LỜI BÌNH HOA NGUYÊN THI THẢO VÀ QUAN NIỆM THI HỌC
CỦA NGUYỄN DU
TS Nguyễn Thanh Tùng
Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội
1. Mở đầu
Cách chừng 10 năm đổ về trước, muốn tìm hiểu quan niệm thi học của Nguyễn Du, người ta chỉ có một cách là khảo sát, diễn thích rồi quy nạp từ những “tuyên ngôn nghệ thuật” tản mạn trong các tác phẩm của Nguyễn Du hoặc từ chính “thực tiễn sáng tác” những tác phẩm đó. Song le, cách thức này nhiều khi thường dẫn đến những kết luận suy diễn, võ đoán, hiện đại hoá theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”. Hơn nữa, nếu đúng thì có thể đó cũng chỉ là những quan niệm tự phát, vô tình, chưa được nhà thơ lưu tâm, tự giác. Vì vậy, giá trị về mặt lí luận của những tìm tòi ấy có thể chưa thực sự cao và thuyết phục. Giới nghiên cứu vẫn luôn khao khát có được những tư liệu thể hiện trực tiếp, chính thức quan niệm thi học của Nguyễn Du như những chuyên luận, hoặc ít ra là những lời bình, luận về thơ của bản thân ông. Khao khát đó phần nào được đáp ứng kể từ khi phát hiện ra những lời bình của Nguyễn Du về thơ trong tập Hoa Nguyên thi thảo (Lê Quang Định) qua những lần công bố của Hoài Anh (2003)(1), Nguyễn Đăng Na (2005(2), 2006(3)). Cũng từ những công trình này, giá trị lí luận của những lời bình đó cũng từng bước được “mổ xẻ”, khai thác với sự tiếp nối của Nguyễn Đình Phức (2008)(4), Lê Quang Trường (2012)(5),v.v... Tuy nhiên, vì đây là sản phẩm của một “đại bút”, lại liên quan đến lí luận văn học cổ phương Đông, nên việc đọc hiểu, tìm tòi chưa thể nói là đã hoàn tất. Từ chữ nghĩa đến cách hiểu, cách hệ thống hoá các quan niệm thi học của đại thi hào vẫn còn tiềm tàng khả năng khai thác, nhất là trong sự liên hệ với truyền thống thi học của các nước “Đồng văn”. Bài viết của chúng tôi ra đời từ lí do và bối cảnh học thuật như vậy.
2. Nội dung
Trong Hoa Nguyên thi thảo, Nguyễn Du đã viết cả thảy 33 lời bình cho 33 bài thơ(6). Qua 33 lời bình ấy, theo chúng tôi, quan niệm thi học của Nguyễn Du được thể hiện ở 4 vấn đề chính sau đây.
2.1. Quan niệm về sự học tập và sáng tạo trong thơ
· Học tập, kế thừa tiền nhân nhưng phải sáng tạo
Tư tưởng sùng cổ, hoài cổ, thậm chí “nệ cổ” vốn là một đặc điểm cơ bản của văn hoá, văn học trung đại. Vì vậy, trong thi học trung đại, việc nhấn mạnh đến sự học tập tiền nhân cũng là một hiện tượng phổ biến, nếu không muốn nói là rất đậm nét.
Quan niệm thi học của Nguyễn Du cũng không ra ngoài quỹ đạo ấy. Bình thơ Lê Quang Định, Nguyễn Du chỉ ra một loạt những kế thừa cổ nhân của nhà thơ này với ngầm ý tán dương. Chẳng hạn, bình bài Lư Tư Đường dạ bạc, ông phát hiện sự tương đồng, có học tập của thơ Lê Quang Định với thơ Đỗ Phủ (712 - 770): “So với câu “phụ diêm” (đội muối) và “đả cổ” (đánh trống) [của Đỗ Phủ] có cùng một ý tứ miêu tả” (dữ phụ diêm đả cổ chi cú, đồng nhất bút ý). Tình hình cũng như vậy đối với bài Tiêu Tương chu hành tạp hứng - Ngọ trà hứng: “Cú pháp giống như thơ Đỗ Phủ” (Cú pháp như Đỗ). Bình bài Đăng Hoàng Hạc lâu tác, Nguyễn Du cũng chỉ ra sự học tập thơ Trần Cương Trung (1240 - 1303) của nó: “Câu thơ này vốn từ thơ của Trần Trung mà cấu tứ nên” (Thử cú tòng Trần Trung cấu xuất). Bình bài Hựu thứ Cấn Trai vận, Nguyễn Du chỉ ra: “Câu [Nhạ] đới hà [hương] nhập Sở [quan]” lấy từ Li Tao” (Đới hà nhập Sở, đắc chi Tao kinh). Khẳng định sự kế thừa cổ nhân, thi học trung đại còn hay nói đến “ý xưa” (cổ ý). Nguyễn Du cũng 2 lần nói đến “ý cổ” (cổ ý) (lời bình bài Sở trung, bài Nam Ninh kỉ thắng) với ý khen ngợi Lê Quang Định là vì như vậy.
