Văn học dân gian

Mười lăm năm ấy... nhớ lại và suy nghĩ


09-10-2020

MƯỜI LĂM NĂM ẤY … NHỚ LẠI VÀ SUY NGHĨ

                 Nguyễn Nghĩa Dân

 

Kể chính xác về thời gian, tôi vào học tại khoa Văn tháng 10 năm 1957 và rời khoa để lên công tác ở trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1 tháng 10 năm 1968, nhưng vẫn tham gia giảng một số giờ, tham gia với Tự vệ khoa Văn ở Khu A (tại địa điểm hiện nay của ĐHSP HN, ĐHQG và ĐHSP Ngoại Ngữ Cầu Giấy) thời chống Mỹ cứu nước. Cho đến tháng 11 năm 1974, tôi mới tạm biệt trường ĐHSPHN 1 và khoa Văn để sang Sầm Nưa (vùng giải phóng Lào) giúp bạn xây dựng trường ĐHSP Lào. Như vậy, 15 năm có dư, tôi đã sống cùng khoa Văn với bao nhiêu kỉ niệm, đặc biệt những kỉ niệm này gắn với bối cảnh lịch sử đáng nhớ của thời kì xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, thời kì chống Mỹ cứu nước, với lịch sử của trường ĐHSP HN và của khoa Văn luôn vươn lên để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chính trị của mình. Những ai đã từng sống trong thời kỳ những năm 60 thế kỉ XX ở ĐHSPHN, ở khoa Văn (và chắc cũng như ở các khoa khác) đều có chung một suy nghĩ, một niềm tự hào về trường, về khoa. Có thể nói, đây là thời kì huy hoàng nhất của ĐHSPHN, của các khoa thuộc trường, trong đó có khoa Văn của chúng ta.

1. Năm 1957, tháng 10, chúng tôi gồm 28 sinh viên trúng tuyển vào khoa Văn (trong số 120 cán bộ đi học và học sinh phổ thông dự thi), bạn Trần Gia Linh trúng tuyển thủ khoa. Chi bộ Đảng của chúng tôi có 5 đồng chí: Phạm Dư (Bí thư), Lê Hồng Chi, Đinh Trọng Lạc, Hoàng Nhân và tôi. Ngoài việc học rất tích cực, bạn nào cũng tự học có thì giờ, nghỉ thì đến thư viện trường, thư viện Trung ương, bạn nào cũng khao khát học tập vì muốn bù lại những thiệt thòi về tri thức khoa học khi ở tỉnh lẻ, trong kháng chiến chống Pháp cực kì thiếu thốn về sách báo. Chúng tôi được học với các giáo sư nổi tiếng như GS Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc… Khi GS Hoài Thanh giảng Kiều, lớp bao giờ cũng im phăng phắc. Chẳng đợi phải hỏi về phương pháp bình văn thơ của thày, biết rằng chúng tôi là những thày giáo tương lai dạy văn ở trường phổ thông, GS truyền cho một kinh nghiệm, theo tôi “quí như vàng”. Thầy bảo muốn giảng văn cho đạt yêu cầu, từ đó sẽ vươn lên giảng cho hấp dẫn, việc đầu tư thời gian để hiểu, để cảm nhận tác phẩm văn chương vô cùng quan trọng. Phải đọc đi đọc lại tác phẩm, bài thơ, vừa đọc vừa suy nghĩ (có khi đến hàng tháng) sau đó mới tham khảo ý kiến người khác với tinh thần phê phán, tiếp thu hoặc phản bác… Khi ta đã nắm chắc mọi mặt cần thiết của tác phẩm văn chương, tự nhiên ta sẽ có cảm hứng sâu sắc và lúc đó ta sẽ say đắm khi giảng tác phẩm văn chương.

