Văn học Việt Nam trung đại

Truyền kỳ mạn lục dưới góc độ so sánh


10-10-2020

Bài viết bàn về các nguyên tắc, phương pháp, hệ quả,...khi nghiên cứu Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ dưới góc độ so sánh (văn học so sánh)

Áng “thiên cổ kì bút” Truyền kì mạn lục [ 傳 奇 漫 錄 ] do Nguyễn Dữ [阮 嶼] - người Hồng Châu(1) sáng tác tại Thanh Hoa(2) khoảng sau năm 1527 khi Mạc Đăng Dung đã cầm quyền thay nhà Lê, lập nên triều Mạc. Tác phẩm gồm 4 quyển, 20 thiên truyện, có Lời tựa của Hà Thiện Hán(3) đề nãm 1547. Tương truyền, Đại Hưng hầu Nguyễn Thế Nghi - bạn thân của Mạc Đăng Dung đã diễn dịch tác phẩm này ra chữ quốc ngữ - Nôm(4) và có thể Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm đã phủ chính.

Trước hết, có hai vấn đề cần giải quyết.

Một là, tên tác giả.

Do đặc điểm văn tự, hầu hết họ và tên các tác gia vãn học trung đại Việt Nam được ghi bằng chữ Hán. Tên của Nguyễn Dữ cũng vậy; trong các văn bản Hán Nôm khắc in đều ghi họ tên ông là 阮 嶼. Chẳng hạn, Tân biên truyền kì mạn lục bản Vĩnh Hựu năm thứ ba Đinh Tị 1737, bản Cảnh Hưng nãm thứ 35 (1774), Hoàng Việt thi tuyển bản Minh Mệnh năm thứ 5 (1824)… Chữ 嶼 sách Từ nguyênphiên là tự: “từ ngữ thiết, âm tự, ngữ vận” [徐 語 切 ,音 序 , 語 韻] (tập Dần, trang 82); Hán ngữ đại từ điển cũng phiên là tự: “Quảng vận, từ lữ thiết, thượng ngữ, tà” [廣 韻, 徐 ;呂 切 , 上 語 ,邪 ] (Tập 3, tr.869). Với cách phiên âm này (âm tự [序] hoặc phụ âm đầu vần tà [thì phụ âm đầu vần phải là T, không thể là D được. Các từ điển do người Việt biên soạn nhưz Hán Việt từ điển của Thiều Chửu (tr.164) cũng phiên 嶼 là tự. Tự [嶼] là đảo nhỏ. Vậy, tên tác giả là Truyền kì mạn lục (TKML) là Nguyễn Tự.

Chúng tôi không phải người đầu tiên đặt vấn đề phiên âm lại tên của Nguyễn Dữ. Cách đây hõn 40 nãm - nãm 1962, khi cho xuất bản Tân biên Truyền kì mạn lục, dịch giả Thứ Lang Bùi Xuân Trang đã ghi tên tác giả TKML là Nguyễn Tự(5). Tiếp đó 25 năm - năm 1987, “Nguyễn Khắc Kham đã đặt nghi vấn về cách đọc tên tác giả TKML”(6) một cách chính thức. Lại sau Nguyễn Khắc Kham 15 năm, trong bài viết của mình, Nguyễn Nam đề nghị: “nay căn cứ theo bản Cựu biên (TKML), xác định lại tự thể 嶼 , âm đọc Tự(7). Từ trước tới nay, bởi quá tin vào cách phiên âm của Trúc Khê Ngô Vãn Triện, nên ta cứ quen gọi người sinh thành ra TKML là Nguyễn Dữ. Có lẽ, đã đến lúc cần phải trả lại đúng tên gọi cho tác giả: Nguyễn Tự (nhưng trong bài viết này chúng tôi vẫn gọi theo truyền thống)..

Hai là, nghĩa của nhan đề Truyền kì mạn lục. Cụm từ “truyền kì mạn lục” gồm 2 thuật ngữ: truyền kì và mạn lục.

Hãy nói về 2 chữ “mạn lục” trước.

