Hình tượng tự họa của Nguyễn Du nghiêng hẳn về con người tự tra vấn, tự thương, tự thán.
Ngay từ nửa đầu thế kỉ XX - khi các thi tập của Nguyễn Du mới được phát hiện, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định đây là nguồn tư liệu quí giá, là bằng chứng hiện thực nhất (Lê Thước, Trương Chính) giúp hậu thế tìm hiểu phẩm cách và tâm sự phức tạp của đại thi hào (Đào Duy Anh). Bởi lẽ, thơ chữ Hán Nguyễn Du - dù viết về đề tài nào, thì ấn tượng đậm nét nhất vẫn là những cảm xúc, suy ngẫm, trăn trở của nhà thơ trước con người, cuộc sống. Với Nguyễn Du, giãi bày, thổ lộ tâm tư đã trở thành nhu cầu thiết yếu, thường trực, bao trùm cả ba tập thơ chữ Hán. Mỗi trang thơ giống như những trang nhật kí có khả năng trực tiếp phơi bày thế giới nội tâm của tác giả. Giá trị ấy khiến 250 bài thơ chữ Hán chiếm giữ một vị trí đặc biệt trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Du. Đó là, phản chiếu và lưu giữ diện mạo tâm hồn của chính nhà thơ - “một hình ảnh rất động trước mọi biến cố của cuộc đời.”(1). Vì vậy, hình tượng tự họa trong các thi tập không chỉ tái hiện chân dung Nguyễn Du từ điểm nhìn bên trong mà còn phản ánh hành trình tư tưởng của một nghệ sĩ lớn.
1. Vị trí của hình tượng tự họa trong thơ chữ Hán Nguyễn Du
Thơ chữ Hán Nguyễn Du phong phú, đa dạng về đề tài, cảm hứng và đặc biệt giàu tính hướng nội. Hầu hết tác phẩm tập trung ở ba đề tài : thơ vịnh cảnh, thơ vịnh sử và thơ tự họa. Trong đó, thơ tự họa chiếm số lượng lớn nhất [thiên nhiên; 84 bài (33.6%); con người – 71 nhân vật (28.4%); tự họa – 107 lần (42.8%)]. Chỉ xét riêng về số lượng, thơ tự họa của Nguyễn Du đã vượt xa các tác giả cùng thời:
* Thơ tự họa của Nguyễn Du và một số tác giả cùng thời:
STT
|
Tác giả
|
Số bài KS
|
Thơ tự họa
|
SL
|
Tỉ lệ %
|
1
|
Nguyễn Du
|
250
|
107
|
42.8%
|
2
|
Nguyễn Đề
|
143
|
36
|
25%
|
3
|
Đoàn Nguyễn Tuấn
|
241
|
25
|
10.3%
|
4
|
Ngô Nhân Tĩnh
|
93
|
12
|
13%
|
5
|
Lê Quang Định
|
74
|
7
|
9.5%
|
6
|
Trịnh Hoài Đức
|
166
|
14
|
8.4%
|
7
|
Ngô Thì Nhậm
|
177
|
19
|
10.2%
|
Tính hướng nội đặc biệt của thơ chữ Hán Nguyễn Du bắt nguồn từ chất tâm hồn, từ cảnh ngộ riêng và cũng phản ánh quan niệm sáng tác của ông. Nguyễn Du có cốt cách của kẻ sĩ tài hoa, cao ngạo nhưng bề ngoài có vẻ vụng về(3), bản tính trầm lặng, không quảng giao: “Tự hữu lăng vân chí/ Hoàn vô thiệp thế tài” (Nguyễn Đề - Người vốn có chí cưỡi mây/ Nhưng lại không có tài giao thiệp với đời). Nguyễn Du sống ẩn thân: Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục/ Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân (U cư I - Chốn tha hương nuôi dưỡng cái vụng về để phòng kẻ tục/ Thời loạn muốn bảo toàn sinh mệnh nên sợ người đã lâu); Giam mặc tàng sinh lão bệnh dư (Tạp thi II - Sau hồi bệnh già phải sống giấu mình bằng cách im lặng); Bạch đầu vô lại chuyết tàng thân (Dạ hành - Đầu bạc không được việc gì đành vụng về giấu mình). Thường trực trong tâm hồn nhà thơ là nỗi cô đơn : Ngã hữu thốn tâm vô dữ ngữ (Ta có tấc lòng không biết ngỏ cùng ai); Nhất sinh u tứ vị tằng khai (Nỗi niềm sâu kín suốt đời chưa từng bộc bạch); Bách chủng u hoài vị nhất sư (Trăm mối u sầu chưa từng được giải thoát)… Với Nguyễn Du, sáng tác thơ chữ Hán là để kí thác tâm tư, là tự đối thoại với mình.
2. Chân dung Nguyễn Du từ điểm nhìn tự họa
Miêu tả trực tiếp cuộc sống và tâm trạng chủ thể nên thơ tự họa có khả năng phản ánh rõ nét và đầy đủ nhất diện mạo tâm hồn tác giả. Đặc biệt, chân dung tự họa của Nguyễn Du đã vượt thoát khỏi những mẫu hình quen thuộc của thơ ca trung đại... Kiểu nhân vật trữ tình trong các thi tập của Nguyễn Du là con người suy tư, day dứt, tự tra vấn bản thân. Hình tượng tự họa ấy phong phú, đa dạng, chứa đựng nhiều mâu thuẫn... Ở đây, chúng tôi chỉ tập trung khái quát những đặc điểm nổi bật làm nên chân dung tinh thần Nguyễn Du - qua cái nhìn của chính ông.
