VĂN CHƯƠNG NGUYỄN DU – HÀNH TRÌNH NHẬP THẾ
VÀ GIẢI THOÁT
PGS.TS Trần Thị Hoa Lê
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tóm tắt: “Hành trình nhập thế và giải thoát”trong văn chương Nguyễn Du thực chất có liên quan đến những vấn đề cốt lõi đã được bàn luận nhiều về Nguyễn Du và tác phẩm của đại thi hào, như “con người Nguyễn Du” và tính chất “nhật kí tư tưởng” trong thơ chữ Hán; tư tưởng Tam giáo và “chân dung tinh thần” Tố Như trong Đoạn trường tân thanh, thơ chữ Hán, thơ văn Nôm..Bài viết của chúng tôi đặt ra nhiệm vụ kép. Thứ nhất, góp phần tổng hợp những vấn đề cốt lõi nêu trên. Thứ hai, tiếp tục suy nghĩ sâu hơn với quan điểm riêng, vừa sơ bộ tranh luận vừa nỗ lực chứng minh một trong những giá trị độc đáo của văn nghiệp Nguyễn Du – đó là, tập nhật kí về sự song hành hai hành trình, hành trình nhập thế của một nhà nho sống thời đại “bể dâu” và hành trình đi tìm sự giải thoát cho số phận một con người tài hoa đa đoan chìm nổi. Bài viết chỉ ra sự song hành hai hành trình dựa trên cơ sở “đọc hiểu” mối liên kết chặt chẽ giữa toàn bộ tác phẩm hiện còn của Nguyễn Du cũng như mối liên hệ mật thiết giữa văn chương và cuộc đời ông.
Từ khóa: văn chương Nguyễn Du, hành trình nhập thế, hành trình giải thoát
1. Dẫn nhập
Là nam nhi sống dưới chế độ quân chủ Nho giáo phương Đông, thuộc dòng dõi đại khoa, đại quan, bản thân từng dấn bước chốn hoạn hải, vốn dĩ mang nặng lý tưởng nhập thế; Nguyễn Du (1765 - 1820) đồng thời còn là một tâm hồn nghệ sĩ vượt thời đạivới khát vọng giải thoát,không ngừng tìm kiếm con đường vượt quathiên mệnh. Văn chương Nguyễn Du có khác với loại hình văn chương thời đại của ông chính ở chỗ, nó giống như một bảo tàng sinh động lưu giữ, hoàn nguyênhành trình tư tưởng chất chứa những đối trọng xung đột và giải xung đột trong con người Tố Như.
2. Nội dung nghiên cứu
Qua hơn hai thế kỷ thưởng thức và nghiên cứu văn chương Nguyễn Du, nhiều bậc thức giả các thế hệ đã đề cập tính chất nhật ký đời tư, nhật ký tư tưởng trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Mặt khác, giá trị biểu hiện chân dung tâm hồn, quan điểm chính trị -nhân sinh của Nguyễn Tiên Điền tiên sinh còn thuộc về truyện thơ Nôm Đoạn trường tân thanh, cũng là vấn đề đã được khẳng định.Đọc lại văn chương Nguyễn Du từ mối liên kết nội tại trong toàn bộ văn nghiệp và mối liên hệ giữa tác phẩm với cuộc đời Tố Như, chúng tôi hy vọng tiếp bước tiền nhân trên con đường tri âm Người Xưa, làm sống lại hành trình nhập thế – giải thoát mà Tố Như đã trải nghiệm và mượn văn chương mà ký thác hơn hai trăm năm trước -quan niệm chính trị - nhân sinh, phương cách xử thế cũng như những khát vọng tinh thần thầm kín, những mâu thuẫn nội tâm của đại thi hào.
2.1. Hành trình nhập thế thăng trầm qua thơ chữ Hán
Để nhận diện chân dung tinh thần Nguyễn Du, từng có khuynh hướng tách rời mỗi cặp câu thơ của bài thơ chữ Hán, như một thao tác phân tích, lấy từng góc nhỏ ấy mà “đặt tên” cho con người Nguyễn Du;vô hình trung,vô tình không tránh khỏi sự đánh giá phiến diện do chính những cặp câu thơ bị tách khỏi hệ thống gây nên.Một hướng nghiên cứu khác, gần đây, theo xu thế “lật ngược” các giá trị ổn định,khiến công chúngcó phần nghi ngại, tuy nhiên cũng có thể coi đó là một cách gợi ý thúc đẩy thêm nhu cầu tìm kiếm rà soát tư liệu văn học cổ.
Bài viết của chúng tôicăn cứ trêntoàn vẹn từng văn bản thơ chữ Hán Nguyễn Du, đặt trong hệ thống niên biểu đã được các bậc túc nho khảo đính, truyền thừa,trong khi chưa có một sự bác bỏ nào đủ chứng lý đối với sự sắp xếp thứ tự các văn bản ấy [15], [16, [17].Đồng thời, luôn đặt thơ chữ Hán trong mối liên kết chặt chẽ với toàn bộ các tác phẩm hiện còn được cho là của đại thi hào, bao gồm truyện thơ Nôm, văn tế Nôm, thơ lục bát Nôm…, đó là hướng tiếp cận chính của bài viết.
Như đã biết, ba tập thơ chữ Hán ghi lại ba chặng lớn trên hành trình Nguyễn Du nhập thế. Chặng thứ nhất,thời tuổi trẻ “thập tải phong trần” bế tắc cùng đường sau cơn quốc biến; chặng thứ hai,thời trung niên hoạn lộ hanh thông với tân triều;chặng cuối cùng chỉ là một năm sứ trình phương Bắc nhưng dồn chứa tư tưởng cả một đời trải nghiệm ngẫm suy.
Thanh Hiên thi tập trước hết là những trang nhật ký về hành trình nhập thế của chàngtuổi trẻ xuất thân đại quý tộc nhưng sớm mất phương hướng và rệu rã lý tưởng bởi biến cố triều đại và gia tộc. Không khó thấy tập thơ đầu tay tuy gắn với tuổi trai tráng mà ngậm ngùi giọng điệu sầu hận, u uất. Ẩn ức “tha hương”“trệ khách”“lữ thực”“cùng đồ”dường như làm nên “chân tướng” Thanh Hiên giai đoạn vào đời. Mối sầu “bạch phát” của một người “dị hương” giữa những năm tháng đầu xanh, do vậy,không chỉ đơn thuần là nỗi buồn tha hương mà còn mang ý nghĩa biểu tượng về sự mất mát bản thể và lý tưởng.Thanh Hiên thi tậplà nơi tập trung rõ rệt và trực tiếp những khắc khoải về bản nguyên và lẽ sống. Đây là giai đoạn trăn trở khôn nguôi trong mối xung đột “Tính – Mệnh”, “Thiên chân - Phù thế”, “Tráng tâm - Lữ muộn”...
