Nghiên cứu khoa học

Bước đầu tìm hiểu việc dịch thuật và tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới tại Việt Nam


15-10-2020
Tác giả: TS. Nguyễn Thị Diệu Linh

Từ cuối những năm 1990 đến nay, dịch thuật và giới thiệu tiểu thuyết thời kỳ mới tại Việt Nam được tiến hành song song và xen kẽ với việc dịch thuật và giới thiệu các tiểu thuyết Trung Quốc giai đoạn những năm 90 và sau năm 2000. Chính qua quá trình dịch thuật này, một số tên tuổi tác giả đã trở nên quen thuộc với độc giả và chiếm được sự quan tâm nhất định của giới tác giả cũng như học giả Việt Nam, có thể kể đến Trương Hiền Lượng, Vương Mông, Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Phùng Ký Tài, Hàn Thiếu Công… Chân dung của họ tại Việt Nam được tạo nên bởi một chuỗi tác phẩm thuộc về các giai đoạn văn học khác nhau trong tiến trình văn học đương đại Trung Quốc.


Khái niệm “tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới” trong bài viết của chúng tôi được hiểu như là một bộ phận cấu thành của “văn học Trung Quốc thời kỳ mới”, “tiểu thuyết” ở đây bao gồm đoản thiên tiểu thuyết, trung thiên tiểu thuyết và trường thiên tiểu thuyết (tương đương với các thuật ngữ truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết của Việt Nam). Còn “văn học Trung Quốc thời kỳ mới” (“tân thời kỳ văn học”) được chúng tôi hiểu là văn học những năm 80, hay nói cách khác là văn học từ cuối những năm 70 đến cuối những năm 80, giai đoạn văn học hình thành và phát triển trong bối cảnh Trung Quốc sau Đại cách mạng văn hóa, với những đặc điểm riêng phân biệt với văn học Trung Quốc sau thời kỳ mới (“hậu tân thời kỳ văn học”) hay còn được gọi là văn học những năm 90 (1). 

1. Dịch thuật và tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới ở Việt Nam – tính tất yếu của quá trình và tính đặc thù của bối cảnh

