Ở bài viết này tôi lựa chọn so sánh 2 tác phẩm sử thi thiết chế xã hội tiêu biểu: một là sử thi Đăm Săn (của người Êđê ở Tây Nguyên) và hai là sử thi Chương Han (của người Thái ở Tây Bắc) để chứng minh cho nhận định trên của mình. Chúng tôi cho rằng: Với đề tài là sự thiết lập, ổn định trật tự xã hội thông qua tình huống điển hình là chiến tranh giữa các cộng đồng tộc người thời kỳ tiền Nhà nước, sử thi Đăm Săn và sử thi Chương Han đều có thể coi là những sử thi thiết chế xã hội cổ sơ tiêu biểu. Tuy nhiên hai tác phẩm này đại diện cho 2 tiểu nhóm (group) sử thi thiết chế xã hội cổ sơ khác nhau. Cụ thể: sử thi Đăm Săn là sử thi thiết chế xã hội liên minh thị tộc, bộ lạc thuộc hình thái công xã nguyên thủy còn sử thi Chương Han là sử thi thiết chế xã hội liên mường thuộc hình thái công xã bản mường tiền Nhà nước.
CÁC TIỂU NHÓM (GROUP) SỬ THI THIẾT CHẾ XÃ HỘI Ở VIỆT NAM
TS.Phạm Đặng Xuân Hương
Giảng viên khoa Ngữ Văn, ĐH Sư Phạm HN
1. Đặt vấn đề
Dựa vào thời kỳ hình thành, các nhà nghiên cứu đã chia sử thi làm hai loại: sử thi cổ sơ (ra đời trước khi có sự hình thành Nhà nước) và sử thi cổ đại (ra đời sau khi hình thành nhà nước). Dựa vào nội dung đề tài, sử thi được chia thành: sử thi sáng thế (còn gọi là sử thi thần thoại) và sử thi thiết chế xã hội (còn gọi là sử thi anh hùng). Gọi là sử thi sáng thế nhằm nhấn mạnh tính sáng tạo ra loài người và vũ trụ, và sử thi thiết chế xã hội nhằm nhấn mạnh đến tính thiết lập các trật tự xã hội, thoát khỏi tình trạng hỗn mang của chiến tranh.
Ở đây chúng tôi quan tâm đến tiểu loại sử thi thiết chế xã hội. Theo GS Phan Đăng Nhật thì “Sử thi thiết chế xã hội khu biệt với sử thi sáng thế ở nhiệm vụ đấu tranh và chiến đấu để ổn định cộng đồng người, chủ yếu là chiến đấu để thoát khỏi tình trạng chiến tranh liên miên (nguy cơ gây sự suy thoái của toàn thể cộng đồng), thống nhất lực lượng, hợp nhất lãnh thổ đưa xã hội từ thị tộc đến liên minh bộ lạc để sau đó tiến tới dân tộc”. […] Số lượng các sử thi này khá lớn: Chương Han (Thái), Đam Xăn, Đăm Di, Chilơkok, Khinh Dú, Đăm Đơroăn, Y Prao, Mhiêng (Êđê), Hđiêu, Chin chiêng, Jông (Giarai), Đăm Noi, Xing Chi Ôn, Diôông (Bana)…1. Các sử thi này cũng đều được xác định là sử thi thiết chế xã hội cổ sơ do thời đại lịch sử mà các sử thi phản ánh đều là “xã hội cổ sơ tiền quốc gia”.
Theo quan điểm của chúng tôi, cách xếp loại này tuy hoàn toàn chính xác nhưng mới chỉ dừng ở mức độ khái quát. Bất cứ một tác phẩm sử thi nào cũng cần có một sự xếp loại cụ thể hơn. Như chúng ta đã biết, thời kỳ quá độ từ xã hội công xã nguyên thuỷ lên xã hội có nhà nước là rất lâu dài, các nhà nước có quá trình “thai nghén và trở dạ rất lâu”, đặc biệt là đối với các nhà nước ở phương Đông (K.Marx). Quá trình “thai nghén lâu dài” đó tất yếu sẽ phải phân chia thành những giai đoạn sơ kỳ - trung kỳ và đặc biệt là giai đoạn quá độ mang sắc thái “trung gian - bước đệm”, là động lực tất yếu dẫn đến “cơn trở dạ”. Cấu trúc xã hội của từng giai đoạn, trong hàng thế kỷ chắc chắn không thể như nhất. Không thể có cùng một loại thiết chế xã hội “giống nguyên xi” và không có gì khác biệt từ giai đoạn đầu tiên của công xã nguyên thuỷ cho đến giai đoạn “bước đệm” lên nhà nước trong hàng thiên niên kỷ như thế. Cái chung của “các loại thiết chế xã hội” này là chúng đều không được gọi bằng cái tên Nhà nước mà thôi, còn những đặc điểm trong lòng cấu trúc của nó chắc chắn sẽ có những sự khác biệt dựa trên những quy luật phát triển tự nhiên và kế thừa. Do đó, chúng ta cũng không thể bằng lòng, thoả mãn với việc dừng lại phân chia một cấp độ chung là tiểu loại (class) sử thi thiết chế xã hội cổ sơ (sử thi thiết chế xã hội trước khi có Nhà nước ra đời). Cần phải phân chia nhỏ hơn ra thành từng tiểu nhóm (group) sử thi thiết chế xã hội cổ sơ khác nhau, dựa vào những nấc bậc về sự tiến triển của các hình thức tư duy, trình độ ngôn ngữ nghệ thuật và đặc biệt là đặc điểm cấu trúc xã hội mà nó phản ánh trong tiến trình lịch sử từ công xã nguyên thuỷ đến sự hình thành của nhà nước. Với việc ngày càng phát hiện ra nhiều tác phẩm sử thi, việc phân loại các tiểu nhóm sử thi như vậy càng tỏ ra cần thiết.
Ở bài viết này tôi lựa chọn so sánh 2 tác phẩm sử thi thiết chế xã hội tiêu biểu: một là sử thi Đăm Săn (của người Êđê ở Tây Nguyên) và hai là sử thi Chương Han (của người Thái ở Tây Bắc) để chứng minh cho nhận định trên của mình. Chúng tôi cho rằng: Với đề tài là sự thiết lập, ổn định trật tự xã hội thông qua tình huống điển hình là chiến tranh giữa các cộng đồng tộc người thời kỳ tiền Nhà nước, sử thi Đăm Săn và sử thi Chương Han đều có thể coi là những sử thi thiết chế xã hội cổ sơ tiêu biểu. Tuy nhiên hai tác phẩm này đại diện cho 2 tiểu nhóm (group) sử thi thiết chế xã hội cổ sơ khác nhau. Cụ thể: sử thi Đăm Săn là sử thi thiết chế xã hội liên minh thị tộc, bộ lạc thuộc hình thái công xã nguyên thủy còn sử thi Chương Han là sử thi thiết chế xã hội liên mường thuộc hình thái công xã bản mường tiền Nhà nước.