Nhưng song hành với việc học tập tiền nhân, Nguyễn Du nhấn mạnh đến sự sáng tạo, sự mới mẻ của hiện tại. Với bài Đăng Hoàng Hạc Lâu tác đó là việc tạo ra “tứ thơ mới, có thể vịnh lầu Hoàng Hạc được” (tân tứ, khả dĩ vịnh Hoàng Hạc hĩ). Với bài Tiêu Tương chu hành tạp hứng - Ngọ trà hứng, đó là việc có ‘tình thú, vận vị’ riêng” (biệt hữu phong chỉ). Bên cạnh đó, nhiều bài Nguyễn Du lại chỉ ra tính mới lạ, sáng tân của nó với sự cổ vũ nhiệt thành. Chẳng hạn, bình bài Biệt Nam Ninh phân phủ Hoàng Đức Minh Nguyễn Du đề cao sự sáng tạo “đẩy lùi” cả cổ nhân: “Những câu thơ hay như thế này, quát người xưa lui hàng mấy bước” (Tự thử giai cú, bả cổ nhân hát thoái sổ bộ). Bình bài Đề phiến tặng Từ Sư gia ông khen nhà thơ: “Tạo lời thơ mới lạ” (Tạo ngữ tân kì). Quan điểm về sự “sáng tân” như vậy cho thấy tinh thần “bất nệ cổ”, tinh thần tự chủ của Nguyễn Du nói riêng và thời đại Nguyễn Du nói chung. Chẳng hạn, cháu của Nguyễn Du là Nguyễn Hành (1771 - 1824) từng phát biểu: “Tôi thường đọc sách của người xưa, tìm hiểu việc làm của người xưa, nói không hết lòng hâm mộ. Nhưng mơ tưởng về người xưa, sao bằng mắt thấy tai nghe về đời nay! Cầu ở nước ngoài, sao bằng tìm được ở nước nhà” (Ngô tòng độc cổ nhân thư, khảo cổ nhân sự, mạc bất luyện, nhiên hân mộ. Phù mộng tưởng ư cổ, hát nhược nhĩ mục ư kim; cầu chi tha bang, hà như xuất tự ngã quốc?) [Thất cảm tập tự](7). Muộn hơn một chút, Nguyễn Phúc Miên Trinh (1820 - 1897) cũng nói: “Thơ của người đời nay không bằng xưa, việc làm của người đời nay lại càng chẳng bằng xưa, phải chăng đấy là trọng xa khinh gần; cả đến những ai cứ làm cái việc lôi kéo thơ về với cận đại, thì lại mắc phải cái tệ giẫm chân tại chỗ. Tại sao lại cho rằng thơ nay không bằng thơ xưa? Tôi thường hay nghi ngờ lời nói ấy” (Kim nhân chi thi bất như cổ, kim nhân chi hành dũ bất như cổ. Khởi phi quý viễn tiện cận dư. Phù cam ư nhuyễn cận, khước bộ tự hoạ, hà kịch bất như cổ da! Dư thường nghi kì ngôn) [Tuần Cai biệt thự thi tập tự](8). Vậy là, quan điểm của Nguyễn Du có tính thời đại và tính dự báo.
· Khuynh hướng đề cao thơ Đường, thơ Đỗ Phủ
Trong việc học tập, kế thừa cổ nhân, ta thấy Nguyễn Du thường đề cao việc học tập thơ Đường, đặc biệt là thơ Đỗ Phủ. Khen thơ bạn, ông lấy chuẩn mực “phong cách người thời Đường”, “cú pháp giống như thơ Đỗ Phủ”, có cùng “bút ý” với thơ Đỗ Phủ,... Không chỉ trong những lời bình Hoa Nguyên thi thảo, trong các sáng tác khác, một đôi lần, Nguyễn Du cũng thể hiện rõ xu hướng trên. Chẳng hạn, bình thơ Lư Chiếu Lân (663 - 689), Vi Ứng Vật (737 - 792), Nguyễn Du viết: “Nghìn năm sau thời Tam Đường/ Vắng lặng mãi chẳng nghe có ai nổi tiếng” (Tam Đường thiên tải hậu/ Tịch mịch cửu vô văn) [Đề Vi, Lư tập hậu](9). Đặc biệt, Nguyễn Du rất đề cao Đỗ Phủ: “Văn chương để lại muôn đời, bậc thầy của muôn đời/ Suốt đời ta khâm phục, chưa chút đơn sai” (Thiên cổ văn chương thiên cổ sư/ Bình sinh bội phục vị thường li) [Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ, bài 1](10); “Ai cũng khen tài thơ đáng bậc thầy muôn đời” (Cộng tiện thi danh sư bách thế) [Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ, bài 2](11),v.v... Trong thơ chữ Hán, truyện thơ Nôm của Nguyễn Du ta thấy rõ dấu ấn của thơ Đường (Lí Bạch, Sầm Tham, Thôi Hộ, Bạch Cư Dị,... đặc biệt là Đỗ Phủ). Đây là một điều dĩ nhiên, nhưng cũng có nguyên nhân sâu xa của nó. Dĩ nhiên vì thơ Đường là đỉnh cao của thơ ca Trung Hoa nói riêng và nhân loại nói chung; Đỗ Phủ lại là một trong những đỉnh cao của thơ Đường, được suy tôn là “thi thánh”. Học tập thơ Đường, học tập Đỗ Phủ là học tập tinh hoa thơ ca nhân loại. Học tập mà sáng tạo càng quý giá. Bên cạnh đó, việc học tập này cũng có nguyên nhân sâu xa từ thị hiếu thơ ca của cá nhân Nguyễn Du và thời đại Nguyễn Du. Về mặt cá nhân, trong thơ chữ Hán và thơ Nôm Nguyễn Du ta thấy nhiều lần ông học tập, vay mượn thơ Đường, thơ Đỗ Phủ. Hơn thế, không ít lần ông còn bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình với thơ Đường, thơ Đỗ Phủ... Về mặt thời đại, thời Nguyễn Du cũng là thời có sự chuyển hướng trong thị hiếu thơ: từ sùng thượng thơ Tống sang sùng thượng thơ Đường; từ sự sùng thượng thơ của Chu Hi, Trình Di, Âu Dương Tu sang sùng thượng thơ Lí Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị,... Đây là sự chuẩn bị cho sự xuất hiện của các lí thuyết thi học mới như thuyết cách điệu, thuyết thần vận mà tôn chỉ chung của chúng là “thi tất Thịnh Đường”(12). Như vậy, với quan niệm của mình, Nguyễn Du đã có đóng góp nhất định cho sự vận động, phát triển của tư tưởng thi học Việt Nam thời trung đại.
