Nghiên cứu khoa học

Nghệ thuật kể chuyện của nhà văn Tove Jansson


16-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Diệu Linh

Truyện của Tove Jansson cho ta cảm giác rằng quả thật cuốn sách bà viết sẽ chẳng bao giờ xong được, bởi có quá nhiều điều hấp dẫn để kể, và bởi với người kể chuyện này thì phía trước luôn luôn sẽ là “Một cánh cổng mới dẫn vào một ngày mới khó tin đầy cơ hội, khi mọi điều có thể xảy ra nếu bạn không từ chối nó.” (Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, trang 207). Hay nói như như một triết gia nhỏ bé Too-ticky (trong một truyện khác của bà) thì “Tất cả mọi thứ đều rất không chắc chắn, và đó chính xác là điều khiến cho tôi cảm thấy thật an tâm.”

Khi ta “nhìn thấy một đám mây thật gần”

 

- Bác đã bao giờ nhìn thấy một đám mây thật gần chưa? - Tôi hỏi bác Fredrikson.

- Rồi, - bác ta đáp. - Trong một cuốn sách.

(Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, trang 89)

Cảm giác của tôi khi được đọc những câu chuyện về Mumi của nhà văn Phần Lan Tove Jansson qua bản dịch tiếng Việt của dịch giả Võ Xuân Quế có lẽ cũng là cảm giác của nhiều bạn đọc Việt Nam: thích thú xen lẫn tiếc nuối. Thích thú bởi những câu chuyện thực tuyệt vời được kể bởi một người kể chuyện quá đỗi tài ba. Còn tiếc nuối, đơn giản bởi đã không có cơ hội làm quen với Mumi sớm hơn. Năm 2010, đông đảo bạn đọc Việt Nam mới được đón nhận tập truyện đầu tiên về Mumi: Chiếc mũ phù thủy, sau đó là Mumi và Sao chổiNhững cuộc phiêu lưu li kỳ của Mumi Bố (năm 2013) và Ngày Hạ chí nguy hiểmĐứa trẻ vô hình (năm 2014). Trong khi đó, cuốn truyện đầu tiên về Mumi được xuất bản vào năm 1945, và sau khi Mumi cùng thế giới quanh cậu trở nên nổi tiếng tại Phần Lan và Thụy Điển không lâu, đã từng xuất hiện “Mumi học” (Moomin studies) và “triết học Mumi” (Moomin philosophy)[1]. Tuy nhiên, nói theo cách của Mumi thì có lẽ chẳng bao giờ là quá muộn để chúng ta nhìn một đám mây thật gần trong một cuốn sách cả! Đám mây ấy, trong trường hợp này, chính là thế giới của Mumi.

Tôi vẫn luôn tin rằng khi đến với văn học, trẻ em thường không hứng thú với một mảnh hay một lát cắt của thế giới. Cái các em cần là hình ảnh một “thế giới” trọn vẹn, cho dù có thể không hoàn hảo. Và Tove Jansson đã tạo ra trong những câu chuyện về Mumi của bà một thế giới như vậy.

Có những câu chuyện dài như Ngày Hạ chí nguy hiểmMumi và Sao chổi, có loạt những câu chuyện nhỏ độc lập được xâu chuỗi lại với nhau bằng một sợi chủ đề chung như tập Đứa trẻ vô hình, lại có kiểu truyện lồng trong truyện như Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố. Bất kể sử dụng lối kết cấu nào, Tove Jansson vẫn in dấu ấn đậm nét của riêng bà như một người kể chuyện duyên dáng và tài ba. Dường như chất nghệ sĩ đã chảy sẵn trong huyết quản, khiến mọi câu chuyện bà kể ra đều trở nên đặc biệt. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà “nhà” và “studio” là một, bố mẹ là các nhà điêu khắc và họa sĩ đồ họa đầy chất nghệ sĩ và tư tưởng tự do[2], hít thở bầu không khí của một gia đình “nghệ thuật và khá lập dị”, và bản thân đã trải nghiệm một cuộc đời “khác thường”[3], không có gì ngạc nhiên khi những câu chuyện đậm chất phiêu lưu của bà được ví như tấm gương phản chiếu cuộc đời thực, và ở các nhân vật độc đáo có thể tìm thấy hình bóng của chính tác giả, của các thành viên trong gia đình bà cùng với bạn bè của họ. Hiện thực và hư cấu xen lẫn vào nhau trong những câu chuyện được kể ra bằng một thứ ngôn ngữ tuyệt đẹp đến mức gần như không có thực...      

