Văn học Việt Nam trung đại

Vài nét về thể tài diễn ca lịch sử Nôm


11-10-2020

VÀI NÉT VỀ THỂ TÀI DIỄN CA LỊCH SỬ NÔM

PGS. TS. HOÀNG THỊ NGỌ

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong kho di sản Hán Nôm, thơ ca được viết bằng chữ Nôm chiếm một số lượng khá lớn. Có thể thấy bên cạnh những sáng tác theo các luật thể vốn có nguồn gốc từ Trung Quốc như: thơ luật Đường, thơ thất ngôn bát cú, thơ ngũ ngôn... còn có số lượng đáng kể những sáng tác, diễn, dịch phẩm được thực hiện theo các thể thơ riêng của dân tộc như lục bát và song thất lục bát. Đó là những văn bản, tác phẩm mang đậm sắc thái dân tộc nhất, gần gũi nhất với đại đa số người Việt. Vốn có nguồn gốc từ thơ ca dân gian, hai thể thơ song thất lục bát và lục bát ngày càng hoàn thiện, nhuần nhuyễn, vững vàng có khả năng diễn tả về mọi mặt của đời sống xã hội Việt Nam thời trung đại. Cũng từ hai thể thơ thuần tuý dân tộc ấy mà kho tàng văn học Nôm đã xuất hiện một loạt những thể tài mới như: truyện thơ Nôm, ngâm khúc, diễn ca lịch sử, diễn ca các tác phẩm kinh điển nho gia, diễn ca gia huấn, diễn ca y học, thơ giáng bút... tất cả đã góp phần khẳng định vai trò, vị thế của chữ Nôm, văn Nôm trong nền văn học Việt Nam trung đại. Mỗi thể loại, thể tài lại mang những đặc trưng riêng về đặc điểm nội dung và hình thức nghệ thuật. Nhưng bấy lâu nay việc quan tâm nghiên cứu về các thể tài Nôm vẫn chưa được thỏa đáng. Một trong những thể tài chưa được nghiên cứu một cách toàn diện, thấu đáo là diễn ca lịch sử Nôm. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi chỉ có thể điểm qua nét về thể tài này.

1. Tình hình nghiên cứu về diễn ca lịch sử Nôm

Đầu thế kỷ XX, một số truyện Nôm và các bài diễn ca đã được phiên âm xuất bản, giới thiệu nhưng việc nghiên cứu thì hầu như chưa được chú ý. Sau năm 1954, các văn bản, tác phẩm Nôm mới được ngày càng quan tâm nhiều hơn. Với các tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm cũng vậy, việc xem xét nghiên cứu về hệ thống sách diễn ca này sau năm 1954 được đề cập một cách sơ lược trong những công trình văn học sử và một số đăng trên các tạp chí khi bàn về thể loại Truyện thơ Nôm. Những người đầu tiên có đề cập, quan tâm đến diễn ca lịch sử là Dương Quảng Hàm, Đinh Gia Khánh, Nguyễn Lương Ngọc, Văn Tân. Sau này, các nhà nghiên cứu như Chu Xuân Diên, Bùi Văn Nguyên, Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Lộc, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương, Kiều Thu Hoạch, Đỗ Bình Trị, Nguyễn Tá Nhí, Hoàng Thị Ngọ, Nguyễn Thị Lâm, Lã Minh Hằng... đã có những ý kiến đóng góp cho những nghiên cứu về diễn ca lịch sử Nôm.

Khi nói về thể tài diễn ca lịch sử, Dương Quảng Hàm đã gọi chung những tác phẩm thuộc thể tài này làViệt sử ca, ông cho rằng: "Người xưa chỉ biết trọng và đọc chung sử mà có ý khinh thường dã sử. Thực ra dã sử cũng quan trọng như chính sử. Vì nhiều khi nhờ đấy mà sửa lại được những điều sai lầm hoặc thiên lệch của những bộ sử do sử thần có khi vì sự tây vị hoặc thế lực áp bách mà chép sai đi".(1)

Sau năm 1945, các tác phẩm văn học Hán Nôm thời trung đại được quan tâm nghiên cứu, khai thác, giới thiệu nhiều hơn, trong đó có các tác phẩm diễn ca lịch sử. Năm 1958, Đinh Gia Khánh và Nguyễn Lương Ngọc đã khảo cứu, phiên âm, chú thích giới thiệu tác phẩm Thiên Nam ngữ lục 天 南 語 錄 . Một tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm đồ sộ vào bậc nhất của văn học Nôm với 8136 câu thơ lục bát. Trong phần khảo cứu, các soạn giả đã đưa ra nhận xét:

"Trừ một vài quyển xuất hiện vào hồi đầu thế kỷ này được viết bằng chữ Nôm và văn xuôi, còn phần lớn những tập viết về lịch sử bằng chữ Nôm đều là những tập viết theo thể văn vần, đặc biệt là theo thể lục bát. Đấy là một loại văn được mệnh danh là diễn ca lịch sử".(2)

Nhìn chung, các công trình, giáo trình viết về văn học sử đều khẳng định: trong văn học Nôm có thể loại diễn ca lịch sử và phần lớn chỉ đề cập đến hai tác phẩm Thiên Nam ngữ lục 天 南 語 錄, Đại Nam quốc sử diễn ca大 南 國 史 演歌 ở góc độ giá trị nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật còn ở góc độ lý luận của thể tài thì hầu như rất mờ nhạt và phiến diện.