2.1. Con người cô đơn, bơ vơ, lạc lõng nơi dị hương, loạn thế
Nhớ Nguyễn Du, Nguyễn Đề từng ngậm ngùi, xót xa:“Tố Như hà xứ trú/ Liêu lạc tối kham ai”(Hoài Tố Như đệ - Tố Như ở nơi nào? Lưu lạc thật đáng thương). Niềm thương cảm ấy hoàn toàn “đồng điệu” với cách hình dung của Nguyễn Du về bản thân. Trong thơ tự họa, có đến 80 lần nhà thơ miêu tả mình như một con người cô độc, đáng thương - phải xa lìa gia đình, quê hương, bị cơn dâu bể ném vào chốn dị hương, loạn thế : Thập tải phong trần khứ quốc xa/ Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia (U cư II – Mười năm gió bụi dời kinh thành đi xa/ Đầu bạc phơ phơ ở nhờ nhà người); Thiên lí xích thân vi khách cửu/ Nhất đình hoàng diệp tống thu lai (Thu chí - Thân mình trần trụi ngoài nghìn dặm nơi đất khách/ Một sân lá vàng đưa mùa thu đến)... Mười năm phiêu bạt, Nguyễn Du thấm thía hơn ai hết tình cảnh lênh đênh, bất an của con người giữa dòng đời đầy biến động. Ông ví mình như ngọn cỏ bồng đứt rễ bị cuốn đi dưới ngọn gió tây thổi gấp, cuối cùng không biết trôi dạt về đâu: Hành cước vô căn nhiệm chuyển bồng (Như ngọn cỏ bồng không rễ tha hồ chuyển dời, tôi đi...); Nhất lệ thiên nhai sái đoạn bồng (Bên trời, lệ rơi rưới lên ngọn cỏ bồng đứt rễ).
Không gia đình, thiếu quê hương, Nguyễn Du luôn khao khát tình tri kỉ nhưng cũng biết rằng, khó có thể tìm được trong cõi đời này một tâm hồn đồng điệu: Điệu cao sơn lưu thủy mấy người đã biết; Chim hạc đen về chốn xưa mấy người đã biết... Thậm chí, cả khi nhìn vào tương lai, nhà thơ cũng không dám tin chắc rằng khát vọng tri âm kia sẽ trở thành hiện thực: Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như (Độc Tiểu Thanh kí - Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng?). Cũng vì thế, những từ ngữ như: cô, độc, nhất thân, duy, tự ngữ…cứ trở đi trở lại, tạo thành “nét dáng” riêng của chân dung tâm hồn Nguyễn Du. Đối diện với không gian hay thời gian, với nhân thế hay bản thân, ông đều thấy mình lẻ loi, đơn độc. Một mình lặng lẽ ngắm nhìn sông núi, mây khói bốn mùa ; một mình cô đơn đối diện với ngọn đèn đợi từng thời khắc trôi qua : Tiễn đăng độc chiếu sơ trường dạ (Một mình khêu ngọn đèn soi đêm mới bắt đầu dài); Cô đăng tương đối đáo thiên minh (Ngọn đèn cô đơn đối diện với mình cho đến sáng). Một mình độc thoại với lòng mình: Thành đầu văn họa giác/ Tự ngữ đáo thiên minh (Nghe tiếng tù và vọng lên ở phía đầu thành/ Một mình nói chuyện với mình cho đến sáng); Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ (Bồi hồi trước bóng một mình yên lặng). Bao nhiêu cay đắng, sầu hận như ập đến, trùm lấp một thân phận người nhỏ nhoi, đơn độc: Nam minh phù nguyệt tàn thiên lí/ Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (Dạ hành - Trên biển Nam trăng tà dập dờn ngàn dặm/ Trên lối xưa gió lạnh dồn cả vào một người).
Nỗi ám ảnh về sự chia ly, và cảm giác bơ vơ, lạc lõng khiến mọi nẻo đường trong thơ tự họa của Nguyễn Du đều chỉ còn là ranh giới ngăn cách người lữ khách với gia đình, quê hương. Nguyễn Du chưa từng tìm thấy niềm vui nào nơi đất khách như một số nhà thơ khác: “Khắp chốn riêng mình tha hồ tiêu khiển/ Kiếp này phỏng được mấy lần lãng du” (Nguyễn Đề); “Lìa nhà ai bảo là người buồn bã/ Thanh bạch trời đem làm bạn đường xa” (Ngô Nhân Tĩnh); “Đến đâu cũng được non sông phù trì” (Ngô Thì Nhậm)… Trái lại, với Nguyễn Du, thế giới đã chia thành hai khoảng không gian tương phản: cố hương và dị hương. Cố hương với những gì gần gũi, yêu thương nhất đã là quá khứ xa vời; hiện tại chỉ thấy những hải giác thiên nhai, giang tân hựu hải tân, thiên nha hựu hải nha, thiên lí, vạn lí, vạn khoảnh, vạn san, vạn trùng san... Ở đó, mỗi biến đổi của ngoại cảnh, trăng gió, sông nước hữu tình, thu đông hiu hắt úa tàn hay mùa xuân tươi sáng đều hóa thành "nguyên cớ" khiến lòng người buồn bã, nhớ nhung: Thu phong lạc nhật giai hương vọng (Gió thu, bóng xế đều là lúc ngóng trông về quê nhà); Ky lữ đa niên đăng hạ lệ/ Gia hương thiên lí nguyệt trung tâm (Xuân dạ - Lâu năm làm khách xa nhà rơi lệ dưới đèn/ Nghìn dặm nhớ quê, lòng gửi theo vầng trăng). Nghe tiếng sáo trong buổi chiều tà, lòng chỉ nghĩ về những cách ngăn vời vợi: Cố hương dĩ cách vạn trùng san (Quê nhà đã cách muôn lớp núi). Chưa kịp vui khi ngắm một nhành mai nở sớm, trái tim đã nhói lên niềm đau của một dị hương nhân: Cộng chỉ mai hoa báo tiêu tức/ Xuân hà tằng đáo dị hương nhân (Cùng chỉ hoa mai báo tin xuân/ Nhưng xuân có bao giờ đến với người ở nơi đất khách?). Qua cái nhìn của Nguyễn Du, cảnh vật như đã phai hết những sắc màu của sự sống và dù ở đâu, bao giờ chúng cũng chỉ khơi gợi mối sầu xa xứ: Hồn hề qui lai bi cố hương (Hồn ơi về đi nhớ thương quê nhà); Dao ức gia hương thiên lí ngoại (Xa nhớ quê hương ngoài nghìn dặm); Thiên lí hương tâm dạ cộng trường (Lòng nhớ quê xa ngàn dặm cùng dài với đêm dài). Cũng vì thế, trong thơ tự họa, luôn thấy hình ảnh người đi xa trong tư thế ngoái đầu nhìn lại: Hành nhân hồi khán xứ/ Vô ná cố hương sầu (Người khách quay đầu lại/ Mối sầu cố hương biết sao đây?); Cố quốc hồi đầu lệ (Quê cũ ngoái nhìn nước mắt rơi); Hồi thủ cố hương thu sắc viễn (Ngoảnh đầu nhìn quê cũ màu thu xa); Hồi thủ Lam Giang phố (Ngoảnh đầu về bến sông Lam). Vạn lí hương tâm hồi thủ xứ (Lòng nhớ quê nhà cách xa nghìn dặm, quay đầu lại)… Những hồi đầu, hồi thủ, hồi khán, vọng, vọng ngoại, dao vọng... là điệp khúc của nỗi nhớ thương da diết chưa bao giờ nguôi ngoai trong lòng người lữ khách lẻ loi, đơn độc. Điệp khúc ấy cũng ẩn chứa nỗi khát khao tìm về cố hương bất chấp nghìn trùng núi non, ngàn dặm đường trường ngăn cách. Như thể đó là niềm hi vọng cuối cùng và duy nhất, về một cõi bình yên cho tâm hồn nương náu.
