Nghiên cứu khoa học

“Yêu ngôn” (Nguyễn Tuân ) – hành trình đi tìm cái đẹp trong cái kì ảo


15-10-2020
Tác giả: PGS.TS. Lê Lưu Oanh – Nguyễn Thùy Dương

Nguyễn Tuân, người nghệ sĩ, đã không ngừng đi tìm cái đẹp trên những hành trình xuyên không gian và thời gian. Với không gian, ông khám phá những vẻ đẹp của đất nước, con người. Với thời gian, ông nghiêng về những vẻ đẹp của một nền văn hóa xưa cũ … Nhưng dường như vẫn chưa thỏa, “phải đi tìm một thế giới khác để được sống mãnh liệt, nồng nàn, cuồng nhiệt, phát huy tận độ cá tính của mình” (Nguyễn Đăng Mạnh), Nguyễn Tuân còn tìm đến cái đẹp trong thế giới huyền bí, mờ ảo, xa xôi, kì lạ. Mạch truyện Yêu ngôn (Yêu ngôn, Nxb Hội nhà văn, 2000) đã bộc lộ một con đường độc đáo: con đường đi tìm cái đẹp trong cái kì ảo.

Cái đẹp gắn với cái kì ảo là những cái đẹp không bình thường, kì lạ. Trong văn học thế giới, đó là cái đẹp gắn với thế giới thần linh (cung quảng, vườn đào tiên, rượu trường sinh bất lão, hoa thơm, cỏ lạ), với những nhân vật thần tiên (tiên nữ, Hằng Nga, nữ thần tình yêu, sắc đẹp), với những vật linh diệu (tấm thảm bay, đôi hài bảy dặm, tiếng đàn đuổi giặc), với những con người siêu việt (Héc Quyn, Thánh Gióng, Thạch Sanh), với thế giới huyền diệu ở những xứ lạ (thủy cung, xứ hoa đào, vương quốc bướm…), và các nhân vật ma trong Truyền kì mạn lục, Liêu Trai chí dị… Cái đẹp của Nguyễn Tuân trong Yêu ngôn cũng trên cùng văn mạch đó, nhưng có những màu sắc riêng.

Đọc Yêu ngôn, ta nhận thấy, cái đẹp là cái lộng lẫy, rực rỡ, siêu phàm, được thăng hoa, phóng đại, với những kích thước kì vĩ. Đó là cái đẹp thuộc về thế giới tiên cảnh: thế giới này thật lung linh, huyền ảo, đầy hoa thơm cỏ lạ, đầy màu sắc, ánh sáng, nơi con người trẻ mãi không già. Từ cỏ cây hoa lá cho đến những vật dụng phục vụ đời sống hàng ngày đều tràn đầy hương sắc, đầy quyến rũ: ở trên ấy đẹp lắm, ngày tháng thì dài mà không thấy sốt ruột, hoa quả lành ngọt và thơm … Có cái lạ là không phải nấu nướng gì, những thứ nhân đá xanh vàng…cứ đập rời ra, bốc bỏ mồm là đủ hương vị một hạt cơm, một hạt xôi rồi. Nhân đá trắng thả vào những gióng tre đằng ngà khổng lồ đựng nước suối, đem uống với nhau, thấy ngà ngà mà say, lâng lâng mà khuây vợi lòng tha hương…. Nơi chốn ấy cũng thật khác thường, tận đỉnh cao của núi Tản, từ đó thấy được cái mênh mông, vời vợi, hun hút: đứng ở mái đền Thượng mà nhìn xuống, trông được cả khói ở kinh thành Thăng Long. Thấy rõ cả cái chợ Giời ở núi Sài… rừng Tải thấm hút không hết làn sương núi. Sương cành trên đọng gieo xuống cành dưới. Đến được thế giới ấy con người cần có sự trợ giúp của thần linh: Cả đoàn người cứ thấy bay lên, cứ chọc thủng các lớp mây. Bên tai hiệp thợ phi hành, chỉ có gió vù vù (Trên đỉnh non Tản).

