Văn học Việt Nam trung đại

“THI NGÔN CHÍ” VÀ TRUYỀN THỐNG VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐÔNG Á (Phần 1)


11-10-2020

“THI NGÔN CHÍ” VÀ TRUYỀN THỐNG

VĂN HỌC NGHỆ THUẬT ĐÔNG Á (I)

Nguyễn Thanh Tùng

Khoa Ngữ văn, Trường ĐHSP Hà Nội

 

“Thi ngôn chí” là một “mệnh đề mĩ học” (Trần Đình Sử)[1] xuất hiện sớm nhất ở Trung Quốc, được xem là “cương lĩnh khai sơn” của lí luận văn học nghệ thuật Trung Quốc (Chu Tự Thanh)[2], “mệnh đề chuẩn tắc mở đầu cho lí luận văn học Trung Quốc” (Tàng Khắc Hoà)[3],... Không chỉ là “cương lĩnh khai sơn”, “chuẩn tắc”, nó còn là “nền tảng”, “chủ lưu” có ảnh hưởng to lớn, tạo nên, đồng thời phản ánh truyền thống lí luận văn học nghệ thuật Trung Quốc (và các nước lân cận, trong đó có Việt Nam) [tạm gọi là “Đông Á”] suốt hàng nghìn năm trước khi có sự lan truyền, xâm nhập sâu rộng của các lí thuyết văn học nghệ thuật phương Tây. Có thể nói không quá rằng, đây là một trong những chiếc chìa khoá quan trọng nhất để thâm nhập vào kho tàng lí luận hết sức đồ sộ nhưng cũng lại khá tản mạn ấy để nhận ra đặc trưng cơ bản, xuyên suốt của nó. Đặc trưng đó là gì? Nhiều nhà nghiên cứu Trung Quốc và phương Tây đã chỉ ra: đó là truyền thống thiên về trữ tình, thiên về biểu hiện nội tâm con người và sự giao cảm của nó với ngoại vật. Ở nước ta, “thi ngôn chí” cũng đã được giới nghiên cứu đề cập nhiều. Tuy nhiên, bản chất và mối liên hệ giữa mệnh đề với truyền thống văn học Đông Á vẫn chưa được chú ý đúng mức và bàn thảo sâu. Bản thân cách hiểu về “thi ngôn chí” cũng còn nhiều điều chưa thống nhất[4]. Vì vậy, bài viết xin được trở lại bàn về mệnh đề này và mối liên hệ sâu sắc của nó với truyền thống văn học khu vực trong sự liên hệ với văn học phương Tây.

1. Nguồn gốc và nội hàm của “thi ngôn chí”

Như chúng ta đều biết, “thi ngôn chí” xuất hiện sớm nhất trong thiên “Nghiêu điển” sách Thượng thư (“Thi ngôn chí, ca vĩnh ngôn,”: Thơ nói chí, ca làm cho lời dài thêm,…)[5]. Sau đó liên tục xuất hiện trong các thư tịch khác nhau như: Lễ kí – “Nhạc kí” (“thi ngôn kì chí dã”: thơ nói cái chí ấy vậy, “chí chi sở chi, thi diệc chí yên”: cái chỗ đến của chí, cũng là chỗ mà thơ  hướng đến), Tuân tử - “Nho hiệu” (“thi ngôn thị kì chí dã”: thơ chính là nói cái chí ấy), Tả truyện – “Tương Công nhị thập thất niên” (“thi dĩ ngôn chí”: thơ là để nói cái chí), Trang Tử - “Thiên hạ” (“thi dĩ đạo chí”: thơ để bày tỏ cái chí),v.v… Như vậy, từ thời Tiên Tần, quan niệm “thi ngôn chí” đã định hình và rất phổ biến. Cho đến sau này, mệnh đề vẫn được nhắc đi nhắc lại nhiều lần như một công thức kinh điển ở nhiều nhà lí luận, nhà văn, nhà thơ thuộc các khuynh hướng khác nhau, ở các khu vực khác nhau và ở các thời điểm khác nhau. Điều đó cho thấy mức độ bao quát, tính chất phổ biến, trường tồn của quan niệm cổ xưa này. Vậy “thi” và “chí” ở đây là gì? Trả lời đúng đắn câu hỏi này, chúng ta mới có thể khẳng định được mối liên hệ sâu đậm giữa nó với truyền thống văn học Đông Á. Nhưng đây lại là vấn đề khá phức tạp thuộc cả về vấn đề văn tự học. Ở đây chỉ xin trình bày vắn tắt các kết quả nghiên cứu chính của một nhà nghiên cứu có uy tín.

