Nghiên cứu khoa học

Ca thi và đại cáo trong thơ Tố Hữu


15-10-2020
Tác giả: Lã Nguyên

Nhìn chung, từViệt Bắc, nhất là ở các tậpGió lộng, Ra trận, Máu và hoa, thơ Tố Hữu là hình thức tổng hợp của các mô thức tu từ. Trong sáng tác của ông vừa có tiếng nói hướng thượng cung kính của “chúng con”, của “chiến sĩ đồng bào”cất lên từ phía dưới, vừa có tiếng nói trang trọng, “quyền uy” của “ta”, “Chúng ta”, của Đảng, Lãnh tụ, của Tổ quốc vang lên từ ở bên trên. Bốn mô thức tu từ Thệ - Hịch - Ca thi - Đại cáo tương ứng với tương quan cấp độ của các chủ thể trong sự kiện giao tiếp và hệ thống phân vai trên bức tranh thế giới như những thẩm quyền diễn ngôn trong sáng tác của Tố Hữu. Chúng thực sự biến thi pháp sáng tạo thành thi pháp của cái điển mẫu, mang lại vị thế quyền lực cho diễn ngôn văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

1.Ca thi. Khái niệm này có nội hàm tương đương với phạm trù “Tụng” trong mĩ học phương Đông, hoặc “Ode” của mĩ học phương Tây. Nó là thơ tán dương, ca ngợi. Tố Hữu bắt đầu viết ca thi từ năm 1946. Các bài Hồ chí Minh, Huế Tháng Tám, Vui bất tuyệt in trong Từ ấy là những tác phẩm ca thi đầu tiên của ông. So với Từ ấy, số lượng ca thi trongViệt Bắc nhiều hơn. Đêm xanh, Cá nước, Lên Tây Bắc,Sáng tháng năm, Ta đi tới, Việt Bắc… là những áng ca thi đặc sắc của thơ ca Cách mạng. Đặt nhan đề cho tập thơ được sáng tác sau ngày hòa bình lập lại là Gió lộng (1955 - 1961)  với câu đề từ rút từ bài Mẹ Tơm“Gió lộng đường khơi rộng đất trời!”, Tố Hữu đã hé lộ để người đọc nhìn thấy một thời đại ca thi thực sự đã được mở ra. Kể từ đây, cùng với “hịch”, ca thi trở thành mô thức tu từ chủ đạo trong sáng tác của ông.

Như đã nói, Tố Hữu làm thơ là để phục vụ và tuyên truyền Cách mạng. Thơ ông là thơ trữ tình chính trị[1]. Toàn bộca thi trong sáng tác của ông không vượt ra ngoài giới hạn của ba loại chính ca đã trở thành điển phạm: Đảng ca,Lãnh tụ ca và Cách mạng ca.

Đảng calà thơ ca ngợi Đảng. Hai bài thơ đầu tiên của Tố Hữu lên tiếng ca ngợi Đảng là Từ ấy (1938) và Con cá chột nưa (1940). Hồi ấy, có lẽ do hoàn cảnh hoạt động bí mật, nhà thơ chỉ nói tới “Mặt trời chân lí” (“Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lí chói qua tim”)và“Đôi mắt thần: chủ nghĩa”(“Tôi sẵn có trong mình. Đôi mắt thần: chủ nghĩa”). Phải đến sau Cách mạng tháng Tám, ông mới hô vang giữa chiến khu Việt Bắc: “Không gì vinh bằng chiến đấu dưới cờ. Đảng chói lọi Hồ Chí Minh vĩ đại”. Năm 1960, Tố Hữu viết trường ca Ba mươi năm đời ta có Đảng. Tác phẩm vừa là bản diễn ca Đảng sử,  vừa là màn hợp xướng ngợi ca “Đảng chói lọi”. Từ đây, ông trở thành thi sĩ hàng đầu của dòng Đảng ca trên bầu trời văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thơ ông chuyển tải không mệt mỏi tới người đọc một đại tự sự: Đảng là trí tuệ, là văn minh, là người phát động phong trào, tổ chức nên mọi thắng lợi, cứu dân, cứu nước, biến giấc mơ ngàn đời của những kẻ nô lệ thành hiện thực:

Nghìn năm giấc mộng đêm ngày

 Ba mươi năm Đảng, hôm nay có mình.  

