Văn hóa

Lời và phương cách "biến thế giới phù hợp với lời" trong hành vi, nghi lễ ma thuật của người Thái (Nghiên cứu trường hợp tại Sơn La)


02-07-2021

Đỗ Thị Thu Hà

 

Mở đầu

Trong nghiên cứu ma thuật, lời được nói ra, phương thức sử dụng hiệu quả của lời trong thực hành ma thuật là một vấn đề gây nhiều tranh cãi. Cách một thầy mo lẩm nhẩm một câu chú "Mưa to rồi", kèm theo việc ông ta hắt nước vào người khác trong tiếng trống chiêng ồn ào náo động nhằm hướng đến việc trời đổ mưa trong thực tế khiến đặt ra nhiều câu hỏi. Lời có thực sự tác động và hiệu quả? Nếu có, năng lực tác động này đến từ đâu? Dựa trên cơ sở nào, người thực hành tin rằng lời họ nói sẽ khiến thay đổi thực tại? Cách con người dùng Lời và hành động nhằm hướng cái siêu nhiên tới một mục đích mong muốn phải chăng quá ngây thơ và đôi chút vĩ cuồng, cho thấy tham vọng của họ trong việc buộc tự nhiên phải hành xử theo cách mà họ muốn? Bài viết này, với các ngữ liệu từ Lời trong thực hành ma thuật của cộng đồng Thái tại Sơn La, với việc diễn giải Lời ma thuật trong các lớp bối cảnh cụ thể thuộc về văn hóa Thái sẽ tìm kiếm phương thức ma thuật Lời tham gia vào quá trình tạo lập các chủ đích nhằm "biến thế giới phù hợp với lời"([1]). Người viết cho rằng, (1) Lời ma thuật luôn được sử dụng trong một tổ hợp có ý nghĩa về mặt văn hóa, cách sử dụng Lời trong ma thuật luôn có tính chủ đích; (2) Cách sử dụng Lời trong ma thuật Thái chịu sự chi phối từ đặc tính giao tiếp trong hành vi, nghi lễ Thái; (3) Chuỗi Lời ma thuật, trong sự kết hợp cùng chuỗi các hành động tương đồng đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ ra và hiện thực hóa thứ mục đích mà hành vi, nghi lễ ma thuật hướng đến; (4) Lời ma thuật Thái là một kho lưu trữ thông tin về văn hóa Thái, là cách mà thế giới được hình dung, được truyền dạy, được người Thái 'vẽ ra' bằng Lời.  

Lời ma thuật: các gợi dẫn lý thuyết

Với Quyền lực ma thuật của lời (The magical power of words) (1968), Stanley Tambiah đã trích dẫn, đồng thời đối thoại với các nhà nghiên cứu đi trước, đặc biệt với Malinowski (1965) trong Vườn san hô và phép thuật (Coral gardens and their magic) về ma thuật Lời. Từ thực tế sự xuất hiện dày đặc của Lời trong các thực hành ma thuật, trả lời cho câu hỏi "tại sao sự vận dụng phép tương đồng (analog)([2]) lại thường phải được khẳng định bằng lời mà không để tự diễn tiến?", Tambiah cho rằng, Lời của người thực hành ma thuật là phần không thể thiếu, thậm chí là phần chủ chốt của nghi lễ và hành vi ma thuật. Nhận định này cũng thể hiện rõ trong các nghiên cứu của Malinowski (1965), Fortune trong Phù thủy Dobu (Sorcerers of Dobu) (1963[1932]) và  Firth năm 1967 với Tín ngưỡng và nghi lễ Tikopia (Tikopia Ritual and Belief) và một số tác giả khác. Tuy nhiên, cách mà các nhà nghiên cứu nhìn về ma thuật Lời, từ đó đưa ra các luận điểm có tính kết luận về phương cách sử dụng ngôn ngữ trong lĩnh vực ma thuật hay phương thức tư duy ma thuật thể hiện trong ma thuật Lời (của người sử dụng) lại có nhiều khác biệt.

Lời ma thuật (với ngữ liệu phân tích chính là Lời ma thuật trong lĩnh vực đóng thuyền và làm vườn Trobriand) được Tambiah phân tích trên nền tảng mối liên kết với các quan điểm về Lời nói chung nhằm chỉ ra các đặc tính nổi bật cả trong cách lựa chọn ngôn từ và cách sử dụng. Trong vấn đề về Lời nói chung, Tambiah trích dẫn và bàn luận về quan điểm gây nhiều tranh cãi của Malinowski xem tính thực dụng (pragmatic) là đặc điểm chính của ngôn ngữ nói chung. Với ông, ngôn ngữ không phải là phương tiện để thể hiện ý tưởng, khái niệm hay thể loại, mà để đạt hiệu quả thực tế. Cách tiếp cận về ngôn ngữ của Malinowski tương ứng với cách tiếp cận huyền thoại và ma thuật của ông: chống tri thức (anti-intellectualistic), không giải thích (non-explanatory), xem chúng đơn giản như một thứ công cụ hữu ích phục vụ cho đời sống thực tiễn. Malinowski không phân biệt giữa 'ngôn ngữ' và 'lời nói'([3]), và cách ông phân tích lời nói liên quan đặc biệt đến bối cảnh của lời được nói ra (speech context). Lời nói được ông xem là một phần của hành động phối hợp, giống như cử chỉ và chuyển động, và là "một sự bổ trợ cho các hoạt động cơ thể", Lời (word) là một phần của hành động và tương đương với hành động (Malinowski 1965: 9, dẫn theo Tambiah 1968: 185). Từ quan điểm này, Malinowski đã phát triển "lý thuyết bối cảnh về nghĩa" và khái niệm "tạo lập thực tiễn các cách nói". Theo đó, vai trò của ngôn ngữ chỉ có thể được hiểu trong mối quan hệ với các hoạt động khác, ngôn ngữ quy định những phối hợp, truyền đạt tri thức và thiết lập một loạt các hoạt động của cộng đồng, và "hiệu quả của các hành vi lời nói nằm trong việc tái tạo trực tiếp kết quả của chúng" (1965: 49). Cực đoan hơn (và điều này khiến Malinowski nhận nhiều chỉ trích của các nhà ngôn ngữ học), Malinowski cho rằng, bản thân Lời tự nó không tồn tại, và các văn bản tách rời khỏi bối cảnh là vô nghĩa. Với các từ trong ma thuật (từ trường hợp các từ và cách sử dụng ngôn ngữ trong Vườn san hô và phép thuật), Malinowski đi đến một kết luận ấn tượng rằng, ngôn ngữ ma thuật là rất dễ hiểu, và các từ không dịch được trong các lời chú (spell) Trobriand là thuộc loại không thể dịch, tức bản thân nó không có nghĩa. Tuy thừa nhận ngôn ngữ ma thuật dễ hiểu, song ông lại nhận định rằng, nó hoạt động khác với lời nói thông thường. Sự xuất hiện của các từ không có nghĩa và một tần suất khác thường (của một số từ ngữ) trong ngôn ngữ ma thuật dẫn Malinowski đến luận điểm, những cách nói ma thuật được người bản địa tin là sẽ tạo ra hiệu ứng siêu nhiên - thứ mà họ không trông đợi lời nói thông thường sẽ tạo được ra. Cơ sở của phép ma thuật lời là "niềm tin rằng những lời tuyên bố lặp đi lặp lại của một số từ nhất định sẽ tạo ra một thực tế đã được nêu trước đó "(Malinowski 1965: 238).

Như thế, với Malinowski, các quy luật kết hợp sử dụng trong ngôn ngữ nói thông thường không được áp dụng cho lời ma thuật. Luận điểm này đã dẫn Malinowski đến kết luận xem ngôn ngữ ma thuật là một sự ảo tưởng và cho thấy "sự phi lý trong tự nhiên", và "bản chất của ma thuật bằng lời nói, theo đó, bao gồm một tuyên bố không đúng sự thật và nó tương phản trực tiếp với bối cảnh của thực tế" (Malinowski 1965: 235). Do đó, ông đã tìm kiếm một loại lý do hợp lý thuộc về tâm lý cá nhân để lý giải cho việc sử dụng ma thuật Lời. Với câu hỏi làm sao con người lại tin vào sức mạnh thần bí của ngôn từ, Malinowski lập luận, cơ sở cho niềm tin của con người vào sức mạnh huyền bí của ngôn từ là bởi ngôn ngữ đã mang lại cho con người cảm giác quyền lực đối với môi trường quanh mình.

Không thỏa mãn với những luận giải mang màu sắc tiến hóa về mặt ngôn ngữ ma thuật của Malinowski, Tambiah đã tìm kiếm đặc điểm khác của ngôn ngữ từ quan điểm và gợi dẫn của Ogden và Richards. Các tác giả này nhấn mạnh về hai cách sử dụng lời nói: 1- việc sử dụng ngôn ngữ một cách khoa học trong một số các từ là tượng trưng cho thứ có liên quan trong thực tế; và 2- việc sử dụng ngôn ngữ một cách cảm xúc mà trong đó, các từ đơn giản trở thành dấu hiệu cho cảm xúc hoặc thái độ, còn sức mạnh tham chiếu tới thực tiễn của chúng chỉ là thứ yếu. Richards (1938) lập luận rằng, thơ ca đã tạo ra những tác động về mặt xúc cảm thông qua việc sử dụng ngôn ngữ. Và chính Malinowski cũng đã khẳng định, ngôn ngữ ma thuật là một cách sử dụng ngôn ngữ theo cảm xúc, rằng ma thuật được tạo ra từ sự căng thẳng cảm xúc trong các tình huống cụ thể và các lời chú, hành động và cử chỉ thể hiện một dòng cảm xúc tự phát (Malinowski 1948: 53). Đối với việc sử dụng từ ngữ theo cảm xúc, các quan điểm của Richards tìm thấy điểm tương đồng với Leach (1964)([4]), người đã chứng minh rằng ngay cả những từ ngữ cảm xúc nhất cũng có một cơ sở tham chiếu và có tính cấu trúc.

