Nghiên cứu khoa học

Điểm nóng của lí luận văn học Trung Quốc những năm gần đây


15-10-2020
Tác giả: Dương Hướng Vinh (Trung Quốc)

Lời người dịch: Việt Nam và Trung Quốc trong sự phát triển văn hóa xã hội nói chung, lí luận văn học nói riêng có nhiều nét tương đồng, tuy nhiên, từ sau cải cách mở cửa 1979 , lí luận văn học Trung Quốc có những bước đột phá ngoài sức tưởng tượng, họ có cả một chiến lược dịch thuật tinh hoa lí luận nước ngoài, và đến cuối thập niên 90, về cơ bản những lí thuyết văn học của phương Tây hiện đương đại đều được dịch và nghiên cứu tại Trung Quốc. Thế nhưng họ cũng vấp phải không ít những khó khăn cần phải khắc phục. Hội thảo này ít nhiều đã nói lên những điểm “nóng” trong nghiên cứu lí luận văn học ở Trung Quốc hiện nay. Qua những thông tin này, người dịch hi vọng độc giả Việt Nam cùng nghiền ngẫm về những vấn đề của nghiên cứu lí luận văn học trong nước.

Từ ngày 22 đến ngày 24 tháng 6 năm 2012, Hội thảo toàn quốc về “Vấn đề chủ chốt hiện nay trong phát triển lí luận văn học” do Viện Văn học và Báo chí Đại học Tương Đàm kết hợp với Viện văn học và Truyền thông Báo chí Đại học Cát Thủ đã diễn ra thành công tốt đẹp. Đến dự có 30 chuyên gia đến từ 10 trường đại học như Đại học Nam Kinh, Đại học Tề Nam, Đại học Tương Đàm, Đại học Cát Thủ, Đại học Tây Nam, Đại học Sư phạm Hồ Nam, đại học Trùng Khánh, Đại học Khoa học Kĩ thuật Hồ Nam, Đại học Sư phạm Quý Châu và Viện giáo dục Tô Châu…, các học giả đã thảo luận sôi nổi xoay quanh vấn đề những hiện tượng nổi bật trong phát triển lí luận văn học và nhìn lại việc xây dựng hệ thống tri thức văn nghệ học.

