Văn học dân gian

Người họ Lê dốc sức vươn tới tầm xa


09-10-2020

NGƯỜI HỌ LÊ DỐC SỨC VƯƠN TỚI TẦM XA

Nguyễn Đình Chú

 

          Cái tên ba chữ Lê Trí Viễn nghĩa là như thế nào? Cuộc đời đã hơn 80 năm của Giáo sư – Nhà giáo Nhân dân Lê Trí Viễn, người anh khả kính của tôi, quả thật là như thế “người họ Lê dốc sức vươn tới tầm xa”. Anh Lê Trí Viễn sinh năm 1919 tại Điện Hồng, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam trong một gia đình bần nho. Thuở nhỏ, vừa theo học trường Pháp Việt, vừa học thêm chữ Hán. Sau khi đậu bằng thành chung, anh học lớp sư phạm (Cours normal) và ra dạy tiểu học, rồi làm giám thị trường Quốc học Huế, nhưng vẫn tự học để lấy thêm bằng tú tài văn chương. Cách mạng tháng 8 thành công, anh được cử dạy ngay tại trường Quốc học Huế vì đã có tiếng tăm học vấn. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Vào năm 1947, trường Quốc học Huế chuyển ra Hà Tĩnh, đổi tên là trường chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng, có thể nói là trường chuyên khoa lớn nhất của đất nước thời kì đó. Lê Trí Viễn là giáo viên chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng mà học trò về sau không ít người trở thành giáo sư, những nhà khoa học nổi tiếng như: Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Đức Nam, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Đình Tứ… Năm 1950, nhân dịp trường dời sang Nghệ An, anh về dạy rồi làm hiệu trưởng trường cấp 3 Lê Khiết đặt trên đất Quảng Ngãi, trường cấp 3 lớn nhất của Liên khu 5 bấy giờ. Năm 1954, anh tập kết ra Bắc, công tác tại ban Tu Thư của Bộ giáo dục, chuyên viết sách giáo khoa văn cho các cấp 2, 3. Lúc này, anh đã cùng với một số nhân vật có tên tuổi như: Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Liên, Huỳnh Lý, Trương Chính và Đỗ Đức Hiểu thành lập nhóm nghiên cứu văn học mang tên Lê Quý Đôn. Đến năm 1958, anh về giảng dạy tại khoa văn ĐHSP Hà Nội và trở thành ngươi kế tục giáo sư Nguyễn Lương Ngọc làm chủ nhiệm khoa lâu nhất: 15 năm.

            Năm 1978, anh chuyển vào dạy ĐHSP TP Hồ Chí Minh cho đến ngày nghỉ hưu, nghỉ hưu nhưng chưa hề nghỉ việc - vẫn tham gia đào tạo nghiên cứu sinh - viết sách, mở trường PTTH dân lập mà nghe nói là nổi tiếng nhất ở Sài Gòn hiện nay trong các trường dân lập. Anh đã được phong học hàm giáo sư ngay từ đợt 1 (1980) sau mấy chục năm không phong và được tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân đợt 2 (1990).