Phản bác lại các quan điểm này, Tambiah (1968: 188) cung cấp một cái nhìn khác về cách thức mà ngôn ngữ nghi lễ hoạt động. Ông nhận thấy rằng, ngôn ngữ ma thuật Trobriand là thứ ngôn ngữ dễ hiểu, không phải là "khác biệt" so với ngôn ngữ thông thường, mà là một cách sử dụng nâng cao hơn thông thường; và rằng các luật liên kết tương tự áp dụng cho ngôn ngữ thông thường cũng được áp dụng cho ngôn ngữ ma thuật. Ma thuật Trobriand là trường hợp rõ ràng của một hệ thống kết hợp thường xuyên của từ ngữ hành động, ngôn ngữ hành vi và do đó, các từ chỉ có thể được diễn giải trong mối liên kết với các hành động. Thông qua việc sử dụng chính một số khía cạnh của ma thuật Trobriand dẫn ra từ các nghiên cứu của Malinowski; trong sự tham khảo từ những phân tích về phép ẩn dụ và hoán dụ của các nhà ngôn ngữ học như Urban (1939), Jakobson (1956), Tambiah đưa ra các luận điểm cho thấy một phương pháp tiếp cận khác về lời ma thuật.

Trước hết, Tambiah cho rằng, không thể phân tích hay diễn giải phần Lời trong các hành động ma thuật nếu tách rời chúng khỏi hai lớp bối cảnh: 1- Bối cảnh ngữ nghĩa (semantic) hay 'khung bên trong' (inner frame), thứ "liên quan đến kỹ thuật chuyển giao, cách thức tạo ra các phép thuật, logic lựa chọn các chất được sử dụng, cơ chế đồng bộ hóa các thiết bị ngôn ngữ với hành động phi ngôn ngữ trong một chuỗi có cấu trúc" (Tambiah 1968: 188); và 2- Bối cảnh phức hợp của nghi lễ, thứ 'khung bên ngoài' (outer frame) mà trong đó, toàn bộ các hành động được tham gia thực hiện bởi các cá nhân hoặc nhóm nhằm hướng tới một mục đích cụ thể. Khung bên ngoài này của lời ma thuật cũng chính là thứ 'bối cảnh tình huống' (context of situation) mà Malinowski (1965) đã gọi tên. Với Tambiah, lời được sử dụng trong các thao tác ma thuật cho thấy một nỗ lực biến thế giới phù hợp với lời, nhằm đạt tới mục đích cụ thể và rõ ràng đã được đặt ra ngay từ đầu (và xuyên suốt) trong chuỗi hành vi/ nghi lễ. Và điều này cũng chính là điểm mấu chốt giúp phân biệt lời ma thuật và lời nói thông thường luôn chú trọng việc làm lời phù hợp với thế giới([5]) (Tambiah 1968: 188; 1973: 467). Như thế, với Tambiah, lời trong hành vi, nghi lễ ma thuật là loại lời hành động, hay hành động bằng lời, hành động biểu thị, hoặc cố gắng để đạt tới được mức độ hành động/ biểu thị đó. Loại hành động lời nói (thường là lời chú, khấn, lệnh) này kết hợp với hành động cơ thểhành động tác động vào vật lễ trong một môi trường được sắp xếp nhất định sẽ nhằm hướng tới việc thay đổi một trạng thái hoặc đạt một hiệu quả cụ thể. Nghĩa là, luôn có sự song hành mật thiết giữa phép analog được thực hiện với lời được nói ra, nhằm xác tín, gợi dẫn, thuyết phục hoặc cưỡng bách cho một kết quả mong muốn.

Tambiah còn cho rằng, các phân tích về lời ma thuật cần đặc biệt chú ý đến nguyên tắc sử dụng các ẩn dụ và hoán dụ, vì chúng sẽ giúp làm sáng tỏ cấu trúc của hành vi ma thuật và ngôn ngữ ma thuật (như trường hợp của Trobriand). Phép ẩn dụ cho thấy một tham chiếu kép đến đối tượng ban đầu và đối tượng hiện đang tồn tại (một hình thức analog về ngôn ngữ). Mọi phép ẩn dụ đều chứa đựng cả sự thật và hư cấu - hiểu theo nghĩa đen thì nó là một diễn đạt sai, nhưng nó vượt lên một dấu hiệu thông thường vì ẩn dụ luôn làm nổi bật sự tương đồng. Nói như Urban (1939), ẩn dụ là một phương thức phản ánh và cho phép suy nghĩ trừu tượng trên cơ sở của sự tiên đoán tương tự. Và với Jakobson (1956), việc sử dụng các siêu ngôn ngữ được dựa trên sự khai thác các từ và ý tưởng  thay thế cho nhau trong sự tương đồng về ngữ nghĩa. Việc trình diễn những ẩn dụ ngôn ngữ này có thể được thấy trong nghi lễ - thứ nhằm chuyển giao một mục đích thực sự cho người nhận. Câu thần chú có thể khai thác việc sử dụng ngôn ngữ một cách ẩn dụ, mà bằng lời nói và trong suy nghĩ tạo nên sự chuyển giao. Không có mẹo ở đây, đó là một cách sử dụng bình thường của ngôn ngữ.

Ngoài ra, hoán dụ là một hình thức của lời nói mà trong đó, diễn ra việc thay thế tên của một sự vật bằng tên của một thuộc tính hoặc tên của một bộ phận của sự vật đó (chẳng hạn từ quyền trượng được sử dụng để thay thế cho quyền lực, theo nguyên tắc hoán dụ một phần đại diện cho toàn bộ dựa trên nguyên tắc tiếp giáp). Jakobson mở rộng khái niệm hoán dụ để thảo luận về các hoạt động ngôn ngữ, dựa trên các nguyên tắc tiếp giáp/ nối tiếp và ngữ cảnh, cho phép hình thành các dạng đơn vị ngôn ngữ phức tạp theo quy tắc cú pháp mà theo đó, các từ được kết hợp và xâu chuỗi với nhau để tạo thành câu và các câu kết hợp để tạo thành cách/ phương thức nói. Phương thức sử dụng ẩn dụ và hoán dụ trong các ngôn ngữ ma thuật giúp có được một bức tranh thực tế về cái toàn bộ được xây dựng từ những cái bộ phận, và kỹ thuật ẩn dụ này có một số ý nghĩa cho việc cho vay hiện thực vào nghi thức, để truyền thông điệp qua sự dư thừa, để lưu trữ kiến ​​thức công nghệ quan trọng trong văn hóa truyền miệng, và cho việc xây dựng bản thân lời chú như một dạng thức lời nói dài. Cả hai phương thức ngôn ngữ - ẩn dụ, dựa trên sự thay thế, cho phép một sự trừu tượng hóa và hoán dụ, thông qua việc xây dựng một tổng thể hữu cơ dựa trên các chi tiết - được xuất hiện kèm theo hành động trong phép thuật Trobriand. Đối tượng và các chất được sử dụng làm tác nhân và phương tiện chuyển giao thông qua hành động truyền nhiễm. Trong các phương tiện chuyển giao này, chúng ta tìm thấy các nguyên tắc thay thế (hoặc tương đồng) và tiếp xúc của Frazer (1890) khi nói về ma thuật bắt chước và truyền nhiễm, nhưng không bao giờ theo cách chỉ có một nguyên tắc nào đó được sử dụng.

Như thế, những phân tích chặt chẽ về ngôn ngữ trong nghi lễ Trobriand của Tambiah cho thấy rằng, các tính chất biểu cảm của ngôn ngữ, cảm giác về thuộc tính/ phẩm chất của các vật thể và các tính chất công cụ của hành động tương đồng đã được khai thác tích cực theo một số phương thức khác nhau. Các ngữ nghĩa của nghi lễ trên thực tế phức tạp hơn so với các nguyên lý tương đồng và tiếp xúc mà Frazer đã đề xuất. Vì lẽ đó, những suy luận về tính logic phi lý của ma thuật được nhiều nhà nghiên cứu từng rút ra là rất khiên cưỡng và áp đặt. Lời ma thuật cần được diễn giải trong một hệ thống văn hóa riêng, với yêu cầu đặc biệt về tính bối cảnh.

