Văn học Việt Nam trung đại

Nguyễn Du, Từ giải ảo Trung Hoa đến giải thiêng chế độ phong kiến ( Nghiên cứu trường hợp “ Bắc Hành Tạp Lục”)


11-10-2020

Bắc hành tạp lục là tập thơ chữ Hán được Nguyễn Du sáng tác trong thời gian ông dẫn đầu sứ đoàn Việt Nam sang Trung Hoa vào năm 1813-1814. Đây là tác phẩm đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam phản ánh một cách chi tiết, sinh động và phong phú thực trạng xã hội Trung Hoa đương thời. Lần đầu tiên trong lịch sử, Nguyễn Du cho chúng ta biết về một đất nước Trung Hoa rộng lớn nhưng không bằng phẳng, tươi đẹp mà gập ghềnh, trắc trở; về một truyền thống kiêu hùng nhưng cũng lắm bi thương; về một dân tộc đông đúc nhưng cam chịu, nghèo khổ và đau đớn, và đặc biệt, về một chế độ phong kiến mạt kỳ đầy phi lý và mất hết sức sống khi nó không còn khả năng giúp cho con người được thực hiện những quyền sống, quyền làm người căn bản mà đáng ra họ phải có. “Những điều trông thấy” của Nguyễn Du trên đất nước Trung Hoa sẽ càng khẳng định chắc chắn hơn cho “những điều trông thấy” của ông trên đất nước Việt Nam về mô hình chế độ phong kiến mạt kỳ nói chung đã trở nên già cỗi, lỗi thời, càng giúp cho chúng ta thấy rõ hơn tư tưởng “giải ảo”, “giải thiêng” “giải Hán hóa” của ông đối với chế độ phong kiến nói chung, đối với “mô hình lý tưởng” Trung Hoa nói riêng.
 

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020