Nghiên cứu khoa học

TIẾP NHẬN VĂN HỌC NHẬT BẢN Ở VIỆT NAM (1)


19-10-2020
Tác giả: PGS TS Nguyễn Thị Mai Liên

Văn hóa, văn học Nhật Bản được người Việt Nam tiếp nhận sau thậm chí rất nhiều so với văn học Ấn Độ, Trung Quốc, Pháp, Liên xô cũ. Tuy văn học Nhật Bản du nhập vào Việt Nam muộn hơn nhưng giờ đây, nền văn học độc đáo này đã nhanh chóng chiếm lĩnh tình cảm của một lực lượng độc giả Việt Nam vô cùng đông đảo. Văn học Nhật Bản không chỉ trở thành đối tượng thưởng thức, nghiên cứu, tiếp thu để sáng tác mà còn trở thành đối tượng giảng dạy trong các nhà trường Việt Nam từ phổ thông đến đại học. Quá trình tiếp nhận văn học Nhật tại Việt Nam diễn ra trên cả bốn lĩnh vực dịch thuật, nghiên cứu phê bình, giảng dạy và sáng tác từ đó đến nay thường được giới nghiên cứu chia làm ba giai đoạn dựa trên những đặc điểm tiếp nhận khác nhau. Giai đoạn thứ nhất là từ đầu thế kỉ XX đến 1954. Thứ hai là giai đoạn từ 1955 đến 1975. Và thứ ba là giai đoạn từ 1976 cho đến nay. Vậy người Việt Nam đã tiếp nhận văn học Nhật Bản như thế nào qua các giai đoạn trên các lĩnh vực dịch thuật, nghiên cứu phê bình, sáng tác và giảng dạy? Việc tiếp nhận đó có những mặt tích cực hay hạn chế nào? Giải pháp ra sao? Đó là những vấn đề chúng tôi đặt ra giải quyết trong bài báo này.

1.                Tiếp nhận trong lĩnh vực dịch thuật

       Căn cứ vào các sử liệu và những chứng tích văn hóa còn lại trên đất Việt Nam, các nhà nghiên cứu khẳng định mối bang giao giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được thiết lập chủ yếu trên phương diện thương mại nhờ các thương nhân từ nhiều thế kỉ trước. Ngày nay, sự giao lưu văn hóa đó còn lưu lại những dấu ấn ở Phố Hiến, Hội An, Sài Gòn… Tuy nhiên, quan hệ giữa hai nước trên phương diện văn học phải đến những năm đầu thế kỉ XX mới chính thức diễn ra. Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, hai chí sĩ yêu nước đã đóng vai trò cầu nối cho những giao lưu sớm nhất của văn hóa Nhật Bản và Việt Nam. Nhờ phong trào Đông Du của Phan Bội Châu và phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục của Phan Chu Trinh, độc giả Việt Nam đã có những cuộc tiếp xúc đầu tiên với văn học xứ sở Phù Tang trong những năm đầu thế kỉ XX. Qua những bức Hải ngoại huyết thư gửi về nước, nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu đã giới thiệu với đồng bào không chỉ những vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội mà cả những giá trị văn hóa tinh thần của xứ hoa anh đào. Tác phẩm Giai nhân kì ngộ của nhà văn Sài Tứ Lang qua bản dịch của Lương Khải Siêu (Giai nhân chi kỳ ngộ) do cụ Phan Chu Trinh chuyển thể từ sáng tác cùng tên bằng chữ Hán được coi là tác phẩm văn học Nhật được giới thiệu đầu tiên ở Việt Nam.

     Thập niên 30-40 của thế kỉ XX, việc dịch văn học Nhật bị gián đoạn do người Việt có xu hướng hướng về phương Tây. Văn học Nhật chỉ được chú ý giới thiệu trở lại khi Nhật vào Đông dương trong Chiến tranh Thế giới thứ II. Trong thời gian này, Nhật Bản đã đỡ đầu cho một số tạp chí như Tây Á, Đại Đông Á, Đông Dương tạp chí, qua đó phổ biến văn hóa Nhật tới người Việt như trà đạo, hoa đạo, tinh thần võ sĩ đạo...

