Văn học Việt Nam trung đại

ĐỌC LẠI MỘT BÀI THƠ CỦA LÊ BẬT TRIỆU VIẾT VỀ VUA QUANG TRUNG


11-10-2020

ĐỌC LẠI MỘT BÀI THƠ CỦA LÊ BẬT TRIỆU VIẾT VỀ VUA QUANG TRUNG

Nguyễn Thanh Tùng[1]

1. Mở đầu

            Năm 2005, giới nghiên cứu và độc giả trong cả nước được một bận “xôn xao” bởi phát hiện của Hồng Phi – Hương Nao về bài thơ có tiêu đề được phiên dịch là Kiến Quang Trung linh cữu (Thấy linh cữu Quang Trung)(1). Đây là tác phẩm của  nhà nho Lê Bật Triệu (tục gọi Cả Triệu, 1771 - 1846) người xứ Thanh(2). Từ bài thơ, người ta hi vọng giải quyết được một trong những “bí ẩn” của khoa học khảo cổ và khoa học lịch sử: vị trí lăng mộ Quang Trung Nguyễn Huệ. Nhưng rồi vấn đề lại rơi vào bế tắc bởi một lẽ khá đơn giản, văn bản bài thơ được viết bằng chữ Hán hơi có phần khó đọc (về cả mặt chữ lẫn nội dung, lại không có dị bản để đối sánh, khảo dị) khiến cho việc luận giải thông tin được chờ đợi nhất đó trở nên mơ hồ không chắc chắn: Khuân/ Khuôn Sơn, Nguỵ Sơn(3) hay Xước Sơn, hay một địa danh nào khác? Một chữ đã như thế, các chữ còn lại thì sao? Liệu việc phiên dịch, chú giải bài thơ có hẳn đã chính xác, rốt ráo?...

            Nhân được tiếp xúc với nguyên bản chữ Hán của bài thơ từ các nguồn văn bản khác nhau, chúng tôi đã có dịp đối chiếu và đọc sâu vào tác phẩm và xin trình ra đây cách đọc và cách hiểu của mình về bài thơ này, từ đó, mong góp phần giải quyết phần nào những câu hỏi đặt ra ở trên.

2. Nội dung

2.1. Văn bản bài thơ

Bài viết của Hồng Phi - Hương Nao cung cấp cho chúng ta một văn bản Nam hành tạp vịnh nằm trong Liên Khê di tập tìm thấy ở Thanh Hoá (tạm gọi là bản Thanh Hoá – bản A). Chúng tôi cũng đã được tiếp cận với văn bản này từ bản chụp của một người bạn(4). Văn bản khá sáng rõ và cũng không đến nỗi khó đọc. Chúng tôi lại được tiếp xúc với một dị bản khác của Liên Khê di tập hiện được tàng trữ ở Thư viện Quốc gia Việt Nam tại Hà Nội  mang kí hiệu R.33 (tạm gọi là bản TVQG – bản B)(5). So sánh hai bản A và B, chúng tôi nhận thấy bản A nội dung có phần đầy đủ hơn (chẳng hạn bản A có phụ lục cả những bài thơ “nguyên vận” mà tác giả hoạ lại, và có lời dẫn như bài: Phụ Tiên Điền Thị lang công tặng thi nhất thủ, Phụ Tha Linh công tặng thi nhất thủ,… bản B bỏ đi những bài thơ này; bản A chép khá đấy đủ chữ nghĩa, bản B để trống một số chữ,...). Tạm thời, chúng tôi chưa thể xác định được niên đại bản nào cổ hơn bản nào, nhưng với việc bản A chép đầy đủ hơn bản B thì nó xứng đáng được chọn làm bản nền để tái lập văn bản chuẩn; bản B có tác dụng tham khảo, đối chiếu.

Về Nam hành tạp vịnh, bài tựa dẫn tập thơ của Lê Bật Triệu cho biết tập thơ được viết ra để “ghi chép lại những nơi đã từng đi qua để không đến nỗi đã qua mắt mà lại quên” (記 所 經 歷 之 境 使 不 至 過 眼 卻 忘 耳) [bản B, tờ 41a]. Lời tựa được viết vào ngày sau Rằm tháng Giêng năm Ất Sửu (1805) niên hiệu Gia Long, cho thấy nhiều khả năng tập thơ được hoàn thành vào năm này. Bài Kiến Quang Trung… nằm ở tờ 50a-b của bản A và 49b bản B.

