Nghiên cứu khoa học

“TRÀO LƯU HÀN QUỐC” VÀ TÌNH HÌNH DỊCH THUẬT, XUẤT BẢN VĂN HỌC HÀN QUỐC Ở TRUNG QUỐC


19-10-2020
Tác giả: TS Nguyễn Thị Diệu Linh

1. “Hàn lưu” như một phần của nền văn hóa đương đại Trung Quốc

 

Ngày 10 tháng 1 năm 2013, tại Trung tâm nghiên cứu “Truyền thông mới và sự phát triển văn hóa” của Trường Đại học Thượng Hải đã diễn ra một hội nghị chủ đề Hàn lưu tại sao quay trở lại với sự tham gia của gần 20 nhà nghiên cứu các chuyên ngành truyền thông, điện ảnh, văn học..., trong đó có một số đến từ Trường Đại học Trung ương Hàn Quốc và Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc. Các trao đổi trong hội nghị chủ yếu xoay quanh hiện tượng ca khúc “Gangnam style” gây sốt trên thế giới và một số hiện tượng đáng chú ý khác của “Hàn lưu” trong năm 2012. Gần 10 năm trước đó, cũng tại Trường Đại học Thượng Hải, ngày 8 tháng 11 năm 2005 đã diễn ra Hội nghị quốc tế Hàn lưu tại Trung Quốc, ở đó hiện tượng “Hàn lưu” tại Trung Quốc đã được các đại biểu đến từ hai nước đem ra bàn luận dưới nhiều khía cạnh, nhiều góc nhìn khác nhau.

      Hai sự kiện nói trên chỉ là một phần rất nhỏ của bức tranh toàn cảnh cho thấy sức sống dai dẳng mạnh mẽ của “Hàn lưu” tại Trung Quốc, cùng với sự quan tâm nghiêm túc và lâu dài của nhiều giới đến nó. Như một bộ phận cấu thành của đời sống xã hội và văn hóa Trung Quốc hiện đại, “Hàn lưu” có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc trong nhiều năm qua. Vậy “Hàn lưu” là gì?

