Văn học Việt Nam trung đại

MAI AM - NỮ THI NHÂN CUỐI CÙNG CỦA DÒNG THƠ CHỮ HÁN THẾ KỶ XX


11-10-2020

MAI AM - NỮ THI NHÂN CUỐI CÙNG CỦA DÒNG THƠ CHỮ HÁN THẾ KỶ XX

ĐỖ THỊ HẢO

Nhìn lại lịch sử văn học Việt Nam, những nữ thi nhân Hán Nôm quả là thưa thớt, có thể đếm trên đầu ngón tay. Hơn thế nữa, tác phẩm mà các vị đó để lại cũng không nhiều, như trường hợp Lý Ngọc Kiều chỉ có một bài kệ(1). Ngoài ra, phần lớn còn lại dăm ba bài thơ của các tác giả như Bà huyện Thanh Quan (4 bài), Ngô Chi Lan (7 bài), v.v. Người sáng tác nhiều nhất như nhà thơ Hồ Xuân Hương cũng chỉ tới vài chục bài.

Sở dĩ có hiện tượng trên là vì Nho giáo không chấp nhận vị trí của người phụ nữ trong xã hội. Chỗ đứng của họ là gia đình, với cuộc sống hoàn toàn phụ thuộc: “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con). Trường học, khoa cử là nơi dành cho đấng quân tử mày râu, vì thế ta không ngạc nhiên khi bà Tiến sỹ đời nhà Mạc Nguyễn Thị Duệ đã phải cải trang để đi thi. Phụ nữ làm thơ, làm văn xưa kia hầu hết xuất thân trong các gia đình Nho học. Họ thường “học lỏm” ở cha anh trong lúc dạy dỗ môn sinh, đệ tử nhưng đã để lại cho đời khá nhiều áng thơ bất hủ. Khoa thi chữ Hán cuối cùng ở Việt Nam kết thúc năm 1919. Từ đây, chữ Quốc ngữ dần thay thế chữ Hán, Nôm. Những nữ sĩ sống tiếp nối giữa hai thế kỷ như Sương Nguyệt Anh() (1864-1921) bên cạnh những bài thơ chữ Hán, chữ Nôm còn làm cả thơ bằng chữ Quốc ngữ:

Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa,
Xót dạ thần dân chốn lửa than;
Nước mắt cơ cùng trời đất biết,
Biển dâu một cuộc thấy mà thương !
(Cảm tác khi vua Thành Thái ngự giá vào Nam)

Duy có một người phụ nữ chỉ làm thơ chữ Hán và đã để lại cho đời tập thơ Diệu Liên dày dặn với 345 bài, đó là công chúa Mai Am, con gái thứ 25 của vua Minh Mạng.

Từ trước đến nay, tất cả sách báo viết về Mai Am đều không biết bà sinh và mất năm nào(3). Song qua Diệu Liên tập với những dòng ghi chú trong chùm thơ 15 bài khóc con ( Khốc nh i ), bài Phụng họa gia tỷ Nguyệt Đình sơn cư nhàn vịnh kiến ký chi tác (Họa bài thơ chị Nguyệt Đình nhân lúc nhàn rỗi ở sơn cư gửi cho) và tấm bia Tiên mẫu Thục Tân Nguyễn Khắc thị thần đạo biểu do Tùng Thiện Vương soạn, ... ta có thể biết Mai Am sinh giờ Hợi ngày 11 tháng 8 năm Bính Tuất (1826) và mất tháng 1 năm 1904. Qua đây, ta cũng biết khá cặn kẽ về cuộc đời của một bà công chúa hay thơ. Sinh ra và lớn lên trong gia đình hoàng tộc, Mai Am được hưởng sự giáo dục theo khuôn mẫu điển hình của Nho giáo. Ngay từ nhỏ, công chúa đã tiếp nhận được cách dạy dỗ của mẹ, bà Nguyễn Khắc Thị Bửu, con quan Tư không Nguyễn Khắc Thiệu, người làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Bà Bửu là người phong tư trọng hậu, cử chỉ đoan trang, khi nói lúc cười đều có chừng mực; Vốn sẵn thông minh nên hiểu nhiều đạo lý; Bản tính cần cù nên không muốn an nhàn; Hễ buông bút thì cầm kim; Luôn tiếc thời gian vì biết rằng đời người thật ngắn ngủi ...(4)

Chính người mẹ là tấm gương để Mai Am noi theo. Là một công chúa nhưng Mai Am không thích cuộc sống phù phiếm, xa hoa như những người trong hoàng tộc. Sinh thời bà không thích cái vinh hoa của những cuộc vung tiền hay mua đất cho xe ngựa chạy, không hoang phí vào những trò múa hát trong phủ, bỏ bớt lễ tiết, hạn chế điểm trang, không xa xỉ, trang hoàng lộng lẫy.

