Nghiên cứu khoa học

Lã Nguyên: Lí luận văn học Nga hậu xô viết (1)


15-10-2020
Tác giả: PGS.TS La Khắc Hòa

Công trình nghiên cứu về Văn học Nga hậu xô viết của nhà nghiên cứu Lã Nguyên (tức PGS. TS La Khắc Hòa) MỤC LỤC

LỜI DẪN

Chương một: SỐ PHẬN LỊCH SỬ CỦA NỀN LÍ LUẬN VĂN HỌC XÔ VIẾT CHÍNH THỐNG

I. Liên Xô trong bối cảnh lịch sử, văn hoá, xã hội cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI

II. Sự sụp đổ của nền lí luận văn học Xô viết chính thống

Chương hai: TƯ TƯỞNG TRIẾT HỌC VÀ LÍ LUẬN VĂN HỌC CỦA M.M. BAKHTIN

I. M. Bakhtin – Nhà triết học

II. M. Bakhtin và lí thuyết thể loại văn học

III. M. Bakhtin và lí thuyết tự sự theo hướng tân tu từ học

Chương ba: TIẾN HÓA LUẬN CỦA TRƯỜNG PHÁI HÌNH THỨC NGA VÀ DI TRUYỀN LUẬN CỦA O. FREIDENBERG

I. Mùa Giáng sinh, nghĩ về sự Phục sinh của Trường phái hình thức Nga

II. Lí thuyết tiến hóa văn học của Y. Tynianov

III. Lí thuyết truyện kể theo hướng tiến hóa luận của V. Shklovski

IV. O. Freidenberg và tự sự học theo hướng di truyền luận

Chương bốn: Y.M. LOTMAN VÀ TRƯỜNG PHÁI KÍ HIỆU HỌC VĂN HÓA TARTUS – MOSKVA

I. Trường phái Tartus – Moskva và sự lên ngôi của các hệ thống lí thuyết phi chính thống

II. Lí thuyết truyện kể theo hướng kí hiệu học văn hóa của Y. Lotman

Chương năm: TỰ SỰ HỌC ỨNG DỤNG NGA

I. Thi pháp Chekhov của A.P. Chudakov

II. Tiểu thuyết cổ điển Nga của N.D. Tamarchenco

III. Phân tích tự sự học của V.G. Tiupa

Chương sáu: SỰ TIẾP NHẬN CÁC HỌC PHÁI ÂU – MĨ VÀ SỰ HỒI HƯƠNG CỦA LÍ LUẬN VĂN HỌC HẢI NGOẠI

I. Sự tiếp nhận các học phái Âu – Mĩ

II. Sự hồi hương của lí luận văn học hải ngoại

Chương VII: KHRAPCHENCO VÀ POSPELOV TRONG LỊCH SỬ TIẾP NHẬN LÍ LUẬN VĂN NGHỆ NGA VÀO VIỆT NAM

I. Người đến rồi lại đi…

II. Cây trồng nay đã mọc

Phụ lục: NGHIÊN CỨU VĂN HỌC Ở LIÊN XÔ TRONG THỜI ĐẠI TRỊ VÌ CỦA CHỦ NGHĨA MÁC – LÊNIN (1930 – 1980)

LỜI DẪN

Từ thế kỉ XIX, nhất là ở nửa đầu thế kỉ XX, Nga là nước có nền mĩ học và lí luận văn học phát triển rực rỡ, đã phát huy ảnh hưởng rộng rãi tới tất cả các khu vực trên thế giới. Có một đặc điểm cần lưu ý: nền mĩ học và lí luận văn học ấy chưa bao giờ là hiện tượng thuần nhất. Nó luôn luôn tồn tại và phát triển trong trạng thái đa nguyên văn hóa như mọi hiện tượng văn hóa nói chung. Dĩ nhiên, ở mỗi giai đoạn lịch sử, nó có cấu trúc riêng, xu hướng vận động riêng, tạo thành một hệ hình lí thuyết đặc thù.

