Nghiên cứu khoa học

SỰ TIẾP NHẬN THI PHÁP HỌC NGA – XÔ VIẾT Ở VIỆT NAM TỪ SAU 1986


15-10-2020
Tác giả: Lã Nguyên

Sau năm 1986, việc tiếp nhận thi pháp học có nguồn gốc từ Nga – Xô viết góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nhất khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam.

Sau năm 1986, việc tiếp nhận thi pháp học có nguồn gốc từ Nga – Xô viết góp phần làm thay đổi mạnh mẽ nhất khoa nghiên cứu văn học ở Việt Nam.

Thi pháp học, bao gồm thi pháp học lí thuyết, thi pháp học lịch sử và thi pháp học mô tả, là hướng nghiên cứu có lịch sử lâu dài và để lại nhiều thành tựu lớn lao nhất trong mĩ học và nghiên cứu văn học Nga – Xô viết. Người đặt nền móng cho thi pháp học lịch sử ở Nga là A.N. Veselovski (1838 – 1906). Vào những năm đầu thế kỉ XX, Trường phái hình thức Nga vừa kế thừa truyền thống thi pháp học lịch sử của A.N. Veselovski, vừa mở đường cho thi pháp học lí thuyết phát triển. Đến thời thống trị của xã hội học nghệ thuật theo tư tưởng mĩ học Mác – Lênin, mọi tìm kiếm lí thuyết đều bị hạn chế, nhưng thi pháp học mô tả vẫn tìm được đất sống và phát triển rực rỡ.  Cho nên, khi có sự đảo chiều trong đời sống của các khoa học về văn học, thi pháp học, trước hết là thi pháp học mô tả của Nga lập tức được tiếp nhận vào Việt Nam và đón nhận nồng nhiệt.

Một trong những công trình thi pháp học mô tả sớm được tiếp nhận vào Việt Nam là cuốn Thi pháp học văn học Nga cổ của Viện sĩ D.S.Likhachev. Ngay từ những năm 1970, cuốn sách đã được Phan Ngọc đã dịch ra tiếng Việt. Nhưng rồi bản dịch từng phải nằm im trong bao lớp bụi thời gian suốt 40 năm, mãi tới 2010 mới được Nhà xuất bản Văn học cho ra mắt độc giả. Bởi vậy, nhìn góc độ ảnh hưởng khoa học, Trần Đình Sử mới là người đầu tiên có ý thức tiếp nhận thi pháp học của người Nga như hướng đi đầy triển vọng trong nghiên cứu văn học để rồi sau đó chuyển nó về Việt Nam.

Ngay từ những năm 70 của thế kỉ trước, khi  còn là nghiên cứu sinh ở Liên Xô, Trần Đình Sử đã gắn bó với thi pháp học. Luận án Phó tiến sĩ của ông viết về đề tài: Thời gian như một phạm trù của chỉnh thể nghệ thuật trong những tiểu thuyết viết về Lênin. Về nước, ông tham gia giới thiệu và dịch thuật nhiều công trình thi pháp học của Nga. Năm 1985, trên tạp chí Văn nghệ quân đội(số tháng 10), ông công bố tiểu luận: M. Bakhtin và thi pháp của Dostoievski. Sau đó ông cùng Lại Nguyên Ân và Vương Trí Nhàn tổ chức dịch ra tiếng Việt công trình lỗi lạc của M.M. Bakhtin: Những vấn đề thi pháp Đôxtôiepxki (Nxb Giáo dục, 1993).

