Văn học Việt Nam hiện đại

LÊ TRIỀU VŨ LIÊN KHÊ CÔNG BẮC SỨ TỰ THUẬT KÍ - VĂN BẢN VÀ TÁC PHẨM


08-03-2024

Vũ Miên 武眠 (1718-1782) là người làng Liên Trì, nay là thôn Ngọc Quan xã Lâm Thao huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh, vì tên làng (Liên Trì) mà Vũ Miên lấy tên (tự) là Liên Khê, về sau được ban tước Liên Khê hầu.

Vũ Miên đỗ đầu Hội nguyên năm 31 tuổi, thi Đình đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời Lê Hiển Tông. Sau khi đăng khoa, ông lần lượt giữ các chức trọng yếu dưới triều Lê - Trịnh, như: Lại bộ Tả Thị lang kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Quốc sử quán Tổng tài, Hành Tham tụng, tước Liên Khê hầu. Sau khi mất được truy tặng chức Thượng thư và được ban thụy là Ôn Cẩn.

Bên cạnh sự nghiệp chính trị và giáo dục, Vũ Miên còn là một sử gia có nhiều công trạng thời Lê Trung hưng. Tác phẩm của ông để lại khá nhiều, trong đó có tập Bắc sứ tự thuật ký. Bài viết này giới thiệu đôi nét về văn bản và nội dung tác phẩm đi sứ này của ông.

LÊ TRIỀU VŨ LIÊN KHÊ CÔNG BẮC SỨ TỰ THUẬT KÍ -

VĂN BẢN VÀ TÁC PHẨM

TS. HÀ MINH

Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội

NCS. HOÀNG THANH SƠN

Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội

Vũ Miên 武眠 (1718-1782) là người làng Liên Trì, nay là thôn Ngọc Quan xã Lâm Thao huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh, vì tên làng (Liên Trì) mà Vũ Miên lấy tên (tự) là Liên Khê, về sau được ban tước Liên Khê hầu.

Vũ Miên đỗ đầu Hội nguyên năm 31 tuổi, thi Đình đỗ Đệ tam giáp Đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1748) đời Lê Hiển Tông. Sau khi đăng khoa, ông lần lượt giữ các chức trọng yếu dưới triều Lê - Trịnh, như: Lại bộ Tả Thị lang kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Quốc sử quán Tổng tài, Hành Tham tụng, tước Liên Khê hầu. Sau khi mất được truy tặng chức Thượng thư và được ban thụy là Ôn Cẩn.

Bên cạnh sự nghiệp chính trị và giáo dục, Vũ Miên còn là một sử gia có nhiều công trạng thời Lê Trung hưng. Tác phẩm của ông để lại khá nhiều, trong đó có tập Bắc sứ tự thuật ký. Bài viết này giới thiệu đôi nét về văn bản và nội dung tác phẩm đi sứ này của ông.

1. Tên văn bản và tên tác phẩm tự thuật về chuyến đi sứ của Vũ Miên

Văn bản Lê triều Vũ Liên Khê công Bắc sứ tự thuật kí 黎朝武蓮溪公北使自述記 (LTVLKCBSTTK) thường được các tài liệu ghi gọn hơn thành Bắc sứ tự thuật. Cần xác định rõ, đây là tên gọi của (một phần) văn bản sao chép tác phẩm của Vũ Miên.

Văn bản sao chép này có bìa nhưng không có tên sách, gồm 1 quyển, hiện lưu tại kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu tàng bản AB.632. Văn bản gồm 2 phần, cụ thể: (a). Phần 1: Ghi là LTVLKCBSTTK gồm 18 trang. Nội dung chép tác phẩm của Vũ Miên bằng chữ Nôm theo thể 6-8, “tự thuật” về chuyến đi sứ phương Bắc của tác giả; hành trình từ Thăng Long đến Yên Kinh (Bắc Kinh) và các nơi danh thắng, cổ tích trên suốt lộ trình. (b). Phần 2: Ghi là Mai Đình mộng kí 梅亭夢記, gồm 22 trang, có bài tựa viết bằng chữ Hán, xen lẫn chữ Quốc ngữ. Đây là phần chép một truyện thơ Nôm, cũng theo thể 6 - 8, không rõ là tác phẩm của ai. Nội dung tác phẩm Mai Đình mộng kí kể lại chuyện một trang nam nhi ngoạn du sơn thủy, có lần say rượu nằm ngủ trên thuyền, trong mộng thấy mình tới một nơi tiên cảnh là Mai Đình, gặp một người con gái đẹp, bèn cùng nhau xướng thơ ngâm vịnh và hẹn ước lứa đôi... Mai Đình mộng kí có thể là một sáng tác, cũng có thể là một tác phẩm diễn âm. Tiếc rằng văn bản sao chép hiện tại không cho thông tin để biết rõ người sáng tác (hoặc diễn âm) có phải là Vũ Miên hay không.

