NGUYỄN DU VÀ CẢM HỨNG LIÊN TÀI TRONG
BẮC HÀNH TẠP LỤC
TS. Nguyễn Thị Nương
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt: Niềm thương cảm, lòng trân trọng dành cho những “đấng tài hoa”là một nguồn cảm hứng lớn, xuyên suốt sáng tác của Nguyễn Du. Cảm hứng liên tài ấy được thể hiện một cách “đậm đặc” trong Bắc hành tạp lục.Bài viết phân tích, khái quát những biểu hiện cơ bản và giá trị đặc sắc của cảm hứng liên tài trong Bắc hành tạp lục. Về nội dung biểu hiện, cảm hứng liên tài được thể hiện qua thái độ trân trọng, ngưỡng mộ; qua sự thấu hiểu và niềm cảm thương sâu sắc Nguyễn Du dành cho những kiếp tài hoa. Về giá trị, cảm hứng liên tài phản chiếu tầm vóc tư tưởng, bản lĩnh văn hóa, chiều sâu tâm hồn Nguyễn Du; góp phần quan trọng làm nên giá trị hiện thực và giá trị nhân văn độc đáo, sâu sắc cho Bắc hành tạp lục. Mối liên tài này cũng là sợi dây bền chặt, thiêng liêng kết nối con người, bất chấp mọi khoảng cách thời gian, không gian; là di sản tinh thần quý giá Nguyễn Du để lại cho hậu thế.
Từ khóa: Nguyễn Du, Bắc hành tạp lục, cảm hứng liên tài, cảm thương, bi phẫn, kiếp tài hoa
1. Mở đầu
Niềm trăn trở, nỗi đau đớn trước thân phận của những “đấng tài hoa” đã trở thành nguồn cảm hứng bao trùm sáng tác của Nguyễn Du. Từ kiệt tác Truyện Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh... đến các tập thơ chữ Hán, đâu cũng thấy đau đáu một nỗi niềm khắc khoải: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”. Bàn về cảm hứng tài mệnh ấy, nhà nghiên cứu Phan Ngọc khẳng định: “...câu chuyện tài mệnh tương đố đặt ra ở thời Nguyễn Du với ba đặc điểm là phổ biến, lộ liễu và gay gắt. Nhưng không ở đâu câu chuyện này lại phổ biến, lộ liễu và gay gắt cho bằng Truyện Kiều” [2, tr.49]. Nhận định này là chính xác khi so sánh Truyện Kiều với nhiều tác phẩm cùng thời nhưng có lẽ chưa hoàn toàn đúng khi đặt Truyện Kiều trong tương quan với thơ chữ Hán Nguyễn Du, đặc biệt là với Bắc hành tạp lục. Có thể nói, trong tác phẩm này, Nguyễn Du không chỉ đặt ra vấn đề tài mệnh “phổ biến và gay gắt” hơn cả trong Truyện Kiềumà còn gửi vào niềm thương cảm dành cho những kiếp tài hoa nhiều thông điệp có ý nghĩa muôn đời.
2. Nội dung nghiên cứu
2.1. “Điểm nhìn” của Nguyễn Du trong Bắc hành tạp lục
Bắc hành tạp lục được Nguyễn Du sáng tác trong thời gian đi sứ Trung Quốc (1813 – 1814) – với vai trò chánh sứ. Tác phẩm được đánh giá là một đỉnh cao trong nền thơ trung đại Việt Nam. Nhìn lại “hành trình” của Nguyễn Du qua các thi tập và đặt trong dòng thơ “Hoa trình”, có thể thấy Bắc hành tạp lục nổi bật lên với những giá trị riêng biệt, đặc sắc. Cùng với nguồn cảm hứng chung, mỗi tập thơ chữ Hán của Nguyễn Du lại thể hiện những nỗi niềm riêng và phản chiếu chân dung con người tác giả trên từng chặng đường đời. Ra đời trong những năm tháng bi thương nhất của một con người đột ngột mất đi mọi điểm tựa,Thanh Hiên thi tậptrĩu nặng những cô đơn, hoang mang, bế tắc: Hồng Lĩnh vô gia, huynh đệ tán (Nơi non Hồng không còn nhà, anh em tan tác); Cố hương đệ muội âm hao tuyệt (Em trai, em gái ở làng cũ không có tin tức); Trường đồ nhật mộ, tân du thiểu (Đường dài, trời chiều, bạn mới ít); Hùng tâm, sinh kế lưỡng mang nhiên (Hùng tâm lẫn sinh kế đều mờ mịt)... Nam trung tạp ngâmđược viết trong khoảng thời gian Nguyễn Du ra làm quan; hoạn lộ khá “hanh thông” nhưng tâm trạng nhà thơ lại chồng chất những bi kịch mới. Đó là nỗi chán chường, tủi thẹn khi buộc phải chấp nhận “ăn đời ở kiếp” với một thể chế xã hội, một môi trường sống làm tha hóa con người: Hữu hình đồ dịch dịch/ Vô bệnh cố khâu khâu (Có hình hài nên đành vất vả/ Không bệnh mà lưng lom khom); Thái phác bất toàn chân diện mục (Tôi như viên ngọc phác không còn giữ được khuôn mặt thật),... Tâm sự của Nguyễn Du trong Nam trung tạp ngâm đã không còn giới hạn trong những bất hạnh, đổ vỡ riêng tư mà phản chiếu sự sụp đổ về niềm tin, sự trống rỗng về lí tưởng của một lớp người và cách nhìn nhận, đánh giá chính xác của nhà thơ về bản chất xã hội đương thời. Đến Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du đã chuyển từ xu thế “hướng nội” trong Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm, sang xu thế “hướng ngoại”. Trên chính hành trình đi sứ, hồn thơNguyễn Du đã hội đủ mọi điều kiện để vượt lên những bi kịch cá nhân; rộng mở, đón lấy “những vang động của đời”.
