Trên thế giới từ trước đến hết thế kỉ XX hễ nói tới văn học sử thế giới, hầu hết đều lấy văn học cổ đại Hy Lạp làm khởi điểm. Ở Việt Nam, cho đến nay, trong các bộ giáo trình lí luận văn học ở đại học, cũng như SGK phổ thông, môi khi nói đến thể loại sử thi, người ta đều nhắc đến các tác phẩm vĩ đại như Iliade, Odysee của Hy Lạp, Ramayana, Mahabharata của Ấn Độ, mà ít khi nhắc đến Gilgamesh, sử thi thời kì Sumer, vùng Lưỡng Hà. Đây là tác phẩm sử thi anh hùng cổ xưa nhất thế giới của Babylon, thuộc văn hóa Lưỡng Hà. Nội dung kể truyền thuyết về vị vua Uruc, sống vào khoảng 2700 đến 2500 năm trước Công nguyên, văn bản có sớm hơn văn bản được coi là sớm nhất trước nay khoảng 400 năm.
Văn bản sử thi được ghi bằng bốn thứ tiếng, được khắc trên những tấm đất sét. Nó xuất hiện vào thời vương triều Ur thứ ba, ghi băng văn tự hình nêm. Vào khoảng 2150 đến 2000 năm trước công nguyên, sau đó lưu truyền đến thời Babylon cổ đại.
Năm 1849 nhà khảo cổ Anh Austen Henry Layard cùng trợ thủ người Arập là Hormuzd Rassam phát hiện thấy thư viện cổ của vua Yasu đã đổ nát. Sau khi khai quật phát hiện có nhiều tấm đất sét, ghi bằng văn tự hình nêm, trong đó có Sử thi Gilgamesh. Các bản đất sét được đem về lưu trữ ở Thư viện hoàng gia Anh, chờ người giải mã. Năm 1872, George Smith phát hiện trong đó có nhiều phiến đoạn kể về trận đại hồng thủy cổ đại, từ đó mới được mọi người chú ý. Smith cho biết sử thi Gilgamesh do pháp sư Sin-liqe-unninni biên soạn, theo ngôn ngữ Acat gồm 11 tấm đất sét, có trên 3600 dòng, vào khoảng 1300 đến 1000 năm trước công nguyên. Về sau tìm thấy văn bản 12 tấm và coi đó là bản chuẩn. Đến đầu thế kỉ XX văn tự hình nêm được giải mã. Đến năm 1920 văn bản được giải mã và phiên dịch toàn bộ, từ đó, tác phẩm tham gia vào kho tàng văn học thế giới, được dịch thành nhiều thứ tiếng.
Do phát hiện muộn, cho nên các học giả lớn như Hegel, K. Marx, Engels trong các công trình nửa đầu thế kỉ XIX đều không biết đến sử thi này. Giá trị của Gilgamesh không chỉ là tác phẩm sử thi cổ xưa nhất của nhân loại, góp phần khẳng định vai trò văn hóa châu Á dối với loài người. Trong nội dung, các chi tiết về chiếc thuyền vuông, trận đại hồng thủy, sự tích sáng thế, chuyện cây cỏ tiên, gợi lại nhiều chi tiết như thuyền vuông Nôe trong Kinh Thánh, có thể nói nó là một cội nguồn của Kinh Thánh. Về văn hoá, sử thi này thể hiện tập trung hàng loạt mẫu gốc của thần thoại Sumer. Về thể loại tác phẩm này tiêu biểu cho loại sử thi anh hùng, anh hùng là kẻ chiến thắng cái chết. Các chủ đề về quan hệ giữa con người và thần linh, vua hiền và bạo chúa, tình bạn và tình yêu, con người và thế giới đều được thể hiện sớm nhất và rất đặc sắc. Có thể do dung lượng không lớn, 3600 dòng, chỉ nhỉnh hơn Truyện Kiều, cho nên nhiều nhà khoa học không coi trọng đầy đủ về nó. Lịch sử văn học thế giới của Liên Xô tập I trước đây chi nêu nó trong văn học Lưỡng Hà nói chung. Nhiều bộ lịch sử văn học thế giới gần đây đã xếp đúng vị trí của nó trong văn hóa nhân loại.
Do ở Việt Nam chưa có bản dịch chung tôi xin tóm tắt giới thiệu với bạn đọc.
Nhân vật chính của sử thi là vua Gilgamesh, người cai trị thành phố cổ Uruk vào khoảng hai ngàn bảy trăm năm trước Công nguyên. Ông là vị vua thứ năm của Uruk. Sử thi này viết:
Chàng ấy hai phần ba là thần,
Chỉ một phần ba là người.
Về anh tuấn, thế giới vô song ……
Nhìn xa trông rộng,
Thông hiểu vạn vật trong vũ trụ.