Xem thế, văn bản đang nói đến có dạng thức của một tuyển tập, chuyên chép (truyện) thơ Nôm, với dụng ý rõ ràng của người sao chép. Đây không phải là một hợp tập chuyên sưu tầm các tác phẩm thơ ca của Vũ Miên.

Tờ 1a, dòng đầu, trước khi chép nội dung thuật lại chuyến Bắc sứ, ghi “Lê triều Vũ Liên Khê công Bắc sứ tự thuật kí”黎朝武蓮溪公北使自述記. Dòng chữ này cũng được chép lại thống nhất ở phần biên của mỗi tờ. Mấy chữ “Lê triều Vũ Liên Khê công”黎朝武蓮溪公có thể chỉ là (phụ chép thêm) của người sao chép văn bản, nhằm xác định tác giả và triều đại của tác phẩm chứ không hẳn là tên văn bản - tác phẩm mà Vũ Miên đã đặt. Chữ “kí” 記trong tên văn bản tuy có trùng ý với chữ “tự thuật” nhưng vẫn có ý nghĩa quan trọng, (giúp) xác định đặc điểm, nội dung - loại thể văn bản: những ghi chép mang tính nhật kí kể về chuyến đi sứ phương Bắc của tác giả. Vì thế, chúng tôi đề nghị xác định tên chính thức của tác phẩm là Bắc sứ tự thuật kí 北使自述記. Tên gọi tác phẩm như vậy chắc chắn gần với “ý thức” của người sáng tác hơn cả(1).

Đặc điểm văn bản tác phẩmBắc sứ tự thuật kí gồm 9 tờ, 18 trang, mỗi trang 9 dòng, mỗi dòng 14 chữ, ứng với số chữ của một cặp câu lục bát. Trang đầu có các dấu kiểm kê của thư viện. Văn bản không có tựa, bạt, cũng không ghi niên đại và tên người sao chép. Mỗi trang của văn bản đều chia làm 2 phần đều đặn, phần trên là chữ Nôm, chép thơ lục bát (tức phần chính văn), tổng 159 cặp câu, cộng 318 câu thơ; phần dưới chú thích bằng chữ Hán, mở đầu là tiểu dẫn về tác giả và chuyến đi sứ, tiếp sau là các chú giải về nhân danh, địa danh, sự kiện…ứng với nội dung ở phần chính văn, tất cả gồm 39 chú giải.

Toàn văn bản chép tay theo lối chữ chân thống nhất, việc ghi chép cẩn thận, chữ viết ít sai sót, một số chữ sai đều được sửa lại chi tiết. Văn bản tác phẩm hiện tại khuyết 5 chữ, thuộc 3 câu ở đoạn giữa tác phẩm: câu lục thứ 175 (khuyết 3 chữ) và câu 235 (khuyết 1 chữ); câu bát thứ 248 (khuyết 1 chữ). Số lượng chữ khuyết thiếu ít, không ảnh hưởng đến việc hiểu nội dung tác phẩm. Chữ Nôm trong văn bản thể hiện đặc điểm văn tự Nôm thời hậu kì. Phần chữ Hán (phần chú giải), các chữ thời 時đều chép thành thìn 辰theo lệ kiêng húy triều Nguyễn. Đó là những chứng cứ thể hiện niên đại khá muộn của văn bản.