Mai Am từng bộc bạch những suy nghĩ của mình qua lời dặn dò con em hoặc học trò: “Đọc sách gì cũng có ích song phải tự phòng, nhất là những ngoại truyện kỳ thư là những sách người thường hay đọc. Khi cầm quyển sách người đọc phải có óc phán đoán vững vàng. Nếu không tự chủ được thì rất dễ tiêm nhiễm theo, đến lúc ấy thật khó tẩy trừ”.

Có lẽ đại thi hào Nguyễn Du đã đúng khi cho rằng “chữ tài liền với chữ tai một vần”. Cuộc đời nàng công chúa hay thơ đã trải qua nhiều nỗi truân chuyên, song có lẽ vì thế nên tất cả tâm huyết, tình cảm bà đã gửi gắm vào thơ.

Thực ra ngay từ đầu, Mai Am không có ý định in thơ. Trong bài Đáp Sĩ Luân nhị thập bát vận (Bài thơ 28 vần trả lời Sĩ Luân) bà cho rằng: “Bản tính mình vốn đôn hậu, thuần phác, chỉ nên cố gắng tiếp thu sự dạy dỗ của gia đình. Kiến văn còn thô thiển, hẹp hòi, so với bạn bè còn kém cỏi ... Thật hổ thẹn vì tài mình giống như cây gỗ tạp. Nay nếu đem in e sẽ thành củi rác trong rừng thơ”. Nhưng được sự khuyến khích của bạn bè, nhất là của Sĩ Luân, một nhà thơ đồng thời là cháu của Mai Am, Diệu Liên tập đã được xuất bản lần đầu 100 bản vào năm 1867 niên hiệu Tự Đức 20. Lần in này chính Mai Am tuyển chọn thơ, sắp xếp thành quyển I và quyển II gồm 177 bài. Tùng Thiện Vương đọc duyệt. Phạm Thuật và Thân Trọng Di theo dõi, trông nom việc in ấn. Tuy nhiên, Diệu Liên tập không chỉ được in một lần. Đọc bài Lại Đức công chúa Diệu Liên thi tập đề từ của Châu Giang Bùi Cúc Đình(5) viết sau tiết Trùng dương niên hiệu Thành Thái Canh Dần (1890) sáu ngày, ta biết Diệu Liên tập được tái bản vào niên hiệu Thành Thái 3 (1891) bổ sung thêm quyển II và bổ di(6).

Nằm trong kho tàng sách Hán Nôm Việt Nam, song Diệu Liên thi tập có số phận may mắn hơn nhiều văn bản khác. Hai lần in đều được chính tác giả và người thân - những đại gia đương thời, trực tiếp theo dõi. Ngay Huệ Phố thi tập là tác phẩm của bà chúa em(7) do chính Mai Am đưa in hiện bị thất lạc không còn bản nào.

Có thể nói, hiếm có tác phẩm nào được nhiều ý kiến đánh giá của các tác gia đương thời như đối với Diệu Liên thi tập của Mai Am. Trong bài Mai Am thi tập tự, Thái sư Cần chính điện đại học sĩ, Quận công Trương Quảng Khê viết: “... cứ xem nước Nam ta hàng trăm ngàn năm trở lại đây, thơ văn của những bậc khuê các trước có Phạm Lam Anh, sau đến Hồ Xuân Hương, ngoài hai người ra tuyệt nhiên chẳng nghe nói có ai nữa. Nay Thương Sơn đã là một nhà thơ lão luyện trong nước, quý chúa Mai Am tài thơ cũng chẳng thua kém... Thực là khí thiêng sông núi chung đúc tinh anh, chẳng hiềm phái quần thoa, sao chỉ tập trung vào nơi con vua cửa chúa... Xin đem nguyên tập thơ bình duyệt, thấy rằng văn phong tự nhiên, tứ dường thác chảy vượt hơn hẳn Lam Anh, Xuân Hương, liền cầm bút viết lời tựa này để ghi lại việc hiếm thấy trên đời, ngàn năm có một trong chốn hương khuê” (Tháng 8 năm Quý Hợi, niên hiệu Tự Đức 16 (1863).

Nguyễn Hàm Ninh(8), một danh sĩ đất Kinh kỳ trong Diệu Liên thi tập tự cũng đã khiêm tốn viết như sau: “Tôi học thơ ngài Thương Sơn (tức Tùng Thiện Vương) gần 20 năm, nay đọc thơ của bà chúa em (Mai Am) thì tự biết phận mình không chỉ là học trò nơi nhà Tùng Vân(9) mà còn là học trò nơi đình Thỉnh Nguyệt”.

