Nghiên cứu khoa học

PHỎNG VẤN DỊCH GIẢ BAE YANG SOO, NGƯỜI DỊCH TIỂU THUYẾT THỜI CỦA THÁNH THẦN (HOÀNG MINH TƯỜNG) SANG TIẾNG HÀN


19-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Thị Diệu Linh

Người thực hiện: Nguyễn Thị Diệu Linh

Thời gian: 30/9/2016

Địa điểm: phố Trần Thái Tông, Hà Nội

Tiểu sử GS Bae Yang Soo

Dịch giả Bae Yang Soo, sinh năm 1959 tại thành phố Iksan, Hàn Quốc, tiến sĩ chuyên ngành Văn học Việt Nam (khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội), giáo sư trường Đại học ngoại ngữ Busan, Hàn Quốc. Hiện tại, ông đang là trưởng khoa Tiếng Việt trường Đại học ngoại ngữ Busan. Ông là nhà nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực văn hóa, ngôn ngữ và văn học Việt Nam và Hàn Quốc. Nói riêng về mảng dịch thuật, ông đã dịch nhiều tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Hàn. Trong đó, có các truyện ngắn như Hàng xóm (Trần Văn Tuấn), Danh phận (Nguyễn Khải), Tướng về hưu (Nguyễn Huy Thiệp), Hà Nội 0 giờ (Bảo Ninh); thơ của các tác giả Xuân Diệu, Phùng Quán, Vũ Cao, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thiều, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư…; và hai tiểu thuyết Áo trắng (Nguyễn Văn Bổng) và Thời của thánh thần (Hoàng Minh Tường).

Nội dung phỏng vấn

-       Thưa ông Bae Yang Soo, được biết tiểu thuyết Thời của thánh thần của nhà văn Việt Nam Hoàng Minh Tường đã được ông dịch ra tiếng Hàn và được NXB B.books, Seoul xuất bản vào năm 2015. Ông có thể cho biết thêm một số thông tin về quá trình lựa chọn, dịch thuật và xuất bản tác phẩm này tại Hàn Quốc được không ạ?

-       Vâng, tháng 8 năm 2008 tôi được một người bạn Việt Nam đang học ở Mỹ giới thiệu và tặng cho cuốn tiểu thuyết này. Đầu năm 2009, tôi gặp nhà văn Hoàng Minh Tường. Trong khi nói chuyện, chúng tôi đã đề cập đến việc dịch Thời của thánh thần sang tiếng Hàn. Nhưng ngay lúc đó thì tôi chưa có thời gian để dịch. Đến năm 2013 thì tôi mới rảnh rỗi và quyết tâm dịch. Tôi đã cố gắng tập trung và dịch tác phẩm này trong thời gian 6 tháng. Sau đó thì tìm nhà xuất bản. Thông thường, nhà xuất bản đặt dịch giả dịch tác phẩm. Còn trường hợp này thì hơi ngược lại.

-       Trong việc tìm nhà xuất bản để xuất bản bản dịch tác phẩm này, ông có gặp khó khăn gì không ạ?

-       Đối với tôi thì không khó lắm. Tôi nghĩ rằng có hai lý do như thế này: thứ nhất là tác phẩm văn học Việt Nam được dịch sang tiếng Hàn không nhiều, cho nên họ cũng quan tâm; thứ hai là, tôi vừa là dịch giả lại vừa là giáo sư ngành Việt Nam học. Trước khi dịch Thời của thánh thần, tôi đã từng dịch một số tác phẩm văn học Việt Nam như Áo trắng của Nguyễn Văn Bổng, Chinh phụ ngâm… ra tiếng Hàn, và dịch Truyện Xuân Hương của Hàn Quốc ra tiếng Việt, cho nên người ta cũng biết.

-       Vâng, vậy bản dịch cuốn tiểu thuyết này sau khi được xuất bản tại Hàn Quốc thì có bán chạy không ạ, hay nói cách khác là có nhiều độc giả không ạ?

