Nghiên cứu khoa học

Một số vấn đề tiếp nhận văn học Pháp ở Việt Nam dưới góc nhìn của lý thuyết phức hệ


15-10-2020
Tác giả: NGUYỄN DUY BÌNH

Cuốn sách "Một số vấn đề tiếp nhận văn học Pháp ở Việt Nam dưới góc nhìn của lý thuyết phức hệ" của các tác giả Nguyễn Duy Bình (chủ biên), Đinh Trí Dũng, Phùng Ngọc Kiên là kết quả của công trình nghiên cứu thuộc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted). Nhà xuất bản Đại học Vinh xin giới thiệu lời Mở đầu của cuốn sách và cũng trân trọng giới thiệu cuốn sách tới quý bạn đọc gần xa

Trong một bài diễn thuyết năm 1927, học giả Phạm Quỳnh đã giới thiệu văn chương Pháp là “một thứ văn chương có giá trị lớn trong thế giới”, “một cuộc văn học rất phồn thịnh, rất phong phú […] đã thịnh hành trong một khoảng thời gian tới năm sáu trăm năm”[1]. Từ đó đến nay, văn học Pháp tuy có nhiều biến đổi, tuy đã trải qua bao thăng trầm với những trào lưu văn học khác nhau nhưng vẫn giữ được tầm vóc của nó. Đó là một trong những nền văn chương hàng đầu thế giới, với 15 giải Nobel văn học, xếp trước cả Mỹ, Anh, Đức, Thụy Điển[2], v.v..., với những tên tuổi lẫy lừng như Hugo, Balzac, Flaubert, Baudelaire, Sartre, Camus, Duras, Giono, Clézio, Modiano, v.v… Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Trung nhận xét: “Văn chương Pháp là một nền văn chương nổi tiếng vào hạng nhất thế giới về sự phong phú, chải chuốt, về lời hay ý đẹp, về đủ mọi trường phái: lãng mạn, tả chân, tượng trưng, siêu thực, trừu tượng...”[3]. Còn nhà nghiên cứu Lộc Phương Thủy cho rằng: “…văn học Pháp đã và đang chiếm vị trí xứng đáng của nó trong công chúng Việt Nam: từ công chúng phổ thông, những người đọc bình thường đủ các lứa tuổi, ngành nghề, đến công chúng hẹp hơn là học sinh, sinh viên và hẹp hơn nữa là những nhà giáo, những người làm công tác giảng dạy đại học, các nhà nghiên cứu, các nhà văn…”[4].

Nhờ có công tác dịch thuật, việc tiếp nhận văn chương Pháp ở Việt Nam hẳn nhiên đã có nhiều biến đổi, thậm chí biến động, song giá trị của văn chương Pháp vẫn còn đó, vẫn luôn ở đỉnh cao trong “cộng hòa văn chương thế giới”.

Có thế nói số công trình nghiên cứu về văn học Pháp ở Việt Nam cho đến hiện tại khá nhiều. Trong đó, có giá trị nhất là những công trình viết về lịch sử văn học Pháp qua các thời kỳ. Có thể kể đến Lịch sử văn học Pháp do nhóm Lê Hồng Sâm, Đặng Anh Đào, Đặng Thị Hạnh biên soạn (1990), Lịch sử văn học Pháp do Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Văn Chính chủ biên (1990), Lịch sử văn học Pháp, tuyển tác phẩm thế kỷ XVII do Đỗ Đức Hiểu chủ biên (1995), Lịch sử văn học Pháp: Tuyển tác phẩm thế kỷ XVIII, Phùng Văn Tửu, Đào Duy Hiệp chủ biên (1995) v.v.. . Một số nhà nghiên cứu đi sâu vào nghiên cứu các nhà văn Pháp: Sáng tác của Juyl Valex và bước phát triển mới của chủ nghĩa hiện thực trong văn học Pháp thế kỷ XIX (1982) của Thái Thu Lan, Victo Huygo - cuộc đời và tác phẩm của Đặng Anh Đào (1998), André Gide - Đời văn và tác phẩm của Lộc Phương Thủy (2002), Lui Aragông của Phùng Văn Tửu (1987).

