THỜI ĐIỂM ĐẶNG DUNG VIẾT CẢM HOÀI ?
PGS.TS. NGUYỄN ĐĂNG NA
Đại học Sư phạm Hà Nội
Có thể nói, Cảm hoài [感 懷] của Đặng Dung là một trong những bài thơ viết bằng chữ Hán hay vào bậc nhất của Việt Nam thời trung đại. Hơn nữa, tác phẩm lại được học trong trường phổ thông trung học. Bởi vậy, nếu biết được hoàn cảnh và thời điểm bài thơ ra đời một cách chính xác, ta sẽ hiểu rõ hơn niềm tâm sự mà tác giả ngụ gởi trong ngôn bản. Với mục đích đó, trong bài viết này chúng tôi chủ yếu cung cấp tư liệu về hoàn cảnh và thời điểm ra đời của bài thơ.
1. Nguyên văn bài Cảm hoài:
感懷
世事悠悠奈老何
無窮天地入酣歌
時來屠釣成功易
事去英雄飲恨多
致主有懷扶地軸
洗兵無路挽天河
國讎未報頭先白
幾度龍泉帶月磨
Phiên âm:
Cảm hoài
Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Sự khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn Thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỉ độ Long tuyền đới nguyệt ma(1).
Chữ “sự” ở câu 4 trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 tập một (Nxb. Giáo dục, H. 2006) chép là “vận”: “Vận khứ anh hùng ẩm hận đa”. Thực ra, chữ “sự” đối lại với chữ “thời” rất chuẩn: “thời sự”, còn “vận” đối với “thời” nghe có vẻ hay hơn: “thời vận”, nhưng không gân guốc bằng. Bởi vậy, chúng tôi theo bản của Bùi Huy Bích: “Sự khứ anh hùng ẩm hận đa”.
Về tiểu sử Đặng Dung, Bùi Tồn Am viết: “Đặng Dung người Tả Thiên Lộc, Nghệ An, con trai Đặng Tất, đón lập Trùng Quang đế, đánh nhau với người Minh hơn trăm trận, việc tuy không thành, nhưng được người đời khen là trung. Đến thời Lê, có Đặng Minh Khiêm ở Sơn Vi, Đặng Thận ở Lập Thạch là hậu duệ của Đặng Dung và đều đỗ đạt”. Về chất thơ, Tồn Am mượn lời bình của Lí Tử Tấn: “Không phải kẻ sĩ
hào kiệt không thể làm được (bài Cảm hoài)”. Về chữ nghĩa Tồn Am chú: “Long tuyền - tên loại kiếm tốt thời xưa”.
Bài thơ bộc lộ những cảm xúc của tác giả: uất hận khi thấy mình đã già, chẳng thể phục thù cho giang sơn đất nước mặc dù chí vẫn còn.
2. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ
Từ trước tới nay, khi giới thiệu bài Cảm hoài, chưa thấy tài liệu nào đề cập đến hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Song, nếu tìm hiểu kĩ về hành trạng của Đặng Dung, ta không chỉ biết được hoàn cảnh bài thơ ra đời mà còn có thể biết khá chính xác thời điểm tác giả sáng tác bài thơ. Trước hết ta hãy ngược dòng thời gian trở về thời Đặng Dung.
Cuối thế kỉ XIV - đầu XV, chính sự nước ta vô cùng rối loạn và kéo dài tình trạng hỗn độn đó trong nhiều năm. Nhà Trần bắt đầu suy thoái từ thời Dụ Tông (1341 - 1369) và đến thời Duệ Tông (1373 - 1377), nhất là bước vào cuối thế kỉ XIV, nhà Trần càng thảm hại. Tác giả Đại Việt sử kí toàn thư nhận xét Trần Phế đế (1377 - 1388) như sau: “Vua là người ngu hèn, chẳng biết làm gì, uy quyền ngày một về người dưới, xã tắc nghiêng đổ, đến thân mình cũng chẳng giữ được”(2). Hai thập niên cuối thế kỉ XIV, vua Trần càng làm nhiều việc vô đạo. Đỗ Tử Bình là một kẻ mạt hạng khi chết lại được Xương Phù cho vào thờ ở Văn miếu như một bậc hiền triết. Phan Phu Tiên mỉa mai: “Tử Bình là hạng học nhảm chiều người, tham ô vơ vét, là kẻ gian thần hại nước, sao lại được xen vào (Văn miếu) ?” (tr.193). Rồi Chiêm Thành thường xuyên vào cướp phá; Thượng hoàng Nghệ Tông đồng ý để Hồ Quý Li giết vua Thuận Tông năm 1399, phế vua Thiếu đế năm 1400 và giết hại hàng loạt công thần mà điển hình là vụ sát hại những người mưu diệt Hồ Quý Li năm 1399. Toàn thư ghi: “Bọn tôn thất Trần Hãng, Trụ quốc Nhật Đôn, Tướng quân Trần Khát Chân, Phạm Khả Vĩnh, Hành khiển Hà Đức Lân, Lương Nguyên Bưu, Phạm Ông Thiện, Phạm Ngưu Tất và các liêu thuộc thân thuộc cộng hơn 370 người đều bị giết cả; tịch thu gia sản, con gái bắt làm tì, con trai từ 1 tuổi trở lên hoặc chôn sống, hoặc bị dìm nước. Lùng bắt dư đảng đến mấy năm không thôi” (tr.225).
