Đằng sau những ước lệ ngôn từ của Thiên Đô Chiếu
GS.TS Trần Ngọc Vương
Đã có rất nhiều bài viết, lời bình về tác phẩm đặc biệt này. Tôi vẫn muốn “chắp nhặt” bằng một vài suy tư tản mạn.
1. Những gì quan sát được từ bản văn
1.1. Một chút đáng tò mò
“Thiên đô chiếu”, tính cả tiêu đề, có 217 chữ (tự). Nhà Lý, từ năm 1009 cho tới năm 1225, tính theo thế đại, trải hơn 8 đời vua - hơn 8, nhưng không phải là 9 -, tính vòng quay nhật nguyệt (tức thời gian vũ trụ), thì cũng là 217 năm (không tròn). Theo một trong những nguyên tắc đọc hiểu của chữ Hán là đồng âm thông nghĩa, thì tự là chữ cũng có lúc thông nghĩa với tự là lớp lang, là nối tiếp. Ngạc nhiên chưa?
Vài điều còn khiến lăn tăn ngay từ khoảng khắc sơ kiến này: Bản văn của Thiên đô chiếu truyền đến nay được bắt gặp sớm nhất hẳn là từ trong Đại Việt sử ký toàn thư. Bản thân pho Quốc sử được chính thức thành hình lần đầu vào năm 1479, nhưng được nối tiếp, bổ sung rồi in chính thức trọn vẹn và lưu truyền được tới nay là bản in Nội các quan bản - mộc bản khắc năm Chính Hòa thứ 18 (1697). Kinh qua mấy triều đại, dăm bảy sử gia chuẩn nhuận, bản văn có bị can thiệp nhiều ít gì không, hiện thời ta không biết. Nhưng nếu nguyên văn được tồn lưu nguyên vẹn - khả năng này, dù sao, là lớn nhất - thì còn có việc phải làm cho các nhà ngoại cảm và cho giới huyền học. Không thấy có một dạng văn bản nào in riêng, tách bạch ra thành văn bản độc lập, nên tuy chính sử nói là “thủ chiếu”, nhưng cũng không tránh được chỗ “nhòe, mờ”.
1.2. Nội dung bản văn trên thực tế khá giản dị, đặc biệt là nếu đặt trong văn cảnh của người đọc, người xem, người nghe thời bấy giờ, hay nói chung thời Hán học còn thịnh. Lắng thấy như lời thì thầm, thân mật:
昔商家至盤庚五遷。周室迨成王三徙。豈三代之數君徇于己私。妄自遷徙。以其圖大宅中。爲億万世子孫之計。上謹天命,下因民志。苟有便輒改。故國祚 延長。風俗富阜。
而丁黎二家。乃徇己私。忽天命。罔蹈商周之迹。常安厥邑于茲。致世代弗長。算數短促。百姓耗損。万物失宜。朕甚痛之。不得不徙。
况高王故都大羅城。宅天地區域之中。得龍蟠虎踞之勢。正南北東西之位。便江山向背之宜。其地廣而坦平。厥土高而爽塏。民居蔑昏墊之困。万物極繁阜之丰。遍覽越邦。斯爲勝地。誠四方輻輳之要会。爲万世帝王之上都。
朕欲因此地利以定厥居。卿等如何。
Tích Thương gia chí Bàn Canh ngũ thiên, Chu thất đãi Thành Vương tam tỉ. Khởi Tam Đại chi sổ quân tuẫn vu kỷ tư, vọng tự thiên tỉ. Dĩ kỳ đồ đại trạch trung, vi ức vạn thế tử tôn chi kế; thượng cẩn thiên mệnh, hạ nhân dân chí, cẩu hữu tiện triếp cải. Cố quốc tộ diên trường, phong tục phú phụ.
Nhi Đinh Lê nhị gia, nãi tuẫn kỷ tư, hốt thiên mệnh, võng đạo Thương Chu chi tích, thường an quyết ấp vu tư, trí thế đại phất trường, toán số đoản xúc, bách tính hao tổn, vạn vật thất nghi. Trẫm thậm thống chi, bất đắc bất tỉ.
Huống Cao Vương cố đô Đại La thành, trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô.
Trẫm dục nhân thử địa lợi dĩ định quyết cư, khanh đẳng như hà?
Lời dịch (có thêm thắt):
“Xưa nhà Thương đến Bàn Canh năm lần thiên đô, nhà Chu tới Thành Vương cũng dời chỗ ba lượt. Há rằng mấy vị vua thời Tam Đại ấy làm theo ý riêng, di dời tùy tiện? Hẳn làm thế là để mưu việc lớn, chọn chỗ giữa, tính kế dài lâu cho con cháu muôn đời. (Làm thế tức là) trên vâng mệnh trời, dưới theo ý dân, nếu thấy tiện thì dời đổi. (Nhờ thế) nên vận nước bền lâu, đời sống dồi dào.
Vậy mà hai nhà Đinh, Lê cứ theo ý riêng, lơ đễnh với mệnh trời, dửng dưng với kinh nghiệm Thương Chu xưa, đóng mãi một nơi này, dẫn đến chỗ đời nối không dài, số riêng ngắn ngủi, trăm họ chịu hao tổn, vạn vật không thích nghi. Trẫm thật đau lòng, không dời đi không đặng.