      Trước hết, chúng tôi xin giới thiệu khái quát về khái niệm “Hàn lưu” (có thể dịch thành “làn sóng Hàn Quốc” hay “trào lưu Hàn Quốc”). Một chi tiết khá thú vị là: khái niệm “Hàn lưu” được người Hàn Quốc sử dụng rộng rãi hiện nay không phải bắt nguồn từ Hàn Quốc mà từ Trung Quốc. Cụ thể hơn, thuật ngữ “Hàn lưu” đầu tiên bắt nguồn từ giới cờ vây Trung Quốc. Cờ vây vốn khởi nguồn vào khoảng thế kỷ thứ VI trước Công nguyên tại Trung Quốc, sau đó được truyền bá phổ biến ở khu vực châu Á Thái Bình Dương. Vào khoảng những năm 90 thế kỷ trước cho đến khoảng năm năm đầu thế kỷ này, cờ vây Hàn Quốc đạt được những thành tựu vô cùng rực rỡ, liên tiếp giành những giải thưởng cao nhất tại các trận đấu cờ vây quốc tế. Giới cờ vây lúc đó, đặc biệt là giới cờ vây Trung Quốc đã dùng thuật ngữ “Hàn Quốc lưu” (韩国流)- , gọi tắt là “Hàn lưu” (韩国流)- (đồng âm với寒流, nghĩa là “luồng không khí lạnh”) để chỉ thế đi lên như diều gặp gió của cờ vây Hàn Quốc. Về sau “Hàn lưu” còn được sử dụng trong các lĩnh vực khác như bóng đá, âm nhạc, phim truyền hình..., và thường mang hàm ý so sánh ngầm giữa một bên là sự trỗi dậy của Hàn Quốc, một bên là thế bị động của Trung Quốc. Dần dần, thuật ngữ bắt nguồn từ Trung Quốc này được chính phía Hàn Quốc từ giới truyền thông đến chính phủ và người dân sử dụng một cách rộng rãi. “Hàn lưu” giờ đây chỉ hiện tượng điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc, thời trang, mỹ phẩm, ẩm thực... Hàn Quốc được truyền bá và gây ảnh hưởng mạnh mẽ trước hết là ở nhiều quốc gia thuộc khu vực châu Á, sau nữa là một số vùng khác ngoài châu Á. Ở Trung Quốc, “Hàn lưu” theo nghĩa này có thể nói được khởi phát từ lĩnh vực phim truyền hình mà điển hình nhất là hai bộ phim “Sự đố kị” và “Tình yêu là gì”. “Sự đố kị” được Đài truyền hình trung ương Trung Quốc phát sóng vào năm 1993 là bộ phim truyền hình đầu tiên của Hàn Quốc được giới thiệu ở Trung Quốc đại lục. Còn “Tình yêu là gì” cũng do Đài truyền hình trung ương phát sóng năm năm sau đó, có sức ảnh hưởng vô cùng mạnh mẽ đến khán giả Trung Quốc, và kéo theo nó là sự thâm nhập của hàng loạt các lĩnh vực văn hóa giải trí khác, trở thành một trong những biểu hiện rõ nét sống động nhất của “Hàn lưu” tại Trung Quốc. Trải qua quá trình mấy chục năm, giờ đây “Hàn lưu” đã được nhìn nhận như một phần tất yếu của nền văn hóa xã hội đương đại Trung Quốc, gắn liền với bối cảnh sự mở rộng và phát triển chóng mặt của thành thị, nhắm đến đối tượng chủ yếu là giới trẻ, và luôn song hành với “tính tiêu dùng”. Độ phủ sóng của nó bao trùm nhiều lĩnh vực như điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc (Kpop), thời trang, ẩm thực, mỹ phẩm, đồ điện tử, xe hơi, công nghệ phẫu thuật thẩm mĩ... và tất nhiên, không bỏ qua lĩnh vực văn học, đặc biệt là mảng dịch thuật, xuất bản và truyền bá văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc. Con đường phát triển của “Hàn lưu” ở Trung Quốc cũng phải trải qua nhiều bước thăng trầm. Năm 2008, tại Trung Quốc đã từng xuất hiện phong trào “phản Hàn lưu”, công kích hiện tượng “Hàn lưu” kịch liệt (1). Tuy nhiên, nhìn một cách đại thể, những bước tiến của “Hàn lưu” trên nhiều lĩnh vực của Trung Quốc là điều không thể phủ nhận được. Mặc dù vài năm trở lại đây, đã có một số luồng ý kiến đề cập tới “sự thoái trào” của “Hàn lưu” tại Trung Quốc, và xuất hiện khái niệm “hậu Hàn lưu” với nghĩa kép (vừa chỉ “thời kỳ sau Hàn lưu”, vừa chỉ tính chất “thoát khỏi Hàn lưu”), song trên thực tế sức sống của nó vẫn vô cùng mạnh mẽ.

      Nhìn chung, có thể thấy phản ứng của phía Trung Quốc đối với sự thâm nhập và lan tỏa của “Hàn lưu” khá nhanh chóng, tỉnh táo và cởi mở. Từ rất sớm, “Hàn lưu” đã trở thành chủ đề được quan tâm bàn thảo trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Một mặt, Trung Quốc thừa nhận sự phát triển sớm hơn, thành thục hơn của “Hàn lưu” so với “Hán phong” (汉风 - làn gió Trung Quốc, trào lưu Trung Quốc) (2), mặt khác, “Hàn lưu” thường được các nhà nghiên cứu Trung Quốc đặt trong một bối cảnh tiếp xúc lớn hơn giữa các quốc gia nằm trong vùng “Hán tự văn hóa quyển” để xem xét.

2. “Hàn lưu” với tiến trình dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc

 