Bản A (tờ 50a-b)

Bản B (tờ 49b)

 

 

            Có thể thẩy 2 dị bản của bài thơ không sai lệch nhiều, chỉ có 1 chữ đằng trước 2 chữ “phong vân” thì bản A viết hành thảo khó đọc (Hồng Phi – Hương Nao  đọc là “tẩu” 走, chúng tôi đoán là chữ “khởi” 起); bản B để khuyết chữ này (người thời sau điền vào đó bằng bút sắt chữ “chuyển” 轉). Các chữ còn lại đều dễ đọc. Từ hai dị bản trên, chúng tôi xác lập văn bản bài thơ như sau:

         

廿 年 叱 吒 起 風 雲,

如 此 英 雄 古 罕 聞.

邯 野 毒 流 千 萬 骨,

驪 山 禍 在 百 年 墳.

空 含 泯 泯 千 秋 恨,

孤 負 堂 堂 八 尺 身

光 景 一 般 成 粉 齏,

令 人 終 古 笑 嬴 秦.

2.2. Phiên dịch bài thơ

Bản [tái lập và] phiên dịch của Hồng Phi – Hương Nao như sau:

Phiên âm:

Kiến Quang Trung linh cữu

Trấp niên sất sá tẩu phong vân,

Như thử anh hùng cổ hãn văn.

Hàm Dã độc lưu thiên vạn cốt,

Khuân Sơn họa tại bách niên phần.

Không hàm chỉ chỉ thiên thu hận,

Cô phụ đường đường bát xích thân.

Quang cảnh nhất ban thành phấn mị,

Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần.

Dịch nghĩa:

Nhìn thấy linh cữu vua Quang Trung,

Hai mươi năm tiếng thét át cả gió mây.

Chỉ chừng ấy cũng đủ thấy là bậc anh hùng hiếm có!

Trên chiến trường Hàm Đan hận vùi muôn vạn xác thù.

Núi Khuân không ngờ lại để mối họa liên lụy đến phần mộ nơi yên giấc ngàn năm.

Bỗng phải chịu sự chỉ trích của mối hận muôn đời,

Nỡ phụ đến tấm thân tám thước của bậc anh hùng.

Quang cảnh nói chung tất cả đã trở thành cát bụi,

Khiến cho người đời muôn thuở cười Tần Doanh bạo chúa.

            Bây giờ, chúng tôi xin đi sâu vào từng câu chữ của bài thơ và dịch chú theo cách hiểu của mình.

·        Tiêu đề bài thơ

Tiêu đề của bài thơ ở cả hai văn bản thực chất đều là “Kiến Quang Trung linh quỹ” (見 光 中 靈 櫃) được chép khá rõ ràng. “Quỹ” 櫃 có nghĩa là cái hộp, cái rương, cái hòm. “Linh” 靈 là thiêng liêng, là linh hồn,… Hồng Phi – Hương Nao đọc thành “linh cữu” 靈柩 và cho rằng như vậy là Lê Triệu đã chứng kiến linh cữu của vua Quang Trung bị khai quật. Điều đó có đúng không? Phải chăng chữ “quỹ” có thể dùng thông với “cữu” (vốn đều có nghĩa là “hòm”, “rương”)? Điều này có thể xảy ra nếu như Lê Bật Triệu hay người sao chép viết bài thơ theo tư duy chữ Hán rất mộc mạc và hơi có phần tuỳ tiện. Tức là, có khả năng, vì nghĩa của “quỹ” là cái hộp, cái hòm, nên nó được mượn để thay chữ “cữu” ( với nghĩa là áo quan, quan tài). Đây là một cách dùng chữ Hán mang tính địa phương, theo tư duy chữ Hán của một người Việt. Theo chúng tôi, trước khi nghĩ đến khả năng đó, hãy nghĩ đến một sự sử dụng chữ Hán chuyên nghiệp, từ chương hơn. Hơn nữa, đã có chữ “cữu” rất phổ thông, tại sao Lê Bật Triệu (hoặc người sao chép) lại phải dùng chữ “quỹ” (có vẻ ít dùng hơn). Về mặt tự dạng, chữ “cữu” (柩) còn dễ viết hơn chữ “quỹ” 櫃 (tất nhiên không loại trừ việc người viết có tính cách cầu kì!).