Huống chi thành Đại La, nơi đô cũ của Cao Vương ấy, lại là khu vực ở vào khoảng giữa của trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đấy là chỗ gặp nhau của Đông Tây Nam Bắc, thuận trước sau sông núi đi về. Đất ấy rộng mà bằng phẳng, xứ đó cao mà sáng sủa, dân cư không có cái khổ thấp trũng tối tăm, vạn vật được nơi nảy nở cực kỳ phồn thịnh. Xem khắp nước Việt ta, đó quả là thắng địa. Thật là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đáng làm nơi định đô cho đế vương vạn thế.
Trẫm muốn theo địa lợi ấy mà định nơi ở, ý các ngươi thế nào?”.
Cứ như thiển ý của người viết bài này, thì giọng điệu của văn bản không hẳn đã là giọng điệu của một văn bản hành chính quan phương, phải mang tính pháp định (lạnh lùng) ở mức cao nhất, như yêu cầu của thể loại đòi hỏi.
Từ một góc nhìn khác, những người nghiên cứu có cổ Hán học sẽ không mấy khó khăn để nhận ra rằng văn bản đang được đề cập về hình thức cũng không mang cấu trúc của một đạo chiếu. Chỉ dấu dễ nhận thấy nhất nằm ở cả hai phần mở đầu và kết thúc. Cũng có thể nghĩ rằng sử gia khi truyền thụ lại văn bản đã tỉnh lược “đầu, đuôi”, nhưng dễ chấp nhận hơn, nếu coi đây là một đạo dụ. Tính quy phạm của dụ co giãn hơn nhiều so với chiếu, chế, cáo, tấu, biểu. Thậm chí, nhà vua có thể ban ra những “khẩu dụ”.
Vậy nên, có phần chắc là ba chữ lấy làm tiêu đề: Thiên đô chiếu, không nằm trong thủ bút của Thái Tổ nhà Lý. Tiêu đề của văn bản (có thật) này là gì? Xin chịu!
1.3. Những ý tưởng hiển ngôn
Không phải ngẫu nhiên mà vào đầu cái văn bản “trưng cầu quan ý” này, Lý Thái Tổ lại mở lời bằng chuyện thời… Tam Đại: chỉ ở mấy triều đại sớm nhất của lịch sử Trung Quốc mà tín sử ghi lại được (nên người Việt biết chữ Hán có thể đọc), mới có chuyện liên tục thay đổi nơi định đô. Việc dời đô ở các triều đại này thường gắn với những yêu cầu ổn định và phát triển hơn trước. Vào thời kỳ muộn hơn, dời đổi kinh đô là chuyện hy hữu. Tần chỉ có một kinh đô, (Lưỡng) Hán với vận số bốn trăm năm cũng chỉ dời đô vài lần, nhà Tống đôi lần, mà mỗi lần dời đi bao giờ cũng gắn với một hay những biến cố tai họa (catastrophe) đang làm chao đảo triều đại. Không thấy chép việc nhà Đường dời đô trong ngót ba trăm năm tồn tại. Chuyện dời đô để mở ra vận hội mới cho quốc gia rõ ràng là chuyện ở những thời điểm các quốc gia đang nằm trong tiến trình quy hoạch và kiến tạo, trong đà đi lên. Còn lấy “tích” đâu cho phù hợp hơn “tích” thời Tam Đại nữa?
Ở trên, tôi mạo muội dịch lại một đôi chỗ trong bản văn này. Chẳng dám tự coi mình là hay hớm chữ nghĩa gì, chẳng qua vì việc cảm nhận đúng các sắc thái ngôn từ trong trường hợp này có ý nghĩa thực sự quan trọng.
Đang ngồi trong cung điện cũ của nhà Tiền Lê, lại có được ngôi vua dường như êm ả, Lý Thái Tổ dù sao chăng nữa không thể thống trách “Đinh Lê nhị gia” quá lời. Trên thực tế, các vua của hai triều Đinh, Lê đều có những giới hạn rõ ràng trong tầm nhìn, trong vốn văn hóa và viễn kiến chính trị. Vị Thái Tổ nhà Lý hẳn từ sớm đã âm thầm nhận ra và khắc phục ở chính mình những hạn chế ấy.(1)
Theo cách nhìn của Lý Thái Tổ, vị trí của kinh đô quan hệ mật thiết, chi phối trực tiếp đến số phận cá nhân người làm vua, đến thịnh suy của triều đại, đến sự thăng trầm của “quốc tộ”, rộng hơn và toàn diện hơn, đến bi hoan ưu lạc của trăm họ, cảnh phồn thịnh hay hư hao của đời sống nói chung. Ngài đã nói ra cái điều mà bá quan hẳn cũng từng lờ mờ cảm thấy, nhưng giờ đây thì phải tự giác tri nhận. Theo cách đó, dễ dàng tìm được sự đồng thuận, tìm ra tiếng nói chung ở hầu hết các thành viên của triều đình.
Trình bày xong cái lý buộc phải rời đất này mà đi, Thái Tổ dĩ nhiên tiếp đó phải trưng ra cái lẽ của việc lựa chọn nơi cần đến.