 Lời và phương cách biến thế giới Thái phù hợp với lời

Soi chiếu vào ngôn ngữ ma thuật Thái, có thể nhận thấy nhiều các vấn đề mà Tambiah đề cập tới có thể tìm được các minh chứng tương đồng, và đồng thời, tính bối cảnh ngữ nghĩa của ma thuật, văn hóa, đời sống Thái cũng thể hiện rất rõ nét qua phương thức sử dụng hệ thống ngôn ngữ ma thuật. Đúng như cách mà Teijeiro (1993: 136) đã nói, trong thế giới của ma thuật, một trong những yếu tố cơ bản là sức mạnh không thể cưỡng lại của từ - Lời xuất hiện như một hình thức ma thuật Thái nổi bật và đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Teijeiro cũng chỉ dẫn rằng, cần chú tâm vào mối liên hệ tự thân giữa lời ma thuật được nói ra với các sự vật và lực lượng siêu nhiên mà chúng hướng đến; và luôn cần lưu ý, "các dấu hiệu ngôn ngữ được sử dụng bởi người thực hiện ma thuật là không hề tùy tiện" (ĐTTH in nghiêng, nhấn mạnh).

Từ các gợi dẫn lý thuyết của các nhà nghiên cứu, Lời ma thuật Thái được người viết diễn giải trong các lớp bối cảnh ngữ nghĩabối cảnh tình huống, với sự gắn bó chặt chẽ giữa lời và hành động, và Lời cũng đồng thời được xem như hành động. Cách tiếp cận này cũng là một biểu hiện cho nhận thức xuyên suốt về việc, các thực hành ma thuật cần được đặt để và phân tích trong bối cảnh cụ thể, có tính đặc thù về tâm linh, nghi lễ và tình huống (xem thêm Tambiah 1968; 1973). Nói cách khác, không thể hiểu hay diễn giải đúng về hành vi và ngôn ngữ ma thuật nếu tách chúng khỏi các lớp bối cảnh văn hóa liên quan. Chẳng hạn, một loạt các lời được mo đọc ra: "Leo ta cắm/ Ma muốn qua thành hố/ Ma định nhảy thành vực/ Ma thò chân xuống mác ta đâm/ Leo ta chọc/ Lời ta chặn/ Miệng ta thiêng" cần được đặt trong sự kết nối với hành động cắm taleo của người thực hiện và trong bối cảnh nghi lễ cụ thể nhằm bảo vệ sản phụ mới qua kì sinh nở, cũng tức vừa trải qua một sự biến nguy hiểm và trọng đại mà người Thái gọi là thời kỳ "ống máu treo cổ" (bẳng lượt khèn co) mà nếu chết sẽ là "vượt suối không dứt" (khảm huổi báu khát). Nghi lễ này cũng còn nhằm bảo vệ đứa trẻ mới được sinh ra khi hồn vía trẻ vẫn còn non nớt. Nghi lễ được thực hiện, xuất phát từ niềm tin tâm linh của người Thái vào sự tồn tại, cũng như sự chắc chắn vào khả năng có thể ngăn chặn, xua đuổi hai loại ma đặc biệt: 1 - con phi pái - loại ma chết đường sinh nở, 2 - phi cướt - loại ma trẻ ranh chết khi chưa đến 13 tuổi. Với phi pái, vì chết dữ nên người chết không được chôn cùng khu tại rừng ma của người chết lành, đám tang không đi trên con đường thông thường mà phải đi lối riêng, và nếu trong bản có suối thì phải đưa tang dọc theo dòng suối, với mục đích làm mất dấu để ma không biết lối tìm trở lại bản, cũng như không tìm hại đứa trẻ mới sinh trong trường hợp trẻ còn sống([6]). Ma pái không được tiễn hồn về không gian sống tốt lành của tổ tiên, phải 'sống' vĩnh viễn trên đất mường phi dành riêng cho các loại ma dữ, lang thang uất hận vì chết đau đớn thê thảm. Với phi cướt, ma không được gia nhập thế giới của tổ tiên trên mường trời, không được thờ tại gian hóng trong nhà. Cướt sống thành nhóm tại mường ma, thường lang thang trêu chọc và muốn bắt hồn vía của bọn trẻ. Ngoài ra, hành động cắm taleo ngăn chặn ma pái, ma cướt còn liên quan chặt chẽ tới ý niệm đã được truyền thống văn hóa Thái xác lập, rằng người ta có thể bắt/ dọa các loại ma bằng thứ công cụ có nhiều lỗ, nhiều mắt, nhiều riềm mác, để ma sợ hãi như nhìn thấy vực sâu, dao chém. Những lời chú này, lại được nói ra bởi một thầy mo Thái - nhân vật tâm linh đã được truyền thống văn hóa kiến tạo về thứ vị thế "Con của chủ trời/ Con út của phi Then", với uy quyền "Then cho ta nói, ta nói/ Chủ trời bảo ta chém, ta chém", có năng lực sở hữu và thực hành các phép thuật "Tay trái cầm kiếm có đuôi hình rồng/ Tay phải cầm lưỡi rìu thần sét/ Chém phi pái cho chết hết/ Chém phi pái tan tác cửa nhà" (Tư liệu dẫn theo Lường Thị Đại, Lò Xuân Hinh 2010: 91). Như thế, khi đặt "lời cắm taleo" trong tổng thể các lớp bối cảnh mới có thể hình dung rõ rệt các chiều kích văn hóa, tính mục đích và sự hợp lý của Lời.

Ma thuật Lời với đặc tính giao tiếp của nghi lễ Thái

Một hình ảnh quen thuộc trong các nghi lễ, xuất hiện không ít trên bìa các cuốn sách về tôn giáo tín ngưỡng Thái là khung cảnh mà trong đó, thầy mo (dòng một)  mặc áo choàng đen ngồi trên ghế mây, đầu đội mũ với hoa văn màu sắc sặc sỡ có hai dải to bản kéo dài chấm đất, miệng như đang nói, tay cầm que bói như lần đếm hoặc cầm quạt kiểu đang phe phẩy, mặt hướng về mâm lễ, xung quanh là rất nhiều mâm lễ khác. Trong nhiều lễ cúng, thầy mo ngồi cúng như thế có khi kéo dài trong cả ngày, lời hát xướng lúc to lúc nhỏ, có đoạn thì người này người kia trong lễ tham gia ăn uống chuyện trò hoặc để mo buộc chỉ cổ tay, nhưng phần lớn thời gian là một mình mo thực hiện các giao tiếp với các phi (thần, ma, hồn) ở những mường tâm linh mà hồn của mo và đội quân âm binh tìm đến, thương lượng và xin tìm kiếm hoặc chuộc hồn địu vía về lại trần gian.

Những cuộc giao tiếp kéo dài này, bằng Lời, là một tín hiệu và đặc tính nổi bật của nghi lễ ma thuật Thái. Các nghi lễ luôn diễn ra với phần lời liên tục cùng nhiều chặng giao tiếp không cố định, tùy thuộc mục đích của lễ và các đối tượng liên quan. Chẳng hạn, trong lễ xên kẻ khọk cúng trả lại vận hạn mà chủ áo bị Then khọk gieo trúng, thầy mo phải xuất hồn qua 22 mường tâm linh([7]) mới lên tới đúng nơi cần đến, và ở mỗi nơi, mo đều phải đảm bảo nguyên tắc, cũng là chu trình của cuộc giao tiếp: Đánh thức chủ mường tâm linh dậy - Kể chuyện tình hình chủ áo (cũng là nói về nguyên cớ phải làm lễ cúng) - Dùng mâm lễ (mời ăn, biếu tặng vải vóc, tiền vòng/ tiền giấy) xin tìm chuộc hồn vía - Thương lượng/ thỏa thuận với phi chủ mường nơi này về việc giúp đỡ che chở chủ áo - Mời phi ngủ yên trở lại, xin được rời đi. Toàn bộ cuộc hành trình này, hình dung về các không gian tại mường tâm linh, các thao tác, những lời chuyện trò và thương lượng của mo đều được hiển lộ bằng Lời và thông qua Lời. Lời, vì thế, trở thành một thứ công cụ thiêng của thầy mo Thái, và sức mạnh ma thuật ẩn chứa trong thế giới của Lời.

Từ tư liệu điền dã và qua khảo sát các văn bản cúng, tôi cho rằng, giao tiếp là hình thức phổ biến và thống nhất trong các lễ cúng Thái. Dù mục đích của lễ là gì, đối tượng chính cần thương lượng là yếu tố siêu nhiên nào, cuộc giao tiếp này cũng thường diễn ra trên diện rộng. Sở dĩ vậy bởi với nghi lễ Thái, đã làm lễ là đánh thức thế giới của các phi (thần, ma, hồn), mâm lễ bày ra là kinh động đến thế giới của phi tại gian thờ trong nhà, tới hệ thống phi bản phi mường, tới phi tại rừng ma và tại các mường tâm linh khác trên không trung và trên mường trời. Và đúng theo cách người Thái nói, "có bảo có giúp, có lý có mời" (mi ban mi chói mi thoi mi mơi), Lời trở thành mấu chốt của các cuộc giao tiếp, đóng vai trò quan trọng trong việc khắc phục nhiều giới hạn nhằm đạt tới một mục đích cụ thể của ma thuật Thái. Vì đặc tính giao tiếp này, Lời trở thành một thứ công cụ thiêng của thầy mo Thái, và sức mạnh ma thuật ẩn chứa trong thế giới của Lời. Có thể hình dung (ít nhất) về ba tính năng của Lời trong đặc tính giao tiếp này của ma thuật Thái: (1) Lời ma thuật giúp chuyển dịch các không gian; (2) Lời ma thuật giúp vượt thoát các giới hạn thời gian; (3) Lời ma thuật với tính đa giọng điệu, sự lặp đi lặp lại của lời nhằm đạt mục đích giao tiếp cụ thể của từng chặng hoặc toàn bộ nghi lễ.