Về việc tiếp nhận văn học Pháp, chúng ta có thể kể đến cuốn Phác thảo quan hệ văn học Pháp với văn học Việt Nam hiện đại của Hoàng Nhân (1998), luận án tiến sĩ Bước đầu tìm hiểu ảnh hưởng của văn học Pháp đối với văn học lãng mạn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 của Đào Trọng Thức (2000), cuốn Tiếp cận văn học Pháp của Liễu Trương (2007), cuốn Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt-Pháp của Lộc Phương Thủy (1999), bài “Văn học Pháp ở Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ” của Trần Phương in trong Nghiên cứu văn học (số 10, 2004) v.v...

Trần Phương, trong bài “Văn học Pháp ở Việt Nam từ sau Điện Biên Phủ” cho rằng “Mối giao lưu văn học Pháp và người đọc Việt Nam đã từng có một truyền thống lâu dài. Về mối “duyên nợ” này đã có người ví von một cách hình tượng, theo tôi là rất đúng: “Đó là một cuộc hôn nhân cưỡng bức” nhưng lại “là một tình yêu tự nguyện, ở chỗ này là áp đặt nhưng ở chỗ khác lại tự nguyệnHọc cái hay của người để bồi bổ cho vốn sống và trí tuệ của ta”, đó cũng là phương châm của người đọc Việt Nam với văn học Pháp và văn học thế giới nói chung”[5].

Hoàng Nhân, trong cuốn Phác thảo quan hệ văn học Pháp với văn học Việt Nam hiện đại nhận định: “... ta thấy ảnh hưởng và sự hòa quyện văn chương Pháp vào văn chương Việt Nam cổ điển và hiện đại, rung cảm tâm hồn Việt Nam, và điều quý báu là tình yêu tiếng nói dân tộc, nghị lực tự tạo dựng nên cái vốn văn hóa cơ bản của dân tộc mình để tiếp thu tinh hoa của văn học nước ngoài. Nhưng hạn chế khá rõ là ít tiếp nhận văn chương hiện đại Pháp, và thiếu hụt chiều sâu suy tư triết học khi tiếp nhận văn chương Pháp, vốn có mối quan hệ văn - triết lâu đời”[6].

Trong số các công trình có đề cập đến việc tiếp nhận văn học Pháp thông qua dịch thuật, có thể cuốn của Lộc Phương Thủy (Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt-Pháp) là tài liệu tham khảo có giá trị nhất cho việc nghiên cứu tiếp nhận văn học Pháp thông qua dịch thuật. Trong cuốn tiểu luận này, tác giả đã phân tích cặn kẽ về sự giao thoa giữa văn học Pháp thế kỷ 18 và văn học Việt Nam ngày nay, văn học Pháp hiện đại và Việt Nam, đặc biệt là bài “Về việc dịch văn học Pháp thế kỷ XX”, trong đó, qua việc khảo sát các tác phẩm văn học Pháp thế kỷ 20 được dịch, nhà nghiên cứu này đã làm nổi bật và lý giải những xu hướng chính trong việc lựa chọn tác phẩm để dịch và những mặt hạn chế của hoạt động này.