Dường như bao trùm Thanh Hiên thi tập là những câu thơ giãi bày tâm trạng bất an về cuộc đời, mà ở đó, ẩn ức văn chương song hành cùng ẩn ức công danh, hòa với nỗi cay đắng về Tính – Mệnh tương đố, về cuộc mưu sinh chật vật giữa kiếp phù sinh vô vọng. Có khoảng hơn chục bài thơ trong Thanh Hiên thi tập nhất quán toàn bài cảm xúc u sầu tiêu cực về công danh sự nghiệp và nỗi cơ cực mưu sinh khiến cho độc giảdễ có cảm giác ban đầu rằng, đây chính là giọng điệu u uất đặc trưng của tập thơ . Những cặp câu thơ buồn bã ảm đạm thường xuất hiện ở vị trí trung tâm đối ngẫu (câu thực hoặc câu luận) của bài luật thi, vì vậy, dễ tạo nên cảm xúc chung cho toàn bài thơ; đồng thời cũng do đối ngẫu mà chúng mang giá trị “triết lí tổng kết cuộc đời” của chàng quý tộc mới đang tuổi “tam thập nhi lập”: “Bách niên cùng tử văn chương lý/ Lục xích phù sinh thiên địa trung” (Cuộc đời trăm năm chết xác trong chốn văn chương/Tấm thân sáu thước sống nổi trôigiữa vòng trời đất – Mạn hứng 2) hoặc loạt bài Mạn hứng, Ngọa bệnh 1, Ngọa bệnh 2...Tuy nhiên, vị trí của cặp câu thơ “dấn thân- tiêu cực” khá linh động, có lúc xuất hiện ngay mở đầu bài thơ (Tự thán 1: Sinh vị thành danh thân dĩ suy/ Tiêu tiêu bạch phát mộ phong xuy;Tạp thi 1: Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên/ Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên; U cư 2, Ngọa bệnh 1...); có khi xuất hiện ở vị trí câu kết (Sơn cư mạn hứng, Thu dạ 1); và có thể điệp cú từ câu đề/thực/luận đến câu kết (Trệ khách, Độ Long Vỹ giang, Mạn hứng 2, Thu chí...).Sự đa dạng về vị trí xuất hiện của các câu thơ u uất như vậy cũng góp phần tạo nên “định kiến” của độc giả về một Nguyễn Du nhuốm màu “sầu khổ thương thân”.
Tuy nhiên, bên cạnh nhóm thơ “dấn thân - tiêu cực” nói trên với số lượng bài không nhiều (khoảng 11/78 bài của Thanh Hiên thi tập), đáng chú ý là nhóm thơ thứ hai, tạm gọi tên là “dấn thân – giải thoát” – bao gồm những bài thơ “thương thỏa” giữa nỗi sầu muộn bế tắc với những cảm xúc tích cực hơn – chiếm số lượng lớn (khoảng 44/78 bài). Chính sự xuất hiện của nhóm thơ thứ hai đã gợi dẫn chúng tôi ý tưởng phân loại giọng điệu thơ Thanh Hiên thi tập.Điều này cũng phù hợp với cấu trúc tập thơ, vốn không chỉ dừng ở mười năm gió bụi trên quê vợ mà còn là tâm sự của Tố Như giai đoạn tiếp theo, khi về lại Hồng Lĩnh rồi ra làm quan Bắc Hà mấy năm đầu. Đây là vấn đề sẽ được giải quyết trong phần sau của bài viết.
Ở chặng nhập thế thứ hai, tuổi trung niên thành danh, Nguyễn Dulàm quan triều Nguyễn hoạn lộ hanh thông như diều gặp gió.Tuy nhiên, điều dễ thấy là, Nam trung tạp ngâm lại mang hình hài những trang nhật kívề “đời sống khuất lấp” phía sau tấm màn sân khấuchính trường. Các nghiên cứu quan tâm đến Nam trung tạp ngâm đều đã chỉ ra những bài thơ mang tính cốt tử của tập thơ được coi là “ngâm vặt” về quãng đời mười năm Nguyễn hầulàm quan Bắc Hà, 1802 – 1812. Đó là Ngẫu thư công quán bích– tam thủ (Đào hoa mạc trượng đông quân ý/ Bàng hữu phong di tính tối toan/… Bình sinh dĩ tuyệt vân tiêu mộng/ Phạ kiến bàng nhân vấn vũ mao – Hoa đào chớ cậy được chúa xuân yêu dấu/ Bên cạnh có dì gió tính hết sức hay ghen/… Bình sinh đã dứt hẳn giấc mộng lên tầng mây cao/ Sợ người xung quanh hỏi lông cánh ở đâu mà bay!). Đó còn là một chuỗi thơ, từ bài thơ đầu tiên của Nam trung tạp ngâm, có lẽ được sáng tác vàothờiđiểm Nguyễn công trên đường vào Nam nhậm chức/hành chức – Phượng Hoàng lộ thượng tảo hành(Lực suy thường úy lộ/ Phát đoản bất câm phong – Sức yếu thường sợ đường dài/ Tóc ngắn mặc cho gió thổi), cho đến Thu chí (Hữu hình đồ dịch dịch/ Vô bệnh cố câu câu – Có thân luống vất vả/ Không bệnh mà lưng cứ lom khom); vàĐiệu khuyển, Tống nhân, Ngẫu hứng – ngũ thủ, Ngẫu đề, Thủy Liên đạo trung tảo hành, Tân thu ngẫu hứng, Dạ tọa, Tặng nhân, Tạp ngâm, Giang đầu tản bộ - nhị thủ, Ngẫu đắc, Thành hạ khí mã, Giản Công bộ Thiêm sự Trần – nhị thủ, Thu nhật kí hứng, Ý nguyên vận kí Thanh Oai Ngô Tứ Nguyên, Đại tác cửu thú tư quy – nhị thủ… Có đến 28/40 bài thơ của Nam trung tạp ngâm cùng chung tâm trạng”phòng vệ” trước những sự vụ nơi”công quán” và nỗi niềm “cố hương thuần vược” của một quan nhân dường như không mấy đắc chí suốt thập tải nhập thế hoạn lộ.Như vậy, tập thơ thứ hai của Nguyễn Du tuy được viết trong bối cảnh thực sự nhập thế nhưng đã trượt khỏi mô hình thơ quan chức quan phương thường xuất hiện ở thời đại ông. Chuyện/việc quan trường chỉ là cái cớ cho ông tiếp nối dòng tâm tư miên viễn về sự lệ dấn thân và giải thoát, những nỗi niềm đã ám ảnh từ lúc tuổi trẻ “đầu bạc”.
Tập thơ chữ Hán cuối cùng, Bắc hành tạp lục, tuy chỉ được sáng tác trong một năm sứ trình phương Bắc, song lại có thể đại diện cho chặng nhập thế thứ ba của Nguyễn Chánh sứ, bởi hai lẽ chính. Thứ nhất, có số lượng bài thơ vượt trội so với hai tập thơ trước – 131 bài – xét tỉ lệ, Bắc hành tạp lục chiếm già nửa số lượng thơ chữ Hán Nguyễn Du hiện còn (131/250). Thứ hai, điều chính yếu, Bắc hành tạp lục xứng đáng đại diện cho nhiều giá trị nội dung, tư tưởng cũng như giọng điệu, thi pháp thơ chữ Hán của Tố Như, có thể nói, đạt tới vị trí tổng hợp và nâng cao các giá trị nghệ thuật đã được khẳng định ở Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm. Với ý nghĩa đó, Bắc hành tạp lục tiếp tục là những trang nhật kí về hành trình nhập thế ở giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp của vị quan Cần Chánh điện đại học sĩ triều Nguyễn. Những bài thơ trong Bắc hành tạp lục có thể không theo sát hoàn toàn hành trình sứ bộ suốt hơn một năm, di chuyển từ Phú Xuân ra Thăng Long;qua biên giới Trấn Nam Quan ngày 6 tháng 5 năm 1813 (6 tháng 4 Quý Dậu), vào đất Trung Hoa, theo đường Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc, Trực Lệ… lên Yên Kinh; rồi quay lại Trực Lệ, Sơn Đông, An Huy, Hồ Bắc, Hồ Nam…, về tới Nam Quan ngày 18 tháng 5 năm 1814 (29 tháng 3 Giáp Tuất); có thể một số bài đã lệch ra ngoài lịch trình sứ bộ (được thêm vào tùy cảm hứng thi nhân). Tuy nhiên, về cơ bản, hầu hết bài thơ của Bắc hành tạp lục đều có giá trị ghi chép nhật kí tư tưởng và chân dung tinh thần Tố Như không chỉ ở chặng cuối nhập thế mà còn đại diện cho hành trình tư tưởng nhập thế của một đời đại thi hào.