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Sử thi Đăm Săn (Êđê) – sử thi thiết chế xã hội liên minh thị tộc, bộ lạc
Sử thi Đăm Săn miêu tả bảy cuộc chiến giữa Đăm Săn và các tù trưởng đối lập2. Nghệ thuật kể chuyện chiến tranh theo khuôn hình (lặp đi lặp lại) đã khiến cho các trận chiến trong sử thi Đăm Săn được miêu tả như nhau, nguyên nhân và mục đích chiến trận giống nhau, qua các chặng diễn biến giống nhau, cách kết thúc giống nhau. Tất cả các cuộc chiến đều bao gồm một mục tiêu cụ thể, trực tiếp là “giành lại người vợ bị cướp” (“Chúng ta hãy lần theo vết tìm cho ra kẻ đã giật cối lôi chày, kẻ đã cướp vợ ta ngay trên đùi ta ”) và mục tiêu sâu xa là nhằm thu phục thêm lực lượng, chiếm cứ đất đai, mở rộng lãnh thổ và làm tăng thêm sự giàu có, đông đúc của buôn làng mình (“ta đi đánh một tù trưởng nhà giàu, bắt tù binh, xéo nát đất đai của hắn”). Mục tiêu sâu xa này làm cho cái hành động có vẻ đại diện cho “ý chí hoàn toàn tự do cá nhân” của người anh hùng (đòi lại người vợ của mình) thực chất là hoà làm một với ý chí, nguyện vọng chung của cả tập thể, cộng đồng (mong muốn có một sự phát triển xã hội cao hơn). Kết thúc trận đánh, Đăm Săn luôn là người chiến thắng, giết chết được tù trưởng đối lập và giành lại người vợ bị cướp. Chàng không ở lại buôn làng của tù trưởng đối lập mà lại tập hợp tất cả các dân chúng cùng của cải của kẻ thù trở về buôn làng của mình, cùng nhau chung sống hoà bình, yên vui. Kết quả tốt đẹp sau cả bảy trận chiến được sử thi tô đậm, đó là: buôn làng của Đăm Săn từ nay trở lên đông đúc hơn, giàu có hơn (“đoàn người đông như bầy cà-tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối. Thế là Đăm Săn nay càng thêm giàu có, chiêng lắm la nhiều. Tôi tớ mang của cải về nhiều như ong đi chuyển nước, như vò vẽ đi chuyển hoa, như bầy trai gái đi giếng làng cõng nước”). Cuộc sống của con người đã bắt đầu đi vào một tổ chức xã hội tương đối phát triển, đã có tù trưởng và nô lệ nhưng phong cách bình đẳng và dân chủ vẫn là phong cách chủ yếu trong các mối quan hệ xã hội của cộng đồng (Đăm Săn bảo dân chúng của buôn làng tù trưởng đối lập chặt lấy cột nhà đem về buôn làng của chàng mà làm nhà để ở, chứ đừng chặt lấy gông cùm mà mang theo). Tù trưởng Đăm Săn là con người điển hình của thị tộc mẫu hệ, đóng vai trò là người có sức khoẻ nhất, người lao động giỏi nhất, người chiến đấu giỏi nhất, khuất phục được nhiều tù trưởng và dân làng đi theo mình.
Chiến tranh xuất hiện với tần số nhiều (tới 7 trận chiến) đã phản ánh xu thế lịch sử lúc bấy giờ là các cuộc chiến diễn ra liên miên nhằm liên kết các thị tộc rời rạc thành liên minh bộ lạc rộng lớn. Nhưng với sự “lặp lại” một cách khuôn mẫu các kiểu nguyên nhân, mục đích và đặc biệt là kết quả của trận chiến như vậy, đã cho thấy đằng sau cái vẻ tưởng như “rối ren”, “hỗn loạn” ấy kỳ thực mới chỉ là những chuyển động buổi đầu của thời kỳ liên minh thị tộc, bộ lạc, nếu không muốn nói là ít nhiều còn giản đơn và “dậm chân tại chỗ”. Theo GS Ngô Đức Thịnh thì: “mục đích của các cuộc chiến tranh này không nhằm chiếm đất đai mà chủ yếu là để thu góp dân, tăng cường sức lao động và của cải cho các thủ lĩnh quân sự, nó góp phần giải quyết một mâu thuẫn lớn của Tây Nguyên trong sự vận động của xã hội là: đất đai thì rộng, còn dân số thì quá ít, mật độ quá thưa thớt”3. Như vậy, bước đầu kết quả của các cuộc chiến đã đem lại sự cố kết dân cư chặt chẽ hơn, thanh toán được tình trạng cát cứ lẻ tẻ giữa các thị tộc, tiến tới hình thành liên minh bộ lạc, tạo mầm mống cho sự ra đời hình thức tổ chức xã hội cao hơn sau này.
2.2. Sử thi Chương Han – sử thi thiết chế xã hội liên mường
Truyện Chương Han vốn là một truyền thuyết lịch sử của người Thái cổ đại, được ghi chép trong Biên niên sử của vương quốc cổ đại Chiengsen (Yonok), tiền thân của vương quốc cổ Lanna, phía Bắc Thái Lan. Ở đó Chương Han (Khun Chương) là vua của Ngoenyang (Ngân Giang), đời thứ 19, sống vào đầu thế kỷ XII. Ông cũng là tổ tiên của vua Mengrai, vị vua đầu tiên của vương quốc Lanna. Tuy nhiên truyền thuyết lịch sử này đã được các nghệ nhân dân gian người Thái tiếp thu và xây dựng lại thành một bản sử thi hư cấu đích thực trên cơ sở thu hút và liên kết các thần thoại, truyền thuyết, truyện kể dân gian có “bóng dáng Chương” ở khắp Đông Nam Á lục địa qua nhiều thời kỳ lịch sử. Có nhiều dị bản của tác phẩm này trên khắp vùng Đông Nam Á mà bước đầu có thể chỉ ra “bộ bốn anh hùng ca Thái về Chương”: Thạo Hùng hay Chương (Thao Ba Chuong) và Thao Yi Ba Chuong ở Lào, Thái Lan; Chương Han (Thái - Tây Bắc) và Khủn Chưởng (Thái - Nghệ An) ở Việt Nam.