Không chỉ dịch thuật, quảng bá, Trần Đình Sử đưa thi pháp học Nga đến với Việt Nam chủ yếu bằng những công trình nghiên cứu bề thế của ông. Năm 1981, ông bắt đầu nổi tiếng từ đấy với tiểu luận Thời gian nghệ thuật trong “Truyện Kiều” và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du[1]. Cho đến nay, Trần Đình Sử là tác giả của gần 400 công trình lớn nhỏ, những công trình nghiên cứu này bao quát nhiều lĩnh vực chuyên môn, nhưng nòng cốt vẫn là  các chuyên luận và tiểu luận nghiên cứu thi pháp học[2].Toàn bộ công trình nghiên cứu thi pháp học của ông có thể chia thành ba nhóm:

– Lịch sử thi pháp học  (ví như, Toàn cảnh thi pháp học[3]Thi pháp học trong nghiên cứu văn học Việt Nam thế kỉ XX[4].),

– Lí thuyết về thi pháp học (ví như: Một số vấn đề thi pháp học hiện đại, Vụ Giáo viên, H., 1993, Giáo trình thi pháp học, ĐHSP tp. Hồ Chí Minh, 1993, Dẫn luận thi pháp học, Nxb Giáo dục, 1999)

– Nghiên cứu thi pháp tác gia, tác phẩm, thi pháp thời đại văn học. Ở nhóm thứ ba này, Trần Đình Sử có ba chuyên luận lớn: Thi pháp thơ Tố Hữu[5]Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại[6]Thi pháp “Truyện Kiều”[7].

Thi pháp học là khoa học nghiên cứu văn học như một nghệ thuật. Trong nghệ thuật, nội dung hoàn toàn hóa thân vào hình thức. Cho nên, hình thức nghệ thuật là đối tượng chiếm lĩnh chủ yếu của thi pháp học.Tùy thuộc vào quan niệm về hình thức nghệ thuật của văn học, thi pháp học chia thành nhiều hệ hình, mỗi hệ hình lại có nhiều trường phái khác nhau. Trần Đình Sử tiếp cận văn học từ quan điểm hiện đại. So với thi pháp học cổ điển, hướng thi pháp học hiện đại trong các công trình nghiên cứu của Trần Đình Sử có ba điểm khác biệt:

Thứ nhất: Nó không có tham vọng xác lập một hệ thống điển phạm dùng để đánh giá nghệ thuật.

Thứ hai: Nó không xem tác phẩm nghệ thuật là sự mô phỏng tự nhiên, bắt chước thực tại, mà nghiên cứu tác phẩm như một sản phẩm sáng tạo in đậm dấu ấn của chủ thể nghệ thuật.

Thứ ba, điểm quan trọng nhất: Nó tiếp cận tác phẩm từ quan niệm mới về chỉnh thể nghệ thuật, tìm mọi cách khắc phục phép nhị nguyên, chia tách giả tạo nội dung và hình thức.

Ba đặc điểm nói trên thể hiện ở thao tác bóc tách các cấp độ của tác phẩm văn học, ở hệ thống phạm trù và nội hàm được trao cho chúng để mô tả các cấp độ ấy. Trần Đình Sử thường bóc tách tác phẩm văn học theo ba cấp độ: chỉnh thể – văn bản hình tượng – văn bản ngôn từ.

Ở cấp độ chỉnh thể, Trần Đình Sử tiếp cận tác phẩm từ ba phạm trù “cái”: hình thức quan niệm[8], quan niệm nghệ thuật về con người[9] và thế giới nghệ thuật[10].

Về mặt lí thuyết, Trần Đình Sử đưa ra khái niệm hình thức quan niệm trước hết là để xác định cho hệ thống thi pháp học của ông một đối tượng nghiên cứu riêng. Ông phân biệt hình thức trong thực tế, trong triết học và trong nghệ thuật. Hình thức trong nghệ thuật là hình thức của khách thể thẩm mĩ được tạo ra trong tác phẩm. Trong nghệ thuật, Trần Đình Sử phân biệt “hình thức quan niệm” với “hình thức cảm tính”. Hình thức cảm tính là hình thức bề ngoài, mang tính ngẫu nhiên của sự vật, và vì thế, nó không thể trở thành đối tượng của khoa học. “Hình thức quan niệm” là hình thức bên trong, loại hình thức thể hiện “logic của hình thức” và tạo ra hình thức.  Nó vừa là hình thức của khách thể thẩm mĩ được tạo ra trong tác phẩm, vừa là hình thức của chủ thể, được chủ thể sử dụng để để sáng tạo và cảm nhận thế giới. Là sản phẩm sáng tạo của chủ thể để thể hiện quan niệm của chủ thể, hình thức quan niệm vừa in đậm dấu ấn của cá tính sáng tạo, vừa là khuôn mẫu cấu trúc mang tính loại hình. Cho nên, theo Trần Đình sử, phải lấy “hình thức quan niệm” làm đối tượng chiếm lĩnh, thi pháp học mới có thể “nghiên cứu hình thức nghệ thuật như những hiện tượng có qui luật”[11].

