Nghiên cứu khoa học

Lí luận văn nghệ Mac-xit Việt Nam- nhìn từ phiên bản gốc


15-10-2020
Tác giả: Lã Nguyên

Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, muốn tránh tụt hậu ở cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu, phê bình, Việt Nam cần từng bước xây dựng một nền lí luận văn nghệ hiện đại. Nhưng Việt Nam lại chủ trương “kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều này đặt ra một vấn đề bức thiết, đòi hỏi giới nghiên cứu phải tìm ra lời giải đáp đích đáng: làm thế nào để mĩ học Mac-xit vẫn là cơ sở kiến tạo lí thuyết của nền lí luận văn nghệ hiện đại ấy? Cách duy nhất có lẽ là hãy nhìn thẳng vào thực trạng của nền lí luận văn nghệ này. Vì phải nhìn thẳng vào đấy, ta mới nhận ra những điểm bất cập để khắc phục, đặng phát huy những hạt nhân hợp lí của nó. Trong phạm vi một bài viết ngắn, tôi chỉ có thể thảo luận về một vài khía cạnh mà thiết nghĩ là quan trọng.

 

 

1. Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, muốn tránh tụt hậu ở cả hai lĩnh vực sáng tác và nghiên cứu, phê bình, Việt Nam cần từng bước xây dựng một nền lí luận văn nghệ hiện đại. Nhưng Việt Nam lại chủ trương “kiên trì định hướng xã hội chủ nghĩa”. Điều này đặt ra một vấn đề bức thiết, đòi hỏi giới nghiên cứu phải tìm ra lời giải đáp đích đáng: làm thế nào để mĩ học Mac-xit vẫn là cơ sở kiến tạo lí thuyết của nền lí luận văn nghệ hiện đại ấy? Cách duy nhất có lẽ là hãy nhìn thẳng vào thực trạng của nền lí luận văn nghệ này. Vì phải nhìn thẳng vào đấy, ta mới nhận ra những điểm bất cập để khắc phục, đặng phát huy những hạt nhân hợp lí của nó. Trong phạm vi một bài viết ngắn, tôi chỉ có thể thảo luận về một vài khía cạnh mà thiết nghĩ là quan trọng.

2. Xin bắt đầu câu chuyện từ sự quan sát của bản thân. Sau nhiều năm liên tục đứng trên bục giảng, tôi thấy hệ thống sách giáo khoa, giáo trình được sử dụng để đào tạo trong nhà trường của chúng ta là nơi phản ánh đầy đủ nhất, trung thành nhất, các nguyên lí cơ bản của mĩ học Mac-Lenin. Thường so sánh, đối chiếu hệ thống tri thức của các bộ giáo trình này với lí thuyết về văn học được sử dụng ở nhiều nước khác nhau trên thế giới, tôi nhận ra, nền lí luận văn nghệ Mac-xit của chúng ta chỉ là một phiên bản của mĩ học Liên Xô trước đây. Thành thử, muốn nhận ra những điểm bất cập ở nền lí luận văn nghệ Việt Nam, cần nhìn lại phiên bản mĩ học này. Rất dễ nhận ra, đây là phiên bản mĩ học được kiến tạo trên nền tảng của hai trụ cột tri thức:

Trụ cột thứ nhất là phản ánh luận Mac-xit. Dựa vào trụ cột này, từ những năm 1930 của thế kỉ trước, mĩ học Xô Viết chính thống đã kiến tạo hoàn chỉnh hệ thống tri thức hàn lâm của nó. Ngày nay, ta vẫn có thể nhận ra hệ thống tri thức hàn lâm ấy qua các bộ giáo trình lí luận văn học đang được sử dụng làm tài liệu giảng dạy ở hầu hết các trường đại học và cao đẳng có đào tạo ngành văn ở Việt Nam. Cứ giở bộ giáo trình do tập thể tác giả trường Đại học Sư phạm Hà Nội biên soạn (Phương Lựu chủ biên), nhìn vào nhan đề chương I: “VĂN HỌC, HÌNH THÁI Ý THỨC XÃ HỘI THẨM MĨ”, những ai từng làm quen với mĩ học Xô-viết đều có thể đoán trước động hướng triển khai lí thuyết của bộ sách. Quả vậy, dựa vào phản ánh luận, xem văn học là hình thái ý thức xã hội đặc thù thuộc thượng tầng kiến trúc, các tác giả giáo trình xây dựng lí thuyết về nguồn gốc văn học, về đặc trưng của ý thức thẩm mĩ và nhận thức nghệ thuật, về bản chất xã hội và chức năng của văn nghệ, lí thuyết về qui luật phát triển của lịch sử văn nghệ, về nguồn gốc phát sinh của nó, về mối quan hệ giữa văn nghệ với nền tảng kinh tế, văn nghệ và hiện thực đời sống…1. Chẳng những thế, ở đây, cả lí thuyết về thể loại văn học cũng được xây dựng trên nền tảng của phản ánh luận, theo đó, tự sự là loại tác phẩm “phản ánh đời sống theo nguyên tắc khách quan”, ngược lại, trữ tình là loại tác phẩm “phản ánh đời sống theo nguyên tắc chủ quan”2...

