Văn học dân gian

BỘ BỐN SỬ THI CHƯƠNG Ở THÁI LAN, LÀO, VIỆT NAM – ĐIỂM CHUNG CỘI NGUỒN TÁC PHẨM


10-10-2020

1. Đặt vấn đề

Sử thi về nhân vật Chương có nhiều dị bản với các tên gọi như sử thi Chương Han, Khủn Chưởng, Thạo Ba Chương, Thạo Hùng hay Chương…, gọi chung là sử thi Chương[1], là một tác phẩm rất nổi tiếng, được lưu truyền phổ biến không chỉ ở dân tộc Thái Việt Nam, mà còn có mặt rộng khắp trong cộng đồng người Thái ở Thái Lan, Lào, Myanmar, Nam Trung Quốc… Đây là một bản sử thi có giá trị lớn về nội dung, nghệ thuật, được các chuyên gia nghiên cứu sử thi đánh giá cao, coi đó là một trong những kiệt tác hàng đầu của văn học dân gian Đông Nam Á lục địa.

Chỉ xét riêng ở Thái Lan, Lào, Việt Nam thì đã có môt bộ bốn tác phẩm sử thi Chương là: Thạo Hùng hay Chương (Thao Ba Chuong); Thao Yi Ba Chuong; Chương Han; và Khủn Chưởng. Có thể kết luận đây là những tác phẩm “cùng chung một cội nguồn”, dẫn đến có nhiều nét tương đồng về nội dung, cốt truyện, và nhân vật. Bài viết này của chúng tôi góp phần minh chứng điều đó.

2. Giải quyết vấn đề

2.1.Từ biên niên sử, truyền thuyết của người Thái vùng Thái Lan, Lào kể về nhân vật Chương…

Phía Bắc Thái Lan là vùng còn lưu giữ nhiều nhất những câu chuyện về Chương, như Biên niên sử mường Phetchabun, Biên niên sử mường Chiengsen, Biên niên sử Chiengmai… - tất cả đều kể về Chương là một nhân vật lịch sử, vị vua thứ 19 của vương quốc cổ huyền thoại Chieng Sen (Yonok) thời kỳ lịch sử tiền Lanna.

Như chúng ta đã biết lịch sử hình thành các vương quốc cổ đại của người Thái ở phía Bắc Thái Lan được chia thành 3 thời kỳ: thời kỳ tiền Lanna, thời kỳ Lanna và thời kỳ hậu Lanna. Trong đó thời kỳ tiền Lanna được đánh dấu bằng sự thành lập của vương quốc cổ Chieng Sen từ thế kỷ VII, VIII. Đây là vương quốc cổ của người Thái Youn (Thái Duôn, Thái Nhuôn), vì vậy vương quốc này cũng được gọi là vương quốc Yonok (cách gọi khác của từ Youn). Đời vua thứ 9 là Lao Khiang (853 - 890) đã chuyển kinh đô về thành phố Ngoenyang (Ngân Giang) nên đôi khi vương quốc cũng được gọi tên là vương quốc Ngân Giang.

Và Khun Chương đã được ghi chép là ông vua đời thứ 19 của vương quốc cổ này. Trong cả hai tài liệu Biên niên sử Yonok (lịch sử của vương quốc cổ Yonok), và Biên niên sử Chieng Mai (lịch sử của vương quốc cổ Lanna) thì Khun Chương đã được chép là ông vua thứ 19 của vương quốc Chiengsen (Yonok), có niên hiệu từ năm 1059 - 1085.