Trong tác phẩm, thiết chế xã hội được phản ánh là thiết chế liên mường (còn được gọi là mường luông – mường lớn) trong một phạm vi lãnh thổ rộng lớn mà ở đó có một mường trung tâm thu hút sự quy thuận của các mường khác thông qua con đường chiến tranh hoặc hôn nhân. Nội dung của sử thi Chương Han phản ánh quá trình hình thành và vận động lịch sử của thiết chế này trên con đường phát triển lên một thiết chế cao hơn, đó là thiết chế liên mường luông, với sự ảnh hưởng ngày một mạnh mẽ của một mường luông trung tâm với các mường luông khác (liên minh hướng tâm các mường luông). Nếu như trong quá trình phát triển xã hội của các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Thái, tổ chức bản - mường được coi là “đóng vị trí lịch sử trung gian hay một bước đệm chuyển tiếp từ tổ chức thị tộc, bộ lạc nguyên thuỷ mà thuật ngữ xã hội Thái gọi là đẳm sang tổ chức quốc gia…” thì thiết chế liên mường (gồm mường luông và liên kết các mường luông) lại chính là thiết chế xã hội ở cấp bậc cao nhất của tổ chức bản - mường4. Nói một cách đơn giản thì thời điểm lịch sử mà sử thi Chương Han phản ánh chính là thời điểm mà “cơn trở dạ” của một “nhà nước Thái” đang đến rất gần. Và nếu áp dụng cách gọi của các nhà sử học phương Tây về các quốc gia cổ ở Đông Nam Á thì đây chính là thể chế tiền quốc gia – mandala5.
Sử thi Chương Han miêu tả 11 cuộc chiến bao gồm cả chiến trận hạ giới và chiến trận thượng giới, chiến trận của thế hệ anh hùng thứ nhất và chiến trận của thế hệ anh hùng thứ hai6. Nhìn một cách khái quát thì có đến ba, bốn cuộc chiến của Chương Han có tính chất hồi quy, tức là cùng một kiểu môtíp chung: đánh thắng giặc – chiếm đất đai – lấy vợ (cuộc chiến thứ 2, 4, 5…). Tuy nhiên mỗi cuộc chiến lại có một tính chất khác nhau tiêu biểu cho một mẫu cuộc chiến, một kiểu loại cuộc chiến đã xuất hiện trong thời kỳ chiến trận mandala. Có thể chia làm 3 loại:
+ Một là, cuộc chiến tranh để hỗ trợ mường thân cận, chống sự xâm lấn của một mường luông khác, từ đó thiết lập quan hệ liên kết – phụ thuộc với mường đã cầu viện hỗ trợ.
+ Hai là, cuộc chiến để xâm chiếm thêm mường phụ thuộc mới (theo nghĩa của người Thái nói là “mương to mớu” (mường tìm mới)), nới rộng phạm vi ảnh hưởng, phạm vi liên kết mường trong “thể chế liên minh hướng tâm các mường luông” của mình.
+ Ba là, cuộc chiến tranh để bảo vệ, giữ gìn các đất mường đã thống lĩnh, chống sự tan rã trở lại của các mường trong khối liên kết, hoặc chống sự “lôi kéo”, “ảnh hưởng”, “thu phục” của các mường lớn khác đối với các mường trong phạm vi mường luông của mình v.v…
Như vậy, cả mười một cuộc chiến của sử thi Chương Han đều mang tính chất của cuộc chiến thiết lập trật tự thể chế liên kết các mường, mà cụ thể ở đây là liên kết nhiều mường lớn (mường luông) thời kỳ bản – mường. Kết quả của cuộc chiến là sự xác định lại biên giới của một mường luông (giãn nở thêm hoặc rút bớt lại phạm vi ảnh hưởng của nó ra các mường khác). Chẳng hạn như ở cuộc chiến thứ ba Chương Han đánh chiếm Chiềng Ban – mường phụ thuộc địa đầu của mường luông Páh Căn, Chương thắng trận và sau cuộc chiến đó, Chiềng Ban trở thành mường phụ thuộc của mường luông Ngân Giang chứ không phải là của Páh Căn nữa. Và hệ quả kèm theo là sự thiết lập một trật tự giữa các mường luông – trật tự liên minh hướng tâm (tìm ra một mường luông và một chẩu mường lớn mạnh, đứng ở vị trí trung tâm, có khả năng gây ảnh hưởng với các mường luông, mường nọi khác). Một mường luông trước cuộc chiến có thể đang trên đà phát triển lớn mạnh và tồn tại độc lập, nhưng sau cuộc chiến nó có thể đã trở thành mường phụ thuộc, phải cống nạp một mường luông khác như ở cuộc chiến thứ tư sau khi đánh chiếm được mường luông Páh Căn, chém đầu Tạo Quạ, Chương Han đã cho Ải Quang một vị tướng lĩnh cùng dòng họ với mình “ăn” đất Páh Căn và từ đó Páh Căn có trách nhiệm hàng năm phải cống nạp mường luông Ngân Giang của Chương Han. Tuy nhiên chiến tranh xảy ra liên miên đã làm cho cái trật tự các mường luông này còn rất lỏng lẻo, dễ bị tan vỡ và tái thiết lại “tâm” mới thường xuyên, phụ thuộc vào sức mạnh của một chẩu mường tài ba nào đó. Chẳng hạn đến cuộc chiến thứ sáu, Chương Han đánh chiếm mường luông Tum Báng của Phạ Huồn và bị thua trận, Chương cùng các tuớng lĩnh đã tử trận về trời, Hun Vắng - Cắm Ba, hậu duệ của tộc Mèn ở Páh Căn được Phạ Huồn giúp lấy lại mường nên từ đó mường luông Páh Căn lại trở thành mường phụ thuộc và cống nạp mường luông Tum Báng. Tạo Hung con trai Chương Han phải lui về “ăn đất” Chiềng Khừa quê mẹ. Tám năm sau, Tạo Hung đã tổ chức cuộc chiến đánh thắng Hun Vắng Cắm Ba chiếm lại mường luông Páh Căn, tiếp sau đó là đánh thắng Phạ Huồn, giết Phạ Huồn, chiếm mường luông Tum Báng và trở thành chẩu mường của Tum Báng. Bằng kết quả đó Tạo Hung đã thiết lập một trật tự liên kết các mường luông rộng lớn giữa các mường luông Ná Khóng - Chiềng Khừa - Ngân Giang - Páh Căn - Tum Báng, trong đó mường luông Tum Báng lúc này do Tạo Hung làm chẩu mường là mường luông trung tâm….