Hán ngữ đại từ điển tập 6, trang 89 giải thích: mạn lục [漫 錄] là “tùy bút kí lục” [隨 筆 記 錄] - viết theo cảm hứng của ngòi bút. Dĩ nhiên, hai chữ kí lục [記 錄] trong trường hợp này hàm nghĩa làm vãn, viết văn, sáng tác. Thể mạn lục xuất hiện ở Trung Hoa khá sớm; thời Tống, có Ngô Tăng(8) viết Năng cải trai mạn lục [能 改 齋 漫 錄 ], 18 quyển.

Vậy mà, các nhà viết sách của Việt Nam lại hiểu “mạn lục” theo một cách khác. Soạn giả Từ điển văn học giải thích: Truyền kì mạn lục là, “Sao chép tản mạn các truyện lạ”(9); sau này, soạn giả Từ điển văn học (bộ mới) có điều chỉnh: “ghi chép tản mạn các truyện truyền kì”(10). Soạn giả Ngữ văn 9, tập một, trang 49 (sách in năm 2005) thì giải thích: Truyền kì mạn lục là “ghi chép tản mạn những điều kì lạ vẫn được lưu truyền”.

Cách người Việt Nam giải thích đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhận thức của người nước ngoài. Bởi vì, khi nghiên cứu văn học Việt Nam, về cõ bản, người nước ngoài thường tin tưởng các nhà nghiên cứu Việt Nam và lấy đấy làm chỗ dựa. Chẳng hạn, trong công trình Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kì Hàn Quốc - Trung Quốc - Việt Nam thông qua Kim Ngao tân thoại, Tiễn đăng tân thoại, Truyền kì mạn lục,Toàn Huệ Khanh người Korea viết: “TKML… có nghĩa là ghi chép câu chuyện li kì lưu truyền tản mạn trong dân gian”(11).

Giải thích “mạn lục” là “ghi chép tản mạn” có 2 điều bất ổn.

Thứ nhất, Truyền kì mạn lục là loại hình truyện ngắn trung đại. Do đó không thể coi đấy là tác phẩm “ghi chép”. Khái niệm “ghi chép” đã khiến người đọc hiểu sai loại hình thể loại tác phẩm kí; thậm chí, chỉ là ghi chép tạp nhạp, chúng chẳng những không phải là loại hình truyện mà cũng chẳng phải vãn chưõng; người cầm bút chẳng cần gia công nghệ thuật vẫn được. Chính soạn giả Ngữ văn 9 cũng hiểu như vậy qua cách giải thích của mình: “ghi chép… những điều vẫn được lưu truyền”. “Những điều” không thể là những truyện và ghi chép những điều “vẫn lưu truyền” thì chẳng cần đầu tý công sức.

Thứ hai, tác phẩm của Nguyễn Dữ không hề tản mạn, dù hai chữ “tản mạn” được dùng theo kiểu tu từ: nói khiêm. Thực ra “mạn” [漫] là tùy ý, không câu thúc. Bởi vậy, trong Hán ngữ có hàng loạt cụm từ chỉ thể loại tác phẩm đi với “mạn” như: mạn họa [漫畫], mạnthư [漫 書], mạn sao [漫抄], mạn bút [漫筆], mạn tả [漫寫], mạn hứng [漫興 ]… Trong trường hợp này, các chữ mạn họa, mạnthư, mạn sao, mạn bút, mạn tả, mạn hứng… đều là một từ dùng để chỉ thể loại tác phẩm.

Còn “truyền kì” nếu đứng riêng, là một thể tài của truyện ngắn trung đại. Do các nhân vật, tình tiết, kết cấu… của truyện phần lớn là lạ kì đặc biệt, nên người ta gọi chúng là truyền kì. Nhưng đứng trong cụm từ “truyền kì mạn lục”, thì, truyền kì làm định ngữ, chỉ tính chất của thể mạn lục - một thể tự sự viết tự do, tùy hứng theo ý đồ, sáng tác của tác giả, không bị câu thúc bởi bất kì một lí do gì cả. Cách đặt nhan đề tác phẩm như vậy vừa thể hiện sự khiêm tốn của một tác gia trung đại, vừa nói rõ cái “chí” của người cầm bút và vừa để khu biệt đặc trưng tác phẩm văn học Việt Nam với tác phẩm Trung Hoa Tiễn đăng tân thoại. Theo tôi, đấy là vấn đề quan trọng khi nghiên cứu so sánh các tác phẩm văn học Việt Nam với tác phẩm văn học Trung Hoa(12).