Với Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du cũng mang đến một điểm nhìn rất khác biệt trong dòng thơ đi sứ. Thời trung đại, hầu hết các nhà thơ – sứ thần đều sử dụng thơ văn như một “sức mạnh mềm” để hỗ trợ cho việc thiết lập quan hệ bang giao; để khoe tài, khẳng định “đẳng cấp” văn hóa, làm đẹp, làm sang cho nước. Điểm qua số lượng thơ thù tạc trong vài tập thơ đi sứ cùng thời đã có thể thấy rõ “chức năng” ngoại giao của thể tài này: Hoa trình tiêu khiển (Nguyễn Đề): 21/100 bài, (21%); Hải Ông thi tập (Đoàn Nguyễn Tuấn): 10/102 bài (9,8%); Hoàng Hoa đồ phả (Ngô Thì Nhậm): 8/115 bài (7%); Hoa Nguyên thi thảo (Lê Quang Định): 16/74 bài (21,7%); Bắc sứ thi tập (Trịnh Hoài Đức): 37/155 bài (22,3%); Thập Anh đường thi tập (Ngô Nhân Tĩnh): 13/ 81 bài (15%). Vậy màBắc hành tạp lục tuyệt không có một bài thơ thù tạc nào (0/132 bài), cho dù từ năm 1803, khi sứ giả nhà Thanh sang sắc phong, Nguyễn Du phụng mệnh đến trấn Nam Quan nghênh tiếp, thì “thơ từ tiễn tặng lúc sứ thần trở về đều do ông soạn thảo” [Gia phả họ Nguyễn Tiên Điền]! Khi đảm nhận vai trò chánh sứ, Nguyễn Du chắc cũng không tránh khỏi việc xướng họa xã giao nhưng có thể ông đã chủ động đưa chúng ra khỏi Bắc hành tạp lục.
Không chỉ thơ thù tạc, mà thể tài “ngôn chí’ cũng hoàn toàn vắng bóng trong Bắc hành tạp lục. Với kẻ sĩ thời phong kiến, được trao chức vị chánh sứ là vinh dự tột bậc, là “bằng chứng” cho sự tin cậy, trọng dụng của triều đình (về cả nhân cách, tài năng, khí tiết). Cho nên, họ thường ca tụng ơn tri ngộ, thể hiện chí khí hào hùng, tinh thần xả thân báo quốc: Báo nước tấm cô trung, nghĩ sao cho xiết (Trần Lô); Quất mây cưỡi mặt trời, tâm hồn mạnh mẽ/ Cắt sông xẻ núi, sức bút hùng hồn (Phùng Khắc Khoan); Xưa nay cần lao là phận sự của bề tôi/ Chí tang bồng tự ta đã có sẵn (Hồ Sĩ Đống); Cờ tiết phơi phới lướt qua đám khói ngàn cây/ Bè sao băng băng vút tới sao Ngưu, sao Đẩu (Lê Quang Định); Ngàn dặm giang hồ xa/ Niềm quân thân vẫn trọng (Ngô Nhân Tĩnh)… Trên thực tế, Nguyễn Du đã làm tròn sứ mệnh, khi trở về còn được triều đình ban thưởng. Nhưng trong Bắc hành tạp lục, nhà thơ chưa một lần bày tỏ niềm tự hào của kẻ sĩ được tin dùng. Bởi lẽ, trong cõi thơ, Nguyễn Du không đến đất nước Trung Hoa với tư cách của một vị sứ thần. Ông đã chủ động lựa chọn một vị thế khác, một điểm nhìn riêng trên hành trình đi sứ. Đó là điểm nhìn của một con người từng chứng kiến và nếm trải mọi niềm đau của kiếp nhân sinh; là tư thế, tâm thế của một thi nhân đã đạt tới độ chín của tài năng, tư tưởng.Từ điểm nhìn và tư thế ấy, tác giả Bắc hành tạp lục đã băng qua mọi giới hạn thời gian, không gian để cất lên những lời tra vấn mạnh mẽ, gay gắt; những tiếng thương đời, đau đời thống thiết, trong đó cảm hứng liên tài là “chủ âm”.
