Nghiên cứu khoa học

Chủ nghĩa cấu trúc ở Việt Nam


15-10-2020
Tác giả: Trịnh Bá Đĩnh

Đối với văn học Việt Nam và văn học phương Đông nói chung, với tính chất điển phạm rất cao, việc phân tích theo lối thi pháp cấu trúc có lẽ là điều thuận lợi. Những tổ chức thi pháp như thơ Đường luật, tiểu thuyết chương hồi, ngâm khúc gây sự chú ý đối với bất cứ nhà thi pháp học cấu trúc nào. Quan niệm của R.Jakobson về văn bản thơ như là sự tổ chức theo chiều ngang (trục ngữ đoạn) các yếu tố tương đồng có thể lấy dẫn chứng trong thơ ca phương Đông với mức độ dày đặc.

Trong Kiều, chẳng hạn:

- Làm chocho mệt, cho mê

Làm cho đau đớn, ê chề cho coi…(âm tiết: cho; từ: làm cho)

- Dưới trăng quyên đã gọi hè

Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông… (các phụ âm l)

Hay nguyên lý nhị phân được chủ nghĩa cấu trúc xem như cách tổ chức phổ biến đối với hiện tượng tinh thần (phải - trái, chẵn - lẻ, âm - dương…) mà một trong những biến thể của nó là sự song hành (parallélisme) trong cấu trúc văn bản thơ, do H.G.Hopking đề xuất và R.Jakobson khảo chứng qua mọi nền thi ca, cũng có thể thấy rõ trong thơ trữ tình Việt Nam, rõ nhất là thơ ca thời trung đại. Thể loại câu đối là bằng chứng rõ nhất. Tư duy đối lập, kết cấu đối xứng dường như gây sức ép lên mọi nơi trong vương quốc thi ca, tạo nên đủ loại song hành tương đồng và song hành đối lập, ở mọi cấp độ:

Chẳng hạn, vẫn trong Kiều, với song hành tương đồng:

Gìn vànggiữ ngọc cho hay

Cho đành lòng kẻ chân mâycuối trời

Trai anh hùnggái thuyền quyên

Vó câu khấp khểnhbánh xe gập ghềnh

còn song hành đối lập:

- Sen tàn/ cúc lại nở hoa…

Người ngoài cười nụngười trong khóc thầm

Người vào chung gối loan phòng

Kẻ ra tựa bóng đèn chong canh dài…

Cấu trúc tự sự của Truyện Kiều cũng là một tổ chức song hành độc đáo. Đó là sự đối lập trong hành trình của hai nhân vật chính theo hai con đường trái ngược nhau:

Kiều đi từ không gian nhỏ, đóng kín (êm đềm trướng rủ màn che/ tường đông ong bướm đi về mặc ai). Đấy cũng là không gian tròn đầy, trọn vẹn (vầng trăng vằng vặc giữa trời/ đinh ninh hai miệng một lời song song, để sau này chỉ còn là những trăng tà, trăng xế, trăng xẻ nửa). Do một biến cố, Kiều phải đi ra không gian lớn, không gian mở, không biết phía trước là gì (cũng liều nhắm mắt đưa chân/ thử xem con tạo xoay vần đến đâu), không gian bị chia cắt, băm nát (vầng trăng ai xẻ làm đôi; vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh). Kiều chết chính trong không gian lưu đày này:

Cửa bồng vội mở rèm châu

Trời cao sông rộng một màu bao la

Trông vời con nước mênh mông

Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang

Trong một hành trình ngược lại, Từ Hải vốn là con người của không gian mở, không gian lớn, lớn trong mắt Nguyễn Du, cả trong mắt Thúy Kiều:

- Triều đình riêng một góc trời

Gồm hai văn võ rạch đôi sơn hà…

- Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm…

Từ Hải xuất hiện bất thình lình trong câu chuyện, không biết từ đâu đến, chỉ biết từ biên đình, một vùng xa, tức là một không gian mở. Và Từ Hải, vì nghe lời Kiều, mà định “bó thân về với triều đình”, “vào luồn ra cúi”… nghĩa là chấp nhận một không gian hẹp, bó buộc, ngột ngạt. Và Từ Hải chết chính trong không gian đó:

Giữa vòng tên đạn bời bời

Giữa vòng là một không gian nhỏ hẹp, đóng kín. Truyện Kiều, như vậy, là một bi kịch: con người không được sống trong không gian của mình, môi trường của mình, không thể định đoạt được số phận mình.

Cấu trúc nhị nguyên khó nhận ra hơn trong văn học hiện đại và hậu hiện đại, cần phải có sự phân tích vào bề sâu văn bản và luôn nhứ rằng một bài thơ, truyện kể không chỉ có một tổ chức nhị nguyên mà rất nhiều tổ chức cấu trúc (đối lập, đối xứng) như vậy, trên mọi cấp độ. Ý nghĩa của tác phẩm là kết quả sự tương tác của tất cả các tiểu cấu trúc này. Nhưng dù sao, sự phân tích cần nhất vẫn là nhìn ra sự đối lập cơ bản.

Bài Nguyệt cầm của Xuân Diệu có cấu trúc đối lập: âm nhạc - thiên nhiên (một biến thể của cấu trúc phổ quát hơn: văn hóa - thiên nhiên). Chúng ta hãy sắp xếp các yếu tố theo trục tương đồng:

ÂM NHẠC

THIÊN NHIÊN

dây cung

đàn buồn

đàn lặng

đàm chậm

câu hát

đàn ghê như nước lạnh

nhạc nhớ người

ánh nhạc

sầu âm nhạc

trăng ngần

trời trong

đêm thủy tinh

thu lạnh

bến Tầm Dương

biển pha lê

sương bạc

sao Khuê

mây vắng

Sự đối lập ở đây là đối lập mang tính thống nhất, không phải đối lập đàn áp, loại trừ. Thống nhất giữa âm nhạc với thiên nhiên, văn hóa với tự nhiên, đó là hình mẫu của cái đẹp. Cái gì làm nên sự thống nhất đó: cái buồn và cái sầu. Buồn và sầu không phải là những phạm trù “tiêu cực” như quan niệm của các tín đồ chủ nghĩa hiện thực; buồn, sầu là cái đẹp của mỹ học lãng mạn chủ nghĩa. “Trăng nhập vào giây cung nguyệt lạnh”. “Nghe sầu âm nhạc đến sao Khuê”. Mở đầu là thiên nhiên hòa nhập vào âm nhạc, hoàn kết là âm nhạc nhập vào thiên nhiên, tự nhiên.

Nhiệm vụ của cuốn sách này không nhằm vào việc phân tích thi pháp các văn bản cụ thể, do đó, ở đây chỉ nêu vắn tắt vài ví dụ ngẫu nhiên của văn học Việt Nam để bạn đọc, nhất là bạn đọc trong nhà trường dễ hình dung phương pháp phân tích của chủ nghĩa cấu trúc đối với các tác phẩm văn học. Ví dụ cuối cùng ở đây là về sơ đồ truyện ngắn Con gái thủy thần của Nguyễn Huy Thiệp. Con gái thủy thần gồm 3 truyện: Truyện thứ nhất, Truyện thứ hai, Truyện thứ ba, chúng không có tiêu đề riêng nghĩa là không tách biệt, chúng có một chủ đề chung: sự ra đi.

