Thần Sấm là nhân vật thường xuất hiện trong truyện cổ dân gian(1) ở các nước trong khu vực và trên thế giới. Trung Quốc (phương Nam), Nhật Bản, Triều Tiên và Việt Nam từ xa xưa đều là những nước nông nghiệp, lấy lúa nước làm cây trồng cơ bản. Nhờ khí hậu ấm áp, lượng mưa lớn về mùa hè đã giúp nghề nông với cây lúa nước có điều kiện để phát triển, giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Bên cạnh đó, các nước cũng phải chịu sự khắc nghiệt do thiên nhiên mang lại, đe dọa cuộc sống và tính mạng con người như lũ lụt, hạn hán và sấm sét. Xuất phát từ nhu cầu ca ngợi tôn vinh, ngay từ những tác phẩm ghi chép truyện dân gian đầu tiên ở các nước đã xuất hiện truyện về những anh hùng chống thiên tai mang tầm vóc vũ trụ. Trong cuộc đấu tranh đó, những người bình thường nhưng có khả năng chống chọi với thiên nhiên, sau khi chết đi được tôn thành thần và họ cũng chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Truyện kể về những người "đánh lui thần Sấm" hay "bắt thần Sấm" trong truyện cổ dân gian ở các nước trong khu vực là sự phản ánh quá trình đấu tranh với thiên nhiên đầy gian khổ đó của con người.
Ở Trung Quốc, kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" khá phong phú và có từ rất sớm. Từ thời Tấn (265-419) trong sách Sưu thần ký của Can Bảo đã xuất hiện kiểu truyện "đánh lui thần Sấm", đó là truyện Tích lịch bị cách (Thần Sấm bị đánh) quyển 12; hay truyện Võ Vương quyển 8. Ngoài Sưu thần ký, còn có truyện Vương Cán, quyển 8, sách Dậu dương tạp trở 酉陽雜俎; truyện Địch Nhân Kiệt, truyện Trần Loan Phượng, truyện Trần Nghĩa, quyển 393; truyện Diệp Tiên Thiều, quyển 394 sách Thái Bình quảng ký 太平廣記 ; truyện Cao Tổ, quyển 19 sách Bắc Tề thư 北齊書...
Ở Nhật Bản, kiểu truyện "bắt thần Sấm" cũng xuất hiện khá sớm khoảng thế kỷ thứ V - VI, trong các sách như Hùng Lược kỷ 雄略紀, tiếp đó là Suy cổ ký 推古記, Quốc phong thổ ký 國風土記, Đại Nhật Bản quốc Pháp Hoa nghiệm ký大日本國法華驗記, Nhật Bản cảm linh lục日本感靈錄 và Nhật Bản linh dị ký 日本靈異記 .
Ở Việt Nam, truyện liên quan đến thần Sấm được ghi chép sớm nhất vào khoảng thế kỷ thứ XI-XIV trong Lĩnh Nam chích quái 嶺南摭怪, song phải đến thế kỷ XVIII, kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" mới thấy xuất hiện trong Công dư tiệp ký 公餘捷記của Vũ Phương Đề.
Kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" hay "bắt thần Sấm" từ lâu đã được các nhà nghiên cứu ở các nước khu vực quan tâm nghiên cứu. Ở Việt Nam, truyện Cường Bạo Đại vương, trong sách Công dư tiệp ký đã được một số nhà nghiên cứu văn học tìm hiểu, khai thác ở các khía cạnh khác nhau(2), song có lẽ chưa có bài viết nào đi sâu so sánh với cùng kiểu truyện này ở các nước trong khu vực. Ở Nhật Bản, Kono Kimiko 河野貴美子 (Đại học Waseda, Nhật Bản) trong tác phẩm Nhật Bản linh dị ký và truyện kể dân gian Trung Quốc(3) đã nghiên cứu kiểu truyện "bắt thần Sấm" hay" đánh lui thần Sấm" trong sách Nhật Bản linh dị ký và truyền thuyết dân gian Trung Quốc, từ đó tìm ra những điểm tương đồng và dị biệt giữa truyện kể của Nhật Bản và Trung Quốc. Cũng trong tác phẩm này, Kono Kimiko còn giới thiệu một số truyện của Triều Tiên, song đáng tiếc kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" trong truyện cổ dân gian viết bằng chữ Hán của Việt Nam lại chưa được tác giả Kono và các học giả Nhật Bản biết tới. Bài viết này là sự kế thừa công trình nói trên của học giả Nhật Bản, trọng tâm là so sánh truyện Cường Bạo Đại vương, trong sách Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề với kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" của các nước Trung Quốc và Nhật Bản, theo kết cấu thể loại truyền thuyết anh hùng: lai lịch (sinh nở thần kỳ, đức tính); chiến công thần kỳ (vũ khí, phương pháp đánh lui thần Sấm); sự hóa thân(4). Qua so sánh, hy vọng có thể giúp tìm ra những điểm riêng mang tính dân tộc và điểm chung mang tính khu vực giữa Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản.
1. Về lai lịch nhân vật "đánh lui thần Sấm"
1.1. Sinh nở thần kỳ
Nhân vật đánh lui thần Sấm trong truyện cổ tích và truyền thuyết dân gian các nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản hầu hết mang đặc tính phi thường và họ luôn được dân gian thiêng hóa khi mô tả. Sinh nở thần kỳ, chiến công phi thường và hóa thân là những motip thường được dân gian sử dụng để miêu tả nhân vật(5). Truyện Cường Bạo Đại vương, trong sách Công dư tiệp ký cũng không phải ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu so sánh với khoảng 12 nhân vật trong các truyện của Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam (Triều Tiên không có motip này) thì số truyện xuất hiện motip sinh nở thần kỳ lại chiếm rất ít, 3 trên tổng số 12 truyện (một của Việt Nam, một của Trung Quốc và một của Nhật Bản). Các nhân vật khác xuất thân là người hoàng tộc, quan lại, nông dân, hoặc người dân bình thường. Giải thích về sự vắng bóng motip sinh nở thần kỳ ở các truyện cổ dân gian Việt Nam giai đoạn đầu như trường hợp Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, có nhà nghiên cứu cho rằng, có lẽ để người dân tin hơn vào sự hiện diện của người anh hùng trong cuộc sống đời thường nên khi ghi chép truyện dân gian các tác giả đã hạn chế đến mức tối đa yếu tố thần kỳ (sinh nở thần kỳ). Ngoài ra, có thể do lối mô tả bằng sử bút nên yếu tố thần kỳ cũng ít xuất hiện(6).
Về motip sinh nở thần kỳ, cũng theo các nhà nghiên cứu thường có hai dạng: thứ nhất kể trực tiếp: bà mẹ đi giặt bị con rái cá lớn hãm hiếp, về nhà thụ thai (Đinh Tiên Hoàng ký); lúc sinh ra ánh hào quang đỏ rực (La Sơn Nguyễn Giám sinh ký), sách Công dư tiệp ký... và dạng thứ hai là qua báo mộng: bà mẹ nằm mơ thấy Phật giáng hạ thụ thai rồi sinh ra ông (Bối Khê tự ký), sách Công dư tiệp ký...
Motip sinh nở thần kỳ trong kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" của ba nước cũng xuất hiện hai dạng kể trên. Về dạng thứ nhất: truyện Trần Nghĩa (Trung Quốc); truyện Kaminarino koiwo eteuketemorattakodomoga kyoryokudeatta hanashi - Chú bé có sức mạnh nhờ sự trả ơn của thần Sấm (Nhật Bản). Dạng thứ hai: truyện Cường Bạo Đại vương (Việt Nam).