Không ít người mang thể thức và thói quen làm văn nghị luận thời nay ra để đòi Lý Thái Tổ phải đáp ứng yêu cầu và tuân thủ tiêu chí (2). E rằng làm như vậy, một lối “yêu sách” thoát ly khỏi hoàn cảnh cụ thể - lịch sử, là vô tình hay hữu ý cấm cản chính mình hiểu đúng được người xưa!
Định quốc đô ở Hoa Lư là sự lựa chọn của người sáng lập nên vương triều nhà Đinh - vị thủ lĩnh xuất thân trong một hoàn cảnh thiệt thòi hơn nhiều người bình thường khác, nhưng đã trải qua một thời trai trẻ tự trưởng thành vượt bậc, từ địa vị một gia tướng, lên địa vị một chủ tướng, rồi “bay trên đầu thế kỷ nhân gian” thành Vạn Thắng Vương, để “chốt lại” ở danh xưng Tiên Hoàng đế. Lên đến “cửu tiêu” như vậy rồi, nhưng những năm tháng sau buổi thiết triều định đô, ngài còn vẫn phải tiếp tục xông pha hòn đạn mũi tên, nam chinh bắc chiến. Quán tính của lực ly tâm, cát cứ, vốn được nuôi dưỡng lâu bền từ trong sự bảo lưu dằng dặc của làng xã tự trị, được những người thuộc tầng lớp hào trưởng (khá đông đảo trên mọi vùng miền) không chỉ kế tục mà còn chực chờ cơ hội để “phát huy” chống lại quyền lực tập trung về triều đình trung ương. Ngoài võ công lưu vào sử sách chính danh trong những cuộc tranh đấu hướng ngoại “phá Tống bình Chiêm”, vị vua khai cơ của nhà Tiền Lê còn phải “liền năm đánh dẹp” hàng loạt những cuộc “nội loạn” (3).
Việc tranh chấp quyền lực giữa các phe phái và thế lực như thế diễn ra thậm chí ở mức độ khốc liệt hơn nhiều ngay trong và sau cái chết của Lê Hoàn, đến nỗi “trong nước tám tháng không vua”, việc mai táng nhà vua không được thực hiện đầy đủ lễ nghi tối thiểu, thậm chí không có nổi cả tên thụy và tôn hiệu.
Tận mắt chứng kiến, và thậm chí tham gia vào những biến cố đó, vị Thái Tổ tương lai của nhà Lý chắc chắn đã không chỉ nảy sinh những ý đồ mà còn trù tính cả một kế hoạch dài hơi cho bản thân mình. Việc ngài ôm xác Trung Tông Long Việt khóc ngay giữa triều đình của kẻ giết anh đoạt ngôi chắc chắn là một phép thử mang ý nghĩa sinh tử. Vậy mà kẻ bạo quân đó (Ngọa Triều Long Đĩnh) lại tỏ một thái độ mà ở một góc nhìn nào đó cũng nên được đánh giá là ít nhiều có “văn hóa chính trị”: “Vua lên ngôi được ba ngày thì bị Long Đĩnh giết. Bầy tôi đều chạy trốn, duy có Điện tiền quân là Lý Công Uẩn ôm xác mà khóc. Long Đĩnh lên ngôi, truy đặt thụy cho vua là Trung Tông Hoàng Đế, cho Công Uẩn làm Tứ sương quân Phó chỉ huy sứ” (4). Ba năm sau thời điểm ấy, Ngọa Triều băng khi mới 24 tuổi. Chính sử chép mơ hồ về nguyên nhân cái chết, bằng cách “kể” rằng vua mắc trĩ, từng phải “nằm coi chầu” nên mới có “uế danh” là Ngọa Triều, nhưng dã sử thì “đồn vụng đồn trộm”, ghi chép úp mở rằng cái chết ấy hình như có liên quan đến đôi tay của người từng ôm xác vua anh khóc mấy năm trước đó! Kém tuổi hẳn một giáp, dù có thể cũng là người thông minh cơ trí và lắm tham vọng, Lê Long Đĩnh vẫn chưa thể là đối thủ thực sự của viên Điện tiền chỉ huy sứ của mình.
Chắc chắn rằng sau khi đã được tôn lập, một trong những việc cần làm ngay được nhà vua xác định và nhanh chóng thực hiện, là việc dời đô. Như đã nói ở trên, ngài khẳng quyết tường minh rằng, việc dời đô cùng một lúc có quan hệ mật thiết và trực tiếp đến an ninh cá nhân, dòng dõi hoàng tộc, nhu cầu an cư lạc nghiệp của cư dân nơi đế đô, điều kiện nắm quyền trị nước và lớn nhất, xa nhất là vận mệnh vương triều - vận mệnh quốc gia. Nhà vua không hề giấu giếm, ngược lại, thẳng thắn bộc bạch nỗi niềm canh cánh ấy. Nội dung chủ yếu của bản “chiếu” này chính là một sự giãi bày cùng những lý lẽ thuyết phục quần thần về quyết định quan trọng đó.
Việc dời đô diễn ra tuy không quá vội vàng, mà được trù hoạch cẩn thận, nhưng cũng có thể nói là khẩn trương, gấp gáp.
Nửa sau của lời “chiếu”, như đã biết, ít nhiều làm dấy lên những sự phân vân, những lời “phản biện”, nhất là đối với độc giả thời nay. Nhưng trước khi thể hiện “lập trường”, hãy tĩnh trí quan chiêm đôi dòng lịch sử.