      Văn học Hàn Quốc bắt đầu được dịch thuật và giới thiệu tại Trung Quốc từ những năm 30 của thế kỷ XX, vào khoảng từ những năm 50 trở đi đã từng đạt tới cao trào do đặc thù lịch sử lúc bấy giờ (quan hệ mật thiết giữa Triều Tiên và Trung Quốc). Văn học được dịch và giới thiệu bao gồm cả những tác phẩm đương thời lẫn tác phẩm cổ điển. Năm 1966, Đại cách mạng văn hóa diễn ra tại Trung Quốc khiến cho việc dịch thuật, xuất bản này hầu như bị ngưng trệ. Khi Trung Quốc tiến hành cải cách mở cửa vào cuối những năm 70 đầu những năm 80 cũng là lúc nhiều tác phẩm văn học hiện đại Hàn Quốc được giới thiệu vào Trung Quốc. Theo thống kê, trong thập kỷ 80, Trung Quốc đại lục đã dịch và xuất bản tổng cộng 13 cuốn văn học hiện đại Hàn Quốc và 10 cuốn văn học hiện đại Triều Tiên. Cùng giai đoạn đó, Đài Loan dịch và xuất bản 8 cuốn tác phẩm văn học hiện đại Hàn Quốc. Đó cũng là lần đầu tiên kể từ khi nước Trung Hoa mới được thành lập, số lượng tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch và xuất bản vượt qua số lượng tác phẩm văn học Triều Tiên. Bên cạnh đó, còn một số tác phẩm văn học cổ điển thuộc về cả Hàn Quốc và Triều Tiên. Tuy nhiên, việc dịch thuật, xuất bản văn học hiện đại Hàn Quốc một cách toàn diện, có hệ thống chỉ xuất hiện sau những năm 90. Điều này trước hết có liên quan đến việc Hàn Quốc và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1992. Trong thập kỷ 90, Trung Quốc đã dịch và xuất bản 31 cuốn tác phẩm văn học Hàn Quốc và chỉ có 2 cuốn tác phẩm văn học Triều Tiên. Còn về phía Đài Loan, do quan hệ căng thẳng giữa hai bên Đài - Hàn, nên khoảng thời gian này chỉ có 3 cuốn tác phẩm văn học Hàn Quốc được giới thiệu ở đây. Đáng chú ý là vào giai đoạn cuối những năm 90, tại Trung Quốc đã dịch và xuất bản hai cuốn tiểu thuyết của Kim Chính Hiền (Kim Jung Hyun): cuốn “Bố” và cuốn “Tin”, trong đó cuốn thứ hai được cải biên từ phim truyền hình cùng tên. Hai cuốn này được coi là sự khởi nguồn cho “trào lưu Hàn Quốc” trong giới xuất bản Trung Quốc.

      Nếu phải tìm một mốc “chính thức” cho sự khởi sắc của “trào lưu Hàn Quốc” trong giới xuất bản văn học tại Trung Quốc thì năm 2001 có lẽ là một lựa chọn thích hợp. Mặc dù “trào lưu Hàn Quốc” tại Trung Quốc thường được cho là đã trỗi dậy từ năm 1998 với sức ảnh hưởng mạnh mẽ của bộ phim truyền hình “Tình yêu là gì”, song mảng văn học vẫn đi chậm hơn so với phim truyền hình vài năm. Tuy nhiên, xét về độ sôi nổi thì “Hàn lưu” trong văn học cũng không kém phần. Chỉ trong vòng hai năm 2001, 2002, số sách văn học Hàn Quốc được dịch và xuất bản tại Trung Quốc đại lục đã lên tới con số 26 cuốn. Trong những năm sau đó, sự quan tâm của giới dịch thuật và xuất bản đối với mảng văn học Hàn Quốc chỉ có tăng thêm mà không có suy giảm (3). Tuy nhiên, nhìn từ toàn bộ tiến trình, có thể thấy cao trào dịch thuật và xuất bản dòng văn học đại chúng (văn học thông tục) gắn liền với sự bùng nổ của “trào lưu Hàn quốc” trên các lĩnh vực xã hội - văn hóa. Còn việc dịch thuật và xuất bản dòng văn học nghiêm túc (thuần văn học) có xu hướng đi chậm hơn một chút, tức là khi cái gọi là “sự bùng nổ” của Hàn lưu đã qua đi, Hàn lưu tại Trung Quốc đã đi vào quỹ đạo, cũng là khi người ta bắt đầu nói đến “hậu Hàn lưu”, sự “thoái trào” của Hàn lưu (4). Như chúng tôi đã đề cập đến ở phần trên, xét về bản chất, “trào lưu Hàn Quốc” gắn liền với/ hướng đến các nhân tố văn hóa đại chúng, thị trường tiêu dùng và giới trẻ thành thị. Cho nên tác động của nó tới tiến trình dịch thuật, xuất bản văn học Hàn Quốc cũng có tính hai mặt. Không thể phủ nhận rằng chính “trào lưu Hàn Quốc” đã tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc, nhất là tạo ra một lực lượng độc giả khổng lồ rất hứng thú với văn hóa Hàn. Tuy nhiên, như mọi “trào lưu” khác, “Hàn lưu” có thể đạt đến “cao trào” và cũng có thể phải đối mặt với sự “thoái trào”. Về điều này, chúng tôi tán đồng quan điểm của tác giả Lâm Xuân Thành trong bài viết Khảo sát về sự kết nối và xích lại gần nhau của văn hóa Trung Hàn - lấy hiện trạng dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc làm trung tâm: nếu văn học Hàn Quốc muốn có những kết nối thực sự với văn học Đông Á và văn học thế giới thì cần phải nhận thức thật đầy đủ về vấn đề “hậu Hàn lưu” (5).