Với Bắc hành tạp lục, Tố Như biện luận về lẽ sống chết, lòng trung tín, lối ứng xử, cuộc nhân sinh… thông qua đối thoại với các nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa đồng thời thông qua những quan sát thực tại Trung Hoa mà ông trực tiếp trải nghiệm. Nhiều nghiên cứu trước nay đã thống kê, phân loại, đánh giá, phẩm bình, tổng hợp về giá trị của các cuộc đối thoại – phản biện và “kể chuyện đương thời” này; cũng như đề cao giá trị ẩn dụ chính sự thế sự nước Đại Nam của toàn bộ các bài thơ tưởng chừng chỉ viết về đất Trung Hoa ấy.Trên hành trình nhập thế cuối cùng, đã có sự chuyển hóa từ những xung đột Tính – Mệnh, Tài – Thân, Tự Do – Buộc Trói mang tính cá nhân riêng tư sang những xung đột “Thiên mệnh – Nhân vi” mang tính phổ quát, nhân loại. Tố Như đã góp phần tiếp tục xây dựng những biểu tượng nghệ thuật ngợi ca phẩm chất Liên Tài của con người, thông qua tấn bi kịch sinh bất phùng thời của các văn thi nhân Khuất Nguyên, Đỗ Thiếu Lăng, Lí Thanh Liên, Liễu Tử Hậu... hoặc chính trị gia như Giả Thái phó, Hoài Âm hầu,… Tiếp tục sáng tạo biểu tượng nghệ thuật ngợi ca nhân cách cao quý của những bậc anh hùng ái quốc/trung nghĩa như Nhạc Vũ Mục, Văn Thừa tướng, Lạn Tương Như, Âu Dương Văn Trung, Bùi Tấn công, Cù Thức Trĩ, Liễu Hạ Huệ... những anh hùng/mỹ nhân chết vì tri kỷnhư Kinh Kha, Dự Nhượng, Ngu Cơ... Hoặc suy tư về thời thế, lẽ đời qua phận số những vị anh hùng bại trận/mất mạng như Sở Bá vương, Hoàng Sào, Tỉ Can, Tào Tháo... Cảm hứng thương thân và thương đời luôn song hành cùng cảm hứng Liên Tài, thương xót tất cả những con người tài hoa bạc mệnh, đặc biệt là thế giới phụ nữ tài hoa, từ nàng Tiểu Thanh, nàng Cầm, nàng ca nữ La Thành, nàng ca nữ cũ của người em trai, cho đến Dương Quý Phi, Ngu mỹ nhân... xót thương cho đến cả những người nghệ sĩ bình dân như ông già hát rong đất Thái Bình bên Bắc quốc.
Có thể thấy, trên hành trình nhập thế, nỗi đau đời như dồn tụ từ trăm ngả số phận bi kịch của những con người đặc biệt (tài hoa, đức độ, anh hùng...), từ muôn vàn số phận dân đen cùng khổ(Trở binh hành, Sở kiến hành, Thái Bình mại ca giả...) đã tiếp nốimạch giọng điệu cảm thương ở hai tập thơ đầu cũng như ở văn thơ Nôm Nguyễn Du. Đồng thời, một mạch giọng điệu khác mạnh mẽ, cứng cỏi sớm manh nha từ Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, đến đây đã trở nên sắc nét tạo thành hợp âm đa thanh mang đến cho Bắc hành tạp lục giá trị đại diện xứng đáng. Đó là giọng đối thoại - phản biện về nhân vật lịch sử, vềnhững vấn đề chính trị xã hội nhân sinh quá khứ và đương thời ở Trung Hoa.
Hợp âm giọng điệu cảm thương – đối thoại – phản biện của Bắc hành tạp lụcđã góp phần tấu lênbản nhạc mô tả chân dung tinh thần nhập thế của Nguyễn Du, mang giá trịđại diện cho toàn bộ sự nghiệp thơ chữ Hán Tố Như, với ngổn ngang suy tư, tâm trạng về cõi nhân sinh, đường danh lợi, lẽ hành tàng xuất xử...
2.2.Những nẻo đường khát vọng -giải thoát qua thơ chữ Hán
Thơ chữ Hán Nguyễn Du còn là tập nhật ký về hành trình đi tìm con đường giải thoátnhư tìm một đối trọng cho sự cân bằng thân tâm của hành nhân nhập thế.Như trên sơ bộ trình bày, chúng tôi đã làm một khảo sát nhanh tần số xuất hiện của ba nhóm thơ trong Thanh Hiên thi tập và Nam trung tạp ngâm vốn là hai tập thơ mang tính nhật kí đời tư rõ hơn Bắc hành tạp lục.Nhóm thứ nhất, tâm trạng hoàn toàn buồn bã u ám về thân thế,công danh; nhóm thứ hai, tâm trạng u sầu song hành với cảm xúc tích cực hướng tới tự giải thoát; nhóm thứ ba, bày tỏ niềm vui ẩn dật với những giọng điệu “đa âm” khác nhau. Kết quả thật bất ngờ đối với những nhận định trước đây về “con người đau khổ”“con người thương thân” trong thơ chữ Hán Nguyễn Du. Nhóm thứ nhất -”dấn thân -tiêu cực”chỉ gồm khoảng 11/78 bài (tiêu biểu như chùm bài đã nêu trên). Nhóm thứ hai -”dấn thân – giải thoát”khoảng 44/78 bài (tiêu biểu như Quỳnh Hải nguyên tiêu, Xuân nhật ngẫu hứng, Mộ xuân mạn hứng, Tự thán - nhị thủ, U cư - nhị thủ, Ngọa bệnh - nhị thủ, Tạp thi - nhị thủ, Tạp ngâm - nhị thủ, Mạn hứng, Ngẫu hứng 1, Bất mị, Kí hữu (Hồng sơn sơn nguyệt nhất luân minh…), Biệt Nguyễn đại lang, Tặng Thực Đình, Khai song, Đối tửu,…). Nhóm thứ bagồm những bài thơ còn lại, hướng về niềm vui ẩn dật,tạm đặt là “giải thoát –hướng ẩn”,có khoảng 12/78 bài (tiêu biểu như Kí hữu (Mạc mạc trần ai mãn thái không…), Thôn dạ, Sơn thôn, Dạ hành, Đạo ý, Kí Huyền Hư Tử, Hành lạc từ - nhị thủ, Lạng Sơn đạo trung, Đồng Lư lộ thượng dao kiến Sài Sơn,..).
Nhóm thơ “dấn thân – giải thoát” chiếm đa số với âm hưởng “đa thanh” tuy u uất, sầu muộn mà luôn ẩn chứa cốt cách mạnh mẽ. Bởi lời “tự thán” trong lúc “ngọa bệnh” không đơn thuần chỉ thở than yếm thế mà còn chính là những câu hỏi ráo riết chất vấn trời đất, phản vấn “thiên mệnh”:
Tính thành hạc hĩnh hà dung đoạn?
Mệnh đẳng hồng mao bất tự tri.
(Chân hạc dài là tự tính trời, saochặt ngắn được?
Mệnh nhẹ như lông hồng mà không tự biết)
(Tự thán,kỳ nhất);
Bản vô văn tự năng tăng mệnh,
Hà sự kiền khôn thác đố nhân?