2.2. Con người bế tắc, đổ vỡ niềm tin, bất lực trên đường đời
Nguyễn Du sinh trưởng trong một dòng tộc cao sang đã trở thành "huyền thoại" của ngàn Hống, sông Rum. Bản thân ông là người có tài năng và chắc chắn từng nuôi những hùng tâm, tráng chí. Song, những biến động của thời cuộc, sự sụp đổ của vương triều nhà Lê đã xô đẩy ông từ lầu son gác tía vào "con đường đau khổ". Danh sĩ nổi tiếng tài hoa thoắt đã thành kẻ ăn xin ở thành Thăng Long, kẻ đói rét khiến người thương hại, kẻ ăn nhờ ở đậu "chai sạn" tới mức "quên mình là khách". Từng ôm giấc mộng gác vàng và chí cưỡi mây nhưng sau mấy cuộc bể dâu, mọi thứ đều dang dở: Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên (Tạp thi - Người tráng sĩ đầu bạc buồn trông trời/ Hùng tâm lẫn sinh kế, cả hai đều mờ mịt). Bao giá trị tinh thần từng gắn bó, nâng niu, tự hào cũng thành vô nghĩa, vô dụng giữa cuộc đời này: “Văn chương chữ nghĩa nào đã từng ích gì cho ta/ Không dè đói rét phải nhận lòng thương hại của người”; “Một đời từ phú biết là vô ích/ Sách đàn đầy giá chỉ làm cho mình ngu thôi”!
Thơ tự họa của Nguyễn Du viết nhiều về tâm trạng hoang mang, bế tắc; về nỗi chán nản, bi phẫn vì không thể tìm được một hướng đi cho cuộc đời mình. Ông như kẻ lữ hành đơn độc, lang thang khắp chân trời góc bể mà trước mặt vẫn chỉ là những trường đồ, cùng đồ, tắc đồ không lối thoát, cũng chẳng có tương lai: Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến (Lúc cùng đường, thương người và trăng chỉ nhìn nhau từ xa); Nhân đáo cùng đồ vô hảo mộng (Người đến bước đường cùng không có mộng đẹp); Cùng đồ bạch phát chính tinh tinh (Tôi đang ở bước đường cùng, tóc đã lốm đốm bạc). Nhìn lại con đường mù mịt ấy, nhà thơ không thể không tiếc nuối, xót xa vì tất cả những ước mong, hoài bão đẹp đẽ của tuổi hoa niên đã trở thành hư sự. Thực tại chỉ là đổ vỡ, thất vọng, chán chường: Bạch đầu vô lại bất hoàn gia (Ta bạc đầu không làm được việc gì, không về được nhà); Lưu lạc bạch đầu thành để sự (Lưu lạc đến bạc đầu mà có làm nên chuyện gì đâu); Bạch phát hùng tâm không đốt ta (Tóc bạc rồi dù có hùng tâm nhưng chỉ còn biết than thở)… Nguyễn Du cũng nhiều lần tự họa chân dung với hình ảnh mái tóc bạc - khi bơ phờ trước ngọn gió tây buốt giá hay trong buổi hoàng hôn ảm đạm, lúc xơ xác, tả tơi trên con đường ngàn dặm hay trên những lối xưa hoang vắng... Chúng không tương ứng với thời gian, tuổi tác mà gắn liền với những sầu muộn, đau khổ triền miên: Bạch đầu đa hận tuế thì thiên; Bạch đầu tương kiến khốc lưu ly; Bạch phát tiêu ma bần sĩ khí; ... Với 45 lần (42%) xuất hiện trong thơ tự họa, những bạch phát, bạch đầu, tản phát, phát đoản đã diễn tả hết sự mòn mỏi, bất lực của con người lỡ thời, thất thế. Con người ấy dường như chưa kịp sống, chưa hết bàng hoàng, thảng thốt trước thế sự đổi thay, thì đã bị cướp đi tuổi thanh xuân, bị tước đoạt hết niềm vui, ước mơ và hi vọng.