Dịch thuật và tiếp nhận văn học Trung Quốc tại Việt Nam đã có một quá trình lịch sử lâu dài. Nhìn lại, chúng ta có thể bước đầu khẳng định rằng, quá trình đó một mặt chứng tỏ ảnh hưởng vô cùng sâu sắc của văn hóa, văn học Trung Quốc đối với Việt Nam, mặt khác cho thấy nhu cầu mạnh mẽ của Việt Nam trong việc khẳng định sự độc lập và việc hình thành, phát triển ý thức quốc gia. 
Việt Nam là một nước nằm trong “Hán tự văn hóa quyển”, từ thế kỷ XV trở về trước, chữ Hán được sử dụng như văn tự chính thức của Việt Nam, từ sau thế kỷ XV đến trước thời kỳ cận đại, chữ Nôm - một sản phẩm sáng tạo của người Việt trên cơ sở chữ Hán - xuất hiện và được sử dụng song song với chữ Hán. Việc giới thiệu và tiếp nhận văn học Trung Quốc đã diễn ra trong bối cảnh đặc thù này. Cuối thế kỷ XIX, sự xâm lược của thực dân Pháp và sự xâm nhập của văn hóa Phương Tây đem đến cho xã hội truyền thống Việt Nam một sự thay đổi toàn diện và mạnh mẽ, trong đó có những lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến việc dịch thuật và tiếp nhận văn học như văn tự, chế độ giáo dục, chế độ xuất bản…Cũng từ đây, các nền văn học nước ngoài bất luận là phương Đông hay phương Tây, khi được dịch thuật tại Việt Nam, đều có mối quan hệ chặt chẽ với nhu cầu xã hội hóa của chữ quốc ngữ và nhu cầu hiện đại hóa của bản thân nền văn học Việt Nam. Riêng đối với văn học Trung Quốc, có thể nhận thấy thay đổi to lớn và rõ nét nhất chính là: từ giờ trở đi, với việc chữ quốc ngữ trở thành chữ viết chính thống và được sử dụng rộng rãi, văn học Trung Quốc sẽ giống như tất cả các nền văn học nước ngoài khác, phải thông qua con đường “dịch thuật” với đúng nghĩa của nó để có thể được truyền bá và tiếp nhận tại Việt Nam. 
Bắt đầu từ đầu những năm 40 của thế kỷ XX, Việt Nam tiến hành dịch thuật văn học hiện đại Trung Quốc. Thông qua việc giới thiệu những tên tuổi như Lỗ Tấn, Tào Ngu, Quách Mạt Nhược, Lão Xá, Ba Kim, Triệu Thụ Lý…, đặc biệt là Lỗ Tấn, có thể thấy Việt Nam đã chọn lựa mảng văn học tràn đầy tinh thần cách mạng và tính chiến đấu của văn học hiện đại Trung Quốc để dịch thuật, và biến nó thành một thứ vũ khí trong công cuộc đấu tranh vì một nước Việt Nam độc lập và thống nhất. 
Nếu lấy xuất phát điểm của quá trình dịch thuật làm căn cứ để so sánh, thì trong tương quan với văn học cổ đại, trung đại và hiện đại Trung Quốc, việc dịch thuật văn học đương đại Trung Quốc tại Việt Nam khá đặc biệt. Xét trên phương diện lý thuyết, sau năm 1975 Việt Nam kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cũng là kết thúc một giai đoạn chiến tranh liên miên trong lịch sử đất nước để bước vào thời kỳ hòa bình, hai miền Nam Bắc thống nhất và cùng tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, những nhân tố hậu thuẫn cho việc dịch thuật văn học như nhà xuất bản, lực lượng dịch giả, sự quan tâm của độc giả đều đang ở trạng thái vô cùng thuận lợi cho việc giới thiệu và tiếp nhận nền văn học đương đại của một đất nước láng giềng vốn có mối quan hệ văn hóa, văn học khăng khít trong lịch sử và giờ đây lại có chế độ chính trị và lý tưởng xã hội tương đồng như Trung Quốc. Tuy nhiên, sự cố chiến tranh biên giới Việt Trung năm 1979 và những hệ lụy của nó đến quan hệ của hai nước trong suốt một thập kỷ sau đó (đến năm 1992 Việt Nam và Trung Quốc mới chính thức bình thường hóa quan hệ) đã khiến cho văn học đương đại Trung Quốc nói chung và tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới nói riêng không thể thâm nhập vào Việt Nam cho đến tận cuối những năm 80. 
Tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới hình thành, phát triển và kết thúc vào khoảng thời gian từ cuối những năm 70 đến cuối những năm 80. Song đây lại chính là khoảng thời gian khoa Trung văn tại các trường đại học của Việt Nam bị giải thể, công việc của các dịch giả và nhà nghiên cứu văn học Trung Quốc tại Việt Nam bị ngưng trệ, và những tiếp xúc của Việt Nam với nền văn học “thời kỳ mới” nhiều biến động và đầy sức sống của Trung Quốc hầu như không có. Kết quả là, cuối những năm 80 đầu những năm 90, khi văn học đương đại Trung Quốc đã bước vào giai đoạn “sau thời kỳ mới” (“hậu tân thời kỳ”) thì văn học thời kỳ mới nói chung và tiểu thuyết thời kỳ mới nói riêng mới bắt đầu được dịch thuật và giới thiệu tại Việt Nam. Sự gián cách về mặt thời gian này không chỉ đơn giản là một sự “chậm trễ” do hoàn cảnh lịch sử khách quan mang lại, mà xét từ góc độ dịch thuật và tiếp nhận văn học, nó dẫn đến hàng loạt những hiện tượng rất đáng lưu tâm.
Lịch sử Việt Nam và Trung Quốc thời kỳ đương đại có nhiều điểm tương đồng. Cả hai đều là những quốc gia thuộc thế giới thứ ba, từng chịu sự chiếm đóng, áp bức của đế quốc và thực dân, đều thông qua cách mạng để giành lại độc lập và thống nhất, đều đi theo con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, và đều tiến hành cải cách mở cửa. Xét từ lĩnh vực văn học, có thể thấy, những nhân tố lịch sử trên được văn học hai nước đề cập đến và lí giải, phân tích một cách toàn diện nhất, sâu sắc nhất từ sau khi hai nước tiến hành cải cách mở cửa. Công cuộc cải cách ở Việt Nam được tiến hành từ năm 1986, tức là đi sau cải cách ở Trung Quốc gần một thập kỷ. Khi tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới bắt đầu được dịch thuật và giới thiệu tại Việt Nam vào cuối những năm 80, thì một trong những lý do khiến nó được tiếp nhận nồng nhiệt là: những vấn đề nó đề cập đến có nhiều điểm tương đồng với những vấn đề mà xã hội Việt Nam đang phải đối mặt, và con đường mà nó đã đi qua ít nhiều gợi đến con đường mà văn học Việt Nam đang trải nghiệm. Do vậy, xét từ một góc độ nào đó, đối với Việt Nam, dịch thuật và tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới cũng chính là một cách để bộc lộ, nhận thức và phản tỉnh bản thân. 
Dưới đây, chúng tôi tạm chia tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới thành hai mảng, một là truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết), hai là truyện vừa (trung thiên tiểu thuyết) và tiểu thuyết (trường thiên tiểu thuyết) nhằm cung cấp một cái nhìn khái quát về tình hình dịch thuật và tiếp nhận tại Việt Nam. 
2. Dịch thuật và tiếp nhận truyện ngắn (đoản thiên tiểu thuyết) Trung Quốc thời kỳ mới tại Việt Nam 
Truyện ngắn là một bộ phận rất quan trọng trong tiểu thuyết thời kỳ mới. Một số dòng văn học thời kỳ mới bắt nguồn từ hiệu ứng xã hội của truyện ngắn, và hầu hết các dòng văn học quan trọng nhất của tiểu thuyết thời kỳ mới đều có những truyện ngắn mang tính chất “đại diện”. Ví dụ rõ ràng nhất có thể tìm thấy trong chính dòng văn học được coi là sự khởi đầu ngoạn mục của tiểu thuyết thời kỳ mới: văn học vết thương (2).  
Bản dịch truyện ngắn Trung Quốc thời kỳ mới xuất hiện tại Việt Nam dưới ba hình thức chủ yếu:
Thứ nhất, các truyện ngắn đăng trên báo và tạp chí, như tạp chí Văn học, tạp chí Văn học nước ngoài, báo Văn nghệ, báo Văn… Trong đó, sớm và đáng chú ý nhất phải kể đến các truyện “Răng trắng” của Lưu Tâm Vũ (Dương Quốc Anh dịch) và “Bệnh thế kỷ” của Trần Nhiễm (Vân Thanh dịch) đăng trên tạp chí Văn học số 6 năm 1989. 
Thứ hai, các truyện ngắn trong các tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc. Trong đó, sớm nhất là các truyện: “Gió tuyết mịt mùng” của Ngưu Chính Hoàn (Phan Văn Các dịch), “Khoảng giữa cuộc đời” của Tô Thúc Dương (Lương Duy Thứ dịch), “Dương Liễu Chi” của Quách Minh (Vân Hoàng dịch), “Cuộc đối thoại không có tiêu đề” của Sa Diệp Tân (Lương Duy Thứ dịch), “Tướng quân trên thị trấn” của Trần Thế Húc (Lương Duy Thứ và Trần Thanh Liêm dịch) và “Lý Thuận Đại làm nhà” của Cao Hiểu Thanh (Lương Duy Thứ và Vũ Thị Yến dịch) trong cuốn “Văn học Trung Quốc hiện nay”, NXB Giáo dục, H, 1989. Sau đó, trong khoảng thời gian từ đầu những năm 90 đến nay, các tuyển tập truyện ngắn Trung Quốc được xuất bản khá đều đặn tại Việt Nam, nhưng không có tuyển tập nào nhấn mạnh đến yếu tố “thời kỳ mới”, và các truyện ngắn thời kỳ mới được xếp chung với các truyện ngắn thời kỳ trước hay sau đó. 