-       Nói chung thì ở Hàn Quốc bây giờ, không chỉ là sách văn học Việt Nam mà cả sách văn học Hàn Quốc sau khi xuất bản cũng không có nhiều độc giả lắm. Có một lý do quan trọng là ngày nay người ta đọc trên mạng nhiều. Nhưng các nhà xuất bản cũng cố gắng. Còn với sách văn học Việt Nam thì tôi nghĩ là người Hàn Quốc sang Việt Nam làm việc ngày càng nhiều, nhu cầu hiểu biết về Việt Nam cũng nhiều hơn. Tôi cho rằng nếu ai muốn làm việc và sinh sống ở Việt Nam thì nên đọc văn học Việt Nam để hiểu hơn về lịch sử hiện đại của Việt Nam.

-       Vừa rồi ông có nói đến tầm quan trọng của việc hiểu biết về lịch sử hai nước. Gần đây, văn học Hàn Quốc cũng được dịch và giới thiệu ở Việt Nam khá nhiều. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, những tác phẩm được độc giả Việt Nam biết đến nhiều nhất có lẽ không phải viết về lịch sử Hàn Quốc. Ví dụ như truyện ngắn của Kim Young Ha – nhà văn có cách viết rất hiện đại, rất Phương Tây.

-       Vâng, tôi đồng ý như vậy. Tôi cũng thường xuyên theo dõi và tham gia thẩm định phần văn học Hàn Quốc được dịch ra tiếng Việt. Nhưng nói riêng về Thời của thánh thần, có một chi tiết thế này: NXB ở Hàn Quốc khi quảng cáo đã cho biết là tiểu thuyết này giống với một tiểu thuyết đương đại của Hàn Quốc là Dãy núi Tae Baek, một tiểu thuyết khá dày, có nhiều tập. Tác phẩm này chưa được dịch ở Việt Nam.

-       Nhan đề của tác phẩm Thời của thánh thần khi được dịch sang tiếng Hàn đã được chuyển thành Thi sĩ sang sông. Ông có thể giải thích về sự thay đổi này không ạ?

-       À, tên sách thì là như thế này. Nếu để nguyên tên Thời của thánh thần thì có nhiều người phản ánh là có thể gây hiểu lầm cho độc giả Hàn Quốc. Họ sẽ nghĩ rằng đây là sách tôn giáo. Cho nên tôi đã định lấy tên là Tốt sang sông. Vì theo tôi được biết, bản thảo đầu tiên mà tác giả đưa cho NXB lấy tên như vậy, sau đó NXB cho là trùng với tên một truyện ngắn, cho nên đã lấy tên một bài thơ trong truyện làm tên của sách: Thời của thánh thần. Song, nếu lấy tên bản dịch là Tốt sang sông thì lại có một vấn đề: cờ tướng của Việt Nam và Hàn Quốc có chỗ khác nhau, trong cờ tướng Hàn Quốc không có “sông”, nên người Hàn Quốc sẽ không hiểu ý nghĩa của “tốt sang sông”. Cuối cùng, tôi đã chọn nhan đề của bản dịch là Thi sĩ sang sông.  

-       Ngoài nhan đề ra, còn có chỗ nào trong tác phẩm mà với tư cách dịch giả ông đã phải thay đổi để người đọc Hàn Quốc hiểu được không ạ?

-       Không. Có một số chỗ tôi phải chú thích thôi, nhưng nói chung thì tôi hạn chế chú thích nhiều. Đây là tác phẩm văn học mà.

-       Trong quá trình dịch tác phẩm, ông có trao đổi gì với tác giả không ạ?

-       À, có một chỗ anh ấy viết về tử vi mà tôi không hiểu, cho nên phải hỏi lại. Đó là đoạn nói về lá số tử vi của nhân vật Nguyễn Kỳ Vọng, là mệnh Vô chính diệu, tức là mệnh không có chính tinh (sao chủ) chiếu. Theo anh Tường cho biết, cuốn này cũng được dịch ra tiếng Trung Quốc, và dịch giả Trung Quốc cũng không hiểu chỗ này. Cho nên khi gửi thư giải thích cho dịch giả Trung Quốc, anh ấy cũng gửi cho tôi để tham khảo.