Lãnh tụ calà thơ suy tôn lãnh tụ. Năm 1946, Tố Hữu viết bài Hồ Chí Minh và trở thành thi sĩ Việt Nam đầu tiên sáng tác Lãnh tụ ca. Năm 1952, ông viết bài Sáng tháng năm nổi tiếng. Năm 1969, Tố Hữu khóc Bác bằng bài Bác ơi, một năm sau, ông cho ra đời trường ca Theo chân Bác. Ngoài Hồ Chí Minh, Tố Hữu còn viết về Stalin (Bài ca tháng Mười, Đời đời nhớ ông), Lênin (Trước Kremlin, Với Lênin, Lều cỏ Lênin). Tôi tin, ở Việt Nam, cho đến nay, chưa một nhà văn hay nhà thơ nào viết về lãnh tụ có sức lay động lòng người mạnh mẽ như Tố Hữu. Có điều, chỉ cần đọc qua, ai cũng thấy, những vần thơ suy tôn lãnh tụ của ông không nói với ta điều gì mới mẻ ngoài những tri thức một thời ta đã được học, đã được biết, ví như, Bác Hồ là “tinh hoa của dân tộc”, là bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”, Bác vĩ đại, mà giản dị, suốt “một đời thanh bạch chẳng vàng son”, Người là “Ngọn đuốc thiêng <…> đi trước, nghìn sương muôn tuyết. Dắt dìu dân nước Việt Nam ta”. Nói như thế để thấy, không phải nội dung, mà chính là lớp tu từ đã tạo nên sức hấp dẫn cho những vần thơ suy tôn lãnh tụ của Tố Hữu.

Cách mạng calà thơ ca tụng Cách mạng. Trong sáng tác của Tố Hữu, đây là bộ phận có khối lượng lớn nhất và nó thường dựa vào các tứ thơ được lặp đi lặp lại như những mô thức dễ nhận biết. Trước hết, phải kể tới một tứ lớn:“Biển sống trào lên thành đại hội”. Lần đầu nó được mở ra trong bài Vui bất tuyệt:

Biển sống trào lên thành đại hội

Muôn màu vũ trụ kết hoa đăng

Xôn xao mặt đất trăng là trăng

Chảy xiết Ngân hà, muôn sao vàng rực

Mặt trời đỏ huyền kì mọc lên, ôi náo nức

Nhạc trân gian cuồn cuộn bốc hồng trần!

Đây là tứ thơ lấy cảm hứng trực tiếp từ không khí của những ngày Tổng khởi nghĩa năm 1945 ở Huế và có nguồn cội từ luận điểm nổi tiếng của C. Mác: “Cách mạng là ngày hội của quần chúng”. Về sau, nó trở thành tứ thơ trung tâm, làm nên linh hồn của Cách mạng ca trong sáng tác của Tố Hữu. Về điểm này, có lẽ không cần nói gì thêm, vì trên kia tôi đã chứng minh: Tố Hữu không chỉ mô tả Cách mạng như ngày hội lớn của dân tộc, mà còn sử dụng ngôn ngữ hội hè để kiến tạo bức tranh thế giới, biến cả thế giới thành vũ hội Cách mạng.

Một tứ thơ khác: “Đời ta gương vỡ lại lành. Cây khô cây lại đâm cành nở hoa”. Đó là tứ thơ nói về sự hồi sinh của cả một dân tộc được Cách mạng cứu rỗi. Lần đầu tiên nó được thể hiện bằng cảm hứng sục sôi trong bài Huế tháng Tám:

Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gong xưa đã gẫy

Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi!

Nhà thơ đã sáng tạo ra một ẩn dụ độc đáo để thể hiện sự hồi sinh: suốt bốn nghìn năm dân tộc chỉ còn là lồng“ngực lép”, nay được “cơn gió mạnh … thổi phồng lên”:

Chừ đây Huế, Huế ơi! Xiềng gông xưa đã gẫy

Ngực lépbốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh

Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời.

