Văn học dân gian

NHẬN THỨC VỀ PHƯƠNG PHÁP LUẬN NGHIÊN CỨU VĂN HỌC DÂN GIAN CỦA BÙI VĂN NGUYÊN


09-10-2020

Trước nay trong ký ức của lớp hậu sinh như chúng tôi, mặc dù đều đã trải qua trên dưới bốn mươi năm nghiên cứu và giảng dạy văn học dân gian Việt Nam trong nhà trường, khi đặt bút để viết một lời tri ân về các thầy cô thì có phần dồi dào bút lực, nhưng khi đòi hỏi cần phải nêu lên một đánh giá, một nhận định có tính học thuật về di sản để lại của các thầy cô thì lại thấy hết sức khó khăn. Trong tiểu luận này, chúng tôi chỉ phát biểu về một nhận thức như tiêu đề đã đặt ra.

  1. Một con đường từ kiến thức đến sự hiểu biết

Vấn đề đặt ra là tại sao phải nhận thức cho được phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian của Giáo sư Bùi Văn Nguyên? Bởi vì có một thực tế nghiệm ra từ người viết bài này là khi đọc những tác phẩm nghiên cứu văn học dân gian của ông, có rất nhiều ý mà mình chưa hiểu được hết nghĩa, có rất nhiều “gợi” mà mình chưa thể tận mở, có những khẳng định mà người sau nghiền ngẫm mãi, lần ngược lại với vốn tri thức và sự hiểu biết của mình trong sự ngạc nhiên và cảm khái, nhưng lại vẫn không hết băn khoăn. Phải chăng là cần phải có một thi pháp đọc Bùi Văn Nguyên? Để trả lời cho vấn đề nêu ra, chúng tôi theo nguyên tắc chỉ phân tích, luận giải trên chính văn bản các nghiên cứu chuyên biệt của ông về văn học dân gian và về văn học dân gian trong mối quan hệ với văn học viết trung đại trong một khối lượng lớn các công trình: Từ bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam ở bậc đại học gồm hai tập do ông chủ biên đến sách Giảng văn văn học dân gian Việt Nam (1963) cùng rất nhiều bài viết chủ yếu được công bố trên Tạp chí Văn học như: Truyện Nôm khuyết danh, một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam, số 7/1960; Bàn thêm về tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, số 3/1964; Bàn về yếu tố văn học dân gian trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ, số 11/1968; Vài nét về văn hóa thời Hùng Vương qua một số truyền thuyết cổ, số 5/1973; Việt Nam, một đài xuân sáng chói từ ngàn xưa, số 1/1976; Lê Quý Đôn, nhà bác học có ý thức về một nền văn hiến dân tộc, số 6/1976; Tìm hiểu ý nghĩa cảnh giác chống ngoại xâm trong truyện Thánh Gióng, số 5/1978; Tìm hiểu cội nguồn Việt cổ qua một số môtip tiêu biểu trong truyện cổ dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, số 4/1985; Huyền thoại và khoa học viễn tưởng, số 1/1988…, thì điều chúng tôi quan tâm đặc biệt là bốn công trình chuyên luận về văn hóa và văn học dân gian (folklore), gồm: Việt Nam - truyện cổ với triết lý tình thương (1991), Việt Nam – Thần thoại và truyền thuyết (1993); Việt Nam truyền thống sức sống trường tồn (1996) và cuối cùng là Việt Nam và cội nguồn trăm họ gồm 5 tập (2001). Như vậy là những chuyên luận về văn học dân gian đều được ông xuất bản sau khi nghỉ hưu, là kết tinh của một đời nghiên cứu bề rộng cũng như chiều sâu về văn hóa và văn học dân tộc. Điều đó cho thấy Bùi Văn Nguyên nghiên cứu văn học dân gian không phải chỉ bằng kiến thức khoa học chuyên ngành và liên ngành mà chủ yếu là bằng sự hiểu biết từ suốt một đời ông đã trải nghiệm. Đỗ Bình Trị, khi thuyết trình về phương pháp nghiên cứu trong khoa học văn học dân gian đã nói, đại ý: Hiểu biết rộng hơn kiến thức. Hiểu biết còn là kinh nghiệm, là trải nghiệm, là đời sống. Khi viết những dòng này, tôi lại nghĩ đến một điều rất tâm đắc đối với tôi, rằng: Nếu văn chương viết – bác học là kết quả của vốn chữ và sự hiểu biết hàn lâm, thì văn chương truyền miệng – dân gian lại là kết quả của vốn sống và sự nhạy cảm đời thường. Mối liên hệ này là một chỉ dẫn quan trọng để hiểu thấu đáo về phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian của Bùi Văn Nguyên.  