(Vốn chẳng có văn chương nào ghét được số mệnh,
Làm sao trời đất lại ghen lầm người?)
(Tự thán,kỳ nhị).
Có lúc “tự thán” khi “ngọa bệnh” lại là những khoảnh khắc nhà thơ hoặc bay bổng phiêu diêu miền thái sơ nguyên khí cùngcõi tâm Hư không:
Vị hữu văn chương sinh nghiệt chướng,
Bất dung trần cấu tạp thanh hư.
Tam lan song hạ ngâm thanh tuyệt,
Điểm điểm tinh thần du thái sơ.
(Chưa từng có văn chương sinh nghiệt chướng,
Không cho bụi bặm bám lẫn tâm hồn trong trẻo [của ta]
Dưới song nhiều khóm lan, ngâm nga vừa dứt tiếng,
[Thì] tinh thần thư thái dần,rong chơi cõi thái sơ)
(Ngọa bệnh, kỳ nhất);
hoặc hân nhiên trong ánh hào quang cửa Phật:
An đắc huyền quan Minh Nguyệt hiện,
Dương quang hạ chiếu phá quần âm.
(Ước gì đức Minh Nguyệt xuất hiện ở cửa huyền,
Ánh rạng ngời chiếu xuống xua tan mọi tăm tối)
(Ngọa bệnh,kỳ nhị).
Nhiều bài thơ mang tên “đường cùng” ngay ở nhan đề như U cư, Trệ khách, Bất mị,Khất thực, Bát muộn, Ngọa bệnh, Tự thán, Thu chí, Dạ hành...thuộc nhóm “dấn thân – giải thoát”cũng chính là những bài thơ in dấu ấn thời thế nội chiến lao lung chuyển giao quyền lực Lê/Trịnh - Tây Sơn một cách rõ rệt nhất. Bên cạnh màu sắc ảm đạm (với những câu thơ tưởng chừng bế tắc nhất: “Bách niên cùng tử văn chương lí/ Lục xích phù sinh thiên địa trung” – Mạn hứng 2; “Trù trướng lưu quang thôi bạch phát/ Nhất sinh u tứ vị tằng khai” – Thu chí; “Trệ khách yêm lưu Nam Hải trung”…), không thể phủ nhận chất giọng phản kháng hiện thực luôn tiềm tàng ngay trong những bài thơ vốn được coi là tiêu biểu cho “con người cô đơn, bế tắc”. Dường nhưtư chất phản kháng ấy chỉ có thểlà “mai cốt cách, tuyết tinh thần” nảy nở từđất Tiên Điền Hồng Lĩnh. Nhóm thơ Bất mị, U cư - kỳ nhị, Bát muộn là những trường hợp như thế:
Phế táo tụ hà ma,
Thâm đường xuất khâu dẫn.
Ám tụng Vấn thiên chương,
Thiên cao hà xứ vấn?
(Bếp hoang cóc nhái tụ lại,
Nhà tối giun đất bò ra.
Ngầm đọc bài Hỏi trời,
Trời cao biết hỏi nơi đâu?
(Bất mị)
Hành nhân mạc tụng Đăng lâu phú,
Cường bán xuân quang tại hải nha.
(Người đi xa nhà chớ đọc bài phú Đăng lâu,
Quá nửa tuổi xuân đã lưu lạc nơi góc biển)
(U cư, kỳ nhị)
Thập tải trần ai ám ngọc trừ,
Bách niên thành phủ bán hoang khư.
Yêu ma trùng điểu cao phi tận,
Chỉ uế càn khôn huyết chiến dư.
(Cát bụi mười năm phủ mờ thềm ngọc,
Thành phủ trăm năm, nửa thành gò hoang.
Côn trùng chim chóc nhỏ nhoi cao bay hết cả,
Sau cuộc huyết chiến, chỉ còn lại cõi càn khôn nhơ nhớp)
(Bát muộn)
Những câu thơ mượn lời cổ nhân Khuất Nguyên, Vương Xán vốn là những biểu tượng của bi kịch tài hoa, trung tín thác sinh phải thời chính trị hủ bại; song hành cùng những hình tượng mang tính biểu trưng phản chiến “thập tải trần ai/ bách niên thành phủ/càn khôn/huyết chiến”… đã mang lại cho hầu hết những bài thơ “cùng đồ” trong Thanh Hiên thi tập ánh sáng của một bản lĩnh và tâm hồn khỏe mạnh đang âm thầm tìm lối vượt thoát “thiên mệnh”.
Đồng thời, tuy số lượng không lớn, song nhóm thơ “giải thoát – hướng ẩn”vớinhiều giọng điệuđã mang lại cho tập thơ thuởhàn vidiện mạo đa dạng hơn, chứ không chỉ là một gam màu u tối “quái gở”.Giọng điệu “lạc hệ thống”đã xuất hiện trong số ít bài thuộc về mười năm gió bụi (1786 - 1796) như các bài Đại nhân hý bút (Thay người viết đùa)–cái nhìn giễu cợt về nghịch cảnh Bắc – Nam;Hoàng Mai kiều viễn diểu (Đứng trên cầu Hoàng Mai nhìn ra xa) – cảm giác thung dung tự tại trước đời sống muôn vẻ trọng khinh;Độ Phú Nông giang cảm tác (Qua sông Phú Nông cảm tác)–nỗi bâng khuâng man mác trên bến sông xưa... Cảm xúc bay bổng tăng dần với nhóm thơ thuộc về thời Hồng Sơn liệp hộ (1796 - 1802). Bài thơ đầu tiên ở nhóm này – Giang đình hữu cảm – đành rằng chất chứa nỗi cảm khái thực tại “thương tâm” và bùi ngùi luyến tiếc quá khứ vàng son; tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận bốn câu thơ đầu đã mang lại và lưu giữ mãi những kí ức thực sự huy hoàng tươi đẹp về sự nghiệp đáng tự hào của người cha trọng thần triều Lê – Trịnh.
Tiếp nối là những bài thơ phong phiêu hơn như Thôn dạ, Kí hữu, Kí Huyền Hư tử, Biệt Nguyễn Đại lang – tam thủ, Sơn thôn, Dạ hành, Tạp ngâm – tam thủ, Tặng Thực Đình, Phúc Thực Đình, Liệp... Đó là những trang nhật kí ghi lại mối giao cảm sâu lắngcủa thi nhân với bạn tri âm, với riêng chốn rừng núi cố hương, với đạo Lão Trang hay Phật pháp...,thuộc típ “quý hồ tinh”, thực sự đã để lại trong lòng độc giả ấn tượng khó phai về một hành trình đi tìm sự giải thoát trên đường đời trầm luân khổ hải.
Bạn tri âm của Tố Như có lúc chỉ là vầng trăng nơi đất khách “Cùng đồ liên nhữ dao tương kiến/ Hải giác thiên nhai tam thập niên” (Thương ngươi lúc đườngcùng, vẫn được trăng từ xa đến thăm/ Trong ba mươi năm nay, dù ở chân trời góc biển – Quỳnh Hải nguyên tiêu). Nhưng đó cũng chính là người bạn thanh khiết luôn hòa cảm với những mối giao tình “lưỡng nhân tâm” trên bước đường “loạn thế - tha hương”“cao sơn lưu thủy vô nhân thức” (Lưu biệt Nguyễn đại lang).