Bên cạnh đó, cái đẹp là cái tinh hoa của trời đất và con người kết tụ. Chuyện Bố Ô không đơn giản là chuyện uống rượu, mà là sự thưởng thức tinh hoa của trời đất được chưng chất, là sự thưởng thức bằng cả tâm hồn, thỏa mãn cả trí tuệ chứ không chỉ vị giác (Rượu bệnh). Giấy họ Chu có những phẩm chất đặc biệt, chính vì được làm từ cây dó, loại cây mang linh hồn một cô gái hoá ngọc (Xác ngọc lam). Cây đàn của Chánh Thú phát ra những âm thanh tuyệt diệu, huyền hoặc, bởi lẽ tang đàn làm bằng nắp ván thôi cỗ quan tài một người con gái đồng trinh… (Chùa Đàn). Đó là những cái đẹp gắn với những phẩm chất tinh xảo của vật dụng được nâng lên mức huyền hoặc.

Là cái được kết tinh nên cái đẹp có sức nội sinh mạnh mẽ, dẫu có khi bị thử nghiệm hủy hoại nhưng vẫn không hề suy xuyển: một bức cổ hoạ vẽ tướng Hàn Kỳ ngồi đọc binh thư bên ngọn bạch lập… châm lửa vào đầu nến trong tranh bức hoạ sẽ sáng bừng lên mà tranh vẫn nguyên vẹn (Lửa nến trong tranh). 

Vậy nên, cái đẹp mang tính huyền bí, siêu việt. Như những bảo bối, vưu vật của mỗi gia đình, dòng họ, hội nghề, không thể lưu truyền ra bên ngoài, quá trình sáng tạo và chiếm lĩnh cái đẹp (dù là trang giấy, bức tranh, bản đàn, đến đền đài, cung điện,…) cũng là quá trình đầy bí ẩn và linh thiêng, gắn với với thiên cơ, gắn với lời nguyền, có sự phụ trợ của thần linh, thậm chí yêu ma. Tiếng hát của cô Dó (hồn cây Dó) càng hay thì giấy Chu Hồ càng bóng đẹp. Trong thế giới kì ảo trên Non tiên, những người thợ chạm khắc làm nghề mộc mà như đang sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật, trong một không gian thiêng liêng như một cuộc hành lễ. Họ trổ tài nghệ dưới sự bảo trợ của thần non Tản và những bí mật của họ là những bí mật không thể chia sẻ, nếu vi phạm sẽ bị thần linh trừng phạt. Tiếng đàn kì lạ của Bá Nhỡ như có sự nhập đồng của hồn ma Chánh Thú. Khi kết hợp hai tài năng cự phách về đàn, nghệ thuật thăng hoa, chạm đến cõi huyền diệu, nhưng cũng báo hiệu cái chết đang đến gần. Phải chăng quá trình sáng tạo cái đẹp là quá trình vật lộn với muôn ngàn khó khăn thử thách thậm chí đánh đổi cả bằng tính mạng?

Bởi cái đẹp là tinh hoa của trời đất và con người, nên để chạm đến cõi đẹp, con người phải có những năng lực kì lạ, có tài hoa, có thiên lương và niềm đam mê mãnh liệt. Những nhân vật của Nguyễn Tuân, dù là người bình thường như người cai ngục, ông lái đò, người thợ mộc, người kép hát, người uống rượu… nhưng đều là con người đặc biệt kì lạ, có lối sống thanh cao, luôn luôn giữ gìn bản chất lương thiện trong sáng, có lòng dũng cảm cao quí… , những phẩm chất thể hiện cái đẹp của tâm hồn. 

Trước hết, họ là những con người rất mực tài hoa: tài chạm khắc như những người thợ mộc (Trên đỉnh non Tản), tài gẩy đàn như Bá Nhỡ (Chùa Đàn), tài thưởng thức tranh của Lê Bích Xa (Lửa nến trong tranh), tài văn chương như hai anh em Đầu Xứ Anh và Đầu Xứ Em (Khoa thi cuối cùng), tài hát hay đàn giỏi, đánh trống rất tròn và đĩnh đạc lại giỏi chữ nghĩa, chép bài tỳ bà bằng “chữ viết lối triện” rất đẹp, tài làm nên những chiếc roi chầu cực quý giá của ấm Đái (Đới roi). 