Với quan điểm tôn trọng văn bản, tôn trọng chữ nghĩa của người xưa, chúng tôi không làm việc sửa chữa hãy suy luận văn bản mà cố đi tìm ý nghĩa của nó. Ở đây, đó là là từ ghép “linh quỹ” 靈 櫃. Tra trong Hán ngữ đại từ điển, ta thấy có từ “linh quỹ” 靈匱. Chữ quỹ ở đây viết có khác (không có bộ mộc). Nhưng theo Khang Hi tự điển, Từ hải, Từ nguyên,… chữ “quỹ” 櫃 và “quỹ” 匱 dùng thông với nhau, cùng nghĩa là “rương hòm” (níp 篋). “Linh quỹ” 靈匱 được giải thích như sau: dùng như “kim quỹ” 金匱. Là cái hòm, rương chứa sách của nhà nước; [Chẳng hạn] bài Di thư Thái Thường phủ tiến Trương Thiệm có viết: “Bật rương sách từ bí cung, mở hòm vàng ở đại điện”(6). Vậy là “linh quỹ” có thể là “kim quỹ” tức cái hòm, tủ chứa sách của nhà nước. Tra từ “kim quỹ”, ta lại thấy được giải thích khá tường tận với 5 nghĩa như sau: “Kim quỹ” cũng viết là “kim cự”, cũng viết là “kim quỹ”; 1) cái hòm, tủ làm bằng đồng. Thời xưa dùng để thu chứa sách vở, văn vật. Thiên “Thai giáo” sách Tân thư của Giả Nghị đời Hán có câu: “Cái đạo thai giáo, viết vào ván ngọc, cất ở trong tủ đồng, đặt nơi tông miếu, để làm lời răn cho đời sau”. “Truyện Diêu Thố” sách Hán thư có đoạn: “Đức của bệ hạ dày dặn mà được người hiền giúp đỡ; đều có được sự chiêm ngưỡng của các quan, khắc vào ván ngọc, cất vào tủ đồng, trải qua năm tháng, lưu truyền hậu thế, làm tổ của bậc đế vương”. Bài Thuỵ dị kí sách Tấn thư có đoạn: “Tủ đồng ở nhà của Cam Trác phát tiếng kêu, âm thanh như đập kính, trong trẻo mà sầu bi”. Bài thơ thứ 12 trong chùm Kỷ Hợi tạp thi của Tập Tự Trân thời Thanh có câu: “Nếu như năm khác mà tìm được tủ đồng, thì sẽ đến khấu lạy ở cửa Dạ Vũ núi Không Sơn”. Bài Hậu kí sách Tú Lộ tập của Tôn Lê có viết: “Chứa trong tủ đồng, không nhất thiết là còn mãi; lưu lạc nơi thôn dã, không nhất thiết là mất mãi”; (2) Từ đó mà dẫn đến ý chỉ sự lưu truyền lâu dài. Truyện về Hiếu Thành Triệu Hoàng hậu trong Ngoại thích truyện (hạ) sách Hán thư có câu: “Ngu thần vốn đã không thể dẫn dắt được an nguy, định được mưu kế lâu dài; lại không biết mở rộng thánh đức, thuật lại cái chí của tiên đế”. Nhan Sư Cổ chú rằng: “Kim quỹ, nói cái phép lâu dài có thể cất giữ trong tủ đồng, nhà đá vậy”; (3) Mượn chỉ việc tàng trữ sách (kho sách). Bài Tự chủng tính hạ trong sách Cừu thư của Chương Bính Lân có chép: “Lí Thiện Trường, Tống Liêm, Vương Vĩ đều xuất thần từ nơi thôn dã, không ngó ngàng đến kho sách, cổ học thì hoang phế, mà tên họ thì mất đi pháp độ, vậy nên không trách phạt”; (4) Chỉ sự bác học (…); (5) thuật ngữ của người xem tướng, chỉ cái tướng phú quý (…); (6) Phương ngôn: Kim quỹ vốn chỉ cái hòm rương mười phần quý báu, ở đây lại được dùng thử như là động từ hoặc hình dung từ.   Ở khu vực trung nguyên (đặc biệt là ở phía Tây tỉnh An Huy), “kim quỹ” phiếm chỉ với ý thiên về châm biếm sự quá yêu quý, say đắm”(7).

Đặt trong ngữ cảnh bài thơ của Lê Triệu có thể thấy, từ “linh quỹ” hay “kim quỹ” được dùng với tối đa 3 nghĩa đầu: hòm đồng, hòm vàng (chứa sách, văn vật) rất quý giá, sự lưu truyền dài lâu, tàng thư. Với nghĩa thứ nhất và thứ ba, tiêu đề bài thơ cho biết tác giả đã được thấy hòm sách, kho sách rất quý giá của Quang Trung còn để lại (nói khác đi là thấy 1 di vật của Quang Trung), từ đó cảm khái viết nên bài thơ về sự nghiệp của Tây Sơn. Với nghĩa thứ hai, ta thấy một ý vị châm biếm toát ra từ tiêu đề “thấy sự lưu truyền dài lâu của Quang Trung” và nó thống nhất với nội dung châm biếm trong bài thơ! Như vậy, có thể không phải Lê Triệu được nhìn thấy “linh cữu” của Quang Trung mà chỉ là một di vật quý (chẳng hạn cái hòm sách, tủ sách,…) của Quang Trung mà thôi chăng? Dẫu sao, vấn đề này vẫn cần được tiếp tục tìm hiểu bởi lẽ, cũng đặt trong ngữ cảnh bài thơ (tác giả nói nhiều đến mộ địa, thân xác, cái chết,…) thì cũng không thể loại trừ việc “linh quỹ” chính là “linh cữu”.