Cuốn Tài năng và người thưởng thức của Đặng Anh Đào đã dành 4 bài cho việc tiếp nhận văn học Pháp ở Việt Nam. Đó là các bài: “V. Hugo và con người Việt Nam hiện đại”; “Vài thể nghiệm về dịch Balzac ở Việt Nam”, “Những điểm hẹn, những cuộc gặp gỡ”; “Gió Đông gió Tây: ảnh hưởng và giao thoa trong văn học Việt Nam hiện đại”. Trong các bài viết này, tác giả đã đề cập việc tiếp nhận văn học Pháp ở cả ba phương diện: dịch thuật, nghiên cứu và sáng tác. Phương pháp thống kê các bản dịch, lý thuyết tiếp nhận (ví dụ khái niệm hiệu quả thanh lọc (catharsis), khái niệm về giao thoa v.v. đã được nhà nghiên cứu này vận dụng để đưa ra những đánh giá chung hoặc phục vụ cho nghiên cứu trường hợp. Đây là một tài liệu có giá trị mà chúng tôi đã tham khảo cho nghiên cứu của mình.

Phạm Đán Bình cũng đã có một cụm bài viết có giá trị về tiếp nhận văn học Pháp thông qua dịch thuật. Đó là các bài: "Poètes vietnamiens et Poésie française” (Các nhà thơ Việt Nam và thơ Pháp), “La Fontaine et les fables au Vietnam” (La Fontaine và ngụ ngôn ở Việt Nam), “Romantisme vietnamien et Poésie française” (Văn học lãng mạn Việt Nam và thơ Pháp) được in từ năm 1987 đến năm 1999 trong tạp chí Cahiers d'Etudes vietnamiennes. Trong các bài viết này, Phạm Đán Bình đã khảo sát khá đầy đủ các tác phẩm thơ và ngụ ngôn được dịch sang tiếng Việt. Tuy nhiên, tiểu thuyết đã không là đối tượng ưu tiên của nhà nghiên cứu này.

Như vậy, việc tiếp nhận văn học Pháp tuy đã được một số nhà nghiên cứu đề cập nhưng nhìn chung vẫn chỉ dừng lại ở mức độ điểm xuyết, những nhận định chung chung mà chưa được hệ thống hóa bằng một cơ sở lý thuyết thích đáng. Vấn đề dịch văn học Pháp ở Việt Nam vẫn chưa được nghiên cứu một cách đầy đủ và tường tận. Chưa có ai hệ thống hóa quá trình dịch văn học Pháp ở Việt Nam, chưa có ai nghiên cứu một cách sâu sát quá trình tiếp nhận văn học Pháp ở Việt Nam thông qua dịch thuật. Vì những lý do đó, việc tiếp nhận văn học Pháp, qua đó việc giảng dạy văn học Pháp trong các trường học, vẫn còn phiến diện, thiếu sót. Thế nên, vận dụng một cách linh hoạt những khái niệm của lý thuyết phức hệ, một lý thuyết rất quan trọng trong lĩnh vực văn học so sánh để hệ thống hóa quá trình tiếp nhận văn học Pháp ở Việt Nam là một việc cấp thiết và có tính thực tiễn rất cao.

Lý thuyết phức hệ chỉ mới được giới nghiên cứu biết đến thời gian gần đây, cho dù một số nhà nghiên cứu đã vận dụng lý thuyết hệ thống cho công việc nghiên cứu văn học của họ. Phương Lựu, trong cuốn Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học, mặc dù không nhắc đến lý thuyết phức hệ hay lý thuyết đa hệ thống, nhưng cũng đã vô tình hay hữu ý vận dụng một số khái niệm của lý thuyết này. Ông có trích dẫn Ănghen, đoạn nói về phép biện chứng tự nhiên: “Toàn bộ tự nhiên mà chúng ta nắm được tạo ra một hệ thống nào đó, một quan hệ tổng thể nào đó của các vật thể. Từ thực thể ở đây được hiểu là tất cả các thực thể vật chất, bắt đầu từ các vì sao và kết thúc bằng nguyên tử.. Trong tình huống các vật thể này có quan hệ tương hỗ với nhau đã bao hàm chúng tác động lên nhau, và chính mối tác động qua lại này là vận động”[7]. Sau đó, Phương Lựu khẳng định rằng “hệ thống bao giờ cũng là một yếu tố hữu cơ của một hệ thống bao quát hơn. Không có hệ thống cô lập, bao giờ nó cũng có mối tác động qua lại với các lĩnh vực khác nằm chung trong một hệ thống ở cấp độ rộng hơn.”[8] Ở chỗ khác, ông viết: “Hệ thống là phức hợp những yếu tố mang ý nghĩa nội dung có liên quan với nhau, và trên cơ sở đó, thường nổi lên một yếu tố hạt nhân.”[9] Mặc dù không nhắc đến lý thuyết phức hệ, Phương Lựu đã nói lên tinh thần cơ bản của lý thuyết này.

