩnh vực nào đó. Thí dụ: tình yêu có những ẩn dụ sau: 1) Tình yêu là một hành trình. Ẩn dụ này thể hiện qua cách nói sau: Chúng ta thử xem chúng ta sẽ đi tới đâuCon đường tình yêu của chúng ta đầy trở ngại; Cuộc hôn nhân của chúng ta đang cheo leo trên đỉnh núi; 2) Tình yêu là chiến tranh. Ẩn dụ này chi phối các cách nói sau: Trong cuộc tình này anh đã giành được chiến công nhanh chóng; Dần dần từng bước anh đã chiếm được cõi lòng cô ta; Bà ta đã chiến đấu với anh ta, nhưng người thắng lợi lại là tình nhân của anh ta; Cô ta theo đuổi anh ta không biết mệt mỏi, không lúc nào ngừng; Anh ta giành được sự thỏa thuận của cô ta trong cuộc hôn nhân… 3) Tình yêu là một sự điên rồ. Đó là các cách nói sau: Anh điên cuồng lên vì em; Em làm anh mê mẩn lên rồi; Anh ta luôn luôn cuồng si cô ta; 4) Tình yêu là một bệnh nhân. Đó là các cách nói: Tình yêu đã chết rồi, không sống lại được; Họ đã có một mối tình câm; Tôi đã mệt về tình cảm của cô đối với tôi rồi… 5) Tình yêu là huyền ảo. Đó là khi ta nói: Cô ta thôi miên tôi; Tôi bị cô ta mê hoặc; 6) Tình yêu có một sức mạnh vật chất, một sức mạnh điện từ, một trọng lực. Thí dụ các cách nói sau: Tôi đã nhận được điện lực giữa chúng ta; Giữa chúng ta có một sức hút lẫn nhau; Cả cuộc đời anh xoay xung quanh em; Có một năng lượng mãnh liệt trong quan hệ của họ.

Đối với thời gian, có các ẩn dụ sau: 1) Thời gian là tiền bạc. Ẩn dụ này thể hiện trong các cách nói sau: Cách làm đó sẽ tiết kiệm được thời gian; Tôi đã đầu tư một lượng thời gian lớn cho cô ta; Anh đã tiêu phí thời gian trong những ngày này như thế nào; Anh phải lập ngân sách cho thời gian của anh; Dành một ít thời gian cho việc chơi pinh-pông; Anh đã sống trên thời gian vay mượn của kẻ khác; 2) Thời gian là một tài nguyên có hạn. Thí dụ như cách nói: Thời gian là vàng bạc; Tôi không đủ thời gian để dành cho việc đó; Anh có thời gian còn lại nữa không; Anh không dùng thời gian của anh một cách có lợi nhất; 3) Thời gian là hàng hóa có giá trị. Các cách nói thể hiện ẩn dụ này là: Cái việc lau sàn đã làm tôi mất đến một giờ; Anh đang làm mất thời gian của tôi đấy; Tôi đã mất khá nhiều thời gian khi tôi ốm; Rất cảm ơn anh về thời gian anh đã dành cho tôi; 4) Thời gian là đối tượng đang vận động. Đó là các cách nói sau: Thời gian trôi; Thời gian bò một cách chậm chạp; Thời gian phi như ngựa.

Ngoài tình yêu, thời gian, G.Lakoff còn nghiên cứu một số lĩnh vực khác mà ở đó cũng diễn ra các ẩn dụ như: tranh luận; trí tuệ; lí thuyết hay luận cứ; sự sống và cái chết…