Thứ ba, các truyện ngắn thời kỳ mới trong các tuyển tập truyện ngắn của một hay nhiều tác giả cụ thể. Có thể kể ra ở đây một vài tác giả có tuyển tập truyện ngắn được dịch ở Việt Nam như Vương Mông, Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Cao Hành Kiện, Lý Nhuệ, Tàn Tuyết...
Với các truyện ngắn này, thì động lực dịch thuật chủ yếu đến từ sự quan tâm với tác giả. Do vậy, mới có những hiện tượng như tập truyện ngắn thời kỳ mới của Dư Hoa: “Tình yêu cổ điển” (“Cổ điển ái tình”) xuất bản năm 2005, hay của Lý Nhuệ: “Đất dày” (“Hậu thổ”) được xuất bản tại Việt Nam vào năm 2007, nghĩa là sau khi các tiểu thuyết sau thời kỳ mới của các tác giả này đã gây được tiếng vang tại Việt Nam. Và như vậy, các truyện ngắn này có thể coi là một sự bổ sung cho chân dung đã được định hình của các tác giả, việc dịch truyện ngắn trong trường hợp này là một dạng hiệu ứng cho thành công của các truyện vừa hay tiểu thuyết đã được dịch trước đó. 
Qua thống kê sơ bộ trên đây, chúng ta có thể bước đầu đưa ra nhận xét: dịch thuật truyện ngắn Trung Quốc thời kỳ mới tại Việt Nam không mang tính chất định hướng vào đặc thù “thời kỳ mới”. Và với những truyện ngắn đã từng gây được tiếng vang hay trở thành “điển hình” trong văn học Trung Quốc thời kỳ mới, không một truyện ngắn nào lặp lại được điều đó với những bản dịch tại Việt Nam. Nói một cách khác, những truyện ngắn Trung Quốc thời kỳ mới khi xuất hiện tại Việt Nam đã có một “số phận” khác hẳn số phận của bản gốc. 
Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân của vấn đề dịch thuật trên trước hết nằm ở đặc trưng thể loại. Điểm mạnh của truyện ngắn là nó mang trong mình khả năng tiếp cận trực diện và kịp thời với những vấn đề của cuộc sống đương đại. Đây cũng là nhân tố quan trọng khiến cho nhiều truyện ngắn trở thành hiện tượng khởi đầu hay tác phẩm mang tính điển hình của các trào lưu văn học thời kỳ mới. Song với khoảng cách khoảng mười năm để những truyện ngắn này đến được với bạn đọc Việt Nam như chúng tôi đã nói ở trên, thì khả năng này rõ ràng không còn được coi như thế mạnh nữa.  
Từ thực trạng dịch và giới thiệu truyện ngắn thời kỳ mới, có thể thấy tiêu chí đầu tiên để các truyện ngắn được chọn lựa dịch thuật ở Việt Nam chính là các truyện ngắn này đã được giới thiệu trên các báo, tạp chí có uy tín của Trung Quốc, hoặc đã từng đoạt giải thưởng tại Trung Quốc. Tiêu chí này không chỉ đúng với loạt truyện ngắn được dịch ra tiếng Việt vào giai đoạn đầu tiên (cuối những năm 80 đầu những năm 90) mà còn được áp dụng một cách phổ biến đối với các truyện ngắn thời kỳ mới được dịch thuật và đăng tải trên báo, tạp chí, hoặc xuất hiện trong các tuyển tập truyện ngắn trong suốt giai đoạn sau này. Xét cho cùng, điều này cũng là tất yếu. Trong khoảng mười năm sôi nổi của văn học thời kỳ mới, với vô vàn các báo và tạp chí đăng tải truyện ngắn, số lượng truyện ngắn Trung Quốc thời kỳ này là không thể tính đếm được, trong khi sức đọc và sức bao quát của dịch giả Việt Nam là có hạn. Và một khi tiêu chí “thời sự” của truyện ngắn đã không còn được tính đến trong dịch thuật do sự gián cách về mặt thời gian, thì đương nhiên tiêu chí “tính đại diện” sẽ trở thành ưu tiên số một.
3. Dịch thuật và tiếp nhận truyện vừa (trung thiên tiểu thuyết) và tiểu thuyết (trường thiên tiểu thuyết) Trung Quốc thời kỳ mới tại Việt Nam 