Từ “những con đường mòn uốn lượn” và nỗi khao khát “được ở một nơi nào đó khác”...

 

Tove Jansson là người kể những câu chuyện phiêu lưu. Cho dù bối cảnh không gian là rừng sâu núi cao hay đại dương bao la, ở trên sân khấu một nhà hát bị lãng quên hay trong căn bếp sực mùi cà phê của Mumi Mẹ, thì vẫn luôn có những cuộc phiêu lưu, những tình huống phiêu lưu đủ loại đủ cỡ cho tất cả các nhân vật[4]. Tuy nhiên, nếu đã đắm chìm vào thế giới của Mumi, bạn sẽ thấy không khó lắm để nhận ra một hình ảnh trở đi trở lại rất nhiều lần trong các tập truyện: hình ảnh con đường.

Hãy lắng nghe tâm sự của nhân vật Nipsu: “Khi nhìn những con đường mòn uốn lượn, lòng ta cảm thấy xốn xang, khao khát. Niềm mong ước mãnh liệt muốn được ở một nơi nào đó khác, muốn đi xem chúng kết thúc ở tận đâu...” Và hãy xem phản ứng của Mumi khi Nipsu nói với cậu về con đường mới:

- Con đường mới à? - Mumi hỏi. - Được. Chúng ta sẽ đi đến đó ngay. Nó có vẻ gì nguy hiểm không?

- Nguy hiểm cực kì! - Nipsu đáp một cách hãnh diện. - Chính tớ phát hiện ra nó.

(Mumi và sao chổi, trang 13)

Suy nghĩ này của nhân vật Nipsu được chia sẻ bởi hầu hết các nhân vật trong thế giới của Mumi. Các nhân vật của Tove Jansson cần “lên đường” như cần hít thở khí trời và cần ăn ngủ vậy. Họ lên đường để sống. Và tác giả đã tạo nên vô số những con đường dành cho họ: đường mòn uốn lượn trong rừng, đường leo núi hiểm trở, đường biển xa xăm lạ lẫm đầy hứa hẹn..., mọi con đường đều rộng mở, bí ẩn, và đều xứng đáng được tìm hiểu. Cũng chính vì thế, trạng thái thường thấy của các nhân vật là đang “lang thang một mình” thì bỗng phát hiện ra điều kì lạ, đang háo hức chuẩn bị cho một chuyến đi xa, đang tận hưởng một cuộc phiêu lưu, hay ít nhất cũng là đang mở rộng cánh cửa nhà để cưu mang một kẻ lên đường cơ nhỡ nào đó. Không có chỗ cho sự chần chừ do dự, bởi tất cả các chuyến thám hiểm đều “cần đi ngay, càng sớm càng tốt” (Mumi và Sao chổi, trang 44).