Lúc chúng tôi vào học khoa Văn, vụ Nhân văn – Giai phẩm đã vào giai đoạn kết thúc. Trong trường Đại học sư phạm, là sinh viên chúng tôi cũng chỉ được phổ biến về những sai trái của một số thầy giáo và sinh viên có liên hệ với Nhân văn – Giai phẩm đặc biệt về quan điểm chính trị muốn phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng trong trường ĐHSPHN, nói xấu các giáo sư là Đảng viên. Hình như tác động từ ngoài xã hội vào Trường ĐHSPHN của Nhân văn - Giai phẩm cũng gây thêm nhiều bức xúc. Khi giảng về lí luận văn học, chúng tôi còn nhớ GS Nguyễn Lương Ngọc dẫn và phân tích khá sâu sắc câu thơ của Trần Dần: Bục công an đặt giữa trái tim người/Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường Nhà nước. Thật sự đặt những câu thơ đại loại như vậy vào hoàn cảnh lịch sử của nước ta vào những năm mới giải phóng Miền Bắc, Mỹ ngụy đang quyết tâm chia cắt nước ta lâu dài, công cuộc cải cách ruộng đất tuy hoàn thành nhưng có khuyết điểm phải sửa sai, công cuộc cải tạo công thương nghiệp đang tiến hành, ta mới thấy hết những sai trái của Nhân văn -Giai phẩm. Cũng từ đó mà thấy “cái đuôi” Đất mới của nó muốn vùng vẫy trong các trường Đại học Tổng hợp và Đại học Sư phạm. Sau đấu tranh Nhân Văn – Giai phẩm - Đất mới, trường ta bước vào giai đoạn mới là xây dựng nhà trường ĐHSP xã hội chủ nghĩa, bắt đầu bằng đợt tham gia lao động sản xuất nông nghiệp vụ Đông xuân 1957 -1958 ở Từ Liêm. Lúc này, trường ta từ 21 Lê Thánh Tông và số 9 Hai Bà Trưng chuyển về cây số 8 Cầu Giấy. Sinh viên và cán bộ giảng dạy Khoa Văn của ta đi tham gia lao động ở xã Hoà Bình, xã Nhân Chính thuộc Từ Liêm. Nghĩ lại chúng tôi vẫn thấy thu hoạch lớn về đợt lao động này không phải là học tập được gì về kĩ thuật nông nghiệp, cũng chẳng phải nâng cao kĩ năng lao động chân tay (thực ra trong kháng chiến chống Pháp chúng tôi quá quen với “tăng gia sản xuất “rồi !) mà là tình cảm thương yêu quý mến của đồng bào ngoại thành Hà Nội với chúng tôi. Sau đó, hơn 10 năm, nhân một chiều thu về thăm ngoại thành Hà Nội, tôi có viết bốn câu để nhớ Thu 1958, thu lao động: “Cúc nở, Trung thu cốm ngát hương/ Thu hương thu sắc gợi thu trường/ Hương đồng gió nội thu lao động, Thầy bạn – hương đồi thu mến thương”…

2. Đầu hè 1960, khoá học của chúng tôi kết thúc. Xuân hè 1960 mới vui làm sao. Chi bộ lớp chúng tôi nhân kỉ niệm 30 năm thành lập Đảng Lao Động Việt Nam và kết nạp “lớp Đảng viên 6 tháng giêng” có thêm các đồng chí Trần Gia Linh, Thành Thế Thái Bình, Quách Hy Dong, Cù Đình Tú, Lê Tố… Hồi ấy, tiêu chuẩn đảng viên của ĐHSP HN rất coi trọng cả mặt đức lẫn tài. Một số bạn sau đó năm bảy năm vốn là sinh viên lớp cúng tôi cũng đều đứng vào hàng ngũ của Đảng… Tự hào của lớp (khoá) học chúng tôi là các anh chị đều thành đạt. Nay, 45 năm nhìn lại, thật đáng tự hào. Năm ra trường, chúng tôi có viết một đặc san lưu niệm kính gửi lại Trường ĐHSP HN. Tập đặc san này qua chiến tranh chống Mỹ bị rách, tôi vừa sửa sang lại kính tặng Phòng Truyền thống của Khoa nhân dịp 55 năm thành lập Khoa. Các bạn đã tự trình bày trang lưu bút của mình, bạn Hồ Đình Lư minh họa. Là lớp trưởng lúc đó (Văn 3), tôi phụ trách biên tập đặc san này, trân trọng nội dung và bút tích của cả lớp. Trang nào cũng in đậm sắc thái cá nhân, tôi nhớ nhất mấy dòng viết của bạn Nguyễn Đăng Mạnh: “Đã lâu lắm, một câu hỏi hấp dẫn tôi như lời êm ái của người yêu: “Trên đời này ta sẽ phải làm một cái gì đây ?” … Ba năm học ở Đại học… được Đảng giáo dục, tôi càng nhìn rõ con đường ấy” (Xin để bạn đọc bình luận nếu biết về con người Nguyễn Đăng Mạnh hôm nay. Có thì giờ mời các bạn đọc đặc san lưu niệm ấy đang trưng bày ở Phòng Truyền thống của khoa Văn chúng ta).