Có thể nói rằng, mặc dù số lượng truyện ngắn thời kỳ mới được dịch ở Việt Nam không phải là quá ít, song chính truyện vừa và đặc biệt là tiểu thuyết mới là cái làm nên diện mạo của văn học Trung Quốc thời kỳ mới trong tâm trí độc giả Việt Nam. 
Tạp chí Văn học số 6 năm 1989 đăng tải truyện vừa "Đại đội lính mới" của Lưu Chấn Vân do Phạm Tú Châu dịch. Cùng năm, cuốn "Văn học Trung Quốc hiện nay" (Hà Nội, NXB Giáo dục) do Lương Duy Thứ biên soạn chọn in hai truyện vừa: "Câu chuyện bị cắt xén sai" của Nhự Chí Quyên và "Ghi chép ở ngôi nhà sắp đổ" của Lý Quốc Văn (Lương Duy Thứ dịch). Có thể coi các truyện kể trên là những truyện vừa đầu tiên của tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới được dịch và giới thiệu ở Việt Nam. 
Cũng trong năm 1989, có hai truyện dài (tiểu thuyết) Trung Quốc thời kỳ mới được dịch tại Việt Nam. Thứ nhất là cuốn "Một nửa đàn ông là đàn bà" của tác giả Trương Hiền Lượng, do Phan Văn Các và Trịnh Trung Hiếu dịch, NXB Lao động và NXB Trẻ. Thứ hai là cuốn "Người ơi, người!" của tác giả Đới Hậu Anh, do Lê Khánh Trường dịch, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, trong khi "Một nửa đàn ông là đàn bà" gây được tiếng vang lớn và để lại ấn tượng sâu đậm trong giới trí thức nói riêng và độc giả nói chung (cuốn tiểu thuyết do hai NXB cùng phát hành: NXB Lao động ở miền Bắc và NXB Trẻ ở miền Nam, với lượng phát hành khá lớn: khoảng 15 nghìn cuốn ở mỗi NXB. Đáng chú ý hơn nữa là ngay sau khi xuất bản, cuốn tiểu thuyết đã chiếm trọn chuyên mục Đọc sách trong tạp chí Văn học số 6 năm 1989), thì "Người ơi, người!" lại không gây được hiệu ứng xã hội nào đáng kể. Nguyên nhân đầu tiên phải tính đến chính là "con đường" dịch thuật hai tác phẩm: nếu "Một nửa đàn ông là đàn bà" được dịch trực tiếp từ ngôn ngữ gốc (tiếng Trung) thì "Người ơi, người!" được dịch thông qua một ngôn ngữ trung gian (tiếng Nga). Song nguyên nhân quan trọng nhất làm nên sự khác biệt giữa việc tiếp nhận hai tiểu thuyết ở Việt Nam nằm ở tính chất "kịp thời" rõ nét trong việc dịch và xuất bản "Một nửa đàn ông là đàn bà". 
Trước hết là "kịp thời" đối với quá trình dịch thuật và giới thiệu văn học đương đại Trung Quốc tại Việt Nam sau một thập kỷ gián đoạn. Lời nhà xuất bản trong bản dịch cuốn tiểu thuyết đã nêu rất rõ mục đích và định hướng của việc xuất bản tác phẩm: "Qua Một nửa đàn ông là đàn bà, có thể phần nào thấy được rằng trong ngót một thập kỷ qua, văn học Trung Quốc, với khẩu hiệu "cải cách" và "khai phóng" đã tháo gỡ được sự trói buộc giáo điều chủ nghĩa từng ngự trị văn đàn hàng vài chục năm trước, đem lại cho người đọc những cảm thụ thẩm mỹ mới mẻ. Rõ ràng là có nhiều "khu cấm" đã bị đột phá. Đã mười năm nay, bạn đọc rộng rãi ít có điều kiện theo dõi tình hình xã hội nói chung và tình hình văn học nói riêng của đất nước láng giềng đang có những chuyển biến lớn lao này". Đương nhiên, một trong những “khu cấm” được đề cập đến ở đây có thể hiểu là văn học giới tính, là vấn đề tính dục trong văn học, nhưng theo chúng tôi, đối với bạn đọc Việt Nam lúc đó nói chung và giới trí thức nói riêng, “khu cấm” đáng quan tâm nhất mà tác phẩm đã đột phá chính là cách nhìn nhận lại lịch sử (cụ thể là cách mạng văn hóa) thông qua số phận cá nhân của một trí thức, là khía cạnh “nhận thức lại chủ nghĩa xã hội, nhận thức lại chủ nghĩa Mác” (3). 
Sau tiếng vang dịch thuật ban đầu, tác phẩm không trở thành đối tượng đi sâu nghiên cứu của bất kỳ bài viết nào nữa, tuy vẫn luôn được nhắc đến trong các công trình giới thiệu văn học đương đại Trung Quốc tại Việt Nam. Nói cách khác, tiểu thuyết này đã hoàn thành một cách trọn vẹn vai trò “khởi đầu” cho quá trình dịch thuật một giai đoạn văn học của mình. 