Trụ cột thứ hai là nội dung tư tưởng hệ. Dựa vào cột trụ này, mĩ học Mac-xít ở Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa trước kia kiến tạo hệ thống điển phạm, từ phương pháp sáng tác, đến tác giatác phẩm, cho tới các tự sự và nhân vật văn học. Chính các loại điển phạm này đã tạo thành “khung tri thức” định hướng cho hoạt động sáng tác và nghiên cứu, phê bình văn học.

Với hai cột trụ tri thức nói trên, phiên bản mĩ học Mac-xit Xô Viết mà chúng ta đã tiếp thu chưa phản ánh được toàn bộ tinh hoa của mĩ học Mac-xit với những phiên bản khác nhau, vô cùng phong phú, đa dạng của nó. Nó không biết tới vô số phiên bản mĩ học Mac-xit Tây Âu, ví như “cấu trúc luận phát sinh” của trường phái Pháp - Bỉ đứng đầu là Lucien Goldmann. Hệ thống lí thuyết của trường phái này được xem là phiên bản tổng hợp học thuyết của K. Marx với mĩ học của của G. Lukacs ở giai đoạn đầu. Bản thân mĩ học của G. Lukacs, một nhà mĩ học Mac-xit Hunggaria, cũng xa lạ với chúng ta. Đáng tiếc nhất là hệ thống lí thuyết do “nhóm” Bakhtin đề xướng vào những năm 20 của thế kỉ trước qua một loạt tác phẩm như Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ: Những vấn đề cơ bản của phương pháp xã hội học trong khoa học về ngôn ngữ (V.N. Volosinov đứng tên), hay Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học. Nhập môn phê bình thi pháp xã hội học (P.N. Medvedev đứng tên) đã bị mĩ học Xô Viết đã bỏ qua, rồi sau đó bỏ quên suốt một phần ba thế kỉ. Trong khi Mĩ học Xô viết bỏ qua và bỏ quên các tác phẩm ấy, thì các nước Âu – Mĩ lại tiếp thu hệ thống tư tưởng của chúng để mở đường cho sự phát triển của chủ nghĩa hậu cấu trúc, giải cấu trúc, hậu hiện đại và nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn.

3. Lenin từng nhận xét về quá trình phát triển lịch sử của chủ nghĩa Mác như sau: “Những thời điểm lịch sử khác nhau đã đặc biệt đưa lên hàng đầu khi thì là mặt này, khi lại là mặt khác của chủ nghĩa Mác. Ở Đức vấn đề được đặc biệt đưa lên hàng đầu trước 1848 là kiện toàn triết học của chủ nghĩa Mác, vào những năm 50 và những năm 60 là học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác”3. Nhắc lại ý kiến của Lenin để chúng ta ghi nhớ, rằng chủ nghĩa Mác không phải là học thuyết nhất thành bất biến, mà là một hiện tượng lịch sử. Là sản phẩm lịch sử, nhìn từ quan điểm biện chứng, chủ nghĩa Mác nói chung và mĩ học Mac-xit nói riêng chắc chắn không thể tránh được những hạn chế lịch sử.

Giờ đây ai cũng thấy, sự phát triển của các ngành khoa học nhân văn và xã hội học hiện đại đã làm lộ rõ những hạn chế hiển nhiên của phản ánh luận Mac-xit trong phiên bản Xô Viết. Ở trên kia, chúng tôi vừa nhắc tới hai tác phẩm quan trọng của “nhóm” Bakhtin: Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ: Những vấn đề cơ bản của phương pháp xã hội học trong khoa học về ngôn ngữ ( V.N. Volosinov đứng tên)4, hay Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học. Nhập môn phê bình thi pháp xã hội học (P.N. Medvedev đứng tên)5. Vào những năm 70 của thế kỉ trước, M.M. Bakhtin còn công bố một tác phẩm khác, cũng rất nổi tiếng: Vấn đề thể loại lời nói.6 Lần đầu tiên trong lịch sử triết học và mĩ học, những công trình này đã đặt ra nhiều vấn đề khoa học mang ý nghĩa cách tân. Có hai luận điểm cực kì quan trọng:

Thứ nhất: luận điểm về bản chất kí hiệu học của tư tưởng hệ: “Các phạm trù định giá tư tưởng hệ (giả dối, chân lí, công minh, lương thiện) gắn chặt với các kí hiệu. Lĩnh vực tư tưởng hệ trùng với lĩnh vực các kí hiệu. Giữa chúng, có thể đặt một dấu ngang bằng. Ở đâu có kí hiệu, ở đó cũng có tư tưởng hệ”7. Luận điểm này khẳng định tính chất bất cập vật của ý thức, vai trò trung gian của ngôn ngữ trong mối quan hệ giữa ý thức với thế giới vật chất và chỉ ra cấu trúc biểu nghĩa đặc thù của các hiện tượng tư tưởng hệ.