·        Hai câu đề (1+2)

Trấp niên sất trá khởi phong vân,

Như thử anh hùng cổ hãn văn.

(Hai chục năm thét lác, dậy gió mây,

Anh hùng như thế, xưa nay cũng ít nghe thấy)

Con số 20 năm ở câu 1 được Hồng Phi, Hương Nao lí giải là số năm từ khi Quang Trung đuổi quân Thanh (1788) đến khi Lê Bật Triệu làm bài thơ này (Hồng Phi – Hương Nao cho là năm 1808). Chúng tôi tán thành với cách giải thích của Phan Duy Kha: 20 năm này là chỉ 20 năm vùng vẫy làm nên sự nghiệp của Quang Trung từ 1772-1773 (năm Tây Sơn nổi lên) đến năm 1792 (năm Quang Trung mất)(8).

·        Hai câu thực (3+4)

Hàm dã độc lưu thiên vạn cốt,

Ly Sơn hoạ tại bách niên phần.

(Cánh đồng Hàm chảy trôi chất độc từ nghìn vạn xương cốt,

Núi Ly Sơn để lại tai hoạ bởi nơi xây dựng mộ phần cho trăm năm)

Câu 3: “Cánh đồng Hàm chảy trôi chất độc từ ngàn vạn xương cốt”. Hàm ở đây có lẽ là Hàm Dương, kinh đô nhà Tần. Cả câu thơ có lẽ chỉ việc Tần Thuỷ Hoàng sai 70 vạn tù binh xây dựng lăng mộ cho mình ở Ly Sơn rất gian khổ, tốn nhiều xương máu. Sau đó, để đảm bảo bí mật cho lăng mộ, tất cả những người xây dựng, tế lễ đều bị chôn sống. Chất độc chảy trôi trên cánh đồng là một hình ảnh khắc hoạ rõ nét thảm cảnh của người dân bị đối xử tàn tệ. “Chất độc chảy ra” cũng có thể ám chỉ việc Tần Thuỷ Hoàng dùng thuỷ ngân để làm các con sông nhân tạo dưới lăng mộ của mình nhằm đề phòng hậu hoạ.

Câu 4: Chữ đầu Hồng Phi – Hương Nao phiên là “Khuân”, nhưng trên thực tế ở cả 2 dị bản, nó được chép rất rõ là “Ly” 驪. Chữ “Khuân” đã bị các học giả nghi ngờ (có người đọc Nguỵ, có người đọc Xước,…), trong đó, ý kiến của Trần Đại Vinh rất đáng chú ý bởi vì ông cho rằng tác đặt trong bối cảnh của bài thơ, tác giả đã dùng hai điển cố đối nhau: Hàm dã/ […] Sơn. Suy đoán của ông Trần Đại Vinh rất xác đáng. Văn bản trên đây đã cung cấp cho ta đúng điển tích như vậy: Ly Sơn. Không khó khăn có thể tra ra, đây là nơi đặt huyệt mộ của Tần Thuỷ Hoàng đế, nhân vật xuất hiện xuyên suốt trong bài thơ này như một ẩn dụ, một đối sánh. Nó cũng cùng hệ thống với những “Hàm dã”, “Tần Doanh”, “bách niên phần”,... Ly Sơn:thuộc địa phận tỉnh Thiểm Tây, cách thủ phủ Tây An 50km về phía Đông. Sách Sử kí (Tần Thuỷ Hoàng bản kỷ) của Tư Mã Thiên chép lại việc xây dựng lăng mộ rất kì công, tốn kém của Tần Thủy Hoàng như sau: “Tháng 9, chôn Thuỷ Hoàng ở Ly Sơn. Khi Thủy Hoàng mới lên ngôi đã sai đào núi Ly Sơn. Đến khi thôn tính được thiên hạ thì dời 70 vạn người trong thiên hạ đến xây lăng mộ, đào ba con suối, ở dưới đổ đồng và đưa quách vào. Đem những đồ quý báu của các cung, của trăm quan xuống cất đầy ở dưới. Lại sai thợ làm máy bắn tên hễ có ai đào đến gần thì bắn ra. Sai lấy thủy ngân làm một trăm con sông, Trường Giang, Hoàng Hà và biển lớn. Các máy móc làm cho nước sông và biển chảy vào nhau. Ở trên có đủ thiên văn, ở dưới có đủ địa lý, lấy đầu cá nhân ngư để thắp đuốc, trù tính thế nào để cháy lâu không tắt”(9). Như vậy, ta đã giải quyết được vấn đề: Khuân Sơn, Nguỵ Sơn hay Xước Sơn,... Hoàn toàn không có những cái tên đó, chỉ có Ly Sơn mà thôi. Và như thế, đây không phải là chi tiết giúp xác định vị trí lăng mộ vua Quang Trung. Giả thiết về địa điểm đặt lăng mộ Quang Trung (ở Khuân Sơn!) có thể loại bỏ.