Nói đến năm 1989, còn phải nhắc đến hai sự kiện khá quan trọng với quá trình dịch thuật và tiếp nhận tiểu thuyết thời kỳ mới. Đầu tiên là sự xuất hiện của tạp chí Văn học số 6 (tháng 11,12 năm 1989), số tạp chí Chuyên san tiểu thuyết đương đại Trung Quốc (ở thời điểm đó, “tiểu thuyết đương đại Trung Quốc” chính là tiểu thuyết thời kỳ mới). Số tạp chí này có hai điểm đặc biệt: thứ nhất, đây là số mở đầu cho hình thức chuyên san của tạp chí (4), thứ hai, đây là lần duy nhất trong lịch sử xuất bản của mình, một tạp chí chuyên đăng bài nghiên cứu như tạp chí Văn học lại dành đến một nửa dung lượng để đăng tải tác phẩm. Điều này phần nào cho thấy bối cảnh khá đặc biệt của việc dịch thuật và tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới tại Việt Nam trong giai đoạn này. Sự kiện thứ hai là việc xuất bản cuốn “Văn học Trung Quốc hiện nay”, do Lương Duy Thứ giới thiệu và tuyển chọn, NXB Giáo dục, 1989. Cuốn sách bao gồm một phần giới thiệu khái quát về tình hình văn học Trung Quốc từ năm 1949 đến năm 1985 và một phần tuyển dịch tác phẩm, có thể coi là một dạng tư liệu tham khảo môn Văn học Trung Quốc cho sinh viên các trường đại học Sư phạm và cao đẳng Sư phạm (5). Sự ra đời của một cuốn sách như vậy thực ra là một hiện tượng hết sức bình thường và vốn dĩ không thể có vai trò gì lớn đối với đời sống học thuật. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng xuất bản cuốn sách này là một “sự kiện” trong quá trình dịch thuật và giới thiệu tiểu thuyết thời kỳ mới, bởi lẽ nó đánh dấu sự quan tâm mang tính “chính thống” của giới học đường đối với mảng văn học đương đại này, đồng thời nó cũng cho thấy sự thay đổi lớn trong cách tiếp cận mảng văn học ấy, cụ thể đó là cách tiếp cận thông qua một số lượng nhất định tác phẩm được dịch thuật, và những đánh giá mang tính khách quan, khác với cách tiếp cận phần nhiều không thông qua dịch thuật tác phẩm và mang nặng tính chính trị, tính phê phán trong thời kỳ trước kia (6).    
Tiếp theo có thể nói đến tính “kịp thời” đối với chính quá trình đổi mới của văn học đương đại Việt Nam. Quá trình đổi mới văn học đương đại Việt Nam, được bắt đầu vào khoảng năm 1986, và là một phần của công cuộc đổi mới văn nghệ, đến khoảng thời gian cuối những năm 80 đầu những năm 90 đã đạt được một số thành tựu trên cả phương diện lí luận và thực tiễn sáng tác. “Đổi mới văn học” là vấn đề bức thiết được đề cập đến một cách rộng rãi ở các báo cáo và thảo luận trong Đại hội Hội nhà văn lần thứ 4 được tổ chức tại Hà Nội năm 1989. Cũng năm đó, Hội nhà văn Việt Nam tổ chức Hội nghị về Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Năm 1991 ba tiểu thuyết giành được giải thưởng Hội nhà văn  “Thân phận của tình yêu” (Bảo Ninh), “Bến không chồng” (Dương Hướng) và “Mảnh đất lắm người nhiều ma” (Nguyễn Khắc Trường) là những đại diện xuất sắc cho kết quả của việc đổi mới văn học. Không khí tranh luận sôi nổi chung quanh vấn đề “đổi mới văn học” lúc bấy giờ không chỉ bó hẹp trong phạm vi giới văn học mà còn thu hút được sự quan tâm của giới trí thức và đông đảo bạn đọc nói chung. Trong bối cảnh như vậy, “Một nửa đàn ông là đàn bà” với những nhân tố “mới” trên nhiều phương diện chính là một sự chọn lựa lý tưởng để khởi đầu cho quá trình dịch thuật và tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới tại Việt Nam.   
Kể từ giữa những năm 90 trở đi, truyện vừa và tiểu thuyết thời kỳ mới, được dịch thuật và giới thiệu tại Việt Nam càng ngày càng nhiều. Sau tiếng vang của “Một nửa đàn ông là đàn bà”, ba tiểu thuyết khác của Trương Hiền Lượng đã được dịch: “Phong cách nam nhi” (Phan Văn Các và Trịnh Trung Hiểu dịch, NXB Hà Nội, 1994), “Cây hợp hoan” (Trần Đình Hiến dịch, NXB Văn nghệ TP HCM, 2001) và “Thời thanh xuân” (in chung với tiểu thuyết “Hồng nhan Thượng Hải” của Trần Đan Yến, Thái Nguyễn Bạch Liên dịch, NXB Thuận Hóa, 2003). Một số tiểu thuyết như “Khát vọng” của Trịnh Vạn Long, Lý Hiểu Minh (Trần Đình Hiến và Nguyễn Văn Toàn dịch, NXB Lao động, 1995) hay “Nghiệp chướng” của Diệp Tân (Trịnh Trung Hiểu dịch, NXB Thế giới, 1997) gắn chặt với sự xuất hiện và thành công vang dội của phim truyền hình, đã có ảnh hưởng sâu rộng với bạn đọc Việt Nam. 
