Một số trao đổi về việc dịch Đại Việt sử ký toàn thư
TỪ DỊCH BẢN BÀI TỔNG LUẬN CỦA LÊ TUNG SUY NGHĨ VỀ VIỆC DỊCH
MỘT VĂN BẢN HÁN VIỆT CỔ
NGUYỄN ĐĂNG NA
Dịch một văn bản Hán Việt cổ vô cùng khó. Bởi vậy trong dịch bản có sai sót là điều không thể tránh được. Song đòi hỏi có một dịch bản chính xác tới mức tối đa là điều hoàn toàn chính đáng. Trên tinh thần ấy, chúng tôi viết bài này.
Vào những năm chống Mỹ cứu nước căng thẳng, dịch bản Đại Việt sử ký toàn thư(1) ra đời là một cố gắng rất lớn; nó đáp ứng kịp thời nhu cầu nghiên cứu lúc bấy giờ. Tuy nhiên do những khó khăn về điều kiện thời gian cũng như điều kiện về tư liệu và phương pháp dịch..., sách không khỏi có những chỗ chưa ổn. Trên tinh thần ấy, chúng tôi muốn trở lại vấn đề dịch Đại Việt sử ký toàn thư.
Trong Đại Việt sử ký toàn thư, bài Tổng luận của Lê Tung thể hiện khá tập trung tư tưởng triết học và quan điểm lịch sử - xã hội đương thời. Bởi vậy chúng tôi bắt đầu vấn đề từ việc dịch bài này. Khi đặt vấn đề chúng tôi không nhằm đi tìm những sai sót trong dịch bản làm mục đích, mà thông qua bản dịch bài Tổng luận, chúng tôi muốn nêu ra một vài suy nghĩ của mình về việc dịch một văn bản Hán Việt cổ.
*
**
Trước hết chúng tôi nhặt ra 3 điểm mà người dịch cho rằng có sự lầm lẫn trong nguyên bản.
1. Luận về 12 đời vua Trần, bản dịch có đoạn: “Huệ tôn bị giết chết mà mất hết đạo vua tôi, người có nhân không ai làm thế; Linh từ lấy làm vợ là trái ngược đạo vợ chồng, người có nghĩa không ai làm thế” (I, 52) và chú thích: “Thái tông lấy công chúa Thuận Thiên là vợ của anh ruột là Trần Liễu sau này là Hiển từ hoàng thái hậu. Còn Linh từ là vợ Trần Thủ Độ. Có lẽ chép lầm” (I, 52). Chú thích: như vậy, dịch giả muốn nói với người đọc rằng, câu văn trên nói về Trần Cảnh. Có đúng như vậy chăng?
Đánh giá 12 vị vua Trần về mọi mặt xong, Lê Tung một mặt khen 6 vị Thái tông, Thánh tông..., mặt khác lại chê: “Nhiên Huệ tôn kiến sát nhi quân thần chi đạo táng, nhân giả bất vi dã, Linh từ kiến thú nhi phu phụ chi ân quai, nghĩa giả bất vi dã”(2)(4, 16a). Vế thứ nhất rõ ràng phê phán Trần Thủ Độ: “giết Huệ tôn là làm mất đạo vua tôi; người có nhân không ai làm vậy”. Điều đó hoàn toàn phù hợp với sự kiện lịch sử: ngày 12-12 năm Ất Dậu 1225 Trần Cảnh lên ngôi, lúc đó mới 7 tuổi. Tháng 8 năm sau (1226), Thủ Độ bức tử vua Lý Huệ tôn, và cũng ngay năm đó, Thủ Độ mượn tay Thái tông giáng Huệ hậu - vợ Lý Huệ tôn xuống hàng công chúa rồi lấy luôn bà ta làm vợ. Về sự kiện này, Ngô Sĩ Liên lên án: “...đã lấy nước của người ta, lại giết vua của người ta, thì bất nhân lắm...” (II, 7)(3). Như vậy, vế thứ nhất không có gì phải bàn thêm, còn vế thứ hai của đoạn văn ám chỉ Thái tông hay Thủ Độ?