       Từ khi hòa bình lập lại 1955 đến những năm 60, 70 thế kỉ trước, Việt Nam mở rộng giao lưu với nhiều nước trên thế giới trong đó có Nhật Bản. Đặc biệt năm 1973, Việt Nam và Nhật Bản đã kí hiệp định hợp tác toàn diện. Vì vậy, văn học Nhật được giới thiệu ở nước ta nhiều hơn. Việc dịch văn học cũng có sự khác biệt giữa hai miền do đất nước bị chia cắt:

     Ở miền Bắc, cùng với việc được tiếp xúc với văn học của các nước Nga, Mỹ, Pháp… độc giả Việt Nam ngày càng được biết đến nhiều hơn các sáng tác của các nhà văn Nhật Bản như Khu phố không ánh mặt trời, Tokunaga Sunao do Trương Chính và Hồng Bích Vân biên dịch, nxb Lao động, H, 1961; Núi đồi yên lặng, Tokunaga Sunao, nxb Văn học, H, 1962; Mây gió Hakone, Takakura Teru, Văn học, H, 1963; Cánh đồng Bansu, Miyamoto Yuriko, nxb Văn học, H, 1964; tập truyện Sợi xích trắng, Lao động, H, 1966; Khuôn mặt người khác, Abe Kobo, nxb Văn học, H, 1969;

      So với miền Bắc, ở miền Nam, số lượng tác phẩm được dịch nhiều hơn hơn và được dịch qua văn bản của nhiều ngôn ngữ như Anh ngữ, Pháp ngữ và đã có một số bản dịch từ Nhật ngữ. Báo Văn nghệ số 57/1966 dăng tải những tác phẩm tiêu biểu như truyện ngắn Nắng mùa hè và Phòng tra tấn của Shitiro Ishihara do Nguyễn Minh Hoàng và Nhã Điền dịch. Tạp chí Văn giới thiệu các tiểu thuyết Cô đào miền Izu, Ngàn cánh hạc, Tiếng núi rền, Thủy nguyệt, Nốt ruồi… của văn hào Yasunari Kawabata. Tiểu thuyết Kim các tự của Yukio Mishima được xuất bản tại Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn, 1973; Truyện một người đãng trí của  Ryunosuke Akutagawa do Từ Chương, Sài Gòn, 1970 xuất bản.

      Từ 1976 đến nay, độc giả Việt Nam biết đến nhiều hơn những tác gia nổi tiếng của văn học Nhật do số lượng tác phẩm được dịch nhiều hơn. Điều kiện thuận lợi về chính trị xã hội cho phép sự tiếp nhận tinh hoa văn học thế giới trong đó có văn học Nhật Bản rộng mở hơn. Nguyên nhân trực tiếp có thể kể đến là sự thành lập của Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản tại Việt Nam, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn Quốc gia nay là Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia năm 1993. Xuất hiện ngày càng đông đảo đội ngũ nghiên cứu văn học Nhật Bản ở các viện nghiên cứu, các trường đại học, trong đó có những người được đào tạo bài bản ở Nhật… Việc dịch văn học Nhật Bản được mở ra rộng hơn trong khoảng hai thập niên cuối của thế kỉ XX. Các dịch giả tập trung dịch nhiều tác phẩm của một số tác gia tiêu biểu chẳng hạn như các nhà văn được giải Nobel hoặc các giải thưởng của Nhật Bản như giải Akutagawa… Đến hai thập niên đầu thế kỉ XXI, các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ, bạn đọc Việt Nam được cập nhật nhiều hơn, nhanh hơn những tác phẩm nổi tiếng của Nhật Bản. Haruki Murakami (sinh 1949) và Yoshimoto Banana (sinh 1964) là hai nhà văn đương đại của Nhật được đông đảo độc giả Việt Nam yêu mến đón đọc. Các tác phẩm của Murakami Haruk như Ngày đẹp trời để xem Kangaru, Sau cơn động đất, Đom đóm, Người tivi, Sau nửa đêm, Biên niên kí chim vặn dây cót, Rừng Nauy, Kafka bên bờ biển, Phía nam biên giới phía tây mặt trời, Nhảy nhảy nhảy, Người tình Sputnik, 1Q84… do các Nhà xuất bản Đà Nẵng, Hội Nhà văn… ấn hành đã đưa văn học Nhật Bản đương đại đến gần hơn với đông đảo bạn đọc. Trong hai năm 2006, 2007, đã có 10 tiểu thuyết của Haruki Murakami và 4 tiểu thuyết của Yoshimoto Banana được dịch sang tiếng Việt từ tiếng Nhật. TugumiKitchen, Amrita, N.P... là những tiểu thuyết được bạn trẻ Việt Nam yêu mến. Nhờ sự cống hiến âm thầm của đội ngũ dịch giả, độc giả Việt Nam đã được tiếp xúc nhiều hơn với những tác gia, tác phẩm đỉnh cao của văn học Nhật Bản.