Ra trường, có đến 50% lớp học chúng tôi được giữ lại làm cán bộ giảng dạy cho khoa Văn của ĐHSP HN, cho khoa Văn ĐHSP Vinh sau đó ĐHSP Việt Bắc. Phải nói đây là tầm nhìn xa của GS Phạm Huy Thông, Hiệu trưởng nhà trường và GS Nguyễn Lương Ngọc, chủ nhiệm Khoa Văn – Sử lúc bấy giờ. Một số anh em chúng tôi nghĩ đến việc ở lại khoa rất lo. Nghĩ rằng lịch sử Khoa Văn đã “định” như vậy thì phải tự vạch cho mình một đường đi theo sự phân công của khoa. Thế là bạn Dong vào tổ Giáo học Pháp, bạn Nhân vào tổ Văn học Tây phương, bạn Thái Bình vào tổ Lý luận văn học, bạn Đỗ Bình Trị và tôi vào tổ Văn I, gồm Văn học dân gian và Văn học Phong kiến thượng kì do anh Bùi Văn Nguyên làm tổ trưởng … Hồi đi học, cường độ học tập đã căng nay càng căng hơn thì giờ nghỉ chỉ còn một buổi chiều chủ nhật hàng tuần, hàng ngày bao giờ cũng thức đến 11 giờ đêm. Cuối năm 1960, trường và khoa đề ra chủ trương viết lại giáo trình Đại học sư phạm. Thế là ngày đêm lo phần việc được phân công. Giáo trình in ronéo cũng đã có, thầy Ngọc dặn phải biết kế thừa giáo trình cũ nhưng phải ra sức sáng tạo để có bộ giáo trình mới. Tôi được phân công cùng anh Lý Hữu Tấn viết phần Tục ngữ - ca dao – dân ca. Chúng tôi hết đi thư viện Trung ương để thu nhận thêm tư liệu lại trao đổi nội dung tổng quát và cụ thể của chương giáo trình này, đọc những tài liệu về ca dao, tục ngữ cổ và ca dao kháng chiến chống Pháp do cha tôi để lại, viết bản thảo lần 1, tập thể góp ý kiến chữa lại, bổ sung. Thế rồi đến tháng 9-1961, bản thảo các giáo trình của khoa Văn đã đưa cho Nhà xuất bản Giáo dục biên tập kĩ thuật và xuất bản. Điều vô cùng có ích đối với tôi là trong một thời gian ngắn tích luỹ thêm nhiều tài liệu về tục ngữ ca dao dân ca. Cùng với sự tích luỹ “ban đầu” ấy, chịu khó ghi chép bổ sung nhiều tư liệu (theo thói quen vốn có từ khi học Trung học chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, tôi đã từng chép cuốn Từ điển Anh Việt dày hơn 500 trang để sử dụng vì lúc đó trong lớp chỉ vài ba bạn có Từ điển này). Với tư liệu tích luỹ được, đến lúc nghỉ hưu, vốn có “máu mê” tục ngữ ca dao, tự mình lại “trả nợ văn chương” vì từ khi phải chuyển sang công tác quản lý nên tôi luôn tâm niệm sẽ làm đôi ba công trình nghiên cứu ca dao, tục ngữ, văn học dân gian nếu trời cho chút sức lực còn khoẻ. Đúng là “trời không phụ” nên sau 1995 đến nay mấy công trình Ca dao 1945-1975Đạo làm người trong tục ngữ ca dao Việt NamLòng yêu nước trong văn học dân gian Việt NamĐồng dao Việt Nam… đã được xuất bản. Hết viết giáo trình, đầu năm 1961 – 1962 đã phải lên lớp. Một thử thách mới là giảng dạy văn học phong kiến thượng kì, ngày đêm “đánh vật” với triết học, với Nho, Phật, Lão, với thơ văn của các thiền sư Lý – Trần, với thơ văn Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm. Viết đến đây lại nhớ đến cha tôi, một nhà giáo hiểu biết khá sau về Hán học, nguyên là thầy giáo dạy Hán tự của trường Trung học chuyên khoa Khải Định, đã truyền lại cho tôi ít nhiều hiểu biết của ông để làm vống “hành nghề”. Đó là một nguồn nhưng nay phải học thêm! Thầy Nguyễn Lương Ngọc, sau đó là thầy Lê Trí Viễn chủ trương mời cụ Nguyễn Kỳ Nam, một bậc túc Nho ở Hà Nội cho chúng tôi (có đến 7, 8 người kể cả thầy Lê Trí Viễn, là các anh Bùi Văn Nguyên, Phan Sĩ Tấn, Nguyễn Đình Chú, Đặng Đức Siêu, chị Trịnh Thu Tiết…) theo học thêm các kinh điển Nho giáo vào thứ năm hàng tuần. Nghĩ lại những năm ấy, chân lí hiển nhiên để trở thành cán bộ giảng dạy Đại học là phải nỗ lực tự học, học thầy, học bạn với một quyết tâm và một phương pháp phù hợp với bản thân.