Kinh nghiệm phong phú,
Đoán việc như thần.
Chàng nhìn thấy cái người đời không thấy,
Chàng đoán ra điều người đời chẳng đoán ra.
Chàng biết khi nào trời sẽ gió,
Chàng biết khi nào trời sẽ mưa.
Để rèn kuyện mình,
Chàng đã đi hàng ngàn dặm,
Vượt qua bao trở ngại.
Sự tích một đời sau được ghi khắc vào bia.
Có bản dịch nói, nhà vua hùng mạnh khi mới lên ngôi đã tỏ ra là một bạo chúa thập thành. Chàng bắt bớ đàn ông, độc chiếm phụ nữ, bắt dân lao dịch để xây dựng thành quách, lâu đài, khiên người dân vô cùng cực khổ. Người dân cầu nguyện các vị thần trên trời xuống cứu mình. Người giám hộ xứ Uruk là nữ thần Ishtar nghe lời kêu than của người dân, đã tạo ra một anh hùng bằng đát bùn là Engidu để đối phó với chàng ta. Engidu có sức mạnh heo rừng, dũng cảm như sư tử, nhanh nhẹn như chim cắt. Suốt ngày anh bạn bè với cầm thú, đùa vui với tôm cá dưới biển.
Lông lá mọc đầy người,
Tóc dài như phụ nữ.
Bờm xờm như rừng cây,
Không hiểu việc nhân sự,
Cũng không hiểu việc gì.
Gilgamesh nghe nói có một nhân vật như vậy, chàng muốn gặp mặt xem sao, nhưng dù dùng lưới hay dùng bẫy đều không bắt được Engidu. Sau đó Gilgamesh chọn một mụ phù thủy đẹp nhất đem đến nói với người thợ săn: Hãy đi tìm một nơi có nước, có cỏ, khi thấy Engidu thì khêu gợi hắn, thế nào hắn cũng mê. Khi đã mê rồi thì bạn bè sẽ rời bỏ hắn.
Người thợ săn đem phù thuỷ đi và gặp Engidu. Engidu ở với phù thuỷ sáu ngày bảy đêm, quả nhiên bạn bè của anh bỏ đi hết. Engidu bắt đầu cảm thấy cô đơn. Sau đó, phù thủy nói với anh: “Anh là con của Thần, là lá ngọc cành vàng, thế mà lại làm bạn với thú vật, khiến mọi người xấu hổ. Hãy về với tôi, tôi sẽ đưa anh đến Uruk, vua gọi là Gilgamesh, người có sức mạnh vô biên.
Engidu đồng ý, nói: “Vâng, chúng ta hãy đi, tôi muốn cùng Gilgamesh tỉ thí xem ai là mạnh hơn ai…”
Người dân thành phố Uruk, tưởng rằng người anh hùng sẽ tiêu diệt tên bạo chúa, không ngờ sau khi Gilgamesh và Engidu chiến đấu, dùng hết tất cả tài nghệ mà không ai thắng ai. Hai người khâm phục nhau, kết bạn với nhau, cùng phấn đấu vì lợi ích của người dân, và trở thành những anh hùng được dân yêu mến.
Điều làm cho người dân Uruk cảm thấy hài lòng là vua Gilgamesh và En gidu cùng thề nguyện phụng sự người dân Uruk, vì họ trừ hại. Từ đó Gilgamesh trở thành một quốc vương thân dân. Để đảm bảo an toàn cho quê hương, hai người tiến đánh Elam. Sau khi thắng lợi trở về, Gilgamesh tự tay cởi áo bào cho Engidu, đội vòng nguyết quế cho bạn, tuyên bố Engidu sẽ là kế vương của mình.
Ngay sau đó, Gilgamesh đề xuất chuyến thám hiểm đến vùng đất rừng sâu tuyết tùng, để đem vật liệu về xây dựng Uruk. Nhưng Engidu biết ở đó có con quái vật Humbaba bảo vệ, việc này rất nguy hiểm, nên từ chối Gilgamesh.
“Humbaba,
Tiếng nó nghe như cơn bão,
Miệng nó là hoả diệm sơn,
Hơi thở nó là cái chết.
Tại sao bạn muốn trêu chọc nó?
Uy lực của nó là không thể chống lại. ”
Thế nhưng, Gilgamesh muôn phần hào sảng đáp lại:
“Cho dù tôi có chết,
Nhưng danh tiếng vẫn còn!
Mọi người rồi sẽ nói:
Gilgamesh đã chết dưới tay của Humbaba ”
Engidu nghe những lời của người bạn, quyết định đi với chàng đến sống ở vùng núi Humbaba. Sau một cuộc chiến đấu gian khổ, cuối cùng hai anh hùng đã tiêu diệt được quái vật, sở hữu rừng tuyết tùng quý hiếm.