 Biên niên sử Yonok (PhongxawadanYonok) được biên soạn bởi Phraya Prasakikorachak (1907) đã bắt đầu kể từ xa xưa, “từ lúc ông tổ của Laochak lập nên dòng họ tại núi Samsau (Đoi Tung). Nhà vua Phrachao Anourout kinh đô Phú Cam mời ba vị vua đến họp bàn để thiết lập nên kỷ nguyên mới - The Chulasakarat, nhưng vắng mặt người Lan Na Thay Yonok bởi vì đất nước vẫn chưa tìm được người trị vì. Nhà vua Chom-rin-tha-rat-hi-rat bèn mời Lawachakthevabut (Laochak) xuống hạ giới và tái sinh - từ trên trời đi qua cầu thang bạc ở đỉnh núi Đoi Tung xuống ngự trên ngai bạc dưới bóng mát cây táo điền - tất cả nhân dân đã cung kính mời ngài làm vua của vùng Ngân Giang, Chiềng Rai. Lawachakthevabut (Laochak) trở thành vị vua đầu tiên của Chiềng Rai. Dòng dõi của Laochak truyền ngôi được 9 đời hoặc 11 đời vua. Đến thời nhà vua Gia-Lao-Khiang-Giốc đã dời đô về gần sông Xải và phía cuối Đoi Tung, gọi là thành phố Chay-Gia-Bụ-Ri Chiềng Sen, tiếp tục truyền ngôi cho đến đời thứ 11, đời Khủn Ngân, có hai hoàng tử là Khủn Chin và Khủn Chom. Nhà vua bèn cho Khủn Chom đi lập vương quốc ở cuối Đoi Đuôn, gọi là Phú Cam Giao tức là vùng Phá Giau (Paiyao), là một phần đất đai cư trú. Khủn Chin tiếp nối dòng dõi Chay-Gia-Bụ-Ri Chiềng Sen tiếp theo cho đến Khun Chương - con trai của Chom Pha Ruang (Khủn Chom) ở thứ tự truyền ngôi số 19”.

Tiếp đó Biên niên sử Yonok đã ghi chép khá tường tận về cuộc đời Khun Chương. Ông sinh vào tháng 7 năm 1099, trong vương thất thành Phá Giau (Paiyao) phía Bắc Thái Lan, năm 1120 (21 tuổi) kế thừa vương vị thành Paiyao, sau đó dẫn binh đi đánh bại người Mường Keo ở đất Ngân Giang (của ông bác Khun Chin), uy danh lẫy lừng, thừa thắng ông tiếp tục chinh phục Lancan và một phần Mường Keo; năm 1134 ông cho cử hành lễ đăng cơ và được Hoàng đế Đại Lý công nhận. Sau Khun Chương phân phong cho các con trai mình đi cai trị Ngân Giang, Lancan, thành Nan, Paiyao, Mường Keo, còn bản thân ông thì ở lại đất Mường Keo 17 năm, đến năm 1176 (năm ông 77 tuổi) lại thân chinh dẫn quân chinh phạt nước Keo Mèn Ta Đa bên bờ biển, kết quả bị quân địch chém chết trên lưng voi.

Có thể tóm tắt nội dung truyền thuyết này như sau:                                     

Khủn Chưởng nối ngôi ở thành Paiyao(phía Bắc Thái Lan hiện nay) à giúp bác Khủn Chin đánh giặc Keo ở mường Ngân Giang, cưới nàng Ủa à tiếp tục tấn công mường Keo Páh kăn, thắng lợi và ở lại mường Keo 14 năm, kết hôn với nàng Ú Keo à về cuối đời tiếp tục dẫn quân Giô Thí chinh phục mường Keo Men Ta Thóp Khọp và chết ở năm 77 tuổi.

Bộ biên niên sử thứ hai còn lưu truyền đến ngày nay ở vùng Bắc Thái Lan là bộ Biên niên sử Chiangmai - tức là biên niên sử của vương quốc Lanna (tiếp nối vương quốc Yonok - Ngân Giang) - cũng dành một dung lượng lớn để kể về cuộc đời và sự nghiệp của Khun Chương. Ở đó, Khun Chương cũng được kể là ông vua thứ 19 của vương quốc Ngân Giang và là tổ tiên của Mangrai, người sáng lập ra vương quốc Lanna. Về cuộc đời và hành trạng của vua Khun Chương, bộ sử tịch này kể tương tự như trong Biên niên sử Yonok, theo đó: “Khi Khun Chương 39 tuổi, ông đã là vua của hai vùng đất. Ông ở lại Ngân Giang 24 năm và ở mường Keo Páh Căn 17 năm. Ông mất vào năm 77 tuổi, đời thứ 19 của dòng dõi hoàng gia Lawacangkarat”.

Có thể tóm tắt nội dung như sau:

Khủn Chưởng nối ngôi ở  thành Mae Sai (Me Xải) à giúp bác Lao Chun đánh giặc Keo ở mường Ngân Giang, giết chết Thao Kao, cưới nàng Ủa à đánh mường Keo Páh kăn của Thao Kao, cưới nàng Up Keo à về cuối đời đánh quân Keo Men Ta Thòk Khòk Fa Ta Yun và chết ở năm 77 tuổi.