2. Một quá trình từ tri thức, tâm thức đến cảm thức           

Trong trang cuối cùng chuyên luận Việt Nam - truyện cổ với triết lý tình thương, Bùi Văn Nguyên viết: “Như chúng ta đã biết, ký hiệu trong cuộc sống của sinh vật là chung cho toàn thể, như đối với động vật, chỉ là bản năng như mùi vị, âm thanh, hình sắc, còn đối với con người biết tư duy thì cao hơn nhiều, nên ngoài mùi vị, âm thanh, hình sắc, còn có khái niệm và khái niệm mới là quan trọng. Như vậy khái niệm đối với con người thường là một hệ thống có quan hệ với nhau, mang mầu sắc vừa chủ thể, vừa khách thể. Ngôn từ là phương tiện đặc thù gây cảm xúc (esmotion) và bức xúc (stress) trong truyền lan đó, nay qua kỹ thuật tổng hợp médias. Truyện cổ dân gian chính là loại thể tổng hợp của ngôn từ có hiệu năng (performance) cao từ xưa đến nay. Cho nên, người đọc, người kể với lý tưởng thẩm mỹ cao có khi vừa là độc giả, mà lại là tác giả lớp sau, tức đồng tác giả của truyện kiếp trước. Gien di truyền không bao giờ dứt, nguồn cảm hứng dân tộc được tổ tiên chung đúc là vô tận, tình thương bao la của con người, của cả loài người, dù có trải qua phong ba bão táp, chấn động địa cầu, vẫn muôn đời không dứt… Âm vang truyện cổ Việt Nam trong kho truyện cổ thế giới cứ tiếp tục truyền lan” [1]… Đọc Việt Nam - truyện cổ với triết lý tình thương cũng như trong các công trình và bài viết khác nói chung về văn học dân gian của Bùi Văn Nguyên, người đọc dễ nhận ra một điểm chung là ông luôn trở đi, trở về với điểm hội tụ tình thương bao la của con người, và tình thương đó có cội nguồn từ một Đức mẹ cao cả ở mọi thế giới từ Á sang Âu, từ cổ chí kim và ở trong tâm thức mỗi người, và với dân tộc Việt Nam thì chính khởi nguyên là từ các Đức Mẫu hiển hiện mà theo ông là đã có từ thời viễn cổ và còn mãi đến tận xã hội hiện đại hôm nay. Có thể nói “triết lý tình thương bao la” và “nguyên lý Mẹ” là hai khái niệm chủ đạo được ông xây dựng nội hàm và để suốt một đời tìm kiếm như là hai giá trị quý báu nhất vốn của chung toàn nhân loại nhưng trong văn học dân gian Việt Nam - theo ông có thể chỉ có trong văn học dân gian Việt Nam - là đặc biệt vang vọng và hết sức sâu sắc. Kết luận này được ông lý giải bằng cơ sở địa - văn hóa và chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này ở các ý sau. Về nội dung hai khái niệm có vị trí tiên đề này đã được Bùi Văn Nguyên định danh, định tính ngay trong Lời mở đầu của chuyên khảo. Cũng chính từ hai khái niệm gốc nói trên, ông thiết lập mối liên hệ phổ quát giữa văn học dân gian Việt Nam với văn học dân gian thế giới qua các di sản văn hóa từ Hy Lạp, La Mã đến Ấn Độ cổ đại. Thông qua con đường đó, Bùi Văn Nguyên chủ trương gắn văn học dân gian Bách Việt thời cổ đại với toàn cảnh văn hóa dân gian vùng Đông Nam Á trong sự đối lập với văn hóa Hán – Trung nguyên. Đồng thời, từ hệ quy chiếu địa – văn hóa và lịch sử văn hóa  – tộc người theo quan niệm dứt khoát của riêng ông về bờ cõi và lịch sử văn hóa Cộng đồng Bách Việt, Bùi Văn Nguyên đưa ra một Phác đồ lịch sử địa - văn hóa và văn học dân gian Việt Nam mà theo ông là sâu hơn, xa hơn, xưa hơn và rộng hơn tất cả những quan niệm về biên độ văn học dân gian Việt cổ được giới hạn trong các nghiên cứu về nó từ những năm 60 của thế kỷ trước đến nay, từ Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh (1964) đến Tư tưởng chủ yếu của người Việt thời cổ của Tầm Vu, tức Trần Văn Giàu (1967) và cùng thời gian như Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian của Đinh Gia Khánh (1989), Lịch sử tư tưởng Việt Nam của Nguyễn Đăng Thục (1992) và Theo dòng lịch sử của Trần Quốc Vượng (1996)… Minh chứng cho hệ quy chiếu đặc biệt quan trọng này, Bùi Văn Nguyên đã đưa ra hàng loạt chứng cứ khoa học địa – văn hóa để đi đến một khẳng định: “Chúng ta, những con em đất Việt, sống ở cuối thế kỷ XX, sắp sang thế kỷ XXI, sau Công nguyên, nghiên cứu lịch sử kiến tạo đất nước ta với một kho tàng truyện cổ dân gian từ xa xưa, chắc hẳn sung sướng vô cùng khi biết được rằng có thể, đất nước ta là đất nước độc nhất, nằm trên bản lề của hai vành đai cỡ hành tinh này, cộng thêm với đặc điểm nằm trên bản lề của các đại lục phương Bắc, phương Nam và hai múi lồi mũi lõm, hình tượng của nguyên lý âm dương hài hòa, nguyên lý của triết lý tình thương muôn đời” (tr.17) và “Dân tộc Việt Nam từ thuở rạng đông loài người như địa bàn với các yếu tố kiến tạo trái đất đã minh chứng, vốn là thành viên trụ cột trong cộng đồng Bách Việt rải ra trên đồng bằng và ven biển Đông, từ bán đảo Sơn Đông, qua bán đảo Lôi Châu, kéo suốt nước ta đến Mũi Cà Mâu. Nhưng rồi vật đổi sao dời, đại bộ phận trong cộng đồng Bách Việt bị Tần – Hán hóa, nay chỉ còn lại dân tộc ta với cái tên Việt cổ kính nghìn vạn năm xưa. Đất mất, người bị tha hóa, kho tàng thần thoại phong phú nghìn vạn năm xưa, ghi dấu ấn sự hình thành dân tộc, hoặc bị tẩy xóa, hoặc bị chỉnh lý xuyên tạc, đổi trắng thay đen, khiến chúng ta những con em đất Việt còn lại khó lòng biết đâu là thật, đâu là giả, đúng như câu tục ngữ phương Tây sau đây đã nói: “Depuis qu’il y a dés historiens, il n’y a plus d’histoire” (Từ khi có những sử gia – đây là sử gia “nháy nháy”, tức sử gia bồi bút – thì không còn lịch sử nữa). Không may cho một dân tộc theo chiều dài lịch sử, phải đổ sức, đổ của, đổ chất xám vào công cuộc chống giặc giữ nước, không còn mấy thì giờ để xây dựng một pho triết học, một nền khoa học thật sự có tầm cỡ quốc tế. Nói như vậy để nói rằng: giờ đây còn sót một số mảng thần thoại ghi dấu ấn một cơ sở triết lý Việt cổ do lời truyền miệng tổ tiên để lại, như pho truyện Tam Tòa Thánh Mẫu, truyện Thần Trụ trời, truyện Mười hai Bà Mụ,… quả thật là vô giá. Bọn cướp nước mỗi lần sang ta, là ra lệnh đốt sạch, phá sạch những thư tịch, đền đài, bia tượng. Chúng có thể hủy diệt tất cả để xuyên tạc quá khứ, xuyên tạc lịch sử, nhưng chúng không thể hủy diệt được tấm lòng con em đất Việt: Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ…” (tr.19, 20). Như thế, chúng ta có thể hiểu sự trách giận cũng như ý muốn lớn của Bùi Văn Nguyên trong nghiên cứu văn học dân gian. Ông hoàn toàn không hài lòng với việc sửa chữa các nguồn thư tịch cổ may mắn còn lại (!) theo một ý muốn chủ quan. Và trước những điều làm ông đau lòng bao nhiêu thì ông càng trân trọng quý giá bấy nhiêu những gì “bia miệng” còn vương sót lại, và ý muốn lớn của vị Giáo sư - Ẩn sĩ đường này là sau khi được nghỉ hưu, ông sẽ dành tất cả từ “tri thức”, “tâm thức” đến “cảm thức” trong “hiểu biết” của một đời nghiền ngẫm thực tại để mong khôi phục lại, minh triết cho được đâu là triết lý Việt cổ, tư tưởng Việt cổ và từ đó xác định cho được thang bậc giá trị của Văn hóa - Văn minh Việt tầm cỡ vượt ra khỏi những quan niệm mà theo ông là hạn hẹp và không thỏa đáng. Việt Nam truyện cổ hay là Việt Nam thần thoại truyền thuyết chính là những tài liệu hết sức quý giá để ông khảo chứng, luận giải từ điểm bắt đầu đồng thời cũng là điểm trở về theo nội hàm của hai nguyên lý đã được ông chọn lựa, xây dựng và tìm kiếm từ trong di sản dân tộc và nhân loại như đã nói ở trên.