Đây chính là quy luật tất yếu của thời kỳ lịch sử “ai mạnh làm chủ, ai yếu làm tôi” - thời kỳ đấu tranh cho một tổ chức quyền lực tập trung cao độ trong sự trị vì chỉ của “một cá nhân”, thời kỳ tiến gần đến sự hình thành của một vương triều Nhà nước (quốc gia dân tộc). Một nhà lãnh đạo mạnh mẽ (mà giai đoạn đầu chủ yếu là các thủ lĩnh quân sự tài ba) có thể sẽ thu hút thêm nhiều chư hầu mới, và sẽ có mối quan hệ mạnh mẽ với các chư hầu hiện có của mình (chẳng hạn như như khi Chương Han tổ chức tấn công mường Keo Páh Căn thì lúc đó chàng đã thâu tóm lực lượng quân đội của cả 3 mường lớn: Ná Khóng - Chiềng Khừa và Ngân Giang). Ngược lại, một người cai trị yếu sẽ thấy khó hơn để thu hút và duy trì các mối quan hệ đó. Và “trung tâm quyền lực” (“tâm” vùng) sẽ rơi vào tay những “người chiến thắng”. “Thủ lĩnh một vùng” đã chuyển hoá thành “Thủ lĩnh chính trị liên vùng” trong một thể chế tập quyền liên kết đầu tiên - thể chế liên minh hướng tâm, mà cụ thể ở đây là liên minh hướng tâm các mường lớn theo phương thức cống nạp - rất gần với những mô tả của các nhà nghiên cứu sử học về các “vương quốc mandala” ở Đông Nam Á cổ xưa. Giai đoạn lịch sử của vương quốc mandala này có thể được xác định là vào khoảng thế kỷ XI, XII - thời kỳ trước khi có sự hình thành của các vương quốc Thái cổ (hay các vương quốc mandala điển hình) như: lãnh địa Ahom cổ, các vùng thuộc Shan, Lanna, Síp Song Panna, Lạn Xạng, Xiêng Khoảng, và Síp Song Chu Thái… không phải chỉ vì những nội dung trên đây của sử thi có nhiều điểm tương đồng với chuyện “Khun Chương” (thế kỷ XI - XII) được chép trong Biên niên sử của vương quốc Chiengsen (Yonok – Ngoenyang) thời kỳ tiền Lanna, mà còn vì những “thông tin lịch sử” được tìm thấy trong chính tác phẩm. Các địa danh của “mandala Chương” trải ra trên một đường biên rất rộng, và là sự “cộng lại”/ “tụ cư” của nhiều địa danh sau này thuộc về các lãnh địa như Shan, Lanna, Síp Song Panna, Lạn Xạng, Xiêng Khoảng, và Síp Song Chu Thái... từ thế kỷ XIII, XIV7. Chẳng hạn, Ná Khóng, Pha Ne, mường Phang thuộc về Chiềng Rai, Chiềng Hài cũng là phiên âm của Chiềng Rai, ở phía Bắc của Chiềng Mai, và cũng là nơi đầu tiên vua Phraya Mangrai xây dựng vương quốc Lanna - vương quốc Thái cổ được thành lập ở Bắc Thái Lan thế kỷ XIII. Ngân Giang đến thế kỷ XIII cũng trở thành một địa phương ở miền Bắc của Lanna, nơi sinh ra vua Phraya Mangrai, nhưng nhà vua đã quyết định xây dựng kinh đô Lanna ở Chiềng Mai. Chiềng Tung sau này là kinh đô của tiểu vương quốc Thay Khon (Thái Khởn) phía Bắc của vương quốc Lanna (nay thuộc Myanmar, nằm giữa Bắc Thái Lan và Đông Bắc Myanmar). Mường Mán trong ngôn ngữ Lanna sau này là để chỉ nước Diến điện (Miến Điện - Myanmar), nước láng giềng và cũng là kẻ xâm lăng Lanna, đã từng chiếm cứ Lanna hơn hai trăm năm. Mường Sa va (hay mường Xoa) đến thế kỷ XIV trở thành kinh đô Luông Phabăng của vương quốc Lào Lạn Xạng; Chiềng Sười, Chiềng Ban, Páh Căn thuộc về vùng Xiêng Khoảng. Mường Lự (trước thế kỷ XII có lẽ bao trùm cả vùng Điện Biên, Lai Châu Việt Nam và Vân Nam Trung Quốc) sau này tách thành vùng Sípsong Panna - Vân Nam Trung Quốc và Síp song chu Thái ở Việt Nam… Bên cạnh đó, các mường trời mà các Then dâng tặng Chương lại vừa là các mường huyền thoại, vừa chính là các mường quê hương đất tổ trong tâm thức của người Thái như mường Áy So Lo (hay Mường So, mường Lò), U-Va xam tạng (hồ thiêng U-va); mường Ôm, mường Ai, mường Bỏ té, mường Tum hoàng…. Vì vậy, cuộc chiến mường Trời thực chất là một “cuộc chiến biểu tượng”, phản ánh hồi cố ẩn ức của một tộc người, một chiến thắng trong khát vọng, ước mơ. Đó phải chăng là khát vọng thống nhất toàn bộ những vùng địa - văn hoá nơi người Thái cư trú thành một lãnh vực chung, khát vọng chuyển tiếp hình thái xã hội từ hình thái Bản Mường lên hình thái cao hơn là Pathết - Nhà nước Thái.
Với nội dung phản ánh này, sử thi Chương Han, vì vậy, cũng cần phải được xác định là sử thi thiết chế xã hội liên mường của người Thái mà cụ thể ở đây là thiết chế liên minh hướng tâm các mường luông (mandala các mường) thời kỳ lịch sử tiền Lanna thế kỷ XI – XII.
Về hình thái xã hội, với những đặc thù riêng của Đông Nam Á, có thể thấy: thiết chế xã hội liên minh hướng tâm (các mường/ mường luông/ tiểu quốc..) hay “vương triều mandala” là chưa đạt đến trình độ của một nhà nước phong kiến, nhưng đã vượt qua chế độ cộng sản nguyên thuỷ. Hình thái kinh tế xã hội giai đoạn này đã được Mác chỉ ra và gọi tên nó là chế độ công xã nông nghiệp với phương thức sản xuất châu Á (hay hình thái Á châu) đặc thù. Theo Mác, “khái niệm phương thức sản xuất châu Á không chỉ dành để chỉ ở châu Á mà có thể dùng phổ biến để chỉ một hình thái kinh tế - xã hội ban đầu kế tiếp xã hội cộng sản nguyên thuỷ trong cả lịch sử nhân loại”8, chỉ có điều nếu như ở phương Tây giai đoạn này trôi qua khá nhanh rồi chuyển lên chế độ chiếm hữu nô lệ, thì ở phương Đông, đặc biệt là ở Đông Nam Á nó lại tồn tại một cách “dai dẳng, trì trệ” và thường là bỏ qua giai đoạn chiếm hữu nô lệ, đi thẳng lên nhà nước phong kiến (với những tàn dư của phương thức sản xuất châu Á còn rớt lại trong lòng chế độ phong kiến mà mức độ đậm nhạt khác nhau tuỳ từng quốc gia). Phương thức này đưa đến sự xuất hiện của một khái niệm “nhà nước”, đó là “nhà nước phương thức sản xuất châu Á”, tồn tại trước khi có sự ra đời của nhà nước phong kiến. Nhà nước phương thức sản xuất châu Á “tồn tại trên nền tảng bền vững là công xã, từ công xã thị tộc từng bước bị phân hoá (nhưng rất chậm chạp) để chuyển sang công xã nông thôn (công xã nông nghiệp) có tư hữu xuất hiện”9.