Trong truyện của Tove Jansson, dường như luôn có hai kiểu nhân vật đặc trưng. Loại nhân vật thứ nhất là những “kẻ lữ hành cô đơn” mà Muikunen là đại diện, đi lang thang khắp nơi, dừng lại ở nơi nào mình thích, sáng tác nhạc và thổi kèn acmonica. Còn loại thứ hai là những người như Mumi, sống cùng gia đình tại thung lũng Mumi, nhưng luôn sẵn sàng cho các chuyến đi, và coi khám phá là điều thú vị nhất. Đúng như Mumi Bố đã nói: “Chúng tôi thích sự thay đổi, những điều bất ngờ và những miền đất đặc biệt hơn cả. Dải bờ nước, nơi có một phần là nước và một phần là đất. Hoàng hôn, khi trời đất tranh tối tranh sáng. Và mùa xuân, khi thời tiết lúc lạnh lúc ấm.” (Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, trang 89) Bởi tình yêu của tác giả và các nhân vật dành cho “sự thay đổi” lớn lao và nhạy cảm đến như vậy, cho nên trong truyện của Tove Jansson, tất cả mọi thứ chúng ta vẫn coi là thảm họa khủng khiếp như đại hồng thủy, Sao chổi sắp đâm vào Trái đất đều được xem như những cuộc thám hiểm thú vị được ban tặng. Một trận đại hồng thủy vào ngày Hạ chí là cơ hội để mọi người di tản lên mái nhà và được ngắm nơi ở của mình từ trên nóc xuống thay vì chỉ nhìn từ nền nhà lên. Biến cố Sao chổi sắp đâm vào Trái đất đã khiến cả nhà Mumi và bạn bè phải trú ẩn vào hang sâu, nhưng cuộc trú ẩn cuối cùng lại có vẻ giống một chuyến dã ngoại li kì hơn là chạy nạn! Mọi biến cố bình thường và khác thường trong những câu chuyện của Tove Jansson đều có thể trở thành những cuộc phiêu lưu.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, mặc dù Mumi (như nhiều nhân vật khác) rất hạnh phúc khi được lên đường cùng với mọi người, nhưng cậu cũng hạnh phúc không kém khi được nằm co người (với cái đuôi được giấu cẩn thận ở phía dưới) ở một góc quen thuộc yên tĩnh nào đó để “vừa hài lòng nhìn chằm chằm vào mặt nước vừa chăm chú lắng nghe tiếng xào xạc của những đôi cánh và tiếng vo vo uể oải của những con ong xung quanh cậu.” (Ngày Hạ chí nguy hiểm, trang 18)...

... đến “niềm vui vô biên được tận hưởng nỗi cô đơn”

 

Tôi vẫn luôn nghĩ rằng những câu chuyện thiếu nhi hay nhất sẽ kể cho độc giả nghe về nỗi buồn và nỗi cô đơn. Hay nói một cách chính xác hơn là niềm vui được nếm trải nỗi buồn và nỗi cô đơn. Thật tuyệt vời là những điều này hiện diện không ít trên những trang truyện của Tove Jansson. Ẩn sâu bên trong “thế giới thanh bình như trong truyện cổ tích của xứ Bắc Âu với cuộc sống đầy nhân bản”[5] kia không phải là cái vẻ yên ả dễ dãi vô lo, trái lại, nó chứa đầy sự mong manh và bất trắc. Và đằng sau bộ dạng tròn trịa, trắng muốt cùng vẻ hiền lành đến vô ưu của các Mumi là những trái tim biết sầu muộn một cách tinh tế.

Ở trên chúng ta đã nói về cốt truyện phiêu lưu, về khát khao được lên đường của các nhân vật. Có thể nói thêm rằng, họ lên đường không chỉ để khám phá, thám hiểm, mà còn để được nếm trải nỗi cô đơn. Nếu chúng ta đã quá quen với định kiến rằng người cha trong gia đình phải là trung tâm của sự sum họp quây quần, là trụ cột và chỗ dựa, là người luôn có mặt khi các thành viên khác cần đến, thì có lẽ ta sẽ phải suy nghĩ lại khi bắt gặp hình ảnh Mumi Bố trong các câu chuyện của Tove Jansson. Mumi Bố thỉnh thoảng lại bỏ nhà ra đi mà không nói với ai một lời nào, dấn thân vào những cuộc hành trình trong cô đơn, nhưng mọi người coi đó là chuyện bình thường. “Họ đã thỏa thuận là sẽ cố gắng không bao giờ lo lắng về nhau, để cho người khác được yên tâm và được tự do nhiều nhất trong khả năng có thể.” (Những điều bí ẩn của loài Hattivatti trong tập Đứa trẻ vô hình, trang 141) Và nếu chúng ta đã từng định nghĩa bạn thân là những người luôn ở bên cạnh nhau, chia sẻ mọi thứ với nhau, thì ta cũng sẽ phải xem lại điều đó khi đến với cặp bạn thân Mumi và Muikunen. Mỗi khi chia tay nhau để kẻ lữ hành cô đơn Muikunen lên đường, cặp mắt của Mumi lại “lộ vẻ thất vọng và không gì có thể an ủi được”, nhưng cậu luôn biết: “Rõ ràng là cậu cần lên đường. Tớ luôn hiểu rằng thỉnh thoảng cậu cần chỉ có một mình, không muốn ai khác quấy rầy.” (Bài ca mùa xuân trong tập Đứa trẻ vô hình, trang 11)