Bên cạnh việc nghiên cứu tính hệ thống ở lĩnh vực diễn ra các ẩn dụ, G.Lakoff còn nghiên cứu tính hệ thống thể hiện qua các nét nghĩa khái quát mà các ẩn dụ khác nhau thường khai thác. Một trong các ví dụ ông dẫn ra là ẩn dụ container, tức là ẩn dụ “vật chứa”. Ẩn dụ này có tính chất bao quát, nó có khả năng bao trùm nhiều ẩn dụ khác. Hay nói cách khác, nét nghĩa vật chứa thể hiện, diễn ra dưới các dạng biến thể khác nhau. Đầu tiên là ẩn dụ “cuộc sống là vật chứa”. Ẩn dụ này chi phối các cách nói sau: Tôi có một cuộc sống đầy đủ; Cuộc sống là rỗng tuếch đối với anh ta; Không có gì còn lại đối với anh ta trong cuộc sống; Cuộc sống của anh ta chứa đầy nỗi phiền muộn; Hãy sống cuộc sống của anh một cách đầy đủ nhất. Thứ hai là ẩn dụ: Hoạt động là vật chứa. Điều này thể hiện trong các cách nói sau: Anh có trong cuộc đua ngựa ngày chủ nhật không; Nửa chừng cuộc đua ngựa tôi đã hết sức rồi; Anh ta đã ra ngoài cuộc đua; Sự kết thúc cuộc đua ngựa hết sức kích động, thú vị… Trong việc lau cửa sổ, tôi đã làm nước bắn tung ra nền; Anh làm thế nào thoát ra khỏi việc lau cửa sổ; Ngoài việc lau cửa sổ anh còn phải làm việc gì khác nữa; Anh làm thế nào mà đi vào việc lau cửa sổ như là một nghề nghiệp; Tôi đã dành khá nhiều sức lực vào cái việc lau cửa sổ; Tôi đã dành được rất nhiều sự thỏa mãn từ việc lau cửa sổ; Có rất nhiều điều thú vị trong cái việc lau cửa sổ… Tranh cãi cũng là vật chứa. Điều này thể hiện như sau: Những luận cứ của anh không có nhiều nội dung cho lắm; Luận cứ này có lỗ hổng bên trong nó; Những luận điểm của anh trống rỗng; Anh không thể tìm ra được ý kiến đó trong luận điểm của anh đâu; Kết luận này nằm ngoài quan điểm của anh; Những điểm này nằm ở trung tâm luận điểm của tôi, còn những điểm khác chỉ nằm ở ngoại vi thôi; Chúng ta vẫn chưa đạt tới cốt lõi trong luận điểm của anh ta… Thứ ba là ẩn dụ: Các trạng thái khác nhau là những vật chứa. Trong tiếng Anh thì nói: “He is in love” có nghĩa là: anh ấy đang ở trong tình yêu; Anh ấy đi vào trong trạng thái của sự thăng hoa; Anh ta rơi vào trạng thái trầm uất; Anh ta đã thoát ra khỏi trạng thái trầm uất mà anh ta rơi vào từ cuối tuần trước… Thứ tư là ẩn dụ: Biểu thức ngôn ngữ là vật chứa. Ẩn dụ này thể hiện trong cách nói sau: Hãy đóng gói càng nhiều tư tưởng vào trong càng ít các từ ngữ càng tốt; Anh không thể đơn giản là nhồi nhét các ý kiến của anh vào một câu theo cách cũ; Ý nghĩa nằm ở trong các từ; Đừng ép buộc ý nghĩ của anh vào các từ sai lầm; Từ ngữ của anh mang ý nghĩa hết sức nghèo nàn; Đoạn mở đầu chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc; Câu không có ý nghĩa; Các ý kiến đã chôn vùi trong các đoạn dày đặc… Thứ năm là ẩn dụ: Trường thị giác là một vật chứa. Đó là các cách nói sau: Tàu thủy đi vào trong tầm mắt của chúng ta;  Anh ta đang ở trong tầm mắt của mình; Anh ta đã ra khỏi tầm nhìn rồi; Cái đó trong tầm nhìn của tôi; Không có cái gì trong tầm nhìn của tôi; Tôi không thể bắt được tất cả các con tàu vào tầm nhìn của tôi.

