Đa văn hóa là một hiện tượng xã hội có từ thuở xa xưa. Khi có các nền văn hóa tiếp xúc và tiếp biến với nhau thì sẽ xảy ra hiện tượng đa văn hóa. Nhưng đa văn hóa trở thành một lý thuyết, thậm chí một cương lĩnh cho hành động thì phải đến xã hội hiện nay của chúng ta. Trước hết nó bắt nguồn từ xã hội đa văn hóa của Bắc Mỹ (Hoa Kỳ và Canada) giữa những năm 60 TK XX. Vào thời đó, nhằm đem lại một giải pháp cho các xung đột ngôn ngữ Pháp - Anh, các giới cầm quyền liên bang ở Ottawa công khai nói lên ý định thừa nhận bản chất đa văn hóa của xã hội Canada. Cương lĩnh ấy đã được Pierre Eliiot Trudeau (thủ tướng Canada hồi đó) theo đuổi trong những năm 70 TK XX, cuối cùng đã mang một chiều kích hiến pháp năm 1982. Cùng lúc đó, ở Hoa Kỳ, trong sự nối dài những cuộc đấu tranh của người da đen vì các quyền công dân của họ, ý tưởng cho rằng các thiểu số ngôn ngữ, tộc người, tôn giáo, thậm chí tình dục, là nạn nhân của một sự bất công chừng nào văn hóa của họ chưa đạt tới trình độ được thừa nhận ngang với văn hóa của đa số da trắng, nói tiếng Anh và theo đạo Tin lành, đã được phát triển trong các giới trí thức và đấu tranh. Giành cho được sự thừa nhận ấy, điều chỉnh những bất công và định ra những phương tiện để cho những văn hóa khác nhau ấy cùng tồn tại, đó là những lý tưởng chính thức đẩy lý thuyết đa văn hóa, hiểu theo nghĩa một học thuyết, vượt khỏi trường hợp riêng của Bắc Mỹ.
Thực ra, trong thực tế bao giờ cũng có nhiều hơn các xã hội đa văn hóa. Các xã hội được coi là thuần nhất về mặt văn hóa chiếm dưới 10% số nước trên thế giới. Bởi vậy, tư tưởng đa văn hóa luôn trở thành một sự quan tâm thích đáng, thậm chí một "đao đầu" trong đường lối chính sách của các quốc gia đa dân tộc này. Vì thế, từ TK XIX, những nỗ lực của các nhà nước đó đã hướng vào việc giảm bớt những khác biệt văn hóa và đồng nhất hóa các dân cư ngoại lai muộn (populations allogenes).
Tại sao có sự biến đổi này? Các lý do trước hết nằm ở một nhận xét: từ những năm 70 TK XX, các vấn đề căn tính chủng tộc, tộc người và ngôn ngữ, trong các chế độ dân chủ phương Tây cũng như trong khối Xô viết cũ, là những nguồn xung đột và yêu sách ngày càng tăng. Khắp nơi trên thế giới, các dân cư bản địa, các thiểu số tôn giáo đa ngôn ngữ các nhóm nhập cư, đã biểu hiện một cách nhiều hay ít triệt để những mong muốn thấy văn hóa của mình được thừa nhận. Mặt khác, sự tồn tại của các thiểu số đặt ra một vấn đề về công bằng xã hội: trong một nước dân chủ, sự thực hành một tôn giáo hay một ngôn ngữ về nguyên tắc là tự do. Nhưng có đúng không khi không ủng hộ ngang nhau đối với mỗi tôn giáo hay ngôn ngữ, qua nhà trường và những sự giúp đỡ công cộng. Thuyết đa văn hóa chỉ tập hợp các học thuyết chính trị và triết học chủ trương rằng, trong một tinh thần công bằng xã hội và khoan dung, các văn hóa riêng của một nhóm xã hội phải được thừa nhận công khai.
Lý thuyết đa văn hóa, do đó, tự coi mình như một sự thay thế cho ý tưởng nói rằng sự cố kết dân tộc chỉ có thể có được bằng sự tham gia của tất cả mọi người vào một văn hóa thống trị hay chính thức. Trào lưu suy nghĩ và thực hành chính trị này khẳng định rằng tính đa dạng văn hóa là một điều rất tốt, tất cả các văn hóa đều ngang nhau về phẩm giá, một thiểu số không bắt buộc phải từ bỏ sự phát biểu công khai về ngôn ngữ và phong tục của mình, và cuối cùng, việc bảo tồn văn hóa của mình là một quyền cá nhân, ngang với sự tự do ngôn luận của cá nhân đó.