Tài hoa ấy, thần linh cũng phải ngưỡng mộ: Hiệp thợ mộc được thần non Tản mời lên giúp việc trùng tu lại ngôi đền, một công việc đòi hỏi sự tài hoa khéo léo bởi thế giới tiên cảnh này mọi cái đều tuyệt mỹ (Trên đỉnh non Tản)

Họ còn là những con người có thiên lương cao đẹp. Bố Ô dù là kẻ nghiện rượu, bề ngoài có vẻ kì quặc, lại có hành động nghĩa hiệp, dám chống lại cường quyền. Một mình ông dám xông vào dinh quan thượng, kẻ quyền trấn một góc trời lấy đầu thiên hạ dễ như bỡn, la hét đòi thả một cô gái quê bị cậu ấm con quan bắt vào hãm hiếp. Cậu ấm Đái dù rơi vào hoàn cảnh bần cùng, vẫn tỏ ra khảng khái đến mức thà thắt cổ chết để làm con ma tài tử chứ không chịu nhục sống nhờ lòng thương hại của một đào nương. Bá Nhỡ có ngón đàn thật hay, nhưng phải che dấu thân phận vì bị quy trọng tội. Để giữ tính mệnh anh phải bỏ đàn. Một hôm nào đó anh sẽ chơi lại nhạc, vừa để thỏa mãn niềm đam mê vừa trả nợ ân tình với ông chủ, dù bây giờ chơi đàn sẽ đồng nghĩa với cái chết. 

Thậm chí, những con người ấy còn có khả năng thiên bẩm đặc biệt: thông linh nhập thần, tức nối kết với cõi huyền diệu bằng tâm linh, bằng đam mê, bằng tài hoa, bằng tâm hồn cực kì nhạy cảm. Thậm chí, Nguyễn Tuân còn cho rằng, chỉ có những con người có khả năng siêu phàm, có giác quan thứ sáu, hay có khả năng thông linh mới có thể sáng tạo và thưởng thức cái đẹp. Ông Kinh họ Trịnh vào một đêm bắt được thứ âm thanh kì lạ : ông chỉ thấy tiếng gió lùa qua lỗ tre là một thứ thanh âm đủ cung bậc quái đản của một thứ nhạc huyền bí tấu từ thế giới u linh nào lạc về (Loạn âm). Cậu Năm nghe được các cung bậc của tiếng hát ma mị: nghe tiếng cô Dó hát mà mang máng như lối trong giáo phường đọc phú và nhiều khúc thì lại có cái âm luật xốc vác của thơ cổ phong năm chữ ngâm bằng một giọng bi tráng khê nồng của người khách hiệp gặp đường cùng. Đến một đọạn sau thì dài hơn, trong trẻo như pha lê. Và vui như tiếng thông reo giữa trời nổi gió. Có rờn rợn chăng là đoạn cuối của bài hát, nó lơ lớ ấm ế ôi a như lối ma hời đưa võng ru con.. (Xác ngọc lam). 

Cái đẹp bởi thế, có những khả năng huyền diệu: làm dịu đi nỗi đau của con người, đưa con người vào một cõi khác, nồng nàn hơn huyền ảo hơn … Âm nhạc không chỉ là thứ đơn giản diễn tả niềm vui hay nỗi buồn, mà còn có sức mạnh kì lạ: Bá Nhỡ muốn tiếng đàn của mình giúp cho ông chủ qua khỏi cơn đau buồn. Ông Kinh nghe sáo bụi tre ngõ nhà tưởng đâu như khúc địch thiên thai. Bố Ô uống rượu vào mà như đi vào cõi khác, lãng quên đời sống phàm tục… Có lẽ Nguyễn Tuân muốn chỉ ra rằng chỉ có nghệ thuật (cái đẹp) mới cứu rỗi con người, giúp khôi phục lại tâm hồn, trí tuệ con người