Ngay từ năm 1958, Đinh Gia Khánh và Nguyễn Lương Ngọc đã cho rằng: "Thiên Nam ngữ lục rất gần với các truyện Nôm ngày trước về kết cấu và ta có cảm tưởng như tác giả kể chuyện hơn là chép sử" (Sđd.). Sau này Đinh Gia Khánh trong Thiên Nam ngữ lụcmột thành tựu có ý nghĩa thời đại của văn học chữ Nôm(3) đã đề cập đến những vấn đề liên quan đến sự hình thành và phát triển của thể tài diễn ca lịch sử qua nghiên cứu về tác phẩmThiên Nam ngữ lục. Ông cho rằng: "...Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, cùng với sự phát triển mạnh của thơ vịnh sử trong văn học chữ Hán và văn học chữ Nôm và dưới ảnh hưởng của thơ ca tự sự lịch sử trong văn nghệ dân gian thì chắc rằng dần dần đã xuất hiện truyện thơ Nôm lịch sử và diễn ca lịch sử". Ông cũng đề cập đến tính chất văn học cùng những giá trị, đóng góp và hạn chế của tác phẩm Thiên Nam ngữ lục trong nền văn học Nôm. Sau này, năm 2006, trong công trình Chữ Nôm và tiếng Việt qua văn bản Thiên Nam ngữ lục, Nguyễn Thị Lâm ngoài việc chỉnh sửa lại phần phiên âm chú giải đã chú ý nghiên cứu tác phẩm ở góc độ văn bản học, khẳng định thêm những giá trị về mặt ngôn ngữ, văn tự của tác phẩm này.

Đối với văn bản, tác phẩm Đại Nam quốc sử diễn ca cho đến nay đã có tới 15 bản phiên âm quốc ngữ. Cho đến năm 2008, có thể nói việc nghiên cứu văn bản tác phẩm không chỉ dừng lại ở những giá trị và hạn chế về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật mà được nghiên cứu toàn diện, sâu sắc hơn đặc biệt là ở góc độ văn bản học. Bản phiên khảo Đại Nam quốc sử diễn ca do Lã Minh Hằng thực hiện đã tiếp thu, kế thừa có chọn lọc những thành tựu của người đi trước và trên cơ sở khảo sát kỹ 29 dị bản, vận dụng những tri thức về ngữ âm lịch sử, văn tự học để giải quyết tốt vấn đề văn bản. Nhưng Lã Minh Hằng cũng chưa đề cập đến những vấn đề lý luận của thể tài.

Năm 1994, văn bản tác phẩm diễn ca lịch sử Thiên Nam minh giám 天 南 明 鉴 (Gương sáng trời Nam), xuất hiện vào đầu thế kỷ XVII được khảo cứu, phiên âm, chú giải, giới thiệu qua 2 bản phiên âm của Hoàng Thị Ngọ do Nxb. Văn học ấn hành và Nguyễn Thạch Giang do Nxb. Thuận Hóa ấn hành.

Năm 1997, văn bản tác phẩm Việt sử diễn âm 越 史 演 音 xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XVI được Nguyễn Tá Nhí sưu tầm, khảo cứu, phiên âm, giới thiệu, Nxb. Văn hóa - Thông tin ấn hành.

Trong phần khảo cứu, các nhà phiên khảo của 2 văn bản tác phẩm trên cũng chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề văn bản như: tác giả, niên đại, giá trị nội dung tư tưởng, nghệ thuật, những mặt hạn chế...

Từ sau năm 1997 đến nay có một số luận văn cử nhân và thạc sĩ Hán Nôm đã thực hiện các đề tài có nội dung liên quan đến diễn ca lịch sử Nôm. Đáng chú ý nhất là luận văn cao học của Nguyễn Thị Hường với đề tàiSử ca Nôm sự hình thành - Tính chất và giá trị thể loại (năm 1997) nhưng nhìn chung các công trình này cũng chỉ mới giới hạn ở một số tác phẩm diễn ca lịch sử đất nước như Thiên Nam minh giámThiên Nam ngữ lụcĐại Nam quốc sử diễn ca.

Gần đây năm 2006, trong Văn học dân gian người Việtgóc nhìn thể loại(4), Kiều Thu Hoạch có đề cập đến mối quan hệ giữa truyền thuyết anh hùng và vè lịch sử, diễn ca lịch sử: "Đến một giai đoạn lịch sử nhất định khi thơ ca tự sự dân gian phát triển thì thể tài truyền thuyết anh hùng (cả dòng thành văn và dòng kể miệng) lại có dịp gặp gỡ giao lưu và chuyển hoá với hai thể tài vè lịch sử (diễn ca lịch sử dân gian) và diễn ca lịch sử thành văn." Khi nói về tác phẩm diễn ca lịch sử Thiên Nam ngữ lục, ông cho rằng: "Nhà thơ dân gian đã không diễn ca quốc sử theo lối biên niên mà chỉ lựa những truyện tích lý thú để diễn ca. Có thể nói, thực chất đây là một tập diễn ca truyền thuyết hơn là một tập diễn ca lịch sử" và: "Nói là diễn ca lịch sử, nhưng xét trên bình diện văn học thì Thiên Nam ngữ lục cũng có thể coi như một truyện thơ Nôm bình dân kể chuyện lịch sử".(5)

Nhìn chung, trong hệ thống các tác phẩm thuộc thể tài diễn ca lịch sử hầu hết các nhà nghiên cứu mới chỉ đề cập đến những tác phẩm có nội dung diễn ca về lịch sử đất nước tiêu biểu như: Việt sử diễn âmThiên Nam minh giámThiên Nam ngữ lụcĐại Nam quốc sử diễn ca. Trong số các tác phẩm đó thì Thiên Nam ngữ lục được các nhà nghiên cứu quan tâm nhiều nhất, sau đó đến Đại Nam quốc sử diễn ca còn Việt sử diễn âm và Thiên Nam minh giám là 2 tác phẩm có niên đại sớm hơn mới được khảo cứu, phiên âm, giới thiệu gần đây nên chưa được nhiều người biết đến. Các công trình nghiên cứu đều mới chỉ khai thác ở các phương diện: giá trị nội dung tư tưởng, giá trị nghệ thuật và vị trí của các tác phẩm này trong văn học Nôm nói riêng và văn học trung đại Việt Nam nói chung.