3. “Hàn lưu” với các vấn đề nhà xuất bản, dịch giả và thể loại văn học

 

      Quá trình từ dịch thuật, xuất bản đến phát hành tác phẩm văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc cho thấy sự vai trò vô cùng quan trọng của các nhà xuất bản. Khi sự ra đời của các dịch phẩm càng gắn liền với “trào lưu Hàn Quốc” thì vai trò này càng được đề cao. Như đã nói ở trên, thời điểm năm 2001 có thể coi là một mốc quan trọng trong quá trình Trung Quốc dịch và xuất bản văn học Hàn Quốc. Nhìn từ phương diện nhà xuất bản, theo thống kê, năm 2001, cả Trung Quốc có 18 nhà xuất bản tham gia xuất bản văn học Hàn Quốc, năm 2002 con số này là 30, và cho đến tháng 10 năm 2003 con số này đã là 38. Như vậy, trong vài ba năm đầu tiên, trung bình mỗi năm có thêm 10 nhà xuất bản bước chân vào thị trường sách dịch văn học Hàn Quốc. Thực tế này được tác giả bài báo Thị trường văn học: cuộc tấn công mạnh mẽ của “Hàn lưu” lý giải bằng các nguyên nhân sau: thứ nhất là con số phát hành khổng lồ của một số cuốn sách văn học dạng best-seller của Hàn Quốc, thứ hai là tác phẩm của một số nhà văn đương đại có tiếng của Hàn Quốc như Kim Hà Nhân (金河仁), Thân Thế Dung (申世庸) nhận được sự hưởng ứng vô cùng nồng nhiệt của lực lượng độc giả trẻ tuổi Trung Quốc (6).

      Trước kia, đứng ra xuất bản các tác phẩm văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc chủ yếu là một số nhà xuất bản có tiếng như Thượng Hải Dịch Văn xuất bản xã, Thượng Hải Văn Nghệ xuất bản xã, Thượng Hải Học Lâm xuất bản xã ở Thượng Hải; Tác Gia xuất bản xã, Nhân Dân Văn Học xuất bản xã ở Bắc Kinh. Những năm gần đây, không chỉ một số nhà xuất bản lớn kể trên mà nhiều nhà xuất bản có tiếng ở khắp các tỉnh thành Trung Quốc cũng hăng hái tham gia vào phong trào xuất bản và giới thiệu văn học Hàn Quốc. Có thể kể đến: Bách Hoa Văn Nghệ xuất bản xã ở Thiên Tân, Hoa Thành xuất bản xã ở Quảng Châu, Vũ Hán Văn Nghệ xuất bản xã ở Vũ Hán... Theo đánh giá của nhà nghiên cứu Kim Nhất thì “Tình trạng này chủ yếu là do đi theo sự phát triển mạnh mẽ của “Hàn lưu” tại Trung Quốc. Các nhà xuất bản ở khắp nơi trên cả nước cũng tuân theo quy luật kinh tế thị trường, xuất phát từ sự cân nhắc lợi ích thương mại, điều này vô hình trung giống như đổ thêm dầu vào lửa đối với sự truyền bá của “Hàn lưu” (7).

      Tính cho đến thời điểm năm 2013, quá trình dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc đã có hơn 30 năm liên tục. Khoảng thời gian đó đã đủ để sản sinh ra một đội ngũ dịch giả khá lớn mạnh, trong đó có không ít dịch giả đồng thời là chuyên gia về văn học Hàn Quốc, bên cạnh đó lớp dịch giả trẻ tuổi cũng đang từng bước khẳng định được vị thế của mình. Một số tên tuổi thường được nhắc đến trong giới dịch thuật văn học Hàn Quốc như Cao Tôn Văn với mảng tiểu thuyết hiện đại, Vi Húc Thăng với mảng văn học cổ điển, Hứa Thế Húc (người Hàn Quốc) với mảng thơ ca hiện đại, Tử Kính, Trần Ninh Ninh (người Đài Loan), Đào Băng Úy, Lý Liệt, Trương Lâm, Vương Văn Quang, Giang Sâm v...v... Theo thống kê của tác giả Kim Nhất trong bài viết tổng thuật vừa công bố tháng 8 năm 2013, có 76 dịch giả đã từng dịch từ một cuốn tác phẩm văn học Hàn Quốc (sách đơn) ra tiếng Trung trở lên, trong đó có 10 dịch giả đã dịch từ ba cuốn trở lên.