Nhưng cái đẹp lại là cái khó tri âm. Không phải ai cũng có khả năng thưởng thức cái đẹp, nhất là cái đẹp lại ẩn dấu ở một thế giới mờ ảo, xa xôi và kì lạ. Trong “Xác ngọc lam”, nghe tiếng hát huyền bí vẳng lên từ cây dó, cậu Năm phục mãi mới gặp được cô Dó, nàng tiên làm nên chất giấy tuyệt vời của cây dó. Bóc đi lớp vỏ hoang đường li kì này, chúng ta nhận thấy một thông điệp: cái đẹp không dễ kiếm tìm, phải cất công lặn lội và trân trọng mới cảm nhận được. Đồng thời phải có tấm lòng tri ngộ mới có thể thưởng thức và thẩm thấu cái đẹp. Tiếng hát của cô Dó thật bí ẩn, huyền hoặc, thậm chí còn đem đến những khiếp đảm sợ hãi cho những ai nghe được tiếng hát ấy. Như vậy cái đẹp thuộc về thế giới bí ẩn mà con người không giải thích được.

Không những không giải thích được mà cái đẹp là cái không dễ chia sẻ. Không phải ai cũng biết giá trị thật của các loại bút, mực và giấy để dùng trong những khoa thi, không phải ai cũng nhìn được vẻ đẹp của các bức tranh cổ, không phải ai cũng biết bí mật của việc làm giấy Chu Hồ, không phải ai cũng nhìn chiếc đàn mà biết nó sẽ phát ra những âm thanh tuyệt diệu. 

Phải chăng vì ít kẻ tri âm nên cái đẹp còn là cái yểu mệnh mong manh, dễ bị hành hạ, vùi dập phũ phàng. Trong “Lửa nến trong tranh”, ruột tranh bị đánh tráo, người thưởng thức tranh chỉ biết ngậm ngùi luyến tiếc. Trong “Xác ngọc lam”, ông Chiêu Hiện hối hận vì trót thờ nhầm phải một người có nhân cách xấu xa, đã quyết từ chối mọi tặng phẩm của tên bạo phú để trở về quê chịu chết trong cảnh nghèo, bởi cái người ông tôn thờ đã chà đạp lên cái đẹp, giết chết cái đẹp. Ông ngộ ra một điều, cái đẹp phải được trân trọng, người thưởng thức phải nâng niu cái đẹp ấy nếu không nó sẽ tan biến mất. Và cũng không thể bắt cái đẹp nô lệ cho thoả mãn lòng ích kỷ của mình. Cảnh cô Dó chết chính đã chứng minh cho điều ấy. Đặt cái đẹp ở cõi trần tục, giữa những con người tầm thường không thể thấu hiểu và chia sẻ, cái đẹp ấy sẽ tàn lụi và chết yểu.

Từ những quan điểm trên ta có thể rút ra được nguyên tắc mỹ học của Nguyễn Tuân, nghệ thuật là cái tuyệt đối, bí ẩn và đầy sáng tạo. Với Yêu ngôn, nhà văn có phần huyền bí hóa nghệ thuật. 

***

Nguyễn Tuân đã bất tử hoá cái đẹp bằng những câu chữ của mình.

Yêu ngôn chính là lời ma, vì thế, Nguyễn Tuân còn cố gắng thể hiện cái đẹp qua cái kì ảo, thậm chí ma mị với những kì cảnh, kì hình, kì sự, kì nhân, kì duyên, kì tình, kì âm, kì ngôn