       Tìm hiểu tình hình dịch thuật văn học Nhật Bản ở Việt Nam, chúng tôi nhận thấy       các tác phẩm được dịch còn khiêm tốn về số lượng so với văn học của các nước khác nhất là Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc… Đó là vì một số lý do sau đây. Trước hết, hoàn cảnh lịch sử đã khiến việc giao lưu văn hóa giữa hai nước bị gián đoạn một thời gian dài nên việc chuyển ngữ văn học Nhật Bản bị ngưng trệ khá lâu. Một lí do nữa là tác phẩm văn học Nhật Bản cả cổ đại lẫn hiện đại đều không hề dễ tiếp nhận do nền văn học ấy dựa trên nền tảng mỹ cảm Thiền tông hết sức tinh tế, uyên áo. Việc chuyển ngữ sao cho bản dịch truyền tải được những sắc thái tư duy độc đáo của người Nhật là một thách thức đối với bất cứ dịch giả lão luyện nào. Trong một thời gian dài, hầu như, tác phẩm văn học Nhật Bản được dịch từ ngôn ngữ trung gian như Anh, Pháp, Nga, Trung … Những tác phẩm được dịch sớm nhất từ chữ Hán hoặc Pháp. Sau đó là các bản dịch từ tiếng Nga, Anh. Nếu các dịch giả miền Nam trước 1975 chuyển ngữ từ tiếng Anh, Nhật thì các dịch giả miền Bắc chủ yếu chuyển ngữ từ tiếng Nga, Pháp, Trung. “Dịch tất phản” vốn là đặc điểm của dịch thuật, huống hồ lại dịch qua một ngôn ngữ trung gian. Gần đây, một số dịch giả tu nghiệp từ Nhật về đã công bố những bản dịch từ nguyên tác tiếng Nhật. Như vậy, hoạt động dịch thuật văn học Nhật ở Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực đáng ghi nhận. Một hạn chế nữa của việc dịch văn học Nhật Bản là chưa có sự lựa chọn theo hệ thống nên chưa cân đối về thể loại, về tác gia, về giai đoạn, về khuynh hướng… Văn xuôi Nhật Bản được dịch chiếm số lượng chủ yếu, lên tới khoảng 70%, còn lại là thơ, kịch, truyện tranh…). Có tình trạng này trước hết là do thành tựu văn học hiện đại Nhật Bản đạt được trên các thể loại văn xuôi như tiểu thuyết, truyện ngắn, truyện trong lòng bàn tay1 nổi trội hơn so với thơ (hai nhà văn được giải Nobel là Yasunari Kawabata và Kenjaburo Oe đều là những cây bút văn xuôi). Nhiều cây bút xuất sắc của văn học Nhật hiện đại chưa được dịch và giới thiệu ở Việt Nam như Mori Ogai, Futabatei Shimei, Siga Nagoya, Mishima Yukio, Tanizaki Yunichiro, Noma Hiroshi, Yokomitsu Riichi, Dadai Osamu, Ibuse Masugi, Inowe Yashushi… (văn sĩ), Yukio Tsuji, Tetsuo Shimizu, Mikiro Sasaki, Yoji Arakawa, Koichi Ijima, Suri Kido, Kiwao Nomura, Ishikawa Takuboku, Minoru Yoshioka, Gozo Yoshimasu, Sunataro Tanigawa, Makoto Oka… (thi sĩ). Do xuất phát từ nhu cầu của thị trường, các dịch giả cũng chưa có điều kiện lựa chọn các tác phẩm tiêu biểu cho mỗi trào lưu, khuynh hướng sáng tác vốn rất phong phú ở Nhật, chẳng hạn, các phẩm tiêu biểu cho văn học hiện thực, vô sản, lãng mạn... Trong khi đó, sách cho thiếu nhi tràn ngập các loại truyện

 …………………………….