Về mặt từ nguyên, hầu hết các học giả trung đại và hiện đại đều cho rằng chữ “chí” (志) tương đồng với chữ “thi” (詩). Chẳng hạn, Hứa Thận trong sách Thuyết văn giải tự (bộ “ngôn” 言) giải thích: “Thơ là chí. Thơ là chí phát  ra thành lời, bộ ngôn biểu nghĩa, thiên bàng “tự” biểu âm” (Thi chí dã. Chí phát vu ngôn. tòng ngôn, tự thanh). Vì chữ “thi” gồm bộ “ngôn” và thiên bàng “tự” (寺), mà thiên bàng “tự” lại bắt nguồn từ chữ “chí” cổ, nên có thể nói “thi” = “ngôn” (lời nói) + “chí” [thơ là việc cái chí được nói ra, thơ chính là chí], biểu thị chính công thức “thi ngôn chí”. Các học giả như Trịnh Huyền, Cao Dụ, Vương Dật, Dương Thụ Đạt, Chu Tự Thanh, Văn Nhất Đa,v.v…cũng có ý kiến tương tự. Như vậy, việc đồng nhất “chí” với “thi” cho thấy thơ chẳng là cái gì khác ngoài “chí”. Như các cách giải thích khá phổ biến sau: “tại tâm vi chí” (ở trong tâm là chí) [Thi tự sớ] và rõ ràng nhất là “tại tâm vi chí, phát ngôn vi thi” (trong lòng là chí, phát ra lời là thơ) [Thi đại tự]. Nói khác đi, “chí” và “thi” chỉ là hai biểu hiện khác nhau của cùng một sự vật, hoặc nói một cách khác nữa là: “thi” là sự thể hiện của “chí” bằng lời ra bên ngoài. Theo hướng này, giải thích chữ “thi” cũng là giải thích chữ “chí”. Cũng có ý kiến khác (tiêu biểu là Tàng Khắc Hoà) cho rằng, chữ “thi” có thể có nhiều cách giải thích khác. Theo cổ văn thì, “thi” gồm bộ “ngôn” và thiên bàng “chi” 之 (đến) chỉ “hướng của lời nói” hay “hành vi bày tỏ lời nói”; sau này ở kim văn thì thêm bộ “tâm” (心) để chỉ cái ý “lời nói” (ngôn) ấy là “âm thanh của trái tim” (tâm thanh). Theo hướng này, rốt cuộc “thi” cũng tương đồng với “chí” ở chỗ cùng chỉ “chí hướng của tâm ý” hay khuynh hướng cảm xúc. Ngoài ra, Tàng Khắc Hoà còn đưa ra cách giải thích “thi” với các nghĩa khác (tuỳ theo các dị thể của chữ “thi” hoặc cách phân tích văn tự khác nhau), như: “thi” là “thị” 恃 (nhờ cậy, kí thác); “thi” là “trì” 持 (nắm giữ); “thi” là “thị” 侍 (dựa dẫm)[6],…Mỗi cách giải thích đem lại một cách nhìn về một phương diện của “thi”. Ở đây, chúng tôi cho rằng, thực ra, phần lớn các cách giải thích, dù thừa nhận hay không, và dù mâu thuẫn về luận điệu, rốt cuộc đều đi đến chỗ gặp gỡ là việc giải thích chữ “chí” bởi từ gốc gác thì: ngoài sự khác biệt là có hay không có bộ “ngôn”, chữ “thi” và “chí” có tự dạng hoàn toàn giống nhau. Thứ nữa, việc giải thích phải hướng đến việc hiểu bản chất cốt lõi chứ không phải những nét nghĩa bên ngoài, cá biệt của “thi” khi mà nó được định nghĩa bằng “chí”. Trên quan điểm đó, chúng tôi tạm để sang một bên chữ “thi” để tập trung tìm hiểu “chí”.