Cảnh của Yêu ngôn trước hết thuộc về một thế giới xưa cũ, nói như Nguyễn Đăng Mạnh “có một cái gì đó như là linh hồn ngàn xưa của đất nước phảng phất ở trong trang viết về cảnh núi non sông nước hay cảnh phố phường chợ búa, về nghề làm giấy làng Hồ Khẩu bên Tây Hồ, về nghề làm mộc làng Tràng thôn tỉnh Đoài, về nghề cất rượu ngon vùng tả ngạn sông Nhĩ Hà, về mùa thi cử “hoa hoè nở vàng” đất Sơn Nam, về cảnh buôn bán đi về tấp nập từ bến Bồ Đề qua Ô Quan Chưởng vào Kẻ chợ, đất Kinh kỳ… (Nguyễn Đăng Mạnh – Lời giới thiệu Nguyễn Tuân và Yêu ngôn, Yêu ngôn, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội, 2000). Cảnh Tản Viên Ba Vì hiện lên như trong cõi mộng đẹp một cách thuần khiết và trong trẻo. Rồi cảnh ma: hãy xem cảnh trường thi hiện lên đầy ma quái, rùng rợn với hình ảnh báo oán; hình ảnh rừng dó với những âm thanh bí hiểm; hình ảnh quái đản ngập máu khi Bá Nhỡ chơi đàn; cảnh ông Kinh nghe tiếng nhạc ma. Từ cảnh trần nhà văn đưa người đọc đến cảnh tiên và kết thúc là cảnh ma quái. Từ kì cảnh Nguyễn Tuân đã nâng lên thành yêu cảnh.

Có ba loại kì nhân. Thứ nhất là loại kì tài: Lãnh út, Lê Bích Xa, Đới Roi, Bá Nhỡ, cô Tơ, Chánh Thú. Họ đều chung một điểm là có khả năng vượt trội. Từ hành động, lời nói đều biểu hiện của nghĩa cử cao đẹp hay lối sống cứng cỏi đầy khí phách hoặc có sở nguyện yêu cái đẹp. Tuy nhiên họ luôn luôn sống trong môi trường thử thách khắc nghiệt. Tài hoa tinh anh phát tiết, khả năng siêu phàm của họ hun đúc cho cái đẹp đạt đến đỉnh cao nhưng cũng là bi kịch cuộc đời họ. Cậu ấm Đái tiêu cả cơ nghiệp vào tiếng đàn giọng hát. Lúc ở dương gian đã thế, khi chết đi hồn phách vẫn không chịu rời bỏ chốn thanh lâu, đêm đêm vẫn đánh trống chầu trên những mái nhà nơi hàng viện. Trong “Chùa Đàn” đoạn Bá Nhỡ đánh đàn, cô Tơ hát và Lãnh út đánh trống, ở đó cái đẹp như được thăng hoa. Nguyễn Tuân đã miêu tả con người tài hoa sẵn sàng dâng hiến sinh mệnh để sáng tạo nghệ thuật: Nắn những đường gân ngang nó gò cong mình xuống đàn nó day thịt da tê cóng trên dây sắc buốt như cật cứa, mấy đầu ngón tay Bá Nhỡ sưng vù và bật máu. Bá Nhỡ đang chịu một nhục hình bá đao tùng xẻo. Nghe phách cô Tơ, ở những khổ rung thưa rồi mau, Bá Nhỡ say sưa trong cái nhận thức là mình đang chết dần giữa đàn hát và mỗi một tiếng trúc tiếng tơ đánh thêm lên là mình lại càng lả dần về cõi chết… Máu chảy ra nhiều quá. Toàn thân Bá Nhỡ đỏ ngòm. áo quần màu trắng của Bá Nhỡ vụt trở lên vóc đại hồng, trông hệt một người phục sức để ăn thượng thọ. … Một tiếng đàn là một miếng thịt lẩy ra. Tí một, tiếng đàn đưa nhau về nơi vĩnh quyết. Cảnh tượng trên đây đâu chỉ còn là một cảnh tượng biểu diễn nghệ thuật bình thường mà còn mang ý nghiã sâu thẳm: niềm đam mê khiến con người có thể chết vì cái đẹp.