Không có nhiều tác giả văn học thiếu nhi biết kể về nỗi buồn và nỗi cô đơn theo cách mà Tove Jansson đã kể. Chẳng hạn, nói về nỗi buồn, khi Mumi Bố nhìn thấy chiếc thuyền mang tên Tiếng rì rầm của biển của bác Fredrikson, bằng sự đồng cảm của mình, ông hiểu bác đã từng mơ ước, phác thảo và lặng lẽ làm ra chiếc thuyền như thế nào, để rồi bất chợt cảm thấy buồn. (Cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, trang 49) Hay cảnh Miska và Homsu đi dạo trên bờ biển, Miska nói “Trăng cũng giống như mình. Thật tròn và đơn côi.”, rồi cô bé khóc. Khi Homsu hỏi tại sao cô khóc, cô trả lời: “Tớ không biết nữa, cảnh đẹp quá.” (Ngày Hạ chí nguy hiểm, trang 60) Những nỗi buồn không tên hay vô cớ như vậy là người bạn đồng hành quý giá trên bước đường trưởng thành của những người đang là trẻ con, và có khả năng chạm tới nơi sâu kín và nhạy cảm nhất trong trái tim những người đã từng là trẻ con.

Cũng sâu sắc, tinh tế như thế là cách Tove Jansson kể về nỗi cô đơn. Không dừng lại ở việc miêu tả nỗi cô đơn của những nhân vật mà ta yêu mến và thân thuộc, bà còn giúp ta mở lòng cảm nhận được nỗi cô đơn của những kẻ vốn bị coi là “ngoài cuộc” và “nguy hiểm”[6]. Chẳng ai biết Quỷ Đông trông như thế nào, chỉ biết rằng nó là một con quái vật khổng lồ đáng ghê sợ, riêng tiếng gầm gừ của nó khi săn mồi trên núi cũng đủ khiến người ta phải lạnh người. Nhưng có người lại “nghe” được cả nỗi cô đơn của Quỷ Đông trong thanh âm đáng sợ đó: “Tiếng gừ của nó là âm thanh cô đơn nhất mà tôi từng nghe từ trước tới nay. Nó yếu dần và vẳng lại gần hơn - rồi nó im bặt...” (Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, trang 70) Và đây là cảnh tượng Sao chổi sáng chói sắp lao vào Trái Đất, hút cạn hết nước ở các đại dương, trong khi cư dân thế giới bỏ chạy từ nơi này đến nơi kia trong hoảng loạn, Mumi và nhóm bạn vội vã rời Đài thiên văn để trở về nhà với mẹ. Đúng lúc đó, Mumi đã nhận xét về Sao chổi: “Đúng là nó cực kỳ cô đơn! Cứ nghĩ mà xem ai cũng sợ nó, nên nó mới cô đơn như thế.” (Mumi và Sao chổi, trang 161). Cách Tove Jansson kể về nỗi cô đơn quả thật đẹp đẽ và cao cả một cách khó ngờ tới!

Triết lý về sự khác biệt và tình yêu thương

Thế nhưng, có gì mâu thuẫn không khi người kể chuyện Tove Jansson luôn cùng một lúc thuật lại và ca ngợi niềm hạnh phúc của những cặp thái cực trái ngược: ở bên những người thân yêu và ở một mình, buông mình theo những chuyến phiêu lưu và vội vã trở về nhà, hay làm đủ mọi thứ và nằm dài chẳng làm gì cả? Nguyên nhân sâu xa nhất, theo tôi, nằm ở triết lý của bà về sự khác biệt và tình yêu thương.