-       Có ý kiến cho rằng đứng trước một tác phẩm văn học, thông thường dịch giả sẽ có hai quan niệm, hai lựa chọn, hay hai cách thức: cách thứ nhất là bản địa hóa, làm cho bản dịch trở nên gần gũi với độc giả, trong trường hợp này là “Hàn hóa” tác phẩm để độc giả Hàn Quốc dễ tiếp nhận, cách thứ hai là giữ nguyên tính chất Việt Nam của tác phẩm. Với tư cách là một dịch giả, ông nghiêng về quan điểm nào ạ?

-       Nói chung, theo tôi thì không nên “Hàn hóa”. Nhưng thực ra, khi dịch tác phẩm này tôi không cần lựa chọn một trong hai cách đó. Vì chúng ta (người Hàn Quốc và người Việt Nam) đều là người Á Đông, chúng ta rất giống nhau. Chỉ có tên nhân vật là khá lạ lẫm đối với người đọc Hàn Quốc thôi. Ví dụ người Hàn Quốc đọc sẽ cảm thấy khó hiểu khi đọc chỗ này là Chiến Thắng Lợi, chỗ kia là Lợi. Vì thế, tôi đã trao đổi với nhà xuất bản, quyết định dành trang đầu tiên để giới thiệu mấy nhân vật quan trọng: tên họ, đặc điểm…

-       Với tư cách là độc giả đồng thời là dịch giả, khi đọc tác phẩm này ông có ấn tượng mạnh nhất về điểm gì ạ?

-       Ấn tượng lớn nhất của tôi là tác giả hay dùng thành ngữ, tục ngữ. Ấn tượng thứ hai là cách xây dựng nhân vật hấp dẫn.

-       Nói về nhân vật, trong tác phẩm này, Hoàng Minh Tường đã xây dựng nhiều nhân vật phụ nữ thuộc với lứa tuổi, xuất thân, tính cách… rất khác nhau. Ông có suy nghĩ, cảm nhận gì về nhân vật phụ nữ trong truyện không ạ?

-       Nếu so sánh với nhân vật phụ nữ trong văn học Hàn Quốc thì tôi thấy là nhân vật người mẹ hoàn toàn giống nhau. Còn nhân vật phụ nữ làm cách mạng thì khác, nhân vật phụ nữ Việt Nam làm cách mạng giỏi hơn và mãnh liệt hơn.

-       Theo tôi, tác phẩm này xét về cách viết thì khá truyền thống, không có gì quá mới. Điều đáng quan tâm nhất có lẽ là cách nhìn lịch sử. Đó là cái nhìn lại một thời kỳ lịch sử rất dài với nhiều sự kiện lịch sử mà cho đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến đánh giá không thống nhất.

-       Vâng, cái này thì tất nhiên rồi. Tôi nghĩ là những cái này thì mấy chục năm nữa vẫn chưa thống nhất được. Thông thường, khi có người hỏi tôi về tiêu chí chọn tác phẩm để dịch, tôi vẫn trả lời là: thứ nhất là bản thân tôi phải hiểu được tác phẩm đó, và thứ hai là tôi thích tác phẩm đó. Tác phẩm này về mặt nghệ thuật thì không có gì nổi bật lắm. Nhưng theo tôi, cách xây dựng nhân vật và cái nhìn lịch sử là những điểm hay. Thông qua tác phẩm này tôi cũng biết thêm nhiều điều về lịch sử hiện đại của Việt Nam.

-       Tác phẩm thể hiện một số đánh giá của Hoàng Minh Tường về lịch sử Việt Nam có thể gây tranh cãi. Ví dụ các sự kiện như cải cách ruộng đất, cải tạo tư sản, di dân, thống nhất Bắc Nam… Ông có suy nghĩ gì về điều này không ạ?

-       Theo tôi thì Việt Nam cũng thống nhất lâu rồi. Bây giờ nên để cho tự do tranh cãi. Người này có ý kiến thế này, người kia có ý kiến thế kia, không phải là ý kiến này áp đặt ý kiến kia. Nên để thả nổi. Cũng như ở Hàn Quốc, đối với chuyện chia cắt và thống nhất Hàn Quốc và Bắc Triều Tiên, cũng có những ý kiến khác nhau. Thế hệ chúng tôi đa số muốn thống nhất đất nước. Nhưng quan điểm lịch sử của thế hệ trẻ rất khác. Bây giờ thì vẫn có hai luồng ý kiến khác nhau. Đó là điều phải chấp nhận.