Lợi dụng triều chính nhà Trần rối ren, người Minh bắt đầu nhòm ngó nước ta từ những năm 1384 - 1385; đến năm 1395 càng trở nên rõ rệt và tháng 4 năm 1406, thì chính thức tấn công xâm lược Đại Việt. Khi Giản Định đế Trần Ngỗi dấy quân năm 1407, hai cha con Đặng Tất và Đặng Dung đi theo phò tá. Người cha là Đặng Tất lập được nhiều chiến công, đặc biệt trận thắng Bô Cô tháng 12 năm 1408. Nhưng chưa đầy hai tháng ngay sau đó - tháng 2 năm 1409, Giản Định đế Trần Ngỗi nghe lời gièm tấu của bọn tiểu nhân, giết Quốc công Đặng Tất và Đồng tri Khu mật viện sự Tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân. Về vụ này, Ngô Sĩ Liên đã thốt lên: “Than ôi ! Đặng Tất sau khi phá được giặc mạnh, kinh dinh mới được một tuần(3) một tháng, công việc chưa làm được một nửa mà bị chết oan, đó là cái họa nhà Trần đến lúc sụp đổ…” (tr.260), và lên án Trần Ngỗi: “Vua (Trần Ngỗi) may thoát nguy hiểm cầu người giúp nạn nước, được cha con Đặng Tất có tài làm tướng, cha con Cảnh Chân có mưu lược, đủ lập được công khôi phục, dựng nghiệp trung hưng. Trận thắng Bô Cô thế nước lại dấy. Thế mà nghe lời gièm pha của kẻ hoạn quan, một lúc giết hại người bề tôi phò tá, tự mình chặt bỏ chân tay vây cánh, thì làm sao cho nên việc được” (tr.161).
Trước cảnh oan trái của cha mình, con của Cảnh Chân là Cảnh Dị, con của Đặng Tất là Đặng Dung phẫn uất, đón lập Trùng Quang Trần Quý Khoáng. Đặng Dung phò giúp Trùng Quang 5 năm, lập nhiều chiến công. Đến tháng 9 năm 1413, vì quân ít, lại không có cứu viện, Đặng Dung bị thất trận “từ đấy chỉ ẩn nấp trong núi hang” (tr.271). Chưa đầy ba tháng sau, tháng 12 năm 1413, Đặng Dung bị Trương Phụ bắt, giải về Đông Quan tháng 4 năm 1414, rồi bị đưa về Yên Kinh, Trung Hoa.
Ngô Sĩ Liên đã từng bình về Đặng Dung như sau: “Cuộc chiến ở Thái Đà, Đặng Dung và Nguyễn Xúy đem quân trơ trọi còn sót lại sau trận thua, mà địch với giặc có tướng hung hãn, quân khỏe mạnh. Dung đánh úp quân giặc ban đêm, làm cho tướng giặc kinh hãi bỏ chạy, đốt sạch thuyền bè khí giới, không phải người có tài làm tướng sao làm được như vậy ? Nhưng chung cục bị bại vong là bởi trời. Tuy thua mà vinh. Vì sao ? Vì Dung không thể cùng giặc sống chung, tất phải diệt chúng. Cho nên mới tận tâm kiệt lực phò giúp Trùng Quang để mưu đồ khôi phục. Trong khoảng 5 năm đánh nhau, tuy có điều bất lợi, nhưng chí không giảm, khí càng tăng, phấn đấu đến kiệt sức mới chịu thôi. Lòng trung của bề tôi vì nước, dù sau trăm đời như còn tưởng thấy”(4).