Cái tứ nói về một dân tộc nô lệ, một thế giới đã “chết”, nay được Cách mạng “hồi sinh”, vụt đứng lên thành người tự do, cao lớn sẽ còn lặp đi lặp lại hàng mấy mươi lần bằng những ẩn dụ và các hình ảnh tượng trưng khác nhau trong nhiều bài thơ của Tố Hữu, ví như: Ta đi tới (“Mẹ ơi lau nước mắt. Làng ta giặc chạy rồi. Tre làng ta lại mọc. Chuối làng ta xanh chồi”), Lại về(“Hà nội ơi, Hà nội! Cay đắng tám năm ròng. <…> Bây giờ đây lại là đây. Quốc kì đỉnh tháp, sao bay mặt hồ…”), Xưa…nay (“Xưa là rừng núi là đêm. Giờ thêm sông biển, lại thêm ban ngày”), Quê mẹ (“Huế không buồn nữa, Huế ta ơi. Nước mắt trăm năm đã hé cười”), Quang vinh Tổ Quốc chúng ta (“Khổ trăm năm, cực mấy nghìn năm <…> Ta đứng dậy hai tay giải phóng”), Ba mươi năm đời ta có Đảng (“Thở nô lệ dân ta mất nước <…> Ta đã đứng nên người độc lập. Cao bằng người nào thấp thua ai?”). Cái tứ này còn được Tố Hữu sử dụng để nói về sự hồi sinh của Ba Lan:“…Vác-sa-va ấm nắng ban trưa. Nét vàng lịch sử vừa tươi lại. Trong cuộc hồi sinh tạnh gió mưa” (Em ơi…Ba Lan), của Trung Quốc: “Trung Quốc đó. Sức thanh xuân bừng dậy. Có phải chăng xưa nàng tiên nữ ấy. Mấy nghìn năm đầy đọa tháp Lôi Phong. Vươn mình lên rực rỡ dưới cờ hồng”(Đường sang nước bạn), của Liên Xô và cả nhân loại:“Thuở Anh chưa ra đời <….> Đêm ngàn năm man rợ <…> Từ khi Anh đứng dậy.Trái đất bắt đầu cười...”(Bài ca tháng mười), “Những xác chết nằm không nhắm mắt <…> Đã sống lại làm người được sống. Đã đứng lên vĩnh viễn là người” (Bay cao)… Có thể nói, đây là tứ thơ làm nên nội dung cốt lõi của Cách mạng ca trong sáng tác của Tố Hữu.

“Đời trẻ lại. Tất cả đều các mạng”. Có một thiên đường mặt đất ở quanh ta (“Miền Bắc thiên đường của các con tôi”). Đó là tứ thơ nổi lên trong Gió lộng. Nó ca tụng Cách mạng ở thời đại mới.Ở thiên đường này không còn đói nghèo (“Rũ sạch cô đơn, riêng lẻ, bần cùng”. “Hết khổ rồi, em nhỉ Hỉ Nhi ơi. Em mặc áo hoa, em đi hài ấm”), rất tự do, đầy hòa thanh hòa điệu (“Rất tự do nên tượi nhạc tươi vần”. “Người yêu người sống để yêu nhau” ), người hóa thành thiên thần(“Từ kiếp vượn hỗn mang nguyên thủy (…) Ta đứng trên trái đất làm người (…) Như thiên thần bay giữa trăng sao”), tương lai rộng mở, đời từ nay thế là có hướng đi: “Gió lộng đường khơi rộng đất trời”Ra trậnngợi ca Cách mạng bằng một tứ thơ khác: “Lịch sử chọn ta làm điểm tựa”, “31 triệu nhân dân” ào ào “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, phơi phới một niềm tin“làm người lính đi đầu”.

Bàn về Cách mạng ca trong sáng tác của Tố Hữu, không thể không nhắc tới có một loạt bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của các loại tình cảm cách mạng, ví như tình “tiền tuyến hậu phương – quân dân cá nước” (Cá nước), tình son sắt thủy chung giữa miền xuôi và miền ngược, người kháng chiến với chiến khu cách mạng(Việt Bắc). Ông cũng có nhiều bài thơ ca ngợi vẻ đẹp của quần chúng Cách mạng, như chú bé liên lạc (Lượm), anh bộ đội cụ Hồ thới kháng chiến chống Pháp (Giữa thành phố trụi), người chiến sĩ giải phóng quân thời chống Mĩ (Tiếng hát sang xuân), chị lao công (Tiếng chổi tre), hoặc các anh hùng liệt sĩ (Người con gái Việt Nam, Hãy nhớ lấy lời tôi). Nhưng có lẽ Tố Hữu thành công hơn cả trong việc dựng tượng đài cho các bà mẹ  Cách mạng Việt Nam, ví như Bà má Hậu Giang (Bà má Hậu Giang), bà bủ (Bà mẹ Việt bắcBà bủ), bà bầm (Bầm ơi), mẹ Suốt (Mẹ Suốt), mẹTơm (Mẹ Tơm) với nhiều hình ảnh giàu sức khơi gợi: “Nước non muôn quí ngàn yêu. Còn in bóng má sớm chiều Hậu Giang”; “Bầm ra ruộng cấy bầm run. Chân lội dưới bùn, tay cấy mạ non”; “Ngẩng đầu mái tóc mẹ rung. Gió lay như sóng biển tung trắng bờ…”; “Buồng mẹ - buồng tim – giấu chúng con (…). Sống trong cát, chết vùi trong cát. Những trái tim như ngọc sáng ngời”  