Lời đề từ cho truyện thứ nhất là bài hát cổ: Cái tình chi, mượn màu son phấn ra đi…; lời đề từ cho truyện thứ ba là bài hát mới thơ Nguyễn Bính: Giang hồ sót lại mình tôi/ Quê người đắng khói quê người cay men. Nhân vật chính (Chương) là người ra đi, ra đi với một ý nghĩ khắc khoải, lặp đi lặp lại suốt thiên truyện: Ngày mai tôi đi ra biển; với một hành động bất chấp: Tôi đi… Hôm qua mưa. Hôm nay nắng đẹp. Ngày mai nắng. Tôi là Chương. Tôi đi… Tôi muốn văng tục! Tôi đi, tôi đang đi… Ở đây, hiểu theo khái niệm của Iu.Lotman, Chương là “nhân vật hành động”, tức là nhân vật có khả năng vượt qua các không gian văn bản, từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác. Con đường của nhân vật làm thành cốt truyện của văn bản; các nhân vật “phi hành động” thì chỉ thuộc về một không gian nhất định, bản thân chúng chỉ là bối cảnh cho hoạt động của nhân vật chính (cô Phượng ở ba truyện là nhân vật như vậy). Chỉ có riêng Chương, trong suốt thiên truyện, luôn vang vọng một câu nói: “ngày mai tôi đi ra biển” và luôn ám ảnh một hình tượng: “biển không có thủy thần”. Chương ra đi, rồi tiếp tục ra đi tìm lời đáp cho một huyền thoại: “Con gái thủy thần, nàng là ai?”. Đây chính là một hành trình giải huyền thoại. Có thể sơ đồ hóa cấu trúc như sau: 

Truyện thứ nhất

 

Truyện thứ hai

 

Truyện thứ ba

 

 

Thế giới đầy huyền thoại, mộng mị

 

 

 

Thế giới bán huyền thoại: màu sắc tôn giáo

 

Thế giới phi huyền thoại: ăn ngon, lời tâng bốc, sex…

 

Biển không có thủy thần

Làng Nổi bên sông Cái

 

Thị trấn xứ Đạo

 

Thành phố

 

 

 

Trở lại với nhiệm vụ chính của cuốn sách, đặt góc nhìn sử trình đối với việc tiếp nhận chủ nghĩa cấu trúc ở Việt Nam, có thể thấy, thuyết cấu trúc đã từng được giới thiệu từ khá sớm, cách nay tới ba chục năm, nghĩa là ngay khi nó đang được bàn luận sôi nổi nhất và ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực học thuật và tư tưởng ở phương Tây, đặc biệt tại Pháp. Người ta đã không tiếc lời ca ngợi nó và ở một phía khác cũng không tiếc sức để phủ nhận nó. Tình trạng này cũng từng diễn ra ở Liên Xô trước đó một chút, tức là khoảng giữa thập kỷ 60 của thế kỷ XX, nên trước khi trực diện vào việc tiếp nhận ở Việt Nam, tôi muốn miêu thuật một số vấn đề cơ bản nảy sinh ở Liên Xô cũ khi tiếp nhận lý thuyết này.

