Nghiên cứu khoa học

Khát vọng sống mãnh liệt và những giấc mơ huyền diệu trong thơ ca Hàn Quốc


15-10-2020

1. Vài lời về cái kỳ ảo và văn học kỳ ảo:
Cái kỳ ảo bắt đầu có khi con người biết tưởng tượng. Thế giới quan thần linh chính là bước đầu tiên đưa con người vào thế giới kỳ ảo với những điều chưa thể giải thích về thế giới. Tiếp đến, tôn giáo cũng là một cách khẳng định sự tồn tại của một thế giới kỳ ảo, siêu nhiên nằm bên trên đời sống, gắn với niềm tin của con người. Và khi con người bắt đầu sáng tác nghệ thuật là lúc cái kỳ ảo đã bắt đầu được nhìn thấy, được vật chất hoá, hữu hình hoá qua các hình tượng nghệ thuật.
Tồn tại trong nhiều quan hệ mang tính ảo - thuộc tính bản chất của con người:        
Trong đời sống, cái ảo luôn tồn tại. Nó tồn tại khách quan hay chỉ có trong tưởng tượng, ảo giác, ảo ảnh, giấc mơ và mơ ước? Cái ảo là cái không có thật, song mọi cái ảo đều có những điểm tựa mang tính hiện thực. Nó có thể gây nên những chấn động mang tính tinh thần, thậm chí có những tác động vật chất thật sự: con số thí sinh ảo làm đau đầu các trường đại học trong kỳ tuyển sinh, tình ảo mà đau thật, các con số thống kê giả, các thành tích giả, quan hệ ảo trên mạng internét, thị trường chứng khoán ảo, nuôi gà ảo... Những cái mà người ta gọi là ảo vọng, ảo tưởng cũng không nằm ngoài phạm vi cái ảo này. Cũng có cái ảo của hôm nay lại thành cái thực của ngày mai (Đường Minh Hoàng mơ bay tới cung trăng cách đây hơn mười thế kỷ và con người hiện đại bay lên mặt trăng bằng tàu vũ trụ). Nhưng cũng có cái tưởng là thực của ngày hôm qua lại thành cái ảo ngày hôm nay (Đời hết kẻ sống lười ăn bám, Đời của ai dũng cảm hy sinh, Những người lao động quang vinh, Chúng ta làm chủ đời mình từ đây - Tố Hữu. Đây cũng chỉ là mơ ước, trong thời điểm hiện nay là ảo vọng).
Nhưng cũng có cái có thật, nhưng trong quan hệ nào đó lại trở thành ảo (thí sinh đăng kýý thiý thật, nộp tiền đăng kýý thật, song không thi nên là thí sinh ảo, quan hệ trên mạng, chát với nhau hàng ngày là có thật, song không hề gặp mặt). Như vậy, con người chúng ta thực sự đang sống trong nhiều mối liên hệ mang tính ảo. Đó chính là một bản chất trong đời sống con người.
Còn cái kỳ? Cái kỳ chính là cái lạ được đẩy đến mức cao độ. Cho nên trong phạm vi của cái kỳ ảo chúng ta thấy có cái thần kỳ, cái quái, linh, dị, ảo, diệu… Trong dân gian, cái kỳ ảo hiện hình trong những câu chuyện kể từ đời này truyền cho đời khác. Đó chính là nguồn gốc của văn học kỳ ảo.
Con người còn biết tưởng tượng và ước mơ - cái kỳ ảo trong văn học còn tồn tại:
Trong tự sự, có một loại truyện mà trong đó cái thần kỳ trở thành quy luật tất yếu của câu chuyện. Chúng ta chẳng mảy may hồ nghi làm sao có nồi cơm ăn hết lại đầy của chàng Thạch Sanh, củ cà rốt biến thành chiếc hài kim cương lộng lẫy cho nàng Lọ Lem… Đó là các truyện thuộc về thế giới của truyện thần thoại hay cổ tích thần kỳ. Cái ảo còn kết hợp với cái kỳ lạ, hoang đường, kinh dị, tức là những cái được đẩy xa hơn nữa theo tư duy lôgíc thông thường, những tác phẩm thiên về những yếu tố kỳ ảo này thường được xếp vào khuynh hướng lãng mạn như các truyện Truyền kỳ đời Đường, Liêu Trai chí dị, Truyền kỳ mạn lục, Thánh Tông di thảo… Trong những loại truyện thuộc khuynh hướng này, người ta nói chung cũng chấp nhận cái kỳ ảo như một lôgic chung của thế giới nghệ thuật truyện.