Có việc Thái tông lấy vợ của anh ruột. Mặc dù việc làm của Thái tông do Thủ Độ ép, song vẫn thương tổn đến tình anh em: Trần Liễu đã từng đem quân đánh Trần Cảnh. Nhưng trong nguyên bản không hề có một chữ nào nói đến quan hệ anh em - huynh đệ, mà chỉ nói đến vợ chồng - “phu phụ chi ân” chẳng dính líu gì đến việc Trần Liễu. Giết chồng (Huệ tôn) để cướp vợ (Huệ hậu) mới là việc làm trái nghĩa vợ chồng. Trần Thủ Độ làm việc ấy. Vì thế Lê Tung chỉ trích: “Lấy Linh từ là làm trái với ơn nghĩa vợ chồng, người có nghĩa chẳng ai làm vậy”. Viết đoạn văn trên Lê Tung đã bày tỏ thái độ của mình, chê Thủ Độ là kẻ vừa bất nhân, vừa bất nghĩa.
Xét về chữ nghĩa thì như vậy.Bây giờ ta xét đến kết cấu mạch văn.
Trước đó, khi nói về nhà Trần, Lê Tung viết: “... Thái tông... có đức của người nhân hậu, có tính giản dị chắc chắn, đánh giặc giữ dân, mở khoa thi để kén hiền tài..., nhà Trần do đó mà nổi lên. Song nơi phòng khuê có điều đáng thẹn về đức, giống với lối hôn phối của Đường Thái tông...” (4,13a - b). Như vậy, ở đây tác giả đã phẩm bình việc Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu rồi. Lẽ nào chỉ có một sự kiện mà tác giả nói đi nói lại đến hai lần? Vả chăng, ông vừa khen Thái tông “có đức của người nhân hậu” (tờ 13a), “có lượng của bậc đế vương” (tờ 13b) sao lại giáng luôn “người có nghĩa chẳng ai làm vậy?” (tờ 16a). Văn viết vừa lặp ý, vừa tiền hậu bất nhất vậy ư? Ông Tiến sĩ Lê Tung chắc chẳng đến nỗi kém cỏi thế.
Về cơ bản bài Tổng luận được viết theo thể biền ngẫu. Lê Tung tôn trọng và thực hiện chặt chẽ những quy luật của lối biền văn. Chấp hành nghiêm nhặt những quy tắc là một trong những đặc trưng cơ bản của văn học chức năng thời Trung đại. Dựa vào đặc trưng đó, có thể kiểm tra lại cách hiểu, được trình bày trên kia đúng hay sai. Những cặp đối của đoạn văn là:
Hiển tôn kiến sát//Linh từ kiến thú
Quân thần chi đạo táng//phu phụ chi ân quai
Nhân giả bất vi dã//nghĩa giả bất vi dã
Tính đăng đối nghiêm túc cả về từ ngữ, ý nghĩa đến âm thanh... khiến ta không thể thay đổi khác được dù chỉ một từ. Nếu thay Linh từ bằng Hiển từ vừa phá vỡ thanh luật đối: Huệ (tôn) thanh trắc - Linh (từ) thanh bằng, còn Hiển (từ) thanh trắc, vừa làm xộc xệch ý nghĩa đối: Huệ tôn là chồng - Linh từ là vợ, còn Hiển từ chẳng liên quan gì đến Huệ tôn.