Như đã phân tích, tuy có nhiều khiếm khuyết nhưng cho đến nay, bản sách Nôm AB.632 là văn bản duy nhất ghi chép được thơ Nôm (hơn thế lại là câu chuyện tự thuật về chuyến đi sứ phương Bắc có độ dài khá lớn) của Vũ Miên, một danh thần - danh Nho đời Lê. Trong việc nghiên cứu, sưu tập để xác lập hồ sơ văn nghiệp Vũ Liên Khê, ngoài Việt thi tục biên như đã nói trên, thì đây là một văn bản quan trọng(2).

2. Kết cấu và nội dung - nghệ thuật Bắc sứ tự thuật kí

2.1. Tác phẩm Bắc sứ tự thuật kí có thể chia làm 4 đoạn (phần): Đoạn 1 gồm 30 câu đầu, lược ghi lại đường khoa cử và hoạn lộ, đến khi tác giả nhận trọng trách trong đoàn sứ cống. Đoạn 2 gồm 44 câu, từ câu 31 đến câu 74, kể việc quyến luyến từ biệt mẹ già và hành trình lên tới biên giới Việt - Trung. Đoạn 3 gồm 166 câu, từ câu 75 đến câu 230, là phần chính, kể về hành trình đi sứ trên đất Trung Hoa. Đoạn 4, gồm 92 câu, từ câu 231 đến câu 322, nói việc đi sứ trở về, kể nỗi ngậm ngùi thế sự của một bề tôi ưu dân ái quốc.

Xét kết cấu như vậy có thể thấy: Tuy tác phẩm kể chuyện “Bắc sứ”, nhưng đã dành một phần đáng kể dung lượng (phần kết, 92 câu) để “tự thuật” về thái độ, tình cảm của chính mình trước thời thế, tình cảnh của đất nước; cũng là nỗi ưu hoài của một người đã về trí sĩ nhưng vẫn nặng lòng với chính sự. Những “sự kiện” được ghi lại trong đoạn kết này cũng cho thấy rõ tính chất “hồi kí” của tác phẩm: Bắc sứ tự thuật kí được sáng tác rất lâu về sau khi chuyến đi sứ kết thúc, lúc tác giả đã dứt áo quan trường hồi hương. Bắc sứ tự thuật kí, vì thế có thể coi như một tự truyện về cả cuộc đời của Vũ Miên.

2.2. Nội dung Bắc sứ tự thuật kí không chỉ đơn thuần kể chuyện về hành trình của đoàn sứ cống, mà đã thể hiện khá đầy đủ, chân thực chân dung tâm hồn của nhà thơ. Những câu thơ gây xúc động nhất, không phải là những câu thơ về cảnh trí thần tiên xứ lạ, mà là những câu viết về mẹ già với một lòng hiếu thuận tri ân, viết về vợ với tình nghĩa sâu nặng. Những câu ấy văng vẳng suốt tác phẩm, cũng là suốt hành trình đi sứ.

Tuổi trẻ vất vả sách đèn, Lan đài ghi chép sử thiên theo đòi (đoạn 1) cũng là để mong báo hiếu cha mẹ:

Sớm khuya chưa bõ sách đèn,

Muốn vin xuân quế ơn đền thung huyên.

Trước khi lên đường đi sứ, ông quyến luyến từ biệt, thẹn về nỗi chưa báo đáp, rồi mong được sớm trở về để đền bồi công đức đấng sinh thành (đoạn 2):

Dừng xe trước vái từ đường,

Mẹ già hai vái mấy hàng châu rơi,

Xin trời cho mẹ ngày dài,

Để đem áo đính đền bồi ba xuân.

