Văn hóa

Mang gươm mở nước: Những diễn ngôn lịch sử


15-10-2020
Tác giả: Trần Trọng Dương

Như Lê Thái Tổ từng viết khi đánh Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ (Lai Châu) vào năm 1431: “cây cỏ hãi hùng trận mạc, núi sông đã nhập bản đồ (thảo mộc kinh phong hạc, sơn xuyên nhập bản đồ)”, đây là một tuyên cáo về quyền sở hữu đất đai của bên thắng trận, đó cũng là diễn ngôn xuyên suốt của chính thể Đại Việt trong nhiều thế kỷ.

Lịch sử Việt Nam đã từng được viết nên như là một lịch sử miên trường của các cuộc chiến tranh vệ quốc. Trong không khí thắm hồng của chủ nghĩa yêu nước thế kỷ XX, các cuộc chiến tranh bảo vệ lãnh thổ của người Việt đã được nhấn mạnh ở nhiều chiều kích nhằm để hun đúc lòng yêu nước của các tầng lớp nhân dân phục vụ cho các cuộc chiến tranh chống lại các thế lực phương Tây, phương Bắc và phía Tây Nam. Song, bên cạnh các cuộc nội chiến và các cuộc chiến tranh vệ quốc, còn có một lịch sử của các cuộc chiến tranh chinh phạt và quá trình thôn tính các tiểu quốc Champa, Chân Lạp, Thủy Xá, Hỏa Xá,… để mở rộng lãnh thổ. Trên cương vị của những người có nhiều chiến thắng hơn trong các cuộc chiến với các quốc gia cổ khác, người Việt dần dà trang bị thêm những cụm từ như “Nam tiến”, “mở nước” để đề cao tính chính đáng - chính nghĩa (vì quyền lợi chung) của mình. Quá trình Nam tiến (đôi khi còn cả Tây tiến nữa) được mĩ hóa bằng cả tư tưởng giáo hóa của Nho giáo, tư tưởng thực dân và tư tưởng quốc dân. Như Lê Thái Tổ từng viết khi đánh Đèo Cát Hãn ở Mường Lễ (Lai Châu) vào năm 1431: “cây cỏ hãi hùng trận mạc, núi sông đã nhập bản đồ (thảo mộc kinh phong hạc, sơn xuyên nhập bản đồ)”, đây là một tuyên cáo về quyền sở hữu đất đai của bên thắng trận, đó cũng là diễn ngôn xuyên suốt của chính thể Đại Việt trong nhiều thế kỷ.

Chiến tranh, nếu nhìn từ góc độ lịch sử, như là một hiện tượng xã hội phổ biến của bất kỳ quốc gia, hay cộng đồng người nào. Người Việt trong quá trình đi lên để hình thành một quốc gia, đã luôn phải đối mặt với chiến tranh, hoặc chủ động tham chiến để tìm phương thức sinh tồn và phát triển. Ngay từ thế kỷ X, Lê Hoàn đã thực thi một thủ pháp chính trị “Bắc cự Nam tiến” (phá Tổng bình Chiêm) để phù hợp với vị trí địa chính trị của mình. Trước giấc mộng bành trướng của các đế chế Trung Hoa hùng hậu, họ luôn cố gắng cầm cự bằng chính sách ngoại giao theo mô hình Đông Á: thiên triều- phiên triều. Sự ổn định về phía Bắc sẽ là điều kiện tiên quyết cho quá trình chinh phạt phương Nam. Những khối núi phía Tây từ Vân Nam qua Lào, chạy xuống Trường Sơn khiến cho biên giới phía Tây tương đối an toàn. Người Việt chỉ việc nương núi hướng biển, men theo duyên hải mà tiến. Cuộc chiến về phía Nam là một chuyện được coi là bình thường, bởi cái thế Việt - Chăm trong mấy trăm năm luôn là “cò trai tranh cạnh”. Cái thế “lưỡng đầu thọ địch” của người Việt buộc họ luôn phải tính toán. Dù rằng cuộc chiến dai dẳng bay tám trăm năm ấy đã diễn ra bằng nhiều phương thức chính trị khác nhau. Nó cũng cho thấy, khuôn mặt chiến thắng dần hiện ra bởi những động lực của tư tưởng và sức mạnh quân sự.