Hiện chưa rõ Nguyễn Dữ sinh và mất nãm nào. Đến nay ta chỉ biết rằng, ông là con của Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1496) là Nguyễn Trường Phiêu và hình như, Nguyễn Dữ còn là học trò giỏi của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585)(13), là bạn học của Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528-1613).

Nguyễn Dữ đỗ Hương tiến và có lẽ đã làm Huyện tể(14) huyện Thanh Toàn, nhưng chẳng rõ vì sao chưa đầy một năm, ông từ quan với lí do phải phụng dưỡng mẹ già và từ đó “chân không hề bước tới thành thị”(15).

Gần 20 năm qua, TKML được giới khoa học nước ngoài như Liên Xô (trước đây), Nhật Bản, Korea, Đài Bắc… quan tâm nghiên cứu(16). Ngoài việc chỉ ra những đóng góp độc đáo của Nguyễn Dữ vào kho tàng truyện truyền kì khu vực đồng vãn, không ít nhà nghiên cứu, kể cả một số nhà nghiên cứu người Việt đã cho rằng, Nguyễn Dữ chịu ảnh hưởng của Cù Hựu (1346-1427) trong Tiễn đăng tân thoại khi viếtTKML mà, chứng cứ rõ nhất là truyện Cây gạo.

Đứng về lôgích hình thức mà nói, Nguyễn Dữ viết TKML khoảng những nãm 1527-1547, sau Cù Hựu hõn 100 nãm. Cù Hựu mất nãm 1427. Nên, nếu truyện Cây gạo giống truyện Cây đèn mẫu đơn thì ắt là, Nguyễn Dữ chịu ảnh hưởng (hoặc mô phỏng, hoặc bắt chước…) Cù Hựu. Nhưng, nếu suy luận như vậy, sẽ lí giải thế nào các hiện tượng sau đây: truyện Hương Ngọc của Bồ Tùng Linh (1640-1715) giống truyện Cuộc kì ngộ ở trại Tây của Nguyễn Dữ (cuối thế kỉ XV - nửa đầu thế kỉ XVI), truyện Chuột đồng và chuột nhà của nhà vãn Nga L. Tônxtôi (1828-1910) giống truyện Bức thư của một con muỗi trongThánh Tông di thảo tương truyền do Lê Thánh Tông (1442-1497) sáng tác, Truyện thác đao điền của Na Uy thế kỉ XVIII giống Truyện Lê Phụng Hiểu của Việt Nam thế kỉ XIV ? Nếu theo lập luận của lôgích nói trên, ta cũng sẽ phải kết luận rằng, Bồ Tùng Linh mô phỏng Nguyễn Dữ, L. Tônxtôi bắt chước Lê Thánh Tông, Na Uy thế kỉ XVIII chịu ảnh hưởng của Việt Nam thế kỉ XV…?