Trong “Ca thi” của Tố Hữu, đối tượng ca tụng là Đảng, Lãnh tụ và Cách mạng. Chủ thể phát ngôn ở đây chỉ có thể là “con”, “chúng con”, hoặc là “ta”, “chúng ta” hiểu theo nghĩa là “chiến sĩ đồng bào”: “Con nghe Bác tưởng như lời non nước. Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau”. “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta. Ta bỗng lớn ở bên người một chút”. “Ca thi” là tiếng nói hướng thượng. Giống như “Thệ” và “Hịch”, nó là tiếng nói của không gian “tôn ti”. Tuy nhiên, giữa chúng có một điểm khác biệt cơ bản.  “Thệ” và “Hịch”là những tiếng nói thể hiện xu hướng chính trị hóa văn nghệ.  Xu hướng thẩm mĩ hóa chính trị lại là đặc điểm quan trọng nhất của “Ca thi”. Nó sử dụng rộng rãi ngôn ngữ hình tượng để tác động vào trực cảm, trực giác. Ta hiểu vì sao “Ca thi” của Tố Hữu dồn mọi nỗ lực để kiến tạo hai loại hình thượng: hình tượng thị giác và hình tượng thính giác.

Vẽ tranh là cách tốt nhất để tạo ra hình tượng thị giác. Nhà thơ mời gọi: “Anh hoạ sĩ làng Hồ, lại đây anh, mà vẽ”. Ông trầm trồ: “Nước non mình, đâu cũng đẹp như tranh”. Đọc “Ca thi” của ông ta như được tận mắt nhìn thấy một bức tranh với mấy nét vẽ cơ bản.

Nét thứ nhất: vẽ động thái của đối tượng ca ngợi bằng cặp động từ “đi”, “đi tới” và “bay”, “bay lên”. Trong thơ Tố Hữu, ai cũng như đang “đi tới” (“Yêu biết mấy những con người đi tới), đôi tay hóa thành “hai cánh” (“Hai cánh tay như hai cánh bay lên), lòng người phấp phới “bay” (“Ta đi đây, lòng ta như bay), đất nước là “cỗ xe trăm mã lực khổng lồ” do “Bàn bàn tay thần diệu của Bác Hồ. Cầm chắc lái, bay trên đường vạn dặm, tất cả đều như đang “đi”, “đi tới”, “bay”, “bay lên”, “bay giữa trăng sao”. Về điểm này, tôi đã trình bày trong phần nói về “ngôn ngữ hội hè”, nên sẽ không bàn luận gì thêm.

Nét thứ hai: vẽ ra hình sắc của vũ trụ. Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử nhận xét tinh tế về ngôn ngữ giàu hình ảnh và màu sắc trong thơ Tố Hữu. Ông phát hiện: “hình ảnh ngôn từ trong thơ Tố Hữu thể hiện một thế giới đang“bừng sáng, bốc cháy, nóng bỏng”. Tố Hữu “thích nói đến mặt trời chân lý, mặt trời lên, đỏ như sao hoả, sáng sao kim, chói lọi khối sao băng, cả địa cầu thành ngôi sao, muôn vạn vì sao dẫn đường”. Theo nhà nghiên cứu, Tố Hữu “thích dùng những hình ảnh nóng cháy - ngọn đuốc thiêng liêng, tim ta làm ngọn lửa…”, vì thế, “cả thế giới trong thơ Tố Hữu, ngoại trừ bọn phản động, tất cả đều phát sáng”[2].