Bạn tri âm là nơi Tố Như được rũ bỏ áo mũ, phơi tỏ tấc lòng.Thuở hàn vi, đó là “thốn tâm vô dữ ngữ” (một tâm sự không biết ngỏ cùng ai) trong những cuộc lưu biệt với Nguyễn đại lang, Nguyễn Sĩ Hữu, Huyền Hư tử, Thực Đình... hoặc một người bạn ẩn danh nào đó (Kí hữu...).Hậu thế không rõ nhân thân những tri kỷ ấy của Tố Như, nhưng qua mười mấy bài thơ còn lại, chỉ biết chắc chắn một điều, đó chính là những tâm hồn tri âm đã giúp Tố Nhưcó được ngay tại thế nhiều giây phút hân nhiênvượt ngoài nỗi khắc khoải”bất tri tam bách dư niên hậu”.Có điểm gặp gỡ với Ức Trai khi xưa, Tố Như cũng viết nhiều bài thơ lưu biệt hoặc tặng đáp bạn hữu. Tuy nhiên, khác với Ức Trai, thơ tặng bạn của Tố Như gợi cảm giác thân mật, gần gũi hơn do xuất hiện nhiều cái tên cụ thể, dù không loại trừ khả năng đó chỉ là “nhân xưng tượng trưng”, thì bản thân những cái tên như Nguyễn đại lang, Huyền Hư tử, Thực Đình, cựu khế Hoàng... cũng biểu lộ mối quan hệ bằng hữu thâm tình. Một điểm khác nữa là, thơ tặng bạn của Ức Trai nghiêng về giãi bày thân phận cá nhân và cảm khái thời thế. Còn thơ Tố Như tặng bạn thì chủ yếu bày tỏ khát vọng hướng ẩn chưa thành. Những tri kỷ của Tố Như hiện lên trong thơ ông hầu hết đều là những con người minh triết đang hoặc sẽ an nhiên với cuộc sống ẩn cư. Tố Như hướng về họ như hướng tới con đường giải thoát mà ông luôn hẹn ngày bước chân tới. Đó là con đường mà Nguyễn Sĩ Hữu “nam quy”“Quy khứ cố hương hảo phong nguyệt/ Ngọ song vô mộng đáo thiên nhai” (Bạn về quê cũ trăng trong gió mát/ Trưa nằm ngủ dưới cửa sổ, không còn mộng đến chân trời – Tống Nguyễn Sĩ Hữu nam quy).Là cõi sống “dã hạc phù vân”“thanh phong minh nguyệt” của Huyền Hư tử (Kí Huyền Hư tử). Là cuộc sống của “cao nhân bất xuất môn” nơi làng quê hẻo lánh, ngày làm bạn cùng hươu nai, mùa đến thì đôn đốc cháucon gặt lúa, mà Tố Như trân quý và ước ao:”Ngã dục quải quan tòng thử thệ/ Dữ ông thọ tuế lạc cầm tôn” (Ta muốn từ đây treo mũ ra về/ Cùng ông hưởng thọ vui thú gảy đàn uống rượu – Tặng nhân). Đặc biệt, trong những cuộc trò chuyện với tri âm về khát vọng “quy khứ”,hình bóng Hồng sơn Lam thủy luôn hiện diện như một nhân chứng cho mối tình tri kỷ: “Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại/ Bách lí Hồng sơn chính khí đồng” (Trăng sáng giữa trời, tình bạn còn đó/ Núi Hồng ngàn dặm, cùng chung chính khí – Kí hữu); “Lam thủy Hồng sơn vô hạn thắng/ Bằng quân thu thập trợ thanh ngâm”(Sông Lam núi Hồng đẹp vô cùng/ Nhờ anh thu lượm,trợ giúp thú ngâm vịnh thanh tao – Phúc Thực Đình). Những câu thơ thật xúc động về tình bằng hữu tri kỷ cũng là những câu thơ ghi giữ mối giao tình sâu sắc giữa đôi bạn cùng chí hướng quay về xóm núi cố hương với “tiều ngư”“liệp hộ”: “Sinh tử giao tình tại/ Tồn vong khổ tiết đồng” ([Dù] sống chết, tình bạn vẫn vẹn nguyên/ Còn mất, khổ tiết cũng giống nhau - Biệt Nguyễn đại lang, kỳ tam). Khi khoác áo Chánh sứ, nỗi khát khao tri âm được sẻ chia với Tam Lư đại phu Khuất Nguyên, Đỗ Thiếu Lăng, Lí Thanh Liên, Kinh Kha, Dự Nhượng, Liễu Tử Hậu... Vị Chánh sứ tìm thấy mình trong số phận bi kịch của rất nhiều tài hoa, trung nghĩa trên xứ người rộng lớn, và ông để lại những câu thơ bất hủ về những thần tượng tri kỷ đó: “Hiếu tu nhân khứ nhị thiên tải/ Thử địa do văn lan chỉ hương” (Người muốn tu dưỡng đức tốt ra đi đã hai nghìn năm/ Mà nay đất này còn thơm mùi hương hoa lan, cỏ chỉ - Tương Đàm điếu Tam lư đại phu, kỳ nhất); “Thiên cổ văn chương thiên cổ sư/ Bình sinh bội phục vị thường ly” (Văn chương lưu truyền muôn đời, bậc thầy muôn đời/ Suốt đời ta khâm phục chưa chút đơn sai - Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ); “Thiên niên thắng tích dĩ nhân truyền... Nhất ngư nhất điểu giai thành tiên” (Cảnh đẹp nhờ người mà danh để nghìn năm... Con cá con chim đều thành tiên – Đào Hoa đàm Lí Thanh Liên cựu tích)...
Trên hành trình đi tìm sự giải thoát, những khoảng lặng an nhiên của đời thơ Tố Như không chỉ có được với bạn tri âm mà còn với chốn hương thônsơn dã. Hình ảnh thôn dã trở đi trở lại trong cả ba tập thơ:Thôn dạ, Sơn thôn, Thanh Quyết giang vãn thiếu, Đồng Lung giang... (Thanh Hiên thi tập); Tặng nhân, Mộng đắc thái liên – ngũ thủ, Tái thứ nguyên vận... (Nam trung tạp ngâm); Tây Hà dịch,Tiềm Sơn đạo trung, Đào Hoa dịch đạo trung, Hoàng Mai sơn thượng thôn... (Bắc hành tạp lục).Thơ thôn dã của Tố Như thừa hưởng truyền thống thơ chữ Hán tả cảnhđồng nội từ Trần Quang Khải, Trần Nhân Tông, Trần Quang Triều (thế kỷ XIII - XIV); Nguyễn Trãi, Nguyễn Húc, Thái Thuận, Nguyễn Bỉnh Khiêm (thế kỷ XV - XVI); Ngô Thì Ức (thế kỷ XVIII)... Trên dòng thơ thôn dã ấy, Thái Thuận (1441 -?) mở đầu cho những vần thơ chữ Hán miêu tả sinh hoạt sông nước xứ đồng điền Sơn Nam Hạ với cảnh lũ trẻ bắt cua, tiếng vắt trâu trên ruộng cày lúc sáng sớm, tiếng sáo bên bãi lau cò vạc đậu... Ngô Thì Ức (1709 - 1736) lần đầu tiên đưa vào thơ chữ Hán hình ảnh mộc mạc của “bà già đi chợ chiều” tính toán số tiền lẻ mua rau mua dưa, về đến nhà, trẻ con ùa ra cổng đón, được chia quà ngon, quấn quýt bên chân... (Lão ẩu mộ thị). Còn Tố Như lập một “dấu mốc” khác khi lần đầu tiên ghi lại những hình ảnh sinh động về một đời sống thôn dân đơn sơ thô phác dưới con mắt của một người ngưỡng mộ thèm muốn hòa nhập vào đó. Hình ảnh kết thúc Xuân nhật ngẫu hứng - ông già hàng xóm rảo bước ra miếu đầu thôn uống hết bát rượu với hai trái cam, say chẳng về (Lân ông bôn tẩu thôn tiền miếu/ Đấu tửu song cam túy bất hồi) – đã mang lại cho bài thơ “tha hương” một sắc thái tâm trạng tươi tắn hơn, cũng có thể coi là một chỉ dấu cho con đường giải thoát ngay từ thời “trệ khách” xứ Quỳnh Châu. Cảnh sơn thôn một mặt gắn liền với những người bạn tri âm, là cố hương Hồng sơn Lam thủy. Mặt khác, trên đường gió bụi, Tố Như luôn tìm thấy ở nơi thôn dã vẻ đẹp say lòng của đời sống thuần phác thanh sạch. Đó là cảnh một xóm núi sâu thẳm lác đác vài cánh cửa sài, có tiếng mục đồng gõ sừng trâu giữa đồng hoang, có cô gái kéo gàu múc nước bên giếng ngọc... (Sơn thôn). Là đời sống bình yên bên sông Thanh Quyết, có bác tiều phu về gánh cả trăng sáng, bác chài đẩy thuyền đầy ánh chiều tà, khói lam chiều bay trên nóc nhà ven sông... (Thanh Quyết giang vãn thiếu). Là cõi sốngthung dung của nhà sư và khóm trúc, của chú mục đồng cưỡi trâu, của ông già nông thôn ngồi trong nhà nhàn rỗi vì suốt đời không đọc sách... (Lạng Sơn đạo trung)… Tố Như quan sát tất cả những cảnh tượng an nhiên đó và mỗi lần ghi chép lại là một lần ông tự nhủ “Mộng trung tùng cúc ức quy dư?” (Nhớ cây tùng khóm cúc trong mơ, nên chăng quay về?).