2.2. Quan niệm về sự “dụng công” trong thơ ca
· Đề cao sự tự nhiên, thiên thành
“Tự nhiên”, “thiên thành” là một phẩm chất mà người xưa đề cao. Từ các tuyên ngôn đến các giai thoại về tài danh hay về hoàn cảnh ra đời nhiều bài thơ, tinh thần trọng tự nhiên, thiên thành đều được nhấn mạnh. Nguyễn Du cũng vậy. Trước hết và trên hết, “Nguyễn Du thường đề cao những bài viết một cách tự nhiên, không cầu kì đẽo gọt, không phô trương”(13). Bình bài Kí hoài Bắc Thành Nguyễn Tổng trấn, ông khen: “Không cần chạm trổ, tỉa tót, tự đã có ý vị đọng lại” (Bất tá điêu khắc, tự hữu dư vị). Ở đây, Nguyễn Du xem thường việc “điêu khắc” tức “điêu trùng khắc triện” (nghĩa là chú ý quá nhiều vào tiểu kĩ, tiểu xảo). Bình bài Quá Ngũ Hiểm than, ông ca ngợi: “Cảnh thực trước mắt, không phải do người viết tìm tòi” (Nhãn tiền chân cảnh, bất tại sưu sách). Bình bài Quá Vũ Thắng quan, nhà thơ nhấn mạnh: “Cú pháp có lực, nhưng không phải vì [người viết] dùng lực” (Cú pháp hữu lực, bất tại dụng lực). Bình bài Khách trung ngộ huý nhật cảm tác, ông cho bài thơ “sinh ra từ tình, thú tự nhiên” (xuất tự thiên thú). Bình bài Đề phiến tặng Tương Đàm Lục Dự tri huyện, Nguyễn Du nói đến sự: “Vô tình mà nảy sinh tình” (Vô tình sinh tình). Bình bài Hưởng Hồ, Nguyễn Du nhấn mạnh đến “linh khí” của chữ nghĩa bài thơ. “Linh khí” là một dạng sáng tác đến từ tự nhiên. Lý Đức Dụ thời Đường trong Văn chương luận nói: “Văn chương là một vật giống như là linh khí tự nhiên, bất chợt mà tới, không nghĩ mà đến (Văn chi vi vật, tự nhiên linh khí, hốt hoảng nhi lai, bất tư nhi chí”, như vậy, “linh khí” ở đây chính là một dạng biểu hiện vi diệu của tình tứ trong sáng tác “không cố ý mà tìm nhau, không hẹn mà gặp nhau” (vô ý hồ tương cầu, bất kì nhi tương tao) [Tô Tuân, Trọng huynh tự Văn Phủ thuyết](14). Như vậy, làm thơ không phải cứ muốn là được, phải có sự gặp gỡ giữa công phu đào luyện và sự nhạy cảm tự nhiên.
· Nhưng vẫn chú ý đến sự dụng công, sự “thôi xao”
Nói về sự “dụng công”, “thôi xao”, người xưa thường đề cập đến 3 vấn đề: khởi kết (cách khởi đầu, kết thúc bài thơ), cú pháp (phép đặt câu), tự nhãn (mắt chữ: chữ thần tình). Nhà phê bình thơ ca thời Nam Tống là Nghiêm Vũ trong Thương Lang thi thoại có nói: “Việc dụng công trong thơ thì có ba, đó là: khởi kết, cú pháp, tự nhãn” (Thi chi dụng công hữu tam, viết khởi kết, viết cú pháp, viết tự nhãn)(15). Khi bình thơ, “Nguyễn Du cũng hết sức quan tâm đến ba điều dụng công nói trên”(16).
Về khởi kết, Nguyễn Du thường chú ý đến việc “khởi” (vào đề) tự nhiên, xuất thần; còn kết thúc thì phải có “dư âm”, “dư vị”. Chẳng hạn, bình bài Hựu bộ Trịnh Cấn Trai nguyên vận, ông tán dương: “Câu đầu vút lên, ánh sáng toé ra bốn phía, [chói loà] không thể nhìn thẳng được” (Khởi cú đẩu nhiên, quang mang tứ xạ, bất khả chính thị). Bình bài Đề phiến tặng Tương Đàm Lục Dự tri huyện, Nguyễn Du cảm nhận thấy: “câu cuối có ý vị” (Lạc cú hữu vị). Đây đúng là công thức truyền thống của một bài thơ hay.