Bảng so sánh motip sinh nở thần kỳ trong truyện dân gian
của ba nước Việt Nam Trung Quốc và Nhật Bản
TT
|
Tên truyện
|
Nhân vật
|
Hoàn cảnh ra đời
|
1
|
Cường Bạo Đại vương
(Công dư tiệp ký 公餘捷記)
|
Cường Bạo
|
"Trước kia mẹ ông nằm mơ thấy một người mặt đen đến bảo: 'Thần núi Nhạc sẽ thác sinh vào họ này', rồi mẹ ông thụ thai và sinh ra ông" (其母夢黑漢謂曰:維岳降神,誕生伊族,遂有娠而生)
|
2
|
Trần Nghĩa, quyển 394
(Thái bình quảng ký
太平廣記)
|
Trần Nghĩa
|
"Trần Nghĩa là con cháu của thần Sấm. Ngày xưa, họ Trần, nhân một hôm mưa to sấm sét, ban ngày trời tối đen, nhặt được quả trứng to rơi trong sân, úp qua vài tháng, trứng nở ra một đứa trẻ" (義即雷之諸孫。昔陳氏因雷雨晝冥,庭中得大卵,覆之數月,卵破有嬰兒出焉)
|
3
|
Kaminarino koiwo eteuketemorattakodomoga kyoryokudeatta hanashi - Chú bé có sức mạnh nhờ sự trả ơn của thần Sấm (Nhật Bản linh dị ký 日本靈異記 )
|
Pháp sư Dojo
|
"Bỗng mây đen kéo đến che kín bầu trời, lúc sau sinh ra một chú bé, trên đầu có hai con rắn cuộn tròn, đầu và đuôi rủ cả xuống phía sau" (即靉霧登天,然後所產,兒之頭纏蛇二遍,首尾垂後而生)
|
Cả ba trường hợp trên, nhân vật đều được mô tả có nguồn gốc thần thánh, báo trước một sức mạnh siêu phàm mà chiến công của họ không ai có thể thay thế. Về hình thức sinh nở, nếu trường hợp Cường Bạo (Việt Nam) do bà mẹ sinh ra, thì Trần Nghĩa (Trung Quốc) được sinh ra từ quả trứng, và chú bé (Nhật Bản) được sinh ra từ đám mây đen.
1.2. Về tính cách nhân vật
Nhân vật "đánh lui thần Sấm" hay "bắt thần Sấm" trong truyện cổ dân gian của cả ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản hầu hết được mô tả với tính cách dũng mãnh, táo bạo. Ví dụ: truyện Hốt Lôi, sách Thái bình quảng ký, mô tả: Hốt Lôi "là người cường tráng, dũng mãnh khi đánh nhau". Hay truyện Vương Cán, sách Dậu dương tạp trở kể: "Vương Cán là người cam đảm, có dũng khí". Tuy nhiên, không phải truyện nào cũng mang cảm hứng tôn vinh như vậy. Truyện Trần Loan Phượng, sách Thái bình quảng ký mô tả cuộc chiến nẩy lửa giữa Loan Phượng và thần Sấm, cuối cùng thần Sấm phải chịu thua, cho mưa xuống, nhưng Loan Phượng vẫn bị dân làng đuổi đi, không cho về làng.
Điều dễ nhận thấy là trong khi các nhân vật "đánh lui thần Sấm" hay "bắt thần Sấm" trong truyện cổ dân gian của Trung Quốc và Nhật Bản hầu hết đều được khắc họa là những người "cam đảm, có dũng khí", hành động mang dáng dấp của người anh hùng, thì nhân vật Cường Bạo Đại vương của Việt Nam lại được mô tả như kẻ phàm phu "tính khí ngỗ ngược, khinh miệt người đời, quên cả cha mẹ, không cúng giỗ tổ tiên". Cách mô tả này làm tính thiêng (nhân vật vốn là con của thần núi thác vào) bị giảm đi ít nhiều. Nhân vật không còn tư thế của người anh hùng chinh phục thiên nhiên, hay đánh giặc giữ nước với mục đích cao cả vì cộng đồng như các nhân vật anh hùng trong truyện cổ tích và truyền thuyết dân gian giai đoạn đầu thường gặp. Nếu so sánh hình ảnh người anh hùng châu Phù Đổng oai vệ, cưỡi ngựa sắt, cầm gậy sắt xông thẳng vào đồn lũy của giặc, đánh tan giặc, bỏ lại áo giáp sắt, người và ngựa cùng bay lên trời, với một tư thế lẫm liệt, hào hùng(7), thì cách mô tả nhân vật Cường Bạo đã làm cho khoảng cách tôn ti gần như bị xóa bỏ.
Sự ra đời muộn màng kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" trong Công dư tiệp ký của Vũ Phương Đề đã tạo ra sự khác biệt về tính cách nhân vật giữa Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản. Cảm hứng tôn vinh là đặc điểm chung đối với hầu hết các tác phẩm ghi chép truyện dân gian đầu tiên ở các nước trong khu vực, nó như một lựa chọn để tác giả dân gian bày tỏ tình cảm yêu mến và lòng kính trọng đối với nhân vật mà mình xây dựng. Điều này có thể minh chứng thêm qua kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" trong truyện dân gian của Trung Quốc và Nhật Bản. Ví dụ truyện Tiết Cô Diên, trong Bắc Tề thư kể rằng: "Cao Tổ đi duyệt ngựa ở cánh đồng phía bắc, giữa đường gặp trời mưa, sấm chớp ầm ầm, thấy phía trước có ngôi chùa, Cao Tổ bảo Diên lên xem. Diên cưỡi ngựa tiến đến phía trước, đi chưa được ba mươi bước, lửa sét thiêu sém mặt. Diên vừa hô "giết", vừa chạy vòng quanh ngôi chùa, lửa sét liền tắt hẳn. Diên trở lại, râu tóc cùng bờm ngựa cháy rụi. Cao Tổ khen: "Tiết Cô Diên có thể đánh nhau với sấm sét". Hay truyện Kaminariwo tsukamaeta hanashi (Truyện bắt thần Sấm) trong Nhật Bản linh dị ký: Về sau khi Sugaru mất, Thiên hoàng ra lệnh làm lễ mai táng ông bảy ngày bảy đêm để ca tụng tấm lòng trung tín của ông và cho dựng mộ ông nơi thần Sấm giáng xuống, dựng bia đề rằng: "Mộ của Sugaru, người đã bắt thần Sấm". Thần Sấm thấy vậy lấy làm oán ghét, giáng sấm sét xuống tấm bia, nhảy xuống dẫm nát trụ bia, nhưng thần Sấm lại bị vết nứt của trụ bia kẹp chặt. Thiên hoàng nghe chuyện, sai người gỡ ra, thần Sấm mới thoát chết. Sau khi thoát ra ngoài, thần Sấm vẫn run lẩy bẩy, sợ hãi lưu lại bảy ngày bảy đêm bên mộ không thể bay về trời được. Thiên hoàng ra lệnh dựng lại bia và đề rằng: "Mộ Suga ru, người lúc sống bắt được thần Sấm, khi mất cũng bắt được thần Sấm".
Tuy nhiên, ở Việt Nam giai đoạn này, trong các tác phẩm văn bản hóa truyền thuyết dân gian, tính thiêng của các nhân vật hầu hết đã bị mờ nhạt. Nhiều nhà nghiên cứu đã đề cập đến sự chuyển biến của Nho học thế kỷ XVIII-
XIX, khi vận mệnh dân tộc không còn là vấn đề hàng đầu của xã hội và đời sống văn học như giai đoạn thế kỷ X-XV, thì mối quan tâm của các nhà nho lại hướng về thực tại. Có ý kiến cho rằng "trước thế kỷ XVII con người trong văn học chủ yếu được khẳng định trong các lí tưởng lớn, vì dân tộc, trong đạo đức phong kiến theo quan điểm Nho giáo hay trong sự siêu thoát với đạo Lão, đạo Thiền. Từ thế kỷ XVII trở đi, con người trong văn học tự khẳng định mình qua nhu cầu sống trần tục. Đặc điểm này làm thay đổi căn bản phong cách văn học(8). Sự biến động của đời sống xã hội, sự phát triển của ý thức cá nhân, sự thay đổi trong thị hiếu văn học và giao lưu văn hóa... đã khiến việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian không còn là những ghi chép phản ánh hào quang của quá khứ mà thực sự đã trở thành "những sáng tạo nghệ thuật" trong việc mô tả xã hội đương thời.