Nhưng rồi ngày dài trên đường trở về, khi mà Cỏ bồng chưa cắt, sứ tinh chưa hoàn, nhà thơ phải chịu tủi hận, ngậm ngùi về nỗi Thảo đường còn đó âm dung đâu nào (đoạn 4). Mất mẹ trên đường lo quốc sự, chữ trung - chữ hiếu chẳng được lo trọn bề. Trung chưa đặng, hiếu khôn báo, tình cũng phải chịu thẹn trong lòng. Bao nhiêu chất chứa nén dồn trên vai và trong tim con người ưu ái:

Trời xanh chẳng tỏ lòng son,

Nhà huyên mây trắng để em thẹn thùng

Viết Bắc sứ tự thuật kí cũng là dịp để Vũ Miên bày tỏ chí hướng, khát vọng, lí tưởng trung quân ái quốc, với ý thức thường trực Muôn đời trung nghĩa chẳng dời (đoạn 3), thể hiện rõ tinh thần hăm hở nhập thế của nhà Nho (đoạn 1):

Xuân quan theo việc nhà công,

Bờ lan sực nức trong lòng chẳng yên

Gánh nặng đường xa, ông ý thức về trọng nhậm, với mong mỏi Ra tay muốn gỡ mối tơ rối nhiều (đoạn 1). Lẽ trung hiếu luôn canh cánh bên lòng như là một hành trang để ông quyết chí dấn bước một cách mạnh mẽ:

Hiếu trung gánh nặng hai bên,

Quyên ai hồ thỉ muốn đền quân thân.

Bước vào “miền phần hương”, lạc vào giữa chốn phồn hoa, nhưng không phải là để tận hưởng những thú vui mới lạ. Tấm lòng kẻ sĩ đối với dân tộc luôn thôi thúc Vũ Miên tận lực lo việc nước. Việc vua chẳng dám thuân tuần(3) (đoạn 2), ông đinh ninh dặn lòng lo trọn đạo tôi trung. Triết lí sống ấy được tác giả bộc lộ tự nhiên như là tâm tình chứ không ồn ào, cả giọng chỉ cốt để khoe đời (đoạn 3):

Phồn hoa cũng đã biết mùi,

Lòng châm việc nước dám chơi đâu là.

Thơ là để nói chí, nhưng chí quyện hòa với tình cảm chân thực thì thành ra nhân cách sống. Nhân cách bình dị, mộc mạc với hình ảnh con người đời thường được thể hiện trong hầu khắp các câu thơ Bắc sứ tự thuật kí là một điều đáng quý. Tác phẩm của Vũ Miên đã ghi lại chân thực cuộc sống cũng như công việc mọi mặt của đoàn sứ bộ một cách chi tiết, điều mà chúng ta khó tìm thấy trong thơ đi sứ viết bằng chữ Hán. Có khi đó là hành trình của thầy tớ lên đường trong đêm sương thu vàng:

Vài hôm thầy tớ lên đường,

Trăng thanh bóng quế sương vàng cành ngô. (đoạn 2)

Có khi là những vất vả khó khăn gặp phải khi Bước chân gặp trận mưa rơi (đoạn 2) hay những lo lắng rất thực về hành trình Mai đi thực hiểm thực nghèo (đoạn 2) đang chờ đón phía trước. Trên con đường vạn dặm ấy, cả trăm đoàn sứ bộ nước Việt đã đi trước, những mong mỏi một mối giao hảo, hòng báo tin bình an cho nước nhà. Và cũng chính vì trọng trách và tâm sự lớn lao ấy, người xa nước luôn nặng mối tư quy (đoạn 3):

Đường xa thầy tớ đăm đăm,

Tư quy kích khánh cao thâm khôn lường.

Những cuộc hội đàm chính sự khi Quan Nam ngồi với quan Tàu (đoạn 3) luôn xen cùng các cuộc bình thi thưởng họa. Thi tiên một bức, bút đàm một phen (đoạn 3) tưởng đâu chỉ là chuyện thường tình của khách văn tao nhã, mà sâu xa hơn, chính là thể diện nước nhà. Cho nên, kẻ mang trọng trách sứ thần xưa nay phải giữ cho được và nâng cao quốc thể. Những “tự sự” trong tác phẩm của Vũ Miên cho chúng ta biết tường tận điều đó. Kinh nghiệm ngoại giao của sứ thần nước Việt là biến câu chuyện bang giao thành tình thân, lấy chỗ thâm tình cá nhân để khéo léo lo tròn việc nước. Những điều đó đều được ghi lại khá chân thực trong Bắc sứ tự thuật kí. Những cảnh giao hảo Vài tuần trà rượu, vài câu tự tình (đoạn 3) hay Cơm trà xa mã đèn dầu, Nước nhà cung đón từ đầu đến sau (đoạn 3) rất bình dị mà Vũ Miên nhắc tới cho thấy kết quả của đoàn sứ bộ. Để đến khi hoàn tất nhiệm vụ thì người đất Bắc bịn rịn tiễn người về trời Nam. Rõ là ngoài trời lại có trời (đoạn 3):

Từ nay nam thụ bắc chi,

Mấy người tương thức tương li tự tình.