Về cú pháp (phép đặt câu), Nguyễn Du thường chú ý đến cách đặt câu “viên hoạt” (linh hoạt, sinh động) hoặc khoẻ khoắn, chắc chắn (hữu lực, tráng kiện) hoặc “giống như thơ Đỗ Phủ” (vừa “viên hoạt” vừa chắc chắn, khoẻ khoắn). Bình bài Lữ trung trùng cửu, Nguyễn Du giải thích rõ về sự “viên hoạt” như sau: “Cú pháp “viên hoạt”, như hạt châu lăn trên mâm”. (Cú pháp viên hoạt, như châu tẩu bàn). Thật không có cách nói nào rõ hơn, tương tự người xưa hình dung câu thơ tròn trặn, đẹp đẽ lưu chuyển “như viên ngọc tròn lăn” (như chuyển hoàn châu) [Nhị thập tứ thi phẩm](17) hay “như hòn đạn lăn tròn” (lưu chuyển như đạn hoàn) [Nam sử, “Vương Quân truyện”](18). Bình bài Quá Khởi Kính than đề Mã Phục Ba từ, Nguyễn Du giải thích rõ hơn về sự khoẻ khoắn: “Cú pháp ‘tráng kiện”, giống như là ông ấy” (Cú pháp tráng kiện, hữu như thị ông). Cách so sánh sự “tráng kiện” của cú pháp với một con người cụ thể (ở đây theo chúng tôi là Mã Viện) cũng không thể nào rõ hơn nữa. Để nói về việc Nguyễn Du thích sự khoẻ khoắn của câu thơ, tưởng không thể không nhắc đến lời bình bài Quá Dự Nhượng kiều hữu cảm: “Tâm hồn cao rộng, tạo lời khoẻ khoắn, phấn chấn” (Hung thứ cao mại, tạo ngữ tráng vượng).
Về “tự nhãn” (mắt chữ), Nguyễn Du cũng hay chú ý đến những chữ hay, chữ lạ, chữ có “thâm ý”, có “linh khí”. Chẳng hạn, bình bài Khách trung ngộ huý nhật cảm tác: “Hai chữ nan, dị, dường như có ý sâu xa” (Nan dị nhị tự, tự hữu thâm ý). Bình bài Hưởng Hồ, Nguyễn Du nhấn mạnh: “Chữ “hoán” dường như có “linh khí” (Hoán tự nhược hữu linh khí). Bình bài Đề phiến tặng Từ Sư gia, Nguyễn Du lưu ý: “Hai chữ “ám thanh” vừa gần với sự thực vừa có phần kì lạ, hiểm hóc” (Ám thanh nhị tự, hạ đắc thiết thực hiểm quái). Đúng là đọc thơ Lê Quang Định mà được Nguyễn Du chỉ cho những chữ đáng chú ý như thế thì ta sẽ thẩm được thơ ông hay hơn. Như vậy, ai bảo Nguyễn Du không chú ý “thôi xao”, không chú ý đến “mắt thơ”? Người xưa thường ví von: “Ngâm được câu thơ hay cháy mất mấy sợi râu”. Chắc hẳn Nguyễn Du cũng tán đồng, nhưng chỉ có điều, ông không bao giờ chỉ dừng lại ở đó.
2.3. Quan niệm về phong cách thơ
· Luyện chữ không bằng luyện câu, luyện câu không bằng luyện cách
Như đã nói, Nguyễn Du khá chú ý đến việc “dụng công” (khởi kết, cú pháp, nhãn tự). Nhưng suy cho cùng đó vẫn chỉ là tiểu xảo, tiểu kĩ. Nếu dừng lại ở đó, Nguyễn Du không phải nhà thơ lớn. Lại như đã nói, Nguyễn Du ưa sự tự nhiên, thiên thành, làm thơ nhẹ nhàng như không. Nhưng sự tự nhiên, thiên thành này không phải là quả sung chín rụng vào miệng kẻ lười biếng. Nó cũng phải được luyện. Ở đây chúng tôi muốn nói đến việc “luyện cách” (rèn luyện phong cách) cho thơ ca. Nhà sư Thích Phổ Văn (? - ?) thời Đường đã đúc kết: “Luyện chữ không bằng luyện câu, luyện câu không bằng luyện cách” (Luyện tự bất như luyện cú, luyện cú bất như luyện cách)(19). Nhà thơ Bạch Cư Dị (772 - 846) cũng nói ý gần như vậy: “Luyện câu không bằng luyện chữ, luyện chữ không bằng luyện ý, luyện ý không bằng luyên cách” (Luyện cú bất như luyện tự, luyện tự bất như luyện ý, luyện ý bất như luyện cách)(20). Những quan niệm như vậy ở trường hợp Nguyễn Du cũng rất đúng. Bởi vậy, điều mà Nguyễn Du quan tâm nhất khi bình thơ (và hẳn là khi làm thơ) là phải nhận ra được “phong cách”. Người xưa (Đông cũng như Tây) cho rằng “thơ là người” vì vậy phong cách thơ cũng là phong cách của nhà thơ. Vì thế mà “luyện cách” thơ cũng là khó nhất. Khi bình thơ Lê Quang Định, Nguyễn Du cũng nói nhiều nhất đến “phong cách” và những biến thể của nó như: phong thái, phong trí, phong chỉ, hung thứ,... Nhiều chỗ, tuy Nguyễn Du không đề cập đến mấy chữ này, nhưng cách bình của ông là cách bình tổng thể, ấn tượng cũng tạo ra cho người đọc hình dung về phong cách của bài thơ và trên hết là phong cách của nhà thơ đó, như nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Na đã chỉ ra “[ông] rất hay đề cập tới phong cách thơ. Ông thích những bài thơ có phong cách của cổ nhân (bài 5, 16, 18), đề cao những bài mang phong vị Đường thi, Tao kinh – Li tao của Khuất Nguyên (bài 7), hoặc phong cách đại gia (bài 10), “đĩnh đặc” – đặc biệt xuất chúng (bài 18), có vẻ như Đỗ Phủ nhưng lại mang phong vị riêng của người cầm bút (bài 27). Tố Như cũng thích những bài đằm thắm chất ôn nhu (bài 25), có ý vị (bài 9), để lại trong lòng người đọc một dư ba không thể quên (bài 9, 21)...”(21). Đúng là, phong cách mới là cái định hình tên tuổi, tầm vóc một nhà thơ. Việc tập trung và bình luận phong cách thơ cũng cho thấy một kinh nghiệm sáng tác, thẩm bình thơ rất sâu sắc của Nguyễn Du.