2.2. Ngược dòng lịch sử, cảm thương cho muôn kiếp tài hoa
Hành trình của các đoàn sứ bộ Việt Nam thường gồm đường bộ và đường thủy; thời gian kéo dài cả năm trời. Danh lam thắng cảnh vàthế giới thiên nhiên phong phú, mới lạ của đất nước Trung Quốc rộng lớn đã khơi nguồn thi hứng cho nhiều vị sứ thần:Xem no cảnh vật thanh lịch của đô thành nhà vua (Phùng Khắc Khoan); Hơn nữa chuyến đi này riêng mình tự đắc/ Vì có con mắt ngạo nghễ no cảnh núi sông (Nguyễn Đề); Như ta nay chẳng phụ chí du lịch từ lúc bình sinh (Phạm Sư Mạnh)... Nhưng đọc Bắc hành tạp lục, hầu như không thấy những bức tranh thiên nhiên thơ mộng; cũng không có những khoảnh khắc ngỡ ngàng, vui sướng trước cảnh tùng xanh, tuyết trắng, mai nở như ngọc, liễu phất lá như vàng ròng...Thay vào đó là quang cảnh đường đi với núi non, sông nước hiểm trở, ghềnh thác, mưa, lụt, nắng dữ; những tây phong, thu phong buốt giá; tiếng vượn hú, quạ kêu bi ai, tiếng ve như điệu “thanh thương” sầu thảm; cảnh chiều hiu hắt, đêm quạnh vắng – chủ yếu làm nền cho bức tranh tâm trạng. Con đường đi sứ trong Bắc hành tạp lục hiếm cảnh non xanh nước biếc, đào hồng liễu lục mà đầy những đền đài, miếu mộ; những địa danh lưu giữ dấu tích của văn nhân tài tử, trung thần nghĩa sĩ... Bởi vì, Nguyễn Duđã bỏ qua tất cả thành quách đồ sộ, lâu đài tráng lệ; thậm chí cả thế giới thiên nhiên kì thú nơi xứ lạđể “dấn thân” vào một hành trình khác - ngược dòng quá khứ, tìm về với cuộc đời của những “đấng tài hoa” trải suốt dòng thời gian kim cổ. Đây mới là đối tượng có sức hút mãnh liệt nhất với tâm hồn Nguyễn Du!Bởi vì, ở bất kì chặng đường đời nào, mối quan tâm lớn nhất của đại thi hào luôn là vấn đề số phận con người; câu hỏi nhức nhối nhất trong tâm can vẫn là thân phận của muôn kiếp tài hoa!
Vậy điều gì đã khiến cho cảm hứng liên tàitiềm tàng trong tâm hồn Nguyễn Du trỗi lên một cách mãnh liệttrên chính hành trình đi sứ? Trước hết, phải nói đến “độ chín” về tài năng, tư tưởng của nhà thơ. Quan sát hình tượng nhân vật trữ tình trong ba tập thơ chữ Hán Nguyễn Du, có thể thấy quá trình vận động tư tưởng nghệ thuật của một nghệ sĩ lớn. Người nghệ sĩ ấy đã từng chìm đắm trong cô đơn, sầu muộn, u uất, bế tắc: Cùng đồ lân nhữ dao tương kiến/ Hải giác thiên nhai tam thập niên (Lúc cùng đường, thương ngươi và trăng chỉ biết nhìn nhau từ xa/ Tuổi ba mươi lưu lạc nơi chân trời góc biển – Quỳnh Hải nguyên tiêu); Nam minh tàn nguyệt phù thiên lí/ Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân (Trên biển nam trăng tà dập dờn ngàn dặm/ Trên lối xưa gió lạnh dồn cả vào một người – Dạ hành). Nhưng tâm sự Nguyễn Du đã không bó hẹp ở những bi kịch cá nhân mà còn phản chiếu những bi kịch của thời đại mình. Nhà thơ không chỉ khóc thương cho bản thân, gia tộc mà cho cả quê hương xứ sở, cho đất trời “nhơ nhớp sau cuộc huyết chiến”. Ông chia sẻ nỗi đau của nhân quần trong cảnh “Hán cướp Tần tranh”: Tang tử binh tiền thiên lí lệ (Giọt lệ ngoài nghìn dặm khóc cho cuộc binh đao ở quê hương); Bách chiến tàn hài ngọa lục vu (Xương tàn trăm trận đánh còn vùi trong cỏ xanh); Khoáng dã biến mai vô chủ cốt (Trên đồng ruộng khắp nơi vùi thân vô chủ). Càng nhìn thấu bản chất của một xã hội suy tàn, niềm thương đời ấy càng thêm mãnh liệt, sâu sắc.