Hoạt động chuyên môn của các khoa tạo nên không khí phấn khởi trong toàn trường đánh dấu thời kì “hoàng kim” của ĐHSPHN với vinh dự hai lần được Bác Hồ về thăm trường, trường được thưởng Huân chương Lao động hàng ba, rồi hạng hai… Ngày nay, vào toà nhà Hiệu bộ, đọc lại câu nói, lời dạy của Bác Hồ: “… Làm thế nào để nhà trường này chẳng những là trường Sư phạm mà còn là trường Mô phạm trong cả nước...” Làm sao có thể quên được quang cảnh Hội trường hồi đó còn lợp là gồi nhưng đầy cờ hoa rực rỡ đón Bác đền trường cùng đi với Tổng thống Mali Mô - di – bô Cây – ta vào sáng ngày 21-10-1964!

3. Từ 1964, giặc Mỹ leo thang chiến tranh, dùng không quân phá hoại miền Bắc. 1965 trường ta phải đi sơ tán, đại bộ phận lên Phú Lương, Đại Từ, Thái Nguyên. Cuộc sống thời chiến bắt đầu. Xe lửa từ Hà Nội lên Quán Triều (thị xã Thái Nguyên), ô tô, xe đạp chuyển “quân”, chuyển thư viện lên phố Đu, vào đường Quán ông Già, thầy trò ở nhà dân ở thôn Đá Dài và Cỏ Rôm – Môn Ráy thuộc xã Phúc Lương. ổn định có đến hàng tuần mới bắt tay giảng dạy được. Công tác dân vận, công tác phòng không là việc hàng đầu. Với đồng bào dân tộc Tày, thầy trò sống chan hoà. Mấy hôm đầu gặp nhau, đêm nào đồng bào cũng mời uống rượu. Tôi và anh Vũ Văn Minh tạm ở những ngày đầu tại nhà bác Chò. Mới gặp nhau mà thật tình quá! Một con gà luộc ba lạng, muối ớt, nói chuyện lê rê ! Bà con trong xóm kéo đến cùng vui. Ta kể chuyện Hà Nội sơ tán, đồng bào kể chuyện chiến khu thời kháng chiến, hết con gà này, bác Chò gái lại tiếp thêm con gà khác cũng chẳng lớn hơn. Hai ba giờ sáng say mềm, thầy trò lăn ra ngủ đến 9 giờ hôm sau mới tỉnh rượu. Hôm khác, có chai magi đem theo sơ tán, gia đình bác Chò lại cùng chấm xôi, bác gái khen ngon đáo để. Ở Đá Dài thầy trò lên lớp một buổi, buổi khác thì dân vận, đào hầm, một bộ phận giúp các chị cấp dưỡng nấu cơm. Lâu lắm mới ăn lại quả trám, lạ miệng nên ngon! Còn nhớ về sau trong bài trường ca Nhớ một chặng đường tôi có viết: “Về Việt Bắc quê hương cách mạng/ Núi rừng xưa vẫn sáng trăng thu / Măng non với quả trám bùi / Mái trường sơ tán đông vui những ngày…!” Trong sơ tán không ít học sinh tháo vát, nào lấy luồng, lấy nứa, nào chặt cây làm nhà. Các thầy cũng lao động cùng sinh viên. Có cậu Xứng sinh viên năm thứ ba (nay công tác giảng dạy ở trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) có tài bắt rắn. Trong rừng Cỏ Rôm – Môn Ráy, Xứng thi thố tài năng, cả lớp được cải thiện cháo rắn ngon tuyệt vời !