Cũng nên dừng lại bàn đôi lời về cách nhìn nhận, đánh giá đối với các “yếu nhân nhập cư” trong cả một thời gian khá lâu dài trong lịch sử, để hiểu hơn cách thế ứng xử từng được tỏ ra ở các tác giả, tác phẩm của “người Nam” về sau, trong đó có Lý Thái Tổ.
Giữa các nhân vật từng là quan lại người Trung Quốc đô hộ ở nước ta, có một số tên tuổi để lại những dấu ấn đậm nét. Cao Biền là một người được cả chính sử lẫn dã sử có không ít truyện tích cùng rất nhiều ý kiến đánh giá, bình nghị trái chiều.
Cao Biền, như chính sử Việt chép, sau hơn mười năm chinh phạt ở nhiều nơi, sang Giao Châu với chức quan Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ “giữ phủ xưng vương, đắp La Thành…” (5). Theo ghi nhận của các sử gia, trong thời gian trị nhậm nơi này, Biền làm được nhiều việc mang lại ích lợi lớn cho cộng đồng Việt. Ngoài tài trị nước cầm quân của một nho tướng, nhờ vào những kiến thức “ngoài luồng” như tri thức về Đạo giáo và phương kỹ, Biền cũng làm khá nhiều việc “khó hiểu”, có nhiều hành xử “không giống ai” nhưng xét về kết quả là hữu ích. Ngô Sĩ Liên từng bình luận: “Việc Cao Biền đào kênh sao mà kỳ dị thế? Đó là vì việc làm hợp lẽ, cho nên được trời giúp. Trời là lẽ phải. Đất có chỗ hiểm, chỗ bằng, đó là lẽ thường. Nếu hiểm mà không vượt được thì trời phải nhờ đến tay người làm gì? …Xem như lời của Biền nói “Nay khai đường biển để giúp sinh dân, nếu không theo lòng riêng thì có gì khó”. Lòng thành phát ra từ lời nói, thì lời nói ấy há chẳng là thuận ư?Lòng tin thành thực cảm thông đến cả vàng đá, huống nữa là trời?Việc gì trời đã giúp sức là thuận…” (6).
Các bộ sử Trung Quốc, cả những bộ sử chép kỹ chuyện ông này, như Tân Đường thư - Cao Biền truyện đều không thấy nói việc Cao Biền “xưng vương”, nhưng có điều chắc chắn là với một ông quan đa mưu túc trí lắm kế nhiều mưu, văn võ toàn tài và tham vọng không hề nhỏ như Cao Biền, triều đình trung ương của nhà Đường không thể mảy may “lơ là cảnh giác”. Không để viên quan này “mọc rễ” ở nơi biên viễn vốn thường trực một khả năng ly khai khỏi thiên triều, vào năm 875 vua Đường gọi ông ta về Bắc, đổi làm Tây Xuyên Tiết độ sứ.
Không thể nói rằng lịch đại sử gia của Việt Nam đã “hữu khuynh” hay vì lịch sử quan Nho giáo đã làm sai lạc cách nhìn ở họ. Công bằng và khách quan bao giờ cũng là dấu hiệu của một nền văn hóa ứng xử ở một cộng đồng đã phát triển tới độ trưởng thành.
Vậy thì, với hình tích như thế, việc Cao Biền (dù trên thực tế có “tiếm hiệu” hay không) được nhiều người Việt, cả đương thời lẫn về sau, gọi là Cao Vương, coi nơi ông ta trị nhậm là “đô”, tưởng không có gì là lạ. Dù đang ngự trên đỉnh cao của quyền uy, Lý Thái Tổ vẫn cứ là “đứa con của thời đại mình”, hạ bút viết một bổ ngữ “Đại La, đô cũ của Cao Vương” có lẽ không phải là điều đáng gây thắc mắc? Cao Biền vốn nổi danh là một bậc thầy lớn về phong thủy, một đạo sĩ “khét tiếng” có tài hô sấm gọi chớp, hô gió gọi mưa, cũng từng xuất hiện cả truyền thuyết về việc chọn đất đắp thành công thành Đại La (một thách thức lớn đối với nhiều nhân vật “tiền nhiệm”) của ông này, nên chắc chắn việc mô tả vùng đất mà về sau sẽ là Thăng Long của Thái Tổ nhà Lý với lý do đấy là đất do Cao Biền lựa chọn sẽ làm tăng thêm sức thuyết phục đối với triều thần.
Bằng vào câu chữ, thì ngoài mệnh đề “đắc long bàn hổ cứ chi thế” (được cái thế rồng cuộn hổ ngồi) - vốn là một nhận xét “đầu lưỡi” vào thời đại bấy giờ đối với một vùng linh địa, thậm chí cả ở người thường - không còn câu chữ nào khiến ta chê trách ngài là đã không “phản ánh thực tế”! “Người ta” cũng lạ thật, định danh là Thăng Long thì hân hoan ngợi ca, mà mô tả thế đất “rồng cuộn hổ ngồi” thì xét nét, cho là dị đoan, là mê tín!