Hình tượng tự họa trong thơ chữ Hán Nguyễn Du phản chiếu nỗi thất vọng, chua xót của một con người đổ vỡ niềm tin. Được nuôi dưỡng trong bầu 'khí quyển" của Nho giáo, trong môi trường danh gia vọng tộc nhưng thơ Nguyễn Du hoàn toàn vắng bóng con người nhà nho với lí tưởng tu thân, lập thân… Nếu ông có đôi lần nhắc đến chí làm trai, nợ công danh – chỉ là để tiếc nuối, cay đắng, ngậm ngùi cho những gì đã mất, đã lùi xa vào dĩ vãng : Liêu lạc tráng tâm hư đoản kiếm/ Tiêu điều lữ muộn đối thời ca (Tạp ngâm - Tấm lòng hùng tráng lụi tàn làm hư mất cây đoản kiếm/ Nghe khúc ca đương thời làm cho nỗi buồn lữ khách càng thêm tiêu điều); Loạn thế nam nhi tu đối kiếm (Lưu biệt Nguyễn Đại Lang - Làm trai thời loạn nhìn thanh gươm mà thẹn). Ngay cả lúc hanh thông trên con đường làm quan, Nguyễn Du cũng chưa bao giờ có được niềm hứng khởi, sự tự tin; cũng chưa từng bày tỏ "niềm quân thân trọng đại". Trái lại, ông luôn thấy mình lạc lõng giữa chốn quan trường: "Phương xa một mình gửi cái thân làm quan/ Khi có việc, bọn đầy tớ, lính hầu đều lên mặt với ta" (Ngẫu đắc); "Bất tài nên hay sợ rước lấy sai lầm trong việc quan" (Giang đầu tản bộ II). Những bài thơ ngẫu đề nơi công quán hay mạn hứng trên đường kinh lí của Nguyễn Du thường nhuốm màu chán nản, u buồn. Cuộc sống ở đó tẻ nhạt, quẩn quanh, tù túng: “Sáng ăn một bát cơm/ Chiều tắm một chậu nước/ Đóng cửa tạ từ không tiếp bạn thân”. Ngày chỉ nghe tiếng trăng gió, tùng bách, hươu nai nơi non Hồng vẫy gọi “Hồn ơi về đi! Nhớ quê hương”. Bao đêm dài chỉ một mình thao thức nghe tiếng mưa rơi sầm sập, tiếng côn trùng rả rích, tiếng trống điểm canh văng vẳng, tiếng lá thu rơi ; hay ôm nỗi cô đơn “chọi lại cái rét đêm xuân”. Trên đường đi sứ, Nguyễn Du cũng chưa một lần xuất hiện với niềm tự hào, kiêu hãnh như nhiều vị sứ thần khác: Quất mây cưỡi mặt trời, tâm hồn mạnh mẽ/ Cắt sông xẻ núi, sức bút hùng hồn (Phùng Khắc Khoan); Xưa nay cần lao là phận sự của bề tôi/ Chí tang bồng tự ta đã có sẵn (Hồ Sĩ Đống); Cánh hồng tung bay chín vạn dặm trong chớp mắt (Phan Huy Ích); Cờ tiết phơi phới lướt qua đám khói ngàn cây (Lê Quang Định). Cũng chưa từng thấy Nguyễn Du ca ngợi ơn tri ngộ và tỏ lòng trung tín: Báo nước tấm cô trung, nghĩ sao cho xiết (Trần Lô); Ngàn dặm giang hồ xa/ Niềm quân thân vẫn trọng (Ngô Nhân Tĩnh); Đi hay về tự ta dựa vào lòng trung tín/ Vạn núi ngàn khe đều không đáng kể (Nguyễn Đề). Nguồn sức mạnh tinh thần ấy đã giúp cho các vị sứ thần kia vượt lên mọi vất vả, gian nan và coi nhẹ cả mối sầu nhớ quê hương: Phận sự bề tôi là phải vất vả vì việc nước/ Lòng trai tráng há chịu lưu luyến tình gia hương (Nguyễn Đề); Tráng sĩ bền gan phải đền nợ nước/ Trượng phu lập chí nào đâu nghĩ đến riêng mình (Ngô Nhân Tĩnh)... Trái lại, Nguyễn Du thường chua xót, mỉa mai, thương hại cho mình: đầu đã bạc mà vì lợi danh “còn phải xông pha trên con đường ngàn dặm”, “phải lặn lội trong gió thu ngàn dặm”, “theo đuổi công danh tầm thường trong đám bụi trần”. Đáng thương hại còn vì hành trang tinh thần mang theo quá đơn sơ, không đủ nâng đỡ, sưởi ấm tâm hồn: Trung tín đáo đầu vô túc thị (Giữ trung tín rút cục vẫn không đủ cậy nhờ); Bình cư bất hội giảng trung tín/ Đáo xứ vô phương tề tử sinh (Ngày thường không biết nói chuyện trung tín/ Thì đến nơi nào cũng không giải quyết chuyện sinh tử cho mình được).
Có lẽ, thời tuổi trẻ, Nguyễn Du cũng mong ước khẳng định tài năng, nhân cách và làm rạng danh gia tộc bằng một sự nghiệp hữu ích nhưng khi dấn thân vào chốn quan trường, thực tại đã khiến ông hoàn toàn vỡ mộng. Ông hoài nghi, hãi sợ, chán ghét cái môi trường sống ấy - nơi con người phải toan tính cả nụ cười, tiếng khóc ; phải dè sẻn đến cả thoáng chau mày! Cay đắng hơn, chỉ vì chút công danh nhỏ mọn, con người có thể phải đánh đổi cả thiên tính tốt đẹp, chấp nhận sự tha hóa: Vô bệnh cố khâu khâu (Không bệnh mà lưng lom khom).
Như vậy, nỗi thất vọng, chán chường của Nguyễn Du bắt nguồn từ ý thức của nhà thơ về thân phận nhỏ nhoi, bất lực của kẻ sĩ có tài, có tâm trong một thể chế suy tàn. Đó cũng là những buồn thương,cay đắng, thở than của người trí thức dẫu chưa có đủ điều kiện và sức mạnh để chối từ hay phản kháng nhưng có trí tuệ sáng suốt, có lương tri trong sạch để đau khổ và tỉnh thức.
2.3. Con người đau đớn, day dứt, bi phẫn
Quan sát hình tượng tự họa trong các thi tập của Nguyễn Du sẽ thấy một thế giới nội tâm đầy những trăn trở, giằng xé, đau đớn. Suốt cuộc đời, Nguyễn Du chưa bao giờ có được sự bình yên, thanh thản. Hàng chục năm trời rơi vào cảnh lưu lạc, tha hương, nhà thơ luôn xót xa, đau đớn cho những tàn phai, mất mát của tài năng, tâm hồn. Đau xót vì thời gian trôi cuốn đi tuổi trẻ mà sống chửa nên danh, thư kiếm không thành, sinh kế mờ mịt, lưu lạc đến bạc đầu không làm nên chuyện gì, chết nghèo trong chốn văn chương... Càng đau xót hơn khi hùng tâm tráng chí bị bào mòn, ước mơ, hoài bão tàn lụi theo năm tháng: Xuân lan thu cúc thành hư sự/ Hạ thử đông hàn đoạt thiếu niên (Tạp thi - Thú xuân lan, thu cúc đã thành chuyện hão/ Hè nóng đông rét cướp mất tuổi trẻ); Liêu lạc tráng tâm hư đoản kiếm (Tạp ngâm - Tấm lòng hùng tráng lụi tàn làm hư mất cây đoản kiếm); Bạch phát hùng tâm không đốt ta (Khai song - Tóc bạc rồi, dù có hùng tâm nhưng chỉ còn biết than thở). Để rồi khi đã “nên danh”, nhà thơ lại phải khóc thương cho sự “chết mòn” của tâm hồn, nhân cách. Ông nhìn mình như một kẻ vì năm đấu gạo, vì chút công danh nhỏ mọn mà dấn thân vào chốn quan trường; ví mình như viên ngọc phác không còn giữ được khuôn mặt thật. Ta hay gặp trong thơ tự họa của Nguyễn Du lời trách giận, than tiếc cho những tàn, thất, tổn, bất toàn... mỗi khi ông “soi ngắm”chính mình – bằng ánh mắt vừa đau xót vừa day dứt, tủi thẹn.