Loại trừ loại khoa học viễn tưởng như kiểu truyện của Guyn Vecnơ, còn một loại truyện kỳ ảo khác, đó là loại truyện mà trong đó, mọi sự kiện về cơ bản đều tuân theo lôgic của khuynh hướng hiện thực, nhưng lại có yếu tố bất bình thường, kỳ lạ, quái dị, không giải thích được xen vào. Những yếu tố bất bình thường ấy được các nhà nghiên cứu phương Tây về văn học kỳ ảo nhận định như sau:
Cái kỳ ảo có đặc trưng là sự thâm nhập bất ngờ cái bí ẩn vào đời sống hiện thực [P. G. Castex, Truyện kỳ ảo ở Pháp, 1951, 8. Theo C. Todorov, Dẫn luận về văn học kỳ ảo, bản tiếng Nga, 1997, 17].
Cái kỳ ảo về bản chất là sự hiện diện của cái bất khả tri trong khuôn khổ những quy luật đã được chấp nhận. Cái kỳ ảo là cái không giải thích được bằng những quy luật thông thường [Theo Ngô Tự Lập, Minh triết của giới hạn, Nxb Hội Nhà văn, 2005, 161-162].
Cái kỳ ảo là sự vi phạm quy tắc bất biến, phá vỡ tính cố định của thế giới (R. Caillois), là cái để gọi tất cả những gì trái ngược với kinh nghiệm và với các nguyên tắc lýý tính, những gì đưa lại một trật tự mới, một kích thước mới (M. Schneider) [Theo Lê Nguyên Cẩn, Cái kỳ ảo trong tác phẩm Ban-dắc, Nxb Giáo dục, 1999, 13-14].
Theo C. Todorov [1997, 17-20] trong thế giới có quy luật của chúng ta, xuất hiện những điều kỳ dị, lạ thường xảy ra không theo những quy luật có thể giải thích được của chính thế giới đó. Đó chỉ có thể là một trong hai cách giải thích. Một là, đó hoàn toàn là những ảo giác góp phần diễn tả những bản chất khó nắm bắt của hiện thực. Hai là, đó chính là một phần của hiện thực, nhưng là cái hiện thực được dẫn dắt không theo quy luật của đời sống thông thường.
Từ đó, dẫn tới sự phân vân, nghi ngờ (C. Todorov) của chính người đọc: có thực sự tồn tại những điều như vậy không, hay đó chỉ là những yếu tố ngẫu nhiên như trong Miếng da lừa (Bandắc), Cái mũi (Gôgôn), Thần vệ nữ thành Ille (Mêrimê), Con đầm pích (Puskin), Cái đầm ma (G. Xăng), Hoá thân (Kápka), Và một ngày dài hơn thế kỷ (Aimatốp)…?
Truyện kỳ ảo có rất nhiều môtíp: những vật linh diệu, người sống với hồn ma, ma trêu người, người bị quả báo nhỡn tiền, người bị ma trêu cợt, người biến thành vật, người được báo mộng, người lạc vào xứ tiên, người bị chết vì có một điều gì đó liên quan tới những giao kèo mang tính trả giá, người sống trong cõi mộng, mộng mà như thật, giao tiếp với người ở bên ngoài trái đất, người ở thế giới khác… Văn học kỳ ảo phương Đông và phương Tây đều có những môtíp như vậy.