Họ còn là những người có hành động kì lạ theo cách nghĩ thông thường. “Loạn âm” là tấm lòng tri âm tri kỷ mến nhau về tài đức, và sâu xa hơn là cái đẹp của những hành động cao quý, của những nghĩa cử, của những con người suốt đời sống thanh cao, liêm chính. Nhìn Bố Ô uống rượu người ta nghĩ đến cảnh con người đang thưởng thức tinh hoa ngọc thực một cách say mê. Khi không thể uống rượu được thì thân xác của Bố Ô cũng hoá ra tro bụi. Lê Bích Xa lại có khả năng thẩm thấu tranh cổ, đặc biệt có thể phân biệt đồ thật, giả bằng đôi mắt tinh tường. Mặc dù bỏ cả khoản tiền lớn mua tranh nhưng Lê Bích Xa sẵn sàng thắp ngọn nến trong tranh cháy lên, mặc dù biết sau đó tranh sẽ cháy, cũng để cho thiên hạ cùng thưởng thức cái đẹp. Ông muốn cái đẹp ấy được san sẻ cho tất cả mọi người.

Còn có những nhân vật tiên, ma. Cô Dó là hồn sống của cây dó. Không còn giấy dó nữa, cô đành phải chết. Cô Dó đã hoá thành khối ngọc bích và giấy Chu Hồ bây giờ đã trở thành một câu chuyện cổ tích về lịch sử làm giấy đẹp ngàn xưa (Xác ngọc lam). Làm đến chức Quan ôn dưới âm mà vẫn giữ đạo bằng hữu cao dày (Loạn âm). Khuôn mặt cô bán hàng sách phảng phất diện mạo ma nữ trả thù (Khoa thi cuối cùng). Kì nhân đã hóa yêu nhân.

Những kì nhân đi liền với kì hình: Bá Nhỡ chỉ còn là một cái bóng. Bóng loãng dần và không động. Bóng cứ nhạt mờ thêm mãi qua cái hôn mê của nỗi thảm tình thương và cô Tơ chỉ còn nhận thấy chỉ còn mỗi một cái chấm sáng trên thân người là còn linh động. ấy là cái mặt ngọc chiếc nhẫn ở ngón tay nắm dây. Tất cả sinh khí một kiếp người chỉ còn gởi có vào một cái mặt nhẫn linh động theo âm đàn. Nhưng mà ngón tay cầm đàn gẩy cũng đã uể oải rồi trên con phím. Rồi bẵng hẳn đi, trong phòng không có một tiếng đàn nào nữa. Như một thứ keo, máu cũ khô quánh đã gắn chặt mười đầu ngón tay Bá Nhỡ vào những sợi tơ đỏ thẫm và mặt tang ngô đồng hoen ố. Mười ngón như một đã bị đóng đinh liền vào phím cây đàn (Chùa Đàn). Cảnh đánh đàn vừa ma quái, rùng rợn vừa thâm nghiêm, vừa bi tráng, đã hữu hình hóa sự nhập thân toàn vẹn của nghệ sĩ vào nghệ thuật. Vậy nên, sáng tạo nghệ thuật hay sáng tạo cái đẹp đâu phải chỉ là thứ giải trí tầm thường bởi mấy ai sẵn sàng đem sinh mệnh mình thử thách chỉ để mua vui. 

Trong “Rượu bệnh” hình ảnh Bố Ô chết cháy thật kì lạ: Ngọn lửa xanh lè vờn lấy mình ông già đang say mềm. Xác Bố Ô nứt đến đâu thì mùi thịt thui ấy thơm lừng như mùi cá mực nướng bằng rượu không có chút gì là hôi khét cả. Và lúc mà lửa đã hoại xong cái xác kia thì cỗ xương ấy bệch ra như thạch cao ải vụn ra trông trắng nhỏ không khác gì thứ bột để luyện những hòn men. Ngửi cái vụn xương vô tự ấy, lại còn thấy thơm và ngây ngất nữa, trong khi dờ tay vào thì nó ấm như tinh bột men. Đấy không phải là chết mà như sự hoá thân tuyệt diệu của một kiếp đời tài tử sống chết vì cái đẹp. 