Cũng cần lưu ý khi nhận diện phương pháp luận nghiên cứu khoa học về văn học dân gian của Bùi Văn Nguyên: Như nhiều người nói, sinh thời ông mang cốt cách nho học và sinh hoạt như một nhà nho nhưng trong các nghiên cứu về văn học dân gian dân tộc, không hề thấy ông quan tâm mảy may đến các dẫn liệu và tư tưởng Trung Hoa, mặc dù chính ông đã từng cùng với nhà sử học Thái Hoàng dịch Truyện dân gian Trung Quốc (1983), và trong quá trình nghiên cứu cụ thể ông đã sử dụng cách thức chiết tự Hán – Nôm như là các dẫn liệu ngôn ngữ học trong các văn bản ghi chép truyện cổ và thơ ca dân gian Việt Nam thời kỳ phong kiến. Ông chủ yếu chỉ tham vấn từ kinh Phật, sách Lão Tử và một số trích dẫn từ các nguồn văn học dân gian Hy Lạp, La Mã, Ấn Độ và triết học phương Tây. Với Kinh Dịch và triết thuyết Âm – Dương, Ngũ Hành Bát Quái mà ông vận dụng như một “Nhà Dịch học tầm cỡ” (chữ dùng dành cho ông của Giáo sư Phương Lựu) trong các cơ sở lý thuyết để lý giải về cội nguồn triết lý tình thương của dân tộc Việt thì ông quan niệm: nếu Tiên thiên bát quái đồ là của Bào Hy (tức Phục Hy) thì Phục Hy cũng chính là “Ông tổ của cộng đồng Bách Việt”. Còn như Hậu thiên bát quái đồ về sau do Chu Công Đán cùng với Chu Văn Vương làm ra chỉ là một sự chỉnh lý và xuyên tạc (!?). Trong chuyên luận Việt Nam – truyện cổ với triết lý tình thương, ông hai lần viện dẫn quan niệm về Ngũ phúc và Lục cục trong sách Thượng thư (một loại sử biên niên cổ của Trung Quốc) và một lần tham khảo sách Tứ Thư khi lấy ra một ý trong thiên Đại học, nhưng không quên chua thêm rằng: Những điều này đều do tổ tiên chúng ta trong cộng đồng Bách Việt đã đúc rút kinh nghiệm, về sau, các nhà nho thời Chu – Tần mới ghi lại thành chương mục. Với Nho giáo, trong các công trình nghiên cứu văn học dân gian như tôi biết thì chỉ có đôi lần ông nhắc đến Đạo Khổng và Khổng Tử nhưng không phải là để thuận theo. Theo ông: “Đạo Khổng, hoặc gọi một cách khái quát hơn là đạo Nho vốn không phải là một tôn giáo, mà chỉ là một học thuyết thịnh hành từ thời Xuân Thu – Chiến Quốc ở Trung Quốc, sau mới truyền sang ta. Khổng Tử không phủ định phần hình nhi thượng, nhưng tránh né khi bọn học trò nêu lên. Ông ta rất khôn khéo với chủ trương “kính nhi viễn chi” (kính trọng mà lại tránh xa) đối với thế giới quỷ thần” (tr.79)... Bùi Văn Nguyên chủ trương mọi giá trị văn hóa tinh thần đều ẩn trong tâm thức cũng là tâm linh, trở thành nguyên tắc trong mọi nghiên cứu của ông về văn hóa Bách Việt. Có thể nói, từ nguyên tắc này mà trong nghiên cứu khoa học nói chung cũng như nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam, Bùi Văn Nguyên đã để lại trước hết cho các học trò của ông một kiểu mẫu riêng. Vậy kiểu mẫu đó là như thế nào?