Xét về mặt chức năng nghệ thuật, cái kỳ ảo có những vai trò như sau:
1-    Cái kỳ ảo diễn tả quan niệm về một thế giới khách quan phức tạp, đa chiều, khó giải thích
2-    Cái kỳ ảo nhằm thể hiện tính phức tạp của thế giới tinh thần con người, đặc biệt phần tưởng tượng, khát vọng, mơ ước, tâm linh
3-    Cái kỳ ảo giúp phá bỏ mọi ràng buộc của hiện thực để vươn tới cái khái quát và tượng trưng hoá
4-    Cái kỳ ảo nhằm mục đích nghệ thuật: gây lạ hoá hình tượng
Đấy là nói về cái kỳ ảo trong tự sự, còn trong trữ tình, cái kỳ ảo ra sao? Trong thơ trữ tình, có rất nhiều cái ảo, nhưng kỳ ảo thì không có nhiều. Cái kỳ ảo trong tự sự xuất hiện nhiều vì cái được miêu tả là thế giới khách quan, người ta nói về một thế giới bên ngoài người kể chuyện, hoàn toàn có thể phát huy trí tưởng tượng phóng túng, miễn sao nói được điều mà tác giả muốn nói. Còn trữ tình bắt nguồn từ những tình cảm và trạng thái có thực của con người. Những mối dây liên hệ với cõi thực hoàn toàn không thể tách rời. Vì vậy, về lýý thuyết, trong thơ trữ tình chúng ta ít gặp những yếu tố kỳ ảo. Tuy nhiên, trong thơ ca lãng mạn, tượng trưng, từ Bôđơle đến Bích Khê, Hàn Mạc Tử, hay từ thưở Khuất Nguyên, Lýý Bạch, chúng ta cũng thấy có những yếu tố kỳ ảo như con người đang bay cùng với trăng sao, hội tụ cùng những con người huyền thoại, thế giới được tạo thành từ cõi nhạc, cõi ánh sáng huyền diệu… Đấy có thể coi như là những dấu hiệu của cái kỳ ảo trong thơ lãng mạn, tượng trưng.
Còn đối với loại thơ hiện thực, cái kỳ ảo thường gắn với thế giới tâm linh và những khát vọng tinh thần với nhiều môtíp trữ tình như: giấc mơ, hồi ức về một miền quá vãng cực kỳ đẹp đẽ, và bởi vì nó đẹp quá, cho nên nó hoá thành cái ảo, mong manh, không bao giờ gặp lại nữa, cái đẹp đến nỗi như chỉ có trong giấc mơ hay như trong truyện cổ, những mơ ước về một thế giới đẹp đẽ như trong truyện cổ tích, cái thực nhưng được tái hiện với những kích thước phóng đại, phi thường… Ở đây, có lẽ, cái kỳ ảo chuyển sang cái huyền diệu.

2- Cái huyền diệu trong thơ ca Hàn Quốc
Dịch giả Nguyễn Quang Thiều, người dịch tập thơ Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, (Nxb Hội nhà văn, 2002) từ tiếng Anh sang tiếng Việt, có viết đạiý ý: Mẫu số chung trong thơ ca của họ là nỗi cô đơn, là khát vọng sống mãnh liệt, là những giấc mơ huyền diệu của con người ở ngay trong bóng tối của tội ác, của vô cảm, và sự nhơ nhớp của một giai đoạn lịch sử nhất định.
Các nhà thơ được nhắc đến trong tập thơ này đều là những người sinh vào những năm 30, 40 của thế kỷ XX. Con đường thơ ca của họ vụt sáng trong thời kỳ đất nước Hàn Quốc đang lâm vào thời kỳ của chiến tranh, đói nghèo, độc tài, máu đọng, bùn lầy… Nhưng nảy sinh trên hoàn cảnh đó, là những khát vọng sống mãnh liệt và cả những giấc mơ huyền diệu, nơi cái đẹp vẫn tồn tại, như là những biểu hiện sức sống bất diệt của những tâm hồn Hàn Quốc.
2.    1  Nỗi đau của tâm hồn được thăng hoa trong những giấc mơ huyền diệu
Cả tập thơ, gồm hơn 200 bài thơ, không có một bài nào vui. Bài thơ nào cũng thấm một nỗi buồn đau, dường như vô tận. Bởi nó nảy sinh trên một thời kỳ lịch sử đau thương, đói nghèo, giết chóc. Đó là thời kỳ mà con người luôn phải mang theo chiếc mặt nạ hiện thân cho sự xu nịnh, giả dối: Đêm đêm tôi sửa chữa những chiếc mặt nạ / Cất giấu nơi tối tăm / Và mỗi ban mai tôi chọn cho tôi một chiếc mặt nạ (Park Je Chun). Đó là thời của những tội ác, sát nhân, xiềng xích, lưu đày, giam cầm: Không một tấc đất / Không một quả đồi nào / Lại không từng thấm máu buồn đau (Ko Un); Trong những giấc mơ bất tận tôi đã trở về / Đầy nước mắt khổ đau / Chảy theo ánh trăng buốt lạnh (Kim Chi Ha); Hãy lắng nghe tiếng khóc / Lắng nghe tiếng thét gào / Những móng tay bết máu / Cào lên những bức tường (Shin Kyung Rim). Đó là thời kỳ của những đói nghèo, bệnh tật, lừa dối, vô cảm: Một thế kỷ trong tâm hồn người / không tổ quốc / không bạn bè / không con đường cho ta lựa chọn (Ko Un); Một nhà thơ sinh ra từ khe hở của tội ác / Của lừa dối, của sát nhân, của bạo lực và điên loạn / Trong một góc tối tăm của thế giới này /..Những trái tim vô cảm cào xé trái tim nhà thơ cho đến chết (Ko Un), Và bên ngoài tấm gương / Tôi thấy một thế giới đau buồn (Park Je Chun).