      Trong vòng vài chục năm mà hình thành được một đội ngũ dịch giả như vậy, bên cạnh nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác, không thể không nhắc đến vai trò của “trào lưu Hàn Quốc”. Nhờ sức lan tỏa rộng rãi và mạnh mẽ của Hàn lưu mà ngày càng có nhiều người Trung Quốc quan tâm tới văn hóa Hàn Quốc (tất nhiên phạm vi và mức độ quan tâm lại là một câu chuyện khác). Như một hệ quả tất yếu, tiếng Hàn cũng dần dần trở thành một ngành học hấp dẫn. Theo thống kê, hiện nay tại Trung Quốc đã có gần 100 trường đại học có khoa tiếng Hàn hoặc chuyên ngành tiếng Hàn, các hoạt động hợp tác, trao đổi học viên giữa các trường, học viện của hai bên Trung - Hàn cũng diễn ra vô cùng sôi nổi, các chương trình học có liên quan đến văn học Hàn Quốc được coi trọng, số lượng luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ lựa chọn văn học Hàn Quốc làm đề tài nghiên cứu cũng tăng vọt... Tất cả các nhân tố trên chính là mảnh đất đầy thuận lợi cho sự trưởng thành của đội ngũ dịch giả văn học Hàn. Ngoài ra, cũng phải khẳng định thái độ hết sức chủ động và tích cực của phía Hàn Quốc đã góp phần tạo động lực và điều kiện làm việc tốt nhất cho lực lượng dịch giả: từ các hoạch định chính sách tầm vĩ mô cho đến chương trình tài trợ, dự án liên kết cụ thể. Điều này, như chính Viện trưởng Viện Dịch thuật Hàn Quốc đã nhận định, là bởi vì dịch thuật văn học là một phần không thể tách rời của việc quảng bá văn hóa (8).

      Dấu ấn của “Hàn lưu” trong dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc cũng vô cùng rõ nét xét trên khía cạnh thể loại văn học. Những năm 80, khi văn học Hàn Quốc bắt đầu được giới thiệu tại Trung Quốc, cũng là lúc chưa có hiện tượng “Hàn lưu”, các thể loại văn học xuất hiện đầu tiên là thơ ca và truyện ngắn. Tiêu biểu có thể kể đến chùm 15 bài thơ của nhà thơ nổi tiếng Kim Phương Hà (金芳河) đăng trên tạp chí “Tân thế giới” tháng 12 năm 1979, rồi đến năm 1983 là “Tuyển tập tiểu thuyết Nam Triều Tiên” (tuyển truyện ngắn) do Thượng Hải dịch văn xuất bản xã xuất bản và “Hàn Quốc đoản thiên tiểu thuyết tuyển tập” do Bắc Kinh xã hội khoa học văn hiến xuất bản xã xuất bản. Từ khoảng giữa những năm 90 cho đến nay, thể loại tiểu thuyết trường thiên ngày càng chiếm vị trí quan trọng trong hoạt động dịch thuật xuất bản văn học Hàn Quốc, nổi trội hơn hẳn so với thơ và truyện ngắn. Trong số đó, có không ít tiểu thuyết cải biên từ các bộ phim truyền hình ăn khách, càng không ít tiểu thuyết thuộc dòng văn học thông tục, mang tính giải trí và tính nhất thời cao. Từ vấn đề thể loại, chúng ta có thể thấy lại xuất hiện một vấn đề có ý nghĩa rộng hơn và đòi hỏi những lý giải sâu hơn: vấn đề mối quan hệ giữa hai dòng văn học nghiêm túc và văn học đại chúng mà bài viết sẽ đề cập tới trong phần sau đây.