Trong lời mở đầu chuyên khảo Việt Nam - truyện cổ với triết lý tình thương, ông đã dứt khoát khẳng định: “Tình thương… Đó chính là đầu mối của chủ nghĩa nhân bản (humanism), dắt dẫn đến chủ nghĩa nhân đạo (humanitarisme). Và đó cũng chính là cơ sở để nhiều triết gia, nhiều giáo chủ lập ra các học thuyết, các tôn giáo của mình” (tr.6). Theo đó, Bùi Văn Nguyên đã chỉ rõ ý tưởng học thuật của ông bắt đầu từ các khái niệm gốc như trên để tiến hành một chương trình phân tích và luận giải về triết lý tình thương của Cộng đồng Bách Việt trong các thể loại cơ bản của truyện cổ Việt Nam (về thơ ca dân gian nói chung, ông chỉ quan tâm đến các vấn đề hình thức và thể loại trong một công trình viết chung với Hà Minh Đức).

Theo chúng tôi, một nguyên tắc nữa trong phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian của Bùi Văn Nguyên là sự đề cao tính mục đích của văn học như ông khẳng định, đại ý: Chắc hẳn, bất cứ nơi đâu, truyện cổ dân gian được sáng tác đều nhằm hai mục đích, vừa có ý nghĩa giải trí, lại vừa có ý nghĩa giáo huấn, và theo chiều sâu triết lý trong sự nghiệp dạy người và xây đời, thì khâu giáo huấn đóng vai trò then chốt. Vì lẽ ấy, ông nêu rõ chủ trương tìm hiểu và nghiên cứu văn học dân gian là để qua những ý nghĩa tốt đẹp trong truyện cổ, chúng ta dần hiểu thêm tổ tiên bằng chính cảm quan và cảm thức của mình, không lầm phải bến mê, mà đầy tin tưởng lạc quan, đi đúng giữa bến ngay, thấu hiểu đến cội nguồn dân tộc, thấm đượm truyền thống dân tộc, xây dựng hạnh phúc dân tộc, riêng cũng như chung, mở rộng ra hạnh phúc toàn thể loài người, theo chiều sâu của triết học. Thế nên khi tiến hành nghiên cứu văn học dân gian, chắc hẳn không phải ông không tham khảo các phương pháp khoa học của các nhà nghiên cứu lừng danh thế giới như: Aarne Thompson, Claude Levis Strauss, V.Ia. Propp, M. Meletinski… Tìm hiểu nghiên cứu văn học dân gian với Bùi Văn Nguyên được xác định là theo mục đích giáo huấn. Qua các nghiên cứu từ trong di sản, ông không câu nệ những nguyên tắc học thuật có tính tư biện hàn lâm. Theo ông, vẫn thế, mọi cái đẹp trong văn chương chỉ có thể được tỏa rộng, tỏa sâu, tỏa xa, tỏa sáng trên cơ sở của cái chân và cái thiện. Và mọi chủ đề thẩm mỹ đều xoay quanh những vấn đề trong thực tại cuộc sống của dân tộc, của đất nước, như là: Cội nguồn xa xưa, truyền thống tốt đẹp, hạnh phúc riêng chung. Thế nên, qua từng trang viết của Bùi Văn Nguyên về văn học dân gian, sẽ nhận ra một lối tư duy cầu tính, một phương pháp nghiên cứu gọi là phương pháp tổng hợp, bao gồm một hệ thống logic các cách thức quy nạp từ những cái thật đặc sắc, tiêu biểu để rọi chiếu có sức “bật tường”, làm phát sáng chỉ một điểm hội tụ, đặc biệt đó phải là một điểm hội tụ trong tâm thức chứ không phải hiện hữu trong thực tại. Có lẽ bởi ông hoàn toàn thật sự quyết đoán rằng chỉ có như thế, cái giá trị đặc sắc vô giá của văn học dân gian dân tộc mới có sức tỏa rộng, tỏa sâu, tỏa xa, tỏa sáng… từ rất nhiều ngàn năm trở về trước đến mãi mai sau.