Tìm hiểu kho thư tịch Hán Nôm và trong dân gian thì thấy ngoài những tác phẩm diễn ca lịch sử đất nước còn nhiều những tác phẩm diễn ca lịch sử khác nữa hầu như chưa được biết đến và được đặt vấn đề nghiên cứu ở góc nhìn thể loại. Những tác phẩm này có độ dài ngắn khác nhau và phạm vi nội dung cũng hạn hẹp hơn những tác phẩm diễn ca lịch sử đất nước. Có thể nói tất cả những vấn đề về thể tài diễn ca lịch sử và hệ thống văn bản, tác phẩm thuộc thể tài này cho đến nay vẫn chưa được quan tâm nghiên cứu thoả đáng. Ta cũng biết rằng trong mối quan hệ chằng chéo, đa chiều giữa truyền thuyết anh hùng, diễn ca truyền thuyết anh hùng truyền miệng và diễn ca truyền thuyết anh hùng thành văn, vè lịch sử, diễn ca lịch sử thành văn, truyện Nôm... rất khó để tách bạch, hoặc phân loại rạch ròi từng thể tài. Nhưng dù là tương đối vẫn rất cần có sự phân định các văn bản tác phẩm có cùng tiêu chí về nội dung và hình thức theo hệ thống của các thể tài. Có như vậy mới thấy hết được nguồn gốc, sự hình thành và phát triển, giá trị... của từng thể tài nói riêng và nền văn học Nôm thời trung đại nói chung. Khi nghiên cứu, rất cần phải nhìn chúng trong mối quan hệ tương quan, đan xen, có sự chuyển hoá, ảnh hưởng lẫn nhau. Qua khảo sát sơ bộ có thể thấy trong kho thư tịch Hán Nôm, tại các thư viện trung ương và địa phương, trong dân gian còn rất nhiều văn bản tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm ít được biết đến. Yêu cầu cần phải có những chuyên khảo mang tính lý luận sâu sắc, khoa học về thể tài, khai thác xử lý tốt những vấn đề văn bản học và làm rõ những giá trị về nội dung tư tưởng, hình thức nghệ thuật của hệ thống văn bản tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm. Điều đó, không chỉ lấp đi một mảng trống trong khoa học mà còn có ý nghĩa thực tiễn rất lớn trong việc phổ biến tri thức lịch sử, giáo dục lòng yêu nước, tự hào về truyền thống dựng nước, chống giặc ngoại xâm của ông cha ta, đồng thời gìn giữ và phát huy những truyền thống đạo lý cao cả của dân tộc.

2. Diễn ca lịch sử Nôm qua tên tác phẩm

Diễn ca lịch sử Nôm hay Sử ca Nôm là tên do người sau chủ yếu là giới nghiên cứu gọi những tác phẩm thơ lục bát hoặc song thất lục bát có nội dung diễn ca về lịch sử. Lịch sử ở đây có ý nghĩa là lịch sử đất nước, những vấn đề trọng đại của quốc gia, dân tộc. Chúng tôi cho rằng cần phải mở rộng nội hàm của khái niệm diễn ca lịch sử Nôm. Đó không chỉ là lịch sử đất nước mà cả lịch sử về những vùng miền, lịch sử của một triều đại, một tôn giáo, một dòng tộc, một nhân vật lịch sử, một sự kiện đáng ghi nhớ trong lịch sử dân tộc...

Khi nói đến tên gọi của tác phẩm văn học trung đại, một nhà nghiên cứu văn học người Nga là B.L. Riptin trong bài Vấn đề nghiên cứu những nền văn học trung cổ của phương đông theo phương pháp loại hình đã nhận xét: "Thể loại trong văn học trung đại là một phạm trù chủ đạo được thể hiện trong cách thường xuyên nêu bật nó lên ở ngay tên gọi tác phẩm" (Tạp chí Nghiên cứu văn học số 2, năm 1974). Qua các bộ thư mục sách Hán Nôm có thể thấy tên, tiêu đề các văn bản tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm là rất đa dạng, không có sự nhất quán và tình hình không hẳn như ý kiến trên. Không phải tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm nào cũng cho ta một cái tên hoặc một tiêu đề chỉ báo rõ đó là một tác phẩm diễn ca lịch sử như kiểu tên: Đại Nam quốc sử diễn ca; Nam sử diễn ca...Chỉ riêng tác phẩm diễn ca lịch sử Thiên Nam ngữ lục còn tìm thấy các dị bản của tác phẩm này trong Viện Nghiên cứu Hán Nôm với các tên gọi như: Thiên Nam ngữ lục ngoại kỷ 天 南 語 籙 外 紀 (ký hiệu AB.192), Việt sử quốc âm 越 史 國 音 (ký hiệu AB.308), Thiên Nam ngữ lục ký 天 南 語 錄 記 (ký hiệu AB.315), Nam sử diễn ca 南 史 演 歌 (ký hiệu AB.573)...