Dù vậy, lý thuyết văn hóa không phải được đồng thuận ngay khi nó ra đời. Từ những góc nhìn khác nhau người ta có những quan điểm khác nhau. Từ đó mà dấy lên các cuộc tranh luận. Vào đầu những năm 80 TK XX, việc tìm kiếm một giải pháp đa văn hóa trở thành đối tượng của rất nhiều suy nghĩ và tranh luận trong các nhà triết học, xã hội học và chính trị học anglo saxon. Vấn đề đa văn hóa được đón nhận rất rộng rãi: ở Hoa Kỳ, các thiểu số có liên quan với các cuộc tranh luận này không chỉ bắt nguồn từ những truyền thống, mà đó có thể là những thiểu số tính dục hay có một sự khác biệt nào khác (những người điếc, mù,...). Những vấn đề trung tâm là về một xã hội đa văn hóa với những lý tưởng tự do cá nhân, bình đẳng và khoan dung, nền tảng của dân chủ.
Cuộc tranh luận xung quanh thuyết đa văn hóa đã mang hình thức một sự đụng đầu giữa những người tự do và những người cộng đồng. Đối với những người thứ nhất (Allan Bloom, Benjamin Barber, Dinesh D'Souza), những khác biệt văn hóa phải được khuôn vào lĩnh vực riêng tư, và trọng tâm phải được đặt vào việc đạt tới những giá trị chung của phép xã giao. Không được đặt một quy tắc riêng nào của một thiểu số lên trên những giá trị chung ấy. Đối với những người thứ hai (Michael Sandel, Alasdair McIntyre, Amitai Etzioni), thất bại của quan niệm cá nhân chủ nghĩa tự do phải được ghi nhận: đó là sự quy thuộc vào một văn hóa tạo nên cá nhân. Những cộng đồng có nội dung văn hóa (gia đình, nhóm tôn giáo hay tộc người), do đó, phải thấy các quyền của họ được thừa nhận mạnh mẽ hơn, và xã hội tổng thể phải được xây dựng trên sự thừa nhận những khác biệt và sự đối thoại giữa các văn hóa.
Những nhà tư tưởng có ảnh hưởng nhất về thuyết đa văn hóa, so với hai cực điểm ấy, chiếm một vị trí trung gian, tuy rằng họ thường gần với những người cộng đồng hơn. Đối với Charles Taylor, Michael Walzer và Will Kymlicka, thuyết đa văn hóa là một giải pháp cho sự bất ổn xã hội và những thiếu sót của chủ nghĩa tự do; bên cạnh tự do và bình đẳng, còn có những giá trị ngang với những chân lý riêng của mỗi văn hóa. Đối với C.Taylor, chẳng hạn, bình đẳng tức là phải đối xử giống nhau đối với tất cả các cá nhân, sẽ phải nhường chỗ cho đồng đẳng, tức là phải tính tới những hoàn cảnh riêng; hoàn toàn có thể hiểu được khi người ta giúp cho một cộng đồng thăng tiến văn hóa của mình chừng nào vị thế thiểu số của nó đặt nó vào sự nguy hiểm. Nhưng đồng đẳng cũng giả định rằng một tài sản được trao cho người này không gây tổn hại cho người khác; chẳng hạn, người ta có thể ban cho một nhóm nhập cư quyền đa thê, đó là truyền thống của họ, một cách khó khăn, nếu tập quán ấy đi ngược lại các quyền của một trong hai giới tính.
Theo M.Walzer, đa văn hóa thật ra là một sự thực hiện những lý tưởng dân chủ: những yêu sách về căn tính là nhằm để sửa chữa sự đối xử bất bình đẳng dành cho các thiểu số. Phải dành chỗ cho họ và chấp nhận rằng các nhóm này đóng một vai trò trong cộng đồng dân tộc. ở châu Âu, lý thuyết đa văn hóa thường bị buộc tội thực hiện sự tan rã của các nhà nước dân tộc. Đúng là sự khẳng định một sự khác biệt văn hóa có những nguy cơ chính trị: nó có thể là cơ sở cho một yêu sách về quyền tự chủ của một cộng đồng. Nó cũng có thể bị khai thác vì những mục đích tội phạm như những cuộc tàn sát xảy ra giữa các cộng đồng ở Ruanda.
Theo một số nhà bình luận, chính sách dân tộc được thực hiện một cách cực đoan có thể góp phần vào các cuộc chiến tranh ly khai ở Nam Tư. Việc thành lập một nhà nước Inuit mới đây (nhà nước Nuvavut) ở Canada không đánh dấu một sự ly khai rõ rệt như thế, nhưng cũng cho thấy rằng thuyết đa văn hóa, đặc biệt khi đụng tới những cộng đồng bản địa, không thể bỏ qua vấn đề tự chủ về lãnh thổ. Thế nhưng, như Alain Touraine nhắc tới, thuyết ly khai là ngược lại với mục tiêu tìm kiếm, vì thuyết đa văn hóa "chỉ có ý nghĩa nếu nó được xác định như sự kết hợp với sự thống nhất xã hội và một tính đa nguyên văn hóa trên một lãnh thổ nhất định".