Những con người ấy may mắn hội ngộ với những kì duyên. Theo quan niệm của đạo Phật thì duyên là sự gặp gỡ, tương giao giữa những tâm hồn của con người và nhờ những cái duyên này mà tạo nên tình bạn hữu, phu thê, phu tử. Tuy nhiên cái duyên trong Yêu ngôn lại diễn ra lạ lùng, bởi nó không chỉ tồn tại trong cuộc sống thực tại của con người mà nó còn có trong mối tương cảm của người sống với người chết (Chùa Đàn), là sự kết duyên của người trần với người tiên (Xác ngọc lam), đó là cuộc tao ngộ của người trần với ma quỷ (Loạn âm). Nhưng xét đến cùng, những cuộc gặp gỡ bất ngờ này cũng là thể hiện cái duyên tri kỉ của những tâm hồn yêu chuộng cái đẹp. 

Để tiếp cận cái đẹp, con người trong Yêu ngôn không giao tiếp với nhau bằng lời, bằng ngôn ngữ mà chủ yếu bằng linh cảm. Đó là khả năng nhận biết bằng trực giác, sự mẫn cảm, bằng giác quan “thứ sáu”hầu như không dựa trên một chứng cớ nào. Cô Tơ linh cảm thấy một điều kì lạ sắp xảy ra khi cây đàn của Chánh Thú đổ mồ hôi vật mình mẩy. Cậu Năm khi nghe tiếng hát từ thân cây dó vẳng ra, quyết nghĩ có người đẹp trong lòng cây và đợi gặp cho bằng được. Cảm thấy gió đêm hè tỏa sương, nghe tiếng chó sủa dồn dập và tiếng sáo ma quái từ bụi tre đầu ngõ vọng tới, ông Kinh Lịch họ Trịnh linh cảm một điều bất an sắp xảy ra với làng quê của mình. Linh cảm là khả năng đặc biệt của con người. Nó thuộc về cõi siêu thức, nằm ngoài vòng kiểm soát của linh tính mà không phải ai và lúc nào con người ta cũng có khả năng kì diệu ấy. Như vậy những mối kì duyên này cũng góp phần lí giải cho những điều bí ẩn xung quanh đời sống tâm linh con người. Từ đó hình thành nên những tâm cảm, tạo ra những khả năng giao cảm với người thân xa cách, với quá khứ và khả năng hòa đồng kì diệu giữa con người với con người, giữa con người với tự nhiên. 

Trong “Loạn âm”, một sự kiện kì lạ xảy ra bất ngờ đối với ông Kinh Lịch họ Trịnh, đó là người bạn quá cố hiện đang làm quan dưới âm biết Diêm Vương sắp gây ra nạn dịch tả vì người muốn bắt nhiều phu xuống âm phủ để đắp đường. Người bạn ấy nể tình riêng muốn giúp ông và gia đình thoát chết. Nhưng con người khảng khái ấy trả lời thẳng thắn: trong cái đời liêm chính của tôi, chưa lúc nào tôi làm điều gì khuất tất trong lòng. Việc quan lớn ra ơn cho là Phú Giang này tôi rất thâm tạ nhưng thực không giám xin cho ai. Xin quan lớn cứ thừa thiên mà hành đạo, việc sống chết của chung quanh tôi, xin quan lớn cứ phải mà làm, và người áo vải này không dám nói thêm vào đó nửa lời. Sắc mặt vị quan ôn bỗng tái hẳn đi. Sự giận dỗi quả đã là rõ rệt, thế huynh thực phụ bụng tôi nhiều quá. Lòng cố nhân ngay thẳng quá, điều đó thực là đáng quý. Miêu tả những cuộc gặp gỡ kì lạ này nhà văn có dịp thể hiện những bí ẩn đời sống tâm linh, niềm tin vào sự bất tử, sự tương thông giữa hai cõi trần âm và tình bạn vĩnh cửu không gì chia cắt, kể cả cái chết.