Tiểu thuyết lòng bàn tay (掌の小説, Tenohira no Shōsetsu?) hay còn được biết đến với tên Truyện ngắn trong lòng bàn tay là một "chưởng biên tiểu thuyết" (掌編小説), "chưởng thiên tiểu thuyết" (掌篇小説) của Kawabata Yasunari, tập hợp khoảng trên 100 truyện ngắn được viết từ thời tác giả còn trẻ. Ấn bản đầu tiên phát hành năm 1971. Về sau tái bản sách còn bổ sung những truyện xuất bản sau khi tác giả lâm chung năm 1972. Đặc trưng của các truyện ngắn là mỗi truyện đều ngắn, như để được "trong lòng bàn tay". Khi dịch ra những ngôn ngữ khác, độ ngắn không còn được bảo toàn nữa - Wikipedia.

tranh – vốn rất hấp dẫn bạn đọc. Nhiều thế hệ độc giả nhỏ tuổi trong thập niên 80 của thế kỉ trước đã say mê bộ truyện tranh Doraemon. Bộ truyện có tính giáo dục cao, hình thức nghệ thuật hấp dẫn bởi yếu tố hài hước, hóm hỉnh đã trở thành “món ăn tinh thần” cho nhiều thế hệ độc giả nhỏ tuổi. Tuy nhiên, gần đây, truyện tranh Nhật Bản ồ ạt vào Việt Nam hầu như chưa được thực sự được chọn lọc.

       Vậy giải pháp để phát triển dịch thuật văn học Nhật Bản trong tương lai là gì? Theo chúng tôi, trước hết, các dịch giả cần chú ý giới thiệu toàn diện hơn bức tranh văn học Nhật Bản. Bên cạnh các tác phẩm tự sự, cần chú ý giới thiệu những tác phẩm thơ, kịch; cũng như những tác phẩm tiêu biểu cho nhiều trào lưu, khuynh hướng, những giai đoạn khác nhau của mỗi thời kì… Các cơ quan hữu trách về xuất bản cần có trách nhiệm, nghiêm khắc hơn nữa trong việc kiểm duyệt nội dung sách truyện, nhất là truyện tranh thiếu nhi. Cần tăng cường đội ngũ dịch giả giỏi tiếng Nhật, có sự am hiểu sâu sắc về nền văn hóa Nhật Bản để có thể truyền tải tinh tế những độc đáo của văn hóa Nhật Bản trong tác phẩm. 

2.                 Tiếp nhận trong lĩnh vực nghiên cứu phê bình

       Trong vòng 50 năm gần đây, văn học Nhật Bản đã được nghiên cứu và giảng dạy tại Việt Nam. Đến những thập niên cuối thế kỉ XX và gần hai mươi năm của thế kỉ XXI, hoạt động nghiên cứu diễn ra sôi nổi. Hiện tượng này là tất yếu vì khi bản dịch được hoàn tất và xuất bản, quá trình tiếp nhận mới chuyển sang giai đoạn thứ hai là đánh giá, thẩm định mà trước hết là của giới nghiên cứu, những người giảng dạy văn học trong nhà trường, các nhà văn và đông đảo độc giả. Vậy văn học Nhật Bản đã được nghiên cứu theo những hướng nào? Khảo sát những công trình nghiên cứu văn học Nhật Bản, chúng tôi nhận thấy có những hướng như sau:

       Trước hết là những công trình giới thiệu một thể loại hoặc một tác gia của Nhật Bản, những trào lưu, khuynh hướng nổi bật được công bố trong những năm 60, 70 của thế kỉ trước như Tiểu thuyết Nhật Bản của Mai Chương Đức, Tạp chí Văn học (miền Nam) số 90- 6/1969; Vài nét về thơ Nhật Bản Ishikawa Takuboku của Vĩnh Sính, Tạp chí Văn học (miền Nam), 6/1969; Yếu tố Eros trong truyền thống văn học Nhật Bản của Uyên Minh, Tạp chí Văn học (miền Nam) số 6/1969; Vài đặc điểm của văn nghệ Nhật Bản 1945-1950 của Lê Trường Sa, Tạp chí Văn học (Miền Nam), số 144/1972; Văn học Nhật Bản hiện đại từ thời Minh Trị tới nay của Nguyễn Tuấn Khanh, Viện TTKHXH, 1998; Một số nét đặc trưng của văn học Nhật Bản của Trần Hải Yến, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản số 4/1999, Tổng quan văn học Nhật Bản, NXB Giáo dục của Nguyễn Nam Trân, Hợp tuyển văn học Nhật Bản (2010, NXB Lao động) của Nguyễn Thị Mai Liên.

