Văn học Việt Nam trung đại

Tìm hiểu các văn bản lục bát và song thất lục bát chữ Hán trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm


11-10-2020

TÌM HIỂU CÁC VĂN BẢN LỤC BÁT VÀ SONG THẤT

LỤC BÁT CHỮ HÁN TRONG

KHO SÁCH CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN NÔM

TS. NGUYỄN THỊ LÂM

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Lục bát và song thất lục bát là hai thể thơ đặc sắc của dân tộc Việt Nam. Theo nhiều nhà nghiên cứu thì hai thể thơ này đã có mặt từ lâu trong ca dao, dân ca rồi dần dần đi vào văn học viết. Bắt đầu bằng tác phẩm Nghĩ hộ tám giáp giải thưởng hát ả đào của Tiến sĩ Lê Đức Mao (1462-1529) và về sau, nó càng được các tác gia sử dụng, nâng cao để rồi sáng tạo nên những kiệt tác của dòng văn học chữ Nôm thời trung đại. Chẳng những thế, họ còn vận dụng hai thể thơ này để viết nên những tác phẩm lục bát và song thất lục bát chữ Hán. Đây quả là một hiện tượng đáng được quan tâm, tìm hiểu. Tuy nhiên, từ trước tới nay hầu như nó vẫn chưa được chú ý đúng mức, hoặc chỉ là nhân thể mà được nhắc qua trong một vài công trình có đề cập đến các thể loại văn học. Còn như về nguyên nhân, thực trạng và mức độ vận dụng của từng thể thơ nói trên như thế nào thì cũng chưa có sự tìm tòi, tổng kết. Bài viết này là một cố gắng bước đầu nhằm góp phần làm sáng tỏ vấn đề nêu trên.

I. Về các văn bản hiện còn

Căn cứ bộ Di sản Hán Nôm Việt Nam Thư mục đề yếu (PGS. Trần Nghĩa - Prof. François Grosđồng chủ biên, Nxb. KHXH, H. 1993), chúng tôi thống kê được những tên sách như sau:

1. Bắc sử vịnh khúc (A.2695), 1 bản in, 136tr, khổ 26x15cm. Liễu Văn đường in năm Duy Tân Canh Tuất (1910). Hàn lâm viện Thị độc đại nhân soạn.

Bài ca vịnh Bắc sử bằng chữ Hán thể 6-8, từ đời Bàn Cổ đến Nguyên Quế Vương trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa.

2Chúc hỗ ca (A.177), 1 bản viết, 22tr, khổ 30x 22cm.

Bài ca bằng chữ Hán thể 6-8 mừng vua Tự Đức 50 tuổi.

3Dược tính ca phú tạp lục (VHb.74) 1 bản viết, 148tr, khổ 20x14cm. Sách gồm
các bài ca và phú nói về tính chất và công
dụng của các vị thuốc, trong đó có bài Dược tính ca quát bằng chữ Hán thể 6-8.

4Đại Nam quốc âm ca khúc (AB.146), 1 bản viết, 232tr, khổ 31x21cm. Thượng thư Nguyễn Công Trứ soạn.

Sách chép những bài ca Nôm theo các điệu: Nam bằng, Nam ai, Kê Khang khúc, Tư Mã phượng cầu khúc, Nam thiên tụng… Các bài ca phú, văn sách, truyện biên soạn bằng chữ Nôm hoặc dịch từ Hán sang Nôm… Cuối sách có bài Trung thu hữu cảm (cảm xúc đêm trung thu) bằng chữ Hán soạn theo thể song thất lục bát.

5. Đậu khoa thuyết ước ca (VNb.55), 1 bản viết, 108tr, khổ 19x20cm. Sách có bài ca chữ Hán thể 6-8 nói về phương pháp chữa bệnh đậu mùa.

6. Đường Hào phong vật tổng ca (A.591), 1 bản viết, 96tr, khổ 34x24cm, biên soạn năm Gia Long 10 (1811).

Bài ca bằng chữ Hán, thể 6-8, nói về lịch sử, địa lý huyện Đường Hào, tỉnh Hưng Yên. Có chú thích tên người, tên đất và những sự việc liên quan.

7. Kim Vân Kiều Hán tự diễn âm ca (A.3213), 1 bản viết, 240tr, khổ 28,5x14cm. Lê Dụ dịch toàn bộ Truyện Kiều Nôm của Nguyễn Du ra thơ chữ Hán thể 6-8.

8Nam Định chúc hỗ ca cách (A.2233), 1 bản viết, 11tr, khổ 25x14cm. Đỗ Huy Uyển biên tập. Bài ca chúc mừng Tự Đức 50 tuổi bằng chữ Hán thể 6-8.

9. Phụng sứ Yên Kinh tổng ca tịnh nhật ký, gồm 2 bản viết tay: A.373, 156tr, khổ 31x22,5cm và VHv.1182, 76tr, khổ 26x15cm đề: Phụng sứ Yên Đài tổng ca, Nguyễn Huy Tự chép.

Tác phẩm gồm phần đầu là bài tổng ca bằng chữ Hán thể 6-8, dài 472 câu do Nguyễn Huy Oánh soạn, kể lại cuộc đi sứ của tác giả vào năm Lê Cảnh Hưng 27 (1766) và phần sau là nhật ký và 136 bài thơ đề vịnh di tích lịch sử, danh thắng của Trung Quốc: lầu Nhạc Dương, miếu Khổng Minh.

10Sử ca. Hiện còn 4 bản viết tay: VHv.1810/1-3, 536tr, khổ 29x17cm; VHv.1811/1-3, 504tr, khổ 29x17cm; A.233, 464tr, khổ 31x22cm; A.3042/1-2, 386tr, khổ 25x14cm. Tiên Phong Mộng Liên Đình Nguyễn Đăng Tuyển soạn năm Tự Đức thứ 13 (1860).

Lịch sử Trung Quốc soạn bằng chữ Hán thể 6-8 từ thời Bàn Cổ đến thời Minh gồm: chính trị, văn hóa, võ bị. Sau mỗi triều đại, có phần giải thích và lời bình.

11Tân giang từ tập (VHv.273), 1 bản viết, 94tr, khổ 25x18cm. Cao Xuân Dục sáng tác. Sách gồm các bài thơ, văn, ca, phú, trong đó có bài Tân Giang dạ nguyệt khúc (khúc ngâm đêm trăng ở Tân Giang) thể song thất lục bát chữ Hán (có diễn Nôm). Nội dung ca ngợi việc đào sông Tân Giang ở hai huyện Kim Bảng và Duy Tiên khi ông làm Bố chánh Hà Nội.

12Thanh bình ca điệu (VHv.2080), 1 bản viết, 32tr, khổ 27x15cm. Ngô Mạnh Cầu soạn năm Tự Đức 22 (1874).

Bài ca chữ Hán thể 6-8, ca ngợi cuộc đời Phạm Văn Nghị: ông quê làng Tam Đăng, phủ Nghĩa Hưng, đỗ Hoàng giáp dưới triều Nguyễn (1838). Khi Pháp xâm lược, ông mộ binh chống lại, nhưng vì lực lượng mỏng không ngăn được giặc, hai ba lần tự tử đều được cứu sống. Sau ông về sống ẩn dật tại hang núi Trường Yên (Ninh Bình), tự đặt hiệu là Liên Hoa Động Chủ.

13Thu dạ lữ hoài ngâm (A.3158), 1 bản viết, 14tr, khổ 19x14cm. Tiến sĩ Đinh Nhật Thận sáng tác.

Khúc ngâm về nỗi nhớ nhà của người sống nơi đất khách giữa đêm thu, soạn theo thể song thất lục bát chữ Hán (có diễn Nôm).

14. Thu dạ ngâm (AB.396), 1 bản viết, 20tr, khổ 24x14cm. Khúc ngâm Đêm thu nhớ nhà do Đinh Nhật Thận sáng tác bằng thể song thất lục bát chữ Hán (có diễn Nôm).

15Trần Thái sư tán văn (A.1160), 38tr, khổ 25x14cm. Đỗ Hạ Xuyên biên tập tại Hà Nội, bản in năm Tự Đức Giáp Tuất (1847).

Bài văn chầu ca ngợi sự tích Trần Hưng Đạo: 18 trang đầu là thơ chữ Hán thể 6-8; 20 trang cuối là bản dịch Nôm thể 7-7/6-8.

16Trần triều Phạm điện soái chính kinh (A.2844), 30tr, khổ 26x15cm. Thiện Mỹ đường, Thượng Lý, Hải Phòng in năm Đinh Tỵ.

Kinh giáng bút, thác danh Phạm Điện soái (tức Phạm Ngũ Lão), trong đó có thơ viết theo thể 6-8 bằng chữ Hán.

17Trị phong tê chứng (VNv.223), 1 bản viết, 80tr, khổ 30x16,5cm.

Cách chữa bệnh phong tê, trong đó có bài ca về kinh mạch thể 6-8 bằng chữ Hán.

18Tự Đức thánh chế giải nghĩa ca (Tự học giải nghĩa ca).

Có 9 bản in, 13 quyển, gồm các ký hiệu VHv.627/1- 4 đến VHv.633/1- 4 in năm Thành Thái thứ 9 (1897), 610tr, khổ 28x18cm; AB.5/1-2: 602tr và AB.311: 144tr, khổ 29x17cm đều in năm Thành Thái thứ 10 (1898). Vua Tự Đức sáng tác, Hoàng Hữu Xứng, Ngô Huệ Liên, Hoàng Bính biên tập.

Sách dạy chữ Hán thể 6-8, giải nghĩa bằng chữ Nôm. Các chữ được sắp xếp thành 7 mục lớn: Kham dư (thiên văn, địa lý); Nhân sự (quan hệ xã hôi, con người); Chính hóa (giáo dục); Khí dụng (vật dùng); Thảo mộc (cây cỏ); Cầm thú (động vật, chim muông) và Trùng ngư (côn trùng, tôm cá).

19Việt dư phong vật tổng ca chú giải toàn tập (A.1041), 1 bản viết, 190tr, khổ 31x21cm. Nguyễn Phổ Chính biên tập năm Gia Long Tân Mùi (1811).

Sách gồm bài trường ca về huyện Chí Linh bằng chữ Hán soạn theo thể thơ thất ngôn và bài trường ca về huyện Gia Lộc (Hải Dương) gồm các mục: núi sông, nhân vật có tiếng, thổ nghi, các tầng lớp nhân dân, các nghề sinh sống soạn theo thể thơ 6-8 bằng chữ Hán.

20Vịnh sử ca (A.1247), 1 bản viết, 104tr, khổ 27x18cm. Sách chép theo bản Tự Đức thứ 35 (1882) của Thư viện Phương Đình Chủ Nhân Phan Từ.

Thơ vịnh Bắc sử soạn theo thể 6-8 bằng chữ Hán từ Bàn Cổ đến Hậu Hán về các mặt: kinh tế, chính trị, văn hóa.

21. Vương Kim truyện quốc âm, Vương Kim truyện diễn tự (AB.234), 1 bản viết, 368tr, khổ 30x20cm.

Tác phẩm gồm hai phần:

Vương Kim truyện quốc âm: 184tr, có chú giải bằng chữ Hán các điển tích và chữ khó trongTruyện Kiều của Nguyễn Du.

Vương Kim truyện diễn tự: 184tr, Nguyễn Kiên dịch toàn bộ Truyện Kiều Nôm của Nguyễn Du ra thơ chữ Hán thể 6-8.

II. Nhận xét

1. Về số lượng, niên đại, tác giả tác phẩm

Con số thống kê là 21 văn bản có ghi các tác phẩm lục bát và song thất lục bát chữ Hán. Nhưng xét ra, trong số đó có một số văn bản có tên sách và ký hiệu khác nhau nhưng thực chất nội dung chỉ là một. Đó là trường hợp Bắc sử vịnh khúc (A.2695), Sử ca (VHv.1810-1811, A.3042) Vịnh sử ca(A.1247). Tùy theo giai đoạn lịch sử phản ánh mà các tác phẩm đó có độ dài ngắn không như nhau nhưng chúng đều thống nhất với nhau về mặt nội dung cũng như hình thức thể hiện, mặc dầu cũng có những chỗ dị biệt không đáng kể. Theo Lược truyện các tác gia Việt Nam(1) thì cả ba tác phẩm này là của Nguyễn Đăng Tuyển, biệt hiệu Tiên Phong và Mộng Liên Đình, người xã Hoài Thượng, huyện Tiên Sơn (Bắc Ninh), đỗ Tú tài năm Minh Mệnh thứ 17 (1836). Ông từng là Quốc tử giám sinh, Hộ bộ Chủ sự thăng Thị độc và làm Sử quán Biên tu, Tri phủ Thuận Thành… Các trường hợp khác như Chúc hỗ ca (A.1777) và Nam Định chúc hỗ ca cách (A.2233) đều là bài ca mừng thọ vua Tự Đức 50 tuổi có nội dung như nhau; Thu dạ lữ hoài ngâm (A.3158) và Thu dạ ngâm (AB.396) đều là tác phẩm của Đinh Nhật Thận, là khúc ngâm về nỗi nhớ nhà của một người sống nơi đất khách giữa đêm thu. Nội dung và hình thức giữa chúng cũng không có gì khác nhau. Như vậy, thực chất chỉ có 18 văn bản có ghi những tác phẩm được viết bằng các thể lục bát và song thất lục bát chữ Hán. Trong số 18 văn bản đó thì có 3 văn bản không ghi thời điểm sáng tác (3, 16, 17), 1 văn bản có từ thời Lê (9), còn lại là các văn bản ra đời vào thời Nguyễn. Ai cũng biết giai đoạn khoảng cuối Lê đầu Nguyễn chính là thời kỳ phát triển thịnh đạt nhất của văn học chữ Nôm với khá nhiều truyện Nôm và khúc ngâm nổi tiếng viết bằng thể lục bát và song thất lục bát. Trong hoàn cảnh như vậy mà ngày càng có thêm những tác giả sáng tác bằng lục bát và song thất lục bát chữ Hán cũng là điều dễ hiểu, vì chữ Hán cũng như chữ Nôm đều là hai thứ chữ phổ biến ở nước ta thời đó. Qua những văn bản kể trên có thể thấy đội ngũ tác giả của hai thể thơ gồm đủ các nhà khoa bảng (Thám hoa, Tiến sĩ), quan lại, Cử nhân, Tú tài cho đến các nho sĩ bình dân. Tác phẩm của họ phản ánh khá nhiều đề tài và lĩnh vực của đời sống xã hội: vịnh sử, ca khúc, ngâm khúc, văn chầu, giáng bút, biên soạn sách giáo khoa, y khoa, địa lý, dịch thuật…

Văn bản có niên đại sớm nhất là Phụng sứ Yên Kinh tổng ca (Bài ca tổng quát đi sứ Yên Kinh) của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh (1713-1789) dài 472 câu lục bát chữ Hán, kể lại cuộc đi sứ của ôngvào năm Lê Cảnh Hưng thứ 27 (1766) với những câu mở đầu như sau:

Cảnh Hưng nhị thập thất niên,

Tuế phùng Bính Tuất nhật triền tâu tư.

Mã duy kỳ bí như ti (tư),

Chu đạo ủy trì ngã xuất ngã xa.

Ly câu thanh náo hành ca,

Triêu độ Nhĩ hà trú Ái Mộ thôn.

Thể thần dao ngưỡng hồng ân,

Đinh ninh sổ ngữ ôn tồn nhất chương…

Trong sách, tác giả thuật chuyện theo trình tự, ngày nào tháng nào sứ bộ đi qua những nơi đâu, cùng là sơn xuyên phong cảnh, những cuộc tiếp xúc…đều được ghi chép khá đầy đủ. Tuy là một tập thơ nhưng nó lại có giá trị sử liệu, giúp ta tìm hiểu đầy đủ và tỉ mỉ một cuộc đi sứ ngày trước diễn ra như thế nào(2). Có ý kiến cho rằng Nguyễn Huy Oánh còn là tác giả bài Dược tính ca quát (Tổng quát những lời ca về tính dược) gồm 234 câu lục bát cũng bằng chữ Hán(3), tổng cộng cả hai tác phẩm có đến hơn bảy trăm câu. Có lẽ Nguyễn Huy Oánh là tác giả đầu tiên đã vận dụng thể lục bát chữ Hán để viết tác phẩm trường thiên trong một tập ký sự về đề tài đi sứ. Cùng với Huấn nữ tử ca (Bài ca dạy con gái) gồm 632 câu lục bát Nôm, ông đã là người mở đầu cho mạch truyện thơ lục bát của dòng họ Nguyễn Huy ở Trường Lưu về sau với những tên tuổi nổi tiếng như Nguyễn Huy Tự (1743-1790), Nguyễn Huy Hổ (1783-1841)… Văn bản có niên đại muộn nhất là Kim Vân Kiều Hán tự diễn âm ca do Lê Dụ(4) dịch toàn bộ Truyện Kiều Nôm của Nguyễn Du (1766-1820) gồm 3.254 câu ra thơ chữ Hán thể 6-8 và viết lời tựa có dòng chữ: “Việt Nam dân chủ cộng hòa nhị niên” (1946). Sớm hơn nó khoảng vài chục năm là một văn bản có cùng tính chất: Vương Kim truyện quốc âm, Vương Kim truyện diễn tự. Trong đó, Nguyễn Kiên(5) đã chú thích và diễn dịch toàn bộ Truyện Kiều Nôm ra thơ chữ Hán thể 6-8 mà ngay ở tờ 1 của bản này, người sao chép có dòng chữ: “Tây lịch nhất thiên cửu bách thập ngũ niên bát nguyệt sơ lục” (Ngày mồng 6 tháng 8 năm Tây lịch 1915). Vậy Nguyễn Kiên đã thực hiện công việc diễn dịch này tự bao giờ? Nhà thư mục học Trần Văn Giáp có nhận xét: “Chắc phải sau Kiều Oánh Mậu, tức là sau năm 1902, năm xuất bản sách Đoạn trường tân thanh”(6). Đây chính là hai bản dịch Truyện Kiều bằng văn vần chữ Hán mà ta hiện có. Đoạn mở đầu như sau:

 

 

Kim Vân Kiều Hán tự diễn âm ca(A.3213)

Vương Kim truyện diễn tự (AB.234)

Bách niên thân thế sự tình

Nhân sinh bách tuế vi kỳ

Sắc tài nhị tự lưỡng sinh tương hiềm

Nhất tài nhất mệnh tương vi hí trù

Nhất kinh thương hải tang điền

Tang điền thương hải quan vu

Sự ư nhãn kiến thái phiền tâm thương

Nhãn tiền để cuộc nhân thù thương tâm

Tư phong bỉ sắc lý thường

Thừa trừ tạo vật cơ thâm

Hồng nhan bản thị thương thương sở cừu

Hồng nhan đa đố cổ câm (kim) hữu thường

Đăng tiền phương cảo sưu cầu

Đăng tiền lịch lãm di chương

Phong tình cổ lục thượng lưu sử truyền…

Phong tình lưu đắc nhất trường kỳ quan…

 

Bằng việc dịch từ Nôm sang Hán, các tác giả đã tạo điều kiện cho độc giả được thưởng thức nội dung một kiệt tác văn học bằng cả hai thứ văn tự phổ biến ở nước ta thời trước. Hơn thế nữa, nó còn có thể giúp ích cho người nước ngoài hiểu biết về văn chương nghệ thuật Việt Nam.

Sở dĩ các nhà thơ Việt Nam thời trung đại có thể dùng chữ Hán để viết nên các tác phẩm lục bát và song thất lục bát là do tiếng Hán cũng là một thứ ngôn ngữ đơn lập, âm tiết tính và có thanh điệu như tiếng Việt. Điều đáng lưu ý ở đây là chỉ mượn mặt chữ Hán, còn âm phải là âm Hán Việt, vì nếu là âm tiếng Hán thì khó mà bảo đảm được khuôn khổ, vần luật của hai thể thơ lục bát và song thất lục bát như nó vốn có. Thứ hai là do ảnh hưởng trực tiếp của phong trào sáng tác thơ ca bằng tiếng Việt. Trước thời Nguyễn Huy Oánh, văn học chữ Nôm đã đạt được khá nhiều thành tựu như: Lâm tuyền vãn(Bài vãn ca về cảnh sống nơi rừng suối) của Phùng Khắc Khoan (1528-1613) gồm 185 câu, được coi là một trong những áng thơ Nôm lục bát cổ xưa còn lại; Ngọa Long cương vãn (Bài vãn ca về gò Ngọa Long) gồm 136 câu lục bát, Tư dung vãn (Bài vãn ca về cửa biển Tư Dung) gồm 236 câu lục bát của Đào Duy Từ (1572-1634); Tứ thời khúc vịnh (Khúc vịnh bốn mùa) của Hoàng Sĩ Khải (khoảng cuối thế kỷ XVI) gồm 336 câu song thất lục bát. Cùng thời hoặc sớm hơn cả Lâm tuyền vãn là Việt sử diễn âmcó từ niên hiệu Cảnh Lịch (1547-1553) thời nhà Mạc, gồm 2.318 câu thơ lục bát, mở đầu cho thể diễn ca lịch sử chính thức xuất hiện. Sau đó là Thiên Nam minh giám (Gương sáng trời Nam), tác phẩm diễn ca lịch sử ra đời khoảng đầu thế kỷ XVII, vào thời Trịnh Tráng (1623-1657) gồm 938 câu song thất lục bát. Đặc biệt là Thiên Nam ngữ lục, một tác phẩm diễn ca lịch sử đồ sộ ra đời vào khoảng cuối thế kỷ XVII, bao gồm 8.136 câu đã chứng tỏ khả năng và sự trưởng thành vượt bậc của thể thơ lục bát. Đầu thế kỷ XVIII có Song Tinh Bất Dạ của Nguyễn Hữu Hào, sáng tác trong những năm ông làm trấn thủ Quảng Bình (1704-1713) gồm 2.216 câu thơ lục bát, được coi là tác phẩm mở đầu cho thể loại truyện Nôm trong văn học viết thế kỷ XVIII... Như vậy, các tác phẩm lục bát và song thất lục bát chữ Hán ra đời trong hoàn cảnh văn học chữ Nôm ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, gây ảnh hưởng đến giới Nho sĩ, khiến họ đã áp dụng hai thể thơ có nguồn gốc dân tộc này vào văn học chữ Hán.

2. Đặc trưng thể loại và sự vận dụng

Trong văn học chữ Nôm, thể lục bát với cách gieo vần, ngắt nhịp giản dị mà biến hóa linh hoạt, với số câu không hạn định đã tỏ ra thích hợp với phương thức tự sự nên thường được dùng để viết truyện Nôm và diễn ca lịch sử. Còn thể song thất lục bát, với đặc điểm nhịp điệu bằng trắc không bị gò bó chặt chẽ, với khổ thơ bốn câu có tính chất chu kỳ, dung lượng dài ngắn không hạn định, chủ yếu thích hợp với phương thức trữ tình nên thường được sử dụng để viết các khúc ngâm. Trong hai thể thơ thì thể lục bát vẫn tỏ ra được ưa chuộng và sử dụng rộng rãi nhất. Thể lục bát chữ Hán cũng thường được dùng để sáng tác hoặc diễn dịch các tác phẩm tự sự trường thiên như: Phụng sứ Yên Kinh tổng caBắc sử vịnh khúc, Đường Hào phong vật tổng ca, Kim Vân Kiều Hán tự diễn âm, Vương Kim truyện quốc âm, Vương Kim truyện diễn tự… Còn thể song thất lục bát chữ Hán, chủ yếu được sử dụng để viết các khúc ngâm hoặc để giãi bày tâm sự. Thể này ra đời muộn hơn, số lượng ít hơn nhưng cũng để lại được dấu ấn với các tác phẩm như Trung thu hữu cảm của Nguyễn Công Trứ (1778-1858), Thu dạ lữ hoài ngâm của Đinh Nhật Thận (1815-1866), Tân Giang dạ nguyệt khúc của Cao Xuân Dục (1843-1923)…Đặc biệt là khúc ngâm do Đinh Nhật Thận sáng tác đã làm cho ông trở nên có tên tuổi trong văn học sử Việt Nam.

Kể từ Phụng sứ Yên Kinh tổng ca của Nguyễn Huy Oánh (1766) đến Kim Vân Kiều Hán tự diễn âm ca (1946), các văn bản lục bát và song thất lục bát chữ Hán đã ra đời và phát triển trong khoảng gần hai thế kỷ. Tác phẩm ngắn nhất cũng phải mấy chục câu, dài nhất lên đến mấy nghìn câu mà về cơ bản vẫn đảm bảo cách gieo vần và niêm luật của mỗi thể loại không khác gì ở trong thơ tiếng Việt. Cụ thể như sau:

- Thể lục bát: theo thể này, cứ lần lượt một câu sáu chữ, lại đến một câu tám chữ, dài ngắn bao nhiêu cũng được. Lục bát bao giờ cũng dùng vần bằng, chữ cuối câu lục hiệp vần với chữ thứ sáu câu bát. Chữ thứ tám câu bát hiệp vần với chữ thứ sáu câu lục nối sau và chữ thứ sáu câu bát lại nối vần với chữ thứ sáu câu lục ở trên. Niêm luật của thể lục bát cũng khá giản dị, có thể tóm tắt trong một bảng dưới đây:

 

1

2

3

4

5

6

7

8

Lục

0

B

0

Tr

0

B

   

Bát

0

B

0

Tr

0

B

0

B

Như vậy, các tiếng ở vị trí số chẵn phải theo đúng quy định về thanh điệu: cụ thể là tiếng thứ 2 mang thanh bằng (B), tiếng thứ tư mang thanh trắc (Tr), tiếng thứ 6 mang thanh bằng (B) và tiếng thứ 8 mang thanh bằng (B). Còn các tiếng ở vị trí số lẻ (1, 3, 5 và 7) không bắt buộc. Niêm giữa câu lục và câu bát cũng đều theo từng cặp: bằng - bằng, trắc - trắc, bằng - bằng.

Ví dụ trong một đoạn lục bát chữ Hán:

Nam bang nam đế nam thần,

Thiên bài tinh túc địa phân sơn .

Sử thư tự cổ tài đa,

Ngộ vô bàn thố thành  sự nghi,

Trần vương phủ thụ bình kỳ,

Hưng vương giáng thế diệu thi anh hùng.

Phù dư tú hãng linh chung,

Thanh Tiên thác mộng kỳ đồng đĩnh sinh…

(Trần Thái sư tán văn)

- Thể song thất lục bát: đây là một thể tổ hợp giữa thể lục bát và thể thất ngôn. Phép đặt câu trong thể này cứ hai câu bảy chữ rồi đến một câu sáu chữ, một câu tám chữ, bốn câu thành một khổ. Về cách hiệp vần: chữ cuối câu bảy trên vần với chữ thứ năm câu bảy dưới đều là vần trắc. Chữ cuối câu bảy dưới vần với chữ cuối câu sáu đều là vần bằng. Chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ sáu câu tám cũng là vần bằng (theo như thể lục bát). Chữ cuối câu tám lại vần với chữ thứ năm câu bảy trên của đoạn sau mà cũng là vần bằng. Về niêm luật: trừ các tiếng ở vị trí thứ nhất, thứ 2, thứ 4 và thứ 6 của hai câu thất và các tiếng thứ nhất, thứ 3, thứ 5 và thứ 7 của hai câu lục bát được tự do. Các tiếng còn lại đều được quy định chặt chẽ về thanh điệu: cụ thể là ở câu thất trên, tiếng thứ 3 mang thanh trắc, tiếng thứ 5 mang thanh bằng và tiếng thứ 7 mang thanh trắc. Ở câu thất dưới thì ngược lại: tiếng thứ 3 thanh bằng, tiếng thứ 5 thanh trắc và tiếng thứ 7 thanh bằng. Hai câu sáu và tám thì theo như niêm luật của thể lục bát. Như vậy, các tiếng được qui định ở hai dòng thất sẽ tạo nên sự đối lập từng đôi một, còn các tiếng được quy định ở hai dòng lục bát cũng tạo nên sự dính kết từng đôi một(7). Có thể tóm tắt như sau:

 

1

2

3

4

5

6

7

8

Câu thất trên

0

0

Tr

0

B

0

Tr

 

Câu thất dưới

0

0

B

0

Tr

0

B

 

Câu lục

0

B

0

Tr

0

B

   

Câu bát

0

B

0

Tr

0

B

0

B

 

Ví dụ trong một đoạn song thất lục bát chữ Hán:

Thu dạ tĩnh thiên quang ẩn ước,

Cách sơ liêm đạm chước kim lôi.

Thiên thời nhân sự tương thôi,

Phù sinh nhược mộng kỷ hồi vi hoan.

Nhân đối cảnh hoa tiền nguyệt chiếu,

Nguyệt liêu nhân thụ tiếu phong xuy.

Giá ban liệu thiểu nhân tri,

Bế lai phong nguyệt dữ thùy vi thu…

(Thu dạ lữ hoài ngâm)

Một số trong những tác phẩm lục bát và song thất lục bát chữ Hán kể trên cũng đã được chuyển dịch ra chữ Nôm, do người khác hoặc tác giả tự dịch. Về hình thức, có thể dịch sang một thể khác (như trong Trần Thái sư tán văn), nhưng nhiều hơn là được giữ nguyên thể, nguyên số câu. Có văn bản được dịch khá lưu loát, vừa truyền tải được nội dung, vừa đạt được hiệu quả cao về nghệ thuật, như trường hợp Thu dạ lữ hoài ngâm chẳng hạn:

Đêm thu tỏ bóng trời thấp thoáng,

Cách rèm thưa rót chén gượng ngồi.

Thiên thời nhân sự tương thôi,

Kiếp chiêm bao dễ mấy hồi người ta.

Người với cảnh trước hoa trăng tỏ,

Cảnh trêu người ngọn gió rung cây.

Ở trên chừng mấy người hay,

Cùng ta trăng gió đêm ngày làm vui…

Các tác phẩm viết bằng lục bát và song thất lục bát chữ Hán là sản phẩm riêng của các nhà thơ Việt Nam. Hai thể thơ đó cũng là riêng của Việt Nam, còn ở những nơi khác người ta chưa hề tìm thấy những thể thơ nào như thế(8). Sự có mặt của những tác phẩm như trên đã góp phần làm phong phú thêm cho bộ phận văn học viết Việt Nam thời trung đại và mở rộng phạm vi sử dụng của hai thể lục bát và song thất lục bát. Nó xứng đáng có một vị trí nhất định trong lịch sử phát triển của nền văn học dân tộc.

 

Chú thích:

(1) Lược truyện các tác gia Việt Nam. Trần Văn Giáp chủ biên. Nxb. KHXH, H. 1971.

(2) Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, tập II. Nxb. KHXH, H. 1990, tr.105.

(3) Từ điển văn học. Bộ mới. Nxb. Thế giới, tr.1150.

(4) Lê Dụ: người xã Cổ Ngư, huyện La Sơn, đỗ Cử nhân năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), làm quan tới Tuần phủ Quảng Ngãi (Quốc triều hương khoa lục. Nguyễn Thúy Nga - Nguyễn Thị Lâm dịch. Cao Tự Thanh hiệu đính và giới thiệu. Nxb. Tp Hồ Chí Minh 1993, tr.201).

(5) Nguyễn Kiên: chưa rõ lai lịch, chỉ biết ông đỗ Tú tài và từng diễn Nôm sách Cảm ứng thiên quốc âm (AB.247).

(6) Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm, Sđd, tr.199.

(7), (8) Phan Diễm Phương: Lục bát và song thất lục bát. Nxb. KHXH, H. 1998, tr.67 và tr.93./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 6(97) 2009; Tr.37-44

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020