Văn học Việt Nam trung đại

GÓP PHẦN XÁC ĐỊNH TÁC GIẢ MỘT SỐ BÀI THƠ CHƯA RÕ LÀ CỦA NGUYỄN TRÃI HAY CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM


10-10-2020

Bài viết góp phần xác định những bài thơ chưa rõ của Nguyễn Trãi hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm.

GÓP PHẦN XÁC ĐỊNH TÁC GIẢ MỘT SỐ BÀI THƠ CHƯA RÕ LÀ CỦA NGUYỄN TRÃI HAY CỦA NGUYỄN BỈNH KHIÊM

LÃ NHÂM THÌN

Xác định những bài thơ chưa rõ của Nguyễn Trãi hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm thực chất là công việc của khoa văn bản học. Có nhiều cách giám định văn bản: hoặc dựa vào chữ viết húy, tự dạng văn bản hoặc dựa vào lối viết dài… và gần đây có người dùng phương pháp loại hình thể loại(1) hoặc trên cơ sở tần số xuất hiện những tín hiệu từ ngữ, những kết cấu cú pháp(2)… mà giám định văn bản. Thi pháp học cũng có khả năng mở ra hướng xác định văn bản. Để tiến tới giải quyết vấn đề 30 bài thơ Nôm Đường luật hiện chưa rõ tác giả là ai, Nguyễn Trãi hay Nguyễn Bỉnh Khiêm, chúng tôi sẽ sử dụng phương pháp thi pháp học.

Thi pháp học tác phẩm đòi hỏi phải đặc biệt lưu tâm tới tính hệ thống, tính chỉnh thể, tính quy luật của các yếu tố nội dung và hình thức tác phẩm, mà trước hết là biểu hiện ở sự lặp lại của chúng. Vì vậy, khi tìm hiểu thi pháp của Quốc âm thi tập (viết tắt QATT) vàBạch vân quốc ngữ thi tập (viết tắt BVQNTT)(3), chúng tôi đặc biệt chú ý tới hệ thống cấu trúc mang tính thi pháp của câu thơ 6 chữ trong QATT và BVQNTT. Trước hết chúng tôi thống kê, phân loại những câu thơ 6 chữ trong cả 2 tác phẩm về số lượng, vị trí, nhịp điệu và nội dung biểu đạt. Khi thống kê, phân loại, chúng tôi tạm thời để 30 bài thơ chưa rõ tác giả là ai ra ngoài và từ đó rút ra những đặc điểm riêng thuộc hình thức và nội dung những câu thơ 6 chữ của từng tác giả. Những đặc điểm này được xác định bởi tính lặp lại có quy luật của các yếu tố nội dung và hình thức của chúng, làm ta nhận diện được đặc trưng Nguyễn Trãi khác Nguyễn Bỉnh Khiêm ở những phương diện nào, đồng thời cho phép ta tìm ra quy luật hình thành và phát triển thơ Nôm Đường luật thế kỷ XV - XVI.

Tiến hành khảo sát theo trình tự trên bước đầu cho chúng ta một số kết quả đáng chú ý như sau:

1. Về số lượng câu thơ 6 chữ: Số lượng bài có câu thơ 6 chữ(4) và số lượng câu thơ 6 chữ trong một bài giảm dần từ Nguyễn Trãi đến Nguyễn Bỉnh Khiêm, bài có câu thơ 6 chữ ở QATT là 127/180 đạt tỷ lệ 70,6%, còn ở BVQNTT là 14/127 giảm tỷ lệ xuống còn 11,9%. Ở QATT số bài có 5 câu thơ 6 chữ trở lên nhiều hơn, đáng kể so với BVQNTT. Nếu QATT là 14/127 bài, tỷ lệ 11% thì BVQNTT là 1/76 bài, tỷ lệ chỉ còn 1,3%. Đặc biệt số bài có 5 câu 6 chữ ở QATT là 9, bài có 7 câu 6 chữ ở QATT là 1, trong khi đó ở BVQNTT hoàn toàn không có loại bài này.

Khi so sánh các dị bản những bài thơ chưa rõ tác giả từ bản QATT đến bản BVQNTT, chiều hướng chung nổi bật là, giảm số lượng những bài thơ có câu 6 chữ và số lượng câu thơ 6 chữ trong một bài cũng giảm(5). Bảng thống kê 12 bài thơ có hai dị bản - một trong QATT, một trong BVQNTT sẽ cho chúng ta hình dung kết luận trên một cách rõ ràng hơn:

TT QATT BVQNTT Mức độ giảm
Bài số Số lượng
câu thơ 6 chữ
Bài số Số lượng
câu thơ 6 chữ
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
20
56
91
65
80
161
40
66
69
78
51
70
1
2
3
2
3
2
3
3
3
4
4
5
75
52
60
140
129
6
54
44
128
91
115
126
0
0
0
1
1
1
2
2
2
2
2
3
1 câu
2 câu
3 câu
1 câu
2 câu
1 câu
1 câu
1 câu
1 câu
2 câu
2 câu
2 câu
TS 12 bài 35 câu 12 bài 16 câu 19 câu

Bảng thống kê trên cho chúng ta thấy rằng 3 bài trong QATT có câu thơ 6 chữ nhưng ở BVQNTT 3 bài ấy không còn câu thơ 6 chữ nào. Từ QATT đến BVQNTT có 6 bài giảm 1 câu thơ 6 chữ, 5 bài giảm 2 câu thơ 6 chữ và 1 bài giảm 3 câu thơ 6 chữ.