       Tiếp theo là những công trình tìm hiểu tác gia, thể loại văn học, đặc điểm tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ tiêu biểu như Kenjaburo Oe và những huyền thoại về cuộc đời của Nhật Chiêu, Kiến thức ngày nay số 155/1994, K. Oe đoạt giải Nobel văn chương của Bích Phương, Kiến thức ngày nay, số 1155/1994; Vài cảm nghĩ khi đọc Đèn không hắt bóng của nhà văn Nhật Bản Dzunichi Watanabe của Nguyễn Chúc, Tác phẩm mới, số 4/1992; Natsume Soseki: Con người và tác phẩm của Nguyễn Tuấn Khanh, Tạp chí Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 6/2005, Văn xuôi Nhật Bản hiện đại của Nguyễn Văn Sĩ, Báo Văn nghệ số 1/1993… Kawabata Yasunari, nhà văn Nhật Bản đầu tiên được nhận giải Nobel Văn chương năm 1968 trở thành đối tượng nghiên cứu của nhiều công trình. Kawabata Yasunari, cuộc đời và tác phẩm của Lưu Đức Trung, NXB Giáo dục, 1997 và Văn hóa Nhật Bản và Kawabata Yasunari của Đào Thị Thu Hằng, NXB Giáo dục, H, 2007 là hai cuốn sách giới thiệu khá toàn diện và sâu sắc về nhà văn này. Các bài báo khác khai thác những phương diện khác nhau trong quan niệm thẩm mĩ, hình thức nghệ thuật, nội dung tư tưởng… của nhà văn qua các tác phẩm thuộc hai thể loại là tiểu thuyết và truyện trong lòng tay. Năm 2011, hội thảo “Kawabata trong nhà trường” đã được tổ chức tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Hội thảo đã quy tụ được bài viết của 25 nhà nghiên cứu ở những vị trí công tác khác nhau ở trong nước và quốc tế. Các tác giả đã thể hiện tình yêu, sự ngưỡng mộ đối với nhà văn cũng như mong muốn tri âm cùng nhà văn. Ba phạm vi nghiên cứu cơ bản của những bài báo này là những nét độc đáo trên hai phương diện nội dung và nghệ thuật trong toàn bộ sáng tác của Kawabata Yasunari; những đặc điểm tác phẩm thuộc một thể loại của Kawabata; nội dung tư tưởng và thi pháp một số tác phẩm cụ thể của Kawabata.

      Thứ ba là những bài báo nghiên cứu các thể loại và những vấn đề cụ thể của văn học Nhật Bản. Số lượng bài viết có nội dung này chiếm tỉ lệ lớn. Có thể kể đến bài viết nghiên cứu, giới thiệu những đặc điểm của thơ ca hiện đại Đôi điều về thơ Nhật Bản của Nguyễn Xuân Sanh, Tác phẩm mới, số 4/1992; Thu và thơ Nhật Bản của Nguyễn Vỹ, Phổ thông số 43/ 1982; Nghiên cứu, giới thiệu văn xuôi có bài Tiểu thuyết Nhật Bản của Mai Chương Đức, Văn học (miền Nam), 1969; Văn xuôi Nhật Bản của Bùi Trọng Bình, Tác phẩm mới số 4/1992; Văn xuôi Nhật Bản hiện đại của Nguyễn Văn Sĩ (Báo Văn nghệ số 1/1993).

       Bên cạnh đó còn có những bài viết so sánh văn học Nhật Bản với văn học các nước nhằm mục đích phát hiện những nét độc đáo của văn học Nhật Bản. Những bài viết có nội dung này tập trung vào quá trình hiện đại hóa văn học Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á qua hội thảo Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á được tổ chức bởi Khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐHKHXH & NV, ĐHQG TP HCM năm 2012. Hội thảo thu hút 52 tham luận trong đó có 20 tham luận về văn học hiện đại Nhật Bản. Những nội dung như tìm hiểu văn học Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á, so sánh văn học Nhật Bản với một nền văn học khác và tìm hiểu những tác giả, trào lưu, những vấn đề của văn học Nhật Bản cận hiện đại được quan tâm bàn thảo hơn cả. Nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong thời đại toàn cầu hóa Thế kỉ XXI là vấn đề được đặt ra bàn luận trong hội thảo do khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐHKH XH & NV, ĐHQG TP HCM tổ chức tháng 12 năm 2013. Các nhà nghiên cứu đã luận bàn về những vấn đề đặt ra đối với việc nghiên cứu văn học Việt Nam và Nhật Bản trong một thời kì mà cả thế giới trở thành “một ngôi làng toàn cầu” (global village). Các bài báo trong hội thảo tập trung vào bốn nội dung chính: 1) tổng quát về quá trình hội nhập của văn học Việt Nam và Nhật Bản trong thời đại toàn cầu hóa. 2) tìm hiểu văn học Nhật Bản hoặc so sánh văn học Việt Nam và Nhật Bản hoặc so sánh với văn học các nước khác trong khu vực Đông Á, châu Á và thế giới thời tiền hiện đại. 3) văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh toàn cầu hóa thời hiện đại. 4) lí thuyết nghiên cứu và văn học dịch.