Ta thử đếm nhanh các mốc thời gian của những bước chân Nam tiến. Năm 982-990, Lê Hoàn giằng co vài lần với Chiêm Thành giữa khoảng phía Nam đèo Ngang. Năm 1069, bước tiến đầu tiên lấn đến Quảng Bình - Quảng Trị: Lý Thánh Tông khiến Chế Củ phải dâng ba châu Địa Lý - Ma Linh - Bố Chính. Năm 1306, Trần Nhân Tông dùng Huyền Trân đổi được hai châu Ô - Lý, đất Thừa Thiên – Huế được nhập bản đồ. Năm 1402, Hồ Quý Ly lấn thêm đến bốn châu Thăng – Hoa – Tư - Nghĩa. Năm 1471, Lê Thánh Tông dấn đến Nước Mặn, Quy Nhơn, biên giới phía Nam đến đèo Cù Mông. Năm 1611, Nguyễn Hoàng đặt phủ Phú Yên.  Năm 1623, Nguyễn Phước Nguyên được vua Chân Lạp cho lập hai đồn thuế tại Bến Nghé - Sài Gòn. Năm 1653, Nguyễn Phước Lan lập dinh Thái Khang (Khánh Hòa). Năm 1691, Nguyễn Phước Chu lập trấn Thuận Thành, năm 1697, đổi thành phủ Bình Thuận. Năm 1698, lập phủ Gia Định (gồm Sài Gòn - Đồng Nai). Năm 1708, Mạc Cửu xin Nguyễn Phước Chu sáp nhập trấn Hà Tiên (từ Kompong Som đến Cà Mau) vào bản đồ Đàng Trong. Năm 1757, Nguyễn Phước Khoát lấy được Tầm Phong Long (An Giang - Vĩnh Long) sau khi hỗ trợ Nặc Tôn lên ngôi vua Chân Lạp. Năm 1802, Nguyễn Ánh thống nhất lãnh thổ. Năm 1889-1907, người Pháp dần sáp nhập hai nước Thủy Xá - Hóa Xá (Tây Nguyên) vào bản đồ chính trị Đông Dương. 

Trên cương vị của những người có nhiều chiến thắng hơn trong các cuộc chiến với các quốc gia cổ khác, người Việt dần dà trang bị thêm những cụm từ như “Nam tiến”, “mở nước” để đề cao tính chính đáng- chính nghĩa (vì quyền lợi chung) của mình.

Như vậy, lãnh thổ như hiện nay được hình thành bởi những phương thức chính trị rất khác nhau: hoặc chiến tranh mở nước hoặc thông hôn hòa bình dưới áp lực của quân sự, có khi lại là do sự thâu nạp các lực lượng chính trị “bên lề”, có khi là sản phẩm từ việc can thiệp chính trị và chủ nghĩa thực dân. Song dù thế nào đi chăng nữa thì phương thức chiến tranh và lực lượng quân sự đồn trú vẫn chiếm ưu thế lấn lướt.

Đến đầu thế kỷ XX, khi lịch sử đã sang trang, người Việt đối diện với sự thất bại về quân sự, và chịu chính sách bảo hộ và khai thác thuộc địa của Pháp. Ngay ở lúc này, những diễn biến về tâm lý và hệ tư tưởng đã diễn ra một cách phức tạp trong tầng lớp trí thức và xã hội. Tư tưởng tiểu bá bành trướng của Nho giáo vẫn hằn trong trí não họ, niềm tự tôn dân tộc “con Lạc cháu Hồng” trong quá trình nhận đồng văn hóa và lịch sử khiến họ vẫn nhìn các nước/ các dân tộc khác (như Chăm, Lào, Thái,..) như là những nhóm người man di có thể chinh phục. Sự nhận đồng huyết thống về nguồn gốc Hán tộc (từ huyền thoại Thần Nông) khiến người Việt vừa muốn dựa vào người Hán để đánh Pháp, lại vừa e sợ sức mạnh và mối nguy hiểm tiềm tàng đến từ lịch sử bành trướng hàng ngàn năm của Hán tộc. Như Phạm Quỳnh chẳng hạn, ông vừa tự hào nhận nòi giống An Nam là miêu duệ văn minh của Hoa Hạ, có thể vác cờ hiệu Chi-na để bành trướng mở cõi về phương Nam, lại vừa lo sợ cái “họa Chi-na” ở Nam Kỳ và Bắc Kỳ do Pháp gây nên (1931: 5, 1918). Nghĩa là, Phạm Quỳnh vừa ghét - sợ Pháp - Tàu, lại vừa muốn mình giống như họ để tiếp tục mở rộng đất đai của dân tộc. Trong ông có sự hỗn hòa của cả tâm lý bành trướng Đại Việt có gốc Nho giáo, vừa có cả ham muốn thực dân – thuộc địa có gốc phương Tây. Thậm chí có khi, với tâm thế của một trí thức Bắc Kỳ, ông nhìn các vùng đất Nam Kỳ, miền núi phía Bắc, và xứ Lào với con mắt của đế quốc (ý của Lê Nguyên Long 2017).


Bản đồ Nam tiến của GS Lê Thành Khôi, TS Trần Trọng Dương sửa chữa, bổ sung.