Lý thuyết phức hệ mới chỉ được vận dụng đúng nghĩa một cách dè dặt trong một số bài báo. Năm 2001, trong bài “Phiên dịch học và văn học so sánh, một hướng tiếp cận văn học Việt Nam”[10], Nguyễn Nam đã giới thiệu sơ lược một số quan điểm của Itamar Even-Zohar và cũng đã bàn về văn học dịch ở Việt Nam dưới góc độ lý thuyết này (chủ yếu đề cập vấn đề dịch văn học Hán-Việt). Năm 2005, chúng tôi đã có dịp nói về lý thuyết này trong một bài báo đăng trên Vietnamnet, đó là bài “Thuyết phức hệ và nghiên cứu văn học dịch”.[11] Trong bài báo mạng này, chúng tôi cũng mới chỉ trình bày sơ lược một số khái niệm về lý thuyết và nỗ lực minh họa chúng bằng thực tiễn dịch thuật ở Việt Nam. Sau đó, một số khái niệm lý thuyết phức hệ có được vận dụng trong một bài báo của Phùng Ngọc Kiên trong một nghiên cứu trường hợp, đó là bài “Nghiên cứu xã hội học về trường hợp Trần Dần”, in trong cuốn Nghiên cứu văn học Việt Nam, những khả năng và thách thức.[12] Trong bài báo này, Phùng Ngọc Kiên đã khai thác khái niệm “dị chất” (không đồng nhất) để phân tích những độc lực văn hóa, xã hội tác động đến vị trí của thơ trữ tình chính trị và qua đó đề cập đến vị thế văn chương của Trần Dần. Năm 2011, trong hội thảo Tiếp cận văn học châu Á từ lý thuyết phương Tây hiện đại: vận dụng, tương thích, thách thức và cơ hội, chúng tôi đã mạnh dạn tìm hiểu về việc tiếp nhận văn học Pháp ở Việt Nam, chủ yếu dựa vào quan điểm của Itamar Even-Zohar về “vị trí của văn học dịch trong đa hệ thống văn chương”. Tiếp theo đó, tháng 12 năm 2012, trong hội thảo quốc tế Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Hải Yến đã vận dụng những khái niệm về “giao thoa và truyền dẫn” để nghiên cứu vị trí của tác phẩm Giai nhân kỳ ngộ diễn ca trong bối cảnh giao lưu văn học Việt - Nhật - Trung, đặc biệt nhấn mạnh sự giao thoa giữa diễn ngôn chính trị và diễn ngôn văn chương. Nhìn chung, lý thuyết phức hệ mới chỉ ở trạng thái manh nha ở Việt Nam.