Bảng đối chiếu tính cách nhân vật trong truyện kể dân gian
ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản
TT
|
Tên truyện
|
Nhân vật
|
Tính cách nhân vật
|
1
|
Cường Bạo Đại vương (Công dư tiệp ký)
|
Cường Bạo
|
Khi lớn lên, tính khí ngỗ ngược, khinh miệt người đời, quên cả cha mẹ, không cúng giỗ tổ tiên.
|
2
|
Vương Cán (Dậu dương tạp trở)
|
Vương Cán
|
Là người cam đảm, có dũng khí.
|
3
|
Trần Loan Phượng (Thái bình quảng ký)
|
Trần Loan Phượng
|
Là người cam đảm, có dũng khí.
|
4
|
Hốt Lôi (Thái bình quảng ký)
|
Hốt Lôi
|
Là người cường tráng, dũng mãnh khi đánh nhau.
|
5
|
Tiêu thị tử (Thái bình quảng ký)
|
Tiêu thị tử
|
Được coi là người cam đảm có dũng khí.
|
6
|
Địch Nhân Kiệt (Thái bình quảng ký)
|
Địch Nhân Kiệt
|
Nhân Kiệt một mình cưỡi ngựa, xông xáo tiến sát tới nơi, hỏi...
|
7
|
Diệp Tiên Thiều (Thái bình quảng ký)
|
Diệp Tiên Thiều
|
Tiên Thiều đứng dưới sân gọi to thần Sấm năm lần .
|
8
|
Võ Vương (Sưu thần ký)
|
Hạng Vương
|
Hạng Vương nói: "Có ta đây, ai dám địch với ta".
|
9
|
Lôi Công (Sưu thần hậu ký)
|
Chương Cẩu
|
Cẩu nhảy lên gò cao quát lớn: "Thiên sứ, ta nghèo khó, cật lực cày cấy, vậy mà rắn tới ăn trộm. Tội ở rắn, sao lại sai sấm sét tới đánh ta. Ta chẳng cần biết Lôi công là ai, nếu tới đây ta sẽ lấy thuổng đập vỡ bụng hắn".
|
10
|
Cao tổ (Bắc Tề thư)
|
Diên
|
Diên cưỡi ngựa tiến đến phía trước, đi chưa được ba mươi bước, sét lửa thiêu sém mặt. Diên hô "giết".
|
11.
|
Kaminariwo tsukamaeta hanashi (Nhật Bản linh dị ký) (Truyện bắt thần Sấm)
|
Sugaru
|
Khi Thiên hoàng đang ái ân với Hoàng hậu tại điện Đại An, Sugaru chẳng để ý đi vào, Thiên hoàng xấu hổ phải dừng việc chăn gối.
|
12
|
Kaminarino koiwo eteuketemorattakodomoga kyoryokudeatta hanashi - Chú bé có sức mạnh nhờ sự trả ơn của thần Sấm (Nhật Bản linh dị ký)
|
Người nông dân
|
Bấy giờ thần Sấm nhảy xuống, biến thành cậu bé xuất hiện trước mặt người nông dân. Người nông dân định dùng gậy đánh chết thần Sấm...
|
13
|
Thần Watanabe (Suy cổ kỷ)
|
Watanabe
|
Sau khi làm lễ tễ bèn lấy dao chặt cây thần Sấm trú ngụ làm thuyền.
|
14
|
Thần Dung (Pháp Hoa nghiệm ký)
|
Shin yu
|
Tụng kinh Pháp Hoa khiến thần Sấm phải nhận tội.
|
|
|
|
|
2. Về chiến công "đánh lui thần Sấm"
2.1. Vũ khí của nhân vật.
Trong khi xây dựng nhân vật anh hùng, tác giả dân gian thường mô tả theo hai biểu hiện "sức mạnh phi thường tự thân của nhân vật và sự phù trợ của vật thiêng, phép lạ"(9). Nhân vật "đánh lui thần Sấm" hay "bắt thần Sấm" trong các truyện kể dân gian của ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản cũng được hỗ trợ bởi các vật thiêng như vậy. Song, vũ khí của họ không phải phương tiện gì khác mà là những công cụ gắn bó hàng ngày trong lao động sản xuất, thường là cây gậy (trượng) bằng gỗ hoặc bằng sắt, ngoài ra còn có cả đòn sóc, cuốc, dao, gậy sắt, chùy lớn, cung tên. Những công cụ này sẽ trở thành vật thiêng phù giúp cho các nhân vật vượt qua thử thách, lập chiến công phi thường, hoàn thành sứ mạng do cộng đồng giao phó. (Xem chi tiết trong Bảng đối chiếu phương pháp "đánh lui thần Sấm" ở ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản).
Về cây" gậy" (trượng), theo Kono Kimiko và các nhà nghiên cứu Nhật Bản, "cây gậy" (bằng gỗ hoặc bằng sắt) là vũ khí đặc biệt thường xuất hiện trong thần thoại và truyện cổ dân gian ở Nhật Bản. "Cây gậy ngoài ý nghĩa là công cụ không thể thiếu trong việc điều phối và quản lý nước để sản xuất nông nghiệp, nó còn là biểu tượng quyền uy của việc thống trị, và là phương tiện để thực thi mệnh lệnh của thần thánh". Ngoài ra "cây gậy" còn được coi là phương tiện thần kỳ trong việc "vạch giới hạn" và "hoạch định lãnh thổ"(10).
Nếu so sánh với Trung Quốc hay Việt Nam thì phương tiện thần kỳ - cây gậy, hoặc các nông cụ khác không phải chỉ xuất hiện trong thần thoại và truyền thuyết dân gian ở Nhật Bản, mà có mặt hầu hết trong các thần thoại và truyện cổ dân gian của Việt Nam và Trung Quốc. Có lẽ chỉ cần nêu một số thí dụ về kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" trong truyện dân gian của Trung Quốc cũng đủ minh họa cho những nhận xét trên đây của các nhà nghiên cứu Nhật Bản. Còn ở Việt Nam, trong Truyện thần Ngư tinh, Truyện Đổng Thiên Vương, Truyện cổ Man Nương trong sách Lĩnh Nam chích quái; truyện Cường Bạo Đại vương sách Công dư tiệp ký, truyện Đánh ma, trong sách Lan Trì kiến văn lục cũng xuất hiện "cây gậy" với tư cách là phương tiện thần kỳ, được dùng để: bảo vệ đất nước (Đổng Thiên Vương dùng gậy sắt để đánh giặc Ân - truyện Truyện Đổng Thiên Vương); bảo vệ nhân dân (Long Quân ném khối sắt nung đỏ vào miệng Ngư tinh - Truyện thần Ngư tinh); bảo vệ mùa màng (Vào năm hạn hán, Man Nương dùng gậy cắm uống đất, tự nhiên nước cuồn cuộn chảy ra, dân nhờ thế mà no ấm - Truyện cổ Man Nương - Lĩnh Nam chích quái); chế ngự thần thánh (Cường Bạo Đại vương dùng gậy để đánh thần Sấm - Công dư tiệp ký), hay ma quỷ (Trần Hãn dùng gậy đánh ma) (Lan Trì kiến văn lục).
Môtip "cây gậy" có chức năng trong việc "vạch giới hạn" và "hoạch định lãnh thổ", cũng dễ gặp ở trong các truyện cổ tích và truyền thuyết dân gian ở Trung Quốc, thí dụ trong sử thi của người Đồng (tỉnh Hồ Nam) kể chuyện người anh hùng Kim-Gia-Xin ném gậy vàng để xin đất cho dân tộc Đồng cư trú. Vừa phóng đi, hai bên cây gậy bỗng mọc ra đôi cánh, hóa thành rồng bay lên cao rồi rơi xuống. Toàn bộ vùng đất từ chỗ chiếc gậy được phóng đi đến chỗ chiếc gậy rơi xuống được coi là vùng đất của người Đồng(11)...Còn ở Việt Nam, truyện Đô thống khuông quốc tá thánh vương (Lê Phụng Hiểu) trong sách Việt điện u linh, cũng có chi tiết liên quan đến việc phóng đao "vạch giới hạn". Truyện kể rằng, Phụng Hiểu đã xin vua ban thưởng bằng cách phóng đao, đao rơi tới đâu thì xin vua ban cho làm ruộng đến chỗ đấy.