Vậy “chí” có nghĩa gốc là gì? Giải thích theo giáp cốt văn, một số nhà nghiên cứu cho rằng “chí” tức là chữ “chỉ” 止 (dừng lại) kết hợp với  chữ “tâm”, biểu thị vũ đạo trong  sinh  hoạt văn nghệ, cũng thể hiện thế giới nội tâm, sự dừng lại ở nơi tâm. Bên cạnh đó, “chí” cũng được giải thích là “tàng” (藏) kết hợp với “tâm” (cất giữ trong tâm) [lời chú sách Tuân tử], “chi” (之) kết hợp với tâm (chỗ đến của tâm) [sách Thích danh]. Tóm lại, dù theo cách hiểu nào, theo nghĩa từ nguyên, “chí” là sự biểu hiện của “tâm”, là sản phẩm của “tâm”. Nhưng cụ thể, đó là gì? Các tư liệu khác cung cấp các cách hiểu về “chí” của người Đông Á cổ trung đại. Theo khảo sát của các nhà nghiên cứu, “chí” chủ yếu được giải thích qua 2 khái niệm khác là “tình” và “ý”. Các sách Tả truyện (“Chiêu Công nhị thập ngũ niên”), Lễ kí (“Học kí”) thường nhắc đến “lục chí” (“hiếu, ố, hỉ, nộ, ai, lạc, dục” hoặc “hiếu, ố, hỉ, nộ, ai, lạc, cụ”) và chú thích đó là “lục tình”. Nghĩa là từ lai nguyên, “tình” và “chí” được dùng thông, có khác nhau chăng là ở vị trí, biểu hiện của chúng. Điều đó cũng được Khổng Dĩnh Đạt thời Đường xác nhận khi chú thích Tả truyện chính nghĩa (“Chiêu Công nhị thập ngũ niên”): “Trong bản thân là tình, tình động là chí, tình chí là một” (tại kỉ vi tình, tình động vi chí, tình chí nhất dã) và “sáu tình thấy khắp, ở trong tâm thì chưa được gọi là chí” (lời chú Lễ kí, “Khúc lễ”). Sách Thuyết văn giải tự (bộ “tâm”) của Hứa Thận đã giải thích rõ: “Chí tức là ý”. Trịnh Huyền (thời Hán) thì dùng “ý” để chú thích cho “chí” khi ông viết: “Biện chí tức phân biệt rõ nơi mà tâm ý hướng đến” (Biện chí vị biệt kì tâm ý sở xu hướng dã) [chú Lễ kí  - “Học kí”]. Các sách như Quảng nhã – “Thích ngôn” (“thi, ý dã”: thơ là ý), Hán thư – “Tư Mã Thiên truyện” (“thi dĩ đạt ý”: thơ là để diễn đạt ý - Đổng Trọng Thư), Sử kí – “Ngũ đế kỉ” (“thi ngôn ý”: thơ nói ý),v.v…cũng dùng “ý” để chú thích cho “chí”. Như vậy, lai nguyên, “chí” chỉ thế giới nội tâm, cảm xúc – suy nghĩ của con người (các chữ “tình”, “ý”, “chí” đều có bộ thủ là “tâm” biểu thị thế giới tình cảm, tâm tư của con người). Và như vậy, thơ biểu đạt thế giới nội tâm, tình cảm, ý chí của con người bằng phương tiện ngôn từ. Công thức chung là: tình/ý => chí => thi. Các học giả đời sau (như Văn Nhất Đa, Tiền Chung Thư, Chu Tự Thanh, Trần Đình Sử,v.v…) giải thích cụ thể thêm nghĩa của chí bằng những khái niệm hiện đại như: kí ức, ghi chép, hoài bão, chí hướng…[7] thực ra cũng không nằm ra ngoài cái ý khá bao quát trên.

Chính hàm ý rộng của “chí” như thế đã dẫn đến sự diễn giải nó theo hai hướng khác nhau trong thi luận Trung Hoa tuỳ theo khuynh hướng tư tưởng, thị hiếu thẩm mĩ và học phong của từng thời đại. Tựu trung, có hai hướng chính: “chí” là chí hướng, là đạo đức, luân lí; “chí” là tình cảm tự nhiên, thiên thành.