Ở trang 9 cuốn sách, các tác giả còn đưa lên ảnh chụp Bảng phả hệ từ vua Lawacangkarat tới Mangrai (kèm theo chú thích một số nghi vấn về các năm được ghi trong bảng phả hệ), theo đó vua Khun Chương ở đời thứ 19, lên ngôi vào năm 37 hoặc 39 tuổi, cai trị 41 năm (1059 - 1085) và chết vào năm 77 tuổi. Tiếp nối sau Khun Chương 5 đời vua nữa là đến vua Mangrai, vị vua đã dời kinh đô từ Ngân Giang về Chiềng Mai, lập ra vương quốc mandala Lanna, phía Bắc Thái Lan vào năm 1238.

Ngoài hai bộ biên niên sử nói trên thì còn có rất nhiều các truyền thuyết khác được lưu truyền trong dân gian, và cũng là các tư liệu góp phần vào việc biên soạn lại các bộ biên niên sử. Chẳng hạn, một số bài nghiên cứu của các học giả Trung Quốc, Thái Lan cho biết trong Truyền thuyết Singhanawat ở miền Bắc Thái Lan cũng có những ghi chép liên quan đến Khun Chương, các tình tiết đều có điểm tương đồng với Biên niên sử Yonok. Các tác giả không nói gì về nội dung của Truyền thuyết Singhanawat nhưng chi tiết này gợi nhắc chúng ta nhớ lại về nhánh di cư về Chiengsen của người Thái từ Vân Nam theo chân của hoàng tử Singhanawat (Kamphong), con trai thứ của Khun Borom, lập ra vương quốc Chiengsen (Yonok) theo huyền thoại Khún Bolôm. Một truyền thuyết khác cũng được các nhà nghiên cứu dẫn ra, đó là Truyền thuyết về mường Xi Lan na korn Ngoen Yang thuật lại chuyện vua Lao Chun của Ngân Giang và vua Khun Pha Ruang của mường Suổi Tan (phía tây Chiang Sen) là hai anh em. Lao Chun có hai người con gái, Khun Pha Ruang có hai người con trai là Ai Chương và Khun Chương. Khun Chương khi về già quay về làm vua Ngân Giang, do muốn có được chiến công lẫy lừng nên đã đích thân dẫn quân chinh phạt nước Men Ta Đa và bị chém chết khi đang chiến đấu trên bành voi [dẫn theo 3, 4, 5].

Năm 1995, trong bài viết “Thời đại và địa lý của Thao Hung Thao Chuong” GS.TS người Thái Lan Prasert Na Nakhon đã thống kê khá nhiều số lượng truyền thuyết kể về Khun Chương ở phía bắc Thái Lan. GS Prasert Na Nakhon đã đưa ra một bảng tập hợp các truyền thuyết về Chương trong đó có chỉ ra sự ghi chép về thời gian/ kỷ nguyên mà Chương sinh sống, trị vì. Tác giả kết luận: “Tổng kết từ truyền thuyết dân gian tại Thái Lan và Síp song Pan na thì Thạo Chương có lẽ là sống trong khoảng thời gian nào đó giữa năm 1039 – 1192 và băng hà lúc 74 – 80 tuổi ” [8; tr 442 - 446].

Một vài bộ sử hiện đại ở Lào, Thái Lan cũng đề cập đến nhân vật lịch sử Khun Chương. Ví dụ, học giả người Thái Lan Qiongsai[2] trong một công trình cũng mang tên là Lịch sử Lào (1974) đã đề cập đến Chương, gọi ông là Khun Chương, song không nói rõ năm sinh năm mất và thời gian chinh phục các vùng đất của Khun Chương, chỉ thấy nói thời điểm cha Khun Chương cai trị thành Payao là năm 1096 (trước thời điểm năm Khun Chương ra đời trong Biên niên sử Yonok (1099) là 3 năm). Sách viết: “Khi người mường Keo tấn công Ngân Giang, Khun Chương lên nối ngôi cha ở Paiyao, bác của ông ta là Khun Chin phái người đến cầu viện. Khun Chương đã dẫn quân thảo phạt người mường Keo, đuổi họ ra khỏi bờ cõi. Sau đó, Khun Chương không quay trở về Paiyao nữa. Ông lập con trưởng Lao Ruang làm quốc vương Paiyao. Tiếp đó, ông cầm quân đánh về mường Keo, sức mạnh không gì cản nổi”. Tác giả ca ngợi: “Khun Chương là thần tướng tài giỏi nhất trong lịch sử dân tộc Thái” [dẫn theo 3, 4, 5, 6].