Bên cạnh ẩn dụ “vật chứa”, G.Lakoff còn khai thác ẩn dụ định hướng. Nét nghĩa định hướng cũng là nét nghĩa khái quát để tạo ra nhiều ẩn dụ thuộc các hệ thống khác nhau. Nó tạo thành nét đồng nhất cho tất cả các ẩn dụ có liên quan đến sự định hướng trong không gian. Ẩn dụ thứ nhất là: Hạnh phúc là ở trên, sầu não là ở dưới. Đó là các cách nói sau: Tinh thần của tôi hưng phấn; Hôm nay tinh thần của anh rất là cao; Khi nào nghĩ đến nàng tôi cũng dường như bay bổng lên; Tôi cảm thấy suy sụp rồi; Tôi rơi vào sự thất vọng; Tinh thần của tôi chìm ngập… Ẩn dụ thứ hai là: Ý thức là ở trên, vô thức (không có ý thức) là ở dưới. Ẩn dụ này thể hiện qua các cách nói sau: Buổi sáng anh ta dậy rất sớm; Ông ta rơi vào trạng thái buồn ngủ; Anh ta bị chìm đắm trong giấc ngủ; Anh ta bị chìm vào cơn ác mộng… Ẩn dụ thứ ba là: Sức khỏe và đời sống là ở trên, sự đau yếu và cái chết là ở dưới. Đó là các cách nói sau: Anh ta ở đỉnh cao của sức khỏe; Anh ta rơi vào tình trạng đau ốm; Sức khỏe của anh ta đi xuống; Nó ngã bệnh. Ẩn dụ thứ tư là: Nắm được quyền kiểm soát, nắm được quyền lực thì ở trên; bị kiểm soát, bị ép buộc thì ở dưới. Ẩn dụ này chi phối các cách nói sau: Tôi ở trên đỉnh của tình thế; Anh ta ở vị thế trên; Anh ta ở đỉnh cao của quyền lực; Anh ta ở bậc cao của bậc thang xã hội; Quyền lực của anh ta ngày càng cao; Anh ta vượt hẳn tôi về sức mạnh; Anh ta nằm dưới quyền kiểm soát của tôi; Anh ta rơi xuống bậc thang quyền lực; Quyền lực của anh ta sắp sụp đổ rồi; Anh ta là kẻ dưới trong bậc thang xã hội của tôi. Thứ năm là ẩn dụ: Hơn là ở trên, kém là ở dưới. Đó là các cách nói sau: Số lượng các quyển sách được in ra hàng năm vẫn tăng dần; Số lượng các dự thảo của anh ta rất là cao; Thu nhập của tôi tăng cao; Những hoạt động văn hóa nghệ thuật của quốc gia này đi xuống so với năm trước; Đạo đức xuống cấp; Thu nhập của anh ta giảm bớt trong năm trước; Chúng ta nóng quá, hạ cái điều hòa xuống... Thứ sáu là ẩn dụ: Tương lai có thể thấy được trước, những sự kiện của tương lai có thể thấy được thì ở trên, ở đằng trước. Ẩn dụ này chi phối các cách nói sau: Cái gì sẽ đến trong tuần này; Tôi rất sợ những gì sẽ đến với chúng ta hôm nay… Thứ bảy là ẩn dụ: Tư cách cao thì ở trên, tư cách thấp thì ở dưới. Đó là các cách nói sau: Cô ta ngày càng bước lên cao trong bậc thang danh vọng; Anh ta trèo lên bậc thang xã hội; Anh ta ngày càng đạt đến đỉnh cao trong nghề nghiệp của mình; Anh ta hơi bị tụt xuống; Anh ta ở dưới đáy của xã hội… Thứ tám là ẩn dụ: Cái tốt thì ở trên, cái xấu thì ở dưới. Ẩn dụ này thể hiện như sau: Anh ta trở nên tốt hơn; Nhờ cải thiện, mức sống ngày càng tốt lên; Mọi thứ đang xấu đi… Thứ chín là ẩn dụ: Trí tuệ là ở trên, cảm xúc là ở dưới. Điều đó chi phối các cách nói sau: Cuộc tranh luận này không còn nằm trên cơ sở trí tuệ nữa mà rơi xuống cấp độ cảm xúc rồi, cần phải đưa nó trở lại với trình độ trí tuệ; Chúng ta cần phải nâng cao trình độ trí tuệ của những vấn đề đưa ra để thảo luận; Anh ta không thể vượt lên trên những cảm xúc của anh ta.