Nét thứ ba: dùng các chi tiết ngoại hình “mặt”, “má”, “ngực”, “bàn chân”, “hai cánh tay” để vẽ ra một cơ thể cường tráng. Nó là cơ thể của “Cộng hòa ta nay tuổi mới mười ba”, của “Đất huy hoàng 25 tuổi trẻ”, của “các em”, “các anh”, “các chị”, của “những người trai, những cô gái yêu”.  Tất cả đều trẻ trung “trẻ mãi không già”. Người già nua, tật nguyền không bao giờ xuất hiện trong văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa nói chung, thơ Tố Hữu nói riêng. Mẹ Suốt, hay “các cụ bạch đầu quân” trong thơ Tố Hữu đều “trẻ lại”, “thành cách mạng” để “Lớp cha trước, lớp con sau. Đã thành đồng chí chung câu quân hành”.  Ta hiểu vì sao, nhà thơ thường gắn cơ thể cường tráng của của “cộng hòa ta”, của “đất nước huy hoàng” với “xuân”, “mùa xuân”: xuân đất trời, xuân Tổ quốcvà cả “xuân nhân loại”. Nổi bật trên cơ thể cường tráng kia là“mặt người rạng rỡ”, “Gương mặt người, ai cũng sáng long lanh”. Và trên gương mặt “rạng rỡ” ấy bao giờ cũng ửng lên đôi má “bồ quân” (“Ngơ ngác trông quanh lạ mấy lần. Hỏi thăm cô gái má bồ quân), “má hây hây” (“Hỡi em đi học, hây hây má tròn), “má hồng” (“Ga mới hồng đôi má. Cầu mới thơm mùi sơn”) “má đỏ dậy” (“… Có gì vui đấy. Hỡi em yêu? Mà má em đỏ dậy?” ) “má đỏ thắm” (“Em nói, em cười, má em đỏ thắm), “má hường” (Những sắc đẹp đã ửng hường đôi má. Cộng hòa ta nay tuổi mới mười ba”). Hấp dẫn nhất là các chi tiết nói về “lồng ngực” (Đường nở ngực. Những hàng dương liễu nhỏ”. “Giương ngực nở, đi đến bờ bến mới”. “Ngực dám đón những phong ba dữ dội”), “bàn chân”,  ( “Nhữngbàn chân từ than bụi, lầy bùn (…) Những bàn chân của Hóc Môn, ba tơ, cao Lạng (…) Những bàn chân đã vùng dậy đạp đầu…”. “Chânđạp bùn không sợ các loài sên”…), “bắp chân”, “bước chân”,  “đôi vai” (“Bước trường chinh, bắp chân đã vững. Gánh sơn hà vai cứng đảm đương”. “Bước chân ta vững như đồng như sắt”…). Chính những chi tiết như thế làm hiển hiện trước mắt người đọc một cơ thể trẻ trung, cường tráng, ngời ngời sắc xuân, hừng hực sức sống.

Hình tượng thị giác trong thơ Tố Hữu không chỉ là tranh vẽ, mà còn là tượng đài uy nghi, hoành tráng được khắc họa bằng ngôn ngữ khoa trương. Về điểm này, tôi cũng đã nói ở trên, nên không có gì phải bàn thêm.

Hình tượng thính giác cũng tác động mạnh mẽ tới trực giác, trực cảm. Cách tốt nhất để “Ca thi” tạo ra hình tượng thính giác làhô khẩu hiệu. Nhan đề nhiều bài thơ của Tố Hữu tự nó đã là một khẩu hiệu: Hoan hô chiến sĩ Điện BiênVinh quang Tổ quốc chúng ta!”. Người đọc có thể nghe thấy các khẩu hiệu được nồng nhiệt hô vang trong nhiều tác phẩm của ông: Huế tháng Tám (“Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm”), Hồ Chí Minh (“Hồ Chí Minh. Người trẻ mãi không già!”), Sáng tháng Năm (“Việt Nam phải tự do. Thế giới phải hòa bình!”), Hoan hô chiến sĩ Điện Biên (“Hoan hô chiến sĩ Điện Biên!”.), Hai anh em ( “Giữ hòa bình, Tổ quốc chúng ta! …Ngàn năm Triều – Việt một nhà!”), Chào xuân 67 (“Mác – Lênin, vĩnh viễn mặt trơi!”), Bài ca xuân 68 (“Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta!”),Theo chân Bác (“HỒ CHÍ MINH! HỒ CHÍ MINH!”)…

Dĩ nhiên, trong nghệ thuật, hiện thân của hình tượng thính giác là hình tượng âm nhạc. Cốt lõi cấu trúc của hình tượng âm nhạc là giọng điệu. Trong nghệ thuật ngôn từ, nền tảng của giọng điệu là ngữ điệu. Năm 1921, trong một công trình nghiên cứu nổi tiếng, dựa vào cú pháp giọng điệu, lấy ngữ điệu làm bản vị, B.M. Eikhenbaum đã chia câu thơ trữ tình Nga thành ba loại phong cách: điệu ca, điệu ngâm và điệu nói[3]. “Ca thi” trong sáng tác của Tố Hữu chủ yếu thuộc điệu ngâm và điệu ca. Có thể nhận ra ba đặc điểm cốt yếu về tổ chức ngữ điệu của điệu catrong “Ca thi” của Tố Hữu.