Dĩ nhiên, chúng tôi hoàn toàn không phủ định vai trò Tiễn đăng tân thoại đối với quá trình phát triển truyện ngắn truyền kì khu vực đồng vãn. Nhưng trong nghiên cứu so sánh văn học, cần phải tính đến cả những khả năng về tính đồng loại hình của các nền văn học trên thế giới; phải tính đến sự trải qua các giai đoạn lịch sử phát triển tương đồng giữa các quốc gia thời phong kiến, khiến chúng có sự gặp gỡ về nhu cầu phản ánh những hiện tượng tương đồng vào những thời điểm khác nhau… Hõn nữa, truyện truyền kì, về cơ bản, được xây dựng trên cõ sở những cốt truyện, nhân vật, môtíp… dân gian. Trong lí thuyết văn học sử người ta gọi hiện tượng này là quá trình dân gian hóa truyện dân gian. Cho nên, những cốt truyện, nhân vật, môtíp... truyện truyền kì các nước giống nhau hoặc na ná giống nhau là điều chẳng có gì lạ, bởi chúng đều có nguồn gốc dân gian, đều được khai thác từ dân gian. Đấy là ta chưa kể tới phương thức sáng tác của người trung đại: lấy tiền nhân làm chuẩn mẫu; người sáng tác cố gắng vươn tới cái đã có, thể hiện lại cái đã có theo cách của riêng mình, của thời đại mình. Đúng như nhận xét rất hóm hỉnh của A.Ja. Gurêvích: “Ãn cắp văn thì không sao cả nhưng sáng tạo độc đáo thì bị coi là tà giáo”(17).

Ngoài ra, nghiên cứu so sánh văn học cũng cần phải chú ý tới tâm lí các dân tộc thuộc khu vực đồng vãn như Việt Nam, Korea, Nhật Bản… Các dân tộc này, một mặt luôn muốn tiếp thu kế thừa tinh hoa rực rỡ từ nền văn học Trung Hoa (kể cả các nước lân cận), nhưng mặt khác lại có mặc cảm rằng, văn học của dân tộc mình không bằng Trung Hoa. Do mặc cảm đó, một tâm lí khá phổ biến là, họ muốn chứng tỏ cho người Trung Hoa thấy, mình chẳng thua nhường Hoa Hạ: “bất tốn ý Hoa Hạ”. Với tâm lí ấy, người Việt Nam trước đây luôn làm công việc đối sánh: Trung Hoa có gì, ta cũng phải có cái đó. Chẳng hạn, Trung Hoa có Hàn Dũ, Việt Nam có Hàn Thuyên; Trung Hoa có U minh lục, Địa quái lục…, Việt Nam cũng có Việt điện u linh tập, Lĩnh Nam chích quái lục… Tuy nhiên, tâm lí này diễn ra rất phức tạp và tùy từng giai đoạn lịch sử mà cách biểu hiện cũng như mức độ biểu hiện của chúng diễn ra khác nhau.

Thời kì đầu, khi nước nhà mới giành được độc lập, người Việt cố gắng xây dựng quốc gia theo mô hình càng khác Hoa Hạ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu. Chính vì thế, đạo Phật có mảnh đất mầu mỡ phát triển ở Nam Việt thời Lí. Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn nhớ rằng, đạo Phật vào Việt Nam khá sớm, trước cả Trung Hoa và Luy Lâu đã trở thành trung tâm Phật học từ thế kỉ thứ III thứ IV. Khi giai cấp phong kiến Việt Nam lớn mạnh, Nho giáo trở thành mô hình cho nhà nước Nam Việt đi theo thì, người Việt lại luôn muốn sánh mình với Hoa Hạ. Cách đối sánh như vậy, vừa thể hiện lòng tự tôn dân tộc, vừa thể hiện tâm lí tự ti dân tộc. Từ thế kỉ XVII về sau, sự hiểu biết nền vãn hóa và vãn học Trung Hoa được dùng làm thước đo giá trị bậc trí giả.