Lúc này, Hiệu bộ của trường ĐHSP đóng ở xã Vinh Quang, phía Nam xã Phúc Lương. Các khoa lên đó họp khi thì công tác Đảng, khi thì công tác tự vệ… Sống theo nếp sống quân sự hoá, khoa Văn là một đại đội, anh Hoàng Thung làm đại đội trưởng, tôi, lúc này là Bí thư Liên chi, Phó chủ nhiệm khoa làm chính trị viên. Đường lên Hiệu bộ quanh co nhiều dốc, anh Thung và tôi đi xe đạp, xuống một dốc cao xe anh Thung đứt phanh sau, anh bóp phanh trước, xe lộn nhào. Người anh Thung lộn ra phía trước trồng chuối rồi ngã lăn trên đống đá cuội bên đường, may mà anh Thung đội mũ sắt, nếu không thì đầu bị chấn thương. Cái xe nữ của anh Thung quẹo bánh trước, hôm sau phải kéo rê về tận cầu Gia Bảy, thị xã Thái Nguyên mới chữa được. Thật hú vía !

Năm học 1965-1966 bắt đầu đã 3 tháng nhưng năm ấy do khó khăn về địa điểm sơ tán nên năm thứ nhất mãi Tết ra mới tập trung sinh viên về Nguyên Hoà, một xã gần Sông Luộc thuộc huyện Phủ Cừ. Ở Đại Từ cũng gặp nhiều khó khăn về tiếp phẩm xa, đường đi hiểm trở nên toàn trường đầu 1966 chuyển địa điểm sơ tán về Hưng Yên và Thanh Miện (Hải Dương).

Tuy chiến tranh nhưng chỉ tiêu tuyển sinh năm đó tăng cao, riêng khoa Văn có đến 250 sinh viên sơ tán ở Thị Giang, Sĩ Quý, Hạ Đồng là 3 thôn của xã Nguyên Hoà. ở Nguyên Hoà chỉ 6 tháng, nhân dân giúp đỡ tận tình. Anh Hồ Văn Nho chăm lo đời sống vật chất cho thầy trò, chị Dinh, chị Liên, chị Xuân… làm cấp dưỡng. Đáng nhớ là các chị hay đi chợ Cổn bên Thái Bình, mua lợn “chui” về tiếp phẩm cho các bếp ăn. Sợ quản lý chợ bắt nên “phép làm” của chị Liên là xóc tro vào mõm lợn, bỏ vào bao tải thế là lợn nằm im từ chợ về nhà! Một kỉ niệm riêng của bố con tôi thời gian ở nhà bác Trủy, bí thư đảng ủy xã Nguyên Hoà là cháu Hiền Lương của tôi lúc đó chưa đầy 4 tuổi, khoảng 5 giờ chiều xuống chơi nghịch nước dưới ao cạnh bếp nhà bác Truỷ, bị xỉa chân sắp chết đuối vừa lúc cháu Dân Sinh, anh của Hiền Lương, đi học về trông thấy em dưới ao, kêu to lên “cứu em tôi với !”. Lúc này cô  Tư, con bác Truỷ đang nấu cám lợn trong bếp, vội chạy ra, nhảy xuống ao kéo cháu Hiền Lương lên. Chiều đó, tôi đi họp vắng về nghe kể lại, thật hú vía! Tôi cảm ơn cô Tư. Cho đến nay kỉ niệm này hai con của tôi còn nhớ như in mỗi khi cùng kể lại hồi sơ tán ở Nguyên Hoà.