Trước 1991, hầu như mọi công trình lí luận văn học xuất bản ở Liên Xô đều thuộc mĩ học Mác xit. Nói “hầu như”, vì vào những năm 1920, bên cạnh mĩ học Mác xit còn có cả mĩ học và lí luận văn học của Trường phái hình thức Nga và nhiều khuynh hướng khoa học, nghệ thuật phi Mác xit khác. Bản thân mĩ học và lí luận văn học Mác xit cũng có hai bộ phận: chính thống và phi chính thống. M. Gorki, A. Zdanov, A. Lunacharski, L.I. Timofeev, M.V. Khrapchenco, G.L. Abramovich… là những nhà lí luận Mác xit chính thống. M.M. Bakhtin, Y.M. Lotman, G.N. Pospelov… là các nhà lí luận Mác xit phi chính thống.

Lí luận văn học Mác xit chính thống có những tư tưởng chủ đạo làm thành đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô và bộ khung lí thuyết với một hệ thống khái niệm, phạm trù cốt lõi. Tư tưởng chủ đạo làm thành đường lối văn nghệ của Đảng Cộng sản và Nhà nước Liên Xô là nguyên tắc “tính Đảng” và quan điểm xem văn nghệ là “mặt trận nằm trong chính trị”, nghệ sĩ là chiến sĩ, văn nghệ là vũ khí, là công cụ phục vụ sự nghiệp chính trị do Đảng lãnh đạo. Ngay từ năm 1905, trong bài Tổ chức đảng và văn học có tính đảng, V.I. Lênin chỉ rõ: “Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải thành một cái bánh xe nhỏ và đinh ốc nhỏ trong cỗ máy xã hội – dân chủ vĩ đại, duy nhất và thống nhất, do đội quân tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển. Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận khăng khít của công tác có tổ chức, có kế hoạch, thống nhất của đảng xã hội – dân chủ”[1].Trụ cột làm nên bộ khung của lí luận văn nghệ theo quan điểm Mác xit chính thống là ba quan điểm “gốc” mà các sách giáo trình của Liên Xô gọi là “Nguyên lí”, hoặc “Cơ sở”: a) Nguyên lí về văn nghệ là hình thái ý thức xã hội đặc thù thuộc thượng tầng kiến trúc; b) Nguyên lí phản ánh nghệ thuật, hay còn gọi là phản ánh luận nghệ thuật; c) Nguyên lí về tính ưu việt của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa. Mô hình mĩ học và lí luận văn học Xô viết chính thống nói trên là bản gốc của những phiên bản mĩ học và lí luận văn học theo quan điểm Mác – Lênin ở các nước xã hội chủ nghĩa trước kia.

M.M. Bakhtin, Y.M. Lotman, G.N. Pospelov và nhiều nhà khoa học khác cũng dựa vào nền tảng phương pháp luận của chủ nghĩa Mác để kiến tạo hệ thống lí thuyết của riêng mình. Các hệ thống lí thuyết của họ hết sức đa dạng, nhưng giữa chúng vẫn có điểm chung: xác lập vai trò trung gian và ý nghĩa lớn lao của ngôn ngữ như những cấu trúc biểu nghĩa trong mối quan hệ giữ tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Lí luận Mác xít chính thống đưa mĩ học và lí luận văn học phát triển theo hướng chính trị hóa, xã hội học nghệ thuật. Lí luận Mác xit phi chính thống mở rộng biên độ, dẫn mĩ học và lí luận văn học đi theo hướng hướng nhân cách luận (personnalisme) và văn hóa học. Vào những năm 1960, các học phái Âu – Mĩ đã tiếp thu tư tưởng lí luận của Trường phái Hình thức Nga và nhiều hệ thống lí luận Mác xit phi chính thống của Liên Xô để tạo ra bước ngoặt ngôn ngữ và bước ngặt diễn ngôn trong khoa học nhân văn của họ. Nhưng trên quê hương mình, trước 1991, các hệ thống lí thuyết phi Mác xit và lí thuyết Mác xit phi chính thống chỉ tồn tại khiêm tốn ở khu vực ngoại biên của sân chơi văn hóa. Năm 1928, Trường phái Hình thức Nga bị xóa sổ. Đến cuối những năm 1950, không mấy người Nga còn nhớ tới tên tuổi của M.M. Bakhtin. Đầu năm 1986, trên thực tế, Trường phái kí hiệu học văn hóa Tartus – Moskva chính thức chấm dứt mọi hoạt động. Thống ngự ở vị trí trung tâm của sân chơi văn hóa khi ấy là mĩ học và lí luận văn học Xô Viết chính thống. Nó là hạt nhân phương pháp luận của xã hội học Mác – Lênin, được triệt để vận dụng trong hoạt động thực tiễn sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học Xô Viết.