Cùng với độ chín của tài năng, tư tưởng, còn phải nói đến tác động mạnh mẽ của bối cảnh và nguồn “chất liệu” dồi dào trên con đường đi sứ. Sống sót sau sự sụp đổ của một “danh gia vọng tộc”, trải qua mấy cuộc “thương hải tang điền”, Nguyễn Du thấm thía hơn ai hết những chông gai, cạm bẫy giữa cõi đời hỗn tạp. Suốt những năm tháng làm quan, dẫu được trọng dụng, ông cũng chưa bao giờ hết nơm nớp, âu lo: Đào hoa mạc trượng Đông quân ý/ Bàng hữu phong di tính tối toan (Hoa đào chớ cậy chúa xuân yêu dấu/ Bên cạnh có dì gió tính rất cay chua – Ngẫu đề công quán bích I). Nguyễn Du buộc phải chọn cách sống ẩn mình:
- Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục,
Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân.
(Chốn tha hương nuôi dưỡng cái vụng về đề phòng kẻ tục,
Đời loạn muốn bảo toàn tính mệnh nên sợ người đã lâu
(U cư 1)
- Ngã hữu thốn tâm vô ngữ dữ,
Hồng Sơn sơn hạ Quế giang thâm.
(Ta có tấc lòng không biết ngỏ cùng ai,
Dưới chân núi Hồng, sông Quế sâu thăm thẳm)
(My trung mạn hứng).
Vì lối sống “ẩn mình” ấy mà Nguyễn Du từng bị vua Gia Long quở trách về chuyện lúc lên triều không chịu tỏ bày chính kiến.Đi sứ Trung Quốc, Nguyễn Du tạm rời xa chốn triều đình, dẫn đầu đoàn sứ bộ trên con đường ngàn dặm, ở một đất nước khác. Bối cảnh mới nàycó thể giúp nhà thơ “cởi bỏ” ít nhiều trói buộc; tạm thời không phải hàng ngày “khóc cười theo thói tục”, phải đắn đo, cân nhắc đến cả cái chau mày. Không gian tương đối “tự do” ấy tạo điều kiện cho nhà thơ cất tiếng! Hành trình đi sứ còn là cơ hội giúp Nguyễn Du mở rộng tầm nhìn. Ông sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống khoa bảng nên chắc chắn có vốn tri thức sâu rộng về văn hóa và đất nước Trung Hoa. Nhưng giữa những điều “nghe nói” và những điều “trông thấy” là cả một khoảng cách vời vợi. Giờ đây, bao kiến văn thu nhận từ sách vở, bao nhân vật, sự kiện từng “nghe nói” ấy, Nguyễn Du đã có thể tự mình “nhìn thấy”:
Du du trần tích thiên niên thượng,
Lịch lịch quần thư nhất vọng gian.
(Dấu cũ từ ngàn năm trước xa xôi,
Những điều sách chép nay thấy rành rành ngay trước mắt)
(Thương Ngô tức sự).
Trên hành trình đi sứ, Nguyễn Du đã tìm thấy nguồn “chất liệu” phong phú, sống động, giàu khả năng khơi nguồn cho cảm hứng liên tài. Đất nước Trung Hoa có một nền văn hóa, văn học lâu đời, rực rỡ nhưng cũng là nơi chất chồng những “kì oan” của bao nhiêu kiếp tài hoa. Chỉ xét riêng số lượng, đã có thể thấy họ chiếm vị trí hàng đầu trong “mục đoạn trường” của Tố Như: 42/57 (72%) nhân vật lịch sử xuất hiện trong Bắc hành tạp lục là những “đấng người” tinh hoa mà phải gánh chịu số phận éo le, oan khuất. Thân phận của họ đã “chạm” tới nỗi khắc khoải, đau đớn thường trực trong tâm hồn Nguyễn Du.Cho nên, đến vùng đất nào, Nguyễn Du cũng thiết tha tìm kiếm và sẵn sàng “lội ngược” cả trăm năm, ngàn năm để “gặp gỡ” những con người “Thác là thể phách, còn là tinh anh”.