      Haruki Murakami là nhà văn đương đại Nhật Bản được yêu thích nhất hiện nay không chỉ ở Nhật. Trải qua 40 năm hoạt động văn học nghệ thuật không mệt mỏi, kể từ khi sáng tác đầu tay Lắng nghe gió hát xuất hiện năm 1979 và được nhận giải thưởng Nhà văn mới Gunzo, tới nay, Haruki Murakami đã nhận được nhiều danh hiệu mà các nhà văn khác đều ước mơ: “Nhà văn Nhật Bản được yêu thích”, “nhà văn best-seller”, “nhà văn được giới trẻ yêu thích”, “một siêu sao”... Trên sân khấu văn học Nhật Bản đương đại, luôn luôn là Murakami ở tiền cảnh. Trên văn đàn thế giới, ông cũng là nhà văn đương đại thành công. Tác phẩm của Murakami được dịch ra 38 thứ tiếng và trở thành “tấm giấy thông hành” đưa ông đến với các nền văn hoá khác nhau. Tiểu thuyết của Murakami đã được tìm hiểu xem xét từ nhiều góc độ khác nhau. Ở mỗi góc nhìn, các nhà nghiên cứu khám phá được những giá trị mới mẻ trong sáng tác của ông. Từ góc nhìn thi pháp, vẻ đẹp của những phương diện như kết cấu, biểu tượng, thủ pháp kể chuyện, yếu tố huyền ảo, thế giới nhân vật trong tiểu thuyết của Murakami được khám phá. Một số đặc điểm nổi bật trong lối tự sự của Murakami như bí ẩn, yếu tố huyền… đã được các nhà tự sự học phát hiện. Tiểu thuyết của Murakami cũng được tiếp cận từ triết học với nhiều trường phái khác nhau trong đó tập trung vào những yếu tố của triết học hiện sinh, Thiền... Cũng có công trình tìm hiểu tiểu thuyết của Murakami từ lí luận về vô thức tập thể của Carl Gustav Jung, từ đó làm rõ một phương diện của biểu tượng là cổ mẫu và các motif nghệ thuật.

       Quan sát bức tranh nghiên cứu phê bình văn học Nhật Bản, chúng ta có thể nhận thấy mặc dù khởi đầu muộn hơn so với các nền văn học khác song việc nghiên cứu văn học Nhật Bản ở Việt Nam có sự phát triển nhanh chóng, nhất là trong thập niên đầu của thế kỉ XXI. Sức hấp dẫn của văn học Nhật Bản đối với giới phê bình là không thể phủ nhận. Kết quả nghiên cứu đã góp phần quảng bá sâu rộng cũng như nêu ra những định hướng đúng đắn cho độc giả Việt Nam trong việc tiếp nhận những tinh hoa của văn học Nhật Bản. Song thành tựu văn học Nhật Bản rất lớn, để đáp ứng những yêu cầu của cả hai phía: giới sáng tác và độc giả, những nhà nghiên cứu phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn trong thời gian tới. Đội ngũ nghiên cứu văn học Nhật Bản của Việt Nam còn khiêm tốn số lượng. Trong đó, số người được đào tạo bài bản về văn hóa, văn học và Nhật ngữ không nhiều. Vì vậy, việc tăng cường lực lượng nghiên cứu trẻ có chuyên môn, am hiểu sâu sắc về văn hoá Nhật Bản, có trình độ Nhật ngữ là một việc quan trọng trước mắt.  Để có sự toàn diện trong nghiên cứu văn học Nhật Bản, việc định hướng nghiên cứu cũng hết sức cần thiết. Điều này có thể tiến hành thông qua các hội thảo hoặc các chương trình, đề án nghiên cứu…

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020