Sophia Jansson, cháu gái của Tove Jansson từng nhận xét về các ông bà trong gia đình mình: “Họ đều rất hoạt bát, độc lập, và họ cho nhau khoảng không gian để có thể là chính mình.”[7] Tove Jansson chính là thành viên trung thành tuyệt đối với nguyên tắc sống này, trong cuộc đời thực cũng như trên từng trang truyện. Bà đã tạo ra các loài với hình dáng, tập quán, tính cách rất khác nhau như loài Mumi, loài Hemuli, loài Hattivatii..., rồi đặt các loài vào trong một thế giới chung với tuyên ngôn rằng chúng ta là khác biệt, và chúng ta nên gìn giữ, tôn trọng sự khác biệt đó. Điều khiến tác giả cũng như nhiều nhân vật trong câu chuyện cảm thấy bất an nhất là gì? Không phải là thảm họa, cũng không phải là chiến tranh, mà là mọi người trở nên giống hệt nhau! Nói như Homsu thì “Cuộc đời này sẽ như thế nào nếu như Miska đột nhiên hành xử như một Muymeli hay một Homsu lại giống như một Hemuli?” (Ngày Hạ chí nguy hiểm, trang 51)

Tôn trọng sự khác biệt của loài là bước đầu tiên để tiến tới triết lý về sự khác biệt của từng cá nhân. Khi bỏ trốn khỏi nhà dành cho trẻ mồ côi của bà Hemuli, Mumi Bố đã để lại một lá thư từ biệt, ký tên “Cháu, một Mumi đặc biệt, không giống những Mumi khác.” (Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, trang 30). Và lúc Mumi Bố, con gái của bà Muymeli, Hosuli và Juksu cùng thành lập một khu “đất mới”, điều đầu tiên họ thống nhất với nhau là: “Ngay lập tức chúng tôi đồng ý để mỗi cá nhân được hoàn toàn tự do.” (Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, trang 146). Nếu chúng ta nhìn thật sâu vào từng câu chuyện nhỏ của Tove Jansson, ta sẽ có cảm giác rằng các nhân vật của bà thấu hiểu và tôn trọng sự khác biệt của nhau đến mức họ sẵn sàng rời xa nhau. Và đấy chính là lúc tình yêu thương của họ dành cho nhau được thể hiện trọn vẹn nhất! Tình yêu thật sự đôi khi đòi hỏi ta phải lùi lại, phải đứng cách xa người mình yêu một khoảng cách cần thiết để người đó có thể tự do là chính mình.

Người kể chuyện đầy ma thuật Tove Jansson đã lồng những thứ triết lý sâu sắc nhất, khó hiểu nhất vào trong những câu chuyện trẻ thơ ngây ngô một cách tự nhiên như vốn nó phải thế. Hãy thử nói về triết lý tình yêu trong câu chuyện nhỏ về cô bé Ninni, người sống cùng bà cô tính tình lặng như băng và thường xuyên bị bà mỉa mai đến nỗi đã biến thành vô hình. Sau khi được đưa đến sống cùng gia đình Mumi một thời gian, cô bé đã dần dần lấy lại được hình dạng. Bằng cách nào? Mọi người đã cố gắng quan tâm chăm sóc đến cô theo những cách lặng lẽ nhất, đã để cô tự mở lòng, và tự “hiện nguyên hình” khi đến lúc phải thế. Với Tove Jansson, yêu thương và được yêu thương làm cho con người tồn tại. Nhưng cách tác giả triết lý về tình yêu thật đặc biệt. Bà dạy độc giả về tình yêu mà hầu như không bao giờ sử dụng đến từ “tình yêu”. Cũng như vậy với lòng bao dung, lòng dũng cảm, sự tôn trọng, tính trung thực... Người kể chuyện hết sức duyên dáng và tinh tế này quả thực đã yêu thương độc giả bằng chính thứ tình yêu mà bà vẫn ca ngợi - yêu đến mức không muốn người ta yêu bị phiền hà bởi chính tình yêu của ta dành cho họ.

Và “cuốn sách sẽ không bao giờ xong được...”