2. …và những “chuyện nghìn năm” ẩn tàng sau câu chữ
Như nhiều nhà nghiên cứu đã cùng ghi nhận, việc dời đô của Lý Thái Tổ là một quyết định sáng suốt, thể hiện một tầm viễn kiến trên nhiều góc độ, có tác động lâu dài đến sự phát triển, gần thì của chính vương triều, xa thì đến vận mệnh của toàn bộ lịch sử phát triển tiếp theo của toàn cộng đồng, của quốc gia - dân tộc. Ta sẽ cùng nối thêm đôi lời theo hướng đó.
Bằng vào những gì mà sử liệu cung cấp, có thể nhận định rằng những mối liên hệ của Lý Công Uẩn với cộng đồng thân tộc của cá nhân ngài cho tới nay chưa thể nói là đã tường minh. Những nỗ lực “bạch hóa” lý lịch của người sáng lập nên vương triều Lý vào mấy thập niên gần đây xem ra không có tiến triển đột xuất (7). Hãy bàn sâu hơn trên những gì đã có, đã biết.
Từ thời điểm An Dương Vương làm mất nước cho tới trước thời điểm Lý Công Uẩn lên ngôi, nếu xét cội nguồn của những nhân vật lịch sử từng để lại dấu ấn của mình trên quỹ đạo đấu tranh giành độc lập, kiến tạo quốc gia trên cơ sở cộng đồng Việt, không khó nhận ra hai thành phần xuất thân chính: các nhân vật gốc thuần Việt và các nhân vật người Việt gốc… phương Bắc (8). Xếp hàng đầu của “danh sách” những vị anh hùng dân tộc thuần Việt là Hai Bà Trưng - điều này khỏi cần nghi vấn, phản biện. Do chỗ nước Nam Việt của Triệu Đà không được kiến tạo chủ yếu trên cơ sở cộng đồng Việt, nên có thể coi người có vinh dự đứng đầu “nhóm đối đẳng” ấy là Sĩ Nhiếp.
Phải đề cập tới chủ đề này, bởi đây từng và hãy còn là một ám ảnh, một phức cảm khác của lịch sử. Nơi quy chiếu ngắn gọn nhưng xác đáng nhất phải là: cộng đồng cư dân Việt đã chấp nhận ai, từng coi ai là “bề trên tự nhiên” của mình.
Do có lịch sử thành tạo đặc thù, vùng đất Thăng Long xưa, Hà Nội (cũ) nay vốn không là “thuộc địa” của bất cứ vị hào trưởng hay sứ quân nào. Lại thêm một điều may mắn quan trọng: đất ấy khá gần với “quê mẹ” (thì làm sao dám chắc về “quê cha” của ngài, khi đến pho quốc sử hàng đầu mà cũng đành chép “đài” lên rằng “mẹ họ Phạm, đi chơi chùa Tiên Sơn, cùng với người thần giao hợp rồi có chửa”? (9) của Lý Công Uẩn. Với cư dân nông nghiệp trồng trọt định cư xưa, một cô gái trẻ đi chơi chùa rồi mang bầu, có thể “từ đó suy ra”, rằng vậy “quê cha” của “cái bụng bầu” cũng “loanh quanh đâu đấy”! Người ngoài không biết, chứ “người trong cuộc” thì chắc chắn phải biết!
Trước Lý Công Uẩn, từng không ít những “yếu nhân” có bản khai lý lịch không rõ ràng. Sau ngài, cũng không phải không còn ai với cái trích yếu thiếu mạch lạc vẫn được thừa nhận tới tận hàng quốc chủ. “Chủ nghĩa lý lịch” không nằm trong nền tảng tinh thần của người Việt, dẫu rằng lại cũng không nên dửng dưng với “quá khứ” của bất kỳ ai.
Sự thật là, trừ trường hợp Ngô Quyền, mấy vị vua khai sáng nên hai triều Đinh, Tiền Lê đều có bản lý lịch với mục “họ và tên cha”… để trống.
Từ thuở bé, bởi rất nhiều lý do, Lý Công Uẩn đã phải chịu cảnh “ly hương”, nhưng tới thời điểm không chỉ “lập thân” mà là “lập quốc” này rồi, sao chẳng phải nghĩ đến việc tìm (thêm) một điểm tựa tự nhiên thật chắc chắn? Dời đô về Thăng Long, cũng tức là thoát ra khỏi vùng “triền miên binh hỏa”, lại cầm chắc có được sự trợ giúp của ít ra là những “thế lực đồng hương”.
Tôi không suy diễn về điều này. Quốc sử chép việc lên ngôi của Lý Công Uẩn ở Hoa Lư vào tháng 10, ngày Quý Sửu (1009). Sau khi chép lại hàng loạt những truyền thuyết, giai thoại, sấm ngữ xung quanh việc lên ngôi ấy, sử gia không chép bất kỳ sự kiện lịch sử đích thực nào xen thêm vào trước sự kiện này: “Thuận Thiên, năm thứ nhất (1010), (Tống, Đại Trung Tường Phù năm thứ 3). Mùa xuân, tháng 2, xa giá về châu Cổ Pháp, ban tiền lụa cho các bô lão trong làng theo thứ bậc khác nhau.
Sai Viên ngoại lang Lương Nhậm Văn và Lê Tái Nghiêm sang nước Tống để kết hảo” (10). Tiếp liền theo đó, sử gia chép tới chuyện vua muốn dời đô.