Trong khi đó, ở nước ngoài, số lượng công trình giới thiệu và ứng dụng lý thuyết này là rất nhiều và trải rộng trên nhiều quốc gia, châu lục. Ban đầu, lý thuyết này được ứng dụng ở Istrael, sau đó được phổ biến ở Bỉ, Pháp, Mỹ và đến thời điểm hiện tại, có thể nói ở đâu có nghiên cứu về dịch thuật học thì ở đó có đề cập đến lý thuyết phức hệ. Điều này chứng tỏ giá trị khoa học và tầm ảnh hưởng của lý thuyết này đối với ngành nghiên cứu dịch thuật nói riêng và văn học so sánh nói chung. Trên thế giới, cho đến thời điểm hiện tại, lý thuyết đa hệ thống vẫn đang được ít người biết tới, chủ yếu được vận dụng và phát triển ở các nước như Bỉ, Canada, Argentina, Brazil v.v…, những nơi mà sự giao thoa văn hóa-văn chương được thể hiện một cách rõ ràng và do vậy dịch văn học đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nền văn hóa/văn học dân tộc. Các nước có nền văn hóa được cho là “cứng nhắc” như Pháp, Anh-Mỹ thường có xu hướng ít tiếp thu văn học dịch hoặc/và lý thuyết dịch, do vậy ít có xu hướng nghiên cứu những vấn đề về tiếp xúc văn hóa, văn chương. Ở Pháp, lần đầu tiên lý thuyết này được giới thiệu một cách đầy đủ nhất là vào năm 1980, ở Montpellier, trong Hội nghị Hội văn học tổng quát và so sánh và người giới thiệu là một nhà nghiên cứu người Bỉ mà chúng tôi đã nhắc ở trên, José Lambert. Trong bài “Biện giải cho một chương trình nghiên cứu so sánh. Văn học so sánh và lý thuyết đa hệ thống”, José Lambert đánh giá: “Đây không phải là một lý thuyết hoàn toàn mới và là tổng hợp các lý thuyết đã có, ưu điểm lớn của nó là rất mở và tương thích với nhiều phương pháp tiếp cận khác, nhưng, trên hết, lý thuyết này cho phép hệ thống hóa tốt hơn những kiến thức đã lĩnh hội.”[13] Cũng vào năm ấy, ông đã có bài viết “Sáng tác, truyền thống và nhập khẩu: chìa khóa cho việc mô tả văn học và văn học dịch”[14]. Trong bài này, ông vận dụng những giả thuyết của lý thuyết đa hệ thống để đề xuất cách tiếp cận văn học dịch. Theo ông, phần lớn các công trình phân tích dịch thuật thường dựa vào các lý thuyết tĩnh, chỉ nghiên cứu các cấp độ khác nhau của văn bản dịch như từ vựng, cú pháp, văn phong v.v…, kèm theo đó là việc xem xét các thủ pháp dịch thuật, chỉ quan tâm đến những vấn đề vi mô của dịch thuật, bỏ quên những vấn đề mang tính vĩ mô. Dựa vào lý thuyết đa hệ thống, José Lambert đề xuất xác định xem các tác phẩm được chọn dịch theo những quy chuẩn (norms) và hình mẫu nào, sự giao thoa giữa hệ thống văn học dịch và các hệ thống lân cận (trong đó có nền văn học nguồn và nền văn học đích). Cùng nhóm nghiên cứu với José Lambert có Lieven d’Hulst[15], nhà nghiên cứu này đã vận dụng lý thuyết đa hệ thống để nghiên cứu về Tiến trình thơ Pháp (1780-1830), nhập môn phân tích giao thoa hệ thống[16]. Theo chúng tôi, đây là một trong số rất ít công trình ứng dụng lý thuyết đa hệ thống một cách nhuần nhuyễn nhất cho đến thời điểm hiện tại. d’Hulst nhận định: “[…] lý thuyết đa hệ thống hẳn là là biểu hiện hoàn chỉnh nhất của các khái niệm hình thức chủ nghĩa, lý thuyết này soi rọi những tiền giả định hàm ẩn của chủ nghĩa hình thức. Đồng thời, nó tạo điều kiện cho sự đối thoại với văn học so sánh, cũng như với xã hội học văn học, thậm chí tự sự học hay những lý thuyết về văn bản khác. Được phát triển bởi nhà nghiên cứu người Istrael I. Even-Zohar và nhiều đồng nghiệp khác ở Trường Đại học Tel-Aviv (trong đó có G. Toury và Sh. Yahalom), lý thuyết đa hệ thống cho chúng ta tổ hợp chặt chẽ những giả thuyết nghiên cứu, những giả thuyết mở và đặc biệt thích hợp với những mục tiêu mà nghiên cứu này đặt ra.”[17]Trong công trình của mình, d’Hulst phân tích sự giao thoa giữa những phân tầng điển phạm và những phân tầng phi điển phạm trong hệ thống thi ca, khai thác giả thuyết về giao thoa nội hệ thống và giao thoa liên hệ thống (chương 1), xem xét những biến động ảnh hưởng tới những hình thức giao thoa khác nhau giữa ngoại biên phi điển phạm và một số hệ thống ngoại sinh, những tình trạng trong đó sự giao thoa đã thay đổi (chương 2) và nghiên cứu những phương tiện cho phép ngoại biên “tái sinh” có thể tái thiết lập một sự cân bằng nội hệ thống và liên hệ thống (chương 3).