  1. Hiện tượng nổi bật trong lí luận văn học

Từ những năm 80 của thế kỉ 20 cho đến nay, dưới sự ảnh hưởng của phương Tây, giới lí luận văn học Trung Quốc đổ xô nghiên cứu Chủ nghĩa hiện sinh, Phân tâm học, Mĩ học tiếp nhận, Chủ nghĩa cấu trúc…, khiến không ít người phải than vãn về tình trạng “thất ngữ” của lí luận văn học nước nhà. Hiện nay, trong điều kiện toàn cầu hóa ảnh hưởng ngày một sâu rộng, sự phát triển của lí luận văn học càng cần có một cái nhìn quốc tế, vì chỉ có tích cực thâm nhập vào vấn đề học thuật mang tính toàn cầu đang được quan tâm thì mới có thể trực tiếp tiến hành đối thoại với phương Tây, mới có thể thoát khỏi sự bế tắc do lí luận đơn thuần tạo ra, từ đó mới có thể xây dựng được cơ sở vững chắc cho cách tân lí luận và hướng ra thế giới bên ngoài. Chu Hiến (Đại học Nam Khai) đã điểm qua những vấn đề trọng điểm của lí luận phương Tây. Ông xuất phát từ quan điểm của nhà lí luận uy tín Jonathan Culler, cho rằng hiện nay các vấn đề mà giới học thuật phương Tây quan tâm là: Tự sự học, Jacques Derrida, Chuyển hướng luân lí học, Phê bình sinh thái, Lí luận hậu nhân loại, trở lại với mĩ học…Theo ông, Tự sự học can thiệp sâu rộng vào khoa học, đặc biệt là kết hợp với kĩ thuật thông tin, có thể đem điện ảnh, truyền hình… dung nhập vào phạm vi nghiên cứu, từ đó giải quyết hạn chế của Tự sự học truyền thống, mở ra không gian phát triển to lớn; khi mà Foucault và Lacan đang dần bị đẩy ra bên lề thì nhà nghiên cứu Hậu hiện đại Jacques Derrida đã dần dần chiếm vị trí trung tâm; chuyển hướng Luân lí học đã làm lật đổ hàng loạt các đối lập nhị nguyên trong cuộc sống, mang đến những vấn đề nghiên cứu thú vị, như chính trị văn hóa trong nghiên cứu văn học, đọc lại kinh điển, quan tâm đến quan hệ giữa con người và tự nhiên, xã hội…; cùng với sự nhức nhối của vấn đề sinh thái và vấn đề nhìn nhận lại Chủ nghĩa nhân loại trung tâm luận, sự hưng khởi của Mĩ học sinh thái không còn nghi ngờ gì nữa đã mở rộng lĩnh vực nghiên cứu của lí luận văn học; “phạm trù trang trí”[1] do sự phát triển của kĩ thuật tạo nên đã làm thay đổi trí tuệ, hành vi, nhận thức của con người, khiến con người bước vào thời kì “hậu nhân loại”[2], lí luận “hậu nhân loại” sẽ có một không gian nghiên cứu rộng lớn; cùng với sự phát triển của chủ nghĩa hình thức mới và chủ nghĩa duy mĩ mới, quay trở lại với mĩ học cũng trở thành một trào lưu đáng lưu ý. Chu Vận (Viện giáo dục Giang Tô) xuất phát từ lí luận sản xuất văn hóa của Bourdieu tiến hành nhìn lại quan hệ phức tạp của phái Tiền phong và thị trường, nhấn mạnh sự cách tân của phái Tiền Phong, một mặt bao hàm phê phán và phủ định chế độ hóa và thương phẩm hóa nghệ thuật, biểu hiện cụ thể là lập trường cấp tiến phản thị trường, phản đại chúng; mặt khác nó lại tồn tại cùng với nguyên tắc vận hành