Không chỉ những danh sĩ người Việt ca ngợi thơ Mai Am mà các vị Tiến sĩ Trung Hoa cũng hết lời thán phục: “Thơ Mai Am đi theo bước của Ban Chiêu, Tả Phàn(10), nối cái đẹp của Lam Anh, Xuân Hương. Cho nên miệng lưỡi kỳ diệu nhả ra hoa sen, tấm lòng thảo thơm phả ra hơi tuyết” (Quế Lâm, Đường Cảnh Tùng).

345 bài thơ trong Diệu Liên tập được sáng tác trong 44 năm, rõ ràng Mai Am đã lấy việc sáng tác thơ làm sự nghiệp của mình. Có thể coi Diệu Liên tập là quyển nhật ký bằng thơ. Qua quyển nhật ký thơ này, với phương pháp ghi chú khá cụ thể, Diệu Liên tập đã làm sáng tỏ được nhiều nghi vấn còn mắc mứu đến nay. Thử đơn cử một số ví dụ: Trước đây giáo sư Bùi Văn Nguyên, nhà nghiên cứu văn học Triêu Dương, và nhiều người khác cứ băn khoăn đặt câu hỏi không biết Bà huyện Thanh Quan làm chức Cung trung giáo tập (dạy dỗ các cung nữ) dưới triều Minh Mạng hay Tự Đức. Đọc bài Tống Lưu ái Lan thất Nguyễn thị quy Hà Nội (Tiễn vợ Lưu ái Lan, bà họ Nguyễn về Hà Nội) do Mai Am viết vào niên hiệu Tự Đức 10 (1857), ẩn số trên đã được giải đáp. Bài thơ như sau:

Phiên âm:

Sổ tải thiên ngung lạc vị cùng,
(Nguyễn thị phả năng thi, dư thường dữ xướng họa)
Vô đoan hành sắc thử thông thông.
Lạc hoa phi nhứ tam xuân mộ,
Hiểu nguyệt tàn dương nhất lộ trung.
Thượng hữu quan hà ngư nhạn tín,
Bất ưng Nam Bắc mã ngư phong.
Long Biên kiến thuyết giai sơn thủy,
Cực mục sầu nan nghiên tịch đồng.

Dịch nghĩa:

Mấy năm ngàn tâm sự buồn vui dãi bày chưa hết,
(Bà họ Nguyễn là người hay thơ, thường cùng ta xướng họa)
Vô cớ phải chia tay nét buồn rười rượi.
Hoa rụng tơ bay đã vào tiết cuối xuân,
Dọc đường đi sẽ là cảnh trăng sớm chiều tà.
Lại còn núi sông cách trở mong tin nhạn,
Đừng nghĩ rằng phong khí Nam Bắc khác nhau.
Nghe nói Long Biên phong cảnh đẹp,
Mỏi mắt ngóng trông, khó lại được nghiên bút cùng.

Mặc dù sống tiếp nối giữa hai thế kỷ, đương thời đã có nhiều người sáng tác bằng chữ Quốc ngữ, song Mai Am chỉ làm thơ bằng chữ Hán. Bà làm thơ để thổ lộ cái “chí” và cái “tình”, bởi thơ khởi phát tự lòng người. Thơ Mai Am chủ yếu làm theo thể cách đời Đường, cách xướng họa hay thú tặng cũng là mô phỏng theo cách của Bạch Cư Dị (11) và Nguyên Vi Chi (12).

Sách Liễu Hoa Uyên nhàn lục chép: “Những người sâu sắc về thơ đều thích thơ Đường, vì thơ đời Đường lấy thanh nhã, ưu sầu, cảm động và ai oán làm chủ cho thi cách... Nó toát lên cái ý thanh khiết, thoát sái (bay bổng) và cô mại (riêng mình vượt xa mọi người)”.

Lê Quý Đôn(13) trong Vân đài loại ngữ (quyển 5) cũng cho rằng: “Phàm tình là người, cảnh là trời, sự việc là hợp trời đất mà xuyên suốt. Lấy tình xen vào cảnh, lấy cảnh kết hợp với việc, gặp việc thì phát ra lời, nhân lời mà thành tiếng. Cảnh không hẹn đến mà tự đến, lời không cố hay mà tự hay, có thể đạt đến chỗ tao nhã của thơ”.