Từ tất cả những điều trên chúng tôi đi đến nhận định về đề tài: Sử thi Chương Han là sử thi thiết chế xã hội cổ sơ, cụ thể là sử thi thiết chế xã hội liên mường thuộc hình thái công xã bản mường của người Thái. Trong thực tế, Bản Mường đã mang đầy đủ các yếu tố công xã ruộng đất lấy quan hệ láng giềng làm nền tảng cố kết cộng đồng. Xã hội đã phân hoá thành hai đẳng cấp (quý tộc và bình dân) và gắn với nhau bằng chế độ công hữu về ruộng đất, chứ không phải trên cơ sở tư hữu. Bởi vậy cũng có thể áp dụng cách gọi tên của Marx để gọi chế độ công xã bản mường là chế độ công xã nông nghiệp (hay công xã nông thôn) với phương thức sản xuất châu Á (hay hình thái Á châu) đặc thù, gọi tắt là công xã nông nghiệp phương Đông trước thời kỳ Nhà nước phong kiến.
3. Kết luận và kiến nghị
Thiết chế xã hội liên mường thuộc hình thái công xã bản mường của người Thái mà sử thi Chương Han miêu tả đã cho thấy có những điểm khác biệt với thiết chế xã hội liên minh thị tộc, bộ lạc thuộc hình thái công xã nguyên thuỷ mà sử thi Đăm Săn đã mô tả. Nếu mở rộng vấn đề cũng có thể rất cần phải nghiên cứu thêm những đặc điểm cụ thể của thiết chế xã hội được phản ánh trong một số sử thi Chăm, Raglai - sử thi của các dân tộc cũng đã đạt đã đạt đến những nấc thang lịch sử khá cao trước khi gia nhập vào đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Chẳng hạn như sử thi Udai – Ujac – “một di sản văn hoá chung của người Raglai và người Chăm” đã phản ánh những đặc điểm xã hội lịch sử của vương quốc Chămpa cổ đại trong khoảng thời gian từ thế kỷ IX đến thế kỷ XI8. Khoảng thời gian này Chămpa cũng là một vương quốc mandala hải đảo điển hình, và những đặc điểm thiết chế xã hội được phản ánh trong sử thi cũng là những đặc điểm của xã hội mandala Chăm thời kỳ liên minh hướng tâm các tiểu vùng lãnh thổ. Đây là một vấn đề phức tạp cần nghiên cứu thêm. Nhưng qua những nhận định ban đầu đó của mình, chúng tôi tin chắc rằng, cho đến thời điểm này hoàn toàn có thể và cần thiết tiến thêm một bước để phân chia tiểu loại (class) sử thi thiết chế xã hội ở Việt Nam ra thành (ít nhất) hai tiểu nhóm (group): sử thi thiết chế liên minh thị tộc, bộ lạc của một số dân tộc ở Tây Nguyên thuộc hình thái công sản nguyên thuỷ mà chúng tôi giới thiệu một đại diện là sử thi Đăm Săn và sử thi thiết chế liên minh hướng tâm các mường thuộc hình thái công xã bản mường (hay công xã nông nghiệp/ “thiết chế xã hội phương thức sản xuất Á châu” thời kỳ tiền Nhà nước phong kiến) mà chúng tôi giới thiệu một đại diện là sử thi Chương Han của người Thái.
Chú thích:
(1): Xem: Nhiều tác giả, Sử thi Tây Nguyên, Nxb KHXH, HN, 1998, tr 74 – 75.
(2): Nội dung cốt truyện của khan Đăm Săn do L.Sabatier sưu tầm (1933) và Đào Tử Chí dịch (1959 - 1977) chỉ miêu tả hai cuộc chiến giữa Đăm Săn với tù trưởng Mtao Grứ và giữa Đăm Săn với tù trưởng Mtao Mxây, do L.Sabatier đã cắt đi một số đoạn cuộc chiến khác, vì theo ông các đoạn đó đã lặp lại một cách đơn điệu, nhàm chán. Bản hiệu đính, dịch thuật và chú thích khan Đăm Săn của Nguyễn Hữu Thấu (1988) cũng chỉ kể về hai cuộc trên, nhưng ở Phần Phụ Lục Nguyễn Hữu Thấu có giới thiệu thêm một trường đoạn là: Đăm Săn đánh Mtao Tuôr giành lại vợ, do Y Nuh Niê Kđăm, sinh năm 1900, ở buôn Pôk, huyện Krông Pach, Đăk Lăk kể. Bản khan Bài ca chàng Đamsan do Y Wang Mlô Duôn Du sưu tầm và dịch (1992) cũng chỉ miêu tả hai cuộc chiến trên.
Trong các năm 1985 – 1987, GS Phan Đăng Nhật muốn khôi phục lại một văn bản Đăm Săn tương đối hoàn chỉnh. Theo thống kê của ông và một số cộng sự thì Đam Săn đã đánh nhau với sáu tù trưởng để giành lại vợ, đó là: Mtao Grứ, Mtao Msei, Mtao Ak, Mtao Tuôr, Mtao Kuăt và Mtao Êa.
Tháng 5 năm 2002, Đỗ Hồng Kỳ và Y Wơn Kna gặp nghệ nhân Y Nuh Niê thuộc nhóm Êđê Kpă, cư trú ở buôn Jé, xã Êa Kênh, huyện Krông Pach, tỉnh Đắc Lắc. Nghệ nhân này biết hát kể Đăm Săn đánh nhau với tám tù trưởng đến cướp vợ mình. Công trình của nhóm tác giả này được công bố năm 2006 (Nxb KHXH) đã chỉ ra tám tù trưởng đó là: Mtao Anur, Mtao Ak, Mtao Grứ, Mtao Msei, Mtao Kuăt, Mtao Kông, Mtao Êa và Yang Hruê (Thần Mặt trời). Tuy nhiên Thần Mặt trời chỉ đến cướp vợ của Đăm Săn, khi Đăm Săn đến tìm thì Thần mặt trời bay đi lảng tránh chứ không đánh nhau với Đăm Săn. Như vậy, với kết quả sưu tầm hiện nay, trong khan Đăm Săn có (ít nhất) bảy lần Đăm Săn đánh nhau với các tù trưởng để giành lại người vợ của mình., nói cách khác là nội dung khan Đăm Săn đã miêu tả bảy cuộc chiến.