Kết quả trên phản ánh quy luật của quá trình Việt hóa thơ Nôm Đường luật từ Nguyễn Trãi trở về sau: hiện tượng không theo quy cách thơ Đường giảm dần và quá trình phát triển của thơ Nôm Đường luật đi từ thể chưa ổn định tới ổn định. Như vậy các bài thơ chưa rõ tác giả là ai, xét về số lượng câu thơ 6 chữ, những bài thơ nào có từ 5 câu trở lên thì có nhiều khả năng của Nguyễn Trãi. Đó là các bài 67 QATT (67 BVQNTT) bài 70 QATT (126 BVQNTT). Riêng bài 67 QATT (67 BVQNTT) có tới 7 câu thơ 6 chữ:

Chụm tự nhiên một tấm lều,
Qua ngày tháng lấy đâu nhiều.
Gió tin rèm thay chổi quét,
Trăng kể cửa kéo đèn khêu.
Cơm ăn chẳng quản dưa muối,
Áo mặc nài chi gấm thêu.
Tựa gốc cây ngồi hóng mát,
Lều hưu ta hãy một lều hưu.

Bài thơ trên chắc chắn của Nguyễn Trãi.

2. Về cách ngắt nhịp câu thơ 6 chữ: Nguyễn Trãi sử dụng hầu hết cách ngắt nhịp có thể có đối với câu thơ 6 chữ.

Đó là những cách ngắt nhịp 2/2/2, 1/5, 2/4, 3/3, 4/2, 5/3, 6/0. Ở Nguyễn Bỉnh Khiêm có những cách ngắt nhịp tác giả ít sử dụng hoặc không sử dụng. Trong các cách ngắt nhịp nói trên, đáng lưu ý là nhịp 2/2/2. Nguyễn Trãi 5 lần sử dụng nhịp này trong câu thơ 6 chữ, tỷ lệ là 5/314 câu = 1,6%. Thí dụ:

- Bít bả/ hài gai/ khăn cóc
(Bài số 33 QATT)

- Non lạ/ nước thanh/ làm dấu
Đất phàm/ cõi tục/ cách xa
(Bài số 54 QATT)

- Dầu phải/ dầu chăng/ mặc thế
(Bài số 165 QATT)

- Làm biếng/ hay ăn/ lở non
(Dạy con trai QATT)

Trong khi đó Nguyễn Bỉnh Khiêm hầu như không sử dụng lối ngắt nhịp này. Điều đó cũng phù hợp với quá trình diễn tiến của thơ Nôm Đường luật: Giai đoạn đầu tiên, mọi thành tố tạo nên hình thức đều được đưa vào thử nghiệm. Kết quả so sánh trên cho phép chúng ta kết luận: bài có câu thơ 6 chữ ngắt nhịp 2/2/2 chắc là của Nguyễn Trãi. Trong các bài thơ chưa rõ tác giả, bài số 6 BVQNTT (Bài 161 QATT) có câu “lòng người/ sự thế/ lâng lâng” rơi vào trường hợp trên. Theo chúng tôi, bài này có thể cho là của Nguyễn Trãi.

3. Về nội dung biểu đạt của câu thơ 6 chữ:

Câu thơ 6 chữ của Nguyển Trãi chuyển tải tất cả những nội dung mà tác giả cần thông báo: tình yêu thiên nhiên, vẻ đẹp của phong cảnh, nhân tình và thế sự, đạo đức và phẩm chất người quân tử, đời sống cá nhân và thời cuộc xã hội… Những câu thơ 6 chữ trong BVQNTT thì không hẳn như vậy. Có những nội dung câu thơ 6 chữ của Nguyễn Bỉnh Khiêm không đề cập đến, ngược lại, có những nội dung câu thơ 6 chữ của ông nói tới khá nhiều. Thí dụ ở nội dung câu thơánh thiên nhiên và thế sự. Ở những câu thơ 6 chữ phản ánh thiên nhiên ở Nguyễn Trãi là 76/318 chiếm tỷ lệ 23,8%. Nguyễn Trãi rất hay sử dụng câu thơ 6 chữ để nói về thiên nhiên. Thí dụ:

Tuyết sóc treo cây điểm phấn
Cõi đông giãi nguyệt in câu
Khói chim thủy quốc quyến phẳng
Nhạn triện hư không gió thâu
(Bài số 14 QATT)