Còn sự cô đơn, trong tập thơ, chỉ có những nỗi buồn lặng lẽ và sự cô đơn đến kiệt cùng. Tất nhiên, thơ ca là sự thổ lộ, nhưng ở đây, sự thổ lộ này đau đớn và cô đơn đến nỗi, lời thơ chỉ là lời tâm sự cho chính mình, chứ chẳng thể nào chia sẻ được với người khác: Nỗi cô đơn và buồn đau tôi gánh chịu một mình / Giờ hãy hát lên / Hát trước khi mặt trời lặn / Bài ca của nỗi đau / Bài ca của tuyết đầu mùa (Ko Un); Đã có những tháng năm cây sáo sậy từng khóc âm thầm / Và nó nhận ra cuộc sống chính là / Khóc âm thầm lặng lẽ ở bên trong (Shin Kyung Rim); Nỗi đau buồn xuyên thủng trái tim (Kim Chi Ha).
Đấy chính là những nỗi đau âm thầm như chính nhà thơ Hũu Thỉnh đã viết trong Lời giới thiệu tập thơ: “Và trong im lặng, tôi thấy vang lên những cung đàn náo nức và buồn bã về cuộc đời, về lớp lớp thời gian phủ trên các ngọn núi tuyết, về cái đói, về nỗi khổ đau và về nỗi khắc khoải của số phận con người”.
Từ đói nghèo, đau thương, bùn lầy, máu đọng, tù ngục, xích xiềng ấy, con người hướng tới những giấc mơ huyền diệu hái từ những ảo giác, hồi tưởng, khát vọng. Giấc mơ là nơi đưa con người sang thế giới khác, thế giới của những cái đẹp vĩnh cửu. Không phải ngẫu nhiên mà các nhà thơ thường nhắc đến những cơn mơ ban đêm với ánh trăng tràn ngập và hương hoa táo nồng nàn (Park Je Chun); dòng sông mùa hạ là hình ảnh bất diệt của tuổi trẻ cũng đẹp như giấc mơ, nơi dòng nước đổ vào lấp lánh những cơn mơ, đôi bờ từ từ trôi vào lễ hội của giấc ngủ, vẻ lộng lẫy của thế gian lúc hoàng hôn (Ko Un).
Trong giấc mơ đó, cái đẹp hiện về với dáng vẻ lộng lẫy, đẹp đến không ngờ. Đó là hình ảnh của hàng trăm ngôi sao đêm đêm được gửi vào bầu trời, là bầy chim được thả vào miền trời bát ngát, là con tàu chở ánh trăng ra biển, là cánh diều trên bầu trời xanh thẳm, là dòng sông chảy đến chân trời (Park Je Chun).
Trong mơ, cái đẹp được thăng hoa, phóng đại với những kích thước kỳ vĩ: hoa nở miên man, vách đá khổng lồ, hoa đỗ quyên trôi kín bầu trời, rực hồng trong thung lũng (Kang Kyu Kim); Tiếng chuông gió mùa thu khổng lồ (Ko Un). Cái đẹp còn được tạo thành bởi những ảo giác. Nhìn thế giới bằng con mắt của ảo giác, con người dường như nhìn được vào cõi vô tận, vô biên: Khi tôi nhìn qua một chiếc kính lúp/ tôi thấy ở đó có một thế giới không phải thế giới chúng ta đang sống / Khi tôi nhìn vào giọt nước, có 84 000 con chim trú ngụ trong đó nhìn tôi / Khi tôi dùng một chiếc kính lúp để nhìn qua một chiếc kính lúp, tôi thấy mùa thu vô tận đợi chờ (Park Je Chun).