4. “Hàn lưu” với vấn đề mối quan hệ giữa “thuần văn học” và “văn học đại chúng”

      Các tác phẩm văn học đại chúng Hàn Quốc có vị trí quan trọng trên thị trường văn học dịch Trung Quốc như thế nào, đặc biệt trong khoảng chục năm trở lại đây, là điều không khó quan sát thấy. Sự thống nhất quan điểm của các nhà nghiên cứu về sự lấn át của dòng văn học đại chúng, sự lép vế của dòng văn học nghiêm túc (thuần văn học), nói cách khác là hiện trạng mất cân bằng trong dịch thuật, xuất bản hai dòng văn học này, có lẽ cũng đã điều không cần bàn cãi nhiều. Trong bài viết đăng trên “Diên Biên đại học học báo” số ra tháng 8 năm 2013 vừa rồi, tác giả Kim Nhất cho rằng vấn đề đáng suy nghĩ nhất trong quá trình dịch thuật và truyền bá văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc hiện nay chính là làm sao để tạo ra mối quan hệ cân bằng giữa “thuần văn học” và “văn học thông tục”. Điều này xuất phát từ chính thực trạng dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc những gần đây tại Trung Quốc: “Mấy năm trước đây, do sự phát triển sâu rộng của “Hàn lưu” tại Trung Quốc, do phim truyền hình Hàn Quốc nhận được sự mến mộ của đông đảo khán giả Trung Quốc, một số nhà xuất bản và công ty xuất bản đã chuyển sự chú ý sang việc dịch thuật và xuất bản văn học thịnh hành và văn học thông tục Hàn Quốc. Kết quả là chỉ trong vỏn vẹn có vài năm, một số lượng lớn tác phẩm văn học thông tục Hàn Quốc đã tràn vào Trung Quốc, trong số đó có không ít tác phẩm cẩu thả, kém chất lượng.”(9)

      Xem xét mối quan hệ giữa “trào lưu Hàn Quốc” và tình hình giới thiệu văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc, có thể thấy một vấn đề rất đáng để thảo luận là: “Trào lưu Hàn Quốc” có tác động như thế nào, hay nói đúng hơn, có vai trò gì đối với việc dịch thuật, xuất bản các tác phẩm “thuần văn học” Hàn Quốc tại Trung Quốc? Thật quá dễ dàng để đưa ra những bình luận về tác động “tiêu cực” hay “mặt trái” của “Hàn lưu”. Song vấn đề có lẽ không chỉ đơn giản như vậy. Xét về bản chất, “trào lưu Hàn Quốc” luôn hướng đến tính đại chúng và tính hiệu quả về mặt kinh tế. Quá trình truyền bá văn hóa nghệ thuật và mục đích kích thích hành vi tiêu dùng luôn đi đôi với nhau. Hơn nữa, đối tượng nhắm đến của “trào lưu Hàn Quốc” hết sức cụ thể: giới trẻ thành thị - tức là chủ thể của hành vi tiêu dùng trong hiện tại và tương lai. Điều này nhìn trên bề mặt rõ ràng là một lực cản đối với việc dịch thuật, xuất bản mảng văn học nghiêm túc vốn rất kén cả độc giả lẫn dịch giả. Tuy nhiên, “Hàn lưu” nhìn từ tổng thể đã tạo ra một môi trường thuận lợi, hay có thể nói là một thứ “cầu nối” cho việc giới thiệu “thuần văn học” Hàn Quốc. Bất kể văn học đại chúng có chiếm lĩnh văn đàn như thế nào, bất kể các diễn ngôn về sự “lên ngôi”, sự “bùng nổ” của các tác phẩm văn học thông tục, tiến trình dịch thuật, xuất bản, và nghiên cứu dòng văn học nghiêm túc của văn học Hàn Quốc chưa bao giờ ngừng lại. Từ đầu thập kỷ 90 thế kỷ trước, nhiều tác phẩm văn học xuất sắc đã lần lượt được giới thiệu trên các tạp chí như “Thế giới văn học”, “Ngoại quốc văn nghệ”, “Ngoại quốc văn học”, “Dịch lâm”, “Tác gia”... Sự hợp tác khá hiệu quả giữa các nhà xuất bản Hàn Quốc với nhà xuất bản Trung Quốc, giữa tác giả và dịch giả cũng góp phần quan trọng đưa nhiều bản dịch tác phẩm thuần văn học đến với công chúng. Đặc biệt từ năm 2002, tức là mười năm sau khi Trung Hàn thiết lập quan hệ ngoại giao, số lượng tác phẩm văn học nghiêm túc được dịch và giới thiệu tại Trung Quốc tăng lên nhanh chóng (10). Các nhà xuất bản cũng ấn hành các bộ sách giới thiệu văn học Hàn Quốc như “Hàn Quốc đương đại tiểu thuyết tùng thư” của Quảng Châu Hoa Thành xuất bản xã năm 2004, “Hàn Quốc đương đại văn học kinh điển tùng thư” của Thiên Tân Bách hoa Văn nghệ xuất bản xã năm 2006, “Hàn Quốc hiện đại danh thi tuyển độc” của Bắc Kinh Dân tộc xuất bản xã năm 2006, “Hàn Quốc văn học tùng thư” của Nhân dân Văn học xuất bản xã năm 2007, “Hàn Quốc đương đại văn học kinh điển tùng thư” của Thiên Tân Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã năm 2008...