Dấu người đi là đá mòn
Đường hoa vướng vắt trúc luồn
Cửa song dãi xâm hơi nắng
Tiếng vượn vang kêu cách non
Cây rợp tán che am mát
Hồ thanh nguyệt hiện bóng tròn
(Bài số 21 QATT)

v.v…

Trong khi đó ở BVQNTT chỉ có 5 câu nói về thiên nhiên thì cả 5 câu này đều nằm trong số những bài chưa rõ tác giả. Hơn nữa những câu thơ 6 chữ mang nội dung thế sự ở Nguyễn Trãi chỉ có 15/318, chiếm 4,7% nhưng ở Nguyễn Bỉnh Khiêm con số này lớn hơn: 12/182 bằng 6,5%. Vậy thì trong số các bài thơ chưa rõ tác giả, bài có những câu thơ 6 chữ nói về thiên nhiên, khả năng là của Nguyễn Trãi. Đó là 5 bài: bài 27 QATT (87 BVQNTT), 51 QATT (115 BVQNTT), 56 QATT (52 BVQNTT), 69 QATT (128 BVQNTT), 70 QATT (126 BVQNTT). Đồng thời những bài có nhiều câu thơ 6 chữ nói về thế sự có lẽ là của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đó là 5 bài: bài 53 QATT (51 BVQNTT), 80 QATT (129 BVQNTT), 91 QATT (60 BVQNTT), 147 QATT (77 BVQNTT), 135 QATT (58 BVQNTT).

Để tránh sai lầm là chỉ căn cứ vào một vài đặc điểm, một số hiện tượng mà kết luận tác giả các bài thơ, chúng tôi đã tổng hợp những số liệu khảo sát ở nhiều phương diện khác nhau về hình thức và nội dung câu thơ 6 chữ và có thể rút ra một số kết luận như sau:

Trong số 30 bài thơ chưa rõ tác giả là ai thì có 10 bài nghiêng về Nguyễn Trãi là bài số 67 QATT (67 BVQNTT), 70 QATT (26 BVQNTT), 161 QATT (6 BVQNTT), 27 QATT (87 BVQNTT), 51 QATT (115 BVQNTT), 56 QATT (52 BVQNTT), 69 QATT (128 BVQNTT), 58 QATT (13 BVQNTT), 78 QATT (91 BVQNTT), 85 QATT (48 BVQNTT).

Và có 6 bài nghiêng về Nguyễn Bỉnh Khiêm là bài 51 BVQNTT (53 QATT), 129 BVQNTT (80 QATT), 60 BVQNTT (91 QATT), 77 BVQNTT (147 QATT), 58 BVQNTT (135 QATT), 56 BVQNTT (38 QATT).

11 bài còn lại tạm thời chưa đủ điều kiện đoán định tác giả. Tuy nhiên điều lý thú là bằng con đường thi pháp học, những kết luận mà chúng tôi rút ra ở trên ngẫu nhiên có sự gặp gỡ với những kết luận của giáo sư Nguyễn Tài Cẩn, mặc dù giáo sư Nguyễn Tài Cẩn đi theo con đường ngôn ngữ học. Hóa ra có nhiều con đường dẫn tới một kết luận khoa học, và càng bằng nhiều con đường của các khoa học khác nhau mà đều đi đến một kết luận thì chắc chắn rằng, kết luận ấy có độ tin cậy cao. Đương nhiên việc làm của chúng tôi mới là bước đầu, mong được góp phần giải quyết một vấn đề vốn phức tạp và vượt quá trình độ của chúng tôi.

L.N.T

CHÚ THÍCH

(1) Xin xem: Nguyễn Đăng Na: Tìm hiểu quan điểm biên soạn và phương pháp biên soạn Việt điện u linh tập của Lý Tế Xuyên, TCVH, số 1 - 1986.

(2) Xin xem: Nguyễn Tài Cẩn: Thử tìm cách xác định tác giả một số bài thơ Nôm hiện chưa rõ là của Nguyễn Trãi hay của Nguyễn Bỉnh Khiêm, TCVH, số 3 - 1986.

(3) Khi so sánh câu thơ 6 chữ trong QATT với câu thơ 6 chữ trong BVQNTT, chúng tôi đánh số bài theo Nguyễn Trãi toàn tập (NTTT), Nxb. KHXH, H. 1976 và Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm (TVNBK), Nxb. Văn học, 1983.

(4) Trong số 30 bài thơ chưa rõ tác giả, có 3 bài không có câu thơ 6 chữ, nên chúng tôi chưa khảo sát.

(5) Chỉ có 3 bài thơ số lượng câu 6 chữ tăng từ bản QATT đến bản BVQNTT. Ba bài thơ này tăng câu thơ 6 chữ là có lý do. Ở đây chúng tôi chưa có điều kiện bàn tới./.

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, Số 2 (7), năm 1989. - Tr.3-5, 8

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020