Rõ rằng chuyện “kết nối” với quê nhà là điều tối quan trọng, được ưu tiên hơn cả việc “nối mạng với máy chủ” Thiên triều! Việc đi sứ thì sai người làm (gia dĩ, người đi sứ có quan hàm khá khiêm tốn!), nhưng việc “hồi hương” thì phải tự mình, kết hợp thăm dò việc đại sự dời đô trong ý định. Đích thân nhà vua “đi tiền trạm”, “đạo đạt dân tình”.
Quyết định dời đô còn bị chi phối bởi một lý do quan trọng khác, thậm chí là lý do quan trọng nhất: kiến tạo và cai quản cho bằng được một quốc gia có lãnh thổ đã khá rộng lớn nhưng chưa đạt tới sự thống nhất bền vững. Có lẽ, câu quan trọng nhất trong bản chiếu này là “Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội, vi vạn thế đế vương chi thượng đô” (11). (Thật là chỗ hội tụ quan yếu của bốn phương, đáng làm nơi định đô cho đế vương vạn thế).
Với bạn đọc không có điều kiện biết sâu Hán ngữ, cần có lời giải thích ngắn gọn: “bức thấu chi yếu hội” nghĩa là cái moay - ơ đối với bánh xe!
Ở thời điểm Thái Tổ nhà Lý lên ngôi, sông Hồng đang tiếp tục quá trình “đẻ đất”. Sử liệu chính thức từ thời Lý ngược lên trước ít thấy chép về công việc đê điều, cũng thấy ít những “đại sự kiện” liên quan đến lũ lụt nói riêng, thuỷ tai nói chung. Nhưng đến thập kỷ thứ hai của triều Trần thì sử gia không thể cứ dửng dưng với thuỷ thần mãi được nữa. Mậu Tuất, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 7 (1238), mùa thu, tháng 7, nước to, vỡ tràn vào cung Thưởng Xuân; Canh Tý, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 9 (1240), tháng 7, gió lớn, mưa to, động đất; năm sau, 1241, mùa hạ, tháng tư, hạn hán, núi lở, đất toác; tháng 5 tháng 6/1242, lại hạn hán; mùa thu, tháng 8/ 1243 nước to, vỡ thành Đại La; Ất Tỵ, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 14 (1245) mùa thu, tháng 8, vỡ đê Thanh Đàm, tiếp đến mùa đông, tháng 12, gió to mưa lớn 3 ngày, nước sông tràn ngập, thuỷ tộc chết nhiều.
Dẫu rằng vào thời đoạn ấy “quốc gia vô sự, nhân dân yên vui, người làm quan giữ mãi một chức, người ở quán, các 10 năm mới được xuất thân, người ở sảnh, cục 15 năm mới được xuất thân”, thì đến năm 1248, Thiên Ứng Chính Bình năm thứ 17, lịch sử ngành thuỷ lợi Việt Nam đã có được một mốc lớn đáng lấy làm ngày kỷ niệm: “Tháng 3, lệnh các lộ đắp đê phòng lụt, gọi là đê quai vạc, từ đầu nguồn đến bờ biển, để ngăn nước lũ tràn ngập. Đặt chức quan hà đê chánh phó sứ để quản đốc. Chỗ đắp thì đo xem mất bao nhiêu ruộng đất của dân, theo giá trả lại tiền. Đắp đê quai vạc là bắt đầu từ đó (người viết nhấn mạnh – TNV)” (12).
Có thể hình dung rằng vào thời điểm ấy, cả lưu vực ngày nay là vùng châu thổ Bắc Bộ vẫn còn là một vùng đất thấp đang được thành tạo nham nhở. Ngoài dòng chảy lớn, chính yếu là sông Hồng, còn có sự góp nước, góp phù sa của nhiều con sông lớn nhỏ khác, xuất phát từ những triền núi khác, hướng dòng chảy có thể gọi là “châu tuần”. Từ sơn hệ đá vôi thuộc địa phận Hoà Bình đến Ninh Bình, Bắc và Tây Bắc Thanh Hoá ngày nay, hướng dòng chảy của các sông là hướng Đông Bắc. Từ vòng cung Sông Gâm - Đông Triều, hướng dòng chảy của các sông chủ yếu là hướng Đông Nam. Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tây Bắc tỉnh Sơn Tây, Bắc Giang và phần lớn Bắc Ninh về cơ bản đã ổn định “mặt bằng” từ thời gian xuất hiện Cổ Loa thành trở về trước. Nhưng tình trạng địa chất của cả dải đất từ trung xuống hạ lưu sông Hồng, nghĩa là từ Hát Môn về xuôi, nhất là phía bờ Nam, thì chưa đạt tới sự ổn định cả nền lẫn thềm như thế. Bộ phận thuộc văn minh sông Hồng có sự ổn định sớm hơn cả là phía bờ Bắc - cũng chính là phía “quê nhà” của Lý Thái Tổ. Phải rằng vì thế, mà từ đây trở đi, trong tứ nội trấn, duy phía Bắc này gắn với kinh đô để thành “Kinh Bắc”?