Năm 1999, tác giả David K.Wyatt viết cuốn Thái Quốc giản sử[3] cũng trích dẫn một phần tài liệu có liên quan đến Khun Chương. Trong sách này, cha của Khun Chương tên là Phang. Theo quan điểm của Wyatt, Khun Chương sống vào khoảng thế kỷ XII, khi đó cai trị vùng đất Chiengsen (Thái Lan ngày nay). Về sau lãnh thổ của ông bị người Keo xâm chiếm, do đó ông tập hợp quân đội người Xiêm và người Shan đánh bại người Keo. Hành động này của Khun Chương đã kinh động đến người cai trị vùng Videha (nay có thể là vùng phía Tây hoặc Tây Bắc Thái Lan) và Việt Nam, khiến cho họ vội triều cống Khun Chương. Để giữ mối quan hệ hòa hảo với người Keo, Khun Chương đã miễn cho người Keo không phải triều cống, lại còn cho một người Keo đứng lên làm vua xứ Mường Wang. Năm 1140, Khun Chương còn cho dựng một tấm bia đá ở Vân Nam. Sau ông lại đem vương quốc của mình chia cho 5 người con trai trị vì, con trưởng trị vì ở Chiengsen, con thứ trị vì một mường trọng yếu của người Keo, con thứ 3 được phân cho đất Luông Pha Băng trị vì toàn bộ Lào, con thứ 4 đến Mường Lancan (nay có thể là Xiêng Khoảng – Lào) cai trị các mường phía đông nam, con thứ 5 hướng về Cảnh Hồng cai trị Sípsong Panna [dẫn theo 3].

Học giả Thái Lan Sarassawadee Ongsakul trong công trình Lịch sử Lanna[4] cũng có trích dẫn một phần Paiyao ký niên, trong đó cũng có câu chuyện liên quan đến Khun Chương, các tình tiết về cơ bản là tương tự như những văn bản khác đã nói ở trên [dẫn theo 3]. Năm 2009, học giả người Thái Lan, bà Prakong Nimmanahaeminda với bài viết “Ba bản kể của văn học Lào về một anh hùng có tên Chương” đã tóm tắt nội dung của Phayao ký niên (Tamnan Meuang Phayao) như sau: “Phìa Chương là một nhà cai trị dũng cảm của Phayao, người đã chiến thắng cuộc chiến tranh chống lại người Kaew và được vua của người Haw hay người Hán ở Yunnan (Vân Nam) rất kính trọng”[2; tr 371].

Như vậy, các truyền thuyết và các ghi chép lịch sử liên quan đến Chương kể trên có một điểm chung đó là đều “liệt” Chương vào phả hệ các vua của vua người Thái, hậu duệ của Phra Chao Lawachakarat, bắt đầu quốc hiệu người Thái trong vương quốc cổ Yonok (hay Chiengsen, Ngoenyang) và là tiền thân của vương quốc Lanna của vua Mangrai ở phía Bắc Thái Lan thế kỉ XIII. Trong các truyền thuyết này, vua Khun Chương sống vào đầu thế kỷ XII. Nhiều truyền thuyết khác còn cho thấy, ảnh hưởng của vua Khun Chương kéo dài đến rất nhiều vị vua ở đời sau, thậm chí là cho đến tận triều đại cuối cùng của vương triều Mangrai (Lanna). Hoàng hậu Mea Ku (Mekuti) đã được giao cho việc trị vì nước Lanna (1551 - 1564) với niềm tin rằng đất nước sẽ chống lại được sự bành trướng của người Miến nếu triều đình gìn giữ truyền thống cổ: “Trong lễ lên ngôi vua, một phong tục cổ mà Mea Ku phải tiến hành là làm lễ “phiithii suup chataa Khun Chương” để trở thành Chương, người được tin là có thể giải quyết được cơn khủng hoảng của đất nước”[5].

2.2. …đến bộ bốn sử thi Chương ở Thái Lan, Lào, Việt Nam

Ở Lào và Thái Lan, có hai bản kể văn học có thể được xếp vào loại sử thi về một người anh hùng có tên là Thạo Chương và hai bản kể này rất khác nhau về cả hình thức và độ dài.