Ở Pháp, theo nhận định của chúng tôi, lý thuyết đa hệ thống vẫn còn đóng vai trò thứ yếu trong nghiên cứu văn học so sánh. Mãi đến năm 1999 (tức gần 20 năm sau thời điểm lý thuyết đa hệ thống được giới thiệu ở Pháp), Inès Oséki-Depré, một nhà nghiên cứu dịch văn học nổi tiếng, còn nhận xét rằng “ở Pháp, lý thuyết này còn ít người biết đến.[18]” Theo chúng tôi, sở dĩ lý thuyết này còn ở vị trí ngoại biên trong đa hệ thống lý thuyết ở Pháp là vì thứ nhất, Pháp nổi tiếng là nước ít tiếp nhận lý thuyết nước ngoài, cho dù lý thuyết đó là của Mỹ đi chăng nữa! Thứ hai, lý thuyết đa hệ thống vẫn còn bộc lộ một số nhược điểm và bị một cây đại thụ trong giới nghiên cứu dịch thuật người Pháp chỉ trích, đó là Antoine Berman. Antoine Berman cho rằng, hạn chế lớn nhất của lý thuyết phức hệ là xem văn học dịch như là thứ yếu, ngoại biên so với văn học dân tộc và khó có thể ảnh hưởng tới văn học dân tộc. Hơn nữa, lý thuyết đa hệ thống ít quan tâm đến vấn đề chuyển dịch văn học và hạ thấp vai trò của dịch giả trong đa hệ thống văn học: vì phải tuân thủ theo những quy chuẩn của nền văn hóa đích, dịch giả mất đi khả năng tự chủ và sự tự do sáng tạo.[19] Chính vì thế mà trong những cuốn sách về văn học so sánh ở Pháp, lý thuyết đa hệ thống không được đề cập hoặc chỉ được nhắc tới một cách hời hợt.[20]

Văn học Pháp trong cuốn sách này được nhìn nhận qua hai góc độ: ở góc độ lịch đại: chúng tôi muốn xem xét sự thăng trầm, hay nói cách khác là sự dịch chuyển trung tâm-ngoại vi, ngoại vi-trung tâm của hoạt động dịch văn học Pháp; ở chiều đồng đại, chúng tôi tập trung mô tả tình trạng (traductologie descriptive / dịch thuật học miêu tả) tiếp nhận văn học Pháp. Chúng tôi sẽ nghiên cứu việc tiếp nhận văn học Pháp ở ba phạm vi: thực tiễn dịch thuật, thực tiễn sáng tác và thực tiễn nghiên cứu. Để thực hiện tốt chuyên luận này, chúng tôi đã khảo sát các tư liệu liên quan đến lý thuyết phức hệ, khảo sát các công trình, bài báo về văn học Pháp và các bản dịch văn học Pháp sang tiếng Việt. Mục tiêu của chuyên luận là vận dụng lý thuyết phức hệ để làm sáng tỏ quá trình tiếp nhận văn học Pháp ở Việt Nam thông qua dịch thuật, sáng tác và nghiên cứu bằng việc nhận diện, phân tích, miêu tả các yếu tố cơ bản tác động đến quá trình này, qua đó khẳng định vai trò của ngôn ngữ và văn học Pháp trong việc phát triển ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam. Chúng tôi sẽ làm rõ quá trình tiếp nhận văn học Pháp trong tiến trình lịch sử bằng cách nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quá trình này, từ đó đi đến xác định vị trí của văn học Pháp trong từng giai đoạn.