Một điều cũng cần nói tới là G.Lakoff chỉ nghiên cứu các ẩn dụ nhận thức. Quan điểm này của tác giả “giúp cho ta thấy rõ thêm cội nguồn bản thể luận của ẩn dụ và sự sáng tạo tự thân, nguyên thủy của tư duy và trí tuệ con người. Ẩn dụ thuộc ngôn từ nhưng tự gốc cũng nằm trong tư duy và sự vận động của tư duy. Bởi vậy, trong trường hợp này nói ra đã là ẩn dụ không phải thông qua một sự tìm tòi. Con người ta thường nói bằng ẩn dụ một cách không ý thức. Ngôn ngữ tự nhiên nó đã có sự giàu có này là như vậy…” (4) (Hoàng Trinh, Từ ký hiệu học đến Thi pháp học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1992).

Ở Việt Nam, Đỗ Hữu Châu cũng là người luôn chú ý tới tính hệ thống của ẩn dụ. Năm 1981, trong cuốn “Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt”, Nxb Giáo dục, tác giả đã phát biểu vấn đề này rất cụ thể. Theo quan điểm của ông, ẩn dụ là sự chuyển nghĩa biểu vật. Tính hệ thống của ẩn dụ nằm trong tính hệ thống của hiện tượng nhiều nghĩa nói chung. Và tính hệ thống của ẩn dụ biểu hiện ra ở hai phương diện. Thứ nhất là trong lòng, trong nội bộ nghĩa của một từ và thứ hai là giữa các từ trong cùng một trường nghĩa.

Về biểu hiện thứ nhất của tính hệ thống, tác giả đã phân tích một số trường hợp điển hình như sau:

Trường hợp thứ nhất là từ mũi. Các nghĩa biểu vật của từ mũi (mà mỗi nghĩa là một ẩn dụ) như mũi dao, mũi đất, mũi thuyền đều phát triển trên cơ sở nét nghĩa bộ phận và nét nghĩa hình thức (nhô ra so với một mặt phẳng). Các nét nghĩa biểu vật kể trên đều là những bộ phận của một sự vật trọn vẹn khác như là con dao, cây súng, con thuyền, bờ biển và đều nhô ra so với chúng. Hai nét nghĩa này còn chi phối cả nét nghĩa biểu vật trong cách nói mũi quân, ba mũi giáp công, mặc dầu nét nghĩa biểu vật này thuộc một cấu trúc biểu hiện khác. Nói mũi quân, ba mũi giáp công đều hàm một sự tiến quân, một sự bố trí từ trận tuyến ta nhô ra, xuyên vào trận tuyến đối phương.

Trường hợp thứ hai là từ chín. Các nghĩa biểu vật của từ chín trong tài năng chín, nghĩ chín, mâu thuẫn xã hội đã chín (mà mỗi nghĩa tương đương với một ẩn dụ) đều dựa trên nét nghĩa: Sự vật trong quá trình phát triển đến mức nào đó thì phải đưa ra sử dụng, quá mức đó sẽ hỏng. Nói nghĩ chín, tài năng chín có nghĩa là đã trải qua một quá trình nung nấu kỹ, một quá trình rèn luyện chu đáo. Hơn thế nữa lúc chín thì phải nói ra, phải đem ra “thi thố với đời”, nếu không cái chín sẽ trở thành trì trệ. Cũng như vậy, mâu thuẫn xã hội đã chín có nghĩa là mâu thuẫn đó đã có quá trình và đang ở trong giai đoạn cao độ. Nếu như đến lúc chín muồi mà không kịp thời giải quyết thì mọi sự phấn đấu sẽ trở thành vô ích, tình hình trở nên hỗn loạn.

Trường hợp thứ ba là từ đi: các ẩn dụ của từ đi đều dựa trên nét nghĩa cơ sở là “rời chỗ không cách thức, theo hướng xa rời vị trí gốc”. Ông cụ đi hôm qua hàm ý ông cụ rời bỏ tình trạng gốc là sống. Đi học hàm ý rời bỏ tình trạng gốc là tuổi thơ ấu vô tư lự để tham gia vào hoạt động có tính chất nghề nghiệp trong xã hội. Đi làm hàm ý rời bỏ tình trạng gốc là tình trạng nghỉ ngơi hoặc chưa có việc làm. Gầy đi, xấu đi, đen đi là hàm ý rời bỏ tình trạng gốc vốn được xem là trạng thái tích cực (béo hoặc khỏe mạnh, đẹp hoặc trắng trẻo…). Học đi! Nói đi! Chạy đi!…hàm ý hãy rời bỏ tình trạng cho đến lúc đó vẫn giữ. Học đi! Là hãy rời bỏ việc chơi; Nói đi! là hãy rời bỏ tình trạng không nói và Chạy đi! là hãy rời bỏ tư thế đứng ì một chỗ… Cũng như hai từ mũi và chín, xung quanh từ đi có nhiều ẩn dụ. Các ẩn dụ này đều dựa trên một nét nghĩa cơ sở.