Năm 1997, Nguyễn Quang Hồng trong bài Tác phẩm chữ Nôm và các kiểu định danh chúng đã khảo sát các tác phẩm chữ Nôm và tên tác phẩm qua 2 bộ thư mục Tìm hiểu kho sách Hán Nôm của Trần Văn Giáp, Tập I, Nxb. KHXH, H. 1970 và tập II, năm 1990) và Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu do Trần Nghĩa và François Gros chủ biên (Nxb. KHXH, H. 1993). Trong bài viết này tác giả đã thống kê số lượng cụ thể các loại tên tác phẩm Nôm như: tên thuần Nôm, tên nửa Hán nửa Nôm, tên Hán văn và tên có các chứa các từ ngữ như:Quốc ngữquốc âmNam âmdiễn âmgiải âmtân truyệndiễn truyệndiễn nghĩa... Tác giả đã chỉ ra quang cảnh chung của tác phẩm Nôm và tên tác phẩm đồng thời cho rằng: tên tác phẩm có các thuật ngữ quốc ngữquốc âmdiễn âmdiễn cavà tân truyện là tên có nhiều khả năng chỉ báo đó là tác phẩm Nôm nhất. Cho rằng có nhiều khả năng là đúng bởi vì trong số các tác phẩm có các từ, cụm từ trên có một số cũng không ít lắm là tác phẩm chữ Hán. Điều đó cũng khá rõ khi chúng tôi chỉ khảo sát trong phạm vi giới hạn là các tác phẩm Nôm mà chúng tôi xếp vào loại diễn ca lịch sử. Trong bài viết này, chúng tôi quan tâm tới tên tác phẩm có các từ, cụm từ có khả năng chỉ báo rằng tác phẩm được viết bằng thơ Nôm lục bát và song thất lục bát, đó là: diễn âm 演 音, diễn ca演 歌, quốc âm 國 音, quốc âm ca 國 音 歌, ca 歌...

Cụm từ Diễn âm: Cụm từ này được sử dụng khá nhiều trong tiêu đề tên các văn bản Hán Nôm. Có thể thấy cụm từ diễn âm khi thì được dùng ở các bản diễn dịch nghĩa kinh Phật, sách tôn giáo từ Hán sang Nôm, ví dụ:Quy nguyên tịnh độ diễn âm 歸 元 淨 土 演 音, Bố thí công đức kinh diễn âm 布 施 公 德 經 演 音, Di Lặc chân kinh diễn âm彌 勒 真 經 演 音, Chư kinh diễn âm 諸 經 演 音, Nhân quả chư kinh trích yếu diễn âm 因 果 諸 經摘 要 演 音,... khi thì diễn ca lời Đức Phật dạy theo thể thơ lục bát Nôm như Phật thuyết thập lục quan kinh diễn âm 佛 說 十 六 觀 經 演 音, Văn Đế cửu kiếp chân kinh diễn âm 文 帝 救 劫 真 經 演 音, Văn Xương Đế Quân thực lục truyện diễn âm文 昌 帝 君 實綠 傳 演 音 (theo thể song thất lục bát)... cũng có khi lại xuất hiện trong tiêu đề tên các truyện thơ Nôm lục bát như Bình Sơn Lãnh Yến diễn âm 平 山 冷 燕演 音, Hảo cầu tân truyện diễn âm好 求 新 傳 演 音..., ta cũng thấy chúng xuất hiện trong văn bản có nội dung răn dạy đạo đức cho người phụ nữ như Nữ tắc diễn âm 女 則 演 音 . Nhiều khi cụm từ diễn âm 演 音 được sử dụng trong những văn bản có nội dung diễn ca lịch sử bằng văn vần theo thể lục bát như Việt sử diễn âm 越 史 演 音, Phù Đổng Thiên Vương sự tích diễn âm 扶 董 天 王 事 跡 演 音, Đông Tác Nguyễn Đại Vương bản truyện diễn âm 東作 阮 大 王 本 傳 演 音, Tây hành nhật trình diễn âm 西 行 日 程 演 音,... và cả những văn bản ghi chép truyện lịch sử và lịch sử bằng văn xuôi Nôm như Việt Nam khai quốc chí diễn âm越 南 開 國 志演 音, Việt Nam sử yếu diễn âm 越 南 史 要 演 音, Mạc sử diễn âm 莫 史 演 音, Quốc triều sử diễn âm國 朝 史 演 音, Nam sử diễn âm 南 史 演 音...

Cụm từ diễn ca 演 歌: Trong kho di sản Hán Nôm những văn bản có tên mang cụm từ diễn ca xuất hiện khá nhiều và ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: văn học, diễn ca lịch sử, y học, giáo dục, tôn giáo, diễn ca sách kinh điển... Những văn bản này thường được thể hiện bằng văn vần, chủ yếu là thơ lục bát và viết bằng chữ Nôm hoặc chữ Hán. Ví dụ các văn bản thể hiện bằng thơ lục bát Nôm như: Kim Kiều diễn ca 金 翹 演 歌, Quy khứ lai từ diễn ca 歸 去 來 辭 演歌, Kinh truyện diễn ca 經 傳 演 歌, Nam Hải Quan Âm đức Phật sự tích diễn ca 南 海 觀 音 德 佛 事 跡 演 歌, Đại Nam quốc sử diễn ca 大 南 國 史 演 歌, Nhật trình diễn ca 日 程 演 歌, Nữ học diễn ca 女 學 演 歌, Nhị thập tứ hiếu diễn ca 二 十 四 好 演歌, Y thư diễn ca 醫 書 演 歌, Trung dung diễn ca中 庸 演 歌,... Trong số đó thì Đại Nam quốc sử diễn ca 大 南 國 史 演 歌, Nhật trình diễn ca 日 程 演 歌... là tác phẩm diễn ca lịch sử. Ta cũng thấy các bản diễn ca lục bát viết bằng chữ Hán như: Quốc phong thi diễn ca 國 風 詩 演 歌, Nam sử diễn ca 南 史 演 歌,... và cả các văn bản có nội dung mang tính chất trình diễn sân khấu như tuồng, chèo: Tam quốc diễn ca 三 國 演 歌, Đinh Lưu Tú diễn ca 丁 劉 秀 演 歌, Trần Quảng Nhĩ diễn ca陳 廣 耳演 袈, Trần trá hôn diễn ca 陳 詐 婚 演 歌, Lưu Bình diễn ca 劉 平 演 歌,...