Dù còn có những ý kiến khác nhau, nhưng lý thuyết đa văn hóa đã có một tác động rất lớn đến văn hóa thế kỉ XX ở khắp các châu lục. Ở châu Âu lý thuyết đa văn hóa đã được đón nhận từ những năm 80 thế kỉ XX như một tính đặc thù Bắc Mỹ, gắn liền với cách cư trú của lục địa này cũng như với những xu hướng cộng đồng xã hội của nó. Trên thực tế, những chính sách phân biệt đối xử tích cực đối với các thiểu số, nhất là sự thừa nhận văn hóa, cũng mới mẻ so với ý tưởng meltingpot (nồi hầm) như đối với một người Pháp gắn bó với thuyết đồng hóa cộng hòa (assimiliationnisme républicain). Ảnh hưởng của thuyết đa văn hóa đối với thế giới ý tưởng chính trị hiện nay là không thể phủ nhận được. Nó được thể hiện nhiều nước có hiến pháp đa văn hóa: Canada, Australia, Nam Phi, Colombia, Paraguay. Nó cũng trở nên nhạy cảm ở cấp quốc tế, nhất là qua ý tưởng cho rằng văn hóa có thể tạo thành một tài sản được luật pháp bảo vệ: hiến chương về các quyền của trẻ em quy định rằng mọi trẻ em có quyền được giáo dục theo văn hóa của mình. Việc xây dựng châu Âu cũng chính là cơ hội để hình dung ra sự hình thành của một cộng đồng chính trị đa văn hóa. Nhưng, cũng rất thường khi nguyên lý đa văn hóa, tùy từng trường hợp, vấp phải sự chống cự khá mạnh.
Cần chú ý rằng, ngày nay, thuyết đa văn hóa không thể được coi là một phong trào không thể tránh khỏi: một số chính sách đã được thử nghiệm và đánh giá, và không phải bao giờ cũng được tiến hành. Chẳng hạn, năm 1997, chính quyền bang Californie đã từ bỏ các quy tắc tuyển dụng theo tộc người và giáo dục có hệ thống bằng những ngôn ngữ gốc. Hà Lan cũng làm như vậy đối với những người nhập cư năm 1990. Vấn đề thường được đặt ra là những ảnh hưởng xấu của các chính sách văn hóa, giúp cho một thiểu số bảo vệ tiếng nói và những tập quán của nó không nhất thiết cải thiện được điều kiện kinh tế cũng như khả năng đối thoại với đa số. Từ những kinh nghiệm tiêu cực này, hiện nay ở Mỹ có một trào lưu chống đa nguyên văn hóa theo hướng tự do cực đoan, trào lưu này chống lại hiệu quả luân lý của những chương trình hành động tích cực ủng hộ các thiểu số văn hóa.
Ở Pháp, người ta nhận thấy một sự tiến hóa chậm chạp về sự chú trọng đối với sự khác biệt văn hóa của những người nhập cư: từ năm 1981, các hiệp hội văn hóa và tôn giáo nhằm bảo tồn căn tính đã có được một quy chế hợp pháp. Việc dạy học bằng ngôn ngữ gốc được mở ra nhỏ giọt. Nhưng ngay cả ý tưởng phân biệt đối xử tích cực cũng bị loại trừ: ngôn ngữ thống trị vẫn là ngôn ngữ chức năng hội nhập của nhà nước. Những căng thẳng như vậy tồn tại trên bình diện các căn tính vùng. Nhưng sự thừa nhận các ngôn ngữ vùng - do sự gia nhập của châu Âu áp đặt - cũng vấp phải những văn bản hiến định cấm chúng đạt tới một quy chế chính thức.
Về phía các chuyên gia (xã hội học, chính trị học và triết học), các cuộc tranh luận xuất hiện nhân có những vụ việc như tục che mặt Hồi giáo. Những vụ việc này làm xuất hiện một điều là, bất chấp sự thừa nhận thực tế đa văn hóa ngày càng tăng, mọi truyền thống riêng có thể vấp phải các khái niệm về tính thế tục và tính công dân. Triển vọng của một chính sách đa văn hóa tích cực thường bị coi là nguy hiểm, vì nó dẫn tới chỗ chia nhỏ xã hội thành những cộng đồng tách biệt. Sự phân biệt đối xử tích cực, được áp dụng cho các cộng đồng ngôn ngữ, vùng hay tộc người, nói chung không được chấp nhận, và cả ý tưởng về một sự thừa nhận các cộng đồng văn hóa như những chủ thể pháp luật cũng vậy. Những cuộc tranh luận chủ yếu là về mức độ có thể công khai thừa nhận những khác biệt văn hóa, tôn giáo, ngôn ngữ đến đâu. Một số tác giả, như Dominique Schapper, vẫn coi nó nằm trong xã hội công dân, trong khi những người khác, như Michel Wieviorka, thì kêu gọi những nhà cầm quyền đóng một vai trò tích cực trong sự thừa nhận ấy.
Nguồn: Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 329, tháng 11/2011