Thơ Mai Am đã hội đủ những yếu tố trên, bà đã dùng thơ làm phương tiện để “ngôn chí”. Dẫu rằng làm thơ thuần túy chữ Hán song sức chuyển tải trong thơ bà khá mạnh mẽ. Mai Am là một trường hợp hiếm và lạ, nhất là đối với những nữ thi nhân thời phong kiến. Tình yêu đối với đất nước, lòng thương dân trong thơ bà thật da diết làm sao. Thơ Mai Am không có nỗi buồn man mác như bà huyện Thanh Quan:

Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.

hoặc luyến tiếc một thời vàng son đã qua, một đi không trở lại của những “lối xưa xe ngựa”, “nền cũ lâu đài”...

Mặc dù sống cùng thời với Thanh Quan, lại thường xuyên cùng nhau đàm đạo xướng họa nhưng tình cảm yêu nước trong thơ Mai Am mãnh liệt và sôi sục. Phải chăng một phần cũng vì chồng bà - Thân Trọng Di, đã hy sinh khi ứng nghĩa Cần Vương theo vua Hàm Nghi tìm đường cứu nước.

Sống vào thời kỳ đất nước bị thảm họa xâm lăng, ở Mai Am nỗi nước với tình nhà là một. Mỗi sự kiện, mỗi biến cố xảy ra đều gắn liền với vận mệnh đất nước, với sự sống còn của hoàng tộc và bản thân nhà thơ. Cửa Thuận An bị tấn công, cửa biển Đà Nẵng bị bắn phá, mấy tỉnh Nam Bộ liên tiếp rơi vào tay giặc. Cuối cùng thực dân Pháp chiếm Kinh thành Huế, thiết lập nền đô hộ ở Việt Nam. Mai Am đã chứng kiến và theo dõi tất cả những sự kiện lịch sử đó. Bà hồ hởi và tự hào khi quân giặc rút khỏi Đà Nẵng:

Phong cương liên báo tuyệt Hồ trần,
Nhật chiếu hồng kỳ tử mạch xuân.
Trác tức côn di bôn sóc mịch,
Phong yên diện phục tịnh Nam tân.
(Tức sự chỉ Quảng Nam lỗ thoái)

Tạm dịch

Tin về đã sạch bóng thù,
Mặt trời chiếu đỏ màu cờ sắc xuân.
Giặc thua tháo chạy bặt tăm,
Khói tan lửa tắt lặng dần bờ Nam.
(Tức sự khi giặc rút khỏi Quảng Nam)

Nhưng bà lại cay đắng xót xa khi trở lại Thuận An trong cảnh vắng lặng, tả tơi (Tái đáo Thuận An hữu cảm chi tác). Xin trích dẫn một phần quang cảnh hãi hùng xảy ra ở Thuận An dưới con mắt một sĩ quan hải quân Pháp - Pierre Loti, người đã từng tham gia cuộc chiến 1883 (Bài trên báo Le Figaro): “... Những thân hình gầy guộc, quần áo tả tơi, đầu đội nón trắng được vũ trang sơ sài bằng giáo mác và những khẩu súng cổ han gỉ. Họ chẳng có vẻ gì là những kẻ thù đáng gờm của chúng ta. Thế mà trong cơn hoảng loạn họ đã bị chúng ta giết sạch ngay tại chỗ bằng lưỡi lê... say sưa vì những tiếng kêu la, vì cuộc đuổi bắt, vì màu đỏ của máu, bọn lính thủy tàn sát một cách thích thú. Khi chẳng còn ai để giết, bọn chúng vẫn còn kích động đến cực độ đã ùa ra khỏi pháo đài để lao tới những kẻ bị thương. Đám người này quá khiếp sợ, kẻ thì gục trong hố giả chết, kẻ rúc vào chiếu kêu rên thảm thiết, giơ hai tay lên van xin đừng giết. Nhưng bọn lính thủy đã kết liễu đời họ, dùng lê đâm nát người hoặc lấy báng súng đập vỡ sọ, tất cả không trừ một ai”.

Trước thực tại như trên, là người ai không đau xót trước thảm cảnh hãi hùng của đồng bào, đồng loại. Đặc biệt đối với Mai Am, một người phụ nữ, một thi nhân vốn giàu lòng yêu nước, nhân ái và luôn khắc khoải nỗi đau đời.