      Sức sống của các dịch phẩm dòng văn học nghiêm túc Hàn Quốc tại Trung Quốc gắn liền với quá trình nghiên cứu văn học Hàn Quốc được thực hiện một cách bền bỉ tại Trung Quốc trong suốt mấy chục năm qua. Mà đối với giới nghiên cứu, “Hàn lưu” hoàn toàn không phải vấn đề xa lạ. Trong phần mở đầu bài viết Tiến trình nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc” đăng trên tạp chí “Thanh niên văn học gia số 9 năm 2011, tác giả Lưu Nhụy khẳng định: “... tìm hiểu việc nghiên cứu văn học Hàn Quốc của Trung Quốc không những có thể góp phần nghiên cứu ở cấp độ sâu hơn “Hàn lưu” đang dấy lên tại Trung Quốc trong những năm gần đây, đồng thời còn có thể hiểu được cách nhìn nhận của các dân tộc khác đối với văn hóa Trung Quốc.” (11)

      Quá trình nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc tính cho đến nay đã trải qua ba giai đoạn: từ năm 1949 thành lập nước Trung Quốc mới cho đến những năm 70; từ cuối những năm 70 đến cuối những năm 80; từ những năm 90 cho đến nay. Giai đoạn đầu tiên từ năm 1949 đến những năm 70, do hoàn cảnh lịch sử cùng đặc thù chính trị, nghiên cứu văn học Hàn Quốc chưa được chú trọng ở Trung Quốc. Bước vào cuối thập kỷ 70, không khí tự do học thuật đã đem đến cho khoa nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc một diện mạo mới. Tháng 7 năm 1980, cuộc hội thảo đầu tiên về văn học Triều Tiên của Trung Quốc được tổ chức. Các nghiên cứu giai đoạn này chủ yếu đi vào tác giả và tác phẩm cụ thể, ngoài ra cũng xuất bản được một số bộ sách về văn học sử. Sang những năm 90 chính là lúc hình thành nên “Trung Quốc học phái” trong nghiên cứu văn học Hàn Quốc. Từ đó, đã xuất hiện hàng loạt công trình nghiên cứu, luận án tiến sĩ, bài báo mang tính hệ thống với nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau về văn học Hàn Quốc. Theo một thống kê chưa đầy đủ, trong giai đoạn từ những năm 90 đến năm 2011, số lượng công trình học thuật nghiên cứu văn học Hàn Quốc của Trung Quốc là hơn 30 đầu sách, số lượng bài viết về chủ đề này là hơn 300 bài. Bên cạnh đó còn có một số công trình văn học sử Hàn Quốc được dịch ra tiếng Trung.

      Kết quả của quá trình đó là sự tồn tại của một cộng đồng các nhà nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc và sự hình thành của một số “trung tâm” theo tiêu chí khu vực: khu vực Đông Bắc mà trung tâm là trường Đại học Diên Biên và trường Đại học Cát Lâm, khu vực Bắc Kinh mà trung tâm là khoa Văn học Triều Tiên trường Đại học Dân tộc Bắc Kinh và khoa Ngôn ngữ Phương Đông trường Đại học Bắc Kinh, khu vực Giang Tô mà trung tâm là Sở nghiên cứu Văn Sử trường Đại học Sư phạm Hồ Nam Trường Sa, trường Đại học Thượng Hải, trường Đại học Phúc Đán, khu vực bán đảo Sơn Đông mà trung tâm là trường Đại học Hải dương Thanh Đảo và trường Đại học Sơn Đông. Ngoài ra, trong nghiên cứu văn học Hàn Quốc cũng dần hình thành nên “phái Trung Quốc học”. Có thể nói không quá lời rằng chính sự có mặt và hoạt động tích cực của “cộng đồng” này là một nhân tố quan trọng để duy trì sức sống của các tác phẩm thuần văn học trong bối cảnh thị trường bị dòng văn học đại chúng chiếm lĩnh.