Tiếp liên đối trên, tác giả viết: “dĩ đường đường chi thiên tử nhi vi Trúc Lâm chi thiền, trí giả bất vi dã; dĩ túc túc chi vương cơ nhi vi Chiêm Thành chi phối, lễ giả bất vi dã” (4, 16a) - đường đường là một đấng thiên tử mà làm thiền sư Trúc Lâm, người có trí không ai làm vậy; tôn nghiêm là con gái nhà vua mà cho lấy chồng Chiêm Thành, người biết lễ chẳng ai làm vậy. Liên đối này hợp thành một câu nhằm chê Trần Nhân tông. Một đoạn văn gồm 2 liên đối, 4 vế; nếu liên thứ nhất nói về 2 người - vế 1 chỉ Thủ Độ, vế 2 chỉ Thái tông - còn liên thứ 2 (vế 3 và 4) chỉ nói về một người - Nhân tông, thì luật đăng đối không còn. Người sành văn - được nhà vua giao cho viết Tổng luận của một bộ quốc sử chắc không làm như vậy.
Thế là từ chữ nghĩa, kết cấu mạch văn đến những quy luật của văn học chức năng thời Trung đại đều hướng ta đến một kết luận: Đoạn văn trên hoàn toàn không có gì nhầm lẫn.
2. Về sự kiện Triệu Quang Phục, dịch bản có đoạn: “Sao mà thành Loa đất đắp chưa khô, biển Nha quân liền chết đuối” (I, 42) và chú: “Lê Tung xô bồ sự tích Triệu Quang Phục với sự tích An Dương Vương” (I, 42).
Về chữ nghĩa trong đoạn văn trên không có gì phải bàn. Nhưng liệu ông Tiến sĩ Lê Tung có xô bồ không? Hãy đọc tiếp văn bản: “Tiền hồ An Dương vương thị hữu quy trảo chi thụy, di tâm nhất hình, nhi quốc tùy dĩ diệt; hậu hồ Triệu Việt vương thị hữu long trảo chi tướng, kiêu tâm nhất sinh, nhi quốc tùy dĩ vong...
Triệu Vũ đế sử Trọng Thủy thác hôn ư An Dương vương chi nữ nãi thiết kỳ quy trảo dĩ phạt An Dương vương, nhi thủ kỳ quốc...
Hậu Nam đế sử Nhã Lang thác thú ư Triệu Việt vương chi nữ nãi thiết kỳ long trảo dĩ phạt Triệu Việt vương, nhi di kỳ tộ” (4, 6a).
Với thể biền ngẫu, người đọc dễ dàng nhận thấy cách so sánh 2 sự kiện An Dương vương trước kia với Triệu Việt vương sau này giống nhau, vừa lặp lại.
Cả 2 đều ỷ vào điềm lành - móng rùa hoặc móng rồng, mà sinh lòng lười biếng - di tâm, hoặc kiêu căng - kiêu tâm, để mất nước. Hai vế cuối cùng chỉ rõ nguyên nhân mất nước trực tiếp: “Triệu Vũ đế khiến Trọng Thủy giả lấy con gái An Dương vương là để lấy trộm móng rùa mà đánh cướp lấy nước của ông... Hậu Nam đế sai Nhã Lang vờ lấy con gái Triệu Việt vương là để lấy trộm móng rồng mà đánh chiếm lấy ngôi của ông...”. Quả thật đoạn văn vừa dẫn ra trên kia đã thanh minh cho Lê Tung, ông không xô bồ giữa 2 sự kiện An Dương vương và Triệu Việt vương, mà còn triển khai được luận đề đặt ra: “Hạnh đắc long trảo chi thụy đại phá toàn Lương” (4, 5b) - may được móng rồng điềm tốt đánh tan hết giặc nhà Lương. Đấy là thời và thế để Quang Phục thành công. Song Quang Phục đã theo vết xe đổ của người đi trước. Lê Tung than thở; “Nại hà Loa thành chi trúc vị can. Nha hải chi sư tùy nịch; nga mao chi họa thị thủy cữu dã” (4, 5b). Sao mà thành ốc xây chưa kịp khô, nơi cửa biển Nha quân theo chết đuối; họa rắc lông ngỗng là lỗi của ai? Lời than đó đã trách Quang Phục không biết rút bài học của tiền nhân. Tấm gương tầy liếp về Trọng Thủy - Mỵ Châu còn sờ sờ ra đấy, nay để cho việc Nhã Lang - Cảo Nương lặp lại. Vậy thì tai họa rắc lông ngỗng dẫn đường kia là lỗi của ai? Ý của Lê Tung quá rõ. Văn chương tiền hậu nhất quán, hô ứng tương hợp. Đấy cũng là một trong những thể thức của văn “luận” thời Trung đại.