Hướng thứ nhất là cách diễn giải của các nhà Nho, các nhà Đạo học. Ở trên đã dẫn những ý tư liệu có xuất hiện “thi ngôn chí” hay những biến thể của nó thì đa số chúng đều là của các nhà Nho, các nhà Đạo học. Vì vậy, “chí” có vẻ thiên về “chí hướng”, “hoài bão”, tình cảm đạo đức. Khảo sát của Chu Tự Thanh trong Thi ngôn chí biện về  thực tiễn của “chí” trong giai đoạn Tiên Tần đã khẳng định điều đó[8]. Tiêu Hoa Vinh khi khảo sát diễn biến của “thi ngôn chí” từ thời Tiên Tần đến Hán cũng cho thấy thiên hướng như vậy. Chẳng hạn quan niệm “thi  dĩ ngôn chí”, “thi đạo chí”, “thi dĩ nghịnh chí”,v.v… đều có màu sắc đạo đức, lí trí. Trong các sách Tả truyện, Kinh Thi, Kinh Lễ,... cũng có không ít ví dụ cho thấy quan niệm “chí” thiên về đạo đức, chí hướng như thế. Tiêu biểu và hoàn thiện nhất cho khuynh hướng này là quan niệm của Hán Nho trong bài Thi đại tự. Thi đại tự thừa nhận “thơ khởi phát từ tình” (thi phát hồ tình) chỉ có điều nó yêu cầu cái tình đó phải “dừng lại ở lễ nghĩa” (chỉ hồ lễ nghĩa), tức là chú tâm vào đạo đức, tâm tính và sự kiểm soát tình cảm tự  nhiên. Đây là quan niệm tiêu biểu của Nho gia mà các nhà Nho đời sau cũng thường nhắc lại, hoặc diễn giải thêm như một sự hồi cố truyền thống giáo hoá, đạo đức gắn chặt với “thi ngôn chí” ngay từ những bước khởi đầu của nó. Chẳng hạn, Vương An Thạch đời Tống khi “chiết tự” chữ “thi” gồm bộ “ngôn” và thiên bàng “tự” đã không giải thích “tự” và “chí” vốn cùng một chữ nữa mà giải thích “tự” là “công đường”, tức là nơi có pháp độ [Tạp đề bạt][9], phép tắc, hoàn toàn là cách diễn giải chủ quan của đời sau theo khuynh hướng duy lí của nhà Nho, đặc biệt là của các nhà lí học, Đạo học. Chu Hi cũng giải thích về thơ như thế này: “Thơ là cái dư âm của lời nói khi lòng người cảm xúc với sự vật mà nó thể hiện ra ngoài. Nhưng sự cảm xúc ấy có tà có chính, cho nên lúc được thể hiện ra lời nói cũng phải có thị có phi” (Thi giả, nhân tâm chi cảm vật, nhi hình ư ngôn chi dư dã. Tâm chi sở cảm hữu tà chính, cố ngôn chi sở hình hữu thị phi) [Thi kinh tập truyện tự][10]. “Tà”, “chính” chính là những tiêu chuẩn đạo đức, lí tính của con người áp đặt lên tự nhiên. Về điều này, nhà nghiên cứu Tào Thuận Khánh đã cho rằng, “thi ngôn chí” của Trung Quốc bị hạn chế, khống chế trong phạm vi luân lí, chính giáo,… vì thế không phát triển hết mình; mà đi vào thuyết “trung hoà”, “hài hoà”[11] theo kiểu chiết trung mà theo nhiều nhà nghiên cứu Lưu Hiệp [Văn tâm điêu long] chính là người đầu tiên đã tổng hợp, điều hoà và chiết trung hai khuynh hướng, đồng thời đưa lí luận thơ ca và văn học Trung Hoa cổ điển lên mức hoàn thiện, hệ thống (xem phần sau).

Hướng thứ hai thực ra cũng bắt nguồn từ một vài dẫn giải nêu trên (ngay trong các tư liệu đã dẫn ở khuynh hướng thứ  nhất cũng đã thừa nhận “tình”, chẳng hạn  sách Lễ kí nói đến “lục chí/lục tình”, Khổng Dĩnh Đạt nói “tình chí là một”, Thi đại tự nói “thơ khởi phát từ tình”,v.v…) nhưng rõ nhất là trong thực tiễn sáng tác thời Tiên Tần là Kinh Thi và Li Tao. Chẳng hạn, Kinh Thi có nhiều câu như:

- “Lòng ta ưu sầu, cho nên ta ca chung rồi lại hát riêng” (Tâm chi ưu hĩ, ngã ca thả dao) [Ngụy phong, “Viên hữu đào”].

- “Há không muốn trở về nhà hay sao, Sẽ làm bài thơ ca, Để tâu bẩm lên vua biết nỗi lòng muốn phụng dưỡng cha mẹ” (Khởi bất hoài quy? Thị dụng tác ca, tương mẫu lai nhẫm) [Tiểu nhã, “Tứ mẫu”]

- “Người quân tử làm thơ này, Nỗi lòng đau đớn bày tỏ thế thôi” (Quân tử tác ca, duy dĩ cáo ai) [Tiểu nhã, “Tứ nguyệt”].

- “Ta phải tắc lưỡi sầu ca đau đớn trong lòng, Nhớ đến nhà vua chí tôn vĩ đại kia” (Khiếu ca thương hoài, niệm bỉ thạc nhân). [Tiểu nhã, “Bạch hoa”].