Từ cuối những năm 1990 đến nay, dịch thuật và giới thiệu tiểu thuyết thời kỳ mới tại Việt Nam được tiến hành song song và xen kẽ với việc dịch thuật và giới thiệu các tiểu thuyết Trung Quốc giai đoạn những năm 90 và sau năm 2000. Chính qua quá trình dịch thuật này, một số tên tuổi tác giả đã trở nên quen thuộc với độc giả và chiếm được sự quan tâm nhất định của giới tác giả cũng như học giả Việt Nam, có thể kể đến Trương Hiền Lượng, Vương Mông, Giả Bình Ao, Mạc Ngôn, Phùng Ký Tài, Hàn Thiếu Công… Chân dung của họ tại Việt Nam được tạo nên bởi một chuỗi tác phẩm thuộc về các giai đoạn văn học khác nhau trong tiến trình văn học đương đại Trung Quốc. 
Bên cạnh yếu tố “cái mới” gắn liền với nhu cầu đổi mới văn học đương đại Việt Nam, thì theo chúng tôi “phản tư” là một yếu tố vô cùng quan trọng khiến tiểu thuyết thời kỳ mới được đón nhận tại Việt Nam. Điều này trước hết bắt nguồn từ sự tương đồng trong lịch sử đương đại hai nước. Cả Trung Quốc và Việt Nam đều có những trải nghiệm lịch sử tương tự trong hành trình giành độc lập dân tộc và vươn lên từ thân phận một nước thuộc thế giới thứ ba, và đều bước vào thời kỳ đương đại với những biến cố lịch sử lớn (với Việt Nam là cuộc chiến chống Mỹ và thống nhất hai miền Nam Bắc, với Trung Quốc là Đại cách mạng văn hóa). Bên cạnh đó, “thổ cải” ở Trung Quốc và “cải cách ruộng đất” ở Việt Nam, “công xã nhân dân” ở Trung Quốc và “hợp tác xã” ở Việt Nam, “cải cách khai phóng” ở Trung Quốc và “đổi mới” ở Việt Nam là những mốc lịch sử làm nên sự tương đồng hết sức đặc biệt trong cách thức văn học hai nước đề cập và lí giải vấn đề “phản tư”. Với văn học Trung Quốc thời kỳ mới, “phản tư” thậm chí còn phát triển thành một dòng riêng, và kể cả trong các dòng văn học lớn khác như văn học vết thương, văn học tầm căn… yếu tố “phản tư” luôn đóng vai trò rất quan trọng. Còn ở Việt Nam, tuy “phản tư” không trở thành một dòng riêng, nhưng “khuynh hướng nhận thức lại” có thể nhìn thấy ở mọi phương diện của nền văn học đương đại, trong cả lý luận, phê bình, sáng tác và tiếp nhận văn học (7). 
Thay cho lời kết 
Theo chúng tôi, dịch thuật và tiếp nhận tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ mới tại Việt Nam là một vấn đề nghiên cứu nhiều tiềm năng. Cho đến nay, chưa có một công trình nào đặt nó làm đối tượng khảo sát. Những tìm hiểu tương đối khái quát và toàn diện có thể tìm thấy một cách rải rác trong một số công trình như “Một số vấn đề văn học Trung Quốc thời kỳ mới”, Hồ Sĩ Hiệp, NXB Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, 2003 hay “Tiểu thuyết Trung Quốc thời kỳ đổi mới (1976 – 2000), Lê Huy Tiêu, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006. Tuy nhiên, đối tượng mà các công trình này hướng đến không phải là “tiểu thuyết thời kỳ mới” (cuối những năm 70 – đầu những năm 80) với những đặc thù phân biệt với các thời kỳ trước và sau của nó. Ngoài ra, các công trình này nghiêng về phương diện khai thác và cung cấp kiến thức về văn học đương đại Trung Quốc chứ không đi sâu vào phương diện dịch thuật và tiếp nhận nền văn học này ở Việt Nam. 
Những nghiên cứu của Trung Quốc về “những năm 80” nói chung và văn học giai đoạn này nói riêng đã có nhiều đổi mới, thậm chí có cả trào lưu “trở về những năm 80”, “nhìn lại những năm 80” (8). Thiết nghĩ, những vấn đề tương tự cũng đã đặt ra với Việt Nam, và sự “phản tư” dưới nhiều góc độ, trong đó có góc độ dịch thuật và tiếp nhận văn học, là điều không tránh khỏi./. 