· Phong cách “đại gia”
Như đã nói, Nguyễn Du “rất hay đề cập đến phong cách thơ” và chú ý đến sự đa dạng của nó. Nhưng ông thích nhất loại nào? Trả lời được câu hỏi này ta mới có thể đánh giá được thiên hướng thi học của Nguyễn Du. Theo chúng tôi, đó chính là phong cách mà Nguyễn Du định danh là “đại gia” (trong tương quan đối lập với “tiểu gia”). Thế nào là phong cách “đại gia”? Trong một lời bình, Nguyễn Du đã tự định nghĩa: “Nhàn nhã, nghiêm trang mà ung dung, đúng là phong cách đại gia” (Nhàn nhã chỉnh hạ, đại gia phong cách) [Bình bài Bộ Thiên Đô Am thi vận thư tặng Viên ngoại lang Uông]. “Chỉnh hạ”, “Nhàn nhã” là những cách hình dung về “phong cách đại gia”. “Chỉnh hạ” nghĩa là vừa nghiêm chỉnh, cẩn mật lại vừa thong dong, tự tại. “Nhàn nhã” tự nó đã nói lên chất khoan thai, trang nhã của ngôn từ. Nhưng theo chúng tôi, “phong cách đại gia” không chỉ có vậy. “Nhàn nhã”, “chỉnh hạ” chỉ là biểu hiện cụ thể của nó trong một bài thơ. Nguyễn Du còn có những cách nói khác, trong những bài thơ khác. Chẳng hạn, phong cách “đại gia” có thể là “phong cách người thời Đường” như trong lời bình bài Hựu thứ Cấn Trai vận: “Có phong cách của người thời Đường” (Đường nhân phong cách). Và nó còn là tập hợp của những “phẩm”, những “chất” khác. Chẳng hạn, ta thấy Nguyễn Du hay nói đến sự riêng biệt về phong cách (biệt hữu phong chỉ) [Bình bài Tiêu Tương chu hành tạp hứng - Ngọ trà hứng]; thậm chí đặc biệt xuất chúng (đĩnh đặc) [Bình bài Nam Ninh kỷ thắng]; cao siêu, khác xa (cao mại, siêu mại, thác lạc thác lạc) [Bình bài Quá Hàm Đan Lã Tiên Ông từ, Quá Dự Nhượng kiều hữu cảm, Toàn Châu khách trung Đoan ngọ]; “tình thú, vận vị” vô cùng, vô tận (phong trí du nhiên) [Bình bài Ngô Châu trừ dạ], “đi đến tận cùng... tình thú, ý cảnh” (cực ... trí) [Bình bài Đáp tiễn đoản tống Hà Gian phân phủ Lý Phụng Thuỵ], mới lạ (tân kì), quái lạ (hiểm quái) [Bình bài Đề phiến tặng Từ Sư gia]; không gì sánh nổi (vô thất) [Bình bài Trư Sơn Đường vãn bạc], tứ thơ mới (tân tứ) [Bình bài Đăng Hoàng Hạc lâu tác],v.v...
Tất nhiên, trái ngược lại với phong cách “đại gia” là phong cách “tiểu gia”. Bình bài Toàn Châu khách trung Đoan ngọ, Nguyễn Du thẳng thắn chỉ ra: “Những vấn đề cao siêu, phức tạp, những kẻ tiểu gia không có khả năng nói, cũng không dám nói” (Thác thác lạc lạc, tiểu gia bất năng đạo, diệc bất cảm đạo). Ở những chỗ khác, tuy ông không nói trực tiếp, nhưng ta có thể theo phép loại suy tương phản mà suy ra, phong cách “tiểu gia” chính là: “đẽo gọt chi li” (điêu khắc) [Bình bài Kí hoài Bắc Thành Nguyễn Tổng trấn], “cố gắng tìm tòi” (sưu sách) [Bình bài Quá Ngũ Hiểm than], “dùng sức” (dụng lực) [Bình bài Quá Vũ Thắng quan] v.v...
Tất nhiên, để có được cái riêng, cái cao siêu, xuất chúng như thế thì nhà thơ cần có nhiều phẩm chất khác, nhưng cái không thể thiếu được là cá tính, tài năng. Đây là điều Nguyễn Du không nói ra, nhưng chúng ta phải tự hiểu.