(3): Xem: Nhiều tác giả, Sử thi Tây Nguyên, Nxb KHXH, HN, 1998, tr 51.
(4): Theo tác giả Cầm Trọng: “quá trình phát triển xã hội các dân tộc trong nhóm ngôn ngữ Thái hàng ngàn năm đã diễn ra qua ba mốc lớn: a. Đẳm (hình thái xã hội dựa trên quan hệ huyết thống trong xã hội thị tộc – bộ lạc, thời sơ sử) – b. Bản – mường (hình thái xã hội dựa trên quan hệ lãnh thổ và sở hữu. Cơ cấu theo hệ thống phân chia lãnh địa mường, trong do “mường ngoài” (mương nọk) quy tụ vào “mường trong” (mương cuông) với trung tâm là đất chiềng; các mường chịu quy phục theo lệ cống nạp (mương vảy) phụ thuộc vào “mường lớn” (mương luông). c. Pathết (Danh từ này không có gốc từ ngôn ngữ nhóm Thái mà do vay mượn từ tiếng Pali – Sanscrit của Ấn Độ. Điều đó chứng tỏ về tổ chức xã hội nguyên Thái chỉ có bản và mường. Thế kỷ XIV rồi XV, hai bộ phận người Thái đã lập ra hai quốc gia Lào và Thái Lan. Đây là hai quốc gia dân tộc (nation) có hình thái tổ chức cao hơn bản – mường, cơ cấu theo hệ thống dọc, thứ cấp theo bậc trên dưới từ trung ương đến địa phương)”.
Cũng theo tác giả: “Được hình thành trong lịch sử, tổ chức mường Thái có bốn cấp: Mường lộng – Mường phìa – Châu mường – liên kết 16 châu mường” (xem Chu Thái Sơn, Cầm Trọng – Người Thái - NXB Trẻ 2003; tr 93-94).
(5): Thể chế liên kết các mường rộng lớn như vậy có thể đạt tới trình độ của một kiểu tiền Nhà nước hay Nhà nước sơ khai, một “nhà nước đặc biệt” mà các nhà nghiên cứu lịch sử thường gọi là các “vương quốc cổ” ở Đông Nam Á, tiền thân của các nhà nước quốc gia dân tộc. Kiểu “nhà nước” này cũng không chỉ xuất hiện trong lịch sử của riêng nhóm tộc người Tày – Thái mà còn xuất hiện ở hầu hết các quốc gia ở Đông Nam Á cổ xưa (cả hải đảo và lục địa), đặc biệt là ở các quốc gia cổ có chịu ảnh hưởng của văn hoá Ấn Độ. Giáo sư sử học O. Wolter có đề nghị gắn kết loại hình thể chế này với khái niệm hình tượng mandala – xuất phát từ biểu đồ vũ trụ trong Ấn giáo và Mật tông. Khái niệm được nhiều nhà nghiên cứu tiếp thu, kể cả những nhà nghiên cứu Việt Nam, trong đó có người chuyển dịch là thể chế tập quyền liên kết, nhưng có lẽ đúng hơn là một loại hình liên minh hướng tâm. Các “thành phần” trong liên minh ở mỗi tộc người có những tên gọi khác nhau, có thể là bộ/ mường/ ấp/ plei/ công xã nông nghiệp / tiểu quốc… Các nhà nghiên cứu thường lựa chọn cách gọi chung là liên minh hướng tâm các tiểu quốc hay vương quốc cổ mandala, tồn tại ở Đông Nam Á trong khoảng thời gian từ đầu Công nguyên cho đến thế kỷ thứ X (ở một số vùng cụ thể có thể kéo dài thể chế này đến đầu thế kỷ XIII, thậm chí lâu hơn nữa).
Hình 1.5: Các thời kỳ lịch sử ở Đông Nam Á từ nguyên thuỷ đến nửa đầu thế kỉ XIX
Khởi nguyên từ các tôn giáo thần thánh (ý nghĩa của mandala phát sinh từ một chữ Phạn dịch ra tiếng Tây Tạng là “Dkyilkhor”, nghĩa là “Trung tâm và ngoại vi”), khái niệm mandala trở thành một ngôn từ chính trị ở Ấn Độ cổ xưa với dụng ý tránh sử dụng thuật ngữ “Nhà nước” (State) với ý nghĩa thông thường. Trong ý nghĩa một tổ chức chính trị, mandala lỏng lẻo hơn, dưới cấp một quốc gia và có thể được biểu diễn bởi những vòng tròn không đồng tâm nhưng giao cắt với nhau. J.C.Heesterman cho rằng mandala liên quan đến sự liên minh, liên kết, tính cạnh tranh giữa các thế lực chính trị. Với sự trợ giúp và hậu thuẫn của lực lượng tôn giáo, một vị lãnh tụ sẽ thiết lập khu trung tâm với một thực thể chính trị; xung quanh ông ta là một hệ thống các thiết chế tương ứng. Sự biến động có tính sống còn giữa các khu trung tâm khiến tầng lớp lãnh đạo ở những nơi ấy hướng đến việc liên kết để cùng tồn tại qua các hiệp ước hoặc quan hệ hôn nhân.
Mô hình mandala đã được tiếp nhận và thể hiện trong cấu trúc xã hội, chính trị, kinh tế văn hoá ở vùng Nam Ấn, sau đó lan đến nhiều vương quốc cổ ở Đông Nam Á, cả hải đảo và lục địa. Theo O. Wolter: “Bản đồ của Đông Nam Á cổ xưa được suy luận ra từ những mạng lưới của các khu định cư nhỏ thời tiền sử và tự bộc lộ qua thư tịch lịch sử là một mảng chắp vá gồm những mandala thường chống chéo lên nhau, hay là ‘sự luận chuyển quyền lực giữa các ông vua’ (circles of kings)”. Những “nhà nước” này được xác định bởi trung tâm của nó chứ không phải là ranh giới của nó, và nó có thể được bao gồm nhiều tiểu quốc chư hầu khác mà không cần phải qua sự hội nhập hành chính: “Không chỉ bởi vì các chính thể Đông Nam Á không theo như cách nhìn của Trung Quốc và phương Tây về một nhà nước được xác định rõ ràng về mặt lãnh thổ với những biên giới cố định và một bộ máy quan liêu, mà còn bởi chúng khác đáng kể theo hướng ngược lại: các chính thể này được xác định nhờ trung tâm hơn là những đường biên giới của chúng và có thể bao gồm nhiều chính thể chư hầu khác mà không nhất thiết phải có sự hoà nhập về mặt hành chính. Bất kỳ một khu vực cụ thể nào, do đó, có thể phải chịu một số quyền hạn (chịu một sự thu hút từ trung tâm bằng quan hệ cống nạp) hoặc không”. Cũng như vậy, nhà sử học G.E.Cœdès trong công trình Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hoá ở Viễn Đông nhận xét: “Chúng ta thấy rằng xưa kia, đường biên giới giữa các quốc gia ở Đông Nam Á thường là một đường biên giới mềm, mờ và dễ dàng di động qua các biến cố lịch sử. Theo đó, một quốc gia ban đầu được hình thành từ một tiêu điểm quyền lực, rồi từ trung tâm này bành trướng thế lực và ảnh hưởng rộng ra tới các vùng lãnh thổ hoặc tiểu quốc chung quanh, nhưng càng ở xa ảnh hưởng đó càng suy yếu, lỏng lẻo, mờ nhạt dần, và người ta khó biết được đâu là giới hạn tận cùng chính xác. Tới khi quốc gia đó suy vong, nhường chỗ cho một thế lực mới đi lên, đường biên giới lãnh thổ chủ quyền đó lại bị co lại, xáo trộn”.