Nguyễn Du đã dành cho những “đấng tài hoa” ấy tất cả tấm lòng trân trọng và cái nhìn “biệt nhỡn liên tài” hiếm có.Bất chấp “cỏ che, mưa xóa” và cả sự thờ ơ, quên lãng của người đời, nhà thơ khi thì “xuống xe để tỏ lòng kính trọng”, khi lại “lau chùi bia xưa để đọc, than thở mãi”. Bài thơ nào viết về họ, Nguyễn Du cũng chú tâm khám phá, ngợi ca vẻ đẹp của tài năng, nhân cách. Ông khẳng định sức sống kì diệu của tài thơ Lí Bạch: “Thiên niên thắng tích dĩ nhân truyền/ Bất tại du du nhất đàm thủy” (Cảnh đẹp nhờ người mà nổi danh nghìn năm/ Chứ đâu phải vì đầm nước mênh mông gợn sóng -Đào Hoa Lí Thanh Liên cựu tích); say mê vẻ đẹp thanh cao của thơ Vi Ứng Vật, Lư Chiếu Lân: “Đại sơn hưng bảo tạng/ Độc hạc xuất phong trần” (Như kho báu trên núi lớn/ Như hạc lẻ bay khỏi vùng gió bụi -Đề Vi, Lư tập hậu); ngưỡng mộ cốt cách của Âu Dương Văn Trung: “Bình sinh trục đạo vô di hám/ Thiên cổ trùng tuyền thượng hữu hương” (Suốt đời theo đường lối ngay thẳng không để lại điều gì phải ân hận/ Nghìn xưa dưới suối vàng còn nức mùi hương -Âu Dương Văn công trung mộ). Qua ngòi bút Nguyễn Du, những Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Nhạc Phi, Văn Thiên Tường... đã trở thành hình mẫu cho vẻ đẹp lí tưởng của tài hoa, khí phách: “Sở từ vạn cổ thiện văn chương” (Muôn đời Sở từ vẫn là áng văn chương hay nhất -Tương đàm điếu Tam lư đại phu I); “Thiên cổ văn chương thiên cổ si/ Bình sinh bội phục vị thường li” (Văn chương để lại muôn đời, là bậc thầy của muôn đời/ Suốt đời ta khâm phục không lúc nào xa rời -Lỗi Dương Đỗ Thiếu lăng mộ I).
Đặc biệt, khi viết về những con người có tài văn chương, Nguyễn Du đã thể hiện mối đồng cảm sâu xa của “người trong cuộc”. Bởi lẽ, Nguyễn Du cũng từng ôm ấp hùng tâm, tráng chí song những biến động dữ dội của thời đại khiến rơi vào bi kịch kẻ sĩ lỡ thời, thất thế: “Tha niên hải nội tri danh sĩ/ Kim nhật thành trung khất thực nhân” (Năm xưa cả nước từng biết tiếng danh sĩ/ Mà nay là người ăn xin ở kinh thành Thăng Long – Nguyễn Hành). Ý thức sâu sắc về giá trị của tài năng, Nguyễn Du đã phải khóc thương cho sự lụi tàn của những ước mơ, hoài bão; cho kiếp sống thừa mỏi mòn, vô nghĩa: thư kiếm không thành, sinh kế mờ mịt, ăn gửi nằm nhờ, hùng tâm và sinh kế đều mờ mịt... Ông nhìn thấy chính mình trong thân phận của những con người tự ngàn năm trước: Tráng niên ngã diệc vi tài giả/ Bạch phát thu phong không tự ta” (Thời trẻ ta cũng là người có tài năng ví như cây gỗ tốt /Nay đầu bạc chỉ còn biết than thở trước gió thu -Vĩnh Châu Liễu Tử Hậu cố trạch). Mối dây liên tài, liên tình ấy đã xóa đi mọi khoảng cách thời gian, không gian, kết nối những tâm hồn: “Mộng hồn dạ nhập Thiếu Lăng thi” (Hồn mộng tôi đêm đêm nhập vào thơ Thiếu Lăng).Từ điểm nhìn trong cuộc và của kẻ tri âm, Nguyễn Du có thể thấu hiểu, chia sẻ tận cùng mọi nỗi đau của những kiếp tài tình ấy:
Hiếu tu nhân khứ nhị thiên tải,
Thử địa do văn lan chỉ hương.
Tông quốc tam niên bi phóng trục,
Sở từ vạn cổ thiện văn chương.
Ngư long giang thượng vô tàn cốt,
Đỗ nhược châu biên hữu chúng phương.
Cực mục thương tâm hà xứ thị,
Thu phong lạc mộc quá Nguyên Tương.
(Người ham muốn tu dưỡng đức tốt ra đi đã hai nghìn năm rồi,
Đất này còn thoảng mùi thơm của hoa lan, hoa chỉ.
Bị đuổi xa tổ quốc ba năm khôn xiết đau buồn,
Muôn đời Sở từ vẫn là áng văn chương tuyệt tác.
Trên sông đầy cá rồng, nắm xương tàn không còn nữa,
Bên bãi sông chòm đỗ nhược có thêm những giống hoa thơm.