·        Hai câu luận (5+6)

Không hàm miến miến thiên thu hận,

Cô phụ đường đường bát xích thân.

(Ngậm suông mối hận nghìn năm đằng đẵng,

Riêng phụ tấm thân tám thước đường đường)

            Hai câu này cú pháp và ý tứ rất rõ ràng, dễ đọc. Câu thơ bình luận về cái chết của Quang Trung: chết rồi vẫn mang mối hận dằng dặc ngàn năm (vì chưa hoàn thành sự nghiệp,…); và để luỵ cho tấm thân tám thước đường đường (sau này bị quật mồ, giã nát, giam cầm,…).

·        Hai câu kết (7+8)

Quang Cảnh nhất ban thành phấn tễ,

Linh nhân chung cổ tiếu Doanh Tần.

[Thân thể] Quang Trung, Cảnh Thịnh thảy đều “xương tan thịt nát” cả.

Khiến cho người đời xưa nay cười chê [như] Doanh Chính nhà Tần.

Câu 7: “Quang Cảnh…” được Hồng Phi - Hương Nao hiểu là mô tả khu lăng mộ Quang Trung có “quang cảnh” trở nên tan hoang, thành cát bụi. Thực ra không phải vậy! Đây là câu mô tả kết cục của nhà Tây Sơn qua việc nhấn mạnh vào tình trạng thi thể, xương cốt của hai vua Tây Sơn: Quang chỉ Quang Trung (Nguyễn Huệ), Cảnh chỉ Cảnh Thịnh (Nguyễn Quang Toản) trước chủ trương “tận báo thù” của Gia Long. Chữ “phấn tễ” (粉 齏) hay “tễ phấn” ( 齏 粉) theo giải thích của Từ Hải là: “chỉ việc phanh thây nghiền xương” (粉 身 碎 骨 也). Từ Hải dẫn truyện Tô Phùng Cát trong phần Hán thư sách Cựu ngũ đại sử có chép: “Sử Hoằng Triệu oán Phùng Cát không giống mình, Phùng Cát mưu xin ra trấn nhậm ở bên ngoài để tránh ông ta, đã làm rồi mà lại bỏ dở. Có người hỏi vì sao, Phùng Cát nói: “Nếu bỏ đây mà đi, Sử công chia ra một xứ, thì tôi tan xương nát thịt vậy”(10). Truyện Lí Thiện Trường trong Minh sử cũng chép:Lúc cuối thời Nguyên, người muốn làm như thế này sao mà hạn chế vậy, ai mà thân chẳng thịt nát xương tan. Dẫm đạp lên giống nòi, dứt việc thờ cúng, có thể bảo vệ được thủ lĩnh là những ai đây?(11). Có lẽ, Lê Bật Triệu đã sử dụng điển cố này. Nếu đúng vậy thì câu thơ này chỉ rất sát vào hình phạt mà Gia Long dành cho các vua Tây Sơn (còn sống hoặc đã chết). Sách Đại Nam thực lục chính biên (Đệ nhất kỉ, quyển XIX) cho biết: “Tháng 11 [năm Nhâm Tuất 1802] làm lễ tuyên cáo võ công. Ngày Quý dậu tế thiên địa thần kỳ. Ngày Giáp tuất hiến phù ở Thái miếu. Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác (Dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vất đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại (năm Minh Mệnh thứ 2 đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi)”(12). Truyền thuyết dân gian còn cho rằng, hài cốt của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Quang Toản còn bị giã nát trộn vào thuốc súng mà bắn. Vậy là, Lê Bật Triệu đã cực tả kết cục bi thảm, rùng rợn của cha con vua Quang Trung một cách thâm thuý.