3. Một sự nhất quán từ khái niệm tiền đề đến hệ phương pháp

Tìm hiểu phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian của Bùi Văn Nguyên, chúng tôi thật kinh ngạc nhận ra ở đó một sự nhất quán toàn vẹn từ những luận đề đặt ra và cách thức giải quyết các vấn đề trong bộ giáo trình Lịch sử văn học Việt Nam đầu những năm sáu mươi đến công trình Việt Nam thần thoại và truyền thuyết (1993). Từ sự nhận thức được tính nhất quán về tư tưởng và nội dung học thuật của nhà nghiên cứu, lần trở lại tìm kiếm những bài học về phương pháp khoa học, mới vỡ lẽ ra rằng đó chính là kết quả của một chuỗi các liên kết nhất quán từ cách thức nghiên cứu cụ thể (phương pháp) đến tính logic chặt chẽ mẫu mực trong tổ hợp các cách thức được ông vận dụng (hệ phương pháp). Đến nay đã qua nhiều năm được đọc lại, từ trong cảm thức tôi như thấy đã ngộ ra được cái tâm điểm của vấn đề: Phải đọc ông trong “điểm nhìn”, “trường nhìn” và “hệ quy chiếu” đối với mọi bình diện kết bện tự nhiên thành tư tưởng học thuật với một niềm tin vững chắc vào “phổ kiến thức và sự hiểu biết thâm hậu uyên bác” của ông. 

Để đọc và hiểu được di sản văn hóa Bùi Văn Nguyên qua các nghiên cứu về văn học dân gian - tôi muốn nói và viết như thế để tôn vinh một tên tuổi - phải đọc thật nhẩn nha, đọc theo quá trình, tức là từ những bài giảng, bài báo có cùng vấn đề đến cả một chương sách theo trật tự thời gian công bố; đọc theo hệ thống, tức là đọc toàn cảnh vấn đề tỏa ra các chương và theo đó từ luận điểm trong một chương ta sẽ thấy một mặt có sự diễn dịch bằng các luận cứ theo chiều ngang, mặt khác lại có ý liên quan trong từng chi tiết giữa các chương được quy nạp theo chiều dọc. Thống kê các chi tiết ở cấp độ luận chứng sẽ thấy một số lượng thật sự không nhiều nhưng đều là những “cái tiêu biểu” đã được chọn lọc, đối chứng, thẩm định kỹ lưỡng đến mức giản dị như là để chính nó tự nói lên được cái điều mà nhà nghiên cứu muốn nói, ông chỉ còn việc luận giải để đi tới cùng lại trở về “cái ban đầu”, nhưng là cái ban đầu đã được minh triết. Phương pháp quy nạp chặt chẽ như thế là cách thức được sử dụng một cách phổ quát trong mọi vấn đề theo trình tự mà ông gọi là từ “mẫu hình - thành tố” đến “mẫu hình - viên mãn”. Tất nhiên với cách thức như thế, không phải không có những cái gọi là sự mắc lỗi chủ quan ở một khâu nào đó. Nhưng như trên đã nói, đó chính là kết quả của tư duy khoa học đặc trưng kiểu phương Đông, sẵn sàng bỏ qua một sự khuyết thiếu hoặc khác biệt ở một khâu nào đó để vừa đủ nhận ra cho được cái toàn cục. Trong các chuỗi chi tiết được ông sử dụng để đưa ra một ý nghĩa nào đó, ông không tư biện nhưng quả đoán và dụng công gợi tả để hình dung, từ đó dựng mô hình. Ví dụ: Từ những phân tích theo các mối quan hệ loại hình địa – văn hóa và lịch sử tộc người trên lược đồ Tam Tòa Thánh Mẫu – Thần Trụ Trời - Mười hai Bà Mụ - Ông Đực - Bà Cái, Ông Đùng - Bà Đà, Quả bầu Mẹ - Trứng con - Thánh Mẫu Âu Cơ có tính đến các mối quan hệ với các thành tố khác trong văn học dân gian các dân tộc khác hiện nay vốn nằm trong Cộng đồng Bách Việt từng cư trú trên cả một không gian mênh mông chạy dài từ ven biển bán đảo Sơn Đông, trên cả đôi bờ tả ngạn và hữu ngạn phần nửa cuối sông Dương Tử (vùng hồ Động Đình), chạy qua bán đảo Lôi Châu, vùng vịnh Bắc Bộ đến cửa Hội Thống xứ Nghệ (Nghệ An – Hà Tĩnh) ngày nay, ông “lướt diện, xoáy điểm, chọn cái tiêu biểu, gạt nhiễu” và thế là mô hình hiện ra. Ví dụ khác: Cũng từ hướng tiếp cận địa – văn hóa và mối quan hệ loại hình lịch sử văn hóa - tộc người, ông phân tích và bóc tách hai tác phẩm Thánh Tản (truyện Sơn Tinh - Thủy Tinh) và Thánh Gióng (các đơn vị truyện ở hệ dưới là Phù Đổng Thiên vương và Sóc Thiên vương) theo hai lớp, từ lớp văn hóa thần thoại đến lớp văn hóa truyền thuyết, phát hiện ra các cặp đôi Đổng thần thoại – Đổng Cha/ Đổng truyền thuyết - Đổng con và Tiền Sơn Tinh/ Hậu Sơn Tinh với Tiền Thủy Tinh/ Hậu Thủy Tinh… Ông dựng lại một không gian văn hóa Việt cổ xoay quanh ba địa danh Tản Viên – Ba Vì – Ngã Ba Bạch Hạc trong những mối liên hệ thật sâu kín tiềm tàng từ thời viễn cổ giữa trung tâm Núi Thái Sơn – Sông Nguồn – Hồ Động Đình vùng Ngũ Lĩnh thuộc Hoa Nam của Cộng đồng Bách Việt đến Đỉnh Tây Thiên – Chùa Đồng và Ngã Ba Bạch Hạc - trung tâm Ao Việt (Việt Trì) và nguyên cớ có sự dịch chuyển từ vùng Ngàn Hống - Đô thành Kinh Dương Vương nước Việt Thường (!) đến xứ Phong Châu với Lạc Long Quân – Hùng Hiền Vương. Tất cả các “trung tâm phong vật” và “trọng tâm tình cảm” ở những chốn xưa như thế của tổ tiên đã hiện lên thật ngời đẹp với “hồi thơm quế ngọt và suối vàng suối bạc, với hồ sen đỏ và hoa trái bốn mùa”. Và từ những tác phẩm truyện cổ tiêu biểu như ông đã chọn đều là “truyện của nhiều kiếp”, đã truyền đời nối dòng được như thế cũng là bởi sự nối dài tình thương bao la của lớp lớp những “con em đất Việt mang dòng máu Đức Mẹ Âu Cơ, hay xa hơn nữa, là cả dòng máu Ba Tòa Đức Mẹ” (tr.34). Ông luận giải về mối quan hệ dòng tộc trong tâm thức từ Đức Mẫu Thiên phủ đến Đức Mẹ Thượng ngàn nhập thân, từ Bà mẹ Đức Thánh Tản hậu sinh đến Đức Thánh Mẫu ở Đền Trụ Quốc trên núi Tam Đảo… để làm sáng lên sự liên quan thật thấu tình đạt lý. Với ông, hình như trong văn học dân gian vai trò người đàn ông chỉ “nhẹ như chiếc bướm trên hoa”. Ông viết, đại ý: Nói như vậy là để nói rằng biểu tượng Tam Tòa Thánh Mẫu với tình thương bao la trong cầu trường tâm linh cứ thế, từ xưa vang vọng mãi, sâu sắc biết chừng nào! Có thể tiếp tục dẫn ra những ví dụ khác như khi ông phân tích có tính phản tỉnh với thần thoại Ông Đùng Bà Đà và truyền thuyết An Dương Vương. Ông khắc sâu đậm vấn đề bằng việc phân tích cặp đôi hai tác phẩm mang hồn cốt truyền thuyết: Nam Hải Quan thế âm Bồ tát (truyện Bà Chúa Ba Diệu Thiện) và Quan thế âm Tống tử (truyện Quan âm Thị Kính). Ông khai triển vấn đề gần lại hơn với cái thời chúng ta đang sống bằng việc phân tích các truyện cổ tích trong mối quan hệ giữa văn học dân gian và văn học viết trung đại… Và như thế có nghĩa là ông vẫn trở đi và trở về với triết lý tình thương. Với ông, hình như chỉ có niềm tin tâm linh trong tâm thức mới là sự hiện hữu đem lại hạnh phúc có giá trị thực tại. Nhưng vẫn là ý kiến của ông, rằng đó là niềm tin có cơ sở bền vững như “kiềng ba chân”, đó là chính tín, là sự xác tín đã được xác quyết. Vậy đó là gì? Nhận thức được những cơ sở khoa học của một niềm tin như thế theo tôi cũng là một nhận thức về phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian của Bùi Văn Nguyên.