Nguyễn Du “tra vấn” bản thân nhiều hơn cả khi đối diện với vấn đề xuất xử. Những nhà nho thời trước như Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm không phải trăn trở, băn khoăn trước hai con đường lập thân và bảo thân. Nguyễn Trãi, dẫu biết rõ nước chẳng còn có Sử Ngư, lòng người cực hiểm thay, hoa thường hay héo cỏ thường tươi vẫn dứt khoát chọn con đường nhập thế vì khát vọng mãnh liệt được mang tài năng, đức độ phù vua, giúp nước và còn niềm tin vào giấc mơ Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn. Nguyễn Bỉnh Khiêm ung dung, thư thái khi chọn con đường xuất thế: Cao khiết ai là kẻ sĩ trong thiên hạ/ An nhàn ta là bậc tiên trên trời... vì không chút mơ hồ về thực trạng của xã hội đương thời. Nguyễn Du không có được sự chủ động và thanh thản vì bị dồn đẩy vào hoàn cảnh bi kịch : biết rõ con đường cần đi nhưng lại không thể lựa chọn.
Tâm nguyện Nguyễn Du ôm ấp suốt một đời là được tìm về với cuộc sống bình yên, thanh đạm giữa thiên nhiên, bên những con người không thiết đọc thi thư. Vẫn biết khúc “qui khứ lai từ” là cách nói quen thuộc của các nhà nho muốn lánh đục tìm trong hoặc coi đó là “phần thưởng” sau khi đã hoàn thành bổn phận với đời. Nhưng với Nguyễn Du, nó đã trở thành khát vọng thường trực trong tâm tưởng. Những thời khắc thư thái hiếm hoi là khi ông được sống cách biệt với cõi đời hỗn tạp: “Tấm lòng kẻ đạt nhân sáng tỏ như vầng trăng/ Trước cửa người ẩn dật là sắc xanh của núi” (Tạp ngâm II); “Khí lạnh rặng núi xa thấm vào giấc mộng người du tử/ Nước đầm trong vắt cùng với lòng chủ nhân” (Tạp ngâm III). Giấc mơ hạnh phúc êm đềm nhất là một ngày mai tự do, tự tại: “Ước sao có thể xuống tóc vào rừng/ Nằm nghe tiếng thông reo lưng chừng mây” (Tự thán II); “Ước gì nhảy thoát ra khỏi vòng trần tục/ Dưới bóng cây tùng già thích biết bao” (Sơn thôn)! Vì thế, có lúc ông âm thầm nuôi dưỡng niềm hi vọng trăng gió núi sông vẫn có ý đợi chờ; có lúc tự trách mình đã không thể mạnh mẽ, dứt khoát để thực hiện giấc mơ kia: Giá như rất thiết tha canh rau thuần, gỏi cá lô/ Thì lòng muốn về chẳng đợi gió thu nổi. Để rồi cuối cùng, chỉ càng thêm tiếc nuối, đau đớn khi đối diện lòng mình: Bất dữ thanh sơn tương thủy chung (Thẹn không cùng non xanh giữ được thủy chung); Trúc thạch đa tàm phụ nhĩ minh (Rất thẹn cùng trúc đá vì đã phụ lời thề ước); Hồng Sơn tàm phụ nhất sơn vân (Thẹn mình đã phụ làn mây núi Hồng); Vị ngã Hồng Sơn tạ tùng thạch/ Tái vô diện mục kiến đồng minh (Hãy vì ta tạ lỗi với cây tùng, tảng đá non Hồng/ Ta không còn mặt mũi nào trông thấy bạn đồng minh nữa)...
Nguyễn Du không màng danh lợi, ghê sợ cuộc sống quan trường tù túng, ngột ngạt, bon chen, đầy rẫy hiểm nguy nhưng lại phải làm quan đến tận lúc chết! Trên thực tế, dẫu “thật thà đi theo nhà Nguyễn” và được tin dùng, ông vẫn e dè, lặng lẽ, ẩn thân. Gần chục năm, ông mấy lần cáo quan về quê dưỡng bệnh... Có lần, Nguyễn Du cáo bệnh xin về giữa lúc đường công danh rộng mở khiến người cháu ruột vừa vui mừng vừa khâm phục: Dũng thoái như kim ý sở an (Chú mạnh mẽ rút lui lúc này là do ý muốn – Nguyễn Hành) nhưng chỉ hơn một tháng sau lại phải ra nhận chức Đông Các học sĩ. Không phải vì khát vọng bay cao bởi niềm tin đã mất và Bình sinh đã dứt hẳn giấc mộng mây xanh. Vì sinh kế cho một gia đình Nhà mười miệng ăn đang kêu đói ở phía bắc Hoành Sơn ; hay vì trách nhiệm bảo toàn cho gia tộc đã gánh chịu không ít tang thương qua mấy cuộc bể dâu? Nguyên cớ nào cũng không đủ sức làm tan đi nỗi đau khổ, dằn vặt, u uất của một con người trọn đời bị trói buộc vào điều mình chán ghét.