Bên cạnh ba trường hợp chúng tôi vừa dẫn trên, tác giả cuốn “Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt” còn phân tích nhiều từ khác để chứng tỏ rằng xung quanh một từ có thể có nhiều ẩn dụ và các ẩn dụ này tạo thành một hệ thống dựa trên một nét nghĩa cơ sở.

Như vậy, Đỗ Hữu Châu đã nói tới nét nghĩa làm cơ sở nhưng ở phạm vi hẹp (trong một từ). Còn G.Lakoff thì nói đến nét nghĩa cơ sở ở phạm vi rộng hơn. Đỗ Hữu Châu thấy tính hệ thống trong các ẩn dụ của một từ còn G.Lakoff thì không.

Theo Đỗ Hữu Châu, nghĩa ẩn dụ trong một từ là nghĩa biểu vật. Cứ thay đổi nghĩa biểu vật là có một ẩn dụ. Tuy nhiên, tác giả cũng đã đề cập tới các trường hợp ranh giới không rõ ràng. Do đó, khi nghiên cứu ẩn dụ ta phải làm việc với các trung tâm, các trường hợp điển hình. Tác giả cho rằng: “Nói căn cứ để tách các nghĩa biểu vật là phạm vi sự vật, hiện tượng khác nhau, ứng với từ, nhưng trong thực tế, việc xác định ranh giới thật dứt khoát giữa các nghĩa biểu vật không dễ dàng. Ngôn ngữ học hiện nay đã nói đến tính bất định biểu vật của từ. Có nghĩa là khả năng của một từ biểu thị sự vật trong thực tế khách quan là vô hạn, chúng ta mới chỉ quen với một số ý nghĩa biểu vật thường gặp mà thôi. Chúng ta không đoán được hết một từ nào đấy sẽ còn được dùng cho những sự vật, hiện tượng nào khác nữa (như chúng ta không ngờ rằng từ đục được dùng trong câu “Các bài báo đều bị bọn kiểm duyệt cắt đục lem nhem”) và từ hói lại được dùng “khoảng hói trước khung thành thủ môn”) [3, 135].

Tác giả Đỗ Hữu Châu cũng đã phân tích biểu hiện thứ hai về tính hệ thống của ẩn dụ. Biểu hiện đó là: Các từ trong cùng trường thường có hướng chuyển nghĩa giống nhau. Có nghĩa là các từ đó chuyển thành ẩn dụ thì cách chuyển cũng như nhau. Trường hợp được tác giả đưa ra phân tích là ẩn dụ của từ cánh. Các ẩn dụ đó là cánh đồng (khoảng đất dài và rộng trải ra hai bên một con đường, hai bên làng); cánh hoa (bộ phận mỏng, hình lá, có màu sắc, xòe ra xung quanh một trung tâm). Sự chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ của từ cánh dựa trên nét nghĩa hình thứcvị trí và chức năng. Từ đầu cũng nằm trong trường chỉ bộ phận cơ thể người với từ cánh. Khi chuyển nghĩa ẩn dụ từ đầu cũng dựa trên hai nét nghĩa chính là nét nghĩa hình thức và vị trí. Ví dụ đầu làng là phần ở vị trí đầu tiên so với làngđầu đạn có hình tròn giống như đầu và ở vị trí đầu tiên của viên đạn. Từ chân cũng nằm trong trường chỉ bộ phận cơ thể người với hai từ trên. Khi chuyển nghĩa theo phương thức ẩn dụ, từ chân cũng dựa trên ba nét nghĩa hình thức, vị trí và chức năng. Ví dụ chân giường, chân bàn có hình dài của chân, ở vị trí tiếp xúc với mặt nền và có tác dụng nâng đỡ các bộ phận của giường và bàn. Chân núi, chân trời là bộ phận cuối cùng của sự vật tiếp giáp và bám vào mặt nền, giống như chân người khi ở vị trí thẳng đứng.