Thứ hai: luận điểm về quan hệ liên chủ thể và nguyên tắc đối thoại trong giao tiếp lời nói. Theo Bakhtin, đơn vị thực tế trong giao tiếp lời nói không phải là “từ”, hay “câu”, mà là các phát ngôn. Giao tiếp là “phát ngôn”, là bày tỏ “ý kiến”. Người ta tham gia giao tiếp với một ý đồ cụ thể, lời người nói bao giờ cũng nhắm tới một người nghe xác định, điều đó tạo thành một quan hệ liên chủ thể trong giao tiếp lời nói và khiến cho ngay từ đầu, phát ngôn của người nói đã có hình thức của một chỉnh thể hoàn kết. Bakhtin khẳng định, người ta bao giờ cũng phát ngôn bằng những thể loại lời nói có sẵn, những thể loại lời nói này vô cùng phong phú, đa dạng: có bao nhiêu lĩnh vực giao tiếp ngôn ngữ, có bấy nhiêu thể loại lời nói. Lại nữa, cả người nói, lẫn người nghe đều là những chủ thể kí ức, sống trong một môi trường đa ngữ, nơi mọi phát ngôn cụ thể đều không phải là lời nói đầu tiên về thế giới. Thành thử, trong quan hệ liên chủ thể của giao tiếp lời nói, “nói” trở thành sự nối lời, dò hỏi; “nghe” trở thành sự hồi đáp, sự đối thoại, tranh biện. Tham gia giao tiếp là tham gia vào cuộc đối thoại vĩnh hằng của thế giới: đối thoại giữa “tôi” với “anh” trong chiều đồng đại và đối thoại giữa “chúng ta” và “họ” trong chiều lịch đại. Nó vừa là đối thoại tư tưởng (trong chiều đồng đại), vừa là đối thoại văn hoá (trong chiều lịch đại) mà lí tưởng cuối cùng là kiếm sự “đồng thanh”, “đồng thuận”.

Tiếp thu tư tưởng từ phiên bản Mac-xit của “nhóm” Bakhtin, các học phái Âu – Mĩ hiện đại đưa ra kiến giải mới về bản chất của văn hóa và thế giới, theo đó, thế giới là một văn bản, văn hóa là một hệ thống kí hiệu, con người và vạn vật vừa là những khách thể như vốn dĩ, vừa là sản phẩm được kiến tạo bằng ngôn từ và trong ngôn từ. Cách kiến giải này đã tạo ra bước ngoặt ngôn ngữ học và bước ngoặt diễn ngôn ở nửa sau thế kỉ XX, đặt nền tảng cho hệ hình tư duy của nhân loại ở thế kỉ XXI.

Phản ánh luận trong phiên bản mĩ học Xô Viết chỉ là một dạng của lí thuyết phản ánh vốn có nguồn gốc từ thời cổ đại. Dạng cổ xưa nhất của nó là lí thuyết “bắt chước” (“mimésis”) trong triết học và mĩ học của Platon và Aristotle. Một dạng khác của nó là lí thuyết xem tiểu thuyết là “tấm gương kéo lê trên đường lớn” ở thế kỉ XIX. Đặc điểm chung của tất cả các dạng lí thuyết phản ánh nói trên là niềm tin vào một thế giới khách quan như vốn dĩ tồn tại bên ngoài ý thức và tính cập vật của ý thức con người. Đó có thể là thế giới tự nhiên, thế giới ý niệm, hay thế giới vật chất, cơ học, dù là gì đi chăng nữa, thì nó vẫn là thế giới phi kí hiệu học, không lệ thuộc vào ý chí của con người và con người có thể nhận thức được nó. Dừng lại ở đấy, phiên bản mĩ học Mac-xit của Liên Xô trước kia đã tự giới hạn hệ thống lí thuyết của mình trong khung tri thức truyền thống của thế kỉ XIX đổ về trước8.

4. Bình diện buộc ta phải suy ngẫm nhiều hơn, thấu đáo hơn là vấn đề tư tưởng hệ, trụ cột kiến tạo lí thuyết thứ hai của phiên bản mĩ học Mac-xit Xô Viết. Bởi vì đây là khu vực dễ đụng chạm tới nhiều điểm huý kị, khiến người ta thường né tránh.

Ở trên, tôi vừa nhắc tới luận điểm của Voloshinov (Bakhtin), theo đó, tư tưởng hệ đồng nghĩa với kí hiệu. Toàn bộ đời sống xã hội của con người là gì, nếu không phải là sự giao tiếp kí hiệu. Ở đâu có hoạt động giao tiếp bằng kí hiệu, bằng lời nói, ở đấy có tư tưởng hệ. Từ đó suy ra, mệnh đề “văn học là hiện tượng tư tưởng hệ” chỉ khái quát một chân lí hiển nhiên, không có gì phải bàn luận thêm. Ngay cả câu hỏi “Tư tưởng hệ là gì?” cũng đã có sẵn lời giải đáp, vì nó đã được các vị kinh điển của chủ nghĩa Mác bàn rất kĩ trong Hệ tư tưởng Đức (1845-1846). Ngoài ra, ta còn có thể tìm hiểu thêm về vấn đề này qua hàng loạt tác phẩm của nhiều học giả đương đại, chẳng hạn trong Những huyền thoại (1957), hay S/Z (1970), R. Barthes bàn rất kĩ về mối quan hệ của ba phạm trù: tư tưởng hệ - nghĩa bóng - văn bản.