Tác phẩm thứ nhất, Thao Ba Chương là một sử thi nổi tiếng với hơn 5000 câu thơ, với hai bản thảo, một là bản tiếng Lào cổ và một bản tiếng Thái. Maha Sila Viravong là người có công lớn trong việc tìm ra các bản thảo này tại Thư viện quốc gia Bangkok vào năm 1943. Ông cũng chỉ ra sự khác biệt giữa bản Lào cổ và bản tiếng Thái: “Bản của Thái Lan và Lào trái ngược về một số điểm, đặc biệt là phần đầu tiên - phần ứng xử với ngày sinh của Chương và lễ tang của cha Chương. Đây có lẽ là bởi vì một số lá cọ bị rách và một số khác bị phá huỷ. Ngoài ra, một số người khác đã có thể viết thêm phần bị mất, điều đó giải thích cho sự khác biệt và mâu thuẫn giữa chúng. Tập sách được công bố bằng tiếng Thái Lan không đề cập đến việc Thạo Hùng canh tác lúa trên đồng ruộng, bởi vì Ban đã sửa đổi, cắt nó đi, do một số nội dung trong phần này không phù hợp cho công bố vào thời điểm đó”Trong phiên bản này, Sila giữ lại các nội dung này  “thấy thú vị rằng văn học dân gian Lào nói về tập quán trồng lúa nước, săn bắn và đánh cá, trong khi các câu chuyện khác không có”[6].

Tác phẩm thứ hai, được giới thiệu trong bài viết “Ba bản kể của văn học Lào về một anh hùng có tên Chương” của bà Prakong Nimmanahaeminda, là một sử thi văn vần khác, với tiêu đề Thao Yi Ba Chương - vốn được trích dẫn trong các bản thảo lá cọ của CHDCND Lào. Một bản sao của công trình này cũng được tìm thấy ở miền Đông Bắc Thái Lan. Danupon Chaiyasin và Thongsook Jarumetheechon đã phiên âm tác phẩm này sang chữ Thái hiện đại vào năm 1980. Cốt truyện của Thao Yi Ba Chương rất giống với Thao Ba Chương, hai tác phẩm chỉ khác biệt chủ yếu về ngôn từ. Prakong Nimmanahaeminda nhận xét: “Thao Yi Ba Chương là một sử thi dân gian còn Thao Ba Chương là một sử thi cung đình” [2; tr 374].

Cả hai bản kể sử thi của Lào và Thái Lan này hiện nay đều chưa được dịch ra tiếng Việt. Tuy nhiên, khoảng từ nửa cuối thế kỷ XX, các nhà nghiên cứu Việt Nam khi tìm hiểu về lịch sử - văn hoá – văn học Lào, Thái Lan đều đã giới thiệu Thạo Hùng Thạo Chương đến với bạn đọc Việt Nam và coi đó là kiệt tác văn học, truyện thơ, sử thi dân gian tiêu biểu của Lào, Thái. Chẳng hạn, các tác giả của cuốn Tìm hiểu văn hoá Lào nhận xét: “Truyện thơ lấy đề tài trong lịch sử xa xưa của dân tộc Lào, nổi tiếng nhất là Thạo Hùng Thạo Chương. Các tác giả dùng lối thơ dân gian để kể lại sự tích người anh hùng Thạo Hùng trong quá trình xây mường lập ấp của Lào khi xã hội Lào còn cấu trúc bằng các mường cổ. Đây là truyện thơ miêu tả nhiều nét độc đáo trong sinh hoạt tín ngưỡng, trong phong tục tập quán của cư dân Lào cổ. Với chất trữ tình đậm đà, tính lịch sử rõ nét, truyện Thạo Hùng Thạo Chương trở thành một sử thi lớn của văn học truyền thống Lào. Về ngôn ngữ thơ ca, truyện này đậm màu sắc dân tộc, văn phong trong sáng, súc tích, gợi cảm, không pha lẫn từ ngữ Pa-li. Thạo Hùng Thạo Chương được coi là tác phẩm độc đáo và trên mọi phương diện nó được sinh ra từ chất liệu và vốn liếng của văn học thuần khiết dân tộc của người Lào” [1; tr 80].

Ở Việt Nam, cũng có hai bản kể sử thi về nhân vật Chương. Bản thứ nhất là bản Quam Chương Han của người Thái đen ở Tây Bắc Việt Nam. Trong bài viết của mình, bà Prakong nói mới chỉ biết đến bản kể sử thi này ở Việt Nam, và theo nhận định của bà Quam Chương Han rất gần gũi với sử thi dân gian Thao Yi Ba Chuong của Lào, Thái: “Có những điểm giống nhau giữa nội dung và ngôn ngữ giữa Quam Chương Han và Thao Yi Ba Chuong. Những điểm giống nhau này chỉ ra mối quan hệ gần gũi giữa bản Thái Đen và bản Lào của Thao Chương; quan hệ này gần gũi đến nỗi chúng ta có thể giả định rằng phiên bản Thái Đen có ảnh hưởng của sử thi Lào” [2; tr 379].