của thị trường. Chu Kế Võ (Đại học Nam Kinh) tiến hành phân tích tác phẩm nổi tiếng “Kết thúc của nghệ thuật” của nhà phê bình nghệ thuật người Mĩ Arthur Danto, cho rằng “Kết thúc của nghệ thuật” là sự khái quát về giai đoạn phát triển của nghệ thuật phương Tây trên ý nghĩa bản thể luận, kế thừa những tư tưởng nghệ thuật và triết học của nhiều học giả khác. Chu Kế Võ cho rằng thông qua phân tích vấn đề cơ bản và manh mối hình thành của vấn đề này sẽ nảy sinh các tư tưởng mới về vấn đề nghệ thuật làm tiền đề cho giải thích các vấn đề nghệ thuật. Dương Hướng Vinh (Đại học Tương Đàm) tiến hành giải phẫu sự cấu thành ý nghĩa của vấn đề “thời thượng” trong lĩnh vực luân lí xã hội, cho rằng từ lâu trong lí luận về “thời thượng”, “thời thượng” được coi là biểu trưng cho phẩm vị giai cấp, là sự xác lập thân phận cá nhân, thể hiện chức năng phân biệt giai cấp. Nhưng lí luận thời thượng sau này, trên cơ sở xây dựng cấu trúc chức năng xã hội, lại muốn cải chính cấu thành chức năng phân biệt giai cấp của “thời thượng”, nhấn mạnh cấu thành ý nghĩa chức năng lựa chọn của tập thể thời thượng. Trong xã hội hiện đại, “thời thượng” thể hiện một đặc trưng quan trọng của tính hiện đại thẩm mĩ: “tính tạm thời” hoặc “cảm giác hiện tại” của cuộc sống, nhưng sự theo đuổi cái tân kì của “thời thượng” lại thể hiện ra một nghịch lí: trong cấu thành tự ngã của thời thượng có xu hướng giải cấu tự ngã. Ngoài ra, dựa theo giải thích thẩm mĩ của Kant để nhìn nhận vấn đề “thời thượng”, ý nghĩa mang tính hiện đại thẩm mĩ mà “thời thượng” cấu thành còn thông qua nới rộng cự li với đời sống để thực hiện sự lật đổ đời sống bình lặng thường ngày, tiến đến cứu rỗi thẩm mĩ cho cá thể. Lưu Trung Vọng (Đại học Tương Đàm) lấy nghiên cứu của Cù Thu Bạch làm ví dụ, cho rằng gần 10 năm nay trong nước và ngoài nước từ văn hóa cánh tả, tiến trình tư tưởng Trung Quốc, lí luận nước ngoài… đã sâu sắc hóa nghiên cứu tư tưởng văn nghệ của Cù Thu Bạch, nhưng hiện nay nếu sử dụng cách nhìn liên ngành, nghiên cứu chỉnh thể, so sánh…thì đối với tư tưởng của ông vẫn còn không gian rộng lớn để nghiên cứu. Đỗ An (Đại học Sư phạm Quý Châu) tiến hành phân tích lí luận tính chủ thể của Nietzche và chủ nghĩa hậu hiện đại, nhấn mạnh rằng trong tư tưởng của Nietzche, chủ thể là sản phẩm của ý chí quyền lực, gợi ý cho tư tưởng hậu hiện đại dùng Phổ hệ học thay thế bản thể luận, lấy mô hình sự khác biệt của lực học thay thế mô hình thống nhất siêu hình học. “Chủ nghĩa góc nhìn” của Nietzche đã loại bỏ “mô hình độ sâu”, phản đối “đại tự sự”, mang đến vũ khí phương pháp luận nhằm giải phẫu và khám phá chủ thể cho những nhà hậu hiện đại. Nietzche kết hợp phê phán tính chủ thể với phê phá tính hiện đại, mang đến cho lí luận phê phán chủ thể hiện đại và hậu hiện đại hai mô hình phê phán.