Nhưng chính vì đây là vấn đề đã rõ, đã biết, nên những ai có dịp nghiên cứu mĩ học Mac-xít ở phiên bản Xô Viết đều nhận ra ngay, rằng phạm trù tư tưởng hệ trong văn nghệ càng về sau, càng bị thu hẹp và tuyệt đối hoá. Xin hãy so sánh những bài phân tích văn học của C. Marx và F. Engels với loạt bài viết về văn học của V.I. Lenin. Trước kia, phân tích sáng tác của các nhà văn, nói gì thì nói, cuối cùng bao giờ C. Marx và Ph.Engels cũng chứng minh văn học là hình thái ý thức phản ánh hiện thực, rằng “không phải ý thức của con người quyết định sự tồn tại của họ, trái lại, chính sự tồn tại của họ quyết định ý thức của họ”9. Trong loạt bài viết về Ghersen, về các nhà văn dân tuý, nhất là loạt bài về L. Tolstoi, bao giờ Lênin cũng nhấn mạnh tầm quan trong của tư tưởng hệ, của thế giới quan và lập trường giai cấp đối với sáng tạo nghệ thuật. C. Marx và F. Engels nói tới “tính khuynh hướng” của nghệ thuật, nhưng hai ông lại ủng hộ xu hướng “Sếch - pia hoá”, phản đối xu hướng “Sinle-hoá” trong kịch Franz von Sickingen của Ph. Laxan10, vì theo hai ông, tính xu hướng phải toát lên từ bản thân hình tượng nghệ thuật. Trong “Thư gửi M. Hac-cơ-net đầu tháng 4 – 1888”, F. Engels gọi Banzac là nhà văn “bậc thầy của chủ nghĩa hiện thực và đánh giá cao sự chiến thắng của chủ nghĩa hiện thực đối với thiên kiến tư tưởng của nhà văn. Sau này, khi nước Nga bước vào “thời đại chuẩn bị cách mạng”, phân tích sáng tác của L. Tolstoi, Lenin lại đặc biệt chú ý tới sự chiến thắng của thế giới quan, tới việc Tolstoi “đã đoạn tuyệt với tất cả các quan niệm thịnh hành” của cái giai cấp mà ông xuất thân để đến với lập trường nông dân gia trưởng11. C. Marx và F. Engels cho rằng“các quan điểm xã hội chính trị của tác giả […] càng kín đáo bao nhiêu thì lại càng tốt cho tác phẩm nghệ thuật bấy nhiêu”12. Năm 1905, V. Lenin viết bài báo nổi tiếng: Tổ chức đảng và văn học mang tính đảng. Ông tuyên bố: “Sự nghiệp văn học phải trở thành một bộ phận trong sự nghiệp của toàn thể giai cấp vô sản, phải thành “một cái bánh xe nhỏ và một cái đinh ốc” trong một bộ máy xã hội – dân chủ, vĩ đại, thống nhất, do toàn đội tiên phong giác ngộ của toàn bộ giai cấp công nhân điều khiển. Sự nghiệp văn học phải thành một bộ phận khăng khít của công tác có tổ chức, có kế hoạch, thống nhất của Đảng xã hội – dân chủ”13.

Những luận điểm của V. Lenin là hạt nhân lí thuyết để đến những năm 30 của thế kỉ trước, mĩ học Mac-xit Liên Xô thu hẹp và tuyệt đối hoá phạm trù tư tưởng hệ trong văn học nghệ thuật. Từ đây, tư tưởng hệ của văn nghệ được đồng nhất với thế giới quan của đảng cộng sản cầm quyền và giai cấp vô sản chiến thắng. Hệ tư tưởng này trở thành “linh hồn” của cả phương pháp sáng tác, lẫn phương pháp nghiên cứu, phê bình văn học. Từ đó, mĩ học Mac-xit Xô Viết nhanh chóng hình thành một hệ thống điển phạm, lấy hiện thực xã hội chủ nghĩa làm phương pháp sáng tác tốt nhất (thứ đến là “hiện thực phê phán”, rồi lần lượt xếp hàng: “lãng mạn chủ nghĩa”, “cổ điển chủ nghĩa”…), xem M. Gorki, Maijakovski là những tác gia “lá cờ đầu”, xếp Người Mẹ của Gorki, Thép đã tôi thế đấy của  N.A.Ostrovsky... vào hàng những tác phẩm mẫu mực, khẳng định Pavel Vlashov, Pelagei Nhilovna, Pavel Korchagin…là những điển hình lí tưởng….Dựa vào hệ thống điển phạm này, các sách giáo khoa, giáo trình thu hẹp tối đa lịch sử văn học: lịch sử văn học Nga – Xô Viết và lịch sử văn học thế giới nói chung chỉ còn là lịch sử sáng tác phản ánh cuộc đấu tranh giai cấp ở các thời đại khác nhau và kết thúc bằng thắng lợi của cách mạng vô sản.

Không khó để nhận ra, suốt một thời gian dài, nền lí luận văn nghệ Việt Nam với tư cách là phiên bản của mĩ học Xô Viết cũng tuyệt đối hoá và thu hẹp nội hàm của phạm trù tư tưởng hệ như vậy.