Khi vận dụng lý thuyết phức hệ vào việc nghiên cứu việc tiếp nhận văn học Pháp ở Việt Nam, chúng tôi bám vào một chuỗi câu hỏi mà nhà nghiên cứu José Lambert đã đề xuất. Đó là:

- Những khuôn mẫu nào là trội, những khuôn mẫu nào lép vế?

- Những chuẩn và khuôn mẫu có thứ bậc nào được phát hiện?

- Những hiện tượng (tác giả, tác phẩm, văn phong, môi trường) nào chiếm vị trí trung tâm/ngoại vi (D’Hulst 1980)?

- Quan hệ với những hệ thống xung quanh và những tiểu hệ thống khác nhau (quan hệ liên hệ thống và nội hệ thống) là như thế nào?

- Quan hệ giữa việc sáng tác, truyền thống (các (tiểu) hệ thống trong quá khứ) và việc nhập khẩu (các hệ thống “nước ngoài” là như thế nào? (Lambert 1980)

- Vai trò và cơ cấu của siêu văn bản, nhất là trong mối quan hệ với các văn bản văn học đúng nghĩa?

- Quan hệ giữa các yếu tố cách tân (sơ cấp) và các yếu tố truyền thống (nhị cấp) là như thế nào?[21]

Khó khăn lớn nhất trong nghiên cứu đề tài này, đó là việc sưu tầm, thống kê các bản dịch tác phẩm văn học Pháp sang tiếng Việt đã được xuất bản từ trước đến nay. Chúng tôi đã khảo sát số sách được lưu trữ ở Thư viện quốc gia Việt Nam, Thư viện Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, khảo sát từ nhà xuất bản, công ty sách v.v., tuy nhiên, số đầu sách chúng tôi thống kê được chỉ xấp xỉ 600 và chúng tôi nhận thức được rằng, con số này chưa chính xác, chênh lệch có thể đến hàng trăm. Số sách văn học Pháp được dịch ở miền Nam giai đoạn 1954-1975 mà chúng tôi đã thống kê được còn rất ít. Do vậy, khi đánh giá các giai đoạn, con số thống kê mà chúng tôi đưa ra để làm căn cứ cho những nhận định của mình chưa thật chính xác. Khó khăn thứ hai mà chúng tôi vấp phải, đó là khi khảo sát các bản dịch, chúng tôi it thấy các dịch giả trình bày quan điểm dịch thuật của mình, nếu có viết lời giới thiệu thì chủ yếu tập trung vào tác giả và tác phẩm.

Mặc dù còn có một số khó khăn nhưng chúng tôi đã nỗ lực làm sáng tỏ mối quan hệ giữa tiếp nhận văn học nước ngoài và hoạt động dịch văn học, khẳng định rằng, quá trình tiếp nhận văn học Pháp chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau và do vậy, theo chiều lịch đại, việc tiếp nhận này biến đổi theo thời kỳ, làm sáng rõ hơn quá trình tiếp nhận văn học Pháp thông qua các bản dịch của các nhà văn Việt Nam bằng cách làm nổi bật những khuôn mẫu điển phạm mà họ tiếp nhận.

Chúng tôi hy vọng đây là một tài liệu tham khảo có giá trị và sức gợi mở nhất định cho những ai quan tâm đến văn học Pháp, đặc biệt là các nhà nghiên cứu, giáo viên và sinh viên ngữ văn.