          Cuộc đời của GS - NGND Lê Trí Viễn đúng là cuộc đời của một người họ Lê dốc sức vươn tới tầm xa, tầm cao. Có được điều quý hiếm đó trước hết phải nói đến ý chí và niềm say mê tự học đã thành bản tính của anh. Chỉ nói riêng trong trường Đại học Sư phạm Hà Nội từ trước tới nay, nếu chọn hai nhân vật là hai tấm gương sáng nhất cho ý chí tự học để vươn tới đỉnh cao của học vấn, của khoa học, thì chắc là nhiều người, trong đó có tôi, trước hết xin chọn anh Nguyễn Cảnh Toàn ở khoa Toán và anh Lê Trí Viễn ở khoa Văn. Mặc dù ở anh Viễn không được đo bằng học vị Tiến sĩ, Tiến sĩ khoa học như anh Toàn, nhưng đã được đo bằng khối lượng sách vở anh đã để lại cho đất nước. Ở anh Viễn, ý chí niềm say mê tự học đối với thái độ thực sự cầu thị, thái độ trung thực trong sáng trong học thuật. Nhớ lại ngày đó, năm 1958, trên danh nghĩa, anh và tôi đều là trợ lí cho giáo sư Đặng Thai Mai nhưng tôi chưa bao giờ dám đặt mình ngang anh vì tôi chỉ là một sinh viên tốt nghiệp được giữ tại trường mới chỉ một năm, trình độ còn non choẹt, còn anh thì đã là một giáo viên chuyên khoa nổi tiếng, một nhà tu thư có uy tín, một người đã có bề dày công trình, sách vở. Vậy mà trong công việc, xem ra anh vẫn coi tôi như người ngang hàng. Mỗi lúc cùng soạn bài tôi thì chỉ muốn cứ tạm dựa vào anh để theo đóm ăn tàn đã, nhưng anh thì cứ ép tôi có ý kiến, thậm chí còn hỏi tôi điều này điều khác mà hình như anh chưa có điều kiện để biết. Với cách làm này, anh nâng tôi lên đã đành, còn tôi chắc cũng có đưa đến cho anh thêm chút gì, vì dù sao tôi cũng có cái may mắn đã được đào tạo 3 năm đại học, đặc biệt là được học với các giáo sư là mấy “ông trùm văn hóa”của đất nước. Đến nay, hơn 40 năm qua rồi, tôi không bao giờ quên được cái duyên may được làm việc với anh trong cùng một chuyên môn, được anh là người có năng lực văn chương trời phú vào loại không dễ có nhiều, tạo mẫu hấp dẫn cho tôi đi theo. Tục ngữ Việt Nam đã có hai câu, nếu được kết hợp nhuần nhuyễn thì đã lợi vô cùng cho những ai hiếu học, biết học:

“Không thầy đố mày làm nên”,

“Học thầy không tầy học bạn”.

            Nhưng có thêm được một câu này nữa thì hay hơn:

Thầy cũng phải biết học trò”.