2.2 Phương pháp "đánh lui thần Sấm"
Theo bảng thống kê, phương pháp "đánh lui thần Sấm", "bắt thần Sấm" trong truyện cổ dân gian các nước cũng rất đa dạng và phong phú. Ví như: dùng lá mùng tơi giã nhỏ trộn với dầu nước bôi lên mái nhà, thần Sấm ngã xuống liền dùng gậy đánh (Cường Bạo Đại vương, sách Công dư tiệp ký) (Việt Nam); dùng cuốc đánh nhau với khí đen sấm sét (Vương Cán, sách Dậu dương tạp trở); dùng đồ thần Sấm kiêng ăn như cá vàng, thịt lợn, gọi thần Sấm xuống, rồi dùng dao chém vào đùi thần Sấm, làm thần Sấm rơi xuống (Trần Loan Phượng, sách Thái bình quảng ký); dùng cuốc đánh gẫy đùi thần Sấm (Tích lịch bị cách, sách Sưu thần ký); cùng tùy tùng mang cung tên, bày chiêng trống giao chiến với thần Sấm (Hốt Lôi, sách Bắc Tề thư); dùng chùy lớn đánh quỷ Sấm (Tiêu thị tử, sách Thái bình quảng ký); dùng dao chém quỷ Sấm trên không trung (Trần Nghĩa, sách Thái bình quảng ký); dụ cho thần Sấm nhảy xuống cây, dùng vết nứt ở thân cây kẹp chặt lại rồi bắt thần Sấm (Tiên cảm ngẫu truyện) (sách Thái bình quảng ký) (Trung Quốc). Hay dùng vết nứt của bia để kẹp lấy thần Sấm (truyện Bắt thần Sấm; dùng gậy sắt giơ lên bắt thần Sấm (truyện Chú bé có sức mạnh nhờ sự hảo tâm của thần Sấm - Nhật Bản linh dị ký); tụng Kinh Pháp Hoa bắt thần Sấm giáng hạ ở ngay ngôi tháp do thần Sấm phá vỡ (Pháp Hoa nghiệm ký - Nhật Bản). (Xem chi tiết ở Bảng đối chiếu phương pháp "đánh lui thần Sấm" trong truyện dân gian của ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản).
Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản cùng trong khu vực sử dụng chữ Hán, có điều kiện sống gần gũi và nhiều yếu tố văn hóa tương đồng nên rất thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa. Do có sự xâm nhập, ảnh hưởng vay mượn lẫn nhau nên ở lĩnh vực văn học nói chung và văn học dân gian nói riêng có nhiều nét tương đồng.
Trước Kono Kimiko, các nhà nghiên cứu Nhật Bản cũng đã chỉ trích cái bóng quá lớn của văn học Trung Quốc trong Nhật Bản linh dị ký và một số tác phẩm ghi chép truyện dân gian giai đoạn đầu của văn học Nhật Bản. Người ta có thể dễ nhận ra những điểm chung trong kiểu truyện "bắt thần Sấm" giữa Nhật Bản và Trung Quốc. Ví dụ cách hô gọi thần Sấm giáng hạ rồi dùng kiệu lồng để bắt thần Sấm trong Nhật Bản linh dị ký dễ làm mọi người liên tưởng motip thần Sấm là con gà trong các truyện cổ dân gian và truyền thuyết ở vùng phương Nam của Trung Quốc. Trong truyền thuyết Bố bạch của người Đồng có kể chuyện thần Sấm bị bắt nhốt vào cũi. Hay trong Truyện chàng Bàn Thạch, truyền thuyết của dân tộc Dư, thần Sấm cũng là con gà. Trong các thần thoại về nạn hồng thủy, loại hình anh em ruột kết hôn với nhau được phổ biến khá rộng trong truyền thuyết của các dân tộc Trung Quốc, trong đó motip thần Sấm báo thù vì gây ra lũ lụt nên bị nhân gian bắt, địa điểm và phương pháp bắt thần Sấm cũng gần giống với truyện Bắt thần Sấm ở Nhật Bản linh dị ký.
Hay trong truyện Chú bé có sức mạnh nhờ sự trả ơn của thần Sấm, sách Nhật Bản linh dị ký, nhân vật thần Sấm là "chú bé con" cũng chịu ảnh hưởng của motip "chú bé con là hiện thân của rồng" trong các truyện cổ tích và truyền thuyết dân gian Trung Quốc. Ví dụ, truyện Vương Thuật, Q.452 trong sách Thái bình quảng ký, kể rằng: "Vương Thuật đi hái thuốc ở trên núi Thiên Thai, bấy giờ trời rất nóng bèn nghỉ chân dưới cầu đá, rồi xuống suối uống nước, bỗng thấy trong khe suối có chú bé cao hơn thước, cưỡi con cá chép đỏ, bay vào trong đám mây, dần dần không nhìn thấy nữa. Thuật bèn trèo lên đỉnh núi nhìn khắp xung quanh, thấy mây gió nổi lên trên biển, chốc lát có tiếng sấm sét giao nhau, thoáng chốc đã tới chỗ Thuật. Thuật sợ bèn ẩn vào trong hốc cây, thấy có vật như mảnh vải màu đen như sơn, sau không biết bay đi đâu. Đến khi trời tạnh, nhìn thấy chú bé cưỡi cá chép đỏ trở xuống khe vực. Trông ra là con rồng đen".
Phương pháp dùng vết nứt của trụ bia bắt thần Sấm trong cùng tác phẩm trên của Nhật Bản, cũng dễ khiến cho người ta liên tưởng đến truyện Tiên cảm ngẫu truyện, sách Thái bình quảng ký. Truyện kể rằng: "Thiều lúc nhỏ đi chăn trâu hái củi, gặp mưa trú dưới gốc cây. Sấm sét đánh vào thân cây, một lúc lâu cây cũng không sao, trái lại thần Sấm bị cây kẹp chặt, vùng vẫy mà không bay lên được. Thiều lấy mảnh đá gỡ cành cây, thần Sấm mới thoát ra được". Ngay cả cách nói thách thức thần Sấm: "Ngươi tuy là thần Sấm, nhưng cớ gì mà không nhận lời mời của Thiên hoàng ta", trong Nhật Bản linh dị ký cũng có hơi hướng của câu nói của Hạng Vương: "Có ta đây, kẻ nào trong thiên hạ dám đương đầu với ta" (Truyện Hạng Vương, sách Sưu thần ký).
Ở Việt Nam, Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục cũng đã chỉ rõ ảnh hưởng của các truyện Trung Quốc vào Lĩnh Nam chích quái(12) Sự gần gũi về mặt địa lý, hoàn cảnh tự nhiên, phong tục tập quán, chữ viết... cùng với sự phong phú và đa dạng, lại xuất hiện từ rất sớm của văn học Trung Quốc càng khiến ông cha chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là sử dụng cái có sẵn của Trung Hoa để cải biến sao cho phù hợp với nhu cầu thẩm mỹ của người Việt qua mỗi giai đoạn(13),vì thế sự ảnh hưởng của văn học Trung Quốc là lẽ đương nhiên.
Truyện Cường Bạo Đại vương do xuất hiện muộn hơn so với kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" ở Trung Quốc và Nhật Bản, nên câu chuyện đã được kể dài hơn, tính mô tả được gia tăng đáng kể, nhiều mảnh truyện dân gian được xâu chuỗi lắp ghép thành một truyện, song nếu xem xét kỹ, người ta vẫn có thể dễ nhận ra những mảnh ghép lấy từ cùng kiểu truyện này của Trung Quốc. Ví dụ đoạn văn mô tả tính cách của Cường Bạo: "Khi lớn lên, tính khí ngỗ ngược, khinh miệt người đời, quên cả cha mẹ, không cúng giỗ tổ tiên"; hay đoạn kết Cường Bạo thác vào người khác nói rằng: "Ta là Cường Bạo linh thần, các người nên lập đền thờ thì được yên ổn, nếu không sẽ bị chết hết", cũng dễ làm cho chúng ta liên tưởng đến truyện Tướng Tử Văn trong Sưu thần ký: "Tướng Tử Văn là người Quảng Lăng, nghiện rượu, thích gái, gian dối, dữ ác quá mức, thường nói xương cốt mình xanh, chết tất làm thần. Cuối đời Hán, làm chức Úy ở Mạc Lăng, đuổi giặc đến chân núi Chung Sơn, giặc đánh bị thương ở trán, tự cởi dây buộc lại, được một lát thì chết. Đến khoảng đầu Ngô tiên chúa, người lại cũ của Văn gặp trên đường, Văn bảo rằng: Ta phải làm thần ở đất này để làm phúc cho bọn dân chúng mày, chúng mày có thể nói ra với trăm họ, vì ta mà lập miếu thờ, nếu không thì sẽ có lỗi nặng. Mùa hè năm ấy có dịch lớn, trăm họ dọa nhát nhau, lắm kẻ thờ trộm Văn"(14) .