THAY MẶT NHÓM TÁC GIẢ

NGUYỄN DUY BÌNH


[1] Phạm Quỳnh, Thượng chi văn tập, NXB Văn học, 2006, Hà Nội. Tr. 1027.

[2] Các nhà văn Pháp đã đoạt giải thưởng Nobel là:

- Sully Prudhomme (1901), Frédéric Mistral (1904), Romain Rolland (1915), Anatole France (1921), Henri Bergson (1927), Roger Martin du Gard (1937), André Gide (1947), François Mauriac (1952), Albert Camus (1957), Saint-John Perse (1960), Jean-Paul Sartre (1964, từ chối giải thưởng), Claude Simon (1985), Cao Hành Kiện (2000), J.M.G Le Clézio (2008), Patrick Modiano (2014).

[3] Nguyễn Văn Trung, “Chính sách văn hóa của người Pháp và ảnh hưởng văn hóa Pháp ở miền Nam thời kỳ đầu thuộc địa”, Phác thảo quan hệ văn học Pháp với văn học Việt Nam hiện đại (Hoàng Nhân), NXB Mũi Cà Mau, 1998. Tr. 303.

[4] Lộc Phương Thủy, Từ một góc nhìn về giao lưu văn học Việt-Pháp, NXB Khoa học Xã hội, 1999. Tr. 246.

[5] Tạp chí Văn học, số 10, 2004.

[6] Hoàng Nhân, Phác thảo quan hệ văn học Pháp với văn học Việt Nam hiện đại, NXB Mũi Cà Mau, 1998. Tr. 172.

[7] Phương Lựu, Góp phần xác lập hệ thống quan niệm văn học, NXB Văn hóa Thông tin, 2002. Tr. 48.

[8] Ntr. Tr. 49.

[9] Ntr. Tr. 51.

[10] Tạp chí văn học, số 9 năm 2011.

[11] http://vietnamnet.vn/vanhoa/chuyende/2006/03/547135/). Bài được đăng ngày 3 tháng 3 năm 2006.

[12] NXB Thế Giới, 2009.

[13] José Lambert, "Plaidoyer pour un programme des études comparatistes. Littérature comparée et théorie du polysystème", trong M.Brunon, éd. Actes du Congrès de la Société Française de Littérature Générale et Comparée: Montpellier 1980. Montpellier, 1981. Tr. 59-69.

[14] Canadian review of comparative literature, số Xuân 1980. Tr. 246-252.

[15] Năm 1979, Lieven d’Hulst, José Lambert và Katzin Van Bragt đồng chủ biên công trình Văn học và dịch thuật tại Pháp (1800-1850): Thực trạng.

[16] Leuven University Press, 1987.

[17] Như trên. Tr. 13-14.

[18] Inès Oséki-Depré, Théories et pratiques de la traduction littéraire, Armand Colin, Paris, 1999. Tr. 62.

[19] Xem Antoine Berman, Pour une critique des traductions John Donne, Gallimard, 1995, tr. 54-57.

[20] Ví dụ cuốn Précis de littérature comparée do Pierre Brunel và Yves Chevrel chủ biên (Presses Universitaires de France, 1989) không nhắc tới lý thuyết này, còn cuốn Littérature générale et comparée của Daniel-Henri Pageaux (Armand Colin, 1994) chỉ dành ba trang nói sơ lược về lý thuyết đa hệ thống (xem tr. 134-136). Phải chờ đến năm 1999 Inès Oséki-Depré mới giới thiệu khá cặn kẽ về lý thuyết này trong cuốn sách mà chúng tôi đã dẫn.

[21] José Lambert, "Plaidoyer pour un programme des études comparatistes. Littérature comparée et théorie du polysystème", trong M. Brunon, éd. Actes du Congrès de la Société Française de Littérature Générale et Comparée: Montpellier 1980. Montpellier, 1981. Tr. 59-69.

  Nguồi: http://nhaxuatban.vinhuni.edu.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020