Tuy lời chiếu dời đô khẳng định vùng đất chọn để định đô đã đạt tới tiêu chí “thản bình, sảng khải” (bằng phẳng, sáng sủa), ta cũng cần biết thêm rằng sông Hồng ngày nay đoạn chảy qua Hà Nội đang là một “con nước trên cao”, việc hộ đê càng năm càng tăng thêm mức báo động. Ngoài tuyến đê chính là tuyến đê sông Hồng, lần lượt hình thành các tuyến đê dọc theo các con sông khác cả trong lẫn ngoài phạm vi đồng bằng Bắc Bộ. Khi các tuyến đê hình thành thành mạng lưới liên thông và khép kín một cách tương đối, cũng là khi quá trình thành tạo tự nhiên của vùng châu thổ Bắc Bộ chấm dứt. Thuộc về hay chủ yếu thuộc về vùng châu thổ ấy là các tỉnh/thành phố Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội (gồm cả Hà Tây cũ), Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Hải Phòng và Thái Bình ngày nay. Trong các tỉnh, thành ấy, Hưng Yên và Thái Bình là hai tỉnh chẳng đào đâu ra cảnh quan “sơn kỳ thuỷ tú”, bởi đơn giản là hai tỉnh này không có núi. Các nhà địa mạo học mô tả hình thế của tam giác châu Bắc Bộ nghiêng từ Tây Bắc xuống Đông Nam, bề mặt giống chiếc phễu bổ đôi, còn mặt cắt ngang thì giống như cái võng. Cái “võng” ấy lại không chỉ lộ ra trên bề mặt, mà “võng từ nền”, từ cấu trúc “móng”: lớp trầm tích của phù sa chỗ “đáy võng” dày tới 30 – 40 km! Và “vùng đáy võng” ấy chính là Hà Nội (13). Hà Nội “trũng cả trên lẫn dưới”. Nhà địa lý nhân chủng học Pierre Gourou đã diễn đạt thật hay toàn trạng ấy: “Châu thổ sông Hồng đã chết trong tuổi vị thành niên của nó” (14). Dĩ nhiên, đó là cái chết về mặt kiến tạo địa chất tự nhiên.
Điều mà Lý Thái Tổ, dẫu có biết, cũng không thể nói ra trong lời chiếu này, chính là sự trạng ấy.
Lời kết
Hơn tám mươi năm đã trôi qua kể từ ngày Ngô Quyền phục quốc tới ngày Lý Công Uẩn lên ngôi. Nếu quan sát kỹ những điều chính sử ghi chép về khoảng thời gian này, sẽ chợt nhận ra rằng trải qua gần một thế kỷ có độc lập ấy giới lãnh đạo quốc gia dường như rất ít những hoạt động “tác nghiệp” ở cả một vùng rộng lớn của đất nước. Nếu lấy Thăng Long làm điểm quy chiếu, thì vùng dường bị quên ấy nằm cả ở phía Viễn Tây, phía Bắc và Đông Bắc. Nếu cứ ở vùng thung lũng đá vôi Hoa Lư, triều đình vươn tay thế nào để nắm lấy những vùng đất vô cùng quan yếu ấy? Ngẫm cho kỹ, mới thấu cái lẽ sâu xa nhưng cũng là niềm uẩn khúc mà đấng khai cơ của nhà Lý ngụ vào trong lời ngắn gọn của mình: “khoảng giữa của trời đất”, “chỗ gặp nhau của Đông Tây Nam Bắc, thuận trước sau sông núi đi về”.
Việc dời đô của Lý Thái Tổ ghi dấu một bước ngoặt, phản ánh một nhận định chính trị mang tầm vóc thời đại: giai đoạn thủ hiểm nhất thiết phải được vượt qua và về cơ bản đã được vượt qua. Đã đến thời phải tạo dựng một quốc gia “đàng hoàng, to đẹp”.
Dĩ nhiên, Lý Thái Tổ cũng đã lường đến những thách thức, những trở ngại, những nguy cơ nữa. Mười bảy năm trị vì tiếp theo của ngài là để đối diện, và ngài đã đối diện thành công mỹ mãn với những thách thức, trở ngại, nguy cơ ấy.
Viết tại làng có Mục Thận làm Thành hoàng bảo trợ
Gần tới ngày Thăng Long tròn tuổi nghìn
(1) “Hốt thiên mệnh”, vì thế, chẳng nên dịch là coi thường mệnh trời, thiển nghĩ, chỉ là lơ đễnh với mệnh trời (có thể là vì không biết tới ý niệm đó!) thôi vậy.