Ma thuật Lời: chuyển dịch các không gian

 Với bản chất là một cuộc giao tiếp, yêu cầu cơ bản về các phương diện được đặt ra: đối tượng - không gian - nội dung/ hình thức - đồ vật liên quan trong giao tiếp. Nơi diễn ra lễ có thể cố định tại một chỗ - tại nhà chủ áo, tại gian thờ trong nhà mo, tại rừng ma (trong lễ tang và lễ đóng cửa mả), tại rừng cửa áo (đông tu sửa, trong lễ xên bản xên mường), tại bờ suối (trong lễ cầu mưa)… - nhưng cuộc giao tiếp diễn ra liên tục, theo nhiều chặng, tại các mường tâm linh khác nhau (các không gian đã được kiến tạo trong hệ thống vũ trụ luận Thái). Mo có thể xuất hồn, cùng đội quân hồn đi đến các nơi hoặc điều khiển các lực lượng siêu nhiên hỗ trợ mình đi đến các không gian; cũng đôi khi, mo ngồi tại chỗ, mời các phi về dự lễ. Trong bối cảnh này, Lời trở thành một phương tiện hữu hiệu, một sự lựa chọn phù hợp giúp cho việc chuyển dịch các không gian diễn ra hiệu quả và nhanh chóng.

Chẳng hạn, trong lễ Xên chuông (cúng ma tình yêu), mở đầu cuộc lễ, mo xuất hồn tới mường một (mường riêng của thầy một), đánh thức đội quân hồn hỗ trợ([8]) ngụ tại các nơi dậy, kể chuyện khó khăn của chủ áo chủ cúng và lời nhờ cậy của họ với mo và đội quân mo([9]) - thết đội quân hồn ăn uống no nê rồi lên đường.  Để giải quyết vấn đề của chủ áo "Thường xuyên hay ốm đau/ Sầu muộn không nguôi ngoai/ Chóng mặt tựa sa quay/ Đầu đau như búa bổ/ Ăn cơm không ngon miệng/ Ngủ đêm không yên giấc/ Chợp mắt thấy hồn người tình", đội quân dũng mãnh đi tới các nơi thương lượng - lùng tìm - chuộc hồn chủ áo về với thân. Theo lời mo, hành trình đi qua nhà đẳm tổ tiên trong nhà (kuông hưỡn) - Thần coi cửa bản cửa mường (phi tu xửa) - Đẳm rừng ma (đẳm pá cha), đẳm tổ tiên nơi không trung (chuống cộp chuống kang), đẳm tổ tiên đất mường trời (đẳm đoi) - Đến mường bà mụ Bảu nàng Ngần đúc khuân hồn, tới Then trông coi sự sống của người ở trần gian (mưỡng me bảu me Nãng, Then bớng đù cỗn nẳng mưỡng lum) - Đi lên Then trông coi/ gieo vận hạn (Then khớ), trình bày - thương lượng với ma hồn người tình (phi chuông), với Then, mời ăn, mời uống - Lấy của chuộc hồn bằng vải vóc, vòng tay vòng cổ, tiền các loại (tiền vòng Thái và tiền giấy), dê lớn sừng dài; giao bè khọk bè hạn với hình nặn dê, bò, phễu nước bọt, móng tay móng chân tóc rối chủ áo - Thỏa thuận việc thả hồn chủ áo với Then "Lấy của rồi thả hồn ra/ Lấy hồn rồi về với chủ/ Xin bỏ dây trói buộc/ Tháo gông nặng, cùm dài/ Thả hồn ra khỏi khám" - Mời Then ăn uống tiếp để các Then đều hài lòng, rồi có lời dặn trước khi về "Chín năm chớ đòi ăn/ Mười năm không đòi cỗ" - Xuống khỏi đất Then khớ, dừng nơi "ba mươi ngả đường châu, sáu mươi ngả đường tụ", chuyện trò riêng với hồn người tình của chủ cúng chủ áo, dùng lời và dùng đồ lễ (dê, mâm lễ với vải vóc, tiền, khăn piêu, tóc rối) để thương lượng với chuông: "Nay chủ cúng có mâm cơm tiễn ma tình yêu/ Có mâm lễ tiễn hồn người tình thuở trước". Vào lúc này diễn ra sự thay đổi về không gian thực của lễ cúng - người nhà đưa người ốm xuống sân (mang theo sợi dây khớ vận hạn), mo một và mo sáo cúng dưới sân, làm lễ chém con dê thật tại sân… (Lời dịch trong lễ cúng dẫn theo Cà Chung 2019).

Lời, như thế, là một thứ phương tiện ma thuật mà theo đó, mo xác lập các không gian hồn tới, chuyển đổi các bối cảnh, xác lập các thao tác hành vi, đồ lễ và nội dung hát xướng liên quan. Nhờ Lời và theo Lời, các mục đích của lễ mới có thể được thực hiện và có cơ hội được xem là thành toàn.

Vai trò của Lời trong nghi lễ không chỉ gắn với thuộc tính giao tiếp Thái mà đồng thời còn liên quan chặt chẽ với ý niệm tâm linh Thái đã được kiến tạo. Thế giới của trần gian tồn tại, diễn tiến liên quan với thế giới của hư vô, với các mường tâm linh tại cả trần gian và trên mường trời. Bệnh tật trong cơ thể hay những bất thường đời sống đều chỉ là biểu hiện, còn căn nguyên của mọi sự biến nằm ở các phi - lực lượng siêu nhiên trú ngụ tại các mường tâm linh. Chính vì thế, mọi cuộc giao tiếp diễn ra với các phi, tại các không gian tâm linh đều chỉ có thể/ và buộc phải thực hiện thông qua một phương tiện khả dĩ duy nhất: Lời. Nhờ Lời và qua Lời, các chuyến đi của hồn không chỉ diễn ra trong các không gian tâm linh mà còn vượt qua cả các không gian thực trong đời sống. Như trong một lễ tiễn hồn tại đám tang ở Mộc Châu, theo lời mo, hồn anh con rể gốc (khươi cốc) lang thang đi qua các nơi tại cả mường Thái, sang đất mường Lào để tìm mua bò cho ma hồn bố vợ. Hồn anh con rể đi qua nhiều địa danh: xuống Mộc Châu - đi Mường Khoang Mường Men - lên thuyền qua sông Đà - sang đất Phù Yên - đi Chiềng Khương sông Mã - đến mường Xoan, qua mường ngoài trên đất Lào, qua các chợ, tìm mua được bò - Đưa về, qua hết dốc này lại xuống dốc kia đến Mường Sằm (đất Lào) - về Mường Dùa (sông Mã), qua đồn Pa Háng - về đến bản Vặt, về bản Nà Lùn. Hành trình dài này được mo hát kể trong quãng thời gian từ 0h20 đến 1h10 phút sáng, tức trong khoảng 50 phút (Tư liệu điền dã Mộc Châu, 21/12/2017).

Ma thuật Lời: vượt giới hạn thời gian

Sử dụng Lời và thông qua Lời còn tạo dựng được hiệu quả trong việc khắc phục các giới hạn về mặt thời gian trong nghi lễ Thái, hướng tới những mục đích trong từng chặng lễ cụ thể. Thời gian của quá khứ, thời gian trong tương lai đan cài với hiện tại, biến không gian cụ thể tại nơi tiến hành lễ trở thành một không gian ma thuật mà trong đó, việc đạt tới một mục đích cụ thể trở nên dễ dàng hơn. Trong lễ cúng ma tình yêu phi chuông, tại thời điểm quan trọng nhất của lễ, khi người nhà đưa người ốm xuống (mang theo sợi dây khớ vận hạn) để mo một và mo sáo cúng dưới sân, làm lễ chém con dê thật, một trường đoạn Lời đi kèm các thao tác được thực hiện nhằm: Đưa lễ vật - Thương lượng với ma chuông - Chém dê giao nộp - Chuộc hồn vía người ốm([10]). Trường đoạn này thường phải diễn ra trong đêm, thời điểm được xem là phù hợp với cuộc gặp gỡ trực tiếp với ma chuông. Và một màn quay ngược thời gian ngoạn mục được thầy mo tiến hành, với lời cúng hát xướng theo giọng giao duyên trong tiếng sáo gợi tình "Đôi ta thương nhau từ những năm trước/ Ta yêu nhau từ những năm xưa/ Từ thời tra nương bông". Thời gian thực tại như ngừng lại, đưa người dự lễ trở về lại những năm tháng tuổi trẻ của tình duyên đôi lứa, của thời trai đi chọc sàn, gái tâm tình trong đêm trăng. Màn hát xướng giao duyên đi kèm bói gạo trên trứng để dò ý ma chuông được mo thực hiện song hành, và có những lễ, mo phải hát đi hát lại, mang hết cả vốn liếng lời hát xướng giao duyên ra để 'đấu' với ma cho đến khi nó đồng ý mới được dừng([11]). Khi được hỏi về màn lễ sống lại cuộc tình thời trẻ này cho ma, ông mo Hiễn (thành phố Sơn La) nói, "phi cũng như người, nó vẫn nhớ về mối tình dang dở, nên hát xướng kể lại chuyện cũ cũng là để cho phi thỏa mãn mà buông tha cho hồn vía mình" (Tư liệu điền dã 23/6/2018). Như thế, Lời đã giúp vượt thoát các giới hạn, tái hiện quãng thời gian trong quá khứ, trở thành một thứ hành động ma thuật tâm lý, cởi bỏ ẩn ức cho mối tình bất thành của lứa đôi.