Theo Boike Rehbein thì trong ngôn ngữ của người Thái, mandala chính là “Muang”, mà tiếng Việt gọi là mường. Khi cần dẫn dụ về các mandalas điển hình ở Đông Nam Á lục địa, các nhà nghiên cứu cũng thường nhắc đến các mường cổ hay các vương quốc cổ của người Thái như: Chiengsen, Payao, Lanna, Sukhothai… Tác giả Hans Penth trong Tóm lược lịch sử Lanna cho biết: “Nhiều nguồn tài liệu lịch sử đề cập rằng Lanna gồm 57 mường “tiểu quốc, huyện, lãnh địa” (city-states, districts, lands)”. Tất nhiên, tác giả cũng lưu ý rằng tư liệu lịch sử liên quan đến thời kỳ này chưa rõ ràng và chưa thật chuẩn xác, cần kiểm chứng thêm. Dân tộc Thái ở Tây Bắc Việt Nam cũng đã trải qua giai đoạn lịch sử “mười sáu châu Thái” (xíp hốc châu Táy) rồi đến “mười hai châu Thái” (xíp xong châu Táy) theo một dạng thức cấu trúc trung tâm – ngoại vi kiểu mandala như vậy.
Về thuật ngữ mandala xin xem: 1. Đỗ Trường Giang - Khái niệm Mandala trong nhận thức và cách nhìn của các học giả quốc tế - TC Ngiên cứu Đông Nam Á – nguồn intenet: http://gosanh.vn; 2. Mary Somers Heidhues – Lịch sử phát triển Đông Nam Á – NXB Văn hoá thông tin 2007; 3. G.E. Coedès – Cổ sử các quốc gia Ấn Độ hoá ở Viễn Đông – NXB Thế Giới 2011…
(6): 11 cuộc chiến là:
+ Cuộc chiến 1: Chương đánh quân Keo Mèn giải phóng mường Ngân Giang.
+ Cuộc chiến 2: Chương đánh quân Keo Mèn ở viếng luỹ giặc Mèn lấy đầu Tạo Quạh.
+ Cuộc chiến 3: Chương đánh Chiềng Ban (xứ địa đầu Páh Căn) trước khi qua Páh Căn.
+ Cuộc chiến 4: Chương chiếm mường Páh Căn lấy nàng Ú Kẻo.
+ Cuộc chiến 5: Hun Vắng, Cắm Ba đánh Ải Quang đòi chiếm lại Páh Căn nhưng thua trận. Chương thân chinh đánh lui Phạ Huôn và Hun Vắng, Cắm Ba, lấy nàng Khăm Dát.
+ Cuộc chiến 6: Chương đánh Phạ Huôn và Ma mèn một mắt ở mường Tum Báng, Chương tử trận về trời.
+ Cuộc chiến 7: Chương đánh các mường Then, các Then quy phục Chương.
+ Cuộc chiến 8: Chương đánh xứ ma Mèn một mắt ở trên trời, chiến thắng và khiến chính In Tha phải đứng ra phân xử, và phong là Phìa Bôn.
+ Cuộc chiến 9: Tạo Hung – con trai Chương Han đánh Páh Căn, giết Hun Vắng Cắm Ba giành lại Páh Căn.
+ Cuộc chiến 10: Thấy Tạo Hung giết chết Hun Vắng, Cắm Ba, chiếm đất Páh Căn mà không tiến dâng bạc vàng, lễ vật nữa, Phạ Huôn kéo quân đến đánh để đòi lại Páh Căn, nhưng bị thua, buộc phải quay trở về đất cũ.
+ Cuộc chiến 11: Tạo Hung đánh Phạ Huôn, thắng trận, làm chủ xứ Tum Hoàng.
(7): Có thể kể tên một số địa danh quan trọng như sau:
- Mường Ná Khóng: nơi sinh Chương Han, mường của chúa Khun Chom – cha Chương ngự trị, sau Chương Anh (anh trai của Chương Han tiếp nối ở mường này).
- Mường Chiềng Khừa: mường của bác Mếnh và nàng Ngọm.
- Mường Ngân Giang: mường của bác Chừn và hai nàng Ủa Ca, An Khái.
- Chiềng Ban, Páh Căn: các mường của tộc Keo Mèn, sau khi chiến thắng và chiếm được các mường này, Chương Han đã chia cho các vị tướng lĩnh của mình cai quản.
- Chiềng Sười: mường nọh – mường ngoài, là xứ phụ thuộc của Tum Hoàng, ở xa trung tâm, giáp ranh xứ Páh Căn. Già Minh Bản, chủ đất Chiềng Sười đã tự nguyện dâng đất đai mường bản, quy phục Chương Han.
- Tum Báng: mường của chúa Phạ Huồm, mường trung tâm của tộc Keo Mèn, mường của nàng Khăm Dát mắt long lanh.
- Mường Mán: mường phụ thuộc của Chương Han – Tạo Hung, được Tạo Hung giao cho vị tướng của mình là Tạo Phén Phẻ (con trai của Phada Sáng) “ăn” mường, làm chủ dân Nhuân (Thái Youn).
- Chiềng Tung: mường phụ thuộc của Chương Han – Tạo Hung, được Tạo Hung giao cho vị tướng của mình là Tạo Cướn Cả (con trai của Anh Kón) “ăn” mường.
- Pha Ne: mường phụ thuộc của Chương Han – Tạo Hung, được Tạo Hung giao cho vị tướng của mình là Tạo Bun Phanh (con trai của Ải Cướn Cả) “ăn” mường, làm chủ dân Nhuân (Thái Youn).