Đầu năm học 1966-1967, cả khoa Văn cùng về sơ tán ở xã Cộng Hoà, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên. Cả khoa có đền gần 1000 sinh viên. Cán bộ ở thôn Quần Ngọc, Văn phòng khoa ở thôn Nghĩa Xuyên, sinh viên năm thứ nhất cũng ở đây. Đông nhất là năm thứ hai ở các thôn Tam Trạch, Xuân Tảo, Cầu Thôn, năm thứ ba ở thôn Thượng Bùi, lớp bồi dưỡng (chuyên đề năm thứ tư) ở Nội Tây. Khoa ở đây hai ba năm, thầy Viễn làm chủ nhiệm khoa, thầy Tuệ làm phó chủ nhiệm, anh Đào Nguyên Tụ làm thư kí công đoàn, anh Nguyễn Nghĩa Trọng làm bí thư Đoàn Thanh niên… Khổ nhất là các lớp năm thứ hai đông sinh viên lại ở các thôn đồng chiêm trũng, hầm hào phòng không cực kì gian nan. Thầy Viễn có sáng kiến làm con đường nối các thôn này lại để thầy trò tiện đi lại. Thầy Viễn cùng anh Hoàng Văn Thung (Đại đội trưởng tự vệ) chỉ đạo các lớp học làm hầm hoà. Tính thầy Viễn cẩn thận, chăm lo đến nơi đến chốn công tác phòng không, lớp học vùng chiêm trũng mà phải hạ sâu xuống đất nửa mét, quanh lớp đắp tường đất dày 1m, cao 1,5m. Công sức học trò, đâu vào đấy, ban quân sự phòng không trường và huyện Yên Mỹ về kiểm tra rất hoan nghênh khoa. Công tác chuyên môn thời kì này tuy sơ tán nhưng thường xuyên được nhà trường và khoa chăm lo. Trong những năm này, một số cán bộ thực hiện luận văn bước 1 (trình độ tương đương Cao học sau này). Còn nhớ luận văn của tôi là về Quân trung từ mệnh tập của Nguyễn Trãi được Hội đồng khoa học khoa đánh giá khá, có thể làm chuyên đề cho lớp bồi dưỡng năm thứ tư. Khoa lúc này rất đông, về Đảng có đến hơn trăm đảng viên. Đồng chí Hoàng Dung và tôi cùng các bí thư chi bộ hầu như tuần nào cũng họp. Mọi công việc từ chuyên môn đến ăn ở, phòng không, dân vận… đều phải bàn hết. Liên chi uỷ và Ban chủ nhiệm khoa coi trọng vấn đề đoàn kết trong khoa, trong các lớp sinh viên. Còn nhớ tháng nào cũng dành thì giờ để “sinh hoạt yếu tố 1”  theo kinh nghiệm của là cờ đầu ngành Giáo dục lúc đó là trường Bắc Lý. Bắc Lý có nhiều kinh nghiệm hay, nhưng tốt nhất trong các yếu tố để Bắc Lý thành công là đoàn kết nội bộ trường và có thể xem yếu tố này là số 1 của kinh nghiệm Bắc Lý. Tự vệ hoạt động tập tành thường xuyên, được trang bị súng thể thao quốc phòng. Có ngày nghỉ, anh em thường dùng súng này bắn chim “cải thiện”. Việc không may xảy ra là anh Lê Biên suýt bắn phải má một cô thôn nữ. Thế là anh Hoàng Thung và tôi phải đi “hầu kiện” ở huyện Yên Mỹ. Mọi việc trót lọt, cũng may!

Thời gian sơ tán có chuyện vui, chuyện không vui kể sao cho hết. Thời gian trôi đi, còn lại là những kỉ niệm hơn 40 về trước, gặp nhau ai nhớ thì kể lại cùng nghe từ chuyện giảng dạy, giao tiếp, đối xử, quan hệ tập thể, cá nhân… lúc bấy giờ các anh chị luôn giải quyết theo kinh nghiệm mà ai cũng biết là “phải trái phân minh, nghĩa tình trọn vẹn”, đoàn kết và khoan dung.