Thứ nhất: Câu cảm thán và câu nghi vấn tu từ với từ đánh dấu giọng. Nhiều bài thơ của Tố Hữu sử dụng dày đặc các câu cảm thán, câu chỉ định và câu nghi vấn tu từ hàm ý thán phục, ngưỡng mộ, tự hào với những từ đánh dấu giọng, như “ôi” ( Ôi ta biết cảm ơn ai đã sáng tạo cái tên người dũng ĩ!”.“Ôi sức trẻ! Xưa trai phù Đổng”.“Ôi hạnh phúc! Ta yêu vô tận” ), “đó(“Lênin đó. Muôn triệu lần nảy nở (…) Lênin đó. Ngời ngời chân lí”. “Đời vuiđó hôm nay mở cửa. Đời vuiđó, tiếng ca đoàn kết”…), “biết bao” ( “Đẹp biết bao, cuộc chiến đấu anh hùng”), “sao”(“Đáng yêu sao, những mảnh đất bạc màu. (…) Nghe Đảng khuyên, bỗng thấy mình giàu”), “vì sao” ( Vì sao nhỉ, anh em ơi có lúc. Ta vẩn vơ mơ tưởng trên đường”), “có thấy” ( “Này các chị các anh, đi trên đường có thấy. Nước non mình đâu cũng đẹp như tranh?” ), “phải không” (Phải không vậy, Trong tay ta, tất cả?” ), “phải chăng” ( Phải chăng có những khúc đường nóng lạnh”). Quan trọng hơn, trong điệu ca, các từ đánh dấu giọngthường được đặt vào nhữngvị trí xác định, ví như đầu câu, hoặt đầu mỗi nhịp thơ. Chẳng hạn:

Yêu biết mấy,những dòng sông bát ngát

Giữa đôi bờ dào dạt lúa ngô non

Yêu biết mấy,những con đường ca hát

Qua công trường mới dựng mái nhà son!

Yêu biết mấy,những bước đi dáng đứng(…)

Yêu biết mấy,những con người đi tới …

Hoặc:

Vì saongày một thanh tân?

Vì saongười lại mến thân hơn nhiều?

Vì saocuộc sống ta yêu.

Mỗi giây, mỗi phút, sớm chiều thiết tha?”

Vì saomỗi hạt mưa sa?...

Thứ hai:Hơi thơ liền mạch. Tố Hữu triệt để sử dụng sức mạnh của tất cả các loại gieo vần, vần lưng, vần chân, vần thông, vần gián cách, vần ngay trong nội bộ dòng thơ, gây ấn tượng không có sự ngưng giọng hay ngắt giọng, tạo ra hơi thơ liền mạch trong suốt toàn bài. Để bạn đọc hình dung, xin dẫn đoạn mở đầu bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên:

Tin về nửa đêm

Hỏa tốc hỏa tốc

Ngựa bay lên dốc

Đuốc chạy sáng rừng

Chuông reo tin mừng

Loa kêu từng cửa

Làng bản đỏ đèn, đỏ lửa

Một đoạn khác trong bài Ta đi tới:

Đẹp vô cùng, Tổ quốc ta ơi! 
Rừng cọ đồi chè, đồng xanh ngào ngạt 
Nắng chói sông Lô, hò ô tiếng hát 
Chuyến phà dào dạt bến nước Bình Ca... 

Đã có rất nhiều công trình nghiên cứu phân tích kĩ tổ chức vần điệu và hơi thơ liền mạch trong sáng tác của Hố Hữu, nên tôi thấy không cần nói gì thêm về đặc điểm này.

Thứ ba:Điệu giọng réo rắt. Như đã nói, Tố Hữu bắt đầu viết “Ca thi” từ các bài Hồ Chí Minh, Huế tháng Tám, Vui bất tuyệt trong tập Từ ấy. Đem so sánh cú pháp giọng điệu trong Từ ấy với Việt Bắc và các tập thơ về sau của ông, ta thấy có sự khác biệt hết sức cơ bản. Từ ấy có 34 bài thơ viết theo thể 8 tiếng, 18 bài thất ngôn, 9 bài ngũ ngôn, 11 bài lục bát và song thất lục bát. Như vậy ở đây, câu thơ 8 tiếng là sự ưu tiên lựa chọn hành đầu của Tố Hữu. Không cần phải thống kê chi tiết như thế, ai cũng có thể đoán được, từ Việt Bắc, nhất là ở những tác phẩm quan trọng nhất của Tố Hữu, ưu tiên lựa chọn hàng đầu của ông chắc chắn sẽ là câu thơ lục bát và song thất lục bát. Ta biết, câu thơ 8 tiếng là hình thức câu thơ cơ bản của Thơ mới lãng mạn. Nó vốn là câu hát nói, viết theo lốicú pháp liên tục, làm thành câu thơ điệu nói hiện đại. Thơ thất ngôn và song thất lục bát là sản phẩm của thơ ca trung đại. Lục bát là thể thơ dân gian. Câu thơ thất ngôn được tổ chức theo nguyên tắc cú pháp song hành, tạo ra vẻ đẹp trang nghiêm. Trong sáng tác của Tố Hữu, ngay cả lục bát cũng cũng được viết bằng cú pháp song hành như vậy. Chẳng hạn, hầu hết các câu 8 tiếng trong bài Việt Bắc đều được chia thành hai vế đăng đối với nhau:

Mình đi, có nhớ những ngày

Mưa nguồn suối lũ// những mây cùng mù

Mình về, có nhớ chiến khu

Miếng cơm chấm muối// mối thù nặng vai

Mình về, rừng núi nhớ ai

Trám bùi để rụng// măng mai để già

Mình đi, có nhớ những nhà

Hắt hiu lau xám //đậm đà lòng son

Mình về còn nhớ núi non

Nhớ khi kháng Nhật// thuở còn Việt Minh

Nhưng về cơ bản, thơ lục bát được tổ chức theo qui tắc cú pháptrùng điệp hồi hoàn. Qui tắc này thể hiện ở cách gieo vần: vần lưng (chữ cuối của câu lục vần với chữ thứ 6, hoặc chữ thứ tư của câu bát) và vần chân (chữ cuối của câu bát vần với chữ cuối của câu lục ở cặp thơ tiếp theo).  Cú pháp hồi hoàn, trùng điệp là nền tảng củađiệu ru. Cú pháp đăng đối, song hành là cơ sở của điệu ngâm. Xét từ phong cách giọng điệu, hành trình thơ của Tố Hữu bắt đầu từ điệu nói (Từ ấy), rồi chuyển qua điệu ngâm và điệu ru (Các tập Việp Bắc, Gió lộng, Ra trận. Máu và hoa). Điệu ngâm, điệu ru cùng với tổ chức vần điệu linh hoạt, đa dạng đã mang lại cho câu thơ của ông một giọng điệu cực kìréo rắt.

Có thể nói, Sáng tháng năm, Việt bắc, Ba mươi năm đời ta có Đảng, Bài ca mùa xuân năm 1961, Mẹ Suốt, Kính gửi cụ Nguyễn du, Theo chân Bác, Nước non ngàn dặm là những bản Lãnh tụ ca, Đảng ca và Cách mạng cathuộc loại réo rắt nhất trong lịch sử thi ca đương đại.

2. Đại cáo. Tôi dùng khái niệm này trước hết để chỉ những tác phẩm ví như Huế tháng tám, Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, Ta đi tới, Ba mươi năm đời ta có Đảng, hay Nước non ngàn dặm. Đó là những tác phẩm được Tố Hữu viết ra để đánh dấu một sự kiện, kết thúc một giai đoạn lịch sử, công bố một thắng lợi. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa nói chung, thơ Tố Hữu nói riêng, là văn học của thắng lợi. Cho nên, quá già nửa sáng tác của Tố Hữu mang dáng dấp, hơi hướm của “Đại cáo”. Xin đọc đoạn mở đầu bài Chào xuân 67:

Đất nước ta ơi 
Xin bắn hai mươi phát đại bác vang trời 
Chào xuân 67! 
Xuân của chúng ta 
Nam Bắc hai miền chiến công lừng lẫy! 
Báo cho anh em bè bạn gần xa 
Tin vui của chiến trường chống Mỹ!                              

Đó là phần mở đầu của một văn bản mang phong cách “Đại cáo”. Nó chẳng khác gì cái mở đầu của bài Ba mươi năm đời ta có Đảng :       

Anh chị em ơi! 
Ba mươi năm đời ta có Đảng 
Hôm nay ôn lại quãng đường dài... 
Ngọt bùi nhớ lúc đắng cay 
Ra sông nhớ suối, có ngày nhớ đêm 
Mùa xuân đó, con chim én mới 
Rộn đồng chiêm, chấp chới trời xanh 
Đời ta gương vỡ lại lành 
Cây khô cây lại đâm cành nở hoa.                                