- Chieng Sen: mường phụ thuộc của Chương Han – Tạo Hung, được Tạo Hung giao cho vị tướng của mình là Nén Lau (con trai của Ải Quang) “ăn” mường.
- Mường Phang: mường phụ thuộc của Chương Han – Tạo Hung, được Tạo Hung giao cho vị tướng của mình là Kăm Chuông (con trai của Ải Phóng) “ăn” mường.
- Mường Lự: mường phụ thuộc của Chương Han – Tạo Hung, được Tạo Hung giao cho vị tướng của mình là Chưởng Hạt (con trai của Han Phái) “ăn” mường.
- Mường Sa va: mường phụ thuộc của Chương Han – Tạo Hung, được Tạo Hung giao cho vị tướng của mình là Ải Cán Hạng (con trai của Ải Ngăm (Ải Nguôn)) “ăn” mường, làm chủ dân Khả (Xá).
- Mường Ôm, mường Ai, mường Áy So Lo, Ta Cả Đông… : các địa danh trên mường Phạ - mường trời mà các Then dâng tặng Chương sau khi Chương chiến thắng các Then trên mường trời.
Ví dụ, một đoạn thơ minh chứng rõ nhất về hình ảnh mandala - liên minh hướng tâm các mường luông của Chương Han – Tạo Hung như sau:
“Giờ hãy kể về Tạo Hung trai tráng con của Chương Han
Tạo trì vì Chiềng Khừa phúc lộc rộng lớn
Tiếng tăm vang lừng tận Mường Pák Căn
Trăm pa thết Tạo chư hầu cống nạp
… Ngài bác Chưn có con trai một
Tên Tạo Bun Khoảng kế hưởng mường Ngân Dang
Con của Phda Sáng được hưởng Mường Mán
Gọi Tạo Phén Phẻ làm chủ dân Nhuân (Nhuôn - Youn)
Con của Sam Mạk Hiệu hưởng cõi Chiêng Hai (Chiêng Rai)
Gọi Bun Su Sai ở tận mường đó
Con của Han Phong hưởng mường Na Khong nối bố
Gọi Tạo Muôn Nọi làm chủ dân Nhuân
Con của Ải Cướn Cả cai quản Pha Ne
Gọi Tạo Bun Phanh làm chủ dân Nhuân
Con của Ải Quang hưởng cõi Chieng Sen
Gọi Nen Lau đẹp in trời đúc
Con của Anh Kon hưởng cõi Chiêng Tung
Gọi Tạo Cướn Cả gan to khó tính
Con của Han Phai – Chưởng Hạt tài tình
Được vinh hoa kế quản Mường Lự
Gọi Tạo In Tha nòi dõi đẹp xinh
Gái trẻ thấy đều mê say Tạo
Con của Khun Phênh hưởng Mường Mạ Khon Lộc
Gọi Tạo Lộc, người tim cứng thép gang
Con của Ải Ngăm hưởng Mường Sa Va
Tên Ải Cán Hạng quản dân Khả bốn ức
Con của Khun Khua hưởng cõi Chiêng Lôm
Gọi Tạo Côm Cong dáng đẹp như vẽ
Con của Sam Mạk Hệnh hưởng Mường Ly Lộc
Gọi Tạo Lộc Hại chủ dân Thái
Con của Ải Phóng hưởng mường Phang
Gọi Kăm Chuông tươi hồng lồng lộng
Những con dõi dòng Khun Tạo kể đây
Họ đều là chư hầu Tạo Hung hồng phúc con Chương
Tất thảy trăm mốt mường…”.
(8): Xem: Văn Tạo, Phương thức sản xuất châu Á, Lí luận Mác – Lênin và thực tiễn Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, HN; tr 28.
(9): Xem: Văn Tạo, Phương thức sản xuất châu Á, Lí luận Mác – Lênin và thực tiễn Việt Nam, Nxb Văn hoá dân tộc, HN; tr 114.
Nhà nước này thực hiện ba chức năng, “ngoài việc bóc lột nhân dân trong nước bằng hình thức tô kết hợp với thuế làm một (cống nạp) và đi cướp bóc nhân dân các nước khác (chinh chiến), còn có chức năng tích cực là chăm lo xây dựng các công trình mỹ quan và công cộng, mà ở phương Đông đáng chú ý nhất là trị thuỷ, thủy lợi” [9; tr 32]. Đặc trưng đáng lưu ý nhất của “nhà nước phương thức sản xuất châu Á” là: chế độ sở hữu công cộng về ruộng đất, bao hàm các yếu tố: Kẻ sở hữu tối cao hay sở hữu duy nhất là nhà vua; Kẻ chiếm dụng đất đai theo kiểu cha truyền con nối là các công xã; Kẻ sử dụng đất đai là các thành viên công xã và phải thực hiện nghĩa vụ nộp cống (tức bị bóc lột lao động thặng dư dưới dạng cống vật cho kẻ sở hữu). Mâu thuẫn nội tại của chế độ sở hữu này nảy sinh từ khi tư hữu hoá về ruộng đất xuất hiện tạo nên tính nhị nguyên của công xã và dẫn đến sự giải thể của phương thức sản xuất châu Á. Tính nhị nguyên này cũng là đặc điểm để Mác chỉ ra sự khác biệt giữa công xã nông nghiệp (phương thức sản xuất châu Á) với công xã cổ xưa (công xã thị tộc, bộ lạc): “mặc dầu, đất đai trồng trọt vẫn là tài sản công xã, nó đã được định kỳ phân chia giữa những thành viên của công xã nông nghiệp, thành thử mỗi người làm ruộng tự mình canh tác những cánh đồng dành cho anh ta và chiếm hữu cá nhân những hoa lợi thu được, còn trong các công xã cổ xưa hơn thì việc sản xuất được tiến hành một cách tập thể và người ta chỉ phân phối sản phẩm thu được mà thôi…” [tr 31; tr 62].
Phương thức sản xuất châu Á cũng đã được thừa nhận ở Việt nam. Nhà sử học Phan Huy Lê khẳng định: “sau chế độ công xã nguyên thuỷ, Việt Nam bước vào xã hội có giai cấp sơ kỳ mang đặc trưng “hình thái Á châu” hay phương thức sản xuất châu Á, không qua thời kỳ chiếm hữu nô lệ để sau đó tiến lên chế độ phong kiến với những đặc điểm khác phương Tây” [tr 85].
(8): Xem Sakây (Văn Món), Sử thi Udai – Ujac một di sản văn hoá chung của người Ra Glai và Chăm, sách Thông báo Văn hoá dân gian 2002, Nxb KHXH, tr 821 – 844.