  1. Nhìn lại cấu thành tri thức văn nghệ học

Sang thế kỉ mới, cùng với sự hưng khởi của nghiên cứu văn hóa, một loạt các mệnh đề khoa học liên ngành đã trở thành điểm “nóng” của giới văn nghệ học, trong văn nghệ học dần dần xuất hiện xu hướng mở rộng biên giới và mở rộng khoa học. Cùng với sự ngoại biên hóa của văn học, sự hưng thịnh của văn hóa đại chúng, sự phát triển của lí luận văn học hiện nay sẽ đi về đâu khi phải phải đối mặt với nghiên cứu chuyển hướng văn hóa? Làm thế nào để vẽ lại bản đồ khoa học văn nghệ học trong điều kiện khuếch trương của khoa học? Trước mắt, lối thoát trong cấu thành tri thức văn nghệ học là gì? Những vấn đề này cũng là chủ đề quan trọng của hội thảo. Lý Thủy Hà (Đại học Tương Đàm) xuất phát từ lí luận văn học chủ nghĩa Mác cho rằng những phạm trù như toàn cầu hóa, tính hiện đại, phê phán văn hóa… đã mở rộng nghiên cứu lí luận văn học Mác xít, nghiên cứu văn học trong tình thế mới vừa phải làm mới phạm trù truyền thống, vừa phải khám phá ra phạm trù mới, như vậy mới có thể kích hoạt sinh mệnh của lí luận quá khứ, thúc đẩy sự phát triển của lí luận văn học. Triệu Tịnh Dung (Đại học Tề Nam) lại kết hợp kinh nghiệm thực tập sinh tại Mĩ của mình, từ tầng diện phương pháp nghiên cứu nhấn mạnh nghiên cứu lí luận văn học cần phải dựa vào triển khai văn bản chứ không được bàn vo về lí luận; cần phải tích cực thâm nhập vào đời sống chứ không được bàng quan đứng ngoài; phương thức tư duy cần phải đa dạng tránh cứng nhắc; cần phải xuất phát từ tình hình trong nước chứ không chỉ đơn thuần theo đuổi phương Tây. Âu Dương Hữu Quyền (Đại học Trung Nam) cho rằng sự giảm bớt của đội ngũ nghiên cứu văn học truyền thống, sự bất cập của thể chế học thuật, đặc biệt là sự hưng thịnh của văn học số… khiến nghiên cứu văn học hiện nay đứng trước nguy cơ trùng trùng. Văn nghệ học phải chuyển đổi là điều tất nhiên, không chỉ cần mở rộng biên giới khoa học, kết hợp văn học và cuộc sống, phi văn học và các khoa học khác; còn cần phải tiến hành làm mới học thuật, cả phạm trù khái niệm lẫn mệnh đề lí luận đều phải biến đổi theo thời đại; còn cần phải làm mới hơn ý thức học thuật, tích cực ứng phó với hiện thực văn học mới. Tiếu Vĩ Thắng (Đại học Tây Nam) nhấn mạnh sự quan tâm quá mức của nghiên cứu văn học đối với hình thái ý thức, chính trị đã làm mất đi sự mẫn cảm nghệ thuật, ông lấy vấn đề thân phận làm ví dụ, cho rằng quan hệ giữa người và động vật, người và kĩ thuật có thể làm thay đổi kết cấu tâm trí của con người, đồng thời cũng làm thay đổi vấn đề thân phận. Ông chỉ ra, sự phát triển của lí luận văn học hiện nay nên chú trọng tính liên ngành, không thể chỉ hạn chế ở trong khung lí luận văn học truyền thống. Vương Hữu Lượng (Đại học Sư phạm Trùng Khánh) lấy “Phê bình mới” làm làm ví dụ phân tích ba chiều tồn tại trong lí luận văn học, cho rằng cách hiểu của giới lí luận văn học Trung Quốc đối với lí luận văn học có một khuynh hướng là “đơn thuần hóa”, chỉ lí giải và nắm bắt lí luận văn học trên tầng quan niệm. Khuynh hướng này kìm hãm sự cách tân lí luận và sự ra đời của lí luận, và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng và trình độ của chúng ta trong việc tiếp thu lí luận phương Tây. Vương Hữu Lượng lấy phê bình mới Anh Mĩ làm ví dụ, nhấn mạnh lí luận văn học không phải là một chiều đơn chất, mà là không gian ba chiều, như chiều quan niệm, chiều phương pháp, chiều vấn đề. Chỉ nhận thức được tính đa chiều của lí luận văn học thì mới có giá trị cho việc tiếp thu lí luận, sản sinh lí luận và đổi mới lí luận. Lý Thắng Thanh (Đại học Khoa học Kĩ thuật Hồ Nam) trước thực trạng nghiên cứu văn nghệ học quá coi trọng nghiên cứu Tri thức luận, không chú trọng nghiên cứu Giá trị luận đã đề xuất nên phát triển nghiên cứu văn học chú trọng đến con người, chú ý đến đời sống hiện thực. Đồng Cường (Đại học Nam Kinh) xuất phát từ sự phân biệt giữa lí luận văn học Trung Quốc và phương Tây, đề xuất nghiên cứu lí luận văn nghệ nên coi trọng tính kế thừa lịch sử của lí luận và nên kết hợp lí luận với đối tượng nghiên cứu cụ thể. Lưu Hàm (Đại học Cát Lâm) cho rằng sự giải thích của con người đối với thế giới khiến lí luận văn nghệ ra đời, nhưng lí luận lại có sự kích động, thăng hoa lên thành cái phổ quát đã dẫn đến thần thoại hóa lí luận, mà thần thoại hóa lí luận thì sẽ rất dễ thoát li hiện thực, vì thế cần phải không ngừng điều chỉnh lí luận, làm mới sự phát triển của nó. Vương Viên Ba (Đại học Tương Đàm) cho rằng, sự phát triển của lí luận văn học hiện nay cần tích cực xâm nhập vào thực tiễn văn hóa thường nhật, mà điện ảnh vừa kết hợp được nhiều nhân tố của các ngành nghệ thuật khác, như tiểu thuyết, kịch, mĩ thuật, âm nhạc… vừa là hoạt động thương mại triệt để; vừa trực tiếp liên hệ với xã hội, lịch sử, văn hóa, chế độ, hình thái ý thức… vừa quan hệ mật thiết với đời sống thường nhật của mỗi cá thể./.

Đỗ Văn Hiểu

Bài đã đăng trên Văn nghệ trẻ

(Dịch từ tiếng Trung, Theo Tạp chí khoa học Đại học Khoa học Kĩ thuật Hồ Nam, chuyên san về Khoa học xã hội, số 6 năm 2012, trang 184-185)

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020