 Cái đẹp luôn đi liền với cái bí ẩn như những điều mà cả cuộc đời, con người luôn khao khát, kiếm tìm. Vì thế, con người luôn nhớ tới Linh sơn của mình, ngọn núi huyền bí, chỉ tồn tại trong tâm linh, một tâm linh của một tuổi thơ trong suốt, chưa hề vướng bụi bặm của thế gian. Linh sơn ảo mờ trong ký ức chính là giấc mơ của con người, nơi khao khát suốt đời được tìm đến, như những khát vọng không bao giờ đạt tới, như những cái đẹp không bao giờ với tới. Đó là nơi chốn để con người mong muốn, khát khao: Trong kýý ức ấu thơ tôi, mọc lên một ngọn núi huyền bí nơi cố hương. Đó là ngọn Linh sơn chưa ai trèo lên đó. Và cũng chưa ai nhìn thấy đỉnh núi bao giờ… Trong đêm ngọn Linh sơn ảo mờ.
 Vào những đêm trời không mây và ánh trăng trong vắt, chúng tôi thấy hiện lên trong khoảnh khắc ngọn Linh sơn, nhưng cũng không thể hình dung đỉnh núi cao đến tận nơi nào.
 Và một ngày tôi chợt khát khao nhìn thấy ngọn Linh sơn-ngọn núi mà chưa bao giờ vắng bóng trong trái tim tôi. Tôi trở lại cố hương và kinh hãi nhận ra ngọn Linh sơn đã hoàn toàn biến mất. Một già làng không quen biết nói với tôi: Nơi đây không có ngọn núi ấy bao giờ (Kang Kyu Kim).
Giấc mơ là nơi con người đối diện với những niềm khao khát, hy vọng và sự hiện diện của thế giới tâm hồn chính mình: Đêm đêm tôi hạ thuỷ những con tàu mới đóng/ Những con tàu nhỏ bé, tràn ngập ánh trăng và ánh sáng của nước (Park Je Chun). Con tàu đó là hình ảnh của hy vọng. Rồi hình ảnh một dòng sông cứ trôi miên man trong giấc mơ, chuyển lưu những bờ mê hy vọng, tiếng dòng sông chảy là tiếng vọng của tâm linh (Park Je Chun).
 Trong cô đơn, lặng lẽ, đau khổ và hy vọng, con người gửi tâm hồn đến bầu trời và các vì sao: Trong bề bộn công việc hàng ngày, có lúc tôi bất chợt nhìn lên / Tôi lại thấy cánh diều bay trên bầu trời xanh thẳm…/ Cánh diều giống biểu tượng của giấc mơ / Giấc mơ mà chúng ta âm thầm nuôi dưỡng (Park Je Chun). Thật tuyệt vời, nếu tôi là một con chim, mặc bộ quần áo màu xanh da trời, chỉ để đợi một khoảnh khắc ban mai, ánh mặt trời chiếu sáng, xuyên thủng những đám mây đen, đó là hạnh phúc (Kim Chi Ha). Nỗi đau của tâm hồn bay lên bằng những giấc mơ huyền diệu.

2.    2  Giấc mơ ấy đã giải thoát con người khỏi bóng tối của sự tuyệt vọng và suy tàn.
Bên cạnh cuộc sống đói nghèo, giết chóc, khổ đau: Khi những ngọn gió xuân thổi tới / Cây Suyu già than khóc / Nhìn xuống con đường dẫn đến Seuol / Đầy dấu máu của chúng ta đã chảy (Shin Kyung Rim); Có lẽ hai mươi năm sau, cố hương tôi vẫn cũng không có gì thay đổi / Nghèo đói như khói sương phủ kín những ngôi nhà (Shin Kyung Rim), là một đời sống mang tính huỷ diệt : Lãng quên cha mẹ, lãng quên con cái/… Rồi mỗi ban mai thức dậy / Thấy bầu trời và mặt đất / Tràn ngập những điều đã chết (Ko Un); Đã từ lâu chúng ta bỏ mọiý ý nghĩ bay lên / Giờ trong tháng năm này / Chúng ta thậm chí không buồn chạy / Máu chúng ta mỗi ngày thêm nguội lạnh (Kang Kyu Kim). Nhưng sức sống vẫn tồn tại bất diệt: Tuyết sáng chói trên đỉnh đồi Song Ja dong, cháy lên như niềm hy vọng của con người đang bị chôn sống trên đồi với một mũi dao đâm vào lưng (Kang Kyu Kim); Một con thuyền chở mặt trời về thả neo trên bến / Ban mai trải dài bãi cát / Nơi đêm qua bóng tối phủ đầy / Những con sóng dịu dàng vỗ vào bờ cát / Đàn bà và trẻ con chạy đùa bên mép sóng (Kang Kyu Kim); Những ngọn cây bị chặt cụt từ lâu…/ Đang trổ ra những chiếc lá diệu kỳ (Kang Kyu Kim).