TKML ra đời đầu thế kỉ XVI. Diện mạo ban đầu của tác phẩm ra sao, căn cứ các bản hiện còn, ta không thể xác định được. Văn bản TLMLcòn lại ngày nay, kể cả “cựu bản” lẫn “tân biên” chắc chắn đã bị biến dạng theo quan niệm người Việt thế kỉ XVIII. Mà thế kỉ XVIII như vừa trình bày, thước đo giá trị tác phẩm được tính bằng sự hiểu biết nền văn học Trung Hoa. Vì thế, người ta cần tạo ra một Hà Thiện Hán thế kỉ XVI phát biểu thay cho người thế kỉ XVIII; cần đối sánh TKMLvới tác phẩm khá nổi tiếng của Trung Hoa thế kỉ XIV-XV Tiễn đăng tân thoại; cần chứng minh rằng, TKML của Nguyễn Dữ không vượt ra khỏi phên giậu của Tông Cát. Để làm được việc này, biết đâu người của thế kỉ XVIII đã chẳng tự ý chia tác phẩm của Nguyễn Dữ thành 4 quyển, mỗi quyển 5 truyện giống như cấu trúc văn bản của Cù Hựu; thậm chí, Tiễn đăng tân thoại có Phụ lục, người ta cũng tạo choTKML có Phụ truyền kì(18). Rồi người ta “tăng bổ” TKML theo hướng đối sánh, cố gắng gò những chi tiết trong tác phẩm Nguyễn Dữ thành sao cho tương ứng tác phẩm Trung Hoa với ý muốn tôn vinh Nguyễn Dữ, mà chẳng chú ý rằng, làm như vậy là vô tình hạ thấp Nguyễn Dữ và không nghĩ tới tính đồng loại hình, tới đặc tính của truyện truyền kì, tới phương pháp sáng tác của người trung đại… Chính vì thế, nghiên cứu so sánh văn học, phải tính đến tất cả các yếu tố nói trên một cách thực sự cầu thị, khách quan và tôn trọng hiện thực. Vả chăng, thể loại tác phẩm của Cù Hựu là “tân thoại” - viết mới lại các "thoại" đã có, còn Nguyễn Dữ là "mạn lục" viết một cách tùy hứng không chịu sự câu thúc gò bó; tính chất truyện của Nguyễn Dữ là “truyền kì”, còn tính chất truyện của Cù Hựu không được tác giả chỉ ra. Cách đặt tên tác phẩm của Nguyễn Dữ làm ta liên tưởng đến cách đặt nhan đề tác phẩm của Thanh Hiên: Đoạn trường tân thanh. Ngay khi đặt nhan đề tác phẩm của mình, các tác gia Việt Nam trung đại hình như đã dự cảm được điều này.

Nếu Lê Thánh Tông hướng văn học vào việc phản ánh con người, lấy con người làm đối tượng và trung tâm phản ánh thì Nguyễn Dữ đi xa hõn một bước: phản ánh số phận con người, chủ yếu là số phận mang tính chất bi kịch của người phụ nữ. Nhờ đó mà, Nguyễn Dữ đã mở đầu cho chủ nghĩa nhân vật trong văn học Việt Nam thời trung đại. Thông qua số phận các nhân vật, Nguyễn Dữ đi tìm giải pháp xã hội: con người phải sống ra sao để vươn tới hạnh phúc, để nắm bắt được hạnh phúc? Hạnh phúc tồn tại ở đâu: trên trần gian này hay miền tiên giới, cõi thiên tào hay nõi thủy cung…? Đối với người đàn ông, hạnh phúc là gì và đối với người phụ nữ như thế nào là hạnh phúc? Nguyễn Dữ đưa ra rất nhiều giả thiết bằng các cuộc thử nghiệm, nhưng tất cả đều bế tắc. Đó là thông điệp cuối cùng ông để lại cho người đọc. Hõn nữa, Nguyễn Dữ là người Việt Nam đầu tiên dùng thuật ngữ truyền kì để đặt tên cho tác phẩm của mình. Có thể nói, ông là cha đẻ của thể truyện truyền kì Việt Nam. Nghiên cứu so sánh văn học phải đào xuống chiều sâu cách giải quyết vấn đề trong tác phẩm, chứ không thể chỉ dừng ở cấp độ so sánh đề tài.

Trên đây là một số suy nghĩ của chúng tôi khi nghiên cứu so sánhTKML của Nguyễn Dữ với bất cứ một tác phẩm truyền kì nào.

N.Đ.N

CHÚ THÍCH

(1) Hồng Châu: nay thuộc tỉnh Hải Dương

(2) Thanh Hoa: nay là tỉnh Thanh Hóa.

(3) Hiện chưa rõ tiểu sử của Hà Thiện Hán. Phải chãng, đó là Hà Nhiệm Đại sinh năm 1525 ? Hoặc giả, đây chỉ là một tên mang ý nghĩa tượng trưng như kiểu Thanh Tâm tài nhân, Tiểu Thanh…

(4) Xem thêm Tục Công dư tiệp kí của Trần Trợ.