Các từ trong cùng trường thường có hướng chuyển nghĩa giống nhau cũng có nghĩa là các từ trong cùng trường khi chuyển nghĩa ẩn dụ thì thường cũng chuyển sang các trường như nhau. Thí dụ mũi là từ chỉ bộ phận cơ thể, được chuyển sang phạm vi đồ vật, vật thể địa lý để chỉ bộ phận của các đối tượng này. Các từ khác cũng chỉ bộ phận cơ thể như cổ, chân, sườn, lòng…đều có khả năng chuyển sang phạm vi đồ vật, vật thể địa lý…để chỉ bộ phận của chúng. Ta có mũi dao, mũi đất thì cũng có cổ áo, cổ chai, chân bàn, chân giường, chân núi, sườn núi, mặt ghế, mặt đất, mặt biển,

Như vậy, tư tưởng về tính hệ thống của ẩn dụ và hai phương diện thể hiện tính hệ thống đó như đã phân tích ở trên là tư tưởng chính về ẩn dụ của tác giả Đỗ Hữu Châu. Đây là tư tưởng xuyên suốt quá trình nghiên cứu về ẩn dụ của tác giả. Không phải chỉ đến cuốn “Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt” tư tưởng này mới thể hiện rõ mà nó đã thể hiện từ những năm đầu của thập kỷ 60. Ngay năm 1962, trong “Giáo trình Việt ngữ”, tập 2 (Từ hội học) Nxb Giáo dục, tác giả đã nói về ẩn dụ của từ mũi có mũi tàu, mũi thuyền, mũi đất, ẩn dụ của từ áo có áo cối, áo quan, áo súng. Và các nghĩa chuyển này của từ đều dựa trên nét nghĩa là vật để che phủ. Như vậy tác giả sơ bộ nêu tính hệ thống của ẩn dụ thể hiện thông qua hiện tượng xung quanh một từ có nhiều ẩn dụ và các ẩn dụ xung quanh một từ là sự chuyển nghĩa dựa trên một nét nghĩa cơ sở. Đó là điều sẽ được tác giả đề cập trong các công trình tiếp theo. Năm 1969, qua bài “Một số ý kiến về việc giải thích nghĩa trong từ điển” tư tưởng này đã được tác giả thể hiện một kiến giải như sau: “a)Các nghĩa khác nhau trong cùng một từ nhiều nghĩa có quan hệ với nhau lập nên hệ thống ngữ nghĩa của từ. b) Hệ thống này bị chi phối bởi những thuộc tính thường trực (nghĩa vị) thuộc nghĩa cơ bản của từ. c)Những thuộc tính thường trực chi phối hệ thống nghĩa cơ bản của từ không chỉ là sự kiện của riêng từ mà còn chung cho những từ cùng nhóm nghĩa (trường nghĩa) do đó những từ cùng nhóm nghĩa có thể có những nghĩa phụ giống nhau. Từ đó chúng ta có thể biến đổi nghĩa của từ trong lời nói và dự đoán hướng chuyển nghĩa của một từ nếu biết được trường nghĩa của nó và hướng chuyển nghĩa của trường.

Những quan điểm trên đây của Lakoff và Đỗ Hữu Châu về tính hệ thống của ẩn dụ đã có những đóng góp nhất định về lí luận và thực tiễn. Về lí luận, nó mở ra một hướng nghiên cứu mới về ẩn dụ, giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn bản chất của ẩn dụ. Về thực tiễn, nó giúp chúng ta vận dụng tốt hơn ẩn dụ trong quá trình lĩnh hội và tạo lập ngôn bản để góp phần nâng cao hiệu quả giao tiếp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.    George Lakoff and Mark Johnen (2003), Metaphor we live by, London: University of Chicago Press

2.    Đỗ Hữu Châu (1962), Giáo trình Việt ngữ tập 2 (Từ hội học), NXB Giáo dục, Hà Nội

3.    Đỗ Hữu Châu (1981), Từ vựng ngữ nghĩa tiếng Việt, NXB Giáo dục,Hà Nội

Hoàng Trinh (1992), Từ ký hiệu học đến Thi pháp học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020