Nếu khái niệm “hình thức quan niệm” chủ yếu xác định bình diện “hình thức”, thì phạm trù quan niệm nghệ thuật về con người chủ yếu xác định bình diện “nội dung” như là đối tượng nghiên cứu của thi pháp học. Theo Trần Đình Sử, nó là nguyên tắc cảm thụ, cắt nghĩa thế giới của chủ thể sáng tạo. Với ý nghĩa như thế, nó là nội dung của chủ thể được chuyển vào hình thức biểu hiện, và cũng như “hình thức quan niệm”, nó là nội dung của chủ thể. Cần lưu ý, phạm trù chủ thể nghệ thuật trong hệ thống lí thuyết của Trần Đình Sử không có quan hệ gì với khái niệm “chủ quan” trong triết học. Chủ thể này có thể là nhà văn, người sáng tác, có thể là một thể loại, hoặc một thời đại lịch sử. Vì thế, quan niệm nghệ thuật về con người vừa in đậm dấu ấn của cá tính sáng tạo, vừa là các loại hình lịch sử. Có quan niệm nghệ thuật về con người của Tố Hữu, trong thơ Tố Hữu. Lại có quan niệm nghệ thuật trong thần thoại, trong sử thi, trong cổ tích. Có quan niệm nghệ thuật con người trong văn học trung đại và văn học hiện đại, trong thể tài thế sự và thể tài đời tư… Ngoài phần lí thuyết trong Dẫn luận thi pháp học, các phần nói về quan niệm nghệ thuật về con người trong các chuyên luận Thi pháp thơ Tố HữuMấy vấn đề thi pháp văn học trung đạiThi pháp “Truyện Kiều”, Trần Đình Sử còn hàng loạt tiểu luận viết về phạm trù này, ví như Con người trong văn học Lí – TrầnCon người cá nhân trong văn học Việt Nam từ thế kỉ XV đến cuối thế kỉ XVIIICon người cá nhân trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – XIXCon người trong văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám 1945Về quan niệm con người trong văn học Việt Nam thế kỉ XX[12]... Có thể thấy, quan niệm nghệ thuật về con người là khái niệm công cụ then chốt của Trần Đình Sử và cũng chính qua phạm trù này, lí thuyết thi pháp học  của ông có ảnh hưởng rộng rãi nhất tới nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam.

Thế giới nghệ thuật là chỉnh thể của hình thức văn học. Nó là sản phẩm sáng tạo của nhà văn. Truyện Kiều là thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du. Có thế giới nghệ thuật của một tác phẩm. Có thế giới nghệ thuật của một tác giả. Có thế giới nghệ thuật của một trào lưu, trường phái, hoặc một thời đại văn học. Văn học “nói” bằng thể loại. Không có tác phẩm văn học ngoài thể loại (M. Bakhtin). Cho nên, có thế giới nghệ thuật của các thể loại văn học và thể loại trở thành phạm trù đặc biệt quan trọng trong lí thuyết thi pháp học của Trần Đình Sử. Thế giới nghệ thuật vừa giống với thế giới bên ngoài, vừa là thế giới của một quan niệm nghệ thuật. Nó vừa là một thế giới sống động, vừa là một mô hình thế giới. Nó vừa tồn tại trong chất liệu của văn bản như một đối tượng vật chất, hiện hữu, vừa tồn tại trong ý thức độc giả như một khách thể tinh thần. Nó là sự thống nhất đầy mâu thuẫn giữa cái đơn nhất và sự đa dạng, giữa cái hữu hạn và sự vô cùng. Với ý nghĩa như thế, nó là sản phẩm sáng tạo của nhà văn, chỉ có thể có trong sáng tác nghệ thuật.