Quam Chương Han được lưu truyền ở Tây Bắc Việt Nam bằng cả ba hình thức: ẩn (trong trí nhớ dân chúng); hiện (trong diễn xướng truyền miệng) và lưu (trong các văn bản chữ Thái đen cổ). Hiện nay, ở Việt Nam đã có hai bản dịch sang tiếng Việt cho Quam Chương Han xuất bản thành sách: một bản dịch của tác giả Nguyễn Ngọc Tuấn (trong Chương Han sử thi Thái – Nxb KHXH, H.2003) và một bản dịch của tác giả Vương Trung (trong Chương Han – Nxb Văn hoá dân tộc, H.2005).

Bản sử thi Chương thứ hai ở Việt Nam là bản Lái Khủn Chưởng của người Thái ở miền Tây Nghệ An, được lưu truyền trong dân chúng và được ghi chép trong các văn bản chữ Thái cổ Quỳ Châu. Cũng đã có hai bản dịch sang tiếng Việt cho Lái Khủn Chưởng xuất bản thành sách: một bản dịch của Lang Sơn Hán (trong cuốn Khủn Chưởng anh hùng ca Thái – Phan Đăng Nhật chủ biên, Nxb KHXH, H.2005) và một bản dịch của Quán Vi Miên (trong Truyện Khun Chương – Nxb Văn hoá dân tộc, H.2010).

Cả bốn tác phẩm trên đây đều đưa ra những câu chuyện tương tự về Khun Chương trong các truyền thuyết, biên niên sử vùng Bắc Thái Lan, thời kỳ vương quốc cổ đại Chiengsen (Yonok). Có thể kết luận cội nguồn của nhân vật Chương và sử thi Chương là từ các truyền thuyết lịch sử này. Một vài so sánh có thể cho thấy sườn trục cốt truyện giống nhau khá cơ bản với các sự kiện chính như Chương Han đánh giặc Keo ở mường Ngân Giang, cưới nàng Ủa; Chương Han tiếp tục tấn công mường Keo ở Páh Căn, lấy nàng Ú Keo; Chương Han trị vì Ngân Giang thái bình; Chương Han đánh Ma mèn một mắt và bị chết trong trận giao tranh..v..v.. Tên các nhân vật chính cũng không thay đổi, tên các địa danh cũng trùng khớp. Giữa các bản sử thi và bản truyền thuyết khác nhau chủ yếu ở các chi tiết thần kỳ mà các bản truyền thuyết không có như chi tiết Chương Han đầu thai từ trên trời xuống; Chương Han lên trời đánh lại đội quân của các Then trên trời, trị vì mường trời…. Còn giữa bốn bản sử thi với nhau thì khác nhau chủ yếu ở việc tăng – giảm các tình tiết, ví như bản sử thi ở Lào thì có tình tiết Chương canh tác trên đồng ruộng mà các bản sử thi khác thì không có, bản sử thi Khủn Chưởng của người Thái ở Nghệ An thì có cuộc chiến đấu của Tạo Hùng - con trai Chương Han ở trên mường trời, hai cha con gặp lại nhau trên mường trời mà các bản sử thi khác cũng không có… Ngoài ra, do tính chất địa phương, các bản sử thi cũng có thể khác nhau ở yếu tố ngôn ngữ, và các chi tiết thuộc về folklore.

 Về thời kỳ xuất hiện các truyện kể này có thể ước đoán là khoảng thế kỉ XII – XIII. Học giả người Thái Lan Chit Phumisak trong bài viết “Khun Chương: người Xiêm vùng sông Kok, cái nôi văn minh Thái trước thời kỳ Sukhothai” bày tỏ quan điểm: “mặc dù nhiều nhà nghiên cứu không tin tưởng vào các ghi chép sử kí về các vương quốc cổ của Thái Lan thời kỳ tiền Lanna và cho rằng “đó là chuyện cổ xưa không có căn cứ” nhưng “khi chúng ta tin chuyện Prarewg vốn phải chọn ra từ truyền thuyết thành kiểu rời từng mảnh rồi tại sao chúng ta lại từ chối chuyện của Khun Chương có tài liệu và ghi chép đầy đủ cả trong sách sử ký của Thái Ngân Giang được truyền lại trong tình trạng gần hoàn thiện và cả trong thiên anh hùng ca vĩ đại (cái mà chưa có thơ ca nào thuộc thể loại thiên sử thi Ayutthaya và Rattanakosin vĩ đại được như thế… dù cho là một nửa). Tác phẩm văn học này là tài liệu lịch sử mà các nhà sử học cần nghiên cứu, không phải chỉ xem qua”. Tác giả đồng thời cũng ước đoán về khoảng thời gian sử thi được sáng tác: “Từ việc kiểm tra ngôn ngữ sử dụng và kiểu thơ, người quen thuộc với văn học Lanxang và văn học Thái Lan thời kỳ đầu Ayuthaya sẽ phải công nhận rằng sử thi Khun Chương cổ xưa hơn Sinchaya (được sáng tác vào khoảng năm 1642) cũng đến mấy trăm năm. Ít nhất cũng cần phải sáng tác trong giai đoạn khoảng năm 1257 – 1357. Do đó, mặc dù từ chối chuyện Khun Chương của vương quốc Ngân Giang Chiềng Sen trong truyền thuyết Singhanawat cũng sẽ phải công nhận chuyện Khun Chương của Ngân Giang trong bộ thơ sử thi lưu vực sông Kok sáng tác nhằm ca ngợi anh hùng của người Thái trong câu chuyện này” [8; tr 428].