Một con đường “quay về” nữa, tuy quen thuộc với đa số trí thức thời trung đại, song dường như đã tạo nên một Tố Như rất lạ so với cảm nhận ban đầu. Chúng tôi muốn đề cập tới chuỗi bài mang cảm hứng Lão Trang và Không học/Phật pháp rải rác suốt hành trình thơ chữ Hán Nguyễn Du. Thực ra, cái ý hướng làm sao cho thoát khỏi cõi đời trôi nổi, để sống dưới bóng thông già, nằm nghe thông reo, hoặc sớm theo đạo thần tiên, cười ngạo nghễ giữa khói mặt hồ và cỏ đồng nội... thường xuất hiện trong nhiều bài thơ thuộc nhóm “dấn thân – giải thoát”, như Sơn thôn, Thôn dạ, Mộ xuân mạn hứng,Lạng Sơn đạo trung, Đồng Lư lộ thượng dao kiến Sài Sơn... Nhưng vớiHành lạc từ - nhị thủvà Đối tửu, Tố Như đã bộc lộ trọn vẹn hơn con người cá nhân khi ông tìm đường giải thoát theo cảm hứng Côn Sơn ca của Ức Trai khi trước, hayTương tiến tửu của vị Thi Tiên năm xưa.Hòa cảm với Ức Trai và Thanh Liên, Tố Như đã đàm luận thực hùng hồn, khinh khoái về lẽ sống “hành lạc”trong hai bài cổ phong độc đáo khác thường.Với nhóm thơĐề Nhị Thanh động, Đạo ý,Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài..., Tố Như lại trở nên lặng lẽ, “vô ngôn” như trăng sáng chiếu giếng cổ “Trạm trạm nhất phiến tâm/ Minh nguyệt cổ tỉnh thủy” (Trong suốt tấm lòng này/ Nước giếng xưa dưới trăng sáng – Đạo ý);[như con hạc biển cũng biết múa nhưng không cho người đời thấy “Hải hạc diệc hội vũ/ Bất dữ thế nhân tri” – Khổng tước vũ]; như sát na Giác Ngộ Phật pháp trên bước đường công du “Nhân liễu thử tâm, nhân tự độ/ Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu” (Con người biết tu tâm là tự độ mình rồi/ Linh Sơn chỉ ở trong lòng người - Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài).
Tựu trung, thơ chữ Hán Nguyễn Du chưa bao giờ chỉ là một “giọng nói” đơn nhất hay “đau khổ/cảm thương” một chiều. Con người tài hoa đa đoan thâm trầm uyên bác mang “con mắt trông thấu sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời”đã thể hiện đầy đủ sự phức tạp đa diện của tâm hồn và tư tưởng trong ba tập thơ còn lại. Hành trình nhập thế và hành trình giải thoát luôn song hành cho đến những dòng thơ cuối, góp phần làm nên chân dung con người “trần thế nhất trần gian” còn mãi lay động trái tim hậu thế.
2.3. Nhập thế và giải thoát – mạch ngầm liên kết văn nghiệp Tố Như
Có một mạch ngầm liênkết ba tập thơ chữ Hán với truyện thơ Nôm Đoạn trường tân thanh xét từ mối quan hệ đa chiều giữa cuộc đời tác giả – số phận nhân vật tự sự – hình tượng trữ tình trong thơ và giá trị biểu hiện của tổng thể “liên văn bản” đó. Cuộc tranh cạnh giữa Tài và Mệnh, giữa “thiên mệnh” và “nhân vi” chính là một mối xung đột lớn ám ảnh cả Thanh Hiên lẫn nàng Kiều. Ông và Nàng cùng chìm nổi hơn một thập kỷ trong gió bụi cuộc đời, cùng thân phận “tha hương”, “dị hương,”“trệ khách” trong nỗi nhớ nhà và người thân không lúc nào nguôi. Căn cội hành trình dấn thâncủa cả Thanh Hiên, Thúy Kiều [và Tiểu Thanh] đều bởi biến cố gia tộc, từ “trướng rủ màn che” mà hóa ra “tan tác như hoa giữa đường”. Trên con đường nhập thế suốt quãng đời gió bụi,Thanh Hiên và nàng Kiều đều vật vã bởi ý thức về phẩm giá. Cuộc vật vã lựa chọn giữa Tình – Hiếu, Sống – Chết, Trong – Đục, dục vọng – đạo lí, định mệnh – tự do… Bị định mệnh trói buộc nhưng cũng tự do lựa chọn định mệnh. Bởi thế, cả Tố Như và nàng Kiều luôn là một khối mâu thuẫn lớn, suốt hành trình số phận và suốt thăng trầm tư tưởng, nội tâm.
Thời điểm sáng tác Đoạn trường tân thanh vẫn còn là nghi vấn. Song, dù thế nào thì dường nhưsố phận nàng Kiều cũng đã bị “vận vào” định mệnh cuộc đời Tố Như vậy. Nàng Kiều trải qua ba mối tình Kim – Thúc - Từ có gì đó từa tựa cuộc đời Tố Như trải ba chặng bình sinh, chặng thứ nhất “mối tình đầu thời hoa niên” với triều Lê – Trịnh tan vỡ; chặng thứ hai “mối tình gia thất hoan lạc” với nhà Nguyễn nhiều đổ vỡ tâm can; chặng thứ ba “mối tình tri âm” đi liền ngôi vị “mệnh phụ đường đường” trong chuyến sứ trình phương Bắc.