     

5. Kết luận

      Từ những dịch phẩm xuất hiện một cách lẻ tẻ và chỉ được biết đến bởi một số ít độc giả đến cả một trào lưu có hệ thống, kèm theo một lượng độc giả khổng lồ, “Hàn lưu” trên lĩnh vực văn học ở Trung Quốc đã chứng tỏ sức sống mạnh mẽ và sức ảnh hưởng sâu rộng. Bất kể sự khác biệt hay bất đồng trong quan điểm đánh giá như thế nào, “trào lưu Hàn Quốc” vẫn cứ là một hiện tượng không thể bỏ qua khi tìm hiểu về tình hình dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc,

      Cũng như ở Trung Quốc, “Hàn lưu” ở Việt Nam là một hiện tượng cần được đặt trong bối cảnh nền văn hóa đại chúng để xem xét, và cũng có mối quan hệ mật thiết với việc dịch thuật, xuất bản văn học Hàn Quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, cả hai vấn đề trên đều chưa nhận được sự quan tâm thích đáng. Trên thực tế, cho dù soi chiếu từ góc độ “Hàn lưu” hay từ góc độ truyền bá văn học Hàn Quốc thì những điểm giao cắt nhau giữa Việt Nam và Trung Quốc đều khá nhiều. Đó là hệ giá trị truyền thống châu Á hay cụ thể hơn là hệ giá trị của các quốc gia từng nằm trong “Hán tự văn hóa quyển”, đó là sự tương đồng trong thể chế chính trị và hoàn cảnh xã hội, đó còn là những tiếp xúc với “Hàn lưu” được thúc đẩy bởi công cuộc cải cách mở cửa và được diễn tiến trong bối cảnh văn hóa đương đại... Chính vì thế, chúng tôi hy vọng rằng một cái nhìn khái quát về “trào lưu Hàn Quốc” và tình hình dịch thuật, xuất bản văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc sẽ là một tham khảo cho việc tìm hiểu vấn đề tương tự tại Việt Nam.

TLTK chính:

(1) (5)Tham khảo Lâm Xuân Thành: Khảo sát về sự kết nối và xích lại gần nhau của văn hóa Trung Hàn - lấy hiện trạng dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc làm trung tâm, Nghệ thuật giới, số 6 năm 2011

(2) Tham khảo Thư Hòa: “Hán phong” học được gì từ “Hàn lưu”?, TC Quan sát xã hội, số 1 năm 2003; Lý Tuyết Uy: Hàn lưu Hán phong: Nguyên nhân và sự phát triển của giao lưu văn hóa Trung Hàn, TC Tìm kiếm, số 6 năm 2011

(3),(7),(9) Theo Kim Nhất: Tổng thuật tình hình dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc ở Trung Quốc, Diên Biên đại học học báo (số KHXH), số 4, tháng 8 năm 2013

(4) Tham khảo bài tổng thuật Thuần văn học Hàn Quốc lại làm dậy lên tinh thần “Hàn lưu” - Các học giả bàn luận về nội hàm tư tưởng của “Chuyên đề văn học đương đại Hàn Quốc” của tạp chí “Tác gia”, Thâm Quyến đặc khu báo, số 9 tháng 6 năm 2010

(6) Theo Vương Giai Hân: Thị trường văn học: Cuộc tấn công mạnh mẽ của “Hàn lưu”, Trung Quốc tân văn xuất bản báo, ngày 3/12/2003

 (8) Tham khảo bài phỏng vấn của Phác Tế Vũ với Viện trưởng Viện Dịch thuật văn học Hàn Quốc Doãn Chí Khoan (尹志宽): Hiện trạng và triển vọng toàn cầu hóa và Trung Quốc hóa của văn học Hàn Quốc, TC Hàn Quốc đương đại, số Mùa hạ năm 2006

(10) Theo Tư Mã Đồng: Văn học Hàn Quốc xuất bản tại Trung Quốc, http://blog.sina.com.cn/simatong719

 (11) Theo Lưu Nhụy: Tiến trình nghiên cứu văn học Hàn Quốc tại Trung Quốc, Thanh niên văn học gia, số 9 năm 2011

Thông tin tác giả:

TS Nguyễn Thị Diệu Linh

Tổ Văn học nước ngoài, Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội

Điện thoại: 0904179148

Email: linhqrt2004@yahoo.com

Post by: Vu Nguyen HNUE
19-10-2020