4. Những nguyên tắc cơ bản của hệ phương pháp nghiên cứu

Như trên đã nói, Bùi Văn Nguyên không phải không tiếp cận với các hệ phương pháp nghiên cứu folklore thế giới. Ông từng bàn về khái niệm mô hình và môtip, type: “Xưa nay, truyện đời có hàng ức triệu, sách vở thế giới gom lại đã nhiều, nhưng vẫn không chép hết. Phân loại về mô hình (modele) cũng đủ kiểu đủ cách, người bàn xuôi, kẻ bàn ngược, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay, có khi chẳng ai chịu ai, do đó thuật ngữ để ký hiệu các loại truyện khác nhau cũng thay đổi tùy từng cách gọi như: mô-típ, nghĩa đen là mẫu hình họa tiết, type nghĩa đen là kiểu mẫu điển hình, hoặc nữa: code nghĩa là mã số luật lệ, thí dụ code Aarne – Thompson ghi một số các cốt truyện dạng như Tấm Cám của ta. Mô hình trong cuộc sống trần gian là muôn mầu, muôn vẻ, khó có một pho mã số nào bao gồm được hết. Tổ tiên chúng ta, chỉ căn cứ vào một mô hình cơ bản (modèle fundamental) dựa vào công thức chân – thiện – mỹ, chủ yếu nhằm cho đạt tính “từ bi – bác ái”, hoặc nói một cách khác khái quát hơn, là tính “chỉ ư chí thiện”. Như vậy mô hình cơ bản nói trên được coi như mô hình gốc tức là mẫu hình viên mãn (modele completes),…”. Thế nên nhìn chung trong nghiên cứu văn học dân gian, Bùi Văn Nguyên vẫn chủ trương mô-típ theo chủ đề, nhưng không phải là nghiên cứu xã hội học theo lối tư biện. Ông dụng công sử dụng thuật ngữ mẫu hình thành tố và mẫu hình – viên mãn theo quan niệm kiếm tìm những giá trị tư tưởng thẩm mỹ của văn học dân gian giữa đời sống nhưng lại tồn tại dưới dạng ẩn tàng trong tâm thức. Mọi nỗ lực phát hiện các giá trị và dựng mô hình của ông không nhằm mục đích tái cấu trúc vì nó và như nó mà cái điều cốt tử đối với ông là để minh triết cho một hệ thống các yếu tố thuộc nội hàm khái niệm tình thương ẩn trong tâm thức thật sâu kín, tiềm tàng đã được ông định danh như là một triết lý: Triết lý tình thương.