Nhân vật Gilgamesh đã thay đổi hoàn toàn về phẩm chất, và hoàn thành các sự nghiệp anh hùng vĩ đại, khiến cho nữ thần Ishtar đem lòng yêu anh. Nữ thần bảo:
“Hãy đến đây,
Hỡi Gilgamesh thân yêu,
Ta muốn chàng làm chồng ta.
Hãy đem tình yêu lại cho em,
Vợ chồng ta sẽ yêu thương nhau mãi.
Em làm cho chàng một chiếc xe báu,
Hai bánh nó bằng vàng.
Mã não làm càng xe,
Sư tử kéo xe cho chàng,
Em rảy nước thơm quanh nơi chàng ở,
Mọi quốc gia ven biển do chàng cai quản,
Mọi vị vua đều quỳ lạy dưới chân chàng,
Báu vật sẽ chất thành nuí dưới chân chàng.
Nhưng Gilgamesh đã từ chối nữ thần. Ishtar tức giận, thần đã thuyết phục thần Anu, gửi một trong những con bò thần hung dữ nhất xuống tiêu diệt Gilgamesh. Bò thần phun ngọn lửa nóng, một hơi thiêu chết cả nghìn người. Thật bất ngờ, có Engidu hỗ trợ Gilgamesh, hai người hợp sức giết chết con bò thần.
Nữ thần thấy Gilgamesh không hề hấn gì, lại càng tức giận. Lúc đó Engidu đột nhiên ném một chân con thú vào mặt nữ thần. Mọi người không thể nhịn cười được. Nhưng xúc phạm thần là tội không thể tha thứ. các vị thần không thể chịu được. Ishtar ném ra một loại bệnh, Engidu lập tức ngã bệnh chết liền.
Gilgamesh thấy Engidu chết, ôm xác bạn mà khóc. Chàng yêu bạn hơn bất cứ ai trên thế gian. Sau khi chôn cất bạn long trọng, Gilgamesh ra một lời nguyền sẽ làm cho bạn sống lại. Ông bắt đầu suy nghĩ: Chết nghĩa là gì ? Con người có thể bất tử được không? Có ai biết được bí quyết để sống mãi? Cuối cùng, ông nghĩ rằng để có câu trả lời, cần đi tìm tổ tiên Shamash-Napishtim của mình, bởi vì ông là người duy nhất thoát chết sau cơn đại hồng thuỷ. Gilgamesh quyết định đi khắp chân trời gọc bể để tìm cho được ông tổ của mình. Chàng được biết ông tổ Shamashi Napíhtim sống ở phía bên kia núi. Nhưng muốn đến đó, chàng phải đi qua một trạm kiểm soát của hai người khổng lồ. Hai gã khổng lồ, người đứng đầu chạm trời, chân dẫm đất, không thể nào vượt qua được.
Gilgamesh gặp người khổng lồ, chàng đem việc cứu bạn của mình nói cho khổng lồ biết. Không ngờ hai ông khổng lồ đồng cảm với chàng, để cho chàng qua. Nhưng chàng phải chui qua một cái đường hầm dài hun hút, tối như mực dưới biển. Nhưng Gilgamesh không quản ngại. Khi chàng mò mẫm trong bóng tối, ra khỏi đường hầm, thì trước mắt là một biển rộng vô biên. Phụ trách biển ấy là nữ thần Sabitu, bà cho biết Shamashi Napíshtim sống trong thiên đường ở phía bên kia của biển. Gilgamesh yêu cầu Lapitu Hãy chở tôi đến đó, bởi nếu bạn của tôi không thể hồi sinh, thì tôi chỉ có một cái chết nữa thôi. Nữ thần xúc động, đem một chiếc thuyền giúp chàng vượt biển.
Sau bốn mươi ngày vượt biển, cuối cùng chàng đến vườn thượng uyển, gặp Shamashi Napishtim. Gilgamesh nói: “Ông tổ của tôi ơi, xin người vui lòng cho tôi biết bí mật của cái chết, tôi muốn cứu bạn của tôi Engidu.” Shamashi Napishtim trả lời:
“Không bao giờ có gì vĩnh cửu,
Cái chết cũng giống như giấc ngủ
Ngủ cũng là hình thức của cái chết đó thôi,
Chỉ các vị thần có thể trường sinh bất tử,
Không bao giờ cho mọi người biết ngày chết của mình.