Thực ra, từ cuối cuối những năm 1980, diễn ngôn mĩ học và lí luận văn học Nga bắt đầu có những chuyển động mạnh mẽ. Đến đầu những năm 1990, nó thay đổi triệt để, một sự thay đổi mang tính cách mạng. Sự sụp đổ của Liên Xô vào ngày 26 tháng 12 năm 1991 khiến mĩ học và lí luận văn học Xô Viết chính thống mất đi điểm tựa từ các thiết chế Nhà nước cả về vật chất lẫn tinh thần. Không còn quyền uy của diễn ngôn tư tưởng hệ, nền mĩ học và lí luận văn học ấy chuyển ra khu vực ngoại biên của sân chơi văn hóa, quay về với tiếng nói của đời sống thường nhật và trở thành đối tượng nghiên cứu của các nhà khảo cổ học tri thức. Ở chiều ngược lại, người ta chứng kiến sự tái sinh của nhiều hệ thống lí thuyết phi Mác xit. Di sản của Trường phái hình thức Nga, các công trình nghiên cứu ngữ văn học cổ điển theo hướng di truyền luận của O. Freidenberg, di sản triết học và ngữ văn học của các tác gia Mác xit phi chính thống trở thành sách kinh điển, được tái bản rầm rộ với số lượng cực lớn. Cùng với sự hồi sinh của những tư tưởng khoa học từng bị khai tử ngay trên Tổ quốc mình là sự hồi hương của lí luận văn học Nga ở hải ngoại. Nước Nga xóa bỏ sự đối lập tư tưởng hệ, mở rộng biên độ giá trị, tiếp nhận cởi mở các hệ thống mĩ học và lí luận văn học phương Tây trên tinh thần đối thoại. Tất cả những điều đó tạo ra một quang cảnh sôi động, náo nhiệt trong đời sống khoa học. Mươi, mười lăm năm trở lại đây, các công trình nghiên cứu của một thế hệ mới với những tên tuổi lớn như S.N. Broitman, G.K. Koshikov, N.D. Tamarchenko, V.I. Tiupa… đủ chứng tỏ nền lí luận văn học Nga đã bắt nhịp cùng đời sống khoa học phương Tây và ngày càng tự tin đi theo con đường riêng gắn với truyền thống thi pháp học lịch sử được khai mở từ cuối thế kỉ XIX.

Chuyên luận chủ yếu nghiên cứu những diễn biến nói trên của mĩ học và lí luận văn học Nga sau 1991, tập trung vào những đổi thay lớn lao của nó, nên có tên là Lí luận văn học Nga hậu Xô Viết. Chúng tôi hi vọng cuốn sách sẽ là tài liệu tham khảo bổ ích, cung cấp nhiều thông tin giúp bạn đọc suy ngẫm về tiến trình đổi mới lí luận văn học ở Việt Nam trong bối cảnh đất nước ta ngày càng hội nhập sâu rộng vào các quan hệ quốc tế.

Lí luận văn học Nga hậu Xô Viết là một hiện tượng phức tạp, việc nghiên cứu nó đòi hỏi phải đổ nhiều thời gian và công sức. Cho nên, chắc chắn cuốn sách không thể tránh được khiếm khuyết, mong bạn đọc góp ý để chúng tôi có dịp bổ sung, hoàn chỉnh công trình đầy đủ hơn, phong phú hơn.

Đồng Bát, 1.6.2017

LN

[1] C. Mac – F. Ăng-ghen – V.I. Lê-nin, Về văn học và nghệ thuật. Nxb. Sự thật, 1977, tr.305.

Nguồn: Văn Việt

 

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020