Tâm trạng bi kịch của Nguyễn Du còn gắn liền với những éo le, bất công, ngang trái, khổ đau nhân thế. Phong ba bão táp đâu chỉ làm sụp đổ vinh hoa, phú quí của gia tộc Nguyễn Du, mà còn gieo rắc đổ vỡ, tan hoang khắp cõi đời: Thành phủ trăm năm một nửa thành gò hoang/ Những côn trùng, chim chóc nhỏ bé đều bay đi hết; Trăm năm của cuộc đời biết bao chuyện tang thương... Nhà thơ khóc thương cho quê hương, đất nước chìm trong mấy cuộc bể dâu: Bốn bể gió bụi, lệ rơi vì tình nhà, nợ nước; Đất trời nhơ nhớp sau cuộc huyết chiến/ Giọt lệ ngoài nghìn dặm khóc cho cuộc binh đao ở quê hương. Mỗi cảnh đời đau khổ đều dội vào trái tim Nguyễn Du những xót thương, đau đớn. Khi là người con hát cũ đáng thương của em: “Đầu bạc gặp nhau khóc nỗi lưu ly”; khi là người ca nữ tài danh đất Long Thành: “Trăm năm như chớp có là bao/ Đau lòng việc cũ, lệ thấm áo”... Đặc biệt, trong những bài thơ viết về con người, cuộc sống trên đất nước Trung Hoa, luôn có hình ảnh thi nhân với rất nhiều bi phẫn : Tôi trông thấy mà thương xót ; Khách qua đường cũng cảm động xót thương ; Nhìn hết tầm mắt, đau lòng chẳng biết dấu vết cũ ở nơi nào; Trông khói sóng mênh mông, lòng ta những đau thương, oán hận; Nghìn năm nghe câu nói đó còn xót thương; Ông và tôi sống khác thời đại, thương nhau luống chỉ rơi nước mắt... Đúng là Trót mang lấy một chữ tình, người nghệ sĩ Tố Như đã trọn đời phải sống trong những day dứt, đau đớn, bi phẫn chồng chất. Bấy nhiêu suy tư, day dứt khôn nguôi về thân phận mình, thân phận con người cũng cho ta thấy vẻ đẹp của trí tuệ và trái tim, tiếng nói của lương tri và ý thức cá nhân sâu sắc tiềm tàng trong con người Nguyễn Du.
3. Hành trình tự khám phá, tự nhận thức của một nghệ sĩ lớn
Bàn về thơ, Octavio Paz từng nhấn mạnh một khát vọng mang tính khởi nguồn: “Tương quan giữa người và thơ cũng xưa bằng lịch sử: những người săn bắt và hái lượm đầu tiên một ngày kia sững sờ nhìn chính mình, vào một khoảng khắc vô hạn, trong dòng nước tĩnh lặng của một bài thơ. Kể từ lúc đó, người ta đã không ngừng nhìn mình trong chiếc gương soi này…”(3). Từ điểm nhìn bên trong, nhà thơ đã quan sát, lắng nghe và tái hiện những biến động thầm lặng mà dữ dội trong tâm hồn mình. Qua cuộc đối thoại “tôi – tôi” này, người đọc có thể thấy được hành trình tự khám phá, tự nhận thức của một nghệ sĩ lớn.
3.1. Số lượng thơ tự họa trong từng tập thơ của Nguyễn Du:
Tác phẩm KS
|
SLKS
|
Số lần tự họa
|
TS và tỉ lệ %
|
Bài
|
Câu, đoạn
|
TS
|
TL %
|
Thanh Hiên thi tập
|
78
|
35
|
24
|
59
|
75.6%
|
Nam trung tạp ngâm
|
40
|
11
|
15
|
26
|
65%
|
Bắc hành tạp lục
|
130
|
0
|
22
|
22
|
17%
|
Số liệu thống kê cho thấy những bài thơ tự họa xuất hiện nhiều nhất trong Thanh Hiên thi tập, giảm dần ở Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Ở Bắc hành tạp lục, không có một bài thơ nào Nguyễn Du tự họa riêng mình; mỗi lần chỉ là một vài câu xen giữa các bài thơ vịnh cảnh, vịnh sử. Cùng với số lượng, tính chất, đặc điểm của hình tượng tự họa cũng có sự thay đổi rõ rệt qua từng tập thơ. Chúng vừa phản ánh những đổi thay trên đường đời, vừa phản chiếu quá trình vận động trong tư tưởng, tình cảm của tác giả.
3.2. Sự biến đổi của hình tượng tự họa qua các thi tập
Từ năm 1965, 249 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du đã được Lê Thước, Trương Chính sưu tầm, dịch, giới thiệu và sắp xếp trong ba tập thơ Thanh Hiên Thi tập, Nam trung tạp ngâm và Bắc hành tạp lục. Thanh Hiên thi tập chủ yếu được sáng tác trong khoảng 10 năm lưu lạc; Nam trung tạp ngâm được viết trong thời kì làm quan ở Bắc Hà và Bắc hành tạp lục ra đời trên đường đi sứ Trung Quốc. Mặc dù còn có ý kiến tranh luận về hoàn cảnh sáng tác của một vài bài thơ, nhưng về căn bản, cách sắp xếp này vẫn có sức thuyết phục với các nhà nghiên cứu. Đây cũng là căn cứ giúp chúng tôi khảo sát, phân tích, khái quát quá trình biến đổi của hình tượng tự họa.