Các tiết đoạn thời gian trong cuộc đời của một con người cũng được tái hiện lại thông qua trường đoạn Lời ở phần Táy ón óc (Kể chuyện đời người) trong tang ma. Không gian tang lễ trong ngôi nhà sàn được 'sử thi hóa', với lời hát xướng của mo tiễn hồn quay ngược lại thời gian, kể lại chuyện mẹ của người chết khi mang thai đi rừng thèm ăn rau chua - quá trình sinh nở, nuôi nấng, chăm sóc người chết - quá trình người chết lớn lên, biết làm ruộng kiếm cá, biết đan lát, dệt vải, tìm vợ tìm chồng, dựng nhà dựng cửa, có con có cháu,… Cuộc đời của một con người, từ khi còn trong bụng mẹ đến khi chết đi, với các sự kiện và biến cố, trạng thái và cảm xúc, được tái hiện lại thông qua lời mo hát kể. Thông qua thế giới của Lời, dằng dặc quá khứ được đặt để ngay trong hiện tại.

Ma thuật Lời: đa giọng điệu và sự lặp lại của Lời

Với đặc trưng giao tiếp nổi bật, nghi lễ Thái luôn tính đến yếu tố rủi ro của cuộc giao tiếp, với nguy cơ về sự thất bại trong quá trình thương lượng của mo với các phi. Chính vì thế, phương thức, chiến lược sử dụng lời, với sự thay đổi trong các giọng từ tâm tình, thủ thỉ, khuyên nhủ (thường sử dụng khi nói với ma hồn và ma tổ tiên) đến thương thuyết, thương lượng (thường dùng với các phi trong tự nhiên, với các thần bản mường), thậm chí lập giao kèo, đe dọa (đặc biệt với các loại ma dữ) và sự lặp đi lặp lại của một số lời, được xem là nhằm xác tín thêm cho hiệu quả của cuộc giao tiếp, cũng như nhằm giảm thiểu rủi ro của sự thất bại này. Điều đặc biệt còn nằm ở chỗ, việc sử dụng các giọng giao tiếp này là rất linh hoạt và có tính tùy biến. Lời thủ thỉ với ma hồn (phi khuân) có thể biến thành lời đe dọa khi mo chỉ ra các nguy cơ ma hồn có thể gặp phải nếu mải chơi hay tự ý rời bỏ thân thể, chẳng hạn bị ma dữ bắt, bị lang thang, đói rét,... Có thể nói, tính mục đích tình huống là nguyên cớ chính dẫn tới loạt đặc trưng này của Lời trong ma thuật Thái.

Trong các bài cúng, phần mo giao tiếp với các chủ mường tâm linh về một vấn đề cụ thể nào đó của cá nhân, gia đình hay bản mường, giọng và lời thương thuyết/ thương lượng/ giao ước thường được mo sử dụng. Mo là chủ thể thương thuyết, đối thoại và thuyết phục các đối tượng cần hướng tới (các phi). Tuy nhiên, với từng loại phi, cách thương thuyết có khác biệt. Chẳng hạn, với phi đẳm tổ tiên trên mường trời, lời mo thủ thỉ: "Đẳm đừng bàn lời nặng/ Đừng nói lời dầy/ Làm lòng rộng như hồi còn sống/ Lòng kiểu như hồi còn (là) người/ Đừng làm cho con của người đương sống/ Đừng ghét cháu người đương ăn đương ở/ Đẳm thả con - người quý/ Thả cháu người thương/ Về với nhà với cửa (…) Đừng bàn lời dầy/ Đừng nói lời nặng gì nhé/ Hãy tốt lòng như khi còn sống/ Rộng lòng như khi còn là người nhé (Cầm Hùng 2013: 54). Với ma nhà (phi hươn) là lời thương lượng: "Đừng bắt bẻ lắm điều/ Đừng quấy quả người làm mo/ Đừng làm hại cho chủ áo/ Quấy quả con cháu, con cháu sẽ không dâng thờ/ Làm hại mo mo sẽ không khấn mời/ Đừng cố chấp, bắt bẻ lắm điều nhé" (Hoàng Trần Nghịch 2014: 133). Với vị Then lớn trên trời (Then Luông), mo nói lời xin: "Ăn xong lấy thần ở dưới giúp sức/ Then trên trời che chở([12])/ Che chở tạo chủ áo/ Che chở dân trong bản trong mường/ Che chở cả lũ trẻ đang lớn/ Chr chở cả người nhỏ mới sinh (…) Cho tốt đẹp cả bản/ Cho tốt lành cả mường". Với các vị Then khác, lời xin có kèm giọng thương lượng: "Ăn rồi lấy rồi, cơm ăn xong nhớ kĩ/ Canh ăn xong tạc dạ/ Đừng cố chấp nhắc lại việc cũ/ Đừng trách người làm mo/ Đừng hại ông chủ áo/ Ăn rồi lấy rồi nhé/ Hãy về nơi ông ở nhé" (Lường Thị Đại, Lò Xuân Hinh, 2009: 224-225).

Với riêng các ma dữ, lời thương thuyết của mo rất cứng rắn: "Ma pái ăn rồi ma pái đi/ Ma ha ăn xong ma ha biến/ Ma cuối nguồn hãy trở về cuối nguồn nhanh nhanh/ Ma đầu mường hãy trở về đầu mường mau lẹ/ Đừng phiền người làm mo/ Đừng hại ông chủ áo" (hát xong, mo ném miếng thịt miếng xôi lên phía trên, rồi ném tiếp xuống phía dưới). Quyền uy của mo thể hiện trong lời giao tiếp với các "thần thuồng luồng, rắn rết, thần cổng bản cổng mường": "Ăn xong phải nghe lời/ Ăn no phải thuần tính/ Bảo thần ăn, thần ăn/ Ăn xong phù hộ cho chủ áo (…)/ Ăn xong đóng cổng bến cho chặt/ Chèn cổng mường cho chắc/ Đừng để ma ha xấu lọt qua/ Đừng để ma póp bẩn lọt vào (…) Đừng trách người làm mo/ Đừng phiền ông chủ áo" (Lò Văn Lả 2013: 382-383-384).

Trong lễ cúng với con ma người tình (phi chuông), thầy mo đổi giọng và lời tùy theo tình thế và tình hình diễn ra trong lễ khi việc nắm bắt đã được xác tín thông qua các thao tác bói. Có lúc, mo hát xướng theo giọng giao duyên trong tiếng sáo thổi du dương, với lời hát kể lại chuyện tình xưa và mối duyên đã dứt: "Tình ta phai theo mưa/ Nguội lạnh theo gió/ Nay chẳng còn gì vấn vương/ Nay em đã gánh nước lên nhà người khác/ Đã trở thành vợ thương vợ yêu của người khác/ Chẳng còn nơi để anh nhớ/ Không còn chỗ cho anh thương/ Ta bỏ nhau như hái trái dưa/ Chẳng còn gì luyến tiếc/ Như người buôn bỏ lều trú tạm/ Chẳng còn gì nhớ thương (…)/ Lời nói đã hết lẽ/ Nay ta rẽ nhau như sông chia nhánh/ Mỗi người đi một ngả/ Mày trở về mường trời/ Hồn tao trở về nhà với chủ/ Mày đi đi". Nếu bói thấy ma chuông vẫn chưa chịu, lời hát xướng của mo đổi thành lời quyền uy: "Rùa mu cứng cũng nghe lời ta/ Rắn nằm vòng cũng nghe lời ta/ Nhái lưng vằn cũng nghe lời ta/ Ốc đít xoáy cũng nghe lời ta/ Tại sao mày còn lưỡng lự/ Có gì băn khoăn/ Chủ áo ta ghét mày như ghét giun/ Tởm mày như giòi bọ/ Sợ mày như rắn trăn/ Còn chần chừ gì nữa/ Mày về đi! Lên mường Bôn/ Chọn lấy gái mường Bôn làm bạn/ Gái mường trời làm người yêu/ Hãy nghe lời mo lớn ra răn/ Nghe lời phìa lao ta dặn". Sau khi bói và thấy được như ý, tức hồn ma nhận quay lại mường trời, mo cẩn thận làm nghi thức giao ước chính thức: "Hãy cùng nhau cắt cổ gà lấy máu/ Ta cùng nhau ăn thề/ Mười năm thành người khác/ Trăm năm thành người lạ/ Gặp nhau ở đường gộp không được ngoái nhìn/ Gặp nhau ở chốn đông người không được đến hỏi" (dẫn theo Cà Chung 2019: 153-160).