            Những năm quan sát anh Lê Trí Viễn, tôi thấy anh đã làm đúng cả ba câu trên. Chính từ điểm xuất phát này, anh đã trở thành một giáo sư văn học đáng được tôn vinh là vị tiên chỉ hiện nay trên đất nước Việt Nam ta. Tiên chỉ là bởi, tính ra, kể cả với một vài vị tên tuổi hơn anh, nhưng không ai đeo đuổi nghề giảng dạy văn chương liên tục trong suốt 60 năm qua như anh. Dạy từ bậc tiểu học, lên bậc trung học, rồi ở bậc đại học trong nhiều năm như thế. Tiên chỉ cũng là bởi làm nghề dạy văn mà có năng khiếu thẩm văn, thẩm thơ ở trình độ như anh, quả là rất hiếm. Lê Trí Viễn đúng là một con người của văn chương. Trước Cách mạng, anh đã kết bạn với nhiều nhà thơ có tên tuổi như: Khương Hữu Dụng, Huy Cận, Nguyễn Đình, Chế Lan Viên, Tế Hanh… Và chính anh cũng có thơ đăng báo. Cứ cái đà đó, anh không phải không đủ khả năng để thành một nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp có tên tuổi như ai. Nhưng “cái quay búng sẵn trên trời”đã hướng anh vào nghề dạy học. Mà dạy văn thì cũng là sống với thế giới văn chương và dù không là người sáng tác nhưng là người nghiên cứu văn chương như anh Viễn đã làm và làm ở độ xuất sắc. Tôi muốn nói đến một sự kết hợp tuyệt đẹp ở giáo sư Lê Trí Viễn là sự kết hợp giữa giảng dạy đào tạo và nghiên cứu khoa học văn chương. Hai công việc đó đã bổ sung tương hỗ cho nhau. Có sự tương hỗ, sự kết hợp đó, mà nhà trường có lợi, xã hội đất nước có lợi. Trong công tác đào tạo, anh Viễn không chỉ là người giảng dạy giỏi mà còn là một cán bộ quản lý xuất sắc: trong 15 năm làm chủ nhiệm khoa Văn ĐHSP mà gần chục năm là thuộc thời kỳ chiến tranh, phải sơ tán rất vất vả nhưng anh đã có công lao rất lớn đưa khoa Văn lên một chặng phát triển mới, cao hơn trước rõ rệt. Được như thế là nhờ anh có tinh thần say mê, tác phong làm việc sâu sắc, đặc biệt là có nhiều sáng kiến, tỏ rõ là một nhà quản lý có tầm nhìn văn hóa đối với một đơn vị đào tạo thuộc một trường đại học lớn. Anh đã cùng tập thể lãnh đạo khoa kiên trì, đẩy mạnh việc xây dựng khoa theo hướng kết hợp chặt chẽ giữa yêu cầu đào tạo và yêu cầu nghiên cứu khoa học. Anh đề xuất và được Bộ, nhà trường và tập thể lãnh đạo khoa đồng tình trong việc mở thêm một số bộ môn như Hán Nôm, Giáo dục thẩm mỹ mà càng về sau, mọi người càng thấm thía với sáng kiến đề xuất của anh. Chỉ tiếc là bộ môn Giáo dục thẩm mỹ về sau đã không được tiếp tục. Nhớ về thầy chủ nhiệm khoa Lê Trí Viễn những năm xưa, nhiều học trò cũ vẫn cứ khoái trí về việc tưởng như là nghịch lý, nhưng thực tế lại rất thuận lý. Trong cương vị quản lý, thầy Viễn tỉ mỉ, chặt chẽ đến cả dấu chấm câu sai trong đơn xin phép nghỉ học của sinh viên nhưng cũng tỏ rõ trước học trò là một con người đa cảm, lãng mạn. Thời sơ tán, thầy Viễn vẫn có thơ đọc trong lễ khai giảng khoa Văn mà hôm nay hầu hết sinh viên hồi đó vẫn nhớ. Gặp nhau, ôn lại kỷ niệm, thế nào họ cũng đọc lại thơ khai giảng của thầy Viễn. Chỉ nói riêng về thành tích nghiên cứu văn chương, đặc biệt là văn chương trung đại Việt Nam, Lê Trí Viễn xứng đáng là một trong mấy tên tuổi đầu đàn. Ngay từ năm 1951, trong khi giảng dạy ở trương cấp 3 Lê Khiết, trong hoàn cảnh chiến tranh, sách vở giáo khoa hầu như không có gì, thầy Lê Trí Viễn đã tự mày mò viết giáo trình Việt Nam văn học sử thời đại Lê Mạc - Nguyễn Sơ (NXB Tinh Tiến - Liên khu 5 - 1951). Công trình này, so với trình độ học vấn ngày nay thì quả còn đơn giản nhưng nếu tôi không lầm thì đây lại chính là công trình văn học sử đầu tiên được viết dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà. Sau này hoà bình lập lại, anh Viễn là một cây bút chủ lực trong ban Tu Thư của Bộ giáo dục chuyên viết sách văn cấp 2, 3. Những sách giáo khoa đó hôm nay đã nằm im trong dĩ vãng, nhưng không ít người từng làgiáo viên văn thời đó vẫn cứ nuối tiếc, nhiều bài viết trong đó, đặc biệt là nhiều bài viết của tác giả Lê Trí Viễn về mặt nhận thức khoa học, thì người sau có thể có đổi mới hơn, nhưng đổi mới gì thì đổi mới, riêng về mặt gây hứng thú, thẩm mỹ về văn chương cho thầy và trò thì với ai không biết, với tôi đã vừa là chủ biên vừa là tác giả của những sách giáo khoa văn PTTH, PTCS trong hơn mười năm qua, xin được ngả mũ cúi chào nhiều bài viết của tác giả Lê Trí Viễn trong sách giáo khoa văn cấp 3 cách đây hơn 4 thập kỷ.