5. Kiến tạo lí thuyết trên nền tảng của hai trụ cột phản ánh luận và tư tưởng hệ, phiên bản mĩ học Mac-xit Xô Viết mà nền lí luận văn nghệ Việt Nam tiếp thu không tránh khỏi nhiều hạn chế cần khắc phục:

Thứ nhất: Phản ánh luận có thể là chỗ dựa khoa học để kiến tạo lí thuyết về những vấn đề chung, có tính chất “nguyên lí”, thuộc phạm vi triết – mĩ, ví như nguồn gốc, bản chất, chức năng, hay quy luật vận động lịch sử của nghệ thuật như một hình thái ý thức xã hội. Nhưng nó không cung cấp cơ sở khoa học để xây dựng lí thuyết về đặc trưng văn nghệ, trong đó có những vấn đề tối quan trọng, ví như vấn đề về thể loại văn học và thi pháp nghệ thuật. Mặt khác, do nhấn mạnh bản chất tư tưởng hệ, đề cao vai trò của thế giới quan, lập trường tư tưởng và phương pháp sáng tác, nền lí luận văn nghệ này không thể đồng thời khẳng định vai trò quan trọng của phong cách nghệ thuật, càng không thể đề cao vai trò của tiềm thứcvô thức và trực giác trong nhận thức thẩm mĩ. Diễn đạt theo lời của M. Bakhtin, nền lí luận của chúng ta bỏ quá nhiều công sức vào việc nghiên cứu những bình diện làm nên bề mặt “ồn ào”, “sặc sỡ” của đời sống nghệ thuật, mà bỏ qua “những nhân vật cơ bản nhất”, “chính yếu nhất” của “tấn kịch lịch sử văn học”. Khi vận dụng vào thực tiễn sáng tác, nền lí luận ấy xây dựng được sự thống nhất, nhưng không thể tạo ra sự đa dạng, mà trong nghệ thuật, sự đa dạng nhiều khi quan trong hơn sự thống nhất đơn điệu.

Thứ hai: Tuyệt đối hoá vai trò của tư tưởng hệ, cả mĩ học Mac-xit ở Liên Xô, lẫn lí luận văn nghệ Việt Nam trước kia đã đặt văn nghệ vào cùng dẫy với hoạt động báo chí, xuất bản, đồng nhất nghệ thuật với tuyên truyền. Vào năm 1905, V. Lenin kêu gọi: “Hãy bắt tay vào công tác!Hỡi các đồng chí! Trước mắt chúng ta là nhiệm vụ khó khăn, nhưng vĩ đại và đầy hứa hẹn: tổ chức sự nghiệp văn học rộng lớn, nhiều mặt, nhiều hình, nhiều vẻ, gắn bó chặt chẽ, mật thiết với phong trào công nhân xã hội – dân chủ. Toàn bộ văn học xã hội – dân chủ phải thành văn học Đảng. Tất cả báo chí, tạp chí, nhà xuất bản, v.v… đều phải lập tức bắt tay vào công tác cỉa tổ, chuẩn bị điều kiện khiến cho những thứ đó, căn cứ vào những nguyên tắc này hay nguyên tắc khác, hoàn toàn gia nhập những tổ chức này hay tổ chức khác của Đảng. Chỉ lúc đó, văn học “xã hội – dân chủ” mới thành văn học “xã hội – dân chủ” chân chính…” 14. Ở việt nam, năm 1948, đồng chí Trường Chinh đã nêu ý kiến có tính chất chỉ đạo: Tuyên truyền cao tới một mức nào đó thì tuyên truyền trở thành nghệ thuật. Nghệ thuật thiết thực tới một mức nào đó thì nghệ thuật có tính chất rõ rệt là tuyên truyền15. Một khi bị đồng nhất với công cụ tuyên truyền, sáng tác nghệ thuật sẽ trở thành hoạt động vụ lợi khiến nó xung đột trực tiếp với bản chất vô tư của ý thức thẩm mĩ. Đây là cơ sở làm nầy sinh chủ nghĩa đề tài và xu hướng minh hoạ các chủ trương, đường lối chính trị-xã hội trong suốt cả một giai đoạn lịch sử văn học khá dài. Tôi sẽ không bàn thêm về sự bất cập này, vì nó đã được nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra và phân tích thấu đáo.

Thứ ba: Giở cuốn Lí luận văn học đang được sử dụng làm tài liệu học tập ở trường Đại học sư phạm Hà Nội, ta bắt gặp ngay một tiểu mục rất quen thuộc: Kiên trì quan điểm giai cấp, phê phán thuyết “tính người” và “chủ nghĩa thành phần16. Đơn vị kiến thức mà các nhà giáo chủ trương “kiên trì” này nói lên sự trung thành vô hạn độ của sách giáo khoa lí luận văn học với mĩ học Mac-xit truyền thống. Nhưng “kiên trì quan điểm giai cấp” là gì, nếu không phải là “kiên trì” cái nhìn theo nguyên tắc bổ đôi, chia thế giới thành hai nửa đối kháng đời đời đấu tranh nhằm tiêu diệt lẫn nhau: thống trị và bị trị, địch và ta. Giờ đây, trong bối cảnh giao lưu, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tôi tin, ai cũng nhận ra, chủ trương “kiên trì” một quan điểm như thế chắc chắn sẽ tạo ra một nền văn nghệ mâu thuẫn trực tiếp, thậm chí có khả năng triệt tiêu tính nhân loại và bản chất nhân bản của nó.