Ba phạm trù thế giới nghệ thuậthình thức quan niệm và quan niệm nghệ thuật về con người có quan hệ mật thiết với nhau. Phạm trù đầu được sử dụng để chỉ một tồn tại đặc thù. Hai phạm trù sau là nền tảng cấu trúc và hạt nhân ngữ nghĩa làm nên cái “lí” của tồn tại đặc thù ấy.

Ở cấp độ văn bản hình tượng, Trần Đình Sử tiếp cận sáng tác văn học từ hai bình diện: tổ chức chủ quan và tổ chức khách quan. Ông thường sử dụng khái niệm “hình tượng tác giả”, “kiểu tác giả”, “kiểu nhà thơ” để mô tả bình diện cấu trúc chủ quan. Có hình tượng tác giả của thể loại văn học. Có kiểu tác giả trung đại, cận đại và hiện đại[13]. Bình diện tổ chức khách quan của sáng tác văn học được ông mô tả chủ yếu bằng hai phạm trù “không gian và thời gian nghệ thuật”. Những khái quát của ông về “không gian lưu lạc” trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, hoặc về “thời gian lịch sử”,  “không gian con đường” trong thơ Tố Hữu cho đến nay vẫn giữ nguyên giá trị khoa học của chúng[14].

Ứng với hai bình diện chủ quan và khách quan của kết cấu văn bản hình tượng, văn bản ngôn từđược Trần Đình Sử tiếp cận theo hai trục: hệ hình và ngữ đoạn. Trục hệ hình được mô tả bằng hai phạm trù “điểm nhìn”, “cái nhìn” và “giọng điệu”. Trục ngữ đoạn được mô tả bằng các phương thức phương tiện tổ chức lời văn, ví như trong Truyện Kiều, đó là lớp ngôn từ màu sắc, là phép đối ngẫu, sóng đôi, ẩn dụ, điển cố

Có thể thấy, Trần Đình Sử đã tạo ra một hệ thống dày đặc khái niệm, phạm trù thi pháp học, trao cho chúng một nội hàm xác định, Việt hóa chúng, giúp cho việc sử dụng trở nên thuận tiện. Các thuật ngữ thế giới nghệ thuật, hình thức quan niệm, quan niệm nghệ thuật về con người, không gian nghệ thuật, thời gian nghệ thuật, kiểu tác giả, kiểu nhà thơ, thể tài dân tộc – lịch sử, thể tài thế sự, thể tài đời tư, trữ tình điệu ca, điệu nói… từ lâu đã trở nên quen thuộc với giới nghiên cứu, được giới nghiên cứu sử dụng rộng rãi chính là nhờ công lao Việt hóa của Trần Đình Sử. Hệ thống thuật ngữ này đủ sức mô tả cấu trúc phức tạp nhiều tầng bậc, nhiều cấp độ của văn bản văn học. Sử dụng hệ thống phạm trù ấy, Trần Đình Sử xây dựng được một tòa nhà lí thuyết thi pháp học bề thế, cân đối, hoàn chỉnh. Đó không phải tòa nhà siêu hình, trừu tượng, mà là một hệ thống lí thuyết “làm việc”. Chính Trần Đình Sử đã thao tác trên hệ thống lí thuyết ấy để nghiên cứu thi pháp văn học trung đại, thi pháp Truyện Kiều, thi pháp thơ Tố Hữu và nhiều hiện tượng văn học hiện đại.