Thanh Hiên thi tập có số lượng thơ tự họa nhiều hơn cả: 59 lần/ 78 bài (35 bài thơ và 24 câu, đoạn). Hình tượng tự họa trong Thanh Hiên thi tập in đậm dấu ấn của những năm tháng bi thương nhất trong cuộc đời tác giả. Trải mấy cuộc thương hải tang điền, Nguyễn Du hầu như đã mất đi mọi điểm tựa : Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán (Nơi non Hồng không còn nhà, anh em tan tác); Cố hương đệ muội âm hao tuyệt/ Bất kiến bình an nhất chỉ thư”(Em trai, em gái ở làng cũ không có tin tức/ Chẳng nhận được một bức thư báo bình an); Trường đồ nhật mộ, tân du thiểu (Đường dài, trời chiều, bạn mới ít)… Gia đình li tán, thiếu vắng tri âm, một mình lưu lạc chốn dị hương, loạn thế xa lạ, hỗn độn nên thơ đã trở thành nơi duy nhất Nguyễn Du có thể trút bầu tâm sự. Nhu cầu giãi bày, thổ lộ khiến thơ tự họa chiếm vị trí đặc biệt trong Thanh Hiên thi tập - 75.6%! Cũng từ những trải nghiệm nhân sinh, Nguyễn Du nhận thức về mình như một cá thể nhỏ bé, đơn độc, vô định, hoang mang giữa dòng đời đầy biến động. Ngoái về chiều nào của thời gian sống, nhà thơ cũng chỉ thấy những đổ vỡ, hoài nghi, bế tắc. Tất cả những gì đẹp đẽ, quí giá nhất đều đổ vỡ hoặc lụi tàn: tuổi thanh xuân, tài năng, chí khí, ước mơ, hi vọng, tương lai... Vì thế, hình tượng tự họa trong Thanh Hiên thi tập chìm ngập trong nỗi cô đơn, thất vọng, u uất, sầu não, không lối thoát. Nhưng chính những nghiệm sinh đau đớn ấy đã là “nhịp cầu” đầu tiên kết nối tâm hồn Nguyễn Du với cuộc đời chung. Nó mở lối đưa nhà thơ về với “phe nước mắt”. Bởi lẽ, chỉ khi biết ý thức về nỗi đau, khi nhận thức được sự mất mát những giá trị cá nhân, biết thương thân một cách thấm thía, sâu sắc như Nguyễn Du– con người mới có thể đồng cảm, chia sẻ với đau thương, bất hạnh của đồng loại.
So với Thanh Hiên thi tập, số lượng thơ tự họa trong Nam trung tạp ngâm đã giảm dần: 26 lần/40 bài, chiếm 65% (11 bài và 15 câu, đoạn). Tập thơ này ghi lại những cảm xúc, suy ngẫm của Nguyễn Du trong thời kì làm quan. Quan sát hình tượng tự họa trong Nam trung tạp ngâm sẽ thấy cảm nhận của Nguyễn Du về mình, về cuộc sống đã có nhiều thay đổi. Thoát khỏi tình cảnh Thiên hồi khổ hải xúc phù tung ; Lữ thực giang tân hựu hải tân nhưng nhà thơ lại rơi vào những bi kịch mới. Đó là nỗi thất vọng trước cuộc sống mòn mỏi, vô nghĩa và nỗi chán chường, hãi sợ trước sự tha hóa của chốn quan trường. Nếu bao trùm Thanh Hiên thi tập là nỗi khổ cùng đường thì ở đây là nỗi đau nhầm đường, lạc hướng. Hóa ra, con đường công danh chẳng những không phải là cơ hội cho Nguyễn Du thực hiện hùng tâm, tráng chí mà còn bào mòn, hủy hoại bao giá trị tinh thần đẹp đẽ. Ở đó, ông phải đối diện với nguy cơ đánh mất mình, phụ bạc những gì mình gắn bó, trân trọng và sẽ bị cuốn theo dòng chảy của thế tục tầm thường. Không còn niềm tin và lụi tắt ước mơ, hi vọng về những minh quân, lương thần, nhà thơ chỉ còn biết than thở, bi phẫn, uất hận: “Đầu bạc ở nơi đất khách, già mà chưa chết” (Tạp ngâm); “Chưa báo đáp được mảy may, sống chẳng ích gì/ Con trai con gái hàng đàn, chết cũng chẳng ngại” (Giang đầu tản bộ II)... Đó là nỗi lòng của một con người Đã không biết sống là vui/ Tấm thân nào biết thiệt thòi là thương! (Truyện Kiều); cũng là cách Nguyễn Du dứt khoát phủ định thực tại “chết mòn” kia!
Không chỉ thế, nhìn lại cõi đời sau những cơn binh lửa, Nguyễn Du nhận ra rằng những đau thương, bất hạnh dội xuống cuộc đời mình không phải là cá biệt: Xương tàn trăm trận đánh vẫn nằm trong cỏ xanh; Trên đồng ruộng khắp nơi vùi thân vô chủ; Gió thổi vào nấm mồ xưa, vinh hoa hư ảo tan hết/ Mặt trời tà trên bãi cát, đống xương chiến trận đã cao... Vì thế, hình tượng tự họa trong Nam trung tạp ngâm không còn giới hạn ở những nỗi đau riêng mà đã bao quát được bi kịch của một lớp người, một thời đại. Thái độ hoài nghi, thất vọng và tâm trạng mệt mỏi, chán chường cho thấy Nguyễn Du không chỉ nhận thức sâu sắc về bi kịch của đời mình mà còn nhận chân được bản chất của xã hội đương thời .
Trong ba tập thơ của Nguyễn Du, Bắc hành tạp lục có số lượng thơ tự họa ít nhất: 22 lần/ 130 bài, chiếm 17% và đều là những câu thơ xen giữa các bài thơ vịnh cảnh, vịnh sử. Ở đó, tác giả chỉ là “nhân vật phụ”, chỉ được miêu tả bằng vài nét phác họa. Nhân vật chính ở đây là những con người Nguyễn Du gặp trên đường đi sứ (4) và hàng chục nhân vật lịch sử của đất nước Trung Hoa (57). Như vậy, hình tượng con người đã chiếm vị trí số một trong Bắc hành tạp lục (và cả trong dòng thơ đi sứ)(4): 61 nhân vật/130 bài – tức 47%! Điều này cho thấy sự “chuyển hướng” trong tư tưởng nghệ thuật và khuynh hướng cảm hứng của tác giả. Nếu ở hai tập thơ trước, Nguyễn Du bị vây bủa, đắm chìm trong nhiều nỗi đau riêng thì giờ đây trái tim nhà thơ đã rộng mở trước cuộc đời. Mối quan tâm hàng đầu của Nguyễn Du không còn là bản thân ông mà là những vấn đề của cõi nhân sinh; những câu hỏi cấp thiết về số phận con người, về thân phận của cái đẹp và tài hoa...