Thứ tư, cuối cùng: Một mặt, dựa vào phản ánh luận để kiến tạo lí thuyết hàn lâm, mặt khác, lại tuyệt đối hoá cái nhìn tư tưởng hệ để hình thành hệ thống điển phạm định hướng thực tiễn, mĩ học Xô Viết chứa đựng trong bản thân những mâu thuẫn nội tại, các mặt đối lập của nó luôn có khả năng chuyển thành xung đột dẫn tới nguy cơ chân lí nghệ thuật có thể bị triệt tiêu. Bởi vì, nghệ thuật có chân lí của nghệ thuật. Tư tưởng hệ có chân lí của tư tưởng hệ. Hai loại chân lí ấy có thể thống nhất, nhưng không đồng nhất.

Chân lí nghệ thuật là một cấu trúc biểu nghĩa đặc thù. Hiểu theo tinh thần của phản ánh luận truyền thống, xem văn học nghệ thuật là phương thức nhận thức đời sống, cấu trúc đặc thù ấy là một chỉnh thể hữu cơ của ba mặt nội dung: bản thể luậnnhận thức luận và giá trị luận. Nội dung bản thể luận (hay tồn tại luận) là hình ảnh cụ thể - cảm tính của đối tượng được nhận thức. Nó là bức tranh thế giới được mô tả trong sáng tác nghệ thuật. Nội dung nhận thức luận là ý nghĩa trừu tượng hoá, biến hình ảnh cụ thể - cảm tính của đối tượng mô tả thành hình ảnh tiêu biểu, phổ quát, thành cái có thể có. Nội dung giá trị luận chính là bình diện tư tưởng hệ. Nó là tầng nghĩa được rút ra từ sự định giá thẩm mĩ. Gọi ba mặt nội dung ấy là chỉnh thể hữu cơ, vì nghệ thuật mô tả dưới ánh sáng của sự khái quát và sự định giá thẩm mĩ, ngược lại, nó định giá và khái quát ngay ở sự mô tả. Cho nên, chân lí nghệ thuật bao giờ cũng đa nghĩa, đa trị.Tuyệt đối hoá bất kì một phương diện nào từ ba mặt của chỉnh thể nội dung ấy, chân lí nghệ thuật lập tức có nguy cơ bị triệt tiêu. Chẳng hạn, chân lí nghệ thuật sẽ hoá thành chân lí tư tưởng hệ thuần tuý, nếu bình diện giá trị luận bị tuyệt đối hoá.

Để dễ hình dung, xin thử đọc lại văn học Việt Nam trước 1975. Rất dễ nhận ra, bức tranh đời sống hiện thực của chúng ta được văn học thời ấy mô tả như một không gian sinh tồn, đâu đâu cũng là chiến trường, là mặt trận. “Ruộng rẫy là chiến trường”. Thành phố là “mặt trận”. “Mặt trận” ở trên cao (“Mặt trận trên cao”- nhan đề một tác phẩm của Nguyễn Đình Thi). “Mặt trận” dưới lòng đất: “Bục giảng dưới hầm sâu, em cũng là chiến sĩ” (thơ Bùi Công Minh), “Hầm mẹ giăng như luỹ như thành” (thơ Dương hương Ly). Ứng với không gian “mặt trận”, thời gian được văn học đo bằng phong tràochiến dịch“Anh đang mùa hành quân pháo lăn dài chiến dịch” (Thơ Bùi Công Minh). Trước “chiến dịch”, khi chưa có “phong trào”, thế giới là một vũ trụ “hỗn độn”, phi thời gian, phi tồn tại với những “gió đen”, “địa ngục”, “ngàn đêm thăm thẳm sương dày”. “Đảng ta con của phong trào” (thơ Tố Hữu). “Phong trào” mở ra thời đại mới. Nó là điểm tựa để khái quát qui luật lịch sử: “Phong trào tạm lắng, phong trào lại lên” (thơ Tố Hữu). Người của “phong trào”, sống ngoài mặt trận, dĩ nhiên phải là chiến sĩ. Thơ tố Hữu reo vui Chào xuân 67“31triệu nhân dân. Tất cả hành quân. Tất cả thành chiến sĩ”. Cuối cùng, vạn vật sinh tồn trong không gian “mặt trận” đều được gọi là vũ khí. Búa liềm là “vũ khí”. Bút mực là “vũ khí”. “Cuốc cày” cũng là “vũ khí” để “hậu phương thi đua với tiền phương”. Con ong, tổ kiến, hòn đá, cái cây là “vũ khí”. Thú vị nhất là khi chưa thành vũ khí, cỏ cây đã mang dáng hình khí cụ. Tre của Nguyễn Duy “Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường”. Trong truyện ngắn của Nguyễn trung Thành, những cây xà nu con mới mọc lên, “ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên trời”. Khái quát lại, toàn bộ đời sống hiện thực của dân tộc ta đã được văn học trước 1975 mô hình hoá, biến thành bức tranh mà nằm ở vị trí trung tâm là bốn từ định danh: “mặt trận” – “chiến dịch” – “chiến sĩ” – “vũ khí”. Chắc chắn đây là bức tranh được mô tả từ góc nhìn nhà binh, thể hiện tư tưởng hệ của quốc gia dân tộc thời chiến. Nó là chân lí nhất thời, đơn nghĩa. Ta hiểu vì sao, ngay từ năm 1975, truyện Bức tranh của Nguyễn Minh Châu đã cất lên tiếng nói thể hiện nhu cầu đổi mới cái nhìn nghệ thuật.