Đoạn Cường Bạo đánh nhau với thủy thần: đóng bè chuối, lấy chuối làm cờ, khi thủy thần dâng nước lên, ông bèn ngồi lên bè chuối, đánh trống đánh chiêng, tung hoành trên mặt nước, lại còn nói to lên rằng "Ta lên đánh nhau với trời", dễ làm chúng ta liên tưởng đến truyện Hốt Lôi trong Thái bình quảng ký. Truyện kể rằng: "Thiệu [tức Hốt Lôi] mang theo hơn hai mươi tùy tùng mang cung tên, bày chiêng trống cùng thần Sấm giao chiến, áo quần cháy sém, thương tích đầy người, từ giờ Thìn đến giờ Dậu, sấm sét mới tan hết". Hoặc đoạn mô tả Cường Bạo: "Vương cướp được một đoạn dây đồng đỏ dài độ một trượng, đem chôn ở một chỗ cao ráo sạch sẽ" cũng sẽ làm ta liên tưởng đến truyện Vương Cán, sách Dậu dương tạp trở. Truyện kể rằng: "Bỗng chốc sấm sét đánh vào trong nhà, khí đen lan tỏa. Cán bèn đóng cửa lại, dùng cuốc khua loạn xị. Tiếng sấm nhỏ dần, khí mây cũng thu lại, nhưng Cán vẫn hô lớn, tay đánh mãi không thôi. Khí mây thu lại chỉ còn bằng nửa cái giường, đến khi bằng cái mâm bỗng nhiên rơi xuống đất, biến thành thỏi sắt. Cán bèn lấy thỏi sắt đó rèn thành dao, những vụn sắt đúc thành nồi nhỏ có chân như cái vạc". Hoặc cách nói thách thức "ta lên đánh nhau với trời" cũng cho ta liên tưởng đến câu nói của Hạng Vương trong sách Sưu thần ký.
Tuy nhiên, cho dù mượn lại, hay mô phỏng các motip trong truyền thuyết truyền kỳ và truyện chí quái của Trung Quốc, nhưng cả Nhật Bản và Việt Nam đều không dập khuôn lại những gì tiếp thu từ Trung Quốc. Sự khác biệt của điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán, truyền thống dân tộc, tâm lý cộng đồng... cũng đã làm nên bản sắc riêng của mỗi nước, mỗi dân tộc. Việc phân định rõ ràng đâu là chi tiết được du nhập từ bên ngoài, đâu là sự sáng tạo của các tác giả trong nước là điều nhiều nhà nghiên cứu đã nói đến khi nghiên cứu văn học so sánh.
Kono Kimiko và các nhà nghiên cứu Nhật Bản khi so sánh kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" trong truyện cổ dân gian Nhật Bản và Trung Quốc cũng đã chỉ ra những nét độc đáo, mang đậm phong cách của Nhật Bản. Ví dụ, về trang phục của nhân vật Sugaru, nhân vật bắt thần Sấm trong Nhật Bản linh dị ký. Theo Kono Kimiko, nếu trang phục nhân vật của Trung Quốc không có gì đặc biệt, thì trang phục của nhân vật Sugaru - người được Thiên hoàng ra lệnh đi bắt thần Sấm được mô tả như sau: "... trên trán thắt dây bìm bìm mầu đỏ, vác cây mâu trên cắm lá cờ đuôi nheo cũng màu đỏ, cưỡi con ngựa đi từ đường Yamabe, thôn Abe tới con đường trước chùa Toyora". Sugaru đã mặc trang phục của võ sĩ Nhật Bản thời xưa khi ra trận. Màu đỏ tía của dây bìm bìm và cờ đuôi nheo cắm ở ngọn mâu để trừ tà ma thể hiện tinh thần dũng mãnh của người võ sĩ samurai. Với trang phục này, nhân vật Sugaru đã có dáng vẻ của võ sĩ đời thực, không phải là nhân vật trong truyền thuyết. Quả thật, tác giả Nhật Bản linh dị ký đã khéo léo tái tạo một cách thẩm mỹ nhân vật của mình dựa theo những yếu tố truyền thống trong sinh hoạt của người dân Nhật Bản.
Phương pháp "đánh lui thần Sấm" trong truyện Cường Bạo Đại vương, cũng có nét độc đáo, hóm hỉnh. Như nêu trên, thần Táo đã dạy cho Cường Bạo dùng những sản vật đặc trưng của vùng nhiệt đới như mồng tơi và dầu nước (có lẽ là dầu lạc) là những nguyên liệu dễ kiếm cho bữa ăn hàng ngày vào mùa hè để đối phó với thần Sấm. Nhờ có chất nhớt trong cây mồng tơi và dầu nước tưới trên nóc nhà nên thần Sấm đã bị trượt ngã, bị đánh và phải bỏ chạy. Chi tiết thần Sấm ngã chổng kềnh vì nhớt mồng tơi và dầu nước, lại bị đánh một trận nên thân không chỉ đề cao trí thông minh của con người, mà còn đem lại sự hài hước và tiếng cười sảng khoái cho người nghe. (Hiện nay, ở làng Thọ Đức xã Tam Đa huyện Yên Phong tỉnh Bắc Ninh, còn thờ thần thành hoàng là Cường Bạo Đại vương. Trong lễ hội tổ chức vào ngày mồng 4 tháng 3 hàng năm, lễ vật dâng thần không thể thiếu bát canh mồng tơi, là sản vật của địa phương)(15).
3. Sự hóa thân của nhân vật.
Theo các nhà nghiên cứu, trong khi miêu tả cái chết của các nhân vật phi thường, tác giả dân gian thường dùng motip hóa thân để chỉ sự bất tử của họ. Trong tiềm thức dân gian, người anh hùng luôn sống mãi, cái chết của họ chỉ là sự "trở về với tự nhiên, với hồn thiêng sông núi" và cho dù ở thế giới khác, họ vẫn hiện hữu, hiển linh âm phù và được người đời thờ phụng. Các nhân vật "đánh lui thần Sấm" trong truyện cổ dân gian của Nhật Bản và Việt Nam đều được xây dựng theo motip đó (các truyện của Trung Quốc hầu như không xuất hiện motip này). Có thể lấy ví dụ về sự hiển linh sau khi mất của nhân vật Sugaru trong truyện Bắt thần Sấm, sách Nhật Bản linh dị ký . Sugaru sau khi mất vẫn bắt được thần Sấm ngay trên bia mộ của mình. Nhờ chiến công này mà Thiên hoàng đã ngợi ca ông là người "lúc sống bắt được thần Sấm, khi mất cũng bắt được thần Sấm".
Như trên đã trình bày, truyện Cường Bạo Đại vương, trong sách Công dư tiệp ký do ra đời muộn, lại xuất hiện vào thời điểm xã hội Việt Nam có nhiều biến động, ý thức cá nhân và thị hiếu văn học thay đổi nên cái chết của nhân vật Cường Bạo không còn mang cảm hứng tôn vinh mà mang ý nghĩa đạo đức và bài học luân lý nhiều hơn, cho dù xung quanh cái chết của ông vẫn phảng phất màu sắc thần kỳ: "Đến khi tạnh mưa, một đàn trâu kéo đến húc đất đắp lên xác ông thành một đống lớn". Và cũng giống với hầu hết truyền thuyết về người anh hùng của Việt Nam, hiển linh âm phù cũng là chi tiết xuất hiện trong truyện Cường Bạo Đại vương. Đoạn cuối truyện Cường Bạo Đại vương kể rằng: "Vài năm sau nhân dân vùng này náo động vì súc vật bị bệnh chết rất nhiều. Một buổi sớm có một ông lão trong thôn đi qua chỗ mộ ông, tự nhiên đứng lại quát to lên rằng: "Ta là Cường Bạo linh thần, các người nên lập đền thờ thì được yên ổn, nếu không sẽ bị chết hết". Những người chăn trâu trông thấy, đem việc ấy về nói cho dân làng biết. Dân làng bèn lập đền thờ, từ đó mới được yên ổn. Sau ông được phong làm Phúc thần".