Có một mạch ngầmcuộnchảy giữa hai bài văn thơ nôm (Sinh tế Trường Lưu nhị nữ vănvàThác lời trai phường nón) tràn đầy hoan lạc trào lộng với hai bài thơ chữ Hán Hành lạc từphóng túng phiêu dật và những đoạn lục bát nôm kể chuyện nàng Kiều thụ hưởng hạnh phúc trần thế cùng chàng Thúc. Cái khát khao “thỏa chí” thanh xuân cả trong bài văn tế (giễu)lẫn trong hai bài thơ “hành lạc” đã gặp gỡ ánh nhìn tình tứ của Thúc sinh khi ngắm Kiều tắm “Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông”,gặp gỡ cái si mê lúc đôi bên mới “quen biết”“Hải đường mơn mởn cành tơ/ Ngày xuân càng gió càng mưa càng nồng”,cái ngây ngất lúcchàng Thúc được phép Hoạn Thư “tháo cũi sổ lồng” quay trở lại chốn hẹn ước Lâm Tri “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”... Trong ba mối tình của đời Kiều, ngoài tình đầu trong trẻo tinh khôi và tình cuối sâu sắc tri kỷ; cuộc tình với Thúc sinh thuộc về mối tình nhục cảm nồng nàn. Những niềm vui ái ân trần thế là một phần tất yếu của đời người, cả thơ chữ Hán, truyện thơ Nôm và văn thơ Nôm của Tố Như đều có chung tiếng nói thấu hiểu đó. Hạnh phúc trần thế của Kiều với Thúc Sinh tuy ngắn ngủi với kết cục bẽ bàng nhưng quả là đã thực sự rực rỡ ấm áp, có gì đó từa tựa niềm vui được thỏa chí trong Hành lạc từ– nhị thủ, khi Nguyễn công quay về với Lão - Trang; hay tựa như chàng Nguyễn lúc sống đời dân dã,Thác lời trai phường nón mà hồi tưởng phút giây đôi lứa giao duyên “Tiếc thay duyên Tấn phận Tần, / Chưa quen đã lạ, chưa gần đã xa. / Chưa chi đông đã rạng ra, / Đến giờ hãy giận con gà chết toi! / Tím gan cho cái sao mai, / Thảo nào vác búa chém trời cũng nên! “... Hạnh phúc trần thế với Thúc Sinh luôn có thật và sống động, viên mãn, không mang “màu lí tưởng” như mối tình chàng Kim hay “màu thần thánh” như mối tình Từ Hải. Xét riêng ngôn ngữ thiên nhiên, có thể nói, thiên nhiên nảy nở, hòa ái nhất và chiếm “tỷ trọng” lớn nhất trong toàn bộ câu thơ Đoạn trường tân thanhkể về ba mối tình đời Kiều chính là thiên nhiên chứng kiến đoạn đời Kiều – Thúc bên nhau. Không chỉ là những “hải đường mơn mởn”, “lửa lựu lập lòe” hay “đáy nước long lanh” nhuốm màu nhục cảm ái ân; mà còn là những âm giai cây lá tỏa hương lứa đôi hòa hợp dưới mái ấm gia thất, như những câu thơ khó quên này: “Khi gió gác, khi trăng sân/ Bầu tiên chuốc rượu, câu thần nối thơ/ Khi hương sớm, khi trà trưa/ Bàn vây điểm nước, đường tơ họa đàn”; “Một nhà sum hợp trúc mai/ Càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông/ Hương càng đượm, lửa càng nồng/ Càng sôi vẻ ngọc, càng lồng màu sen”; “Huệ lan sực nức một nhà/ Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa/ Mảng vui rượu sớm cờ trưa/ Đào đà phai thắm, sen vừa nảy xanh”... Có lẽ bởi Tố Như luôn thấu hiểu và trân quý từng khoảnh khắc “được giải thoát”của đời người.
Trường Lưu nhị nữ sinh tế văn và Thác lời trai phường nónđến nay vẫn còn nghi vấn về tác giả. Tuy nhiên, cá nhân chúng tôi cho rằng hoàn toàn có thể “đọc ra” chất con người Tố Như ở trong hai bài văn thơ Nôm một khi chúng ta kết nối biểu tượng phồn thực - trào lộng trong đó với cặp bài thơ chữ Hán Hành lạc từ mang vẻ “độc lạ” nhưng không xa lạvới tất cả những phần văn chương còn lại vốn ghi giữ tâm hồn thi nhân phong phú Tố Như. Đó là cảm hứng Lão - Trang trong thơ chữ Hán cũng như khát vọng giải thoát luôn thường trực trong toàn bộ văn nghiệp họ Nguyễn.
Tuy nhiên, Lão - Trang không phải cứu cánh duy nhất. Cả nàng Kiều và Tố Như cùng thập loại chúng sinh còn cần đến Phật pháp để tìm giải thoát. Mỗi lần nàng Kiều vào chùa là một lần Tố Như suy tưởng về cõi Tâm Không, Hư Tâm; cũng như con người trong thơ chữ Hán dù ở chặng đời nào cũng chưa bao giờ nhãng xao tâm Phật (chuỗi thơ mang cảm hứng Không học như trên đã phân tích).Luôn có một mạch ngầm sâu thẳm nối liềnĐoạn trường tân thanh với thơ chữ Hán và Văn chiêu hồn ở phương diện Phật pháp. Những thân phận phụ nữ tài sắc bạc mệnh đều có thể tìm lối thoát nơi cửa Phật (nàng Kiều và giới ca kĩ trong Văn chiêu hồn...).
Cho đến khi sang tới Bắc quốc, gặp đài đá phân kinh của Thái tử Lương Chiêu Minh, Tố Như đạt tới Giác Ngộ với cuốn Kinh “vô ngôn”; phải chăng cũng là lúc nàng Kiều “cuốn dây từ đấy về sau cũng chừa”, bắt đầu cuộc đời tu tại gia an nhiên thanh tịnh? Cái kết của Đoạn trường tân thanh tuy có hậu mà lại không theo khuôn mẫu thường thấy của truyện Nôm, gây ra tranh luận có lẽ không bao giờ dứt. Nhìn từ góc độ con người thực tế coi trọng giá trị cổ truyền – hôn nhân/gia đình – người ta bảo đó là kết thúc đau buồn, vô hậu, bởi căn cứ vào thảm cảnh người phụ nữ mới ba mươi tuổi trẻ mà không chồng không con, ở chung một mái nhà với mối tình đầu son sắt mà phải chịu cảnh “duyên cầm sắt ra duyên cầm cờ”. Trái lại, nhìn từ góc độ Phật pháp, người ta lại thấy người phụ nữ đương xuân đó thực là hạnh phúc vì đã sớm Giác Ngộ, sớm được giải thoát khỏi hệ lụy trần gian, từ nay sống thung dung an lạc trong tình ruột thịt và tình tri kỷ. Ngay câu chữ Đoạn trường tân thanhviết về màn đoàn viên cũng không phải không mâu thuẫn bởi lòng Nàng Kiều có lúc chưa hẳn an nhiên. Khi Kiều thốt lên “Sự đời đã tắt lửa lòng/ Còn chen vào chốn bụi hồng làm chi?”, ai có thể thấy đó là niềm vui giải thoát? Không, chữ nghĩa còn nặng lắm nỗi đau xót, chua chát, hờn tủi. Thế nhưng, cũng trong những ngày đoàn viên ấy, tiếng đàn dành cho Kim Trọng lần cuối lại đã lâng lâng thoát tục. Kỳ diệu là, Kim Trọng cảm nhận được giai điệu đầm ấmthanh taođó, và dường như chàng đã nói hộ niềm tin Phật pháp nơi lòng Kiều: “Chàng rằng: Phổ ấy tay nào? / Xưa sao sầu thảm, nay sao vui vầy? / Tẻ vui bởi tại lòng này / Hay là khổ tận đến ngày cam lai?...”. Về phương diện bộc lộ những mâu thuẫn tư tưởng, giằng xé nội tâm, thơ chữ Hán chính là đắc địa, góp phần soi chiếu rõ hơn tiếng nói bên trong của Tố Như khi ông muốn mượn đời Kiều mà bày tỏ.