 

Nếu các độc giả còn nhớ, trong truyện Mumi và Sao chổi, khi thảm họa Sao chổi rơi vào Trái Đất đã qua đi và tất cả mọi người đang thở phào nhẹ nhõm, Mumi Bố đã vui mừng nghĩ rằng ông sẽ có một chương mới cho cuốn hồi ký của ông. Mumi Mẹ hoàn toàn đồng ý, nhưng bà nói thêm rằng bởi có quá nhiều sự kiện hấp dẫn xảy ra với họ nên bà e rằng cuốn sách sẽ không bao giờ xong được! Tôi đã nghĩ đến chi tiết này khi được Tove Jansson đưa vào hành trình khám phá những câu chuyện bà viết kèm theo những bức tranh minh họa do chính tay bà vẽ. Một thế giới vừa sống động và gần gũi như vừa bước thẳng từ cuộc đời vào trang sách, lại vừa kỳ diệu đến mức khó tin là thật. Truyện của Tove Jansson cho ta cảm giác rằng quả thật cuốn sách bà viết sẽ chẳng bao giờ xong được, bởi có quá nhiều điều hấp dẫn để kể, và bởi với người kể chuyện này thì phía trước luôn luôn sẽ là “Một cánh cổng mới dẫn vào một ngày mới khó tin đầy cơ hội, khi mọi điều có thể xảy ra nếu bạn không từ chối nó.” (Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố, trang 207). Hay nói như như một triết gia nhỏ bé Too-ticky (trong một truyện khác của bà) thì “Tất cả mọi thứ đều rất không chắc chắn, và đó chính xác là điều khiến cho tôi cảm thấy thật an tâm.”[8]

 


[1] Sue Prideaux: Tove Jansson: Life, Art, Words by Boel Westin - reviewhttp://www.theguardian.com/books/2014/jan/15/tove-jansson-life-words-westin-review

[2] James Guida: The Hands that made the moomins, The New Yorker, March 5, 2014

http://www.newyorker.com/books/page-turner/the-hands-that-made-the-moomins

[3] Maria Popova: Too-ticky’s Guide to Life: Wisdom on Uncertainty, Presence, and Self-Reliance from Beloved Children’s Book Author Tove Janssonhttp://www.brainpickings.org/2014/09/29/too-ticky-quotes-tove-jansson/

[4] “Đủ loại đủ cỡ” là cách nói chúng tôi được gợi ý từ cuộc tranh luận của Mumi và Nipsu về những mạo hiểm nho nhỏ, “vừa cỡ” trong tập Mumi và Sao chổi. Theo chúng tôi, điều đó mang hàm ý rằng luôn có đủ những cuộc phiêu lưu cho tất cả mọi người.

[5] Võ Xuân Quế: “Phụ lục”, in trong bản dịch tiếng Việt Những cuộc phiêu lưu li kì của Mumi Bố và Mumi và Sao chổi, NXB Kim Đồng, 2003

[6] Ở đây chúng tôi mượn cách nói của Tove Jansson về loài Hattivatti trong truyện Những điều bí ẩn của loài Hattivatti. Nguyên văn: “- Đấy là tụi Hattivatti. - Hemuli nói. Và từ đó đã nói lên tất cả. Hemuli nói với vẻ hơi coi thường, cộng với chút cảnh giác và luôn giữ một khoảng cách nhất định... Kiểu như nói về những kẻ ngoài cuộc, hơi nguy hiểm và khác hẳn.” (trang 142)  

[7] “They were all active, separately, and they gave each others space to be themselves.”

Eleanor Yule: Moonminland Tales - The life of Tove Jansson. BBC Four, 2012. http://www.youtube.com/watch?v=tSZKzLHI5wg

 

[8] “All things are so very uncertain, and that’s exactly what makes me feel reassured.”

 

Maria Popova: Too-ticky’s Guide to Life: Wisdom on Uncertainty, Presence, and Self-Reliance from Beloved Children’s Book Author Tove Janssonhttp://www.brainpickings.org/2014/09/29/too-ticky-quotes-tove-jansson/

(Bài viết cho hội thảo Tove Jansson và thế giới Mumi, 4/12/2014)

Post by: Vu Nguyen HNUE
16-10-2020