Cho nên, “Đại cáo” cũng là một khuôn mẫu từ chương có vị trí quan trọng  trong sáng tác của Tố Hữu. Chủ thể phát ngôn của nó là “Ta”, “Chúng ta”. Nó nhân danh đất nước, Tổ quốc để nói với “Chúng con”, với “Chiến sĩ đồng bào”. Cũng như “Hịch”, tiếng nói của nó bao giờ cũng cất lên từ trên cao, vang xa giữa một không gian công cộng. Nền tảng cấu trúc của nó là một câu chuyện lịch sử. Trong Hoan hô chiến sĩ Điện Biên có câu chuyện “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”. Trong Ta đi tới có câu chuyện “Kháng chiến ba ngàn ngày không nghỉ. Bắp chân, đầu gối vẫn săn gân”. Ở Vinh quang Tổ quốc chúng ta, nhà thơ “Trông lại quãng đường qua máu đỏ” để kể chuyện “Trải mười năm chiến đấu gian lao. Trông mình nay đã lớn cao…”.  Trong hàng loạt tác phẩm khác, như Đường sang nước bạn, Em ơi…Ba Lan, Theo chân Bác, Nước non ngàn dặm, Đường của ta đi… cũng có những câu chuyện trường thiên lịch sử như vậy. Rất dễ nhận ra, câu chuyện lịch sử trong thơ Tố Hữu bao giờ cũng có hai nội dung chính: lập cáo trạng tội ác kẻ thù và liệt kê chiến công nối tiếp chiến công, mở ra một cục diện mới. Đây là cặp chủ đề tạo thành khuôn mẫu nội dung của thể “Cáo”. Cũng chính cặp chủ đề ấy đã biến “Đại cáo” trong sáng tác của Tố Hữu thành một mô thức tu từ tổng hợp. Chẳng hạn đây là đoạn “Ca thi” với tất cả những đặc trưng cơ bản của nó trong Ba mươi năm đời ta có Đảng:

Máu áo mới nâu non nắng chói 
Mái trường tươi roi rói ngói son 
Đã nghe nước chảy lên non 
Đã nghe đất chuyển thành con sông dài 
Đã nghe gió ngày mai thổi lại 
Đã nghe hồn thời đại bay cao... 
Núi rừng có điện thay sao 
Nông thôn có máy làm trâu cho người 
Đời hết kẻ sống lười ăn bám 
Đời của ai dũng cảm hy sinh 
Những người lao động quang vinh 
Chúng ta là chủ của mình từ đây... 
Nghìn năm giấc mộng đêm ngày 
Ba mươi năm Đảng, hôm nay có mình 

Nhưngtrong Ba mươi năm đời ta có Đảng còn có cả “Thệ”:

 Dù khi tắt lửa tối trời

Vững lòng quyết sống không rời Đảng ta”

 lẫn “Hịch”:

Hỡi quốc dân, hỡi đồng bào! 
Có gươm, có súng, có dao hãy dùng 
Quyết kháng chiến đến cùng cứu nước! 
Toàn dân trông phía trước, tiến lên! 

Nhìn chung, từViệt Bắc, nhất là ở các tậpGió lộng, Ra trận, Máu và hoa, thơ Tố Hữu là hình thức tổng hợp của các mô thức tu từ. Trong sáng tác của ông vừa có tiếng nói hướng thượng cung kính của “chúng con”, của “chiến sĩ đồng bào”cất lên từ phía dưới, vừa có tiếng nói trang trọng, “quyền uy” của “ta”, “Chúng ta”, của Đảng, Lãnh tụ, của Tổ quốc vang lên từ ở bên trên. Bốn mô thức tu từ Thệ - Hịch - Ca thi - Đại cáo tương ứng với tương quan cấp độ của các chủ thể trong sự kiện giao tiếp và hệ thống phân vai trên bức tranh thế giới như những thẩm quyền diễn ngôn trong sáng tác của Tố Hữu. Chúng thực sự biến thi pháp sáng tạo thành thi pháp của cái điển mẫu, mang lại vị thế quyền lực cho diễn ngôn văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

ĐỒNG BÁT. ĐẦU XUÂN 2015. 
 


[1]Về xu hướng trữ tình chính trị của thơ Tố Hữu, xin đọc: Trần Đình Sử.- Thi pháp thơ Tố Hữu.- Nxb “Tác phẩm mới”, 1987, tr. 24-40.

[2]Trần Đình Sử.- Thi pháp thơ Tố Hữu, Nxb Tác phẩm mới, H., 1987, tr.256 – 257.

[3]Xem: B.M. Eikhenbaum.- Nhạc điệu câu thơ trữ tình Nga – Những vấn đề phương pháp luận//Tạp chí “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”, số 4, tháng 12/2012, tr. 57 - Nhạc điệu câu thơ trữ tình Nga - Những vấn đề phương pháp luận//Tạp chí “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”, số 4, tháng 12/2012, tr. 57 – 68. 

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020