Có lúc, Nguyễn Du cũng đã thử tìm một con đường giải thoát khác, đó là khát vọng của người anh hùng cái thế, xoay trời lật đất.Con đường này dường như trái ngược với tâm Lão Trang và Phật pháp, nhưng thực sự đã chiếm một vị trí đáng kể trong văn nghiệp Tố Như. Từ Hải trước hết là khát vọng của Hoàng Sào (nhân vật xuất hiện cả trong Đoạn trường tân thanh và bài thơ chữ Hán Hoàng Sào binh mã); nhưng Từ Hải còn là hình hài mảnh ghép với Kim Trọng tạo nên chân dung lý tưởng của kẻ tri âm tri kỷ “Gươm đàn nửa gánh, non sông một chèo”.Từ Kim Trọng, qua Thúc sinh, đến Từ Hải, nàng Kiều cùng với Tố Như đã trải qua đủ các chặng “nhập thế”, nếm trải đủ hết mùi vị ngọt ngào và cay đắng của đời người. Từ Hải như một chặng cuối bùng lên khát vọng “nhập thế” không thành. Để chung cục, chỉ còn một con đường Giác Ngộ Phật pháp mới là cứu cánh sau rốt. Sau bao đắng cay tan vỡ lăn lóc bụi trần, cuối cùng Nàng Kiều đã tái sinh trong một cảnh giới tốt đẹp nhất theo quan niệm Phật giáo Đại Thừa - “tu tại gia”.
Cũng như Tố Như, những ngày cuối cùng của chuyến sứ trình năm ấy có thể coi là phần kết thúc tập nhật kí đời ông, là niềm vui trở về, hồi sinh trong tình yêu thôn dã bản quán được khơi gợi cháy bỏng từ hình ảnh xóm núi Hoàng Mai.Hoàng Mai sơn thượng thôn như một dấu nối hoàn hảo giữa mối tìnhcố hương Hồng sơn Lam thủy với tình yêu nhân loại rộng lớn và khát vọng giải thoát. Cuộc sống thuần phác an nhiên của xóm nhỏ trên núi Hoàng Mai gợi đến vẻ đẹp của ẩn sĩ Vinh Khải Kỳ đời Xuân Thu vui mót lúa (Vinh Khải Kỳ thập tuệ xứ) chính là niềm hạnh phúc sau chót mà Tố Như lựa chọn “Bạch đầu khứ thử tương an quy?”(Khi đầu bạc, không về đây thì về đâu? - Hoàng Mai sơn thượng thôn).
Cảnh giới “Vạn cảnh giai không” trong những dòng kết của Văn chiêu hồn xét cho cùng không có gì phân biệt với cảnh giới “Chùa Phổ Cứu trăng dìu gió dặt.../ Duềnh Đào Nguyên nước chảy huê trôi...”bông lơn trong Sinh tế Trường Lưu nhị nữ văn. Trên hành trình giải thoát của đời mình, hẳn là Tố Như đã từng đạt tới Tâm phá chấp, quán sát, Hư Không.
3. Lời kết
Đọc văn chương Nguyễn Du từ hướng tiếp cận tổng thể các mối quan hệ giữa văn chương với thời đại - cuộc đời, giữa toàn bộ văn nghiệp Tố Như, bài viết đã biện luận về một giá trị độc đáo của văn chương đại thi hào. Đó là tập nhật kí về sự song hành hai hành trình nhập thế và giải thoát. Con người nhập thế đầy day dứt mâu thuẫn trước cái trớ trêu của số phận và nỗiphù trầm của cõi nhân sinh. Khát vọng giải thoát chính là đối trọng thân tâm khiến đại thi hào bộc lộ đầy đủ hơn thế giới nội tâm phong phú, tốt đẹp.Cứu cánh Phật pháp, cảm hứng Lão Trang, cùng mối giao tình tri âm tri kỷ– có thể coi đó là những giai điệu “dương hòa” trong bản hợp âm Giác Ngộ mà Nguyễn Du đã kí ngụ nơi văn chương gửi lại đời sau. Văn chương Nguyễn Du vì vậy muôn đời vẫn là nơi chốn mà con người hậu thế tìm thấy sự đồng cảm với cuộc đời đa đoan bất như ý của chính mình và quý giá hơn cả chính là nhận chân được con đường giải thoát giản dị luôn mở ra trước mỗi bước chân an lạc “thiện căn...”./.
Tài liệu tham khảo
[1] Nguyễn Đình Chú (1994, 2012), Nguyễn Du viết Độc Tiểu Thanh ký vào lúc nào?, In trong Nguyễn Đình Chú Tuyển tập, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[2] Đoàn Lê Giang – Huỳnh Như Phương (tuyển chọn, 2015), Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Du, Kỷ yếu Hội thảo Khoa học Kỷ niệm 250 năm năm sinh Nguyễn Du, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Bùi Giáng (2020),Tuyển tập luận đề, Nxb. Đà Nẵng.
[4] Thích Nhất Hạnh (2007), Thả một bè lau – Truyện Kiều dưới cái nhìn Thiền quán, Nxb. Văn hóa Sài Gòn.
[5] Đinh Thị Khang (2016), Văn học trung đại Việt Nam - Thể loại, Con người, Ngôn ngữ, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội.
[6] Lê Xuân Lít (sưu tầm, tuyển chọn, giới thiệu, 2007),Hai trăm năm nghiên cứu bàn luận Truyện Kiều, tái bản lần thứ nhất, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[7] Nguyễn Lộc (1999), Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII – hết thế kỷ XIX, Chương Nguyễn Du, tr.297 – 474, tái bản lần thứ ba, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[8] Nguyễn Đăng Na (2006), Độc Tiểu Thanh ký – tư liệu và hướng nghiên cứu, In trong Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[9] Nguyễn Thị Nhàn (2009),Thi pháp cốt truyện Truyện thơ Nôm và Truyện Kiều, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội.
[10] Nguyễn Thị Nương (2010), Con người Nguyễn Du qua thơ chữ Hán, Nxb. Đại học Sư phạm Hà Nội.
[11] Nguyễn Khắc Phi (2018), Văn học trung đại Việt Nam – nghiên cứu và bình luận, Nxb. Đại học Vinh.
[12] Trần Đình Sử (2003), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
[13] Trần Nguyên Thạch (2020), Thưởng thứcthơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Hội Nhà văn, Hà Nội.
[14] Trần Nho Thìn (2012), Văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Nxb. Giáo dục Việt Nam.
[15] Lê Thước – Trương Chính (sưu tầm, chú thích, phiên dịch, sắp xếp, 2012), Thơ chữ Hán Nguyễn Du, tái bản theo bản 1965, Nxb. Văn học.
[16] Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2015), Nguyễn Du toàn tập, tập 1, Nxb. Văn học, Hà Nội.
[17] Trung tâm Nghiên cứu Quốc học (2015), Nguyễn Du toàn tập, tập 2, Nxb. Văn học, Hà Nội.
[18] Viện Văn học (2015), Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du: 250 năm nhìn lại, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội.
[19] Trần Ngọc Vương (2010), Vọng ngôn về một cuộc lâm chung, In trong Thực thể Việt nhìn từ các tọa độ chữ, Nxb. Tri thức, Hà Nội.
[20] Lê Thu Yến (1999), Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du, Nxb. Thanh niên.