3. Đoạn thứ 3 về Phùng An, dịch giả dịch: “được lập lên trong chiến lược, rồi đầu hàng với Triệu Xương” (I, 43) và chú giải: “... chữ Hán là “lập ư Phá Cần”. Chúng tôi ngờ rằng chữ “cần” là do chữ “phủ” lộn thành... “Phá phủ” là bài thơ trong Kinh Thi ca tụng công đánh dẹp cứu dân, hợp với việc Phùng Hưng cứu nước” (I, 43). Trước hết, đoạn này nói về Phùng An, chẳng dính líu gì đến Phùng Hưng. Hơn nữa, nguyên văn là: “Tích kỷ tử An bất năng tự thủ. Kiến lập ư Phá Cần, nghênh hàng ư Triệu Xương” (4, 6b) lại càng chẳng có gì “hợp với việc Phùng Hưng cứu nước” - “Tiếc rằng con ông là An không có tài giữ việc nối ngôi”. Vả chăng chữ “kiến” chỉ ra thế bị động, thế tiêu cực của chủ thể Phùng An. Khi Phùng Hưng chết, quân ông chia làm 2 phe: một phe muốn đưa Phùng Hải - em Phùng Hưng lên thay; một phe muốn đưa Phùng An - con Phùng Hưng lên nối ngôi. Phe thứ hai do Bồ Phá Cần đứng đầu với sự trợ giúp của Đỗ Anh Luận, Phùng An được lên nối ngôi hoàn toàn do Bồ Phá Cần. Bởi luật đối trong văn, Lê Tung không thể viết cả 3 chữ “Bồ Phá Cần” được. “Triệu Xương” là danh từ riêng, chỉ tên người, gồm 2 âm tiết. Muốn đăng đối, vế trên chỉ được phép dùng danh từ riêng chỉ người và có 2 âm tiết. “Phá Cần” là do “Phá phủ” lộn thành, thì “Phá phủ” sẽ phá vỡ quy luật của văn biền ngẫu. “Phá phủ” không phải là danh từ chỉ tên người để đối với “Triệu Xương”.
Tổng luận được viết theo lối “bao biếm” của bút pháp Xuân Thu. Chữ nghĩa Lê Tung dùng hết sức chọn lọc, thể hiện rõ quan điểm của ông. Đoạn nói về Phùng An là một thí dụ. “Kiến lập ư Phá Cần” chỉ thế bị động không có thực chất của Phùng An, đối với “nghênh hàng ư Triệu Xương” chỉ thế chủ động đầu hàng mang tính bản chất có thực của Phùng An. Nếu “Phá Phủ ca tụng công đánh dẹp cứu dân” thì nó mang ý nghĩa tích cực, do đó không phù hợp với chữ “kiến” 見 với ý nghĩa tiêu cực, bị động(4).