Phải đặt vào mạch thi pháp học truyền thống và trên cái nền của nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam ở đầu những năm 80 của thế kỉ trước, mới thấy hết tính chất cách tân và bước đột phá của hướng tiếp cận thi pháp học trong những công trình nghiên cứu của Trần Đình Sử. Chí ít, độc giả có thể nhận ra ba điểm đột phá cốt lõi sau đây trong trước tác của ông:

Thứ nhất: Thay đổi quan niệm về hình thức nghệ thuật từng thống trị lâu đời trong thực tiễn sáng tác và trong nghiên cứu, phê bình. Ta biết, văn học cổ – trung đại thuộc loại hình nghệ thuật từ chương. Thi pháp của văn học từ chương là thi pháp của cái điển phạm. Ứng với nghệ thuật điển phạm, thi pháp học cổ điển, từ Aristotle tới Boileau, xem hình thức nghệ thuật là các phương thức, phương tiện tu từ dùng để “trang sức” cho bình diện nội dung. Ở thời hiện đại, nghiên cứu văn học Mac xit khẳng định sự thống nhất hữu cơ giữa nội dung và hình thức, nhưng khi phân tích văn bản bao giờ nó cũng ưu tiên nội dung, lấy nội dung làm đối tượng nhận thức chính yếu. Chẳng những thế, trong quan niệm của nó, cái nội dung này là hiện thực đời sống xã hội bên ngoài được nghệ sĩ phản ánh vào tác phẩm. Ở đây, hình thức nghệ thuật cũng chỉ là phương thức, phương tiện biểu đạt, quan hệ giữa nội dung và hình thức giống như hệ giữa “bình” với “rượu”. Chả thế mà có một thời chúng ta chủ trương sáng tạo nghệ thuật theo kiểu “bình cũ rượu mới”. Bởi vậy, với việc đề xuất khái niệm “hình thức quan niệm”, lần đầu tiên trong nghiên cứu phê bình văn học Việt Nam, Trần Đình Sử đã tìm ra cách khắc phục tận gốc phép nhị phân chia tách nội dung và hình thức.

Thứ hai: Thay đổi quan niệm về bản chất nghệ thuật. Cho tới tận cuối thế kỉ XIX, về cơ bản, lí thuyết “bắt chước” của Aristotle vẫn tiếp tục chi phối tư duy mĩ học của nhân loại. Lí thuyết ấy xem nghệ thuật là sự mô phỏng tự nhiên. Mĩ học Mac xit với lí thuyết phản ánh thực chất là hình thức hiện đại của thuyết bắt chước. Cả lí thuyết phản ánh, lẫn lí thuyết bắt chước đều tìm nghĩa của văn bản văn học ở nhân tố ngoại quan, ở “tự nhiên”, “đạo”, hoặc “hiện thực”. Đề cao vai trò của khách thể, nhìn thấy bản chất nghệ thuật ở hoạt động phản ánh, mô phỏng, cả mĩ học Mac xit, lẫn mĩ học truyền thống đều đặt chủ thể nghệ thuật và sự sáng tạo vào vị trí thứ yếu. Trong hệ thống thi pháp của Trần Đình Sử, hoạt động nghệ thuật là hoạt động của chủ thể, thế giới nghệ thuật là thế giới của chủ thể. Ở đây, nghệ thuật thực sự trở thành hoạt động sáng tạo. Kiến tạo lí thuyết bằng một loạt phạm trù chủ thể, Trần Đình Sử đã đưa thi pháp học xích lại gần với kí hiệu học và lí thuyết diễn ngôn.

Thứ ba: Thay đổi hệ thống chủ đề của nghiên cứu, phê bình văn học. Mỗi hệ hình khoa học bao giờ cũng có hệ thống vấn đề riêng của nó. Hệ thống vấn đề này  được cụ thể hóa bằng hệ thống khái niệm, phạm trù mà nó sử dụng để kiến tạo lí thuyết. Ứng với hệ hình lí thuyết phản ánh, hệ thống vấn đề trong nghiên cứu, phê bình văn học Việt Nam giai đoạn 1945 – 1986 là đề tàichủ đềtư tưởng chủ đề, ví như đề tài chiến tranh, đề tài xây dựng, chủ đề quân dân cá nướcân nghĩa ân tình…, và các loại hình tượng của tác phẩm văn học được nhận diện theo thành phần xã hội, ví như hình tượng lãnh tụ, hình tượng Đảng, hình tượng người chiến sĩ, hình tượng người công nhân, hình tượng người nông dân, hình tượng người phụ nữ… Trong các công trình nghiên cứu thi pháp học của Trần Đình Sử, hệ vấn đề khoa học được đặt ra chính là các phạm trù thế giới nghệ thuậtquan niệm nghệ thuật về con ngườikhông gian, thời gian nghệ thuậtkiểu nhà thơthể tàiđiểm nhìngiọng điệu, mô hình tự sự