(2) Chẳng hạn, trên Wikipedia tiếng Việt, mục từ Chiếu dời đô, ta đọc thấy: “…bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng chiếu dời đô lại nổi bật những nhược điểm khiến nó không thể trở thành một áng văn tiêu biểu của dân tộc Việt Nam”, thể hiện ở các yếu tố: thiếu tinh thần dân tộc …(“là văn bản khai sinh ra một thủ đô Hà Nội nhưng chiếu dời đô không đề cập đến truyền thống đấu tranh giành độc lập mà các triều vua Việt Nam trước đó đã gây dựng. Bản chiếu cũng không nêu vai trò của kinh đô Hoa Lư và các kinh đô trước đó như Phong Châu, Mê Linh, Long Biên. Lý Thái Tổ lấy việc làm của các triều đại của cường quyền đế quốc Trung Hoa để noi gương. Ông gọi đô hộ Cao Biền là “Cao Vương”, gọi thành Đại La là “đô cũ”. Điều này khiến chiếu dời đô chưa toát nên được tinh thần dân tộc chủ đạo mà các áng văn khác như Nam quốc sơn hà (“sông núi nước Nam vua Nam ở”) và Bình Ngô đại cáo (“từ… Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập”) đã có. Chiếu dời đô chỉ có ý nghĩa trong nội bộ quốc gia mà không thể ảnh hưởng ở tầm quốc tế”), …mang màu sắc dị đoan phong thủy (“Chiếu dời đô được viết với nội dung mang đượm màu sắc đầy dị đoan, phong thủy. Sự phát triển của một thủ đô so với các vùng đất khác hoàn toàn không bị ảnh hưởng nhiều vào yếu tố phong thủy. …Lý Thái Tổ ám chỉ các triều vua nhà Đinh, nhà Tiền Lê tự theo ý riêng mình mà vận mệnh ngắn ngủi trong khi chính ông là người thừa hưởng nền tảng độc lập mà các triều đại này để lại. Quan điểm này không phù hợp với đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt. Thực tế rất nhiều anh hùng đã hy sinh như Hai Bà Trưng, Lý Nam Đế, Ngô Quyền, Quang Trung…mà triều đại do họ gây dựng tồn tại rất ngắn nhưng lịch sử luôn đánh giá công bằng. Bản chiếu dời đô cũng không thấy sự xuất hiện của vị vua Việt Nam nào được vua Lý nêu tới”).
(3) Không kể tới vụ “cần vương” của các đại thần nhà Đinh Nguyễn Bặc - Đinh Điền - Phạm Hạp, thì Lê Hoàn vẫn phải nhiều lần đối phó với những dư đảng của “thập nhị sứ quân” hay thậm chí chính một trong những “sứ quân” là Ngô Nhật Khánh, hậu duệ của Ngô Quyền, người vì khát vọng “đồ phục” mà không từ cả những hành vi tội lỗi như rước quân Chiêm vào cướp phá đất nước. Liên tục trong hàng chục năm sau khi lên ngôi, Lê Hoàn còn phải động binh đánh dẹp những “sứ quân mới” nhăm nhe trở thành “anh hùng nhất khoảnh” như Lưu Kế Tông (983), Dương Tiến Lộc (989), thổ tù châu Ma Hoàng (Thái - 996), Đỗ Động Giang (997), nhóm Trịnh Hoàng, Trần Lệ, Đan Trường Ôn ở châu Phong (1000), giặc Cử Long (Mường – 1001)…
(4) Đại Việt sử ký toàn thư, t.1 (gồm 3 tập). Nxb Văn hóa – Thông tin H., 2000, tr.342.
(5) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr. 284
(6) Sđd, tr. 286 - 287.
(7) Tôi đơn giản là không tin cuốn “ngụy gia phả” mà người Trung Quốc đã “chế” ra sau khi Lý Công Uẩn trở thành vua nước Việt. Xin xem thêm Kỷ yếu Về quê hương nhà Lý, Nxb Thế giới 2009.
(8) Có thể coi Mai Thúc Loan như “trường hợp nghi vấn”, một ngoại lệ duy nhất. Căn cứ vào đặc điểm nhân chủng học, vào vùng “quê”, vào thời điểm nổ ra cuộc khởi nghĩa và vài dữ kiện phụ trợ khác, một số nhà nghiên cứu, trong đó có tôi, ngờ rằng vị “vua Đen” này gốc Chăm (tức “người Việt gốc … phương Nam”). Lưu ý rằng tôi dùng cụm từ “người Việt gốc phương Bắc” cho một số nhân vật lịch sử mà không dùng định ngữ “gốc Hán”, bởi không ít người trong số đó chắc chắn là “gốc phương Bắc”(quy chiếu với “Nam Việt”) nhưng lại không phải, hoặc không chắc, là người “Hán tộc”, từ Sĩ Nhiếp, Lý Bôn, Triệu Quang Phục cho tới tổ tiên của hai triều Trần, Hồ.Về chủng tộc, chắc chắn nhiều người trong số họ thuộc “Bách Việt”.
(9) Đại Việt sử ký toàn thư Sđd, t.1, tr.356.
(10) Đại Việt sử ký toàn thư, sđd, tr.357 -358.
(11) Chỗ cần khảo dị duy nhất trong văn bản chính nằm ở câu này. Phần lớn các bản văn Chiếu dời đô hiện lưu hành có lời lẽ như chúng tôi đang trích dẫn, nhưng cũng có một số bản văn, ngay cả mộc bản vừa được phát hiện ở Thư khố lưu trữ quốc gia Đà Lạt được loan báo trên báo chí cuối tháng Tám vừa rồi (mà chúng tôi đã có được ảnh chụp trực tiếp), thì câu này là “Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội, vi vạn thế kinh sư chi thượng đô”. Ý nghĩa của sự dị biệt này cần được bàn riêng.
(12) Xem thêm Trần Ngọc Vương, bài đã dẫn.
(13) Xem thêm, chẳng hạn, các công trình của Lê Bá Thảo, Trần Nghi, Nguyễn Quang Mỹ, Đào Đình Bắc, Huỳnh Ngọc Hương ... về địa chất và địa mạo Bắc Bộ.
(14) Pierre Gourou.- Les paysans du delta tonkinois. EFEO. Paris, 1936.
Nguồn: Tạp chí Văn học, số 10/2010