Ngày nay, ta hiểu thêm, nghệ thuật không chỉ là phương thức tư duy, mà còn là hình thức giao tiếp. Mỗi tác phẩm nghệ thuật là một sự kiện giao tiếp diễn ra giữa nhà văn với người đọc, giữa người đọc với nhà văn và thế giới hình tượng do ông ta sáng tạo ra. Đó là một quan hệ “tay ba”, quan hệ liên chủ thể. Diễn ra trong mối quan hệ ấy, chân lí nghệ thuật là một cấu trúc biểu nghĩa đòi hỏi sự đồng thuận, “có mình, có ta”. Đây là sự đồng thuận của các tư tưởng hệ được hình thành trên hành trình đối thoại. Tuyệt đối hoá một hệ tư tưởng nào nó trong quan hệ liên chủ thể của sự kiện giao tiếp lời nói, chân lí nghệ thuật sẽ bị phương hại. Ta hiểu vì sao lịch sử văn học nghệ thuật của nhân loại là hành trình vận động từ truyền thuyết, sử thi, truyện kể đến tiểu thuyết, chứ không phải ngược lại. Chỉ cần khảo sát văn học Việt Nam trước 1975, ta đã có thể nhận ra qui luật ấy. Đọc bất kì tác phẩm văn học ở giai đoạn trên, ta cũng thấy các chủ thể lời nói được phân ngôi giao tiếp theo hai kiểu cố định: “chúng ta – chúng nó” và “mình – ta”. “Chúng ta” và “chúng nó” là quan hệ “địch - ta”. “Ta đây là người”, là“thiên thần bay giữa trăng sao” (thơ tố Hữu). “Địch” là “thú vật”“chó ngộ“hổ mang”, là “thú dữ một bầy”, là “hổ báo hôi tanh” (thơ Tố Hữu). Thú vật dĩ nhiên không thể có ngôn ngữ. Cho nên, cuộc giao tiếp giữa “chúng ta” và “chúng nó” là giao tiếp một bên, một phía, chỉ có lời phán quyết của chúng ta. Cuộc giao tiếp “mình - ta” là giao tiếp “nội bộ”, giao tiếp giữa “chúng ta với nhau”: “ta” là lãnh tụ, là cán bộ; “mình” là “chiến sĩ đồng bào”, là quần chúng nhân dân. Chỉ cần đọc bài Tiếng hát sông Hương, hay Việt Bắc của Tố Hữu, ta đã có đủ cơ sở để nhận ra, đây là cuộc giao tiếp một chiều: “ta nói - mình nghe”; “mình hỏi - ta đáp”. Giao tiếp “ta – địch” là giao tiếp độc thoại. Giao tiếp “mình – ta” là giao tiếp đồng ca: “xướng - hoạ”, “huầy - dô”. Giao tiếp đồng ca và giao tiếp độc thoại đều là sự giao tiếp với những bài ca có sẵn và những chân lí biết rồi. Ta hiểu vì sao, khi Đảng chủ trương “cởi trói”, “nhìn thẳng vào sự thật”, trong những ngày rầm rộ đổi mới văn nghệ, Nguyễn Minh Châu viết bài báo nổi tiếng: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa17.

6. Xin khép lại bài viết bằng mấy kết luận như sau:

Thứ nhất: Di sản triết học và mĩ học đồ sộ của các vị kinh điển chủ nghĩa Mác là cơ sơ khoa học tin cậy mà chúng ta có thể khai thác để kiến tạo hệ thống lí luận văn nghệ hiện đại. Thực tế cho thấy, nhiều trường phái nghiên cứu, nhiều học giả lớn trên thế giới đã và đang dựa vào di sản vô giá này để xây dựng các hệ thống lí thuyết riêng, hết sức độc đáo. Học thuyết “xuyên ngôn ngữ” trong phiên bản Mac-xit của “nhóm” Bakhtin, “cấu trúc luận phát sinh” của trường phái “Pháp – Bỉ”, lí thuyết về chủ nghĩa hiện thực của G. Lukacs… là những ví dụ tiêu biểu.