Đó là 3 ví dụ khá tiêu biểu cho bản dịch Tổng luận. Ngoài ra, nhiều chỗ dịch giả bỏ qua đặc trưng của văn học Trung đại, làm người đọc bản dịch, hoặc hiểu sai lịch sử, hoặc hiểu sai tác giả. Chẳng hạn đoạn dịch về Trần Thái Tông mà chúng tôi có dẫn trên kia. Đối với Thái tông, điều đáng chê trách hơn cả là việc ông lấy vợ của Trần Liễu. Nhưng việc đó ông hoàn toàn bị cưỡng bức. Thậm chí, ông phản ứng bằng cách bỏ kinh đô lên Yên Tử ở và nói với Thủ Độ rằng “trẫm còn trẻ tuổi, chưa cáng đáng nổi việc nặng nề... không dám ở ngôi vua mà làm nhục xã tắc” (II, 15). Bởi vậy Lê Tung chỉ viết: “Khuê môn tàm đức, trùng ư Đường Thái chi hôn phong” (4.13b). Thế mà dịch là “Chốn buồng the kém đức, theo thói dâm hôn của Đường Thái tông” (I, 49). Kể ra, “Khuê môn tầm đức” dịch là “Chốn buồng the kém đức” thì còn tạm được, chứ “trùng ư Đường Thái chi hôn phong” mà dịch là “theo thói dâm hôn của Đường Thái tông” thì không ổn. Người đọc sẽ hiểu sai tư cách của Trần Thái tông. Bị ám ảnh bởi định kiến nặng nề về Thái tông như vậy, nên dịch giả cho câu “Linh từ kiến thú” là viết lầm, câu Ngô Sĩ Liên chê Trần Thủ Độ “... là giặc giết vua; huống chi lại còn làm thói chó lợn” (III, 7) là “chỉ việc loạn luân, Trần Cảnh lấy vợ của Trần Liễu” (II, 279) v.v... và v.v...(5).
*
**
Từ vài điểm trình bày trên, chúng tôi muốn nêu ra vài suy nghĩ của mình về việc dịch một văn bản Hán Việt cổ.
1. Về nhận thức mà nói, khi cầm một văn bản Hán Việt cổ, chúng tôi nghĩ ngay rằng, người xưa rất giỏi dùng Hán văn. Do được đào tạo hệ thống và quy mô, các vị đó vừa sâu rộng về kiến thức, vừa tinh tế về dùng từ, vừa lão luyện về hành văn. Cho nên những sai sót về kiến thức, về dùng từ và về hành văn hết sức hạn chế. Nếu văn bản là tác phẩm văn học chức năng, thì sự sai sót nhầm lẫn càng ít xảy ra hơn bởi hai cớ: một là chỉ những người thật sự giỏi mới được cử viết văn bản đó, hai là, bản thân người được cử viết, vừa có lòng tự trọng, vừa tôn trọng người đọc và rất sợ tiếng cười chê của đời sau. Còn như văn bản đó được khắc in thì độ chính xác của nó càng cao hơn.
Đại Việt sử ký toàn thư là tác phẩm văn học chức năng do một tập thể hầu hết là Tiến sĩ biên soạn dưới sự chỉ đạo trực tiếp của nhà vua và được Quốc tử giám - một cơ quan văn hóa cao nhất đương thời tàng bản, thì những sai sót, hoặc nhầm lẫn được hạn chế tới mức tối đa. Đương nhiên, ta không tuyệt đối hóa một cái gì và không loại trừ khả năng sai sót do kỹ thuật ấn loát gây ra. Khi viết Tổng luận Lê Tung không chỉ đại diện cho tập thể biên soạn, mà còn đại diện cho tiếng nói chính thống của thời đại ông, cho nên người viết không thể cẩu thả được. Rõ ràng những trường hợp ta ngờ rằng viết “lộn” (Phủ thành Cần) “chép lầm” (Hiển từ thành Linh từ) hoặc “xô bồ sự kiện” (Triệu Quang Phục thành An Dương Vương)... đều không đúng. Tất cả những điều đó đều khẳng định rằng, người xưa rất giỏi, phần nhiều ta không hiểu người xưa, chắc ít khi người xưa nhầm lẫn.