Từ những sử liệu trên, ta có thể chia cuộc đời Đặng Dung làm 4 giai đoạn:
- Giai đoạn thứ nhất, Đặng Dung cùng cha là Đặng Tất theo phò Giản Định đế Trần Ngỗi năm 1407 cho tới tháng 2 năm 1409 khi người cha bị giết. Trong giai đoạn này, chí Đặng Dung còn hăm hở và luôn cùng cha có mặt trên chiến trường. Tuy chưa biết được kết cuộc, nhưng chắc chắn Đặng Dung không rơi vào tình trạng “quốc thù vị báo”.
- Giai đoạn thứ hai từ tháng 3 năm 1409 Đặng Dung theo phò Trùng Quang đế Trần Quý Khoáng đến tháng 9 năm 1413 khi bị thất trận. Đây là lúc Đặng Dung phỉ chí bình sinh nhất, hăm hở nhất trong cuộc đời. Vì thế, ông lập được nhiều chiến tích nhất. Đúng như nhận xét của Ngô Sĩ Liên: “Cuộc chiến ở Thái Đà, Đặng Dung và Nguyễn Xúy đem quân trơ trọi còn sót lại sau trận thua, mà địch với giặc có tướng hung hãn, quân khỏe mạnh. Dung đánh úp quân giặc ban đêm, làm cho tướng giặc kinh hãi bỏ chạy, đốt sạch thuyền bè khí giới, không phải người có tài làm tướng sao làm được như vậy ?” Ở giai đoạn này, Đặng Dung càng không thể rơi vào tâm trạng “Quốc thù vị báo đầu tiên bạch, Kỉ độ Long tuyền đới nguyệt ma”.
- Giai đoạn thứ ba, tháng 9 năm 1413 sau thất trận Thái Đà, “từ đấy chỉ ẩn nấp trong hang núi” cho đến khi bị Trương Phụ bắt: tháng 12 năm 1413.
- Giai đoạn thứ tư, từ tháng 12 năm 1413 đến tháng 4 năm 1414 bị Trương Phụ giam giữ, đưa về về Đông Quan, rồi giải đi Yên Kinh, Trung Hoa, trên đường đã tự tử.
Như vậy, khả năng Đặng Dung sáng tác Cảm hoài chỉ có thể vào hai giai đoạn ba và bốn. Tuy nhiên, ở giai đoạn ba, mặc dù phải “ẩn nấp trong hang núi”, nhưng Đặng Dung chưa đến nỗi tuyệt vọng. Ông vẫn còn hi vọng vào ngày mai khôi phục lại đất nước. Cho nên, theo chúng tôi, Đặng Dung không viết Cảm hoài vào giai đoạn thứ ba: tháng 9 năm 1413 đến tháng 12 năm 1413. Hơn nữa, hình ảnh “Kỉ độ Long tuyền đới nguyệt ma” gợi cho người đọc nhớ tới những ngày tháng tác giả mài chí phục quốc nơi rừng núi; đấy là hình ảnh của quá khứ.
Cho nên, hình ảnh hiện tại đành bó tay, quá khứ đang mài chí phục quốc được thể hiện trong hai câu kết:
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỉ độ Long tuyền đới nguyệt ma.
Tóm lại, qua tìm hiểu cuộc đời Đặng Dung và sơ bộ hình tượng hai câu
cuối, chúng tôi thấy Cảm hoài được sáng tác trong thời gian Đặng Dung bị bắt: từ tháng 12 năm 1413 đến tháng 4 năm 1414.
Biết hoàn cảnh và thời điểm ra đời của Cảm hoài ta sẽ có sở cứ để lí giải cấu tứ bài thơ cũng như ý nghĩa từng câu. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ trình bày trong bài viết khác.
Chú thích:
(1) Hoàng Việt thi tuyển, khắc in năm Minh Mệnh thứ sáu 1825, Tồn Am gia tàng bản, quyển 2, tờ 23a.
(2) Đại Việt sử kí toàn thư, Tập hai, in lần thứ hai, Nxb. KHXH, H. 1971, tr.190. Từ đây, gọi tắt là Toàn thư và khi trích dẫn tài liệu này chúng tôi chỉ ghi số trang.
(3) Một tuần: 10 ngày.
(4) Toàn thư, bản chữ Hán, tập IV, Nxb. KHXH, tr.285-286./.
Tạp chí Hán Nôm, Số 5 (78) 2006; Tr.59-62
|