Tóm lại
Qua so sánh kiểu truyện "đánh lui thần Sấm", hay "bắt thần Sấm" trong truyện kể dân gian ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản có thể rút ra một số nhận xét sau:
1- Kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" khá phổ biến trong truyện cổ tích và truyền thuyết dân gian ba nước Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, song Trung Quốc là nước có số lượng truyện nhiều nhất và xuất hiện sớm nhất từ thế kỷ thứ III - IV, tiếp đến là Nhật Bản từ thế kỷ thứ VIII - IX và Việt Nam thế kỷ XVIII với số truyện ít nhất.
2- Có thể nói Việt Nam và Nhật Bản đều chịu ảnh hưởng cốt truyện "đánh lui thần Sấm" từ Trung Quốc. Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản do vị trí địa lý, điều kiện sống gần gũi với nhiều yếu tố văn hóa tương đồng, lại cùng sử dụng một thứ văn tự chữ Hán nên dễ giao lưu và hòa nhập. Hơn thế nữa, sự lặp lại, sự bắt chước, mô phỏng là hiện tượng phổ biến làm nên đặc trưng độc đáo của văn học dân gian trên thế giới, không chỉ các nước trong khu vực văn hóa Hán, và đó cũng là lý do để kiểu truyện này phổ biến ở cả Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam.
3- Việc so sánh kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" trong truyện cổ tích và truyền thuyết dân gian Việt Nam với Trung Quốc và Nhật Bản không phải chỉ nhằm truy lại nguồn gốc, xuất xứ của câu chuyện, mà quan trọng hơn là tìm ra nét khác biệt độc đáo của văn học dân gian mỗi nước. Cốt truyện "đánh lui thần Sấm" của Việt Nam tuy chịu ảnh hưởng của truyền thuyết và truyện chí quái Trung Quốc, song cách dàn dựng cốt truyện lại được triển khai theo công thức truyền thuyết về người anh hùng, từ sinh nở thần kỳ đến chiến công phi thường, hiển linh âm phù. Do ra đời muộn vào giai đoạn xã hội Việt Nam có nhiều biến động nên cảm hứng tôn vinh đã trở nên mờ nhạt trong kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" của Việt Nam và đó là điểm khác biệt lớn nhất so với cùng kiểu truyện ở Trung Quốc và Nhật Bản.
Trước khi kết thúc bài này, chúng tôi cũng muốn nói thêm rằng, có một số vấn đề còn đang bỏ ngỏ, như vì sao trong kiểu truyện "đánh lui thần Sấm" ở Trung Quốc motip sinh nở thần kỳ ít xuất hiện; motip hóa thân gần như vắng bóng? Nhân vật đánh lui thần Sấm trong truyện của Trung Quốc có gắn với việc thờ cúng ở đền thờ địa phương như Việt Nam hoặc Nhật Bản không? Để giải đáp câu hỏi này cần có sự hợp tác giao lưu nghiên cứu giữa các nhà nghiên cứu văn học dân gian trong khu vực, đặc biệt là với các nhà nghiên cứu văn học dân gian Trung Quốc. Hy vọng, bài viết này sẽ là sự bổ sung cần thiết về mặt tư liệu cho nghiên cứu văn học so sánh giữa ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản mà các nhà nghiên cứu trong nước và khu vực đã đạt nhiều thành tựu.
Bảng đối chiếu phương pháp "đánh lui thần Sấm" trong truyện kể dân gian
ba nước Việt Nam, Trung Quốc và Nhật Bản
TT
|
Tên truyện
|
Tên nhân vật
|
Phương pháp "đánh lui thần Sấm"
|
1
|
Cường Bạo Đại vương (Công dư tiệp ký
公餘捷記 )
|
Cường Bạo
|
Đại vương bèn lấy lá mùng tơi giã nhỏ ra và trộn với dầu nước, vào ngày hôm đó đem bôi khắp mái nhà, rồi nấp ở trong nhà đợi. Chẳng mấy chốc mưa to gió lớn ầm ầm kéo đến, thầm Sấm từ trên trời xuống, chân vừa chạm nóc nhà trơn liền rơi xuống đất. Vương từ trong nhà xông ra, dùng gậy đánh, thần Sấm liền biến mất. Vương cướp được một đoạn dây đồng đỏ dài độ một trượng, đem chôn ở một chỗ cao ráo sạch sẽ.
|
|
|
|
Vương bèn đóng một cái bè chuối và lấy lá chuối làm cờ. Ngày hôm sau Thủy thần dâng nước lên, nhà ông bị ngập đến nóc. Ông bèn ngồi lên bè chuối đi ra, đánh trống đánh chiêng, tung hoành trên mặt nước. Tiếng chiêng trống vang động đến trời. Ông nói lớn rằng: Ta lên đánh nhau với trời.
|
2
|
Tích lịch bị cách (Thần Sấm bị đánh) (Sưu thần ký
搜神記 )
|
Dương Đạo Hòa
|
Thời nhà Tấn có Dương Đạo Hòa người Phù Phong, mùa hè đi làm ruộng gặp mưa, đến trú mưa dưới gốc dâu bị sét đánh. Đạo Hòa lấy cuốc đánh lại, làm gẫy đùi, thần Sấm rơi xuống đất, không thể đi được. Thần Sấm môi đỏ như son, mắt to như gương, lông mọc dài hơn ba tấc, hình dáng như lục súc, đầu như con khỉ.
|
3
|
Vương Cán (Tập đầu, quyển 8. Dậu dương tạp trở 酉陽雜俎 )
|
Vương Cán
|
Mùa hè đi làm ruộng, bỗng gặp mưa to sấm chớp, bèn vào nhà nằm tránh mưa. Bỗng chốc sấm sét đánh vào trong nhà, khí đen lan tỏa. Cán bèn đóng cửa lại, dùng cuốc khua loạn xị. Tiếng sấm nhỏ dần, khí mây cũng thu lại, nhưng Cán vẫn hô lớn, tay đánh mãi không thôi. Khí mây thu lại chỉ còn bằng nửa cái giường, đến khi bằng cái mâm bỗng rơi xuống đất, biến thành thỏi sắt. Cán bèn lấy thỏi sắt đó rèn thành dao, những vụn sắt đúc thành nồi nhỏ có chân như cái vạc.
|
4
|
Trần Loan Phượng (Thái bình quảng ký 太平廣記 )
|
Trần Loan Phượng
|
Gió lớn nổi lên, sấm đánh ầm ầm, mưa rơi như trút, Loan Phượng lấy đao khua mạnh lên trên, quả nhiên trúng đùi trái của thần Sấm, làm đùi thần bị gẫy. Thần Sấm bèn rơi xuống đất. Hình dáng giống như gấu lợn, lông dựng, thịt cánh màu xanh, tay trái cầm rìu đá cứng, máu chảy lênh láng. Sấm mưa bỗng tạnh hẳn.
|
5
|
Hốt Lôi (Thái bình quảng ký 太平廣記 )
|
Hốt Lôi (Thiệu)
|
Thế rồi mây kéo tới, trời đất tối đen, sấm sét kéo tới, lửa sáng mặt đất, Thiệu mang theo hơn hai mươi tùy tùng mang cung tên, bày chiêng trống cùng thần Sấm giao chiến, áo quần cháy sém, thương tích đầy người nhưng Thiệu vẫn đánh không thôi, từ giờ Thìn đến giờ Dậu, sấm sét mới tan hết.