Giấc mơ và cái đẹp của cuộc đời chính là nơi cứu vớt tâm hồn con người: Đêm rạng ngời khi tôi thắp lửa / Ngọn lửa tôi nhóm lên và đã gửi đi / Như những ngôi sao trên bầu trời lấp lánh (Park Je Chun). Cái đẹp được chắt chiu và thăng hoa từ cuộc sống thường ngày: ánh sáng mùa xuân là ngôi sao, là âm nhạc, là bầy chim mang ánh sáng bay về phía chân trời (Park Je Chun). Hình ảnh một con cua chết vì đi tìm tự do: trong xác chết của nó ánh sáng lấp lánh của khát vọng tự do toả ra (Kang Kyu Kim). Cái đẹp là hiện thân của cái dịu dàng, niềm hy vọng và sự sống.
Hoá ra, gần như tất cả vẻ đẹp được miêu tả, hầu hết đều là những vẻ đẹp trong giấc mơ. Trong ánh sáng đổ xuống, từ bầu trời xanh trong những cơn mơ (Kang Kyu Kim). Trong giấc mơ, con người thoát ra khỏi những gông xiềng cùm giữ: Tôi đứng dậy và lên đường / Để trở thành đám mây trôi không bờ bến / Nơi vầng trăng lặn xuống, mọc lên / và bất chợt khi mặt trời thức dậy / Sương trắng dâng lên / Hoa thục quỳ nở rộ / Tôi đợi chờ hoà vào / Những đám mây lang thang /Trên những miền trời xa lắc / Lúc ban mai (Kim Chi Ha)
Những hình ảnh đó, theo Park Je Chun, đó là giấc mơ của cuộc sống này / Và đó chính là phép màu huyền diệu.
Phép màu huyền diệu ấy đã giúp con người đứng vững trong cuộc đời.
Khi đối diện với cái đẹp như những biểu hiện thăng hoa của mọi niềm mơ ước, khát khao, con người lấyý lại dũng khí của mình qua bao mất mát, khổ đau và mong muốn cuộc đời vẫn còn đó những gì tốt đẹp, như những điểm tựa chở che của tâm hồn, vươn lên trên cõi thực hoang tàn. Đó chính là: Ngọn lửa tôi lấy ra từ giấc ngủ / Vượt qua hàng rào sang thế giới khác (Park Je Chun).

***
Con người không thể sống thiếu ước mơ. Ước mơ chính là dấu hiệu của sự phong phú về mặt tâm hồn, mở đường cho những điều kỳ diệu trong chính cuộc đời. Đất nước Hàn Quốc giờ đã khác xưa, không còn đói nghèo, xiềng xích, giết chóc, đau thương… Nhưng những nỗi đau một thời không thể phai mờ. Chính những con người biết ước mơ trong khổ đau ấy, đã làm cho đất nước hoàn toàn thay đổi, làm nên những “điều kỳ diệu bên bờ sông Hàn”, những điều kỳ diệu như chỉ có trong giấc mơ vậy.
______________
Tài liệu tham khảo:
1. Beong Cheon-yu, Two pioner-Han Yong-un & Ii Kwang-su of modern Korean literature, Wayne state University Press, Michigan, 1992
2. C. Todorov, Dẫn luận về văn học kỳ ảo, bản tiếng Nga, Nhà sách Tri thức, Matxcơva, 1997
3. Lee Ki-baik, A new history of Korea, Harvard University Press, Massachusetts, 1984
4.  Lê Nguyên Cẩn, Cái kỳ ảo trong tác phẩm Ban-dắc, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 1999
5. Ngô Tự Lập, Minh triết của giới hạn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2005
6. Nguyễn Quang Thiều, dịch và giới thiệu, Năm nhà thơ hiện đại Hàn Quốc, Nxb Hội nhà văn, 2002

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020