Sự lặp lại của Lời thể hiện trong các nghi lễ Thái có thể xem như một thủ pháp để tạo hiệu quả ma thuật. Lặp đi lặp lại một cụm từ là tùy theo và nhằm hướng đến mục đích cụ thể nào đó tại một chặng lễ. Chẳng hạn, khi cần thể hiện uy quyền, mo thường nói: "Ta đây là con của chủ trời/ Ta là con út của phi Then", rồi sự lặp đi lặp lại của lời kèm thao tác: "Then bảo ta chém, ta chém/ Then lớn cho ta giết, ta giết". Mời ma tổ tiên trên trời về ăn, thưa chuyện giúp chủ áo nhưng mo không quên dặn đi dặn lại: "Nghe thấy câu khấn thì các đăm mới được tỉnh/ Nghe lời thức thì các đăm mới được dậy", "Ba mươi năm mới đòi ăn cơm/Chín kiếp trời mới được đòi ăn trưa". Dặn như thế bởi trong tâm thức, người Thái tin rằng, không duyên cớ mà phi thức dậy, ma tổ tiên về đòi ăn, nhất định sẽ có chuyện không hay xảy đến với gia đình, bản mường. Lời giao kèo cũng được mo nhấn mạnh liên tục và nhiều lần trong lễ, sau khi tổ tiên đã ăn, đã nhận bạc tiền vải vóc: "Nhận rồi lưỡi không được lật lọng/ Hãy hiểu biết như khi còn là người". Và như trong lễ cầu mưa, với mục đích là "làm mưa xuống", lời ma thuật: "Mưa rồi, mưa to rồi" được lặp đi lặp lại nhiều lần trong các chặng của lễ, trong lời của bà góa, trong lời của đoàn người khi bị té nước,… như sự khẳng định về một thứ thực tại được tin rằng sẽ diễn ra trong tương lai.

Trong các bài bùa, cụm từ công thức được mo lặp đi lặp lại "Ộm! Xốp cù dằm, Quam cù khớt/ Ộm cù dằm", kèm theo đó là hành động vỗ tay rồi miệng lẩm nhẩm vào vật gì đó (bùa vải, bát nước)([13]). Ngôn từ công thức lặp đi lặp lại, kết hợp với các hành động phù, thổi, chém,… kiến tạo nên tính thiêng, uy lực cho mo và hành động nghi lễ, với một mục đích hướng đến là làm cho phi sợ. Đây có thể được xem là một dạng lời ma thuật - công thức ngôn từ để thiêng hóa mọi thứ liên quan đến nghi lễ.

Chuỗi lời, chuỗi hành động tương đồng và tính mục đích trong ma thuật Thái

Theo cách Tambiah (1968) đã cảnh báo, Lời ma thuật sẽ không thể được phân tích nếu tách rời khỏi bối cảnh, đặc biệt bối cảnh hành vi, và ngược lại, hành động ma thuật cũng không thể được soi chiếu nếu thiếu thế giới của Lời. Với ma thuật Thái, Lời mang lại các chú giải về nghĩa cho hành động, trong nhiều trường hợp là theo cách rất rõ ràng. Chẳng hạn, trong lễ cúng ma tình yêu (xên chuông) có tiết đoạn rất quan trọng: chém dê. Sự xuất hiện của con vật này được Lời giải thích rằng, ma tình yêu trên mường trời: "đòi lấy sơn dương sừng dài/ Dê đực khoang to về thay người tình" (Cà Chung 2019: 151). Coi việc bị ma tình yêu bám theo là một vận hạn trong đời, người ốm được đưa xuống ngồi dưới sân, tay cầm theo dây khớ tượng trưng cho dây số mệnh của mình. Vì người đang lúc ốm đau vận hạn nên dây được xem là đang rối, xấu. Dây được nối từ tay chủ áo sang tới sừng dê, và sau khi mo hát lời giao kèo, ăn thề với ma chuông trước lúc giao nộp: "Hãy cùng nhau cắt cổ gà lấy máu/ Ta cùng nhau ăn thề/ Mười năm thành người khác/ Trăm năm thành người lạ/ Gặp nhau ở đường gộp không được ngoái nhìn/ Gặp nhau ở chốn đông người không được đến hỏi" (Cà Chung 2019: 160), mo dùng kiếm chém sợi dây vận hạn rồi thu dây cuộn vào sừng dê. Lời hát xướng tiếp tục giải thích: "Một ta chém sơn dương không báo trời/ Giết dê đực khoang không báo Then/ Then lớn bảo ta chém, ta chém/ Chủ trời bảo ta giết, ta giết" (Cà Chung 2019: 162), và kèm theo đó là hành động chém cổ dê, cũng là chính thức giao nộp dê cho ma chuông. Không dừng lại ở đó, để đuổi chuông đi sau khi đã cam kết, mo dùng dao nung đỏ, gí vào bát nước cho kêu xèo xèo, bốc khói lên rồi hát xướng: "Ma có rời thì rời/ Không ra phìa lao sẽ đốt/ Không rời phìa lao sẽ chém" (Cà Chung 2019: 165). Lời "Khi lên ma đi đường cửa sổ/ Mo đuổi ma đi theo lỗ giát/ Đi đi…" (Cà Chung 2019: 165) được nối theo cùng hành động mo ném dao đuổi theo hướng lỗ giát, dùng 3 ngọn lá nát trị ma nhúng vào bát nước đến phủi, rũ cái xấu, cái hạn cho người ốm. Sau khi hát xướng để giải đi cái hạn cái ốm, cái đau cái xấu của chủ áo vào chiếc bè mang thả suối trả lại cho Then khọk trên mường trời, mo ném cái bát qua xà nhà để xem sứt mẻ, lành vỡ, cũng là để bói xem sau lễ, tình trạng của chủ áo sẽ ra sao: "Bát lành lặn không vỡ/ Báo cho biết tốt lành/ Bát sứt mẻ nằm úp/ Chưa trọn vẹn niềm vui" (Cà Chung 2019: 171-172). Lời, như thế, đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ ra và hiện thực hóa thứ mục đích mà hành vi, nghi lễ ma thuật hướng đến.

Cho vay hiện thực vào nghi thức: 'sự dư thừa' hay 'ngân hàng ký ức'

Những nghiên cứu về ngôn ngữ ma thuật chỉ ra một vấn đề nổi bật về một phương thức "cho vay hiện thực vào nghi thức" (Tambiah, 1968) - tức là một thế giới thực được tạo dựng trong các nghi lễ thông qua Lời, và điều này góp phần mang lại tính ma thuật, cũng là hiệu quả ma thuật cho Lời trong nghi lễ. Thứ thực tại rất phong phú của đời sống thể hiện trong nghi lễ ma thuật chứa đựng một 'kho lưu trữ thông tin' (store of information) hay 'ngân hàng ký ức' (memory bank). Thứ phương tiện lưu trữ bằng và qua ngôn ngữ này thể hiện đặc biệt rõ nét trong ma thuật Thái.

Trong nghi lễ lên nhà mới, Lời ma thuật do mo hát xướng kể lại toàn bộ quá trình dựng ngôi nhà sàn truyền thống Thái, kể từ khi bói chọn đất hỏi phi đin (thần đất), đến khi vào rừng kiếm cột chủ xau hẹ rồi dần gom các cột khác; lời xin thần đất thần rừng, hồn vía cây để đốn và mang cây gỗ về; cách lắp mộng kiểu làm nhà của người Thái thế nào, cách lúng ta cho hạt giống và khụt xanh (đồng bạc) trên cột chủ; cách đặt bếp, trải chăn đệm chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà,… Tức là, toàn bộ tri thức bản địa của người Thái về việc dựng nhà cùng ý niệm của người Thái về các nguy cơ trong ngôi nhà được chỉ dẫn rõ ràng trong lời hát xướng. Các nguy cơ này, hay các hình thức ma thuật tiên phong/ tiên liệu theo cách Malinowski (1965) đã nói - loại ma thuật tập trung vào các tình huống có thể sẽ xảy ra - được thể hiện thông qua các hình thức như: đuổi các loại ma dữ trước khi người đầu tiên bước chân lên, đọc bài trừ ma kèm thao tác lấy bó lá nát vẩy nước vo gạo, để ngôi nhà nơi chứa đựng hồn của cả gia đình được tốt được lành. Điều đặc biệt về Lời trong các nghi lễ ma thuật Thái biểu hiện rất rõ ở khía cạnh này - các nguy cơ, những điều xấu có thể xảy ra trong tương lai sẽ được nói thẳng trong lễ, với mục đích chỉ dẫn và ngăn chặn. Vì thế, không ngạc nhiên khi trong lễ mừng gia chủ lên nhà mới, thầy mo cúng có câu: [các phi phù trợ đừng để] "Con gái trong nhà khỏi chết khi nằm ngửa/ Con trai trong nhà khỏi chết tắm trong vũng máu" (Cầm Trọng 1978: 471). Hay trong nghi lễ hôn nhân, lời cúng của thầy mo Thái có đoạn: [các phi tổ tiên ăn rồi phù trợ cho đôi vợ chồng] "Thành đôi vịt không mất con nào, thành đôi chồng vợ không bị mất một ai cả, nuôi con cả không có bệnh, nuôi con út không có tật gì" (Tư liệu điền dã tại Bắc Yên, 8-9/12/2018).