2.4. Quan niệm về ngôn ngữ thơ (lời thơ)
Nguyễn Du hay nói đến việc “tạo ngữ” (sáng tạo lời thơ), tức quan tâm lớn đến ngôn ngữ thơ. Việc đề cập nhiều đến sự dụng công (khởi kết, cú pháp, tự nhãn) cũng chính là biểu hiện của sự quan tâm đó. Vậy, quan niệm của Nguyễn Du về ngôn ngữ thơ (lời thơ) là gì? Theo chúng tôi, có hai quan điểm sau đây:
· Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ trực quan (tả cảnh), trực cảm (tả tình)
Ngôn ngữ trực quan là thứ ngôn ngữ khiến người ta có thể hình dung ngay được sự vật mô tả. Đặc điểm đó thể hiện rõ nhất trong việc tả cảnh mà người xưa đúc rút thành quan niệm “thi trung hữu hoạ”, “cảnh sinh tượng ngoại”, “vật cảnh”,v.v... Nguyễn Du cũng thường chú ý đến hiện tượng này. Chẳng hạn, bình bài Lô Giang tảo phiếm, Nguyễn Du nói ngắn gọn: “Cảnh buổi sáng như bức vẽ” (Hiểu cảnh như hoạ). Bình bài Quá Ngũ Hiểm than, Nguyễn Du xuýt xoa: “Cảnh thực trước mắt” (Nhãn tiền chân cảnh). “Chân cảnh” cũng như “thực cảnh” trong Nhị thập tứ thi phẩm của Tư Không Đồ. Câu này cũng có thể dịch là “Cảnh thực trước mắt, [người đọc] không cần phải tìm kiếm đâu xa”. Chỗ khác, Nguyễn Du nói đến khái niệm “thiết thực” (gần với sự thực) khi bình hai chữ “ám thanh” trong bài Đề phiến tặng Từ Sư gia cũng với thiên hướng đề cao khả năng miêu tả chân thực cảnh vật của ngôn ngữ thơ. Đó cũng chính là kiểu “trực tả” mà Nguyễn Du nhắc đến trong lời bình bài Trư Sơn Đường vãn bạc: “Thơ theo ngòi bút mà tả trực tiếp, cứng cỏi, khoẻ khoắn không gì sánh được” (Tuỳ bút trực tả, kính kiện vô sất). “Kính kiện” theo Nhị thập tứ Thi phẩm của Tư Không Đồ diễn giải là: “Thần vận hành như hư không/ Khí vận hành như cầu vồng/ Núi Vu Hiệp cao ngất/ Mây bay liền gió/...” (Hành thần như không/ Hành khí như hồng/ Vu Hiệp thiên tầm/ Tẩu vân liên phong/...)(22) . Hay kiểu “tuỳ diện mạo mà tiện tả” (Tuỳ mạo tiện tả) trong lời bình bài Lư Tư Đường dạ bạc cũng là ngòi bút tả cảnh tài tình của Lê Quang Định. Chỗ khác, Nguyễn Du nói đến khái niệm “thiết thực” (gần với sự thực) khi bình hai chữ “ám thanh” trong bài Đề phiến tặng Từ Sư gia cũng là với ý “rất sát sự thực”, “chân thực”.
Ngôn ngữ trực cảm lại khiến người đọc cảm nhận ngay được tình cảm của người cầm bút. Nguyễn Du thường hay đọc thẳng ra cảm xúc trong những bài thơ của Lê Quang Định và khen khả năng biểu cảm của ngôn ngữ thơ ông. Ông cũng hay nhấn mạnh đến “tình thú tự nhiên” (thiên thú), “tình thú, vận vị vô hạn” (phong trí du nhiên), “tâm hồn” (hung thứ), “vô tình sinh tình”,v.v... Chẳng hạn, bình bài Đáp tiễn đoản tống Hà Gian phân phủ Lý Phụng Thuỵ, Nguyễn Du khen khả năng tác động đến người đọc của bài thơ: “Đi đến tận cùng tình, thú của người làm thơ”. Bình bài Đề phiến tặng Từ Sư gia, ông nhận ra khả năng lời thơ: “làm tăng khí sắc cho người không may mắn” (dữ bất ngộ tăng sắc). Tương tự như vậy với lời bình bài Lư tư, Nguyễn Du cho rằng: “Một lời trong đó, khiến người ta cảm khái vô hạn” (Nhất ngữ trung, linh nhân vô hạn cảm khái). Bình bài Nam Ninh kỷ thắng, Nguyễn Du cũng chú ý đến “lời thơ có ý cảm khái” (ngữ hữu cảm khái). Bình bài Toàn Châu khách trung Đoan ngọ, người bình chú ý đến: “Lời thơ có sự “ôn hậu” (Ngữ hữu ôn hậu). “Ôn hậu” vốn là “thi giáo” (ôn, nhu, đôn, hậu) của Khổng Tử. Thuật ngữ này nhiều khi đã trở thành sáo ngữ trong thi luận của các nhà Nho. Tuy nhiên, ở đây, “ôn hậu” nói về tấm lòng với cha mẹ, với bậc quân chủ, với đất nước rất là chân thành và khớp với cảm xúc thật trong bài thơ.
· Ngôn ngữ thơ là ngôn ngữ hàm súc (nhiều ý vị), sắc sảo (tả thần)
Thi học cổ rất coi trọng ngôn ngữ hàm súc. Điều đó được thể hiện trong khá nhiều mệnh đề như: “ngôn hữu tận nhi ý vô cùng”, “ngôn bất tận ý”, “cam dư chi vị”, “huyền ngoại chi âm”, “vị ngoại chi vị”, “vị ngoại chi chỉ”, “công phu tại thi ngoại”, “hàm súc”, “đạm nhi hữu vị”, “diệu tại hàm hồ”, “Thiền thú”, “Thiền lí”,v.v... Nguyễn Du khi bình thơ cũng chú ý đến đặc điểm này. Bình bài Kí hoài Bắc Thành Nguyễn Tổng trấn, ông viết: “... tự đã có ý vị đọng lại” (tự hữu dư vị). “Dư vị” chính là “cam dư chi vị”, hay cái ý ở ngoài lời, ý vị bất tận trong một khuôn khổ hữu hạn của cái vỏ ngôn ngữ. Bình bài Đề phiến tặng Tương Đàm Lục Dự tri huyện, Nguyễn Du tiếp tục nói đến sự nảy sinh tình ý của thơ bên ngoài ngôn ngữ hiển hiện và ý vị còn đọng lại khi bài thơ đã kết thúc: “vô tình mà sinh tình, câu cuối có ý vị” (Vô tình sinh tình, lạc cú hữu vị). Bình bài Khách trung ngộ huý nhật cảm tác, nhà thơ chú ý đến những có “thâm ý” (ý sâu xa). Một trong những điều làm nên sự hàm súc của ngôn ngữ thơ, người xưa đặc biệt chú ý đến phẩm chất “đạm” (nhạt nhoà, mờ ảo). Chính phẩm chất đó đã tạo cho ngôn ngữ thơ khả năng biểu hiện vô cùng, vô tận tựa như biểu hiện cái khó biểu hiện nhất là “đạo” huyền diệu. Vì thế, Nguyễn Du cũng ưa thích nói đến cái “đạm” trong thơ. Bình bài Sở trung, ông khen: “Trang nhã, đạm bạc, có ý xưa” (Nhã đạm, hữu cổ ý). Bình bài Ngô Châu trừ dạ: “Lẽ huyền diệu về sự đắp đổi tuần hoàn, một lời nói ra, “tình thú, vận vị” bất tận, lúc trầm thấp lúc cao xa, trong cái đạm nhạt có cái ý vị”. Quả vậy! Cái Nguyễn Du nhấn mạnh nhất ở đây là “trong cái đạm có ý vị” mà cụ thể ở đây là nói ra được cái “lẽ huyền diệu về sự đắp đổi tuần hoàn” hay ở bài Hựu bộ Trịnh Cấn Trai nguyên vận là: “Lời thơ có triết lí Thiền” (Ngữ hữu Thiền lí). Đây vừa là lời bình về nội dung (chất Thiền), nhưng cũng là lời bình về hình thức nghệ thuật (sự cô đọng, đạm mà có khí vị).