Bên cạnh đó, điều quan trọng giúp chúng ta ước đoán giai đoạn lịch sử mà tác phẩm phản ánh chính là những yếu tố tự thân của nội dung câu chuyện, bởi vì, dù thế nào thì các bản chuyển thể sử thi về Chương vẫn là các tác phẩm văn học hư cấu thực sự. Nó không phải là một tài liệu lịch sử hay là sự sắp xếp biên niên sử các thứ tự sự kiện trong quá khứ. Có thể thấy là toàn bộ nội dung sử thi đã toát lên một không – thời gian “trước sự thâm nhập của Phật giáo và khi Ấn Độ còn ảnh hưởng rất ít” với tín ngưỡng cổ xưa về các Phi, Then còn in đậm và là “một thời điểm rất lâu trước khi ranh giới chính trị được thiết lập” khi mà vương quốc của Chương và chiến trường Chương tham chiến bao gồm các địa danh trải ra từ biên giới Mianmar tới bắc Thái Lan, Lào, lên cả Tây Bắc Việt Nam và thậm chí là vùng Sípsong Panna Trung quốc – có thể coi là một “vành đai khu vực của người Thái” ở Đông Nam Á. J. Chamberlain nhận xét rằng: “Về mặt ngôn ngữ - dân tộc học của Đông Nam Á, sẽ là sai lầm nếu xem xét sử thi theo các ranh giới địa lý - chính trị và quốc gia dân tộc hiện thời. Tôi tin chắc sẽ còn sai lầm hơn nếu quy chiếu tác phẩm này theo vương quốc Thái cổ, lãnh địa Ahom cổ, các vùng thuộc Shan, Lanna, Sípsong Panna, Lạn Xạng, Xiêng Khoảng, và Síp Song Chu Thái vì tất cả những quy chiếu này đều là rất gần hiện tại hơn nhiều so với các biến cố được miêu tả trong sử thi. Nếu có, thì những quy chiếu này đại diện cho kết quả cuối cùng của sự kiện thay vì tham gia các sự kiện” [9; tr 5]. Như vậy, về phương diện phương pháp luận, nhà nghiên cứu cần đặt tất cả các địa danh, sự kiện trong sử thi trở về thời kỳ các mường cổ của người Thái trước và trong khi các lãnh địa Thái cổ được xác lập bước đầu (nói cách khác là trở về thời kỳ tiền Lanna, thời kỳ tiền Lạn Xạng, Xiêng Khoảng, Síp song chu Thái, Sípsong Panna…), và từ đó cũng có thể xác định: nội dung sử thi phản ánh lịch sử của “vành đai khu vực người Thái” ở Đông Nam Á thời kỳ tiền Lanna thế kỷ XI, XII.

3. Kết luận

Có thể thấy rằng, các bản chuyển thể sử thi Chương là tài sản chung, thành tố văn hoá chung của các nhóm người nói tiếng Thái vùng thượng nguồn hai bên sông Mêkông giai đoạn lịch sử trước thế kỷ XIII. Khó có thể biết được bản kể nào xuất hiện trước, bản kể nào xuất hiện sau, cái nào chịu ảnh hưởng của cái nào, thậm chí sự ảnh hưởng qua lại giữa các bản kể vẫn có thể được tiếp tục sau khi chúng đã tạo thành, theo bước đường lịch sử không ngừng di cư và lan toả của nhóm người nói tiếng Thái. Mặc dù vậy, mỗi một dị bản sử thi Chương tồn tại cho đến ngày nay đều mang rõ nét bản sắc, dấu ấn địa phương nơi nó sinh thành và tồn tại, không chỉ trong ngôn ngữ mà trong cả các chi tiết, tạo nên một sự đa dạng trong thống nhất, mang lại niềm tự hào hãnh diện riêng cho mỗi vùng chủ nhân của nó.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Tài liệu tiếng Việt