3. Kết luận

            Tóm lại, việc đọc lại bài thơ của Lê Bật Triệu đã dẫn dắt chúng ta đi từ sự tái diễn giải này đến tái diễn giải khác: có địa danh Khuân Sơn ở đây hay không? Mạch thơ của bài thơ là gì? Bản chất tác phẩm phải chăng là một bài thơ vịnh sử (vịnh nhân vật lịch sử: vua Quang Trung)? Và cuối cùng là quan điểm lịch sử của Lê Bật Triệu thế nào? Mặc dù sự thật không giống như những gì chúng ta kì vọng (địa điểm lăng mộ của Quang Trung; thiện cảm với Tây Sơn hay sự dũng cảm, ngang tàng của nhà Nho Lê Bật Triệu trước búa rìu trừng phạt của nhà Nguyễn; sự tố cáo tội ác của Gia Long và triều Nguyễn; cái nhìn vượt thời đại của một nhà Nho không thành đạt có phần bất mãn với thời thế,v.v…), nhưng đó vẫn là cái khách quan hiện hữu, ít nhất là từ những gì ta đọc thấy trên văn bản bài thơ. Còn sự thật khách quan (nếu có) là cái mà chúng ta hi vọng có thể suy tìm, đeo đuổi trong tương lai dựa trên nhiều sự thật thể hiện trên những “văn bản” tin cậy hơn nữa./.

Hà Nội, tháng 09 năm 2012

N.T.T

Chú thích:

(1) Hồng Phi – Hương Nao. “Bài thơ chữ Hán ‘Nhìn thấy linh cữu Quang Trung’ mới tìm thấy”, Tạp chí Xưa & Nay (Hội Sử học Việt Nam), số 245, tháng 10/2005; Phan Duy Kha. “Loé lên tia hi vọng tìm thấy vị trí Đan Lăng”, báo An ninh thế giới, số 519, ra ngày 7/01/2006; Hồng Phi – Hương Nao. “Lê Bật Triệu và việc xác định vị trí đặt lăng vua Quang Trung?”, Báo Thanh Hoá online, ngày 03/06/2006: URL: http://www.baothanhhoa.vn/vn/print/?n=7984; v.v…

(2) Theo Ngô Đức Thọ, Lê Ôn Phủ “đậu Cử nhân đời Cảnh Hưng, dạy học lâu năm rất có danh vọng ở tỉnh Thanh. Vua Gia Long lên ngôi có chiếu chỉ mời danh sĩ các nơi về kinh có ý muốn bổ dụng, trong đó có Lê Ôn Phủ. Cụ có vào kinh yết kiến vua, nhưng cáo lão không nhận chức. Trong chuyến đi ấy cụ sáng tác hơn trăm bài thơ, đặt tên là Nam hành tạp vịnh 南 行 杂 咏, đến đời Tự Đức con cháu và học trò biên tập đưa chung vào Liên Khê di tập” [“Lời nói đầu” trong: Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thuý Nga, Vũ Lan Anh, Nguyễn Đức Toàn. Thư mục sách Hán Nôm ở Thư viện Quốc gia, Hà Nội, Bộ Văn hoá thông tin - Thư viện Quốc gia, Hà Nội 2002, tr.5].

(3) Xem tường thuật về buổi toạ đàm “Hướng đi tìm lăng mộ Hoàng đế Quang Trung” của Hội Khoa học Lịch sử Huế tổ chức ngày 8 tháng 02 năm 2006 tại Huế với sự tham gia của Hồng Phi-Hương Nao, Trần Đại Vinh, Trần Viết Điền, Đỗ Bang,v.v… qua các bài viết của: Bùi Ngọc Long. “Hé mở hướng đi tìm lăng mộ vua Quang Trung”, URL: http://vietbao.vn/Van-hoa/He-mo-huong-di-tim-lang-mo-vua-Quang-Trung/45183849/181/; Lương Mỹ Hà (ghi). Đi tìm mộ Vua Quang Trung: Lăng mộ Vua Quang Trung ở núi Khuân Sơn?” URL: http://baoxuan.giadinh.net.vn/8204p0c1003/di-tim-mo-vua-quang-trung-lang-mo-vua-quang-trung-o-nui-khuan-son.htm;v.v...     

(4) Bản chụp văn bản do NCS Phạm Văn Tuấn (Thiền Phong) ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm cung cấp. Chúng tôi xin chân thành cảm ơn anh! Nhân đây cũng xin chân thành cảm ơn NCS Phạm Văn Tuấn, NCS Phạm Văn Ánh và TS Nguyễn Tô Lan đã đọc bản thảo và góp cho nhiều ý kiến có giá trị.