(5) Xin xem Nguyễn Tự: Tân biên truyền kì mạn lục, Trung tâm học liệu. Sài Gòn, quyển 1 và 2: 1962; quyển 3 và 4: 1963; in lần thứ hai: 1970.

(6), (7) Nguyễn Nam: Nguyễn Dữ hay Nguyễn Tự, Tạp chí Hán Nôm,số 2 năm 2002.

(8) Ngô Tăng [吳 曾 ]: văn học gia thời Nam Tống, tự là Hổ Thần [虎 臣], người vùng Sùng Nhân (nay thuộc Giang Tây), có tập bút kí Năng cải trai mạn lục.

(9) Từ điển văn học, Nxb. KHXH, H. 1984, tập II, tr.57.

(10) Từ điển văn học, Nxb. Thế giới, H. 2003, tr.1124. Mục Nguyễn Dữ trong 2 bộ Từ điển (cũ và mới) đều do 1 người viết.

(11) Toàn Huệ Khanh: Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kì Hàn Quốc - Trung Quốc - Việt Nam thông qua Kim Ngao tân thoại, Tiễn đăng tân thoại, Truyền kì mạn lục, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004, tr.56.

(12) Xem thêm Nguyễn Đăng Na: Đoạn trường tân thanh - một mã khóa vào thế giới nghệ thuật của Nguyễn Du, Tạp chí Văn học số 5/1999.

(13). Hiện nhiều nhà nghiên cứu bác luận điểm cho rằng, Nguyễn Dữ là học trò Nguyễn Bỉnh Khiêm bởi, Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh nãm 1491 chỉ bằng, thậm chí còn ít tuổi hõn Nguyễn Dữ. Vả chăng, mãi đến năm 1535 Nguyễn Bỉnh Khiêm mới đỗ Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất giáp Đệ nhất danh, còn TKML có thể được sáng tác sau khi Mạc Đãng Dung lên ngôi 1527 không lâu. Nãm Hà Thiện Hán viết Lời tựa 1547 rất có thể chỉ là nãm in TKML chứ chưa hẳn là nãm tác phẩm ra đời. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng, Phùng Khắc Khoan không thể là bạn học của Nguyễn Dữ được, bởi Phùng Khắc Khoan sinh năm 1528 khi đóTKML đã hoặc sắp ra đời.

(14) Những điều này hoàn toàn dựa vào Lời Tựa của Hà Thiện Hán, mà Hà Thiện Hán như đã nêu, chưa chắc là người có thật.

(15) Có lẽ điều này do tác giả Lời Tựa TKML dựa vào truyện Người tiều phu ở núi Nưa để viết. Trong truyện ấy, Nguyễn Dữ có kể, khi Trương công - sứ giả của Hồ Hán Thương tìm đến, mời người tiều phu núi Nưa ra làm quan, người tiều phu đáp: “Ta tuy chân không bước đến thị thành…”.

(16) Chẳng hạn các công trình:

- K.I. Gôlưghina: Những truyện ngắn bên ngọn đèn, Nxb. Khoa học, Matxcõva, 1988.

- Trần Ích Nguyên: Nghiên cứu so sánh Tiễn đăng tân thoại và Truyền kì mạn lục, Nxb. Văn học, H. 1999;

- Toàn Huệ Khanh: Nghiên cứu so sánh tiểu thuyết truyền kì Hàn Quốc - Trung Quốc- Việt Nam…, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, H. 2004.

(17) A.Ja. Gurêvích: Các phạm trù vãn hóa trung cổ. Nxb. Giáo dục, 1996, Hoàng Ngọc Hiến dịch, tr.11.

(18) Xin xem thêm Nguyễn Đăng Na: Truyền kì mạn lục có 20 hay 22 truyện, Tạp chí Văn học, số 2/1988./

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm, số 6/2005.

Post by: Vu Nguyen HNUE
10-10-2020