Từ nguyên tắc trên, Bùi Văn Nguyên chủ trương nghiên cứu không chỉ dựa vào văn bản. Như trên đã nói, một mặt trong tư cách một nhà nghiên cứu văn học viết trung đại, ông miệt mài với chữ và nghĩa thì mặt khác với văn học dân gian ông lại sống với truyện cổ và những câu hát dân gian bằng những chuyến đi. Thế nên trong gia tài tri thức của ông giầu có từ cả hai phía dân gian và bác học. Trong nghiên cứu văn học dân gian, khi khảo sát hình tượng Lạc Long Quân, ông tham vấn ý kiến người xưa trên văn bản Hán - Nôm chỉ một chữ “Lạc” đã đem lại một sự khác biệt “không giống ai”. Khi khảo sát hình tượng Mỵ Châu, ông phân tích nghĩa hai chữ “Ngọc” (đại cữu và tiểu cữu), và lại đưa ra một ý kiến khác người. Ông dứt khoát quyết không vận dụng một chiều cho dù đó là cái quý giá của người khác, vì một lý do từ chính sự đặc thù của đối tượng nghiên cứu theo quan niệm của riêng ông. Nguyên tắc này được thể hiện khi ông nhận xét về hệ phương pháp nghiên cứu của V.Ia. Propp (theo nguyên tắc bám sát văn bản): “Từ năm 1928, Propp trong cuốn Hình thái truyện cổ (Morphologie dé contes) đưa ra 31 mô-típ theo chức năng (fonctions) thay cho loại mô-tip theo chủ đề (thèmes) trước kia. Lesvis Struss đánh giá cao phương pháp cấu trúc này của Propp, nhưng năm 1946, thì Propp cho ra tiếp cuốn Cơ sở lịch sử truyện truyền kỳ (Base historique dé contes merveilleux) để bổ sung cho cuốn Hình thái truyện cổ. Như vậy thì hợp lý vì chỉ nhấn mạnh chức năng thôi thì phiến diện, mà cần đi sâu vào bản chất xã hội, vào tiến trình lịch sử qua nội dung câu chuyện mới có thể hiểu ý nghĩa sâu lớn của truyện”. Song Giáo sư lại nhấn mạnh như một nguyên tắc của phương pháp: “Tuy nhiên như vậy vẫn chưa đủ, vì văn học không phải là lịch sử, sự kiện lịch sử được ghi lại và đóng chốt, còn câu văn, lời văn, nhất là câu văn, lời văn mang sắc thái dân gian, mặc dầu đã được ghi lại, vẫn không bao giờ đóng chốt, cứ lửng lơ đời này qua đời khác, đón chờ những cảm thụ luôn luôn mới của người đọc, đặc biệt là của người kể chuyện kiểu dân gian… Truyện cổ dân gian với tác giả vô danh, khi xuất hiện trong một hoàn cành xã hội và lịch sử nào đó, đến khi được kể lại trong một hoàn cảnh xã hội và lịch sử hoàn toàn khác trước, tuy cũng với cái tên nhân vật đó, chức năng, động tác nhân vật đó, nhưng thông qua phong cách người kể lại, theo ý nghĩa diễn xướng, thì rõ ràng không giống như thời xưa. Ở nhiều vùng trên đất nước ta, truyện cổ dân gian đang sống lại như vậy. Người đọc, nhất là người kể, thông thường vừa đọc, vừa đoán, vừa sống trong cầu trường thanh khí, tương ứng tương cầu của tâm thức” (tr.188). Thật vậy, và thế nên chỉ với câu khép lại đoạn văn trên ta đã nhận ra nguyên tắc thứ hai: Cần và phải nghiên cứu văn học dân gian giữa đời sống trong mối quan hệ chặt chẽ sống động và có tính lịch sử - cụ thể giữa đời sống và văn bản. Thực chứng là trong các nghiên cứu cụ thể, ông luôn nhấn mạnh môi trường văn hóa sinh thái và môi trường văn hóa xã hội như là những yếu tố quyết định. Trong đó, theo một đường mạch hết sức nhất quán, ông khẳng định từ thời viễn cổ,văn học dân gian đã có sự gắn bó khăng khít và đặc thù với lịch sử một dân tộc. Nguyên tắc này có lẽ đã phát huy được cả hai thế mạnh của một nhà nghiên cứu văn học dân gian như đã nói ở trên. Chắc hẳn ở nơi ông, cho đến thời điểm thích hợp để dồn tâm lực vào việc nghiên cứu văn học dân gian đã có không ít những văn bản Hán - Nôm và các loại sách khác nhau ghi chép lại các tác phẩm ca dao và truyện cổ…Nhưng đó không phải là những tác phẩm văn học dân gian trong thể sống toàn vẹn của nó.   