1. Nhiều tác giả (1985), Tìm hiểu văn hoá Lào, Viện Đông Nam Á.

2. Nhiều tác giả (2009), Sử thi Việt Nam trong bối cảnh sử thi châu Á, Nxb Khoa học xã hội, HN.

Tài liệu tiếng Trung

3. 何平:《关 于 叭 真 及 其 与 坤 真、坤 壮 和 陶 真 关 系 的 重 新 解 读》,《世 界 民 族》,2010 年 第 2 期 (Hà Bình: “Cách nhìn mới về Ba Zhen và mối quan hệ giữa Ba Zhen với Khun Zhen,Khun Cuang, Tao Zhen”, tạp chí “Dân tộc thế giới”, kỳ 2, 2010, tr 88 - 96).

4. 娄 自 昌:《叭 真 的 攻 略 扩 张 及 其 在 小 泰 区 域 傣一泰 民 族 强 盛 过 程 中 的 历 史 地 位》,文 山 师 范 高 等 专 科 学 校 学 报,2006 年 3 月,第 l9 卷 第 1 期 (Lâu Tự Xương: “Bazhen mở rộng địa bàn và vai trò lịch sử của việc đó đối với quá trình phát triển của người Thái”, học báo Trường cao đẳng chuyên nghiệp sư phạm Văn Sơn, kỳ 1, quyển 19, tháng 3 năm 2006, tr 27 - 31).

5. 朱 德 普:《叭 真 再 考》,思 想 战 线》,1998 年 第 8 期 (Chu Đức Phổ: “Nghiên cứu thêm về Ba Zhen”, kỳ san “Trận tuyến tư tưởng”, kỳ 8, 1998, tr 76 - 81).

6. 朱 德 普:《勐 泐 叭 真 考 说》,《思 想 战 线》,1993 年 第 3 期 (Chu Đức Phổ: “Tìm hiểu về Ba Zhen ở Meeng Le”, kỳ san “Trận tuyến tư tưởng”, kỳ 3, 1993, tr 51 - 57).

7. 朱 德 普 :《勐 泐 和 庸 那 迦 “联 盟” 之 辨 析》,中 南 民 族 学 院 学 报(哲 学 社 会 科 学 版),1993年 第 4 期(总 第 61 期) (Chu Đức Phổ: “Phân tích về liên minh Meeng Le – Yonok”, Học báo Học viện Dân tộc Trung Nam (Bản Khoa học Xã hội – Triết học), kỳ 4 (tức kỳ số 61) năm 1993, tr 30 - 34).

Tài liệu tiếng Thái Lan

8. ท้าวฮุ่ง ท้าวเจือง  วิรบุรุษสองฝั่งโขงมติชนพิมพ์ครั้งแรก ๒๕๔๘  ( Thạo Hùng – Thạo Chương, anh hùng huyền thoại hai bên sông Mêkông, (2005), Matichon. Dịch từ bản gốc tiếng Lào: Sử thi Thạo Hùng Thạo Chương (quyển 1,2), soạn bởi Mahalila Siravong. Nhóm phiên dịch: Bunnat Sakenoc/Wiraphong Misathan/Prasat Phasiri/Somchai Ninathi/Pramot Naichit.

Tài liệu tiếng Anh

9. Proceeding of the First International Conference on the Literary, Historical and cultural aspects of Thao Hung – Thao Cheuang, ed. Sumitr Pitiphat, Bangkok, Thammasat University, Thai – Khadi Research Institute, p.1.

 


[1] GS Phan Đăng Nhật (2003) gọi chung là “sử thi Hùng – Chương”  [39; tr 335].

[2] Phiên âm theo bản tiếng Trung.

[3] Thailand: A Short History, Chiengmai 1999.

[4] History of Lanna, Chiengmai 2005.

[5] Tạ Đức, Người Lạc Việt phải chăng là một nhóm Lava cổ, nguồn intenet: http: // www. idr.edu.vn/diendannghiencuu

[6] Nguồn: http: //www.seasite.niu.edu/laoliterature/thaohungthaocheuang, [93].

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020