Ngoài 2 cụm từ diễn âm 演 音, diễn ca演 歌 còn thấy có những từ, cụm từ trong tiêu đề các tác phẩm Nôm như: ca 歌, ca âm 歌 音, quốc âm ca 國 音 歌, diễn âm ca 演 音 歌, quốc ngữ ca 國 語 歌,ví dụ: Hương Tích nhật trình ca 香 跡 日 程 歌, Hương Tích ca 香 跡 歌, Lê Thái Tổ lịch sử ca 黎 太 祖 歷 史歌, Vũ kinh diễn nghĩa ca 武 經 演 義 歌, Long thành cảnh trí ca 龍 城 景 致 歌, Khuyến hiếu ca 勸 好 歌, Khuyến tử ca 勸 子 歌, Nam quốc địa cầu ca 南 國 地 球歌, Nam quốc địa dư ca 南 國 地 輿 歌, Hòa Bình quan lang sử lược ca âm和 平 官 郎 史 略 歌 音, Nam dược quốc âm ca南 藥 國 音 歌, Huấn tục quốc âm ca 訓 俗 國 音 歌, Nguyệt lệnh quốc âm ca月 令 國 音 歌, Chu huấn diễn âm ca 朱 訓 演 音 歌, Hoa Vân diễn âm ca 花 雲 演 音歌, Văn Xương Đế quân âm chất diễn âm ca 文 昌 帝 君 陰騭 演 音 歌, Y đạo quốc ngữ ca 醫 道 國 語 歌,... Trong số đó có cả những tác phẩm diễn ca lịch sử như Lê Thái Tổ lịch sử ca 黎 太 祖 歷 史 歌, Hòa Bình quan lang sử lược ca âm 和 平 官 郎 史略 歌 音. Những cụm từ đó cũng xuất hiện cả trong các tác phẩm lục bát Hán như Sử ca 史 歌, Vịnh sử ca 詠 史 歌, Kim Vân Kiều Hán tự diễn âm ca 金 雲 翹 漢 字 演 音 歌, Đường Hào phong vật tổng ca...

Từ tình hình thực tế trong các văn bản Hán Nôm như trên có thể thấy rằng cụm từ diễn âm được dùng trong các văn bản cả Hán và Nôm, cả văn xuôi và văn vần, cả bản diễn dịch, phóng tác và sáng tác, trong đó có các tác phẩm có nội dung diễn ca lịch sử Nôm. Trong các văn bản có từ, cụm từ ca 歌, diễn ca演 歌, diễn âm ca演 音 歌 bao giờ hình thức thể hiện cũng bằng văn vần, thường là theo thể thơ lục bát và viết cả bằng chữ Nôm và chữ Hán. Như vậy là cadiễn ca được dùng trong những tác phẩm có nội dung thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có diễn ca lịch sử. Còn các cụm từ như quốc âm ca 國 音 歌, quốc ngữ ca 國 語 歌 trong các văn bản hiện còn thì thấy đều là các bản viết bằng chữ Nôm theo thể lục bát.

Có thể thấy đề tài trong mảng sách diễn cadiễn âmcaca âm,... là rất phong phú, nó bao gồm cả về văn học, sách kinh điển của nho gia, kinh sách Phật giáo, sách truyền bá tư tưởng, đạo đức, tôn giáo, giáo dục, y học, việc nông tang... cho đến những sách phục vụ việc giải trí, sinh hoạt thường ngày. Mảng sách diễn ca lịch sử chỉ là một bộ phận trong đó, không thể chỉ dựa vào những cụm từ đã kể trên để nhận diện những tác phẩm diễn ca lịch sử.

Mặt khác, ta cũng thấy rằng tên của các tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm không phải bao giờ cũng được ghi nhất quán, ví dụ: Việt sử diễn âm 越 史 演 音, Thiên Nam minh giám 天 南 明 鋻, Thiên Nam ngữ lục 天 南 語 錄, Đại Nam quốc sử diễn ca 大 南 國 史 演歌, Thái Bình ca 太 平 歌, Hòa Bình quan lang sử lược ca âm 和 平 官 郎 史 略 歌 音, Thiền tông bản hạnh 禪 宗 本 行, Ông Ninh cổ truyện 翁 寧 古 傳, Cai Vàng truyện ngâm 該 釺 傳 吟, Tiền Lý Nam đế sự tích quốc âm前 李 南 帝 事 跡 国 音, Tây hứng khúc sự 西 興 曲 事,... Cũng cần biết rằng, ngoài diễn ca lịch sử Nôm còn có diễn ca lịch sử chữ Hán ví dụ như Nam sử diễn ca 南 史 演 袈, ký hiệu A.1363, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, do Phạm Đình Trạc soạn, diễn ca lịch sử Việt Nam từ đời Hồng Bàng đến đời Gia Long (1802-1819) theo thể lục bát. Như vậy, chỉ căn cứ vào một vài từ hay cụm từ trong tiêu đề tác phẩm để nhận diện tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm thì chưa đủ mà cần phải tiếp cận, khảo sát trực tiếp trên văn bản cụ thể. Trong hàng ngàn tác phẩm lục bát, song thất lục bát Nôm muốn nhận diện tác phẩm diễn ca lịch sử thì phải thấy được những đặc trưng riêng của các tác phẩm thuộc thể tài này, đó là những đặc điểm về nội dung, hình thức nghệ thuật... và nhìn nhận nó theo một hệ thống và dưới một thể tài cụ thể.