Nhìn hết tầm mắt, đau lòng chẳng biết dấu vết ở nơi nào,
Chỉ thấy gió thu thổi lá rụng qua sông Nguyên Tương)
(Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu I).
Khuất Nguyên là nhân vật lịch sử xuất hiện trong rất nhiều tập thơ đi sứ thời trung đại. Song có thể nói, chưa một nhà thơ – sứ thần Việt Nam nào dành cho nhân vật này mối quan tâm, sự đồng cảm kì lạ như Nguyễn Du. Tác giả Bắc hành tạp lụcđã dành trọn sáu bài thơ viết về Khuất Nguyên: Ngũ nguyệt quan cạnh độ, Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu I, II, Phản chiêu hồn, Biện Giả, Tương Âm dạ. Bất chấp khoảng cách hai nghìn năm, hình ảnh Khuất Nguyên hiện lên sống động như thể người đeo hoa lan hoa chỉ đang còn ở đâu đây: “đất này còn thoảng mùi thơm... Bên sông chòm đỗ nhược có thêm những giống hoa thơm”. Nguyễn Du gửi vào chùm thơ điếu Khuất Nguyên sự thấu hiểu, niềm tiếc thương, đau xót và cả nỗi bất bình, phẫn uất. Ông chia sẻ niềm cô đơn tột cùng của con người tỉnh khi đời mê, trong khi đời đục: “Thiên cổ thùy nhân lân độc tỉnh/ Tứ phương hà xứ thác cô trung” (Nghìn xưa có ai thương người một mình tỉnh táo/ Bốn phương có chốn nào gửi được mối cô trung? - Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu II). Nguyễn Du bác lại lời chiêu hồn Khuất Nguyên của Tống Ngọc vì chúng “chẳng có nghĩa lí gì”! Bởi lẽ, ông hiểu thấu tấm tình sâu nặng khiến Khuất Nguyên dùthấu suốt cái lẽ nước Thương Lang trong thì giặt giải mũ, nước Thương Lang đục thì rửa chân mà không thể xa lìa cố quốc để tìm đến miền đất khác: “Cáo chết tất quay đầu núi cũ/ Chim bay còn nhớ tổ rừng sâu” (Ai Sính); “Đường về đất Sính xa xôi/ Một đêm hồn mộng ngược xuôi chín lần” (Trừu tư).
Qua ngòi bút Nguyễn Du, những văn nhân, tài tử như Khuất Nguyên, Đỗ Phủ, Liễu Tông Nguyên, Giả Nghị... đã trở thành hiện thân cho bi kịch của muôn kiếp tài hoa. Sống ở những thời đại khác nhau, cách biệt cả trăm năm, ngàn năm nhưng họ đều phải gánh chịu những “bản án” chung: “Thiên giáng kì tài vô dụng xứ” (Trời ban cho tài lạ mà không có chỗ dùng); “Văn chương quang diệm thành hà dụng” (Văn chương ngời sáng dùng được việc gì!). Không chỉ thế, tài năng và nhân cách nhiều khi còn trở thành “nguyên cớ” khiến họ bị vùi dập, hãm hại. Dẫu đã chìm vào dĩ vãng, số phận bi kịch của họ vẫn khơi dậy trong trái tim nhà thơ những buồn thương, đau đớn: Trông khói sóng mênh mông, lòng ta luống những đau thương, oán giận; Ta lau chùi bia xưa để đọc, than thở mãi; Buồn vì không thấy lại được người ấy/ Khiến ta từ xa đến thấy lòng bùi ngùi; Nhìn hết tầm mắt, đau lòng vì chẳng biết dấu vết cũ ở nơi nào… Mỗi thân phận tài hoa bị đày đọa, dẫu cách biệt cả ngàn năm vẫn khiến nhà thơ rơi lệ: Sống khác thời đại, thương nhau chỉ biết rơi nước mắt, Đau lòng việc cũ lệ thấm áo...Nguyễn Du đã băng qua mọi khoảng cách để đón nhận, sẻ chia; để tiếc tài, thương tài. Bao nhiêu cung bậc của nỗi buồn đau, ngậm ngùi, thương xót cứ trở đi trở lại: liên, ai, bi, kham ai, thương tâm, não, trướng, tân… tạo thành giọng điệu cảm thương đặc trưng cho cảm hứng liên tài trong Bắc hành tạp lục. Cảm hứng liên tài ấy phản chiếu tầm vóc văn hóa không chỉ của Nguyễn Du mà của cả một dân tộc.