Đi sứ, tuy hành trình vất vả, việc nghị sự cũng lắm gian truân, nhưng bù lại cũng là dịp các sứ thần nước Việt được thỏa tai thỏa mắt trước một thế giới rộng lớn. Điều đó góp phần làm cho tâm hồn nhà thơ vốn nhạy cảm trở nên rộng lớn, phóng túng, bay bổng hơn, như rồng gặp hội lên mây (đoạn 1):

Ô kiều gặp hội bước lên,

Vó câu giong ruổi qua miền phần hương.

Trước cảnh tượng núi sông kì tú xứ người, cũng như bao sứ thần khác, tâm trạng Vũ Miên say đắm, thư thái. Sự khoáng đạt cộng với cốt cách thanh cao đã tự nhiên cất thành lời ca trong trẻo (đoạn 3):

Cờ bay ruột bấc gió lung,

Thuyền lan chèo quế theo dòng Ung giang.

Đi dọc một dải sơn hà, từ Nam Ninh qua Hồ Nam, từ Hồ Bắc tới Hà Nam, Yên Kinh; lúc ngựa lúc thuyền, rong ruổi thỏa chí tiêu dao theo cách chơi của Tư Mã Tử Trường xưa. Vượt Quế thủy, Tương hồ đến Tam Ngô, Bành Thành; ghé miếu Tam Lư nghe vọng thơ Hi Văn, Đỗ Lão; đến Dịch thủy, Nhạc Dương nghe chuyện Kinh Kha, Úy Đà; qua đất Hán Dương, lên lầu Hoàng Hạc mà cả cười ngạo thế (đoạn 3):

Có lầu Hoàng Hạc lên chơi,

Giang sơn một bức để cười làm vui.

Ấy là những câu thơ sảng khoái chí sinh bình. Đi là để thỏa mãn cho một tâm hồn luôn khát khao mới lạ. Nhưng đi còn là để thu vào trong dạ trăm mối ngổn ngang thế sự, gập ghềnh nhân gian, đến nỗi khiến cho chính mình Đốt lòng nằm chẳng thời yên (đoạn 4):

Chung thiên khuya sớm ngậm ngùi,

Giang hà ngày rửa một đời lại nghe.

Con người Vũ Miên hiện lên trong thơ ông, thăm thẳm những trăn trở, những mối lo lắng của một kẻ sĩ nhỏ bé trước thế cục. Hiện thực đất nước thời Lê - Trịnh có nhiều rối ren được tác giả tổng kết vào tác phẩm khá rõ (đoạn 1):

Bảy năm dời đổi thanh chiên,

Gian nan lắm lúc binh quyền có khi.

Sẵn mối ưu thời, nhiều khi tác giả cảm thán về thế sự xoay vần, Bể dâu một lúc, cuộc cờ một phen (đoạn 4). Đi sứ trong hoàn cảnh ấy, dẫu hoàn thành quân mệnh, nhưng đến lúc trở về đối diện lại với thực tế chính trị, vị quan ăn lộc đền ơn kẻ cấy cày cảm thấy bất an. Kết thúc hành trình sứ bộ, về đến biên giới, ông buồn bực thốt lên (đoạn 3):

Dần dần mở lượng thành ta,

Than ôi việc nước việc nhà buồn tênh.

Nước nhà vận ấy lúc đen (đoạn 3) càng khiến ông thấy rõ sự nhỏ bé yếu ớt của mình, quan trường hỗn độn thị phi, tấm lòng trung chính ngay thẳng dẫu muốn chuyển xoay thế thái cũng bất lực, Một mình tâm sự ít phần dám thưa (đoạn 4) là vì vậy:

Sự đời nghị cũng nực cười,

Tại kinh vẽ bảo có trời biết cho

Xưa nay chính trực ai ưa,

Đổi hàm thương lược dư vừa ngoại quan.