 

-       Tôi khá ấn tượng với một chi tiết trong tác phẩm, ở đó tác giả so sánh cách mạng với tôn giáo, ở chỗ nó có thể thay đổi họ tên, quá khứ của mỗi cá nhân.

-       Có những lúc ý thức hệ mạnh hơn quan hệ gia đình. Điều đó đã từng xảy ra ở Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc. Anh em trong một gia đình chia rẽ, từ bỏ nhau vì ý thức hệ khác nhau.

-       Như chúng ta đều thấy, làn sóng văn hóa Hàn Quốc ở Việt Nam gắn liền với trào lưu phim Hàn Quốc. Theo ông, một tác phẩm văn học Việt Nam được dịch ra tiếng Hàn như tiểu thuyết này có thể thông qua con đường điện ảnh để đến với nhiều người Hàn Quốc hơn được không ạ?

-       Năm ngoái tại Liên hoan phim quốc tế Busan, có một buổi tọa đàm về điện ảnh Việt Nam mà tôi cũng tham gia. Tôi có gặp hai đạo diễn từ Việt Nam sang là các anh Nguyễn Thanh Vân và Nguyễn Hữu Phần. Lúc ấy bản dịch tiếng Hàn vừa được xuất bản, tôi muốn gửi nhanh cho anh Hoàng Minh Tường, vì hôm sau là hai đạo diễn kia về nước rồi. Hai anh ấy nói rằng rất muốn làm phim về tiểu thuyết này, và có nhận xét là những chuyện trong tiểu thuyết rất thật, không hề xa lạ. Sau khi đọc bản dịch tiếng Hàn tác phẩm này, một anh người Hàn Quốc làm trong ngành điện ảnh đã gọi điện cho tôi bày tỏ sự cảm động và cho biết sẽ làm phim về cả cuốn này, hoặc một phần tác phẩm.

-       Trong cuộc nói chuyện này, ông đã mấy lần nhắc đến sự giống nhau về lịch sử và văn hóa giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay có một thực tế là rất nhiều người Việt Nam, nhất là người trẻ, khi nghĩ tới Hàn Quốc thì sẽ nghĩ ngay tới những thứ mới lạ như phim ảnh, K-pop, thời trang, ẩm thực…, chứ không nghĩ rằng lịch sử và văn hóa hai nước có những điểm giống nhau.

-       Vấn đề này thanh niên thường không biết. Tôi vẫn hay hỏi các du học sinh Việt Nam ở Hàn Quốc là, các em sống ở đây mấy tháng rồi, hoặc một năm rồi, các em thấy Việt Nam và Hàn Quốc có điểm gì giống nhau và khác nhau. Các em ấy thường nói về sự khác nhau. Nhưng đối với tôi, tôi đã sống ở Việt Nam một thời gian khá lâu, tôi nhìn thấy rất nhiều cái giống nhau. Tất nhiên là đường phố Việt Nam thì rất bụi, đường phố Hàn Quốc thì sạch sẽ hơn, người Việt Nam và người Hàn Quốc ăn mặc kiểu khác nhau. Nhưng đó chỉ là những cái bên ngoài thôi. Còn càng đi sâu vào trong thì càng thấy nhiều điểm giống nhau. Có lần tôi đã viết một công trình nghiên cứu lấy tên là “Những vấn đề xã hội trong truyện ngắn Việt Nam”. Lập luận, quan điểm của tôi là: những vấn đề xã hội trong truyện ngắn Việt Nam cũng chính là những vấn đề xã hội của Hàn Quốc, chỉ khác nhau là sớm hay muộn thôi. Tất nhiên, địa lý và khí hậu của hai nước thì khác nhau nhiều, nhưng trong lịch sử hai nước đều chịu ảnh hưởng của Trung Hoa, nhất là Nho giáo. Các nghi lễ trong cuộc sống như hôn lễ, tang lễ… ngày xưa là như nhau.

-       Cảm ơn GS Bae Yang Soo về cuộc trò chuyện và các thông tin thú vị. Hy vọng rằng thời gian tới các độc giả Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp tục được đọc các công trình dịch thuật và nghiên cứu của ông!

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020