2. “Những quy chế về thể loại được chấp hành nghiêm chỉnh là một trong những đặc điểm cơ bản tạo nên tác phẩm”(6) văn học Trung đại. Lê Tung viết Tổng luận theo bút pháp Xuân Thu, dưới hình thức biền văn, bằng thể tài luận. Bút pháp Xuân Thu đòi hỏi tác giả dùng chữ hết sức chọn lọc, sao cho thể hiện được quan niệm khen chê rõ ràng, “như gương sáng đã treo lên, thì muôn hình tượng đều chiếu thấy” (I, 39). Các trường hợp đánh giá Triệu Việt vương, Phùng An, Trần Thủ Độ, Trần Thái tông, Trần Nhân tông... mà chúng tôi nêu trên kia là những ví dụ tiêu biểu. Đặc điểm của văn “luận” là tính súc tích và cố nén, là tính hô ứng giữa luận đề đặt ra với sự triển khai minh chứng, là sự nhất quán trước sau tạo nên tính chặt chẽ của kết cấu tác phẩm. Nếu một tách một đoạn nhỏ nào đó ra khỏi toàn kết cấu tác phẩm, ta khó thấy mạch lô gích của nó; chẳng hạn đoạn nói về Triệu Quang Phục mà chúng tôi đã trình bày trên kia. Tính đăng đối về thanh điệu, về từ ngữ, về ý nghĩa... là quy chế của lối biền văn. Bỏ qua đặc trưng này, ta có thể thay Phá Cần bằng Phá phủ hoặc bằng “phá” gì đó cũng được và có thể thay “Linh từ” bằng “Hiển từ” v.v... Do đó, về phương pháp mà nói, khi dịch một văn bản Hán Việt cổ phải bám sát đặc trưng loại hình thể loại của nó. Nếu xa rời nó, ta dễ mất phương hướng.
Bài Tổng luận của Lê Tung chỉ là một trong muôn ngàn văn bản Hán Việt cổ. Chúng tôi biết rằng, không thể từ một phần rất nhỏ bé đó mà khái quát cho cả một vấn đề lớn là dịch thuật. Song, chúng tôi cũng mạnh dạn nêu ra vài suy nghĩ của mình, họa chăng có thể góp thêm tiếng nói vào việc dịch một văn bản Hán - Việt cổ.
CHÚ THÍCH
(1) Đại Việt sử ký toàn thư, Tập I, Nxb. KHXH, 1967. Từ đây trở xuống, khi trích dẫn câu dịch, chúng tôi chỉ ghi tắt số tập và số trang.
(2) Đại Việt sử ký toàn thư, Quốc tử giám tàng bản (Bản chữ Hán) ký hiệu A. 3, kho sách Viện nghiên cứu Hán Nôm. Từ đây trở đi chỉ viết tắt số quyển và số tờ.
(3) Đại Việt sử ký toàn thư, tập II, Nxb. KHXH, Hà Nội, 1971.
(4) Khi viết bài này, chúng tôi có tham khảo Đại Việt sử ký toàn thư(dịch theo bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 (1697) tập I, Nxb. KHXH, H. 1983 thì thấy: Thí dụ 1 về cơ bản vẫn giữ nguyên như Bản dịch cũ, cho là câu ấy phê phán Thái Tông (tr. 110). TD2, sửa lại đôi chữ và bỏ chú thích “Lê Tung xô bồ...” TD3 dịch là “Do Phá Cần lập nên rồi đầu hàng Triệu Xương” (tr.101). Vì không có nguyên văn bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 nên chúng tôi chưa có dịp đối chiếu và nhận xét.
(5) Bản dịch mới đã đính chính sai lầm này. Xem ĐVSKTT, Tập II, Nxb. KHXH, H. 1985, tr.7, chú thích (2).
(6) B. I Ríp-tin: Mấy vấn đề nghiên cứu những nền văn học Trung cổ phương Đông theo phương pháp loại hình (TCVH số 2/1974).
Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 2/1987, tr.75-78,85.