Vì thế, sự đổi thay lớn nhất, có ý nghĩa nhất chính là, hình tượng tự họa trong Bắc hành tạp lục đã hòa vào mạch sống của những kiếp người nghèo khó, khổ đau, bất hạnh: Anh đẩy xe kia người ở đâu ta nhỉ/ Nhìn nhau thấy vất vả như nhau ; Mỗi lần đọc câu thơ “Mũ áo nhà nho chỉ làm lụy thân mình”/ Lại một lần khóc thương người đất Đỗ Lăng sống nghìn năm trước ; Ta nghĩ đến người xưa mà buồn nỗi mình/ Băn khoăn nghĩ ngợi thương cho kiếp phù sinh. Nguyễn Du đã băng qua mọi khoảng cách của thời gian và không gian; của quốc gia, dân tộc để đồng cảm, sẻ chia, trân trọng những “đấng người” tài hoa, trung nghĩa, hiến lương: Ta lau chùi bia xưa để đọc, than thở mãi/ Dường như thấy tráng chí bừng bừng của tướng quân khi còn sống; Bia tàn chữ mất chôn vùi trong cỏ hoang/ Nghìn năm sau nghe tiếng tăm, tôi xuống xe tỏ lòng kính trọng; Buồn nỗi không được gặp lại người ấy/ Khiến ta từ phương xa đến khôn xiết bùi ngùi... Giờ đây, nhà thơ không còn mang nặng những cô đơn, sầu muộn, u uất của riêng mình mà mở lòng đón nhận mọi niềm đau của con người: Thương nhau không cứ ở chỗ giống nhau. Ở Bắc hành tạp lục, hình tượng chủ thể đã đan xen, hòa quyện, nhập vào hình tượng khách thể như không còn ranh giới giữa “tôi” và “người khác”! Bằng tư tưởng nhân văn đặc sắc(5), người nghệ sĩ ấy đã nối tiếp sợi dây liên tài, liên tình được giăng mắc qua hàng trăm năm, ngàn năm - cho con người vơi bớt những cô đơn, sầu hận; cho tình người còn mãi.
Vượt thoát khỏi cõi lòng u uất, bế tắc nên khi đối diện với những đau thương, ngang trái của cuộc đời, con người Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục cũng có một tư thế, một phong thái khác. Nhà thơ không còn bi lụy, chìm đắm trong chán chường, thất vọng, bế tắc. Ông đã cất lên những tiếng khóc thống thiết nhưng mạnh mẽ; đã nêu lên, đặt ra nhiều câu hỏi đích đáng, gay gắt xoáy vào hiện thực và thể chế xã hội đương thời, vào những vấn đề muôn thuở. Ông mượn sự kiện và nhân vật lịch sử để tố cáo, lên án hôn quân, bạo chúa, gian thần; mượn quá khứ để bày tỏ cảm xúc, suy ngẫm về hiện tại; để kiếm tìm lời giải đáp cho bao điều từng trăn trở, khắc khoải. Nhà thơ đã thể hiện cách nhìn nhận, đánh giá độc đáo, sắc sảo về con người, cuộc sống trên đất nước Trung Hoa; nhiều khi trái ngược với “dư luận” chính thống”(5). So với Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm, hình tượng tự họa trong Bắc hành tạp lục hiện lên khỏe khoắn, chủ động và tự do hơn. Qua đó, có thể khẳng định rằng, cái tôi trữ tình Nguyễn Du trải qua hành trình tự đối thoại, tự nhận thức, khám phá về bản thân đã trở nên phong phú hơn, sâu sắc và mạnh mẽ hơn “cái tôi lúc ban đầu”!
4. Kết luận
Thơ tự họa không chỉ có vị trí và ý nghĩa đặc biệt trong các thi tập của Nguyễn Du mà còn là đóng góp quan trọng của đại thi hào cho nền thơ trung đại Việt Nam. Hình tượng tự họa không chỉ có giá trị phản ánh chân thực bi kịch cuộc đời và thời đại Nguyễn Du mà còn thể hiện thế giới tâm hồn phong phú; phản ánh hành trình nhận thức và quá trình vận động tư tưởng nghệ thuật của một nhà thơ lớn. Đó là người nghệ sĩ giàu lòng tự trọng, tiềm tàng năng lực tự ý thức, tự đấu tranh để vươn tới và gìn giữ chân, thiện, mĩ... Dẫu có lúc chìm trong hoài nghi, bế tắc nhưng trái tim thơ ấy chưa bao giờ phai nhạt tình đời. Từ ý thức về những bi kịch cá nhân, Nguyễn Du đã mở rộng tâm hồn để đón nhận, thấu hiểu, sẻ chia mọi niềm đau nhân thế. Từ sự hiểu mình, thương mình, nhà thơ đã hiểu người, thương đời. Hình tượng tự họa trong thơ chữ Hán Nguyễn Du cũng là minh chứng cho sự xuất hiện của con người cá nhân trong văn học trung đại Việt Nam.
Chân dung tự họa của Nguyễn Du không có vẻ đẹp hào hùng, phóng khoáng của thời trước ; cũng chưa có màu sắc tự trào như ở giai đoạn sau. Có lẽ chưa thể vượt lên những buồn thương, đau đớn chất chồng, chưa thể “giã từ quá khứ”, nên hình tượng tự họa của Nguyễn Du nghiêng hẳn về con người tự tra vấn, tự thương, tự thán. Niềm thương thân và nỗi đau đời ấy phản ánh hành trình muôn thuở của những nhà thơ bất tử: “Đã đi với nhân dân/ Thì thơ không thể khác/ Dân máu lệ khốn cùng/Thơ chết áo đắp mặt!” (Phùng Quán, Đêm Nghi Tàm đọc thơ Đỗ Phủ cho vợ nghe).
----------------------
Chú thích:
(*) Bài tham gia Hội thảo quốc tế Kỉ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015): Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: di sản và các giá trị xuyên thời đại, tổ chức tại Hà Nội ngày 8 tháng 8 năm 2015.
(1). Nguyễn Huệ Chi, Tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du, Tạp chí Văn học, số 11/1965, tr.48.
(2). Trần Nho Thìn, Trào lưu chủ tình trong văn học Việt Nam thế kỉ XVIII – đầu thế XIIX và dấu vết ảnh hưởng của sách Thế thuyết tân ngữ, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 1/2007. tr.78.
(3). Octavio Paz, Ai đọc những tập thơ, Nguyễn Tiến Văn dịch, Tạp chí Văn học nước ngoài, số 6/1966, trang 144.
(4), (5). Xin xem: Nguyễn Thị Nương, Bắc hành tạp lục trong dòng thơ đi sứ, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 10/ 2013