2.3. Tra vấn hiện tại, bày tỏ nỗi niềm bi phẫn
Đối diện với số phận đau thương, oan khuất của baokiếp tài hoa, Nguyễn Du đã cất lên những câu hỏi xót xa, bi phẫn: “Trực giao hiến lệnh hành thiên hạ/ Hà hữu Ly Tao kế Quốc phong” (Ví như hiến lệnh được ban hành trong thiên hạ/ Thì làm gì có được Ly tao nối tiếp Quốc phong? - Tương Đàm điếu Tam Lư đại phu II); Nhất cùng chí thử khởi công thi (Một thân nghèo đến thế, há phải vì hay thơ? - Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ II). Từ trải nghiệm của bản thân, từ số phận bất hạnh của bấy nhiêu kiếp tài tình, Nguyễn Du trăn trở: “Bản vô văn tự năng tăng mệnh/ Hà sự càn khôn thác đố nhân” (Vốn không có chuyện văn chương sinh ra nghiệp chướng/ Cớ gì trời đất lại ghen ghét người? - Tự thán II). Nguyễn Du cũng luôn khao khát kiếm tìm lời đáp cho câu hỏi nhức nhối trước bi kịch của những con người mang “bản án” phong lưu: “Cổ kim hận sự thiên nan vấn/ Phong vận kì oan ngã tự cư” (Nỗi tiếc hận tự ngàn xưa tới nay khó mà hỏi trời được/ Ta tự coi mình cùng hội cùng thuyền với những kẻ mắc mối oan lạ lùng vì nết phong nhã - Độc Tiểu Thanh kí). Nỗi tiếc hận trải dài suốt dòng thời gian vô tậnchính là nghịch lí đè nặng lên thân phận của muôn kiếp tài hoa. Vì sao cùng với tài hoa, con Tạo lại “trao” luôn cho những đấng người kia lận đận, gian truân, tai ương, oan khuất? Trái tim Nguyễn Du đã rung động sâu xa và chưa bao giờ nguôi trăn trở, đau đớn trước thân phận của họ. Những kiếp tài tìnhấy hội tụ bao”giá trị người” quí giá: nhan sắc, tài hoa, khí phách..., là những “vật báu” của cõi nhân gian. Thế mà chẳng những họ không được nâng niu, trân trọng; lại còn luôn bị vùi dập, chà đạp. Đó là hiện thực tăm tối mà nhà thơ phải chứng kiến và trải nghiệm nhiều nhất. Dẫu có lúc đành chấp nhận mối “cổ kim hận sự” như cái “giá” của tài tình nhưng Nguyễn Du chưa bao giờ “quen” được vớiqui luật nghiệt ngã, phi lí đó. Cho nên những câu hỏi khắc khoải, day dứt kia là cách nhà thơ tra vấn, đối thoại với thực tại.
Khi kiếm tìm lời đáp, Nguyễn Du cũng từng muốn “lấy câu vận mệnh” hầu “băng bó” nỗiđoạn trường. Những là: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau; Có đâu thiên vị người nào/ Chữ tài, chữ mệnh dồi dào cả hai; Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần!” Nhưng khi tái hiện số phận bi thương của bấy nhiêu kiếp tài tình, tác giả Bắc hành tạp lục đã không chấp nhận lời giải đáp bằng lẽ tạo vật đố tài hay nghiệp chướng văn chương. Ngược dòng quá khứ, Nguyễn Du đã nhìn thấu nguồn gốc gây nên mọi nỗi bất hạnh, khổ đau; chỉ rõ căn nguyên tạo thành cái qui luật nghiệt ngã, phi lí kia. Đó là những kẻ vênh vang võng lọng, ngựa xe; đứng ngồi đạo mạo, cao giọng luận bàn thế sự “tựa như ông Cao, ông Quì” mà bất tài, vô dụng, tàn bạo, nham hiểm “nhai xé thịt người ngọt xớt như đường”. Đó là những hôn quân, bạo chúa, gian thần mà cầm cân nảy mực, giữ quyền sinh sát... Từ đó, nhà thơ trở về đối diện với hiện tại, phơi bày bản chất của một thể chế xã hội đang suy vong, một cõi đời đầy rẫy sự tha hoá, suy đồi. Ngay trên đất nước nổi tiếng “trọng tiết nghĩa” mà đền thánh đế “Vắng vẻ hai mùa không ai cúng tế”; mộ người hiền “Bia tàn, chữ mất, chôn vùi trong cỏ hoang”! Cái ác lộng hành; cái đẹp, cái thiện, cái cao cả không còn chốn dung thân:
Hậu thế nhân gian giai Thượng Quan
Đại địa xứ xứ giai Mịch La,
Ngư long bất thực, sài hổ thực,
Hồn hề! hồn hề! nại hồn hà?
(Đời sau đều là Thượng Quan,
Mặt đất này đâu đâu cũng là sông Mịch La.
Cá rồng không nuốt, hùm sói cũng ăn,
Hồn ơi! Hồn ơi! Hồn làm thế nào?)
(Phản chiêu hồn).