|
6
|
Tiêu thị tử (Thái bình quảng ký 太平廣記 )
|
Tiêu thị tử
|
Chiều tối hôm đó, Tiêu tắt đuốc ngồi một mình, bỗng thấy sấm sét đánh soèn soẹt trước thềm nhà, mãi không thôi. Một chốc nghe thấy dưới bức tường phía Tây thấy có tiếng sột soạt. Tiêu cậy mình là người có sức khỏe, chẳng biết sợ ai, nhân đầu giường để cây chùy lớn bèn cầm theo đi ra chỗ phía bức tường, gồng người mà đánh, một phát trúng luôn, thấy tiếng kêu thất thanh, như có tiếng rên, Tiêu bèn đánh thêm cho mười chùy nữa, tiếng kêu bặt hẳn, mưa gió cũng tạnh luôn. Tiêu mừng nói rằng: "Yêu quái chết rồi". Đợi đến sáng, đi ra bức tường phía Tây thấy có con quỷ trông rất lạ, thân toàn màu xanh, lưng còng mà thấp...Có người bảo đấy là quỷ Sấm.
|
7
|
Diệp Tiên Thiều (Thái bình quảng ký太平廣記 )
|
Diệp Tiên Thiều
|
Thiều lúc nhỏ đi chăn trâu hái củi, gặp mưa trú dưới gốc cây. Cây bị thần Sấm đánh vào, một hồi lâu cũng không làm sao, nhưng thần Sấm lại bị cây kẹp chặt, vùng vẫy mà không bay lên được. Thiều lấy mảnh đá gỡ cành cây, thần Sấm mới thoát ra được.
|
8
|
Trần Nghĩa (Q.394, Thái bình quảng ký 太平廣記 )
|
Lôi dân
|
Từng có Lôi Dân, nhân khi có sấm sét lớn, trên không trung xuất hiện con vật đầu lợn mình lân, trông rất kỳ dị, Lôi Dân giơ dao lên chém, vật đó rơi xuống đất, máu chảy khắp đường. Sấm sét càng dữ, tới chiều thì bay lên không trung đi mất.
|
9
|
Cao tổ (Bắc Tề thư 北齊書
|
Tiết Cô Diên
|
Cao Tổ đi duyệt ngựa ở cánh đồng phía bắc, giữa đường gặp trời mưa, sấm chớp ầm ầm, thấy phía trước có ngôi chùa, Cao Tổ bảo Diên lên xem. Diên cưỡi ngựa tiến đến phía trước, đi chưa được ba mươi bước, sét lửa thiêu sém mặt. Diên hô "giết", rồi chạy vòng quanh ngôi chùa, lửa sét tắt hẳn. Diên trở lại, râu mày cùng bờm ngựa cháy rụi. Cao Tổ khen: "Tiết Cô Diên có thể đánh nhau với sấm sét".
|
10
|
Kaminariwo tsukamaeta hanashi (Truyện bắt thần Sấm) (Nhật Bản linh dị ký)日本靈異記 )
|
Sugaru
|
Sugaru phụng mệnh Thiên hoàng, từ trong cung lui gót trở ra. Trên trán ông thắt dây bìm bìm màu đỏ, vác một cây mâu trên cắm lá cờ đuôi nheo cũng màu đỏ, cưỡi ngựa theo đường Yamada, thôn Abe đến trước chùa Toyora. Khi đến phố Morokoshi, ông lớn tiếng gọi: "Hỡi thần Sấm trên trời, Thiên hoàng có lời mời ngài tới". Nói rồi, vừa cho ngựa quay trở lại, vừa nói: "Ngươi tuy là thần Sấm, nhưng cớ gì mà không nhận lời mời của Thiên hoàng ta". Lúc trở về đến giữa đường từ chùa Toyo ra đến Iioka đã thấy thần Sấm giáng hạ. Sugaru bèn gọi quan trông coi thần mang kiệu đưa thần Sấm về cung và tâu với Thiên hoàng: "Thần vâng mệnh đón thần Sấm về rồi đây".
|
|
|
|
Về sau khi Sugaru mất, Thiên hoàng ra lệnh làm lễ mai táng ông bảy ngày bảy đêm để ca tụng tấm lòng trung tín của ông và cho dựng mộ ông nơi thần Sấm giáng xuống, dựng bia đề rằng: "Mộ của Sugaru, người đã bắt thần Sấm". Thần Sấm thấy vậy lấy làm oán ghét, giáng sấm sét xuống tấm bia, nhảy xuống dẫm nát trụ bia, nhưng thần Sấm lại bị vết nứt của trụ bia kẹp chặt. Thiên hoàng nghe chuyện, sai người gỡ ra, thần Sấm mới thoát chết. Sau khi thoát ra ngoài, thần Sấm vẫn run lẩy bẩy, sợ hãi lưu lại bảy ngày bảy đêm bên mộ không thể bay về trời được. Thiên hoàng ra lệnh dựng lại bia và đề rằng: "Mộ Suga ru, người lúc sống bắt được thần Sấm, khi mất cũng bắt được thần Sấm
|
11
|
Kaminarino koiwo eteuketemorattakodomoga kyoryokudeatta hanashi - Chú bé có sức mạnh nhờ sự trả ơn của thần Sấm (Nhật Bản linh dị ký 日本靈異記 )
|
Người nông dân
|
Một hôm người nông dân đi dẫn nước vào ruộng thì trời bắt đầu mưa, liền chạy trú mưa dưới gốc cây, chống gậy xuống đất. Trong không trung bỗng vang lên tiếng Sấm, người nông dân sợ quá vội cầm gậy sắt đứng lên, lập tức thần Sấm biến thành chú bé con xuất hiện ngay trước mặt. Người nông dân định lấy gậy sắt đập chết thần Sấm. Thần Sấm thấy thế vội nói: "Xin bác đừng giết tôi, nhất định tôi sẽ trả ơn cho bác".
|
12
|
(Suy cổ kỷ
推古記 )
|
Watana-
be
|
Năm đó thần Watanabe được sai đi đến tỉnh An sei để đóng thuyền. Ông bèn vào núi tìm gỗ đóng thuyền, tìm được cây gỗ tốt, định chặt. Bấy giờ có người bảo rằng: "Đây là cây sấm sét". Watanabe nói rằng: "Tuy là Lôi thần, há dám trái mệnh hoàng thượng chăng". Bèn dùng nhiều tiền bạc lụa là để tế, rồi sai người đến chặt. Lập tức mưa to sấm chớp ầm ầm. Watanabe giơ kiếm lên nói rằng: "Thần Sấm chớ đánh nhân phu, hãy đánh ta đây". Nói rồi ngửa cổ lên đợi. Sấm sét đánh xuống hơn mười lần nhưng chẳng thể phạm vào Watanabe, trái lại còn bị hóa thành con cá nhỏ, mắc kẹt vào thân cây. Watanabe lấy cá ra nướng ăn, rồi tiếp tục cho đóng thuyền.
|
13
|
Sa di Thần Dung (Pháp Hoa nghiệm ký 法華驗記 )
|
Shin yu
|
Nói rồi lập tức đi tới chỗ bảo tháp tụng Kinh Pháp Hoa. Một lúc đã thấy mây giăng khắp trời, mưa lất phất rơi, sấm sét nhoang nhoáng. Nguyện chủ lại nghĩ sấm sét tới phá tháp, buồn rầu ủ rũ. Thần Dung lệnh cho ông ta đứng lên thề, bảo đọc to Kinh Pháp Hoa. Bấy giờ có cậu bé từ trên không rơi xuống, đầu tóc rối tung, trông hình dáng rất sợ, tuổi khoảng 15, 16, bị trói năm vòng, khóc lóc kêu la, đứng ngồi chẳng yên, thưa rằng: "Hỡi vị tụng kinh hãy rủ lòng từ bi tha cho, từ nay về sau không dám phá tháp nữa".
|
Nguyên văn chữ Hán.