Những ai đã làm quen với Trường phái hình thức Nga cùng những tên tuổi lẫy lừng như Y.N. Tynhianov, B. Eikhenbaum, V.B. Shklovski, V.Y. Propp, từng tiếp xúc với trước tác của A.N. Veshelovski, M.M. Bakhtin, Y.M. Lotman, L.I. Timofeev, D.S. Likhatsev, G.D. Gatsev, M.B. Khrapchenko, G.N. Pospelov, B.O. Korman…đều có thể nhận ra dấu ấn đậm nét của nền khoa học văn học Nga trong những công trình nghiên cứu thi pháp học của Trần Đình Sử. Chẳng hạn, có thể thấy khái niệm “hình thức quan niệm” của ông có sự gần gũi với các khái niệm “hình thức mang tính nội dung” của D.S. Likhatsev, “hình thức thế giới quan” của. G.D. Gatsev. Ở một chừng mực nào đó, nó cũng gần gũi với khái niệm “bức tranh thế giới bằng ngôn từ” như là một cấu trúc biểu nghĩa trong kho “dự trữ diễn ngôn” theo quan niệm của lí thuyết diễn ngôn hiện đại. Nhưng Trần Đình Sử không mô phỏng, bắt chước bất kì hệ thống lí thuyết nào của các học giả kể trên. Ông tiếp thu các lí thuyết hiện đại, biến chúng thành tri thức, sử dụng chúng như công cụ khám phá chất liệu là văn học dân tộc để sáng tạo ra thi pháp học mang hồn vía của riêng mình. Đây là lí do giải thích vì sao hơn ba chục năm nay các công trình nghiên cứu thi pháp học của Trần Đình Sử có sức lan tỏa mạnh mẽ đến thế.

Được truyền cảm hứng từ hoạt động khoa học của Trần Đình Sử, vào những năm 90 của thế kỉ trước và những năm đầu thế kỉ này, ở Việt Nam xuất hiện cả một phong trào nghiên cứu sôi nổi theo hương thi pháp học của Nga. Phong trào này đã để lại nhiều công trình nghiên cứu đáng chú ý, ví như: Thi pháp thơ Đường(1995) của Nguyễn Thị Bích Hải,  Quan niệm con người trong tiểu thuyết Tự lực văn đoàn (1997) của Lê Dục Tú, Lục bát và song thất lục bát – Lịch sử phát triển, đặc trưng thể loại (1998) của Phan Diễm Phương, Bản sắc dân tộc trong thơ ca Việt Nam hiện đại (1998) của Nguyễn Duy Bắc, Thơ trữ tình Việt Nam 1975 – 1990 (1998) của Lê Lưu Oanh, Con người trong truyện ngắn Việt Nam 1945 – 1975 (1998) của Phùng Ngọc kiếm,  Sử thi ấn Độ – Mahabharata(2000) của Phan Thu Hiền, Thi pháp văn học dân gian (2000) của Lê Trường Phát, Thi pháp truyện ngắn trào phúng Nguyễn Công Hoan(2001) của Trần Đình Sử và Nguyễn Thanh Tú, Tìm hiểu thi pháp truyện ngắn Gogon (2001) của Nguyễn Huy Hoàng, Thi pháp hoàn cảnh trong tác phẩm của Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao (2001) của Phạm Mạnh Hùng, Giọng điệu trong thơ trữ tình (2002) của Nguyễn Đăng Điệp,  Thế giới nghệ thuật thơ Xuân Diệu (2002) của Lê Quang Hưng, Thi pháp thơ Huy Cận (2002) của Trần Khánh Thành, Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên (2004) của Hồ Thế Hà … Điều đáng chú ý nhất là các giáo sư cao tuổi như Đỗ Bình Trị, Phan Đăng Nhật, Nguyễn Hải Hà, Lã Nguyên … cũng tiến hành nghiên cứu văn học dân gian, văn học nước ngoài hay văn học Việt Nam hiện đại và trung đại theo hướng này. Chẳng hạn, Nguyễn Hải Hà có Thi pháp tiểu thuyết L. Tônxtôi(Nxb. Giáo dục, 1992); Đỗ Bình Trị có Những đặc điểm thi pháp của các thể loại văn học dân gian (Nxb. Giáo dục, 1999).