Thứ hai: Lí luận văn nghệ cho đến nay vẫn đang được sử dụng để giảng dạy trong nhà trường, trong nghiên cứu, phê bình văn học ở Việt Nam về cơ bản là phiên bản mĩ học Mac-xit của Liên Xô trước kia. Là sản phẩm của lịch sử, phiên bản này không tránh khỏi những hạn chế lịch sử. Có ba hạn chế quan trọng. a) Nó chưa hấp thụ được tinh hoa của toàn bộ mĩ học Mac-xít với những phiên bản vô cùng phong phú, đa dạng. b) Nó chưa biết tới vai trò quan trọng của ngôn ngữ trong tư duy, chưa tiếp cận văn nghệ như một hình thức diễn ngôn. c) Nó thu hẹp nội hàm phạm trù “tư tưởng hệ”, đồng nhất tư tưởng hệ với thế giới quan, lập trường giai cấp, tính đảng và tuyệt đối hoá vai trò của nó trong sáng tác nghệ thuật.

Ba hạn chế nói trên dẫn tới bốn hệ luỵ để lại dấu ấn trong bản thân lí thuyết và thực tiễn sáng tác văn nghệ. a) Phiên bản mĩ học Mac-xit Xô viết bỏ trống mảng lí thuyết về đặc trưng văn nghệ, khi được vận dụng vào thực tiễn sáng tác, nó xây dựng được sự thống nhất, nhưng không thể tạo ra sự đa dạng, mà trong nghệ thuật, sự đa dạng nhiều khi quan trong hơn sự thống nhất đơn điệu. b) Do tuyệt đối hoá vai trò của tư tưởng hệ, nó biến văn nghệ thành một loại công cụ vụ lợi xung đột với bản chất vô tư của ý thức thẩm mĩ. c) Trong bối cảnh giao lưu, hội nhập hôm nay, nguyên tắc về tính giai cấp của nó có khả năng xung đột với tính nhân loại và bản chất nhân bản của văn nghệ. d) Hai trụ cột lí thuyết của phiên bản mĩ học Mác – xit Xô Viết chứa đựng mâu thuẫn nội tại, các mặt đối lập của nó luôn có khả năng phát triển thành xung đột làm phương hại chân lí nghệ thuật như một cấu trúc biểu nghĩa đặc thù.

Thứ ba: Để mĩ học Mac-xít vẫn là hạt nhân kiến tạo lí thuyết, thiết nghĩ, có ba điểm cần bổ sung. a) Trên nền tảng di sản triết học và mĩ học của các vị kinh điển chủ nghĩa Mác, cần kiện toàn hệ thống lí thuyết về các vấn đề riêng, liên quan tới đặc trưng và thi pháp nghệ thuật. b) Cần xoá bỏ định kiến cho rằng chỉ có một phiên bản mĩ học Mac-xit nào đấy là duy nhất đúng. Bởi vì, chỉ khi ấy chúng ta mới có kế hoạch nghiên cứu thấu đáo toàn bộ di sản mĩ học Mac – Lênin với mọi phiên bản khác nhau, hấp thu tinh hoa của nó, làm cho nền lí luận văn nghệ của chúng ta ngày càng trở nên giàu có. c) Tiếp thu những thành tự lí luận hiện đại của nhân loại trên tinh thần đối thoại.

Hà Nội, 11.7.2014

1 Xin xem: Phương Lựu (Chủ biên).- Lí luận văn học. T.1. Nxb Đại học Sư phạm, 2012, tr. 54 -228.

2 Xin xem: Phương Lựu (Chủ biên) .- Lí luận văn học. Nxb Giáo dục, 2003, tr. 357 - 415.

3 V.I. Lênin.- Toàn tập. T. 20, tr. 128 (tiếng Nga).

4 Xem: V.N. Voloshinov.- Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ. L.: Priboi, 1929 (tiếng Nga).

5 Xem: P.n. Međvedev.- Phương pháp hình thức trong nghiên cứu văn học (Nhập môn phê bình thi pháp xã hội học). L.: Priboi, 1929 (tiếng Nga).

6 Xem: M.M. Bakhtin.- Vấn đề thể loại lời nói (Bản dịch tiếng Việt của Lã Nguyên), trong: Lã Nguyên (Tuyển dịch).- Lí luận văn học – Những vấn đề hiện đại. Nxb. Đại học Sư phạm, 2012, tr. 7-54.

7 V.N. Voloshinov.- Chủ nghĩa Mác và triết học ngôn ngữ. L.: Priboi, 1929 (tiếng Nga). Tr. 14.

8 Về vấn đề khung tri thức và các mô hình kiến tạo lí thuyết, xin xem: Lã Nguyên.- Thay đổi khung tri thức và mô hình lí thuyết là tiền đề nâng cao hiệu quả của hoạt động nghiên cứu, phê bình văn học// “Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật”. Số 11, tháng 7/2013; tr. 20-26.

9 C. Mác – Ph. Ăng-ghen – V.I. Lê-nin.- Về văn học và nghệ thuật.- Nxb. Sự thật. H., 1977, tr. 29.

10 Tlđd.- Tr. 365.

11 194 – 219.

12 Tlđd.- Tr. 385.

13 Tlđd.- tr. 306.

14 Tlđd.- Tr. 311-312.

15 Trường Chinh.- Về văn hóa và nghệ thuật.- T. 1, Nxb Văn học; H.,1985. Tr. 113.

16 Phương Lựu (Chủ biên).- Lí luận văn học. T. 1. Nxb Đại học Sư phạm, 2012, tr. 114.

17 Xem: Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa.- “Văn nghệ”, số 49, 50 (5-12-1987).

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020