Gilgamesh vặn lại rằng ông Shamashi Napishtim, tại sao các thần có thể sống mãi, trong khi con người phải đối mặt với mối đe dọa của cái chết? Shamashi Napishtim kể cho chàng một câu chuyện:
Trong thời cổ xưa, thế giới còn hỗn độn, tên của nó gọi là Tiamat. Lúc đó, Enlil xuất hiện. Khi Tiamat mở miệng lớn định nuốt sống Enlil, Enlil liền ném một viên thuốc vào miệng của nó, làm cho bụng nó phình to. Enlil cầm cây lao ném vào bụng nó, gây nên một tiếng nổ lớn. Sau đó, Tiamat tách ra làm hai nửa, một nửa trên đầu là trời, nửa dưới là đất. Enlil trở thành người chinh phục sự hỗn độn và là vị chúa tể tạo ra trời và đất. Enlil trộn đất với máu của mình tạo ra người đàn ông và đàn bà, từ đó loài người phụ trách cúng tế các vị thần.
Sau đó, con người làm các thần tức giận, do đó Thần sai nước lũ dâng lên để tiêu diệt tất cả mọi người và mọi thứ của con người làm nên. Tuy nhiên, nữ thần của trí tuệ Ea không thể chấp nhận được việc tiêu diệt hoàn toàn loài người, bà ra lệnh Shamashi Napishtim làm một chiếc thuyền vuông, khi nước lụt tràn đến thì ông và vợ cùng gia súc đã lên thuyền. Khi đại hồng thủy đến, mọi sự sống trên mạt đất bị diệt hết, các vị thần bắt đầu hối tiếc: “Không có con người, làm sao chúng ta có được đồ cúng lễ như trước?”
Sau mười ngày, cơn lũ rút hết, thuyền vuông của Shamashi Napisshtim đỗ trên đỉnh núi Sini. Ông mở cửa thuyền, thả chim bồ câu ra, đem gia súc làm lễ cũng thần, cảm tạ thần linh duy trì sự sống của mình với vợ. Các thần ngửi thấy mùi đồ cúng, rất lấy làm ngạc nhiên và cảm kích. Họ đã đến hưởng dụng và quyết định để cho Shamashi Napishtim được bất tử.
Shamashi Napishtim kể xong câu chuyện nạn Hồng Thủy, Gilgamesh hỏi: “Vị thần nào đã làm cho người những việc tốt đó?”, nhưng ông không trả lời và khuyên Gilgamesh hãy từ bỏ những ước mơ bất tử hão huyền, ngoan ngoãn trở về quê hương.
Nhưng Gilgamesh vẫn tiếp tục làm phiền cụ tổ, chàng cầu xin ông chỉ cho cách khác. Cuối cùng, Shamashi Napishtim nói với Gilgamesh, dưới biển sâu có một loài cỏ tiên, tuy không phải là bất tử, nhưng cũng làm cho người ta cải lão hoàn đồng, trẻ mã không già. Gilgamesh rời hòn đảo của cụ tổ, vượt qua muôn trùng khó khăn, cuối cùng tìm thấy tiên thảo. Chàng vui sướng lên đường về quê, nghĩ bụng sẽ cùng hưởng với người dân trong nước. Vì đường còn dài, khi đi qua một con sông chàng xuống tắm để xua tan mệt mỏi, quần áo hành lí để cả trên bờ. Không ngờ một con rắn xảo quyệt bò đến ăn mất toàn bộ cỏ tiên. Kể từ đó, mỗi năm con rắn lột xác một lần trẻ lại. Nhưng con người thi không thể, cam chịu cái chết già.
Gilgamesh mất bao công sức mới lấy được cỏ tiên, giờ bị rắn ăn mất, chàng đâu đớn bật khóc:
“Bàn tay tôi vất vả vì ai?
Trái tim tôi rỉ máu vì ai? ”
Chàng vào đền thờ cầu xin các vị thần để cho người bạn sống lại một thời gian, bởi vì chàng có rất nhiều điều muốn nói. Vị thần hiểu lòng Gilgamesh, nên để Engidu sống lại.
Hai được gặp lại, vui mừng không sao nói hết. Đang vui chuyện, Gilgamesh hỏi: Cái chết như thế nào? Engidu trả lời: “Điều đó không thể nói được. Nếu tôi nói, bạn nghe sẽ ngã xuống chết liền.
“Dù có khủng khiếp, tôi vẫn muốn nghe.”
Engidu đã kể câu chuyện cái chết nơi địa ngục cho chàng nghe. Phần này không liên quan với mạch truyện, có thể do người sau gán vào.
Tài liệu tham khảo:1. Lịch sử văn học thế giới, Viện hàn lâm khoa học Nga. TTQH, nxb Văn học, 2007; Trương Đức Minh. Văn học Babylon cổ đại, 2006; Trần Hiểu Hồng, Mao Nhuệ. Gilgamesh, một truyền kì anh hùng. Nxb Đại học Hoa Đông, 2013. Lịch sử so sánh văn học thế giới, Tào Thuận Khánh chủ biên. Nxb Đại học siuw phạm Bắc Kinh, 2001. Wikipedia Trung Quốc.