(5) Theo Ngô Đức Thọ, “Tập thơ của Liên Khê [莲 溪] tự Ôn Phủ [温甫] tên thật là Lê Bật Trực [黎 弼 直] người xã Đại Trung huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đậu Hương cống khoa Cảnh Hưng 26 (1765) Ông là bạn thân của nhiều danh sĩ đương thời, nổi tiếng là người giỏi thơ văn, xuất khẩu thành chương. Đầu sách có bài Tựa của Lê Quang [黎 光], cháu họ tác giả viết… Sau Tựa có đề “Quyển chi nhất 卷 之 壹” (1- 41a), nhưng các phần sau không thấy ghi số quyển tiếp theo. Vào sách có các bài như: Tặng Đỗ thiêm hộ [赠 杜 签 户]; Tiễn Binh bộ quan khâm mệnh hồi triều [饯 兵 步 官 钦 命 回 朝]; Tiễn Tổng trấn quan [饯 总 镇 官];Tặng Bắc Thành tham viện Chấn Thanh hầu [赠 北 城 参 院 震 清 侯]; Tặng Sử quán biên tu Trần công [赠 史 馆 编 修 陈 公]; Tặng Đông Sơn Phủ Lý Trần công trúng Tiến sĩ (Trần công, xác định: Trần Lê Hiệu [陈 黎 校]) [赠 东 山 甫 里 陈 公 中 进 士]; Tặng Kính Giang bá thăng thụ Nghệ An tham hiệp [赠 镜 江 伯 升 授 刈 安 参 协],v.v…Trong các thơ tiễn tặng như đã kê có tên các danh sĩ đầu triều Nguyễn (Tổng trấn Bắc thành, Bắc thành tham viện Chấn Thanh hầu, Tiến sĩ Biên tu sử quán Trần Lê Hiệu v.v…) và nhiều thơ khác tặng Ninh Bình trấn tham hiệp, tặng tri huyện Hương Sơn, tri phủ Đức Thọ, tri huyện bản huyện (tức huyện Hoàng Hóa), tặng Hoan châu danh sĩ Đinh Bạt Nhự v.v… Từ tờ 41b là Liên Khê nam hành tạp vịnh 莲溪南行杂咏. Đầu phần Nam hành tạp vịnh này có bài tựa ngắn của tác giả, phần nhiều có làm thơ ghi lại để ghi nhớ các nơi đã đi qua: Đề Eo ống lộ, Quá Tiên Lý Bùi thị cố trạch, Quá Lục Niên sơn cảm tác, Quá Tiên Sơn từ, Quá Kinh Dương vương từ, Quá An Toàn ký Hàn Khê Bùi công xướng nghĩa sự, Quá Lưỡng trạng nguyên từ, Vọng Thiên Cầm sơn hoài cổ, Quá Nhĩ Luân nhàn diểu, Quá Tam Đồn hoài cổ, Quá Linh Giang tức sự, Quá Trấn Thủ luỹ hoài cổ,v.v… Tiếp sau còn có các bài Hóa Châu trường sa sơn kí, Hóa Châu bạch sa sơn kí, viết về Cồn cát dài và Cồn cát trắng ven biển Quảng Bình, Quảng Trị. Đến tờ 62 có lẽ đã hết tập Nam hành, tờ 63 là bài nói về vị trí chuyển dịch xưa nay của Cửa Hội triều ở Thanh Hóa.” [Ngô Đức Thọ,…Thư mục sách Hán Nôm…, Sđd, tr.220].

(6) Nguyên văn: (猶 金 匱. 國 家 藏 書 之 柜. 晉 陆 雲       : 抽 靈 匱 於 秘 宮, 披 金 縢 於 玄 夏) La Trúc Phong (chủ biên). Hán Ngữ đại từ điển, Hán Ngữ đại từ điển xuất bản xã [Dẫn theo trang: http://www.zdic.net/cd/ci/7/ZdicE7Zdic81ZdicB5257124.htm].