Nói đến thơ Mai Am, ta không thể không nói tới bài Độc điếu nghĩa dân tử trận văn. Có lẽ rất nhiều nhà thơ, nhà văn đương thời (1882) được đọc bài Văn tế nghĩa sĩ trận vong của Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng chỉ riêng Mai Am đã bộc lộ những tâm tư, tình cảm của mình bằng lời thơ chân thành làm xúc động lòng người lúc bấy giờ và cả những thế hệ sau này. Nghĩa khí và lòng yêu nước thương nòi đã ngùn ngụt trong từng câu từng chữ của bài thơ:

Xích tử Cần Vương năng địch khái,
Thư sinh dụng võ tích phi tài.
Dân chúng Cần Vương vì ghét địch,
Nhà Nho lâm trận tiếc không tài.
(Lê Thước dịch)

Tận đáy lòng Mai Am cũng như tất cả phụ nữ Việt Nam đều mong muốn được sống bình yên trong tổ ấm gia đình với chồng với con. Nhưng trước họa xâm lăng thì họ có thể hy sinh cả bản thân mình với tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Đây chính là một trong nhiều phẩm chất cao đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Mai Am đã thấm nỗi đau mất chồng, mất nước, cho nên hơn ai hết bà thông cảm và trân trọng đối với những nghĩa sĩ đã xả thân vì nước. Chỉ riêng bài Độc điếu nghĩa dân tử trận văn , Mai Am cũng xứng đáng được xếp vào hàng các nhà thơ yêu nước tiêu biểu của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.

Mai Am, nữ thi nhân cuối cùng của dòng thơ chữ Hán thế kỷ XX, dẫu chỉ làm thơ chữ Hán nhưng bà đã để lại những vần thơ bất hủ không chỉ cho hôm nay mà còn cho những thế hệ mai sau.

Đ.T.H

CHÚ THÍCH

(1) Nguyên văn bài kệ:

Sinh lão bệnh tử
Lẽ thường tự nhiên
Muốn cầu siêu thoát
Càng trói buộc thêm
Mê phải cầu Phật
Hoặc thì cầu Thiền
Chẳng cầu Thiền Phật
Mím miệng ngồi yên

(2) Bà tên thật là Nguyễn Xuân Khuê (hay Nguyễn Thị Ngọc Khuê) con gái thứ tư của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Bà là người phụ nữ đầu tiên ở thế kỷ XX làm Chủ bút tờ Nữ giới chung xuất bản tại Sài Gòn.

(3) Lược truyện các tác gia Việt Nam - Trần Văn Giáp, Thơ văn yêu nước thế kỷ XIX - Bảo Định Giang, Ca Văn Thỉnh, ...

(4) Bia Tiên mẫu Thục Tân Nguyễn Khắc thị thần đạo biểu .

(5) Bùi Dị.

(6) Hiện Diệu Liên thi tậP có 9 dị bản trong Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm mang các ký hiệu: VHv.685, VHv.696, VHv.688, VHv.689, VHv.1897, A.2604, VHv.1398, A.313.

(7) Quý Khanh.

(8) Nguyễn Hàm Ninh tên tự là Thuận Chi, hiệu Tĩnh Trai, người huyện Bình Chánh tỉnh Quảng Bình. Ông sinh năm 1808, mất năm 1867, đỗ Thủ khoa niên hiệu Minh Mệnh 12 (1831) được bổ Tri huyện Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) rồi thăng án sát. Nguyễn Hàm Ninh nổi tiếng hay chữ và giỏi thơ ngũ ngôn, từng là bạn xướng họa với Mai Am. Tác phẩm của ông có Tĩnh Trai thi sao.

(9) Thi xã Tùng Vân do Tùng Thiện Vương sáng lập. Đình Thỉnh Nguyệt nơi Mai Am thường chủ trì những đêm thơ với sự tham gia của các danh sĩ đất Kinh kỳ.

(10) Hai nữ thi nhân nổi tiếng của Trung Quốc.

(11) Bạch Cư Dị người đất Thái Nguyên, Trung Quốc, sống thời nhà Đường, đỗ Tiến sĩ niên hiệu Nguyên Hòa. Ông làm đến Hình bộ thượng thư rồi về trí sĩ. Văn thơ của ông tinh khiết, bình dị, cận nhân tình.

(12) Nguyên Vi Chi người đất Hà Nam, cũng sống dưới thời nhà Đường. Ông là bạn thân của Bạch Cư Dị, lối làm thơ dựa theo vần của bài xướng để họa lại bắt đầu từ hai ông.

(13) Lê Quý Đôn (1726-1784) tên tự là Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường, người làng Diên Hà tỉnh Thái Bình. Ông đỗ Tiến sĩ khoa thi niên hiệu Cảnh Hưng 13, làm tới chức Công bộ thượng thư tước Dĩnh quận công. Là một nhà bác học, ông để lại cho đời nhiều tác phẩm có giá trị.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (46). 2001 - Tr.18-23

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020