Dĩ nhiên, bên cạnh đó, trong Kinh Thi cũng có nhiều câu nói về chí hướng, lí tính về mục đích phúng thích (theo khuynh hướng thứ nhất), nhưng những câu trên cho thấy phần tình cảm tự nhiên, đời thường cũng được chú ý, và dường như nó chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi quan niệm mang tính luân lí, lí tính của Nho gia. Chúng ta nên lưu ý rằng gốc gác của Kinh Thi (trước khi được/bị “san định” để trở thành kinh điển) một phần là từ các bài ca dân gian, các sáng tác của cá nhân, nên sự hồn nhiên, tự phát (trong cách biểu hiện lẫn những quan niệm sáng tác sơ khai) là rất đáng quý và đáng chú ý. Ở Sở Từ, phần tình cảm tự nhiên, đời thường còn được khẳng định nhiều hơn, chẳng hạn:

- “Than tiếc cho ra hết nỗi lo buồn chừ, dấy lên niềm phẫn hận để tuôn trào mối cảm tình, Tự mình nuôi tấm lòng trung chừ nói ra, chỉ trời xanh mà làm chứng” (Tích tụng dĩ trí mẫn hề, phát phẫn dĩ trữ tình. Sở tác trung nhi ngôn chi hề, chỉ thương thiên dĩ vi chứng) [“Tích tụng”].

- “Lòng ta tràn đầy ưu tư chừ, chỉ một mình than thở mãi mà càng bi thương… kết thành tình để bộc lộ thành lời chừ, bay lên để tặng cho mĩ nhân” (Tâm úc úc chi ưu tư hề, độc vĩnh thán hồ tăng thương… kết vi tình dĩ trần từ hề, kiểu dĩ di phù mĩ nhân) [“Trừu tư”].

- “Dậy lúc sáng sớm để tỏ bày tấm lòng trung chừ, chí rầu rầu mà chẳng đạt. Mong gửi lời ở đám mây nổi chừ, gặp phong long mà chẳng tiến được (Thân đán dĩ thư trung tình hề, chí trầm uyển nhi mạc đạt. Nguyện kí ngôn vu phù vân hề, ngộ phong long nhi bất tướng. Nhân quy điểu nhi trí từ hề, khương tấn cao nhi nan đương) [“Tư mĩ nhân”],v.v...

Dẫu Sở từ có vẻ là truyền thống phương Nam, chưa có ảnh hưởng nhiều đến quan niệm văn học chính tông thời bấy giờ, nhưng nó cũng là một thực tiễn của văn học Trung Quốc với tư cách là đại diện của nền văn học Đông Á, cân bằng với thiên hướng diễn giải “chí” theo quan niệm chính trị, luân lí của Nho gia (thịnh hành phía Bắc). Nó cũng dần dần có ảnh hưởng đến quan niệm văn học ở đây cùng với xu hướng thống nhất của các đế chế Trung Hoa, để sau này nó sẽ phát huy ảnh hưởng, với các quan niệm như: “phát phẫn trước thư” (phẫn uất mà viết sách) (Tư Mã Thiên), “thi duyên tình” (thơ gốc ở tình) (Lục Cơ), “sính kì tình” (mến cái tình ấy) (Chung Vinh), “bất bình tắc minh” (bất bình thì kêu lên) (Hàn Dũ), “thi cùng nhi hậu công” (người cùng mà sau thơ mới hay) (Âu Dương Tu),v.v…Trong đó phải lưu ý nhất là quan niệm “thi duyên tình” của Lục Cơ. Có thể nói, “thi duyên tình” cũng là một nhánh của quan niệm “thi ngôn chí” ở chỗ nó khai thác yếu tố tình cảm tự nhiên, vô tư (tình cảm thẩm mĩ thuần tuý) của văn học, khác với thứ tình cảm bị luân lí hóa, chính trị - xã hội hóa trong Tả truyện, Thi đại tự hay thậm chí cả Văn tâm điêu long. Nó là sự đấu tranh với quan điểm “thi ngôn chí” đã bị các nhà Nho lí giải theo thiên hướng chính trị, đạo đức (hay “chủ nghĩa công lợi”). Thực chất, nó vẫn xuất phát từ truyền thống “ngôn chí”, đấu tranh với hướng phát triển thiên về đạo đức, xã hội, chính trị mà Nho gia tiến hành. “Thi duyên tình” của Lục Cơ cũng kế thừa các truyền thống “trữ tình” thuần túy từ Kinh Thi và đặc biệt là Sở từ. Lục Cơ không những xoá bỏ gông cùm của việc “chỉ hồ lễ nghĩa” (dừng lại ở lễ nghĩa) mà còn đề cao hình thức “ỷ mị” (đẹp đẽ), đưa thơ ca thoát khỏi đạo đức, luân lí, chính trị mà quay trở về với nghệ thuật thuần tuý. Quan niệm của Lục Cơ được đánh giá là khá gần gũi với quan niệm về thơ của chủ nghĩa lãng mạn ở phương Tây thế kỉ XIX.