4. Năm 1967, Đại học sư phạm Hà Nội chia làm 3 trường : ĐHSPHN1, ĐHSPHN2, ĐHSP Ngoại ngữ Hà Nội… Trường thì chia nhưng khoa vẫn ổn định tổ chức tiếp tục công tác đào tạo. Năm 1969, khoa Văn về sơ tán quanh Hà Nội, đại bộ phận học trong các đình chùa xã Cổ Nhuế, Bưởi thuộc Từ Liêm. Một bộ phận nhỏ sinh viên năm thứ ba về học ngay trong trường, bảo vệ khu A, tham gia chiến đấu chống chiến tranh phá họai. Lúc này tôi đã lên công tác ở Trường, được nhà trường phân công anh Đào Văn Liên (Tiểu đoàn trưởng tự vệ Trường ĐHSPHN1), tôi - chính trị viên tiểu đoàn, anh Hoàng Văn  Thung, đại đội trưởng tự vệ khoa Văn cùng trung đội lớp sinh viên do anh Phạm Xuân Hoa làm trung đội trưởng lo việc bảo vệ Khu A. Trường vắng tanh trong trường hầm hào chi chít. Trên sân vận động có một hầm trú ẩn xây khá kiên cố làm trụ sở của ban chỉ huy tiểu đoàn tự vệ khi có báo động. Trên sân thượng nhà A7 (nhiều năm nhà này là kí túc xá của khoa Văn) đắp đất làm đài quan sát theo yêu cầu của Ban chỉ huy quân sự huyện Từ Liêm, có tên khá văn hoa là “con mắt phía tây” của Thành phố Hà Nội. Sau nhà A7 là cồn đất cao được đắp làm ụ pháo 12,7 ly. Tự vệ khoa Văn thường trực, tham gia chiến đấu ở đây. Chiều ngày 7 tháng 8 năm 1972, cô  Bích Hà, sinh viên, trưởng đài cùng với tổ quan sát trên sân thượng nhà A7 và nhóm tự vệ thường trực ở ụ pháo sau A7, lúc này có các anh Hoàng Văn Thung, Thái Bình, Tín, Sơn, Bùi Văn Ba, đã góp phần bắn chiếc F4 của giặc Mỹ bay tự phía Đan Phượng, Trôi về. F4 bay về ngang tầm Cầu Diễn thì tự vệ ta nổ súng, F4 trúng đạn, xoẹt lửa trông thấy, liền bay tiếp sang phía Mễ Trì. ở đây tự vệ phòng không bồi cho một loạt đạn, thế là F4 rơi xuống cánh đồng Mễ Trì. Chiến công này có phần đầu của Tự vệ khoa Văn ĐHSP HN1 và phần sau của Tự vệ Mễ Trì. Cuối năm 1973, trong lễ mừng công của Dân quân tự vệ huyện Từ Liêm, khoa Văn ĐHSP HN1 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng 3 và cô Bích Hà được Bộ Tư Lệnh Quân Khu Thủ đô tặng bằng khen. Những phần thưởng này gắn liền với thành tích kể trên cùng với thành tích của thầy trò khoa Văn tham gia chiến đầu 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972 của Hà Nội.

Viết chương 4 này, tôi không thể quên các thầy giáo như Lê Đăng Bảng, Lý Hữu Tấn và hàng trăm học sinh của trường trong đó có sinh viên khoa Văn từ những năm 1965 đến 1975 vào công tác và chiến đấu ở Miền Nam đất nước cho đến ngày thống nhất Tổ quốc. Về sau trong Trường ca Nhớ một chặng đường, tôi cảm xúc viết :

Ta viết tiếp bài ca đánh Mỹ

Mình tắm trong chân lí của đời

Tự do độc lập sáng ngời

Tuổi xanh muôn miệng đáp lời nước non

Đỉnh Trường Sơn đường son nắng dệt

Xếp bút nghiên bước tiếp cha anh

Vẻ vang thay đất nước mình

Tầm cao thời đại cùng tình sắt son

Nước còn giặc ta còn đánh giặc

Dựng pháo đài con mắt phía Tây

Em ơi có nhớ những ngày

Bắt tiêu nổ pháo diệt bầy quạ đen

Thăng Long sống những đêm anh dũng

Thiêu giặc trời mình cũng góp công

Vườn ta lại nở hoa hồng

Huân chương lấp lánh giữa lòng thủ đô...

Dựa theo Hồi ký Theo dòng thời gian

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020