(7) Nguyên văn: [金 匱 亦 作 “金 柜 ”。亦 作“ 金 鐀 ”。 (1) 铜 制 的 柜。古 时 用 以 收 藏 文 献 或 文 物。 汉  贾 谊《新 书 · 胎 教》:“胎 教 之 道,书 之 玉 版,藏 之 金 柜,置 之 宗 庙,以 为 后 世 戒。”《汉 书· 晁 错 传》:“陛 下 之 德 厚 而 得 贤 佐,皆 有 司 之 所 览,刻 於 玉 版,藏 於 金 匱,歷 之 春 秋,纪 之 后 世,为 帝 者 祖 宗” 晋 王 隐 《晋 书· 瑞 异 记》:“ 甘 卓 家 金 匱 鸣,声 似 槌 镜,清 而 悲。” 清 龚 自 珍 《己 亥 杂 诗》 之 十 二:“他 年 金 鐀 如 搜 采,来 叩 空 山 夜 雨 门。” 孙 犁 《<秀 露 集>后 记》:“金 柜 之 藏,不 必 永 存;流 落 村 野,不 必 永 失。”. (2) 引 申 谓 传 之 久 远。《汉 书· 外 戚 传 下 ·孝 成 赵 皇 后》:“愚 臣 既 不 能 深 援 安 危,定 金 匱 之 计;又 不 知 推 演 圣 德,述 先 帝 之 志。” 颜 师 古 注:“金 匱,言 长 久 之 法 可 藏 於 金 匱 石 室 者 也。” (3). 借 指 藏 书。 章 炳 麟 《訄 书· 序 种 姓 下》:“ 李 善 长 、 宋 濂 、 王 袆  并 起 自 蒿 莱,不 覩 金 匮, 古 学 废 秏,而 姓 氏 失 其 律 度, 兹 无 谪 焉。”(4). 比 喻 博 学。  清  李 斗 《扬 州 画 舫 录 ·草 河 录 上》:“先 生 以 金 匮 之 才,历 石 渠  之 选。” (5). 相 士 术 语。 谓 富 贵 之 相。 唐   马 总 《意 林 ·物 理 论》:“三 亭 九 侯,定 于 一 尺 之 面;愚 智 勇 怯,形 于 一 寸 之 目;天 仓、金 匮 以 别 贫 富 贵 贱。(6) 方 言。金 匮 原 指 十 分 珍 贵 的 柜 子,这 里 名 词 作 动 词 或 形 容 词 试 用。在 中 原 地 区(尤 其 在 皖 西) 金 匮 泛 指 珍 爱、溺 爱, 偏 贬 义” [Theo: http://www.zdic.net/cd/ci/8/ZdicE9Zdic87Zdic91262009.htm]

(8) Xem cuộc tranh luận giữa Phan Duy Kha và Hồng Phi - Hương Nao: Phan Duy Kha. “Lê Bật Triệu đã nhìn thấy thi hành Quang Trung?”, Báo An ninh thế giới, URL: http://ca.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=75768 post ngày: Thứ Ba, 16/05/2006; Hồng Phi – Hương Nao. “Có phải Lê Bật Triệu đã chứng kiến cảnh khai quật thi hài vua Quang Trung?” Báo An ninh thế giới, số 528, ra ngày 18/2/2006.

(9) Tư Mã Thiên (thế kỉ I trước CN). Sử kí, Phan Ngọc dịch, Nxb Văn học tái bản, Hà Nội, 2008, tr.81; Xin thảm khảo thêm nguyên bản chữ Hán: (九 月,葬 始 皇 酈 山. 始 皇 初 即 位,穿 治 酈 山,及 並 天 下,天 下 徒 送 詣 七 十 餘 萬 人,穿 三 泉,下 銅 而 致 槨,宮 觀 百 官 奇 器 怪 徙 藏 滿 之。令 匠 作 機 弩 矢,有 所 穿 近 者 輒 射 之。以 水 銀 為 百 川 江 河 大 海,機 相 灌 輸,上 具 天 文,下 具 地 理。以 人 魚 膏 為 燭,度 不 滅 者 久 之) [史 記· 秦 始 皇 本 紀]

(10) Nguyên văn chữ Hán: 旧 五 代 史· 汉 书 ·苏 逢 吉 传: “史 弘 肇 怨 逢 吉 異 己, 逢 吉 謀 求 出 鎭 以 避 之, 既 而 中 辍. 人 问 其 故,逢 吉 曰:‘苟 捨 此 而 去, 史 公  一 处 分,吾 齑 粉 矣” [Thư Tân Thành  舒新城,… biên soạn, Từ Hải hợp đính bản  辭海合订本, Trung Hoa thư cục, Thượng Hải,1947, tr.571].

(11) Nguyên văn chữ Hán: 明 史 , 李 善 长 传: “当  元  之 季,欲 为 此 者 何 限,莫 不 身 为 齑 粉,覆 宗 绝 祀,能 保 首 领 者 几 何 人 哉” [Theo http://www.zdic.net/cd/ci/15/ZdicE9ZdicBDZdic91344830.htm]

(11) Quốc sử quán triều Nguyễn (thế kỉ XIX). Đại Nam thực lục, Tổ phiên dịch Viện sử học dịch, tập 1, Nxb Giáo dục tái bản lần 1, Hà Nội, 2001, tr.531.

 


[1] Bài đã đăng trên Tạp chí Nghiên cứu và phát triển, Huế, số 4/2015.

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020