3. Nhận diện và phân loại tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm

Trong bộ phận thơ ca Nôm hay còn gọi là thơ ca quốc âm có rất nhiều tác phẩm được thể hiện bằng hai thể thơ lục bát và song thất lục bát như đã trình bày qua phân tích về các từ, cụm từ trong tên tác phẩm ở trên. Có thể thấy không phải cứ tác phẩm lục bát hay song thất lục bát nào cũng là diễn ca lịch sử. Qua những tác phẩm diễn ca lịch sử đất nước lâu nay được biết tới nhiều như Việt sử diễn âmThiên Nam minh giámThiên Nam ngữ lục,Đại Nam quốc sử diễn ca và qua những tìm hiểu, khảo cứu, các tác phẩm có nội dung diễn ca lịch sử, chúng tôi cố gắng rút ra những đặc điểm tiêu biểu để nhận diện, xác định một tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm, đó là:

Về hình thức: có hình thức thể hiện bằng văn tự Nôm và chỉ được thể hiện bằng 2 thể thơ dân tộc là lục bát và song thất lục bát. Kết cấu và độ dài tác phẩm phụ thuộc vào nội dung diễn ca, trong đó có thời gian, không gian lịch sử, có sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử.

Về nội dung: có đề tài, nội dung về lịch sử, chủ yếu dựa vào các bộ chính sử, các truyện cổ tích lịch sử, các truyền thuyết dân gian về lịch sử, lịch sử các địa phương, vùng miền, lịch sử các họ tộc, các nhân vật lịch sử, các thần phả, ngọc phả và các sự kiện lịch sử...

Đặc điểm lớn nhất của các tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm là vừa có tính chất sử học vừa có tính chất văn học, có sự đan xen giữa tính chất sử học và tính chất văn học, giàu chất dân gian.

Dựa vào những đặc điểm và tính chất của tác phẩm diễn ca lịch sử đã nêu trên có thể thấy thể tài diễn ca lịch sử Nôm có số lượng rất phong phú, bao gồm nhiều tiểu loại khác nhau. Chỉ riêng kho sách Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có thể tìm thấy danh mục của trên 150 văn bản tác phẩm. Dựa vào những tiêu chí chung và riêng có thể phân loại diễn ca lịch sử ra các tiểu loại khác nhau. Tất nhiên việc phân loại này cũng chỉ là tương đối vì giữa các loại diễn ca lịch sử cũng có sự chằng chéo, đan xen, có những yếu tố lồng vào nhau, trùng nhau. Chúng tôi tạm chia ra các loại diễn ca lịch sử như sau:

- Diễn ca lịch sử đất nước như các tác phẩm: Việt sử diễn âmThiên Nam minh giámThiên Nam ngữ lục,Đại Nam quốc sử diễn ca...

Diễn ca lịch sử một vùng miền như: Hòa Bình quan lang sử lược ca âm 和 平 官 郎 史 略 歌 音, Thái Bình ca 太 平 袈, Tây hứng khúc sự 西 興 曲 事, Tuyên hành ký trình 宣 行 記 程, Hải Đông phong vật khúc 海 東 風 物 曲...

Diễn ca lịch sử một thời đoạn lịch sử như: Hạnh Thục ca 行 蜀 歌 ...

Diễn ca lịch sử một họ tộc như: Nguyễn Đình tộc thế phả giải ca 阮 廷 族 世 譜 解 歌, Vạn Phúc Phạm tộc thế phả 萬 福 范 族 世 譜, Sơn Đồng Nguyễn tộc gia phả 山桐 阮 族 家譜 (Thế phả lịch đạiquốc ngữ ca 世 譜 歷 代 國 語 歌), Tộc phả ca 族 譜 歌...

Diễn ca về nhân vật lịch sử như: Lý triều đệ tam Hoàng thái hậu cổ lục thần tích quốc ngữ diễn ca 李 朝 第 三皇 太 后 古 錄 神 跡 國 語 歌, Phù Đổng Thiên Vương sự tích diễn âm 扶 董 天 王事 跡 演 音, Sự tích thánh Từ chùa Láng diễn Nôm 事 跡 聖 徐廚 廊 演 喃 . Đông Tác Nguyễn đại vương bản truyện diễn âm東 作 阮 大 王 本 傳 演 音, Lê Thái Tổ lịch sử ca 黎 太 祖 歷 史歌, Ông Ninh cổ truyện 翁 寧 古 傳, Tản Viên Sơn Thánh 傘 圓 山 聖...

Diễn ca về một sự kiện lịch sử như Hà Thành thất thủ ca 河 城 失 取 歌, Hà thành chính khí ca河 城 正 氣 歌, Vè thất thủ kinh đô 𥢬 失 取 京 都 ...

Diễn ca về lịch sử tôn giáo như Thiền tông bản hạnh 禪 宗 本 行, Nam Hải quan âm đức Phật sự tích diễn ca 南 海 觀 音 德 佛 事 跡 演 歌, Tứ pháp ngọc phả quốc âm 四 法 玉 譜 國音...