Tương tự, hệ thống các lễ cúng dành cho phụ nữ trước và sau sinh cũng chứa đựng các tri thức, tập tục của người Thái liên quan đến việc sinh nở. Nghi lễ trước sinh, lời mo tập trung vào cuộc giao tiếp với vị Then Bảu đúc hồn vía nặn hình hài cho con người; vào việc gom hồn vía của người phụ nữ về tụ lại đầy đủ trong sinh thể để chuẩn bị cho cuộc 'vượt suối', vì đẻ không được là mẹ phải chết theo (ók bấu đảy pá tai); vào cuộc giao tiếp - thương lượng (mời ăn, cúng vịt, làm làm hài lòng và lập giao ước) với con phi pái (ma chết đường sinh) và phi cướt (ma trẻ ranh), hai loại phi hại liên quan và đe dọa trực tiếp tới cuộc sinh nở. Hệ thống các lời bùa và tình thế được mo sử dụng khi sản phụ sinh khó cũng cho thấy các kiến thức y học sinh nở của người Thái. Trường hợp bà đẻ đau dữ dội, đầu trẻ chưa xuống, thầy mo tay cầm bát nước lã đưa lên ngang miệng, đọc bài bùa trong miệng 3 lần rồi cho uống 3 ngụm, đồng thời lấy tay nhúng nước bôi vào bụng sản phụ, vừa bôi vừa vuốt xuôi xuống: "Ộm! Ta sẽ cởi con người trong bụng/ Cởi con đừng bám đừng vịn/ Then cho ta nói/ Chủ trời bảo ta bùa, ta bùa/ Ta sẽ cởi người ở trong bụng/ Cho xuống trơn như trạch/ Cho xuống nhanh như rắn/ Ta cởi đừng vướng mắc/ Mềm nhũn như rau đồ/ Miệng ta thiêng/ Lời ta chặn… Ộm!" (Lường Thị Đại, Lò Xuân Hinh 2010: 230). Hay khi sản phụ sinh xong mà nhau thai khó ra, mo sẽ đọc bài măn pốt hé (cởi nhau). Mo thổi vào bát nước lã cho sản phụ uống, lấy tay nhúng nước xoa bụng và vuốt xuống, miệng đọc: "Ộm! Chặn vía chặn nước/ Chứa đựng giặc ở trong bụng/ Then bảo ta giải/ Rau đừng bám đừng vịn/ Tụt xuống như tước dây gai/ Ta cởi rau đừng bám đừng vịn/ Then trên bảo ta nói/ Chủ trời bảo ta bùa, ta bùa/ Lời ta thiêng… Ộm!"(Lường Thị Đại, Lò Xuân Hinh 2010: 233). Lời bùa còn sử dụng hình ảnh tương tự để hướng tới mục đích cởi nhau - tụt nhanh như tước dây gai, đảm bảo việc nhau ra nhưng 'vía, nước' trong bụng vẫn phải được chặn lại, vì nếu ra hết thì băng huyết đến chết. 

Hệ thống các lễ cúng sau sinh với lời mo hát xướng trong từng lễ là một kho thông tin và tri thức về các vấn đề lên quan đến quá trình nuôi dưỡng trẻ và chăm sóc sản phụ. Hiện tại, sau khi sinh tại bệnh viện, sản phụ Thái thường được thu xếp để nằm lửa (nhá pháy) cạnh bếp lửa từ 3-5 ngày, sau đó mới vào buồng riêng. Tháng đầu, mo làm lễ tam khuân nọi (cúng hồn trẻ sơ sinh), trẻ chỉ được ăn trứng, chưa được ăn gà lợn như người trưởng thành. Nắm cơm, trứng, cá được đặt trong cái rổ con. Lời bà mo cúng và thao tác ma thuật: "Chủ áo nàng ơi, có tóc mới búi lên, có vú mới có con, được chín tháng đợi, được mười tháng mong, mới được bé nhỏ vào ẵm vào bế, muốn cho tốt hai đằng, muốn cho lành hai bên, mới có xôi có trứng có cá, cá mom nơi đầu thác, cá chát nơi vũng sâu, có cả đĩa trầu cau đến lễ, vú bên trái ăn cá, vú bên phải ăn trứng, bế con sát vào người, yêu con ôm vào sát nách. Vú có gai chọc mắt mo cắt, vú mọc sừng chọc má mo cắt". Đến đây, bà mo lấy kéo cắt nhát làm phép trước ngực sản phụ, vừa cắt vừa nói: "Ngón út đừng đẩy con ra, khuỷu tay đừng buông con xuống, bế con yêu cho chặt, thương con ôm sát mình". Nói xong, bà mo bỏ kéo xuống rổ và tiếp tục hát xướng: "Vú bên trái cho sữa chảy như nhựa cây sung, vú bên phải cho sữa chảy như nhựa cây vả cây dưỡng" (Dẫn theo phóng sự "Tập tục sinh đẻ của người Thái Đen", kênh Hát Thái TV, ngày 17/7/2018).

Sau lễ cúng vía vú, bà mo làm lễ cúng vía chăn vía đệm (tam khuân sứa khuân phá) cho em bé ăn no ngủ kĩ, không khóc đêm. Bà mo cầm trên tay đĩa trứng, xôi và một cái kéo, đặt rổ đồ trên giường chỗ bé nằm, đứng bên cạnh giường, hướng vào chăn đệm, hát xướng: "Đứa bé vào nằm đệm viền vàng, vào nằm đệm viền đen, vào nằm đôi cùng mẹ, cho bé ngủ say nơi gối, bé ngủ tốt nơi đệm, hãy ăn trứng gà lòng đỏ, ăn cả miếng xôi nương nếp dẻo, miếng xôi ruộng nếp ngon, đừng để bé khóc hờn trong màn, đừng để bé khóc dai trong chăn, mẹ đến thức mới dậy, mẹ đến gọi mới tỉnh, mẹ đi đâu khắc về…". Mo còn cúng vía võng vía địu (khuân ú khuân đa) trước khi cho bé tiếp xúc, vì xem võng, địu là nơi mới lạ nên hồn vía trẻ còn chưa quen: "Bà chủ võng khéo đưa, bà chủ địu khéo ôm khéo cõng, bé nhỏ mới sinh, trai nhỏ mới lọt, vừa mới được ngày cũ qua kia, đứa bé vào nằm võng, dây võng chắc mới đu, dây địu to mới cõng, dây võng đừng để rơi nơi rừng gianh". Mo vừa nói vừa véo miếng xôi nhỏ, vê lại cùng miếng trứng rồi cài vào viền võng, chỗ dây lạt buộc: "Dây địu đừng để rơi nơi rừng già, để thành người mường bản cùng biết, để có tiếng mường bản cùng hay". Bà mo lại véo miếng xôi nhỏ, vê lại cùng miếng trứng rồi cài vào viền võng, chỗ dây lạt buộc. (Dẫn theo phóng sự "Tập tục sinh đẻ của người Thái Đen", kênh Hát Thái TV, ngày 17/7/2018).

Hệ thống tri thức và tục lệ về hôn nhân, tang ma cũng hiển lộ qua lời hát xướng diễn ra trong những sự kiện này. Trong đám tang Thái, lời hát xướng, lời mo không chỉ nói về cuộc đời của một con người kể từ khi còn trong bụng mẹ đến lúc chết đi; về nỗi xót thương của hồn vía người sống lẫn hồn ma người chết khi phải nói lời chia lìa; mà cả một hệ thống tri thức Thái trên nhiều phương diện được truyền tải và lưu giữ. Sự tồn tại của một con người với các nhu cầu về mặt vật chất - hệ thống các đồ dùng dụng cụ cho lao động sản xuất, trâu bò để giúp việc cày bừa, một ngôi nhà để ở, vải vóc, chăn đệm, bát đĩa, tiền bạc, xe cộ, điện thoại, ti vi, đài cassette… hiển lộ qua lời hát xướng, qua nhiều các bước lễ trong tang ma. Chuẩn bị giao nộp mọi đồ đạc, của cải cho ma hồn người chết, tạo dựng cuộc sống mới cho họ tại mường dành cho ma hồn, cũng đồng thời gián tiếp nói tới một hệ thống những đồ thiết yếu với cuộc sống của con người trong thực tại. Ma được đưa vào gian hóng trong nhà, gia nhập đẳm tổ tiên cũng cần phải "Hiểu biết như khi còn là người", che chở cho con cho cháu, cho họ hàng, cho bản mường được khỏe mạnh, yên lành.

Kết luận

Như vậy, Lời trong nghi lễ ma thuật không đơn giản chỉ là các ngôn từ được nói ra mà ôm chứa trong đó tính mục đích cụ thể cùng các nguyên tắc về mặt ngôn ngữ và văn hóa. Diễn giải Lời ma thuật không thể nhấc riêng lời ra khỏi các lớp bối cảnh về tâm linh, văn hóa và tình huống mà cần đặt trong một hệ thống tổng thể để có thể hiểu về nghĩa của Lời. Với riêng Lời trong ma thuật Thái, một hệ thống chiến lược về Lời được xây dựng một cách đầy chủ đích, nhằm biến thế giới Thái phù hợp với Lời, mang lại các hiệu quả cụ thể trong từng bối cảnh tình huống và nghi lễ. Với đặc trưng giao tiếp của nghi lễ Thái, Lời trở thành một phương tiện tối quan trọng, giúp con người khắc phục các hạn chế về thời gian, không gian và hành động nhằm hướng tới những mục đích mong muốn cuối cùng trong công cuộc tương tác với thế giới siêu linh. Ngoài việc được xem như một thứ hành động hướng đến và nhằm đạt tới những mục đích cụ thể, Lời trong ma thuật Thái còn là một 'ngân hàng' lưu trữ các ký ức, các thông tin, tri thức bản địa và nhiều phong tục tập quán Thái. Lời ma thuật trở thành một kênh thông tin hữu ích giúp trao truyền, nhận diện thế giới và đời sống Thái.