Nguyễn Du thường kết thúc các bài thơ viết về những kiếp tài hoa, bất hạnh bằng những tiếng than “xé trời”, những câu hỏi gay gắt như thế! Hỏi trời, hỏi những kẻ cầm cân nảy mực, hỏi cả loài người đang sinh sống dưới gầm trời này: “Thiên hạ hà nhân lân độc tỉnh” (Thiên hạ có ai thương người tỉnh một mình?); “Thiên hạ hà nhân liên bạc mệnh” (Thiên hạ có ai thương người bạc mệnh?); “Hà sự càn khôn thác đố nhân” (Trời đất cớ gì mà lại ghen ghét người?); “Cộng đạo Trung Hoa thượng tiết nghĩa/ Như hà hương hỏa thái thê lương”(Ai cũng bảo nước Trung Hoa trọng tiết nghĩa/ Sao ở đây hương khói lạnh lẽo thế này?)... Đó là những câu hỏi và lời than cất lên từ sự thấu hiểu, yêu thương, phẫn uất cho con người, vì con người. Những lời tra vấn và niềm bi phẫn ấy có giá trị thức tỉnh mạnh mẽ! Nhà thơ Vương Trí Nhàn đã rất tinh tế khi so sánh những thông điệp mà Nguyễn Du gửi gắm trong Truyện Kiều và trong thơ chữ Hán: “Nếu Kiều khai thác mối cảm thông giữa người với người, thì thơ chữ Hán chọn cách tác động của sự thức tỉnh. Kiều an ủi ta, còn thơ chữ Hán làm phiền ta, buộc ta phải đặt lại nhiều vấn đề của đời sống. Kiều là du xuân, là tiếng khóc nhớ nhà, là những cảnh đầy ải không rõ nguyên nhân tại sao. Thơ chữ Hán là chuyến đi xa đơn độc, là con người đối diện với sách vở, với thời gian và lịch sử...” [3].
3. Lời kết
Có thể nói, cảm hứng liên tài đã được Nguyễn Du thể hiện một cách phong phú, sắc sảo, độc đáo trong Bắc hành tạp lục; khiến cho giá trị hiện thực và giá trị nhân văn của tác phẩm vượt xa tất cả các tập thơ đi sứ thời trung đại. Từ số phận của những con người tinh hoa và khổ đau, tác giả Bắc hành tạp lục đã phát hiện, khái quát những qui luật phản ánh bản chất của xã hội đương thời; đã nêu lên, đặt ra nhiều vấn đề có ý nghĩa lâu bền.Nhờ vào quãng cách “an toàn” của thời gian lịch sử và không gian rộng mở trên con đường đi sứ, Nguyễn Du “cho phép” mình được tự do cất lên những lời tra vấn, những tiếng khóc đau thương và tiếng thét căm phẫn đã tích tụ, chồng chất bấy lâu!Hòa cùng mạch sống của một nhân loại khổ đau, tâm hồn Nguyễn Du đã hồi sinh mãnh liệt trong những sẻ chia, cảm thương, bi phẫn vì con người! Trên hành trình đi sứ, nhà thơ đã dành cả tâm hồn cho vấn đề thiết yếu nhất – quyền sống cho con người; thân phận của tài hoa. Đó là lựa chọn của một trái tim sáng suốt chưa bao giờ nhầm lẫn khi đối diện với những vấn đề muôn thủa của cõi nhân sinh.
Riêng với cảm hứng liên tài, Bắc hành tạp lục của Nguyễn Du đã không bao giờ cũ, đã là nhịp cầu nối liền mọi trái tim, mọi tâm hồn biết yêu thương; biết khát khao bảo toàn những giá trị vĩnh cửu của nhân loại.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Đề (1995) Tuyển tập thơ chữ Hán Nguyễn Đề, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[2] Phan Ngọc (1985), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[3] Vương Trí Nhàn (2005), “Nguyễn Du như một thi sĩ”, Phụ trương Thơ, báo Văn nghệ số ra ngày 19-2-2005.
[4] Nguyễn Thị Nương (2010), Con người Nguyễn Du qua thơ chữ Hán, Nxb Đại học Sư phạm Hà Nội.
[5] Phạm Thiều - Đào Phương Bình (chủ biên) (1993), Thơ đi sứ,Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[6] Lê Thước, Trương Chính (1965), Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Văn học, Hà Nội.
[7] Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2015), Nguyễn Du toàn tập, tập 1, Nxb Văn học, Hà Nội.
[8] Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2015), Nguyễn Du toàn tập, tập 2, Nxb Văn học, Hà Nội.
[9] Lê Thu Yến (1999), Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb Thanh niên.
[Nguồn: Kỉ yếu Hội thảo khoa học "Những hướng tiếp cận mới trong nghiên cứu và giảng dạy về Nguyễn Du và Truyện Kiều, Khoa Ngữ văn, ĐHSP Hà Nội, 2020]