(1) 【公餘捷記】:遂取甜蒿,(俗名夢思 )搗攔與水油相和、至日于屋蓋上遍塗之,王潛伏暗中等侯。俄而風雨驟至,雷神從天而下,纔攝屋脊上,滑而墜地。王從突出,揮杖擊之,雷神倏然不見,奪得赤銅繩長一許,即於凈地埋之。
(1) 王遂結蕉為筏,取葉為旗,翌日水大至,浸沒盧舍。王即乘筏而出,擊鼓鳴鉦,縱橫水上,聲震于天,大言曰:我與天交戰。
(2) 【搜神記】:晉扶風楊道和,夏於田中值雨,至桑樹下,霹靂下擊之,道和以鋤格,折其股,遂落地不得去。唇如丹,目如鏡。毛角長三寸餘,狀似六畜,頭似獼猴。
(3) 【酉陽雜俎】:夏中作田,忽暴雷雨,因入蠶室中避雨。有頃雷電入室中,黑氣陡暗,幹遂掩戶,把鋤亂擊,聲漸小,雲氣亦斂。幹大呼,擊之不已,氣復如半床,已至如盤,騞然墜地,變成熨斗,折刀,小折腳鐺焉。
(4) 【太平廣記】:惡風起,迅雷急雨震之。鸞鳳乃以刀上揮,果中雷左股而斷,雷墜地。狀類熊豬,毛角,肉翼青色,手執短柄剛石斧,流血注然。雲雷盡滅。
(5) 【太平廣記】:於是雲興。天地晦冥,雷電大至,火光屬地,紹率其徒二十餘人,持弓矢排鏘,與雷師戰。衣並焦卷,形體傷腐,亦不之止,自辰至酉,電雷飛散。
(6) 【太平廣記】:是夕獨處撤燭,忽暴雷震蕩簷宇,久而不止,俄聞西垣下,窣窣有聲,蕭恃膂力,曾之不畏。榻前有巨棰,持至垣下,俯而撲焉,一舉而中,有聲甚厲,若呼吟者,因連撲數十,聲遂絕,風雨亦霽,蕭喜曰:怪而死矣。迨曉,西垣下睹一鬼極異,身盡青,傴而庳。。。或曰:此雷鬼也。
(7) 【太平廣記】:幼歲樵牧,避雨於大樹下,樹為雷霹,俄而卻合,雷公為樹所夾,奮飛不得遷。韶取石楔開枝,然後得去。
(8) 【太平廣記】:嘗有雷民,因大雷電,空中有物,豕首鱗身,狀甚異。民揮刀以斬,其物踣地,血流道中而震雷益厲,其夕陵空而去。
(9) 【北齊書】:高祖嘗閱馬於北牧,道逢暴雨,大雷震地,前有一浮圖一所,高祖令延視之,延乃馳馬按槊直前,未至三十步,雷火燒面,延唱殺,繞浮圖走,火遂滅。延還,眉鬢及馬鬃尾俱焦。高祖歎曰:薛孤延乃能與霹靂斗。
(10) 【日本靈異記】: 栖輕奉敕從宮罷出,緋縵著額,檠赤幡 (木 +牟),乘馬從阿倍山田前之道與豊浦寺前之路走往,至于輕諸越之衢,叫囁請言:天鳴雷神,天皇奉請,呼云云。然而自此還馬走言:雖電神而何故不聞天皇之請耶。走還時,豊浦寺與飯岡間,鳴電落在。栖輕見之呼神司入轝籠而持向於大宮,奏天皇言:電神奉請。
(10) 然後時,栖輕卒也。天皇敕留七日七夜,詠彼忠信,電落同處作彼墓,永立碑文柱言:取電西輕之墓也。此電惡怨而鳴落,踊踐於碑文柱,彼柱之析間,電揲所捕。天皇聞之放,電不死。雷慌七日七夜留在。天皇敕使樹碑聞柱言:生之死之捕電栖輕之墓也。
(11) 【日本靈異記】: 有一農夫,作田引水之時,少細降雨故隱木本撐 (才 +棠 )金杖而立。時鳴雷,即恐驚檠金杖而立,即雷墜於彼人前成小子,而其人持金杖將撞時雷言:莫害我,我報汝之恩。
(12) 【推古記】:是年遣河邊臣於安藝國令造舶。至山覓舶材,便得好材,以將伐。時有人曰:霹靂木也,不可伐。河邊臣曰:其雖雷神,豈逆皇命耶。多祭幣帛,遣人夫令伐,則大雨雷電之。爰河邊臣案劍曰:雷臣無犯人夫,當傷我身,而仰待之。雖十餘霹靂,不得犯河邊臣,即化少魚,以挾樹,即取魚焚之,遂修理其舶。
(13) 【法華驗記】:即往塔本誦法華經。爰靉靆布雲,細雨數降,雷電晃曜。願主而作是念,雷破塔相也,悲歎憂愁。神融上人立誓,高聲誦法華。時有一童男,從空下落,見其形體,頭髮蓬亂,形貌可畏,年十五六歲,被縛五處,流淚高聲,起臥辛苦而白言:持經上人,慈悲免我,自今以後更不破塔。(*)
CHÚ THÍCH VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trong tình hình chưa có sự thống nhất về thuật ngữ của thể loại này, chúng tôi tạm dùng khái niệm trên để chỉ loại hình truyện, ký có cốt truyện ngắn gọn, được viết bằng chữ Hán như Lĩnh Nam chích quái, Công dư tiệp ký, Lan Trì kiến văn lục... trong văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam.
2. Đinh Gia Khánh (Chủ biên), Chu Xuân Diên - Võ Quang Nhơn: Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, 1997, tr.289.
3. Kono Kimiko: Nhật Bản linh dị ký và truyện cổ dân gian Trung Quốc (Nihon ryoiki to Chugoku no densho), Nxb. Men sei, 1986.
4. Trong cuốn Nhật Bản linh dị ký và truyện cổ dân gian Trung Quốc, Kino Kimiko trình bày thành các mục: Phương pháp bắt thần Sấm (trong đó có mục Vũ khí của nhân vật); Hình dáng thần Sấm; Sự thăng thiên của thần Sấm và Sự trả thù, báo ơn của thần Sấm (từ tr.1 đến tr.71). Trong bài viết này, chúng tôi đi sâu phân tích nhân vật "đánh lui thần Sấm" theo công thức truyền thuyết về người anh hùng của Việt Nam. Các vấn đề như sự thăng thiên, sự trả thù và báo ơn của thần Sấm... chúng tôi sẽ trình bày ở dịp khác.
5. Trần Thị An: Đặc trưng thể loại và việc văn bản hóa truyền thuyết dân gian Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, H. 2000, tr.82-90.
6. Trần Thị An, Sđd, tr.148.
7. Theo bản Lĩnh Nam chích quái, A.2914, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
8. Trần Đình Sử: Mấy vấn đề thi pháp văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H. 1999, tr.56.
9. Kiều Thu Hoạch: Văn học dân gian người Việt - góc nhìn thể loại, Nxb. KHXH, H. 2006, tr.158.
10. Kono Kimiko. Sđd, tr.17.
11. Kono Kimiko. Sđd, tr.18.
12. Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục. Bộ quốc gia giáo dục xuất bản, S. 1962, tr.243.
Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục. Bản chữ Hán ký hiệu A.32, tr.371 (tờ 3b), Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
13. Nguyễn Đăng Na: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Tập II, Nxb. Giáo dục, H. 2001, tr.15.
14. Trần Thị An, Sđd, tr.54.
15. Theo Nguyễn Thị Huế, Viện Văn học.
16. Tổng tập tiểu thuyết chữ Hán Việt Nam, Trần Nghĩa chủ biên, Nxb. Thế giới. H. 1997. Các trích đoạn lấy từ sách này, chúng tôi để trong ngoặc kép.
17. Nguyễn Thị Oanh: Setsuwa (Thuyết thoại) của Nhật Bản dưới góc nhìn của văn học so sánh, đăng trong sách Văn hóa Phương đông, truyền thống và hội nhập, Nxb. Đại học quốc gia Hà Nội, 2007.
18. Nguyễn Thị Oanh: Từ điển truyện cổ tích Nhật Bản. Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 10/2007, tr.73-93.
(*) Nội dung chính của bài viết này đã được trình bày bằng tiếng Nhật tại Hội nghị quốc tế về văn học Đông Á, được tổ chức tại trường Đại học Ngoại ngữ Soul, tháng 11 năm 2007./.
TS Nguyễn Thị Oanh (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 3(88) 2008; tr.32-49