Các tranh luận, bàn bạc đời sau (nhất là từ thời Hán) về thi học rõ ràng bị chia rẽ bởi hai thiên hướng diễn giải “thi ngôn chí” này. Nghiên cứu “lịch sử tư tưởng thi học Trung Quốc”, Tiêu Hoa Vinh chỉ ra hai giai đoạn phát triển lớn của thi học Trung Quốc: từ Tiên Tần đến Đường; và từ Tống đến Thanh. Trong 2 giai đoạn đó, có 2 xung đột xuyên suốt là: “xung đột tình – chí” (giai đoạn đầu); “xung đột tình – lý” (giai đoạn sau)[12]. Hai giai đoạn nhưng thực chất chỉ có một xung đột xuyên suốt là xung đột giữa thiên hướng đề cao tình cảm (mà các nhà nghiên cứu còn gọi là khuynh hướng “chủ tình”[13]) và đề cao đạo đức, lí tính (đề cao “chí”, “lí”). Vì vậy, dù là xung đột gì chăng nữa thì vẫn là sự diễn giải mệnh đề “thi ngôn chí” theo hướng thiên về tình cảm thẩm mĩ, tự nhiên hay tình cảm đạo đức, chính trị mà thôi. Hơn nữa, đồng hành với hai khuynh hướng này sẽ có một khuynh hướng thứ ba xuất hiện tự nhiên nhi nhiên (có thể không gọi là khuynh hướng) là khuynh hướng “chiết trung” với nhiều đại biểu, trong đó xuất sắc nhất phải kể đến Lưu Hiệp.

Theo Cai Zongqi, “Lưu Hiệp lại biến “cương lĩnh khai sơn” của phê bình văn học Trung Quốc này [tức “thi ngôn chí” – NTT chú] thành quan niệm toàn diện về văn học”. Một mặt, ông kế thừa quan niệm “ngôn chí” khi viết: “Khi đọc một tác phẩm văn học, người ta mở một văn bản ra và thâm nhập vào cảm xúc [của tác giả]… Mặc dù chúng ta không thể thấy mặt của tác giả ở thời rất xa, nhưng chúng ta có thể nhìn vào tác phẩm của họ và ngay lập tức thấy tâm của họ”[14]. Ở đây, Lưu Hiệp không nói “tâm” đó là về tình cảm tự nhiên hay đạo đức, lí trí. Ông cũng không nói nhiều đến chức năng giáo hoá của văn học như  thời trước. Tuy nhiên, ông vẫn xem những tác phẩm kinh điển của Nho gia như là các tác phẩm khởi nguồn của văn học (“Nguyên đạo”). Điều đó cũng được mặc định là ông hiểu văn học theo nghĩa rộng, mang tính chiết trung và điều hòa. Theo một số nhà nghiên cứu, thay vì nói “chí” như một cái hoàn toàn độc lập, tách rời thơ ca, Lưu Hiệp đã dùng khái niệm “tình văn” như một  phức thể nội dung của văn chương, hay là bản chất chuyển tải tình cảm bằng “văn” của các tác phẩm văn học. Và vì thế mà người ta cho Lưu Hiệp có quan điểm trung hòa, tổng hợp và sâu sắc hơn những quan niệm trước đó. Nhưng mặt khác, Lưu Hiệp đã đẩy quan niệm “thi ngôn chí” với mối quan hệ giản đơn giữ “chí”  và “ngôn” lên mối quan hệ phức tạp, bao quát hơn giữa “văn” và “đạo”, đưa quan niệm chỉ gói gọn trong thơ lên thành quan niệm bao trùm văn học. Lưu Hiệp cho văn học là sự biểu hiện tự nhiên của đạo, là sự nỗ lực tự giác của con người muốn chuyển hóa thế giới nội tâm thành thành “văn”. Nhan đề tác phẩm quan trọng và cũng nổi tiếng nhất của ông lấy tên “văn tâm điêu long” (tạm dịch: tạc rồng vào tâm của văn) mượn hoạt động “tạc rồng” để thể hiện quan hệ giữa “văn” và “tâm” (sâu xa là đạo). Con rồng có vẻ đẹp bên ngoài của nó (văn) nhưng vẻ đẹp bên ngoài đó lại phản ánh cái đẹp bên trong (tâm, đạo). Việc làm văn cũng giống như việc dùng cái đẹp của văn để tả được cái đẹp, cái quý, cái “thần” của đạo. Thiên “Nguyên đạo” sách Văn tâm điêu long thể hiện rõ quan niệm văn học thống nhất, sâu sắc của ông, nhất là ở đoạn dưới đây:

“Cái đức phát lộ ra của văn mới thực là lớn lao thay, đức phát lộ ấy nó như được sinh ra cùng một lúc với trời và đất. Tại sao lại nói như vậy? Ngay từ khi cái sắc đen của trời, cái sắc vàng của đất còn hỗn tạp với nhau trong một vị thế là trời đất còn chưa phân chia; rồi sau đó cho đến lúc trời và đất bắt đầu phân tách ra: trời tròn và ở phía trên, đất vuông và nằm phía dưới; đến khi mặt trời, mặt trăng như hai hòn ngọc bích thay nhau chiếu sáng như đang muốn phô bày ra cái tượng của bầu trời; núi sông gấm vóc như muốn phô ra cái hình thế phân chia trật tự của mặt đất,… tự thân tất cả những màu sắc hình thù, trật tự đó chính là cái đức phát lộ ra của văn, và văn đó là thứ văn hiện thân của đạo. Lúc ấy (nếu ta đã tồn tại), ngẩng mặt lên nhìn bầu trời, ta sẽ thấy được vẻ đẹp rực rỡ của mặt trời, mặt trăng; cúi xuống nhìn mặt đất, ta sẽ thấy được cái đẹp của văn đang ẩn tàng trong hình thế núi sông; trời ở trên cao còn đất ở dưới thấp, lưỡng nghi nhờ vậy đã được sinh ra. Trong muôn loài chỉ có con người là có thể tán trợ vào sự hóa dục của trời đất và chỉ có con người là được hun đúc bởi cái tính linh diệu của vũ trụ; vì thế cho nên con người có thể sánh ngang cùng trời đất mà thành một trong tam tài gồm thiên, địa, nhân. Con người chúng ta lại được tạo nên từ cái khí thiêng tinh túy nhất, cái khí đã điều khiển những yếu tố của ngũ hành hợp lại, vì vậy, con người, thực sự, mang trong mình cái tâm của trời đất! Khi cái tâm của trời đất hình thành trong chúng ta, lúc ấy ngôn ngữ của chúng ta được sinh ra, và khi ngôn ngữ chúng ta được sinh ra cũng là lúc mà văn vốn ẩn giấu trong chúng ta có được một phương thức để được thể hiện rõ ràng, tất cả những tiến trình từ khi trời đất còn là một, cho đến khi có con người, rồi đến khi cái văn của con người có một hình thức biểu hiện bằng ngôn ngữ là một tiến trình hoàn toàn tự nhiên”[15].

Các nhà nghiên cứu khi phân tích phát ngôn này đã chỉ ra tính chất nhị nguyên trong quan niệm về nguồn gốc văn học của Lưu Hiệp. Một mặt, ông cho rằng “văn” là sản phẩm của tự nhiên (đạo tự nhiên – thiên văn, địa văn) [khách quan], nhưng mặt khác con người cũng là một tự nhiên (một trong tam tài) nên văn cũng lại là sản phẩm chủ quan của con người (nhân đạo - nhân văn). Từ đó có thể thấy là ông đã bao gộp cả hai ý: văn phản ánh nội tâm nhưng cũng phản ánh quy luật khách quan. Ở đây, quan niệm của Lưu Hiệp còn bao hàm cả tranh cãi về việc rốt cuộc nghệ thuật có nguồn gốc chủ quan (nội tâm) hay khách quan (ngoại vật), nhưng điều này chúng ta sẽ biết đến khi nói đến quan niệm rất gần với “thi ngôn chí” là “thuyết cảm vật” sau đây. Ở điểm ấy, quan niệm của Lưu Hiệp cũng lại là sự điều hòa, tổng hợp.

(Còn nữa)


[1] Trần Đình Sử (1999). Mấy vấn đề thi pháp văn học Việt Nam trung đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.170.

[2] Xem Chu Tự Thanh (1956). Thi ngôn chí biện, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã, Thượng Hải, tr.2.

[3] Tàng Khắc Hoà (1999), Trung Quốc văn học dữ Nho học tư tưởng [Văn học Trung Quốc với tư tưởng Nho học], Quảng Tây Giáo dục xuất bản xã, Nam Ninh, tr.9.

[4] Có thể kể ra các công trình tiêu biểu như: Trần Lê Sáng (1973). “Thử tìm hiểu quan niệm ‘Thi ngôn chí’ của các nhà Nho”, TCVH, số 1, tr. 103; Phương Lựu (1985). Về quan niệm văn chương cổ Việt Nam, Nxb Giáo dục, Hà Nội; Phương Lựu (1989). Tinh hoa lí luận văn học cổ điển Trung Hoa, Nxb Giáo dục, Hà Nội; Phương Lựu (1997). Góp phần xác lập quan niệm văn học Việt Nam trung đại, Nxb Giáo dục, Hà Nội; Trần Đình Sử (1999). Sđd; Nguyễn Đình Phức (2004). “Từ “thi ngôn chí” đến thuyết “mỹ thứ” đời Hán”, Tạp chí Hán Nôm , số 1 (62) 2004, trang 48-54,v.v…

[5] Phần này được viết dựa trên các công trình như: Quách Thiệu Ngu (1999), Trung Quốc văn học phê bình sử [Lịch sử phê bình văn học Trung Quốc], tập 1, Bách Hoa văn nghệ xuất bản xã, Thiên Tân; La Căn Trạch (2003), Trung Quốc văn học phê bình sử [Lịch sử phê bình văn học Trung Quốc], Thượng Hải thư điếm xuất bản xã; Viên Hành Bái, Mạnh Nhị Đông (1994), Trung Quốc thi học thông luận [Thông luận về thi học Trung Quốc], An Huy Giáo dục xuất bản xã; Tiêu Hoa Vinh (1996), Trung Quốc thi học tư tưởng sử [Lịch sử tư tưởng thi học Trung Quốc], Hoa Đông sư phạm đại học xuất bản xã, Thượng Hải; Tàng Khắc Hoà (1999), Sđd; Cai Zongqi (2001), Configurations of Comparative Poetics [Cấu hình của Thi học so sánh], University of Hawai’I Press, Honolulu;v.v…

[6] Tàng Khắc Hoà (1999). Sđd, tr.12.

[7] Văn Nhất Đa, Ca dữ thi. Dẫn theo Tàng Khắc Hoà, Sđd, tr.11. Xem thêm Trần Đình Sử (1999). Sđd, tr.170.

[8] Chu Tự Thanh, Sđd, tr.3-4.

[9] Tiêu Hoa Vinh (1996). Sđd, tr.162.

[10] Chu Hy (1992). Kinh Thi tập truyện, tập 1, Tạ Quang Phát dịch, Nxb Văn học, Hà Nội, tái bản, tr.31.

[11] Tào Thuận Khánh (1988). Trung Tây tỉ giảo thi học [So sánh thi học Trung Quốc – phương Tây]Bắc Kinh xuất bản xã, 1988. Xem thêm: Đổng Khánh Bính (2012). “Trung Tây văn học quan niệm sai dị luận” [Bàn về sự khác biệt trong quan niệm văn học Trung Quốc và phương Tây], Văn nghệ lí luận nghiên cứu, số 1.

[12] Tiêu Hoa Vinh (1996). Sđd, tr.5.

[13] Xem Trần Nho Thìn (2007). “Trào lưu chủ tình của văn học Việt Nam thế kỉ XVIII đầu thế kỉ XIX và dấu vết ảnh hưởng của sách ‘Thế thuyết tân ngữ’. Văn học trung đại Việt Nam dưới góc nhìn văn hoá, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.523-555.

[14] Cai Zongqi (2001). Sđd, tr.50. Nguyên văn câu của Lưu Hiệp (phiên âm) như sau: “Quan văn giả, phi văn dĩ nhập tình… thế viễn mạc kiến kì diện, quan văn triếp kiến kì tâm” (Văn tâm điêu long).

[15] Nguyễn Phúc Anh (2010). “Thông diễn mới về thiên Nguyên đạo trong Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp”, Kỷ yếu hội thảo Nghiên cứu và đào tạo khoa học xã hội và nhân văn ở Việt Nam thành tựu và kinh nghiệm, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội. Nguyên văn (phiên âm) lời Lưu Hiệp như sau: “Văn chi vi đức dã đại hĩ, dữ thiên địa tịnh sinh giả hà tai? Phù huyền hoàng sắc tạp, phương viên thể phân, nhật nguyệt điệp bích, dĩ thuỳ lệ thiên chi tượng; sơn xuyên hoán ỷ, dĩ phô lí địa chi hình. Thử cái đạo chi văn dã. Ngưỡng quan thổ diệu, phủ sát hàm chương, cao ti định vị, cố lưỡng nghi kí sinh hĩ; duy nhân tham chi, tính linh sở chung, thị vị tam tài. Vi ngũ hành chi tú khí, thực thiên địa chi tâm, tâm sinh nhi ngôn lập, ngôn lập nhi văn minh, tự nhiên chi đạo dã”. Đoạn văn trên do Nguyễn Phúc Anh dịch.

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020