Thi học cổ cũng rất coi trọng loại ngôn ngữ sắc sảo (thường gọi là “đắt”), có khả năng “tả thần”. Điều đó thường được thể hiện bằng các quan niệm, khái niệm như: “vận ngoại chi trí”, “nhập thần”, “linh cảm”, “thần tự”, “nhãn tự”,v.v... Ở trên ta đã đề cập đến việc Nguyễn Du chú ý đến “tự nhãn”. Đó là một biểu hiện của việc đề cao khả năng “tả thần” của ngôn ngữ thơ. Chẳng hạn, bình bài Hưởng Hồ, Nguyễn Du chỉ chú ý đến chữ “hoán” có “linh khí”. Bên cạnh đó, ta cũng thấy Nguyễn Du hay nói đến cái thần thái của ngòi bút, của phong cách (bút thái, phong thái) như một sự kì diệu của ngôn ngữ. Chẳng hạn, bình bài Đăng Kim Kê nham: “Dùng hình ảnh của áo trắng “sống” để phóng chiếu ra thành áo trắng “chết”, bút pháp ở đây là biến cái thực thành cái hư” (Dĩ hoạt bạch y, ảnh xuất tử bạch y, bút thái huyễn hoá). Bình bài Đề mỹ nhân dao lỗ đồ, Nguyễn Du khen: “Phong thái trôi chảy, dường như có mùi son phấn” (Phong thái lưu động, tự hữu chi phấn khí). “Lưu động” là một “phẩm” trong Nhị thập tứ thi phẩm, chỉ sự sinh động, trôi chảy: “Như xe chở hút nước/ Như viên ngọc tròn lăn/ Há có thể tả được/ Hình thể như mờ tối/Hoang xa như trục đất/ Miên man như then trời...” (Nhược nạp thuỷ quan, như chuyển hoàn châu, phù khởi khả đạo, giả thể như ngu, hoang hoang khôn trục, du du thiên xu...)(23) . Qua ngôn ngữ bài thơ tả “bức tranh người đẹp khua chèo”, người bình còn nhận ra được “mùi son phấn”. Đó là một cách khen rất khéo léo, tế nhị khả năng tái hiện thần thái đối tượng của bài thơ. Bình bài Đáp tiễn đoản tống Hà Gian phân phủ Lý Phụng Thuỵ: “Đi đến tận cùng tình, thú, ý cảnh của người làm thơ” (Cực thi nhân chi trí). “Tình, thú” (trí) của người làm thơ là gì? Ta nhớ đến quan niệm của Nghiêm Vũ: “Thơ có cái hay nhất về tình, thú, ý cảnh: đó là nhập thần. Thơ mà nhập thần, là cùng vậy, là tận vậy, không còn gì hơn nữa” (Thi chi cực trí hữu nhất, viết nhập thần. Thi nhi nhập thần, chí hĩ, tận hĩ, miệt dĩ gia hĩ)(24). Như vậy, ta không khó để nhận ra ở đây ảnh hưởng của tư tưởng Thiền học trong quan niệm về ngôn ngữ thơ của Nguyễn Du nói riêng và quan niệm thi học của Nguyễn Du nói chung. Nhìn rộng ra, đó là cả một suối nguồn tư tưởng văn hoá, học thuật phương Đông bàng bạc trong quan niệm của đại thi hào.