Mỗi loại diễn ca lịch sử lại có những tiêu chí phân loại, có đặc trưng, tính chất riêng, có những hoàn cảnh và điều kiện nhất định cho sự ra đời phát triển và cũng có mục đích sáng tác, cảm hứng sáng tác, đối tượng phục vụ... khác nhau. Tất cả các loại, các văn bản, tác phẩm diễn ca lịch sử Nôm đã tạo nên một hệ thống văn bản tác phẩm của một thể tài, một thể tài lớn của văn học Nôm thời trung đại Việt Nam.

4. Thể tài diễn ca lịch sử Nôm

Để nghiên cứu về thể tài diễn ca lịch sử Nôm, cần phải có những công trình nghiên cứu một cách toàn diện, khai thác về hệ thống văn bản tác phẩm ở nhiều góc nhìn khác nhau và công trình phải mang tính lý luận sâu sắc. Ở đây, chúng tôi chỉ xin điểm vài nét về thể tài này.

Thể tài diễn ca lịch sử Nôm có khi cũng được gọi là thể loại diễn ca lịch sử Nôm. Nhưng xét về nội hàm, ý nghĩa của khái niệm thì thể tài và thể loại có sự phân biệt khác nhau. Thể loại có tính bao quát rộng hơn, còn thể tài có phạm vi hẹp hơn, cụ thể hơn. Ngay trong Đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên (Nxb. Văn hóa - Thông tin, 1998), thể loại được ghi là "Hình thức sáng tác văn học nghệ thuật được đặc trưng bằng phương pháp phản ánh hiện thực, sự vận dụng ngôn ngữ riêng khác..." và thể tài được ghi là: "Hình thức nghệ thuật đặc trưng bởi đề tài, chủ đề, phong cách". Còn thể tài theo từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh là hình thức của bài văn, quyển sách. Trên cơ sở tìm hiểu những đặc trưng riêng về hình thức và nội dung của hệ thống các văn bản tác phẩm có cùng tiêu chí, trong bài này chúng tôi gọi là thể tài - thể tài diễn ca lịch sử Nôm. Có thể thấy bên cạnh các thể tài khác của văn học Nôm, thể tài diễn ca lịch sử có con đường phát triển riêng, thể hiện sự sáng tạo độc đáo tuyệt vời của người Việt xưa.

Có thể thấy một số tác phẩm được coi là diễn ca lịch sử đã được xếp vào các thể tài khác như: truyện Nôm, truyện Nôm lịch sử, vè, kể hạnh, văn chầu,... Trong một số các thể tài, tác phẩm được viết bằng chữ Nôm như truyền thuyết anh hùng, truyện cổ tích lịch sử, diễn ca lịch sử dân gian, vè lịch sử, truyện thơ Nôm lịch sử, ca lịch sử thành văn... thường có những yếu tố chung mà thể tài nào cũng tìm thấy. Đó là sự thực lịch sử hay cốt lõi lịch sử, là chất tự sự trữ tình và đậm tính chất dân gian, đại chúng, dân tộc. Bởi thế mới có những trường hợp như diễn ca lịch sử Nôm Thiên Nam ngữ lục được xếp loại truyện Nôm khuyết danh và cũng được xếp vào tập truyền thuyết anh hùng vì có tới 20 truyền thuyết anh hùng trong tác phẩm. Có những truyện Nôm lịch sử như Chúa Thao 主 滔 古 傳, Ông Ninh cổ truyện 翁 寧 古 傳... và các bản diễn ca thần tích về các nhân vật lịch sử như:Đổng Thiên Vương tân truyện 董 天 王 新 傳, Đông Tác Nguyễn Đại vương bản truyện diễn âm 東 作 阮 大 王 本 傳 演 音, Tản Viên Sơn Thánh 傘 圓 山 聖... được coi là những diễn ca lịch sử nhân vật. Tác phẩm diễn ca lịch sử Thiên Nam minh giám 天 南 明 鋻 cũng có người gọi là tập ngâm vịnh sử trường thiên, kể chuyện lịch sử. Ngay thể tài diễn ca lịch sử, một số nhà nghiên cứu xếp vào loại thể tài thuộc văn học dân gian nhưng cũng có người cho đó là một thể tài lịch sử. Tất nhiên mỗi người đều có cái lý riêng khả thủ. Đứng ở góc độ thể tài diễn ca lịch sử, có lẽ nên có góc nhìn rộng hơn về tác phẩm diễn ca lịch sử để thấy được sự phát triển của thể tài này qua từng thời kỳ. Để xuất hiện một thể tài thì phải có sự hình thành và phát triển dần dần của một hệ thống các tác phẩm có cùng tiêu chí về nội dung và hình thức và chúng được ra đời trên cơ sở những tiền đề về kinh tế, chính trị, văn hóa tư tưởng, ngôn ngữ văn tự... Thể tài diễn ca lịch sử cũng không nằm ngoài những quy luật trên.

Diễn ca lịch sử Nôm từ khi hình thành, phát triển đến khi kết thúc có thể nói là một quãng thời gian khá dài, ít nhất là khoảng năm, sáu thế kỷ. Để xuất hiện tác phẩm diễn ca lịch sử thì trước đó phải có sự ra đời của thể thơ lục bát và song thất lục bát. Về thể thơ lục bát, cho đến nay có thể nói: qua văn bản Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa được hoàn thành vào thế kỷ XVIII (1761) ta được biết văn bản, tác phẩm gốc được dùng để giải nghĩa là truyền bản Chỉ nam phẩm vựng đã có từ khi Hồ Hán Thương tức vị (1401 - 1406) và đã để lại cho chúng ta chứng tích sớm nhất về thể thơ lục bát(6) ở đầu thế kỷ XV qua văn bản Hán Nôm.