Với những kì tình như vậy, Nguyễn Tuân muốn khẳng định, dù ở hai thế giới thực hay yêu ma, con người cũng luôn mơ ước, trân trọng những tình cảm cao đẹp. Chuyện tình yêu của cậu Năm và cô Dó quả là mối tình tri kỷ. Sự hy sinh cao thượng của Bá Nhỡ để ông chủ sống lại phần hồn khiến ta kinh ngạc về sức mạnh của lòng tri ân. Và ta càng kính phục hơn trước sự trở về của viên Quan Ôn để báo đáp cho người bạn của mình là ông Kinh Lịch họ Trịnh mà không sợ phạm đến luật trời, sẵn sàng tiết lộ thiên cơ. Đằng sau cái vẻ huyền bí kì ảo ấy là gì nếu như không phải đó là tình người, tình đời thiết tha và bền chặt với thời gian mà Nguyễn Tuân muốn khẳng định? Bởi lẽ, chỉ vì tình tri kỉ thì con người mới dám chết cho nhau.

Cuối cùng, tất cả mọi miêu tả, kể chuyện, giãi bày trên đều trải trên nền của những kì ngôn: Nguyễn Tuân không ngừng nỗ lực đưa ra những mới lạ về chữ nghĩa, về điểm nhìn, về kiểu tu từ… 

Chỉ riêng tả âm thanh, cũng đã vô vàn sắc điệu qua câu chữ.

Tiếng hát cô Dó : cậu Năm là người có chữ nên cậu ngờ rằng điệu hát cô Dó mang máng như lối trong giáo phường đọc phú và nhiều khúc thì lại có âm luật sốc vác của thơ cổ phong năm chữ ngâm bằng giọng bi tráng, khê nồng của người khách hiệp gặp đường cùng. Đến một đoạn sau thì dài hơn, trong trẻo như pha lê và vui như tiếng thông gieo giữa giời nổi gió. Có rờn rợn chăng thì là cái đoạn chót của bài hát. Nó lơ lơ ấm ế ôi a như lối ma Hời đưa võng ru con…; âm thanh lơ lớ và nhịp, lúc mau như khổ dựng giọng nhà Tơ và lúc thưa thì giống hệt lối ngâm thơ Thiên Thai rồi ngân dần dần lên và lại dần dần ngân mà xuống đúng như hơi hát cung bắc lúc đổ con kiến…

Tiếng gió thổi qua bụi tre già: Mỗi đợt gió lùa qua bấy nhiêu lỗ thủng suốt, mỗi lỗ lại vang lên một âm thanh cao thấp khác nhau và bụi tre già đã là một cây phong cầm vang âm trong gió.

Tiếng đàn Bá Nhỡ: Tiếng đàn hậm hực, chừng như không thoát hết được vào không gian. Nó nghẹn ngào, liễm kết cái u uất. Nó là cái tâm sự không tiết ra được. Nó là niềm vang dội quằn quại của những tiếng chung tình. Nó là cái dư ba của bể chiều dứt chân sóng. Nó là cái lả lay nhào lìa của lá bỏ cành. Nó là cái oan uổng nghìn đời của cuộc sống thanh âm. Nó là sự khốn nạn khốn đốn của chỉ tơ con phím….

Tiếng phách của cô Tơ: dồn như tiếng chim kêu thương trên dậm cát nổi bão lốc. Nhiều tiếng tay ba ngừng gục xuống bàn phách, nghe tàn rợn như tiếng con cắt lao mạnh xuống thềm đá sau một phát tên. Tay phách không một tiếng nào nhụt. Mỗi tiếng phách sắc như một nét dao thuận chiều…Cả hát và đàn đang dắt tay nhau sa lầy trên cái mênh mông bùn sũng ngào vỏ ốc, mờ rộng xanh lơ ngút chân giời …

Những câu chữ miêu tả âm thanh sắc ngọt, ma mị đến như vậy, chẳng phải là lời ma hay sao?

***

Qua lăng kính hư ảo của Yêu ngôn, Nguyễn Tuân đã đẩy cái đẹp đến tuyệt đích, nhằm bất tử hoá cái đẹp.

25/5/2014

(nguồn: leluuoanh.wordpress.com

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020