Thế nên về bình diện phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian của Bùi Văn Nguyên, ngoài lý do như trên đã nói xuất phát từ đặc thù của đối tượng nghiên cứu, còn có một nguyên tắc nhất quán và cơ bản khiến ông không chủ trương ứng dụng bất cứ một hệ phương pháp thuần túy có nguồn gốc từ bên ngoài nào theo nguyên tắc bám sát vào văn bản như chúng ta thường gặp. Không cấu trúc luận theo kiểu Claude Lévis Strauss, không hình thái học lịch sử theo kiểu V. Ia. Propp, cũng không thuần túy loại hình học lịch sử theo B.N. Puchilop và V.P. Anhikin,… ông sử dụng phương pháp tổng hợp trong đó: khi tiếp cận hệ thống ông căn cứ vào nguyên lý âm – dương; khi bóc tách các lớp so sánh lịch sử - văn hóa ông căn cứ vào những chỉ dẫn về huyết thống dòng tộc, khi đánh giá thẩm mỹ ông bám sát nguyên lý tình thương từ góc độ chân – thiện – mỹ. Theo ông, đại ý: Một hình ảnh đẹp phải kết tinh được nhiều tình đẹp từ một người con, một người anh em, một người chồng, một người cha, một người vua… với tình thương bao trùm mọi con người, mọi giới, kể cả mọi dân tộc thiểu số anh em. Như vậy, chúng ta đã có thể nhận ra cái nguyên tắc cơ bản và nhất quán trong việc sử dụng mọi phương pháp cụ thể theo hướng quy nạp trong nghiên cứu văn học dân gian của Bùi Văn Nguyên là gì? Chính ông đã khẳng định dứt khoát về cái nguyên tắc này sau khi luận giải về mẫu hình Tấm Cám. Ông viết, đại ý: Trong nghiên cứu văn học dân gian, tất nhiên phải lưu ý đến vấn đề hình thức và thể loại. Có điều là hình thức và thể loại cũng như tất cả những biện pháp phân tích tỷ mỉ dưới dạng cấu trúc vẫn không đủ để tìm ra tâm thức người xưa qua từng tác phẩm. Cái chìa khóa ở đây chính là ở chiều sâu triết học qua nội dung của tác phẩm. Chính nội dung mới là khâu quyết định. Lý tưởng thẩm mỹ chìm trong nội dung, mặc dù treo lơ lửng ở ký hiệu, vì có khi “ý tại ngôn ngoại” (tr.187).

Thay lời kết

Thời gian càng lùi xa vào quá khứ, con người trong mẫu hình - viên mãn tuyệt đích như Đức Phật cũng phải có lúc trở về cõi Phật. Giáo sư Bùi Văn Nguyên đã viết như vậy trên một trang sách trong tác phẩm Việt Nam - truyện cổ với triết lý tình thương. Khi đã phải dừng mạch viết, chúng tôi vẫn nghĩ nội dung của tiểu luận này mới chỉ là một cách nhận thức, nhưng người viết cũng đã hết sức nương theo ý tưởng của Thầy để cố gắng hiểu được Thầy, để tiếp bước trên con đường học Đạo Thầy. Giáo sư Bùi Văn Nguyên đã phân tích chữ Đạo: Theo Hán tự cổ, chữ Đạo được ký hiệu gồm chữ Thủ là cái đầu, đặt bên trên bộ quai xước, tượng trưng cho bàn chân đang bước, ý nói sự tư duy theo khả năng vận động của mình. Cả đời Thầy là một chữ Đạo. Không phải ngẫu nhiên mà trong rất nhiều bản tham luận trong Hội thảo “Con người và sự nghiệp giáo dục, đào tạo, nghiên cứu khoa học của Giáo sư Bùi Văn Nguyên” đều nhắc đến hình ảnh Thầy hàng ngày lặng lẽ đi bộ trên phố Hàng Ngang nhộn nhịp, và như nhiều người trong chúng ta đã biết: Thầy vẫn còn đi bộ đến các cơ quan trường viện khi không còn có thể đạp xe được vào lúc cuối đời. Đó cũng là hình ảnh một chữ Đạo: Đạo Thầy, Đạo sống, Đạo làm Người của một vị giáo sư giữa cuộc đời ồn ã mà cư xá của ông lại được mệnh danh là “Ẩn sĩ Đường”. Nhưng như tôi đã hiểu thì cả cuộc đời Thầy chủ yếu vẫn là những chuyến đi. Tôi vẫn quan niệm Văn tức là Người. Được đọc lại những trang sách nghiên cứu về Việt Nam - truyện cổ với triết lý tình thương cũng như các công trình nghiên cứu nói chung về văn học dân gian của Bùi Văn Nguyên hôm nay, được viết một nhận thức về phương pháp luận nghiên cứu văn học dân gian của giáo sư, tôi muốn nói lời kết: Trong nguyên tắc của hệ phương pháp nghiên cứu văn học dân gian của Giáo sư Bùi Văn Nguyên có cái hạt nhân cơ bản chính là Đạo Sống của một hiền nhân - chữ dùng tặng Thầy của Giáo sư - Bộ trưởng Giáo dục Trần Hồng Quân khi còn đương nhiệm.

(Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5/2013)

 

 (1) Bùi Văn Nguyên: Việt Nam truyện cổ với triết lý tình thương. Nxb. Khoa học xã hội, H.,1991. Các trích dẫn trong bài đều từ nguồn này.

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020