Chú thích

(1)Cách định danh và phân kỳ đối với văn học Trung Quốc từ sau cách mạng văn hóa đến nay không phải là vấn đề đã hoàn toàn đạt được sự thống nhất. Trong bài viết, chúng tôi căn cứ vào các cách định danh và phân kỳ trong các cuốn “Trung Quốc đương đại văn học sử”, Hồng Tử Thành, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 2007 và “Trung Quốc đương đại văn học sử giáo trình”, Trần Tư Hòa (chủ biên), Phúc Đán đại học xuất bản xã, 2008.

 

(2)Văn học vết thương được coi là dòng văn học đầu tiên của văn học Trung Quốc thời kỳ mới. Sự xuất hiện (và thậm chí cả tên gọi) của dòng văn học này bắt nguồn từ những hiệu ứng xã hội rộng lớn và mạnh mẽ của hai truyện ngắn "Vết thương" của Lư Tân Hoa đăng trên "Văn hối báo" ngày 11 tháng 8 năm 1978 và "Chủ nhiệm lớp" của Lưu Tâm Vũ đăng trên "Nhân dân văn học” kì 11 năm 1977.

 

(3)Nguyên văn trong Lời nhà xuất bản: “Nhưng tác phẩm không dừng lại ở việc tố cáo “cách mạng văn hóa” mà đã đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa nhân văn rộng lớn, có ý nghĩa “nhận thức lại chủ nghĩa xã hội, nhận thức lại chủ nghĩa Mác” như chúng ta thường nói”. 

 

(4)Trong bài Cùng bạn đọc mở đầu số tạp chí, Tổng biên tập Phong Lê nói rõ: “từ cuối năm 1989 chuyển sang năm 1990 này, Tạp chí văn học chủ trương thể nghiệm việc ra xen kẽ những chuyên san về các vấn đề học thuật đang gây tranh luận trên các khu vực lý luận hoặc lịch sử văn học dân tộc và các chuyên san nhằm thông tin, giới thiệu lần lượt một số nền văn học nước ngoài có mối quan hệ gắn bó hoặc soi sáng cho văn học dân tộc, đáp ứng nhu cầu tìm hiều và tìm tòi cái mới của các giới sáng tác, nghiên cứu và lý luận văn học nói riêng cũng như nhu cầu thưởng thức của đông đảo bạn đọc nói chung”. 

 

(5)Lời nói đầu cuốn “Văn học Trung Quốc hiện nay” nêu rõ: “Cuốn sách này được biên soạn để đáp ứng yêu cầu học tập và đọc thêm của sinh viên, cuốn sách cũng có thể giúp ích cho những bạn đọc muốn tìm hiểu văn học Trung Quốc hiện nay – giai đoạn từ 1949 đến 1985”. Người biên soạn cũng đề cập đến “hoàn cảnh phải tổ chức biên soạn, biên tập trong một thời gian không dài, lại hiếm hoi tư liệu, nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu của đông đảo bạn đọc” của cuốn sách. 

 

(6)Có thể tham khảo một số bài viết có liên quan đến văn học đương đại Trung Quốc nói chung và tiểu thuyết thời kỳ mới nói riêng được đăng tải tại Việt Nam giai đoạn trước năm 1989 để thấy rõ hơn sự thay đổi này, chẳng hạn như: “Số phận của một nền văn học”, Lương Duy Thứ, TC Văn học số 5 năm 1981; “Số phận bi thảm của trí thức Trung Hoa qua phim Mối tình cay đắng”, Lê Huy Tiêu, TC Văn học số 2 năm 1982; “Những người cầm bút ở Trung Quốc phê phán Cách mạng văn hóa”, Trần Minh Sơn, TC Văn học số 4 năm 1984; “Văn học Trung Quốc sau Mao có những gì?”, Lương Duy Thứ, TC Văn học số 2 năm 1986.

 

(7)Tham khảo các công trình như: “Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỷ XX”, Viện Văn học, NXB Chính trị Quốc gia, 2002; “50 năm văn học Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám”, Đại học Quốc gia Hà Nội, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2006; “Văn học Việt Nam sau 1975 – Những vấn đề nghiên cứu và giảng dạy”, Nguyễn Văn Long (chủ biên), NXB Giáo dục, 2009.

 

(8)Tham khảo các công trình như: “Bát thập niên đại phỏng đàm lục”, Tra Kiện Anh, Tam liên sinh hoạt xuất bản xã, 2006; “Nhìn lại những năm 80”, Trình Quang Vĩ chủ biên, Bắc Kinh đại học xuất bản xã, 2009.

(Bài đã đăng trên TC Nghiên cứu Trung Quốc số 10/2013)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020