Cái ham muốn đầy mâu thuẫn biểu hiện ở chỗ: họ vừa muốn đánh đuổi người Pháp, lại vừa muốn nương theo Pháp để thực dân hóa các nước nhỏ khác. Chính lúc này, quá trình Nam tiến được hình dung trong đầu óc họ như là một truyền thống sức mạnh và thành quả của người Việt trong nghìn năm chinh chiến. Trúc Khê Ngô Văn Triện đã phát biểu hiển ngôn rằng: hai dân Chiêm Thành - Chân Lạp đều nhỏ yếu, vì vậy mà “sức bành trướng của dân tộc ta trước sau đều chỉ tràn về mặt nam”. (Lịch sử Nam tiến của dân tộc Việt Nam 1921: 5). Ông lý giải rằng, nguồn gốc của sức mạnh ấy đến từ một truyền thống của lịch sử dân tộc: “Tổ tiên gây dựng biết bao công, Đánh Lạp bình Chiêm trải mấy đông. Nghiệp cả nối noi nên kính úy, Sao cho không hổ giống Tiên Rồng” (Việt Nam dân tộc Nam tiến sử). Ông coi rằng việc đánh dẹp Chân Lạp, bình định Chiêm Thành là một “đại nghiệp” đáng kính, là thể hiện công nghiệp của loài giống Rồng Tiên. Tức là, ông sử dụng cả niềm tự hào chủng tộc (từ Nho giáo chuyển thành giống nòi thượng đẳng trong chuỗi tiến hóa ở khu vực) để hỗ trợ cho điểm nhìn của người đồng bằng sông Hồng về những người Chăm-Khmer ở đồng bằng sông Cửu Long. Như lời đề từ của Nhượng Tống trong sách, thì “gấm vóc non sông một dải liền” bởi “máu đào xương trắng điểm tô lên”. Hình thể địa lý quốc gia thống nhất liền một dải kia là kết quả được đánh đổi bằng xương bằng máu của bao nhiêu thế hệ người Việt. Diễn ngôn chiến thắng của người Việt ở đây đã hiện rõ. Những xương máu của giống dân Hời hay dân Chân Lạp không được đếm kể đến. Nhượng Tống tin giang sơn gấm vóc này là một thành quả của người Việt, nhưng hàm ý của cả hai bài thơ lẫn cuốn sách của Trúc Khê lại không hoàn toàn nằm ở văn chương hay lịch sử, mà nó là một biểu hiện cho cái trở kháng (antagonism) của một chủ thể Việt đang bị thực dân đô hộ. Đó là sự kháng cự bằng tâm thức/ tâm thế của một kẻ bị trị đã từng là thế lực thống trị các nhóm người khác. 

Niềm tự hào Nam tiến không chỉ được sử dụng để làm giảm đau vết thương tâm hồn khi người Việt bị thế lực khác khống chế, mà còn được dùng để phục vụ cho cách mạng và dòng ý thức hệ Marxist trong nửa sau thế kỷ XX. Người chiến sĩ nổi tiếng nhất đáng được kể đến ở đây là Huỳnh Văn Nghệ. Khi ở Chiến khu Đ năm 1946, ông đã viết bài Nhớ Bắc như sau: "Ai về xứ Bắc ta đi với, Thăm lại non sông giống Lạc Hồng, Từ độ mang gươm đi mở cõi, Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long". Bài thơ là một sử liệu thú vị cho thấy những đan xen về tư tưởng chính trị và tự hào chủng tộc. Tác giả bài thơ là một người Việt (hoặc ít nhất là một người nói tiếng Việt) sinh ra, lớn lên và hoạt động cách mạng ở Nam Kỳ. Hoạt động chính trị của ông là theo tư tưởng Marxist. Nhưng tâm tư và tình cảm của ông là sản phẩm phái sinh từ tư tưởng nhà Nho và nhãn quan người đồng bằng sông Hồng. Ông – một người Việt ở đồng bằng sông Cửu Long, đang muốn thực hiện một chuyến “du hành xuyên thời gian-xuyên không gian”. Ông coi đất Bắc như là một chốn đất tổ - nơi đã phát nguyên ra giòng giống Lạc Long của họ Hồng Bàng. Hay nói cách khác, ông nhận mình là một nhánh con cháu dòng dõi Lạc Hồng trên mảnh đất phương Nam. Nhưng thú vị nhất chính là hình ảnh trung tâm “mang gươm đi mở cõi” trong sự đối sánh với sự nghiệp cách mạng của Huỳnh Văn Nghệ, nó cho thấy mục đích cách mạng - tâm thức dân tộc đã hòa quyện trong ngôn từ và hành động của ông. Như Bùi Quang Huy nhận định: “Tiếng thơ ấy là tiếng hát của một người trong cuộc - mà người ấy ở vị trí đầu đoàn quân ra trận nên cũng là khúc tráng ca của hàng vạn con người.” 

Nguồn: http://tiasang.com.vn/

Post by: Vu Nguyen HNUE
15-10-2020