Trăn trở không yên về vận nước sự đời đã khiến tác giả nhiều lần đau lòng triết luận. Hiện thực triều chính với vẻ ngoài hào nhoáng nhưng ẩn những mầm họa được ông trực tiếp ghi lại bằng những câu có phần chua chát, để rồi quyết chí Quải ấn khỏi điều hồ nghi (đoạn 4):

Việc to chức nhỏ ai bàn,

Mặt dày tấm thịt gọi quan triều đình.

Ngày ngày thêm nỗi bất bình,

Tháng năm năm Ngọ kinh thành còn chi.

Dứt tay nhiều giá ra đi,

Tranh nhau hai nẻo thị phi dường nào.

Có thể nói, hầu như toàn bộ phần kết với dung lượng 1/4 tác phẩm được Vũ Miên dành để nói về hiện thực thời thế, qua đó mà bộc lộ trăn trở ưu tư của mình. Đây có lẽ là phần có giá trị đặc biệt trong cấu trúc chung của Bắc sứ tự thuật kí.

Về phương diện nghệ thuật, Bắc sứ tự thuật kí không có đặc điểm gì nổi bật hoặc ưu trội hơn so với nghệ thuật thơ lục bát trước đó và đương thời. Từ nghệ thuật sử dụng từ ngữ, biện pháp tu từ đến cách gieo vần… đều phản ánh đặc trưng của thơ Nôm viết theo lối thuật sự thế kỉ XVIII. Đọc tác phẩm này, bên cạnh việc được thưởng thức những câu thơ tài hoa, tinh tế, nhuần nhị, giàu cảm xúc… đáng ghi nhận trong thơ Nôm lục bát nói chung, vẫn còn một số câu thơ có thể cho thấy mức độ giới hạn của tác phẩm.

Do ảnh hưởng và chi phối của nội dung “kể chuyện” - cần kể lại tối đa các sự kiện tai nghe mắt thấy trên hành trình đi sứ, cho nên nhiều câu thơ được diễn đạt khá “nôm na”, ví như:

-Đúng trưa dừng ở phủ từ,

Tỉnh thành đâu đó tới vừa buổi hôm.

-Đường trên Trường Khánh giữa rừng,

Quỷ Môn quan đó xem chừng cheo leo (đoạn 2)…

Tuy rằng thơ lục bát thế kỉ XVIII nói chung đã đạt đến độ nhuần nhuyễn, bút pháp miêu tả xen lẫn trữ tình…đã đạt đến độ tinh tế, nhưng đọc Bắc sứ tự thuật kí, có thể thấy tác giả dường như chưa dụng công trong việc chau chuốt ý tứ, vận luật. Nhiều ý thơ, câu thơ được diễn đạt khá thông tục, cách gieo vần cũng vì thế có phần đơn giản như lối vè dân gian. Đó là những câu thơ (đoạn 3) như:

-Nam Ninh buôn bán thật đông,

Ba mươi sáu phố lạc trong lạc ngoài.

-Bán buôn thủy lục chứa chan,

Hoa thuyền kể đặng hơn trăm chào mời

Ngoài ra, nếu theo dõi suốt tác phẩm, chúng ta còn bắt gặp không ít câu thơ có cách dùng từ và biểu đạt khá trúc trắc, có phần khó hiểu. Đành rằng, về mặt bút pháp, có thể nhận xét chung là thơ Nôm Bắc sứ tự thuật kí giản dị, mộc mạc, tự nhiên, không cầu kì chau chuốt… nhưng đứng từ góc độ thưởng lãm một thiên thi ca của một danh Nho, ở vào một thời kì chữ Nôm và tiếng Việt đã đạt đến trình độ thành thục và tinh tế, thì vẫn ít nhiều gây cho người đọc một vài băn khoăn nhất định trong việc đánh giá, phẩm bình. Cố nhiên, để đi đến những nhận định xác thực về phong cách nghệ thuật thơ ca Vũ Miên nói chung, còn cần tham chiếu với phần thơ chữ Hán chưa được bàn đến, cũng như cần khảo sát chi tiết hơn về mặt văn tự, tu từ, cú pháp… của văn bản tác phẩm nữa. Đó cũng là điều mà chúng ta mong muốn sớm được các nhà nghiên cứu quan tâm phân tích, luận giải.