Lịch sử văn học là tiến trình vận động của ý thức nghệ thuật qua các thời đại khác nhau. Ý thức nghệ thuật của mỗi thời đại thể hiện rõ nhất ở hệ hình thi pháp của nó. Không phải ngẫu nhiên, thi pháp học không phải là hướng nghiên cứu thời thượng. Có nguồn cội từ thời cổ đại, trải qua hơn 2000 năm, chưa bao giờ nó bị lỗi thời. Cho nên, chừng nào văn học còn được nghiên cứu như một nghệ thuật, chừng ấy việc tiếp nhận thi pháp học từ nước ngoài nói chung, từ Nga nói riêng vào Việt Nam còn mang

[1] Xem: Trần Đình Sử – Thời gian nghệ thuật trong “Truyện Kiều” và cảm quan hiện thực của Nguyễn Du//Tạp chí văn học, số 5, tháng 9&10/1981, tr. 52-61.

[2] Xem: “Danh mục công trình khoa học của Trần Đình Sử” trong sách sách:Trần Đình Sử – Tuyển tập (2 tập), Nxb Giáo dục, 2005, T. 2, tr. 905-918. Bảng “Danh mục” này chỉ liệt kê các công trình khoa học của Trần Đình Sử ở giai đoạn 1981 – 2005. Trong vòng 10 năm nay, ông còn công bố hai cuốn sách: 1) Một nền lí luận văn học hiện đại (Nhìn qua thực tiễn trung Quốc)(Nxb ĐHSP, H., 2012); 2) Trên đường biên của lí luận văn học (Nxb văn học. H., 2014) và rất nhiều tiểu luận khác.

[3] Trần Đình Sử – Toàn cảnh thi pháp học//Trần Đình Sử – Trên đường biên của lí luận văn học. Nxb Văn học, 2014, tr. 341-381,

[4] Trần Đình Sử – Tlđd, tr. 399-420.

[5] Trần Đình Sử – Thi pháp thơ Tố Hữu. Nxb Tác phẩm mới, 1987, Nxb Giáo dục, 1995, Nxb Văn học, 2001.

[6] Trần Đình Sử – Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại. Nxb Giáo dục, 1999.

[7] Trần Đình Sử – Thi pháp “Truyện Kiều”. Nxb Giáo dục, 2001, tái bản năm 2002

[8] Xem: Trần Đình Sử – Tuyển tập (2 tập). Nxb Giáo dục, H., 2005. T.I – tr. 144-158, 716-781; T.II – tr.59-81.

[9] Trần Đình Sử – Tuyển tập (2 tập). Nxb Giáo dục, H., 2005. T.I – tr. 144-158; 716-781; T.II – tr.59-82.

[10] Trần Đình Sử – Tuyển tập (2 tập). Nxb Giáo dục, H., 2005. T.I – tr. 124-193 ; T.II – tr.46-54.

[11] Trần Đình Sử – Thi pháp thơ Tố Hữu. Nxb “Tác phẩm mới”, 1987, tr. 12.

[12] Có thể tìm đọc các tiểu luận trên trong: Trần Đình Sử – Tuyển tập (2 tập). Nxb Giáo dục, 2005, T.2, tr. 758-766, 767-781, 782-810, 826-866, 867-878.

[13] Xem: Trần Đình Sử – Tuyển tập (2 tập). Nxb Giáo dục, 2005. T.I – tr. 188-193, 433-449, 658-715; T.II – tr.134-149.

[14] Trần Đình Sử – Tuyển tập (2 tập). Nxb Giáo dục, 2005. T.I – tr. 159-187, 782-825; T.II – tr.83-133.

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020