         Tính đến nay giáo sư Lê Trí Viễn đã có một sự nghiệp trước tác phong phú đa dạng bao gồm:

         - Các sách giáo khoa, giáo trình và kinh nghiệm giảng dạy văn: Việt Nam văn học sử thời Lê Mạc  - Nguyễn Sơ, Một số vấn đề lịch sử văn học Việt Nam (dùng để dạy ở đại học Bắc Kinh - 1961), Lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ X đến giữa thế kỷ XIX (1985), Một đời với văn (2 tập, 1989) , Văn tuyển tập 5, 6, 7, Trích giảng văn học lớp 9, lớp 10  (1957 - 1958).

         - Các tập giảng văn: Những bài giảng văn ở đại học (2 tập, viết chung), Những bài giảng văn ở phổ thông (chủ biên), Những bài giảng văn ở phổ thông cơ sởĐến với thơ hay.

          - Các công trình biên khảo, tuyển chọn, giới thiệu: Thơ văn Nguyễn Khuyến - Trần Tế XươngThơ xuân và bình thơ xuân (chủ biên), Nghĩ về thơ Hồ Xuân Hương, Cơ sở ngữ văn Hán Nôm (chủ biên), Thơ văn Kiên Giang trong nhà trường (chủ biên), Thơ văn Đồng Nai trong nhà trường (chủ biên), Đặc điểm lịch sử văn học Việt NamTổng quan văn chương Việt NamĐặc trưng văn học trung đại Việt NamQuy luật phát triển lịch sử văn học Việt NamHọc tập thơ văn Nguyễn TrãiNguyễn Đình Chiểu ngôi sao càng nhìn càng sáng…

          - Các tác phẩm dịch và hiệu đính: Thần khúc (của Đante), Những người khốn khổ (V. Huygô, dịch chung), Cesar Birơttean (H. Balzan), Nỗi đau của người thiếu nữ  (Catherine Aclay), Scarlett (Hậu Cuốn theo chiều gió, Alexandra Ripley), Thượng sĩ ngũ lục.

          - Ngoài ra còn có tập thơ Thương (XB 1948) và một số truyện ký, nhiều bài viết khác in trên các báo chí.

          Qua một khối lượng trước tác đa dạng và phong phú như trên, dễ thấy ở anh có những ưu điểm nổi trội trong học thuật văn chương:

          Một là, niềm say mê khám phá để truyền lại không chỉ cho học trò trong nhà trường mà còn đối với đông đảo bạn đọc ngoài xã hội cái hay cái đẹp của từng áng văn chương cụ thể. Tôi nói điều này chắc là không lầm: trong phạm vi mấy chục năm lại đây, không ai đã để tâm huyết, thời gian, công sức vào việc bình giảng văn học nhiều đến mức như anh mà bài nào anh viết cũng đều đưa lại cho người đọc một sự lý thú ở mặt này, mặt khác.

           Hai là, trong học thuật văn chương sau nhiều năm tháng khám phá nhiều bộ phận, nhiều tác giả, tác phẩm, anh có khát vọng và nỗ lực đúc kết phát hiện quy luật, điều mà nhà khoa học văn chương cuối cùng là phải như thế. Các công trình lớn nhất của anh như: Đặc điểm lịch sử văn học Việt Nam (1987), Đặc trưng văn học trung đại Việt Nam (1998), Quy luật phát triển lịch sử Văn học Việt Nam chính là sản phẩm của khát vọng của sự nỗ lực lớn của anh mà ai đó có thể bắt bẻ điều này, điều khác nhưng nếu đặt chúng vào tình hình nghiên cứu văn học sử Việt Nam đã có thì không thể không ghi công, không kính nể ngòi bút Lê Trí Vĩên.

           Và đúng, GS - NGND Lê Trí Viễn là một người họ Lê đã suốt một đời dốc sức vươn tới tầm xa, vươn tới đỉnh cao của văn chương học thuật nước nhà. Riêng với trường Đại học sư phạm Hà Nội, Giáo sư là một trong những người đã để lại dấu ấn sâu đậm hấp dẫn. Năm nay Lê quân đã ở tuổi 88. Cầu mong Lê quân được an khang thượng thượng thọ cùng đời, tình văn chương nhiều, nhiều nữa.

Post by: Vu Nguyen HNUE
09-10-2020