*

Qua tổng hợp, phân tích tư liệu và sơ bộ khái quát về hoạt động ngữ văn học của Vũ Miên, đồng thời giới thiệu về Bắc sứ tự thuật kí của tác giả, có thể nhận thấy: Trong không khí học thuật sôi động của thời đại, Vũ Miên thực sự đã tham gia tích cực vào việc chấn hưng văn hiến nước nhà với một ý thức trách nhiệm sâu sắc và đã có những cống hiến to lớn. Thơ văn của Vũ Miên hiện tản mát ở nhiều tư liệu khác nhau, mà xét về mặt văn bản, hiện trạng của hệ thống tư liệu ấy còn nhiều vấn đề phức tạp cần giải quyết. Việc sưu tầm, tập hợp, phân loại, thẩm định tư liệu liên quan để tiến tới xác lập hồ sơ tác gia - tác phẩm Hán Nôm Vũ Miên là một đòi hỏi bức thiết, nhằm khẳng định vị trí của ông trên văn đàn văn học dân tộc thời Lê Trung hưng. Trong đó, văn bản tác phẩm Nôm Bắc sứ tự thuật kí là một tài liệu quý, nó không chỉ cho thấy sự đa dạng trong sự nghiệp trước thuật - sáng tác của tác giả, ý nghĩa quan trọng của một tác phẩm thơ Nôm trong dòng văn học đi sứ của Việt Nam…, mà còn là một tài liệu có khả năng cung cấp tư liệu trong nghiên cứu về chữ Nôm và tiếng Việt từ thế kỉ XVIII về sau.

 

Chú thích:

(1) Thực ra, trong văn cảnh này, chữ kí 記 còn có thể hiểu theo một nghĩa khác: là chữ của người sao chép, thể hiện ý “ghi chép lại (tác phẩm) Bắc sứ tự thuật của ông Vũ Liêm Khê triều Lê”. Chúng tôi theo quan điểm trình bày trong bài viết.

(3) Trong phạm vi giới thiệu tổng thể, hiện tại Bộ môn Hán Nôm, Khoa Ngữ văn - ĐHSP Hà Nội đang cho học viên thực hiện đề tài Luận văn Thạc sĩ Khảo sát văn bản và giới thiệu thơ ca Vũ Miên (2012 - 2013).

(4) Thuân tuần: rầy rà, biếng trễ.

Tài liệu tham khảo và trích dẫn

[1]Lược truyện các tác gia Việt Nam, Trần Văn Giáp chủ biên, tập 1, Nxb. KHXH, H. 1971.

[2] Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam tập 1, Thư viện Quốc gia, H. 1973.

[3] Trần Văn Giáp: Tìm hiểu kho sách Hán Nôm - Nguồn tư liệu văn học sử học Việt Nam, tập 2, Nxb. KHXH, H. 1990.

[4]Di sản Hán Nôm Việt Nam - Thư mục đề yếu, Trần Nghĩa - François Gros đồng chủ biên, 3 tập, Nxb. KHXH, H. 1993.

[5]Ngô Đức Thọ: Các nhà khoa bảng Việt Nam, Nxb. Giáo dục, H. 1993.

[6]Sở khoa học & công nghệ Bắc Ninh: http://khcnbacninh.gov.vn

[7] 黎朝武蓮溪公北使自述記, AB.632,Viện Nghiên cứu Hán Nôm (VNCHN)

[8]名 臣 傳 記, A.508, VNCHN.

[9]大越歷朝登科錄, A.2040, VNCHN.

[10] 錦 族 榮 錄, A.1324, VNCHN.

[11]名賢登科致仕帳文, A.2071,VNCHN.

[12]刘跃进:中古文学文献学, 中國古文献研究从书, 2000./.

(Tạp chí Hán Nôm, số 1 (116) 2013 (tr.46 -52)

Post by: Khoa Ngữ văn
08-03-2024