3. Kết luận
Bài viết này trình bày một cách hiểu, cách đọc và từ đó đi đến việc khai thác di sản lí luận thơ ca mà cụ thể ở đây là quan niệm thi học của Nguyễn Du được thể hiện trong một tư liệu cụ thể: lời bình thơ trong Hoa Nguyên thi thảo. Mục tiêu của chúng tôi là hướng đến việc khai thác từng chữ, từng câu vốn rất cô đọng, ngắn gọn rất đặc trưng cho phong cách phê bình thơ ca của Nguyễn Du nhằm hiểu rõ hơn, sâu hơn quan niệm thi học của đại thi hào đặt trong bối cảnh quan niệm thi học cổ điển phương Đông. Với mục tiêu đó, qua khảo sát và tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy quan niệm thi học của Nguyễn Du không đi ra ngoài những quan niệm cơ bản trong kho tàng tư tưởng thi học cổ điển phương Đông. Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng, Nguyễn Du đã biết chắt lọc, hấp thụ, diễn hoá và dung hoà những quan niệm hay nhất, tiến bộ nhất trong kho tàng đó chứ không sa đà vào bất kì lí thuyết, quan điểm cực đoan nào. Đó là bản lĩnh của một nhà thơ lớn. Quan niệm thi học của Nguyễn Du cũng in dấu “hồi quang” của bối cảnh văn hoá, học thuật đương thời và hơn thế phần nào có tác động tích cực ngược trở lại bối cảnh đó. Ông cũng đã vận dụng và phát huy chúng trong việc thẩm định thơ ca và chắc hẳn cả trong việc sáng tác của mình (trong những đối tượng nhất định và thời đoạn nhất định). Việc vận dụng và phát huy chúng trong sáng tác thơ ca của Nguyễn Du biểu hiện cụ thể thế nào, trong những hoàn cảnh và tâm thái nào hẳn phải là đối tượng của những công trình tiếp theo./.
Hà Nội, tháng 10 năm 2012
N.T.T
Chú thích
(1) Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tĩnh, Lê Quang Định, Gia Định tam gia, Hoài Anh biên dịch và chú giải, Nxb. Đồng Nai, Đồng Nai, 2003.
(2) Nguyễn Đăng Na, “Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa Nguyên thi thảo”, Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 03 (397), ra tháng 3 năm 2005, tr.14-24.
(3) Nguyễn Đăng Na, “Hoa Nguyên thi thảo với lời bình của thi hào Nguyễn Du” , Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.562-583.
(4) Về bài viết: “Lời bình của thi hào Nguyễn Du trong Hoa nguyên thi thảo” của PGS.TS. Nguyễn Đăng Na”, Tap chí Hán Nôm, Số 1 (86) 2008, tr.63-75. Xem thêm: Nguyễn Đăng Na, “Tiếp thụ ý kiến phê bình của TS. Nguyễn Đình Phức”, Tap chí Hán Nôm, Số 1 (86) 2008, tr.76-77.
(5) Lê Quang Trường (2012), Gia Định tam gia thi trong tiến trình văn học Hán Nôm Nam Bộ, Luận án Tiến sĩ, Khoa Văn học & Ngôn ngữ Trường Đại học KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh, năm 2012.
(6) Các dẫn chứng về lời bình đều được trích dẫn từ Hoa Nguyên thi thảo, Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu A.779.
(7) Đặng Đức Siêu (chủ biên) (1994). Tổng tập văn học Việt Nam, tập 18, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.205.
(8) Đặng Đức Siêu (chủ biên) (1994). Tổng tập văn học..., Sđd, tr.156.
Mai Quốc Liên (chủ biên) (1996). Nguyễn Du toàn tập, tập 1, Trung tâm nghiên cứu Quốc học, Nxb Văn học, Hà Nội. tr.336
(9) Mai Quốc Liên (chủ biên) (1996), Tlđd, tr.395.
(10) Mai Quốc Liên (chủ biên) (1996), Tlđd, tr.398.
(11) Xem Nguyễn Thanh Tùng (2012), Hiệu tần thi tập tự và khuynh hướng thi học của Phan Thúc Trực (1807 - 1852), trong Danh nhân văn hoá Đình nguyên Thám hoa Phan Thúc Trực (1807 – 1852), Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.315-330.
(12) Phó Toàn Tông, Hứa Dật Dân, Vương Học Thái, Đổng Nãi, Ngô Tiểu Lâm (Chủ biên, 1999), Trung Quốc thi học đại từ điển, Chiết Giang Giáo dục xuất bản xã, Hàng Châu, tr.126.
(13) Nguyễn Đăng Na (2006), Tlđd, tr.574.
(14) Nghiêm Vũ (thế kỉ XII), Thương Lang thi thoại, trong Lịch đại thi thoại, Hà Văn Hoán (Thanh) biên tập, Trung Hoa thư cục, Thượng Hải, 1981, tr.687.
(15) Phó Toàn Tông, Hứa Dật Dân, Vương Học Thái, Đổng Nãi, Ngô Tiểu Lâm (Chủ biên, 1999), Tlđd, tr.140.
(16) Nguyễn Đăng Na (2006), Tlđd, tr.574.
(17) Phó Toàn Tông, Hứa Dật Dân, Vương Học Thái, Đổng Nãi, Ngô Tiểu Lâm (Chủ biên, 1999), Tlđd, tr.140.
(18) Phó Toàn Tông, Hứa Dật Dân, Vương Học Thái, Đổng Nãi, Ngô Tiểu Lâm (Chủ biên, 1999), Tlđd, tr.122.
(19) Dẫn theo Huấn đồng thi tập tự, Lê Quý Đôn (thế kỉ XVIII). Kiến văn tiểu lục, trong Lê Quý Đôn toàn tập, tập 2, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977, tr.211 – 213.
(20) Lê Quý Đôn (thế kỉ XVIII), Vân đài loại ngữ, trong Vân Đài loại ngữ, tập 1, Trần Văn Giáp dịch, Nxb Văn hoá, Hà Nội, 1962, tr.250.
(21) Nguyễn Đăng Na (2006), Tlđd, tr.575.
(22) Phó Toàn Tông, Hứa Dật Dân, Vương Học Thái, Đổng Nãi, Ngô Tiểu Lâm (Chủ biên, 1999), Tlđd, tr.133.
(23) Phó Toàn Tông, Hứa Dật Dân, Vương Học Thái, Đổng Nãi, Ngô Tiểu Lâm (Chủ biên, 1999), Tlđd, tr.140.
(24) Nghiêm Vũ (thế kỉ XII), Tlđd, tr.687.