 

 

 

Chú thích

 

(1) Câu nói của Tambiah (1968: 188).

(2) Phép tương đồng (analog): lời, hành vi và phương thức tạo ra hành động nhằm hướng đến một kết quả mong muốn tương tự trong thực hành ma thuật. Phép tương đồng được xem là phương thức tư duy phổ biến và mấu chốt trong quá trình hình thành nên một hành vi hoặc nghi lễ ma thuật trong hầu khắp các không gian văn hóa. Về vấn đề này, xin xem thêm Đỗ Thị Thu Hà (2020).

(3) Trong văn bản gốc, Tambiah viết: "Malinowski made no distinction between 'langue' and 'parole', language and speech" (Tambiah 1968: 185).

(4) Tài liệu Tambiah dẫn trong phần tham khảo:  Leach, Edmund (1964), "Anthropological aspects of language: animal categories and verbal abuse". In New directions in the study of language (ed.) E. H. Lenneberg. Cambridge, Mass.: Massa- chusetts Institute of Technology Press.

(5) Tambiah (1968: 188) xem đây là điểm phân biệt mấu chốt giữa lời ma thuật và lời thông thường - biến thế giới phù hợp với lời (get the world to conform to words) và làm lời phù hợp với thế giới (get words to conform to the world).

(6) Xem thêm Lò Vũ Vân (2011).

(7) Các thông tin trong bài cúng cho biết, khi bị bụi hạn của Then gieo trúng, người sinh ốm đau, mất ngủ, làm gì cũng không được không nên, và đây cũng chính là quãng thời gian mà hồn vía trong cơ thể dần rời bỏ, lang thang lạc tới các mường khác nhau. Vì thế, để trả lại bụi hạn cho Then cũng là gom tìm hồn vía về lại để sinh thể khỏe mạnh như bình thường.

(8) Đội quân này vẫn được dịch ra tiếng Kinh là 'âm binh', nhưng khái niệm này không thực sự chuẩn xác. Nguyên văn câu mà mo sử dụng là "Lã khuồn hùa koàn mường hà chạu" (câu này được dịch là "Mũ đội đầu chiêu tập âm binh", bản dịch của Cà Chung (2019: 22). Nhưng từ chạu ở đây nghĩa đen trong tiếng Thái là 1. Sai, khiến (đi làm việc gì đó). 2. Phụ việc (phục dịch hoặc tôi tớ làm gì đó). Có thể hiểu đây là đội quân hồn được mo sai khiến, cùng mo đi đến các nơi, hỗ trợ mo làm các việc. Lời mo trong ứng xử với đội quân hồn này cũng cho thấy quyền năng và vị thế của mo trong việc "toàn quyền sử dụng" đội quân vào mọi việc trong các lễ; sự răm rắp tuân thủ lời mo trong các bối cảnh (đi lùng tìm hồn, bảo vệ hồn, không động chạm đến bất kì thứ gì tại các nơi đến); đồng thời mo luôn phải đảm bảo rằng, đội quân này được ăn uống trước khi vào việc, được tắm gội sạch sẽ và được thết đãi, được gia chủ và chính mo cảm tạ sau khi hoàn thành các công việc được giao. Các lễ cúng Thái vì lẽ đó, luôn có một mâm cúng riêng dành cho đội quân này của mo, với bát gạo có quả trứng và vòng bạc nằm ở trung tâm của mâm lễ.

(9) Chủ áo "Không muốn ngã mới chạy nương voi/ Không muốn chết mới xin tựa rồng/ Muốn qua khỏi vận hạn/ Mới nhờ quân ta cứu vớt/ Họ đem trầu cau tới tận nhà/ Van quân ta diệt ma tà/ Tìm cho được hồn về với chủ" (dẫn theo Cà Chung 2019: 26).

(10) Tức nộp chuông tháy khuần, tháy nghĩa đen trong tiếng Thái là 'chuộc'.

(11) Ông mo Biêu (Thuận Châu) kể, trong một lần cúng phi chuông, con phi cứ đòi ông hát mãi mà không chịu rời đi, may mà thời trẻ ông hát giao duyên rất nhiều nên mới có đủ vốn mà đấu với nó. Còn mo Hiễn (thành phố Sơn La) bảo, đấu với phi chuông mà mình dừng trước, hát chưa đủ thì mình thua nó (con phi chuông), và chủ áo mình cúng sẽ gặp nguy hiểm, chỉ có chờ mà chết thôi (Tư liệu điền dã 6/2018).

(12) Từ trong tiếng Thái: khũa (chăm sóc), khum khuôm (tiếng Thái Phù Yên = che chở).

(13) Dăm/ dằm có 3 nghĩa: 1. Cất giấu, 2. Có công hiệu, 3. Thiêng liêng. : tôi/ tao. Ộm! Thiêng. Ộm cù dằmỘm! tôi làm thiêng, tôi cất giấu, tôi có công hiệu - thể hiện sức mạnh của mo trong việc dọa ma. Ộm khớt/ Ộm dằm/ Ộm! Xốp cù dằm, Koãm cù khớt - miệng ta thiêng, lời ta linh nghiệm. Trong Lời bùa vào nước chữa đau bụng, mo vỗ rồi nói: “Linh thiêng! Tay trái ta cầm bát thuốc tiên/ Ta phải ta cầm bát nước niệm bùa/ Uống nước xuống cổ ma đau bụng ra ngay/ Ma cà rồng ngấp ngó chạy ra xa/ Ma rừng, ma núi đều chạy cả/ Ma gan lì không chạy/ Ta sẽ vung kiếm chém đầu”.

 

 

Tài liệu tham khảo

1. Appiah-Sekyere, P., George Anderson Jnr. (2013), "Magic and Miracles in Ghana: A Critical Examination", In Research on Humanities and Social Sciences, Vol.3, No.11, 2013.

2. Bailey, Michael D. (2006), "The Meaning of Magic", in Magic, Ritual, and Witchcraft 1(2006): 1-23.

3. Barnard, Alan, Roy Willis and Jonathan Spencer (2003), Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology, London: Routledge.

4. Cà Chung (2019), Cúng ma tình yêu (Xền chuông), Nxb Hội nhà văn, Hà Nội.

5. Lương Thị Đại (Sưu tầm - biên dịch) (2005), Tang lễ của người Thái Trắng, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

6. Lương Thị Đại, Lò Xuân Hinh (2009), Lời ca trong lễ xên bản xên mường của người Thái, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.

7. Lường Thị Đại, Lò Xuân Hinh (2010), Tục lệ sinh đẻ của phụ nữ Thái, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.

8. Frazer, James (2007[1890] [1922]), Cành vàng (The Golden Bough), Ngô Bình Lâm dịch, Nxb Văn hóa Thông tin và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội.

9. Đỗ Thị Thu Hà (2020), "Phép tương đồng và quá trình tạo nghĩa hành vi trong ma thuật Thái (trường hợp người Thái ở Sơn La)", Tạp chí Nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, số 4 (190), 9/2020, tr.18-32.

10. Havilland, A., Harald E.L. Prins, Bunny McBride, Dana Walrath (2010), Cultural Anthropology: The Human Challenge, Wadsworth Publisher; 13th edition.

11. Cầm Hùng (2013), Xên quải, xên quát của dân tộc Thái vùng Tông - Panh, Nxb Thời đại, Hà Nội.

12. Malinowski, Bronislaw (1965), Coral gardens and their magic: A Study of the Methods of Tilling the Soil and of Agricultural Rites in the Trobriand Islands, printed in Great Britain by Unwin Brothers Ltd., Woking, scanning by Osmania University.

13. Middleton, John (2005), "Magic: Theories of Magic", in Encyclopedia of Religion.

Hoàng Trần Nghịch (2014), Xên tống ký, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.

14. Stein, Rebecca L., Philip L. Stein (2016[2005]), The Anthropology of Religion, Magic and Witchcaft, Third edition. Abingdon, Oxon; New York, NY, Routledge.

15. Tambiah, Stanley (1968), "The Magical Power of Words", in Man, New Series, Vol. 3, No. 2 (Jun., 1968), pp. 175-208, Published by: Royal Anthropological Institute of Great Britain and Ireland Stable.

16. Tambiah, Stanley (1985[1973]), "Form and Meaning of Magical Acts", in Culture, Thought, and Social Action: An Anthropological Perspective, Harvard University Press.

17. Teijeiro, Manuel García (1993), "Religion and Magic", in Kernos [Online], 6(1993), pg.123-138.

18. Cầm Trọng (1978), Người Thái ở Tây Bắc Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.

 

Nguồn: Bài viết in trong: Tạp chí Nghiên cứu văn hóa Việt Nam, Số 2 (194) 2021, tr.14-28

 

 

Post by: admin
02-07-2021