Ngay khi thuyết cấu trúc được du nhập, trên các tạp chí Những vấn đề văn học, Những vấn đề triết học, Ngọn cờ,… đã nổ ra những cuộc tranh cãi sôi nổi về ý nghĩa của chủ nghĩa cấu trúc. Tranh cãi nhiều lúc đã thành luận chiến. Tất nhiên những người đi theo "tư tưởng của khoa học tư sản" phải bị phê phán và rút lui khỏi diễn đàn báo chí. Những công trình phân tích văn học của họ, chẳng hạn như các tác phẩm thi pháp cấu trúc của Iu.Lotman đôi khi cũng được đánh giá chiếu cố là "lý thú và hàm súc", song theo những người phê phán thì, "trong đó không có chủ nghĩa cấu trúc theo nghĩa đen của từ, trừ một số lập luận có tính chất chung". Điều ấy tất nhiên là không đúng, trong các cuộc tranh cãi kể trên, chính Iu.Lotman là người bảo vệ mạnh mẽ nhất cho cái mà ông gọi là "khoa học về văn học", tức là thi pháp học cấu trúc. Từ bỏ diễn đàn không có nghĩa là từ bỏ những tín niệm khoa học và nguyện vọng truyền bá nó. Iu.Lotman cùng nhóm làm việc của ông ở trường Đại học Tổng hợp Tartu vẫn kiên trì với định hướng khoa học của mình. Họ tổ chức được một loạt những hội nghị khoa học về các hệ thống ký hiệu, thực hiện định kỳ hàng năm, gây được tiếng vang rộng rãi trong toàn Liên bang và được giới phê bình quốc tế thừa nhận. Năm 1970, ở Moscowxuất hiện một công trình rất lạ mà trong lịch sử phê bình cũng ít thấy: Chủ nghĩa cấu trúc “đồng tình" và "phản đối”. Cuốn sách chia làm hai phần, phần đầu đăng những công trình tiêu biểu của các nhà phê bình cấu trúc như R.Barthes, R.Jakobson, J.Mukarovski, Tz.Todorov,... phần hai là những bài phê phán chúng và phê phán chủ nghĩa cấu trúc nói chung do các tác giả rất ít được biết đến viết. Những ai không sống trong khí hậu văn hóa xã hội tương tự thời kỳ lịch sử đó sẽ rất khó hiểu dụng ý của người chủ trương cuốn sách này. Thực chất đây là sự "cải trang" trước giới phê bình chính thống. Bằng cách đó, những công trình tiêu biểu của các nhà cấu trúc luận phương Tây đã đến được với độc giả Liên Xô. Thời gian đã ủng hộ Iu.Lotman cùng các đồng sự tài năng và nhiệt huyết của ông. Những tác phẩm của Iu.Lotman giờ đây được coi là di sản quan trọng của văn hóa phê bình Nga và được giới nghiên cứu phê bình quốc tế đánh giá cao. Trong cuốn Lý luận văn học thế kỷ XX (New York, 1997), K.M.Newton đánh giá Iu.Lotman thuộc vào những nhà ký hiệu học nghệ thuật lớn nhất, cuốn sách Cấu trúc văn bản nghệ thuật ngôn từ của ông được xem như là "cuốn sách lớn của thời đại".

Cuốn Chủ nghĩa cấu trúc trong văn họccủa PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh

Vấn đề giới thiệu chủ nghĩa cấu trúc ở Việt Nam có tình trạng vừa giống lại vừa khác với những điều đã nói trên ở Liên Xô. Giống ở chỗ nó cũng bị giới phê bình chính thống dị ứng vì là thứ "khoa học tư sản" cần bị phê phán nhưng khác ở chỗ ta không có những nhà khoa học như Iu.Lotman và nhóm cộng sự của ông. Người Việt Nam dám dành đến giọt máu cuối cùng để cho sự chính nghĩa của dân tộc, song ít có ai vét đến giọt mực cuối cùng để bảo vệ chính nghĩa của khoa học, để tranh cãi một vấn đề khoa học cho đến đầu đến đũa. Tất nhiên vẫn có những ngoại lệ, những nhà khoa học đơn độc mà Giáo sư Từ Chi và công trình Cơ cấu làng Việt cổ truyền ở Bắc bộ (1984) là một ví dụ. Đây là một công trình có giá trị của khoa học xã hội nhân văn Việt Nam viết theo tinh thần của cấu trúc luận. Ở công trình xuất sắc này, ảnh hưởng của nhân học cấu trúc C.Lévi-Strauss tới Từ Chi có lẽ là không còn gì phải bàn cãi.

Ở miền Nam trước 1975, cũng có lúc chủ nghĩa cấu trúc được giới thiệu rộng rãi. Các tác giả nhiệt tình với công việc này là Trần Thái Đỉnh, Nguyễn Văn Trung, Trần Thiện Đạo. Những bài viết lúc đó của Trần Thiện Đạo sau được tập hợp lại trong cuốn Chủ nghĩa hiện sinh và thuyết cấu trúc, cho đến nay cũng đã được tái bản vài lần. Đáng chú ý nhất là những bài viết của Trần Thái Đỉnh trên tạp chí Bách khoa thời đại. Chủ nghĩa cấu trúc trong các khoa học nhân văn (chủ yếu là ở Pháp) được ông thuật giải một cách khá mạch lạc. Tuy nhiên, ngay cả ở miền Nam lúc đó, những tác phẩm của các nhà cấu trúc luận cũng được dịch rất ít, nên dù sao những trao đổi cũng vẫn là giữa những nhà "tây học" với nhau. Hơn nữa nội dung trao đổi cũng vẫn sơ sài, nhất là lĩnh vực lý thuyết văn chương.

Công trình này không nhằm phủ định hay ngợi ca thuyết cấu trúc mà là giới thiệu nó. Ở đây, ngoài bài tiểu luận mở đầu, phần quan trọng của công trình là bản dịch những tác phẩm tiêu biểu của các nhà cấu trúc luận. Tất nhiên, như tên cuốn sách đã nói rõ, nó chủ yếu chỉ giới hạn trong phạm vi những điều có liên quan đến văn học. Thuyết cấu trúc như vậy phần nào sẽ hiện hữu trong hình thức của chính bản thân nó. Độc giả sẽ tự mình đọc, suy ngẫm, rút ra kết luận và nếu thấy hữu ích thì ứng dụng vào thực tế nghiên cứu và phê bình văn học, nhất là đối với văn học nước nhà. Đấy cũng là tâm nguyện chủ yếu của tác giả công trình này. Hoặc chí ít thì cũng biết được là có một xu hướng nghiên cứu, phê bình văn học như thế. Xin được nói phỏng theo lời một triết nhân: “Tôi là nhà phê bình văn học, không có gì thuộc văn học lại xa lạ đối với tôi”.

Thế nhưng ở đây vẫn còn một vấn đề. Như ta biết chủ nghĩa cấu trúc từ khoảng cuối thập niên 80, đầu thập niên 90 của thế kỷ trước cho đến nay đã rơi vào khủng hoảng. Đã hình thành một xu hướng gọi là hậu cấu trúc (poststructurlisim) như là sự "cải biên", hiệu chỉnh, thậm chí có những điểm phủ định chủ nghĩa cấu trúc. Có nghĩa là chủ nghĩa cấu trúc đã bị vượt qua. Cần phải suy nghĩ về điều này như thế nào, phải chăng bị vượt qua có nghĩa là không có giá trị? Phải chăng khi vật lý học của A.Einstein ra đời thì vật lý học của I.Newton sẽ bị vứt bỏ? Không phải như vậy! Vật lý học I.Newton vẫn đúng và hữu ích trong một phạm vi nhất định. Sự phủ định trong khoa học là ở việc nhận ra giới hạn hoạt động của những quy luật được thấy trước đó, chứ không phải bác bỏ sự tồn tại của nó. Nhiều công trình của các nhà cấu trúc học, nhất là những công trình phân tích thực nghiệm văn bản đã trở thành kinh điển.

Thuyết cấu trúc không dễ hiểu, những công trình phân tích văn bản của các nhà cấu trúc luận gây khó khăn thực sự cho những ai không nắm được những tri thức về ngôn ngữ học và ký hiệu học. Đấy là chưa nói đến tri thức về những chuyên ngành cụ thể. Giới thiệu một lý thuyết như vậy, người thực hiện hiểu rằng khó mà tránh được những khiếm khuyết. Chỉ có điều, trong khả năng của mình, tôi đã gắng thực hiện công việc một cách tốt nhất để mang đến cho bạn đọc những điều mình thu lượm được.

PGS.TS Trịnh Bá Đĩnh

Nguồn: http://toquoc.vn

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020