Đến cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI còn thấy tác phẩm Đại nghĩ bát giáp thưởng đào giải văn của Lê Đức Mao. Trong bài này có mặt cả 2 thể thơ lục bát và song thất lục bát. Chính vì vậy chưa có cơ sở để nói rằng diễn ca lịch sử có trước thế kỷ XV.

Cho đến nay, tác phẩm diễn ca lịch sử sớm nhất hiện còn được biết là Việt sử diễn âm xuất hiện vào thế kỷ XVI. Một số nhà nghiên cứu như Đinh Gia Khánh, Kiều Thu Hoạch, Bùi Duy Tân... cho là thể tài diễn ca lịch sử ra đời vào khoảng thế kỷ XVI là có cơ sở. Khảo sát trong kho thư tịch Hán Nôm và trong dân gian thì thấy đến giữa thế kỷ XX vẫn còn thấy những diễn ca lịch sử bằng Nôm diễn ca gia phả, tộc phả, thần phả, nhân vật lịch sử, ví dụ như trường hợp 2 bản diễn ca Đổng Thiên Vương tân truyện 董 天 王 新 傳 và Lê Thái Tổ lịch sử ca 黎 太 祖 歷 史 歌 của ông cử Nam Đán Nguyễn Văn Bình 南 旦 阮 文 評 (1883 - ?) hoàn thành vào năm 1952 khi ông đã trên dưới 70 tuổi. Nam Đán Nguyễn Văn Bình thi đỗ Cử nhân khoa Kỷ Dậu năm Duy Tân thứ 3 (1909) tại trường Hà Nam. Bản Đinh Tiên Hoàng diễn ca 丁 先 皇 演 歌 trong sách Hội Trường Yên 會 長 安 không biết có từ bao giờ nhưng đến năm 1941 mới được nhà in Ngô Tử Hạ xuất bản, giới thiệu với người đọc(7)Nguyễn Đình tộc phả giải ca 阮 廷 族 譜解 袈 do Nguyễn Đình Hội giải ca vào năm Bảo Đại nguyên niên (1926) và được Trần Văn Phòng chép lại, Trần Ngọc Oánh kiểm duyệt vào năm 1962. Ta biết trong lịch sử có khá nhiều những ông nghè, Thám hoa, Bảng nhãn và những ông cử, ông đồ... dù ra làm quan cho triều đình dưới sự bảo hộ của Pháp hay ở ẩn, lánh đời ở chốn quê nhà nhưng vẫn biên soạn các sách sử, giáo dục, gia huấn, y học... bằng chữ Nôm để truyền dạy cho lớp con cháu. Điều đó là do nhiều lý do nhưng không thể phủ nhận được là họ có sự nuối tiếc, hoài cổ, muốn giữ gìn những truyền thống yêu nước, thương nòi chống giặc ngoại xâm, xây dựng, bảo vệ đất nước và những tinh hoa trong truyền thống văn hóa đạo đức dân tộc đã tồn tại từ bao đời. Trong khi nền văn hóa chính trị, xã hội nước ta đã qua những cuộc biến động lớn, đã chuyển mình đi lên với cuộc sống mới, xã hội mới hiện đại thì những tàn dư của một thời đã qua tốt có, xấu có vẫn còn tồn tại dai dẳng trong lòng xã hội mới. Diễn ca lịch sử Nôm với sự phát triển muộn màng, nở rộ của loại diễn ca lịch sử họ tộc, gia phả và các nhân vật lịch sử... ở giai đoạn cuối thế kỷ XIX nửa đầu thế kỷ XX nên theo chúng tôi thể tài này nên xem xét đến khi vẫn còn những bản diễn ca lịch sử Nôm góp mặt trên thi đàn ở giữa thế kỷ XX. Có như vậy mới thấy được sức sống của văn hóa, ngôn ngữ văn tự trong lịch sử và sự trường tồn của nó cùng dân tộc.

Chú thích:

(1) Xin xem Dương Quảng Hàm: Việt Nam văn học sử yếu, Nxb. Đồng Tháp, 1993.

(2) Xin xem Nguyễn Lương Ngọc, Đinh Gia Khánh: Thiên Nam ngữ lục, Nxb. KHXH, H. 1958.

(3) Xin xem Văn học Việt Nam (Thế kỷ X - Nửa đầu thé kỷ XVIII), Tái bản lần 2, Nxb. Giáo dục, H. 2006.

(4) Xin xem Kiều Thu Hoạch: Văn học dân gian người Việt góc nhìn thể loại, Nxb. KHXH, H. 2006.

(5) Xin xem Kiều Thu Hoạch: Truyện Nôm bình dân của người Việt - Lịch sử hình thành và bản chất thể loại - Luận án PTS., năm1996.

(6) Xin xem - Hoàng Thị Ngọ:

- Một chứng tích về thời kỳ xuất hiện của thể thơ lục bát - Kỷ yếu Thông báo Hán Nôm học năm 2011, Nxb. Thế giới, H. 2012.

Suy nghĩ thêm về văn bản Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa và thể thơ lục bát đầu thế kỷ XV - Tạp chí Hán Nôm, số 6 (115) - 2012.

(7) Xin xem Hội Trường Yên. Nhà in Ngô Tử Hạ, H. 1941, tr.16-25./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 3